Năm 1941, với việc xuất bản Dế mèn phiêu lưu ký ở tuổi 20 (bản in đầu tiên có nhan đề Con dế mèn), Tô Hoài có được hai vinh dự lớn trong nghề cầm bút: Trở thành người mở đầu thể loại truyện đồng thoại; Tác phẩm mở đầu lại là đỉnh cao của thể loại, đồng thời là một trong những áng văn học thiếu nhi nổi tiếng thế giới nhất của Việt Nam.
Nhà văn Tô Hoài và tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký”.
Sự thành công ngoài mong đợi của Dế Mèn phiêu lưu ký bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là sự kết hợp hài hòa giữa cốt truyện phiêu lưu và hình thức nhân cách hóa loài vật của tác phẩm, làm nên nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, trong đó có những tiếng cười đa sắc thái.
Tiếng cười hồn nhiên, tươi vui, sảng khoái
Trong văn học thiếu nhi, tiếng cười mang những giá trị quan trọng. Bởi đối tượng tiếp nhận trung tâm của văn học thiếu nhi là trẻ em. Đây là lứa tuổi cười nhiều, thích cười và có nhiều tiếng cười hồn nhiên, tươi vui, đáng yêu nhất. Nắm được đặc điểm tâm lí này, khi xây dựng những câu chuyện trên hành trình phiêu lưu của Dế Mèn, tác giả Tô Hoài đã lồng ghép vào đó rất nhiều tiếng cười vui vẻ, lạc quan, sảng khoái.
Đây là kiểu tiếng cười mang âm hưởng chủ đạo của tác phẩm. Khác với người lớn, cuộc sống qua lăng kính của các em luôn tràn ngập sắc hồng và rộn rã tiếng cười. Đối diện với nhiều thứ, trong đó có khó khăn, trẻ vẫn có thể mỉm cười. Mèn và Trũi là hai nhân vật tiêu biểu cho tiếng cười này trong tác phẩm. Trên hành trình khám phá thế giới, có lúc đôi bạn bị mất phương hướng, “bốn phía, vẫn mênh mông không thấy bến bờ nào hết”.
Lênh đênh trên sông nước cả ngày trời, vừa đói vừa mệt nhưng Mèn và Trũi vẫn cười một cách lạc quan. Mèn thì “vũ cánh múa càng, vừa múa vừa hát nghêu ngao”, còn Trũi thì “cười. Rồi Trũi cũng múa càng lên”. Biết rằng “vạn sự khởi đầu nan”, những chặng đầu tiên của hành trình phiêu lưu không hề suôn sẻ nhưng cả hai nhân vật đều không nao núng, luôn giữ tinh thần vững vàng để cùng vượt qua thử thách. Trong những lúc như thế, vũ khí đắc lực của các nhân vật chính là tiếng cười giòn giã, sảng khoái, đầy bản lĩnh.
Tiếng cười là yếu tố chính mang đến sắc thái tươi vui, lạc quan tác phẩm. Bên cạnh đó, những tiếng cười vui vẻ, yêu đời ấy còn mang cảm hứng tự hào. Điều này thể hiện rõ ở tiếng cười của các nhân vật khi làm được những việc tốt đẹp cho đồng loại, cho cuộc đời. Người đọc không khỏi xúc động với tiếng “cười rộ” của bác Xiến Tóc khi cứu được Mèn từ tay lão chim Trả và nhận ra chân lí cuộc sống “chán đời là tính xấu, kẻ chán đời nghĩ là ta cao thượng, nhưng thật không cao thượng mà chỉ là trốn việc và rong chơi”. Truyện cũng làm ta nhớ mãi về hình ảnh Dế Mèn “cười, sung sướng và cảm động” khi nghe những chia sẻ từ Kiến Chúa và họ lại cùng nhau đi kết nối thế giới. Thành công trong việc khắc họa những tiếng cười vui tươi, hào sảng, tác giả không những mang đến được nhiều niềm vui, yêu thương mà còn gửi vào đó nhiều bài học cuộc sống. Tiếng cười của các nhân vật nhờ đó trở nên đa nghĩa, đa sắc hơn, đồng thời để lại được nhiều ấn tượng sâu sắc hơn.
Hình ảnh Dế mèn gắn với tuổi thơ của nhiều bạn đọc nhỏ tuổi.
Tiếng cười mỉa mai, châm biếm, giễu cợt
Trên hành trình kết nối với “thế giới đại đồng”, ngoài những giây phút được cười hồn nhiên vui vẻ, Mèn và Trũi cũng không ít lần phải cười mỉa mai, châm biếm. Trong truyện, kiểu tiếng cười này được biểu hiện rất đa dạng. Đây không chỉ là tiếng cười của nhân vật, mà còn là tiếng cười của chính tác giả và của bạn đọc khi đối diện với cái xấu, cái ác, cái lạc hậu.
Đầu tiên là tiếng “cười thầm” của Mèn khi nghe anh Cả chỉ trích ý định “phiêu lưu” của Mèn. Anh Cả là nhân vật điển hình cho những người bảo thủ, “khư khư ôm nắm đất, đến mòn đời chẳng làm được gì để lấy tiếng thơm cho cha ông”, “mới dúm tuổi mà đã lụ khụ hơn cả người già lẫn cẫn”. Tiếng cười của Mèn chính là sự phê phán nhẹ nhàng những người cả đời an phận, chịu sống cuộc đời quẩn quanh, cho mình là giỏi, không chịu học hỏi, tiếp thu, mở mang kiến thức. Tiếng cười ấy cũng phần nào nói lên ở nhân vật này tính cách cương nghị, tinh thần cầu tiến, thái độ dứt khoát đoạn tuyệt với cái cũ lạc hậu, trì trệ.
Thông qua các nhân vật Mèn, Trũi, tác giả tiếp tục dành tiếng cười cho những nhân vật có tính cách “dốt mà hay khoe chữ”, “khuếch khoác”, tiêu biểu nhất là Cóc. Cóc hay dùng những lời lẽ sáo rỗng, khoa trương và cho rằng có thể “hô mưa, gọi gió” vì nghĩ mình “là cậu ông trời”. Lúc này, tiếng cười bật lên vừa mang tính giải trí vừa ẩn ý mỉa mai, giễu nhại. Các mức độ của tiếng cười được miêu tả tăng dần: “Trũi mỉm cười”, “Suýt nữa tôi bật cười thành tiếng”, “Chúng tôi nhắm mắt, nhắm mũi lại lăn ra cười”. Cùng tính cách với Cóc còn có nhân vật Ếch. Ếch “đã dốt lại còn tự đắc và dở hơi”, nói năng hóng hớt, hay cướp lời người khác, chuyện gì cũng cho rằng mình biết nhưng thực ra chẳng biết gì. Vì vậy, Trũi đã cười “Ha ha! Ếch ngồi đáy giếng”. Ở thời đại nào, trong xã hội nào cũng có những con người như vậy. Tiếng cười “ha ha!” của Trũi vì thế vừa là sự chế giễu và là tâm thế chiến thắng trước cái giả tạo, hình thức. Đây cũng là tiếng cười hả hê nơi bạn đọc trước cái bi hài trong truyện, một những thành công mà tác giả đã làm được khi đưa tiếng cười vào Dế Mèn phiêu lưu ký.
Trong Dế Mèn phiêu lưu ký, tác giả còn hướng tiếng cười mỉa mai đến các nhân vật đại diện cho kẻ cậy quyền thế ức hiếp người khác. Mèn đã “cười khểnh”, tỏ ý coi thường Bọ Ngựa bởi đó là “cháu đích tôn của cụ võ sư”, nên có tính kiêu căng, hống hách. Cuối cùng, Mèn cũng thắng Bọ Ngựa trong cuộc đấu võ, đấu trí. Lẽ đời những kẻ “thùng rỗng kêu to” hay những người “ỷ mạnh hiếp yếu”cuối cùng cũng sẽ nhận bài học đích đáng. Tiếng cười của Dế Mèn không chỉ là thái độ khinh bỉ mà còn là sự cảnh tỉnh đối với cái ác. Và khi cái ác thất bại trước cái tốt đẹp, tiếng cười trở nên ý nghĩa hơn. Đó là giá trị ngoài tiếng cười, sau tiếng cười độc đáo mà tác giả đã làm được khi xây dựng các nhân vật của mình.
Trong những chuyến phiêu lưu của mình, Mèn còn cười những kẻ ăn chơi, gian ác. Mèn “cười thầm” lão chim Trả đã “già mà hay làm đỏm trái mùa. Đã hóp má rồi mà lại hay tỏ vẻ hơ hớ trai tơ”. Cái vẻ bên ngoài của lão thật là diêm dúa, “bụng trắng, lưng xanh thắt đáy, đôi cánh nuột nà biếc tím. Chân lão đi đôi hia đỏ hắt”, cặp mỏ thì “đen quá, dài quá, xấu quá”. Dù lão có cố điệu đà vẫn không che lấp được bản chất ranh mãnh, độc ác bên trong. Chim Trả hay ăn thịt các loài cá, thường xuyên lừa và cướp nhà của Chuột, bắt Mèn về làm quản gia cho hắn. Thông qua tiếng cười ấy, tác giả phê phán kiểu người mánh khóe, những kẻ hay áp bức người khác. Tiếng cười của Dế Mèn vì thế mang ý nghĩa xã hội rất rõ nét.
Tiếng cười của tình yêu thương
Không chỉ có tiếng cười chế nhạo, mỉa mai, trong truyện còn có những nụ cười của tình yêu thương nơi các nhân vật mang lý tưởng cao đẹp. Tiêu biểu là tiếng cười an ủi, cảm thông của nhân vật Dế Mèn khi biết nguyên nhân dẫn đến sự chán chường, tuyệt vọng nơi Xiến Tóc. Cũng như Dế Mèn ngày trước, bác Xiến Tóc từng bị bọn trẻ con thành phố bắt để làm trò tiêu khiển. Không còn tự do và chứng kiến sự mất mát của đồng loại, cả Mèn và Xiến Tóc đều bị sốc. Nhưng Mèn vượt qua được còn Xiến Tóc từ đó đã sống trong nỗi ám ảnh, sợ hãi và buông thả bản thân. Gặp Xiến Tóc từ trước, biết bản chất của bác ấy không phải người vô trách nhiệm nên Mèn chỉ “lắc đầu mỉm cười”. Khác với tiếng cười nhằm vào Cốc, Ếch, Bọ Ngựa hay Chim Trả, tiếng cười lần này của Dế Mèn không còn sắc thái mỉa mai, khinh bỉ hay phê phán. Ở đó chỉ còn lại niềm thương xót, cảm thông với đồng loại, với những ai từng cùng cảnh ngộ với mình. Đây là tiếng cười của Dế Mèn sau bao ngày trải nghiệm cuộc đời đã thực sự trưởng thành, là tiếng biết đồng cảm, chia sẻ, thương yêu, bao dung, biết nhìn nhận sự việc ở nhiều chiều hướng khác nhau. Đây cũng là một bài học làm người hay và thấm thía mà nhà văn Tô Hoài muốn gửi đến các bạn nhỏ.
Bên cạnh tiếng cười của Mèn và Trũi, trong truyện Dế Mèn phiêu lưu ký còn có tiếng cười của những nhân vật khác: Tiếng cười “ha ha!”, “khanh khách” kiêu ngạo của bọn trẻ em thành phố khi tìm thấy Dế Mèn, tiếng “cười khẩy” đầy nhu nhược của anh Cả khi nghe ý định đi ra ngoài để khám phá thế giới của Mèn, tiếng cười “khà khà” ranh ma của lão chim Trả… Đây là những tiếng cười mang sắc thái tiêu cực. Tuy nhiên, thông điệp của tác phẩm là gửi đến các em nhỏ những giá trị tốt đẹp về tình yêu thương, lòng khoan dung, niềm tin yêu vào cuộc sống, nên tác giả đã không tô đậm những tiếng cười ấy mà chỉ dừng lại ở miêu tả sơ lược. Do đó, tiếng cười đắc ý của những thế lực xấu xa không có nhiều dịp để được cất lên trong tác phẩm này. Đây là một trong những đặc trưng của truyện đồng thoại Việt Nam mà Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm mở đầu đã thể hiện một cách rất tiêu biểu.
Có thể thấy, tiếng cười trong Dế Mèn phiêu lưu ký thật đa dạng với nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau. Ở mỗi tiếng cười, bên cạnh niềm vui là những thông điệp, bài học nhẹ nhàng mà tác giả thông qua các nhân vật loài vật gửi gắm đến bạn đọc nhỏ tuổi của mình. Trong tác phẩm, tiếng cười không còn là một hiện tượng sinh lí mà được thể hiện một cách sinh động như một hiện tượng xã hội, trở thành những tín hiệu mang nhiều giá trị độc đáo. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự thành công, sức hấp dẫn cũng như sức sống bền bỉ của Dế Mèn phiêu lưu ký, không chỉ ở Việt Nam mà cả trong nền văn học thiếu nhi thế giới.
Theo Trịnh Bích Thùy - GD&TĐ
Nhà xuất bản Văn học và bạn bè, người thân, những người yêu mến tác giả Nguyễn Trọng Tạo - người nghệ sĩ tài hoa này vừa hoàn thành và ra mắt Nguyễn Trọng Tạo - tuyển tập. Bộ sách được giới thiệu tới công chúng trước ngày giỗ đầu của ông được xem như một ném tâm hương thành kính dành để tri ân tới người nghệ sĩ tác giả “Khúc hát sông quê”.
Mới đây, Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM vừa công bố Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2019. Theo đó, có 4 tác phẩm được nhận giải thưởng và tặng thưởng trong năm nay.
Chiều ngày 17/12, tọa đàm ra mắt tiểu thuyết Cô độc của nhà văn Uông Triều diễn ra tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tọa đàm với chủ đề Cuộc hành hương của chữ, đã thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đến dự và phát biểu ý kiến.
Tập thơ “Phút rành rang sống chậm” (NXB Hội Nhà văn, 2019) của nhà thơ, TS Nguyễn Trọng Hoàn (Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào đạo) có 184 bài thì hai phần ba số ấy nói đến hành vi đi và hình ảnh con đường. Ngay tại lời đề từ và bài Đề dẫn đặt đầu sách, tác giả đã viết: Ý nghĩ ăn phải bùa thiên di/ Anh đi mãi đến giờ không kịp nghĩ.
Sáng 12/12/2019, tại 58 Quán Sứ, Hà Nội, Ban Văn hoc - Nghệ thuật (V0V6) Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức buổi toạ đàm giới thiệu tiểu thuyết lịch sửĐường về Thăng Long của nhà văn Nguyễn Thế Quang.
Hãy cùng trở lại quá khứ, nghe câu chuyện có thật mà như cổ tích, để cảm nhận về một tình bạn đầy xúc động. Tình bạn giữa đôi voi Xung và Cung. Tình bạn giữa hai dân tộc Việt Nam - Liên Xô ngày ấy, Việt Nam - Liên bang Nga bây giờ.
Trong hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển, cùng với những đánh giá và đề xuất nhận định thêm, rõ hơn về người cầm bút cần mẫn, bám sát đời sống người dân lao động, còn có những chia sẻ thân thiết về một bạn văn đáng kính của nhiều nhà văn.
Khoa Viết văn - Báo chí (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du) Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập.
Nhằm đúng ngày sinh nhật của nhà thơ Thanh Tùng, đông đảo văn nghệ sĩ đã tề tựu tại Hội Nhà văn Việt Nam để cùng trò chuyện về tài thơ cũng như cuộc đời ông, trong khuôn khổ hội thảo “Thanh Tùng – còn đây một thời hoa đỏ”.
Sáng 13-11, Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ III được tổ chức tại Ninh Bình. Nhiều nỗi trăn trở của người viết trẻ được nêu ra, song vẫn thiếu những giải pháp thiết thực được kiến nghị, đưa ra bàn thảo. Hơn lúc nào hết, người viết trẻ rất cần sự chung tay để phát triển tài năng, sáng tạo, vì sự phát triển văn hóa Thủ đô.
Kỉ niệm 84 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tùng (7/11/1935 - 12/9/2017), sáng ngày 7/11/2019, tại 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Thơ Thanh Tùng - còn đây một thời hoa đỏ”.
Nhìn lại gần 100 năm qua, kể từ khi Thơ mới có những manh nha trên báo chí đến thời điểm hiện tại, có thể liệt hàng nghìn bài viết, công trình tập trung vào mọi khía cạnh của Thơ mới.
Tôi đọc nhiều bài thơ trong tập thơ “Biên bản thặng dư” (NXB Hội Nhà Văn 9/2019) đầy ấn tượng của nhà thơ Phùng Hiệu. Chủ lưu trong mạch trữ tình của anh là ánh nhìn tinh khôi về tình yêu, tình đời.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CH Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, vừa trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật cho nhà văn Ngô Tự Lập. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế “ Franconomics” được tổ chức tại L’Espace.
Ba mươi năm làm vợ làm mẹ, ba mươi năm làm báo viết văn đã đem lại cho nhà văn Y Ban nhiều trải nghiệm.
“Văn Nguyễn Minh Châu cho thấy nhiều hành trình, nhưng hành trình khiến tôi nhớ nhất là từ “Dấu chân người lính” (1972) đến “Lửa từ những ngôi nhà” (1977), vắt ngang thời điểm 1975, từ chiến tranh về hòa bình, từ chiến trường về hậu phương, nhưng là một hậu phương vẫn tiếp tục là chiến trường trong đời thường không khói súng. Có thể nói chất đời tràn trề, thấm đẫm trong văn Nguyễn Minh Châu” - GS. Phong Lê chia sẻ tại hội thảo “Nguyễn Minh Châu và tiến trình đổi mới văn học” nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà văn.
“Châu - Chút tạ tình tri âm” của tác giả Thanh Thủy là cuốn bút ký viết về cuộc đời và sự nghiệp của người nghệ sĩ tài danh - NSƯT Mỹ Châu.
Bước ra từ chiến trường với 10 năm làm lính đặc công đã góp phần tạo nên tên tuổi của nhà văn viết về chiến tranh Việt Nam - Chu Lai. Hàng chục tác phẩm ra đời đã được đông đảo độc giả đón nhận nhưng chưa khi nào ông ngừng suy ngẫm và trăn trở. “Khi nào tôi còn neo vào hơi thở cần lao, còn hết lòng yêu thương con người, tôi còn tạo cho nhịp điệu trái tim mình”.
Không hoa lệ như trong những dòng văn của Thạch Lam, cũng không lãng mạn tình tứ như câu hát “sương giăng Hồ Tây trắng”... Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, hiện ra trong ký ức của tác giả Trung Sỹ rất khác.
Xuân Diệu thuộc tầng lớp trí thức Tây học nhưng từng có tới 10 năm học làm thơ cổ điển, bởi thế ông nắm rất vững các kỹ xảo thơ ca truyền thống, thấy được sự đắc địa trong các sáng tác thơ ca cổ điển để phát hiện về các điển phạm của hệ thống nhà thơ cổ điển Việt Nam.