Năm 1941, với việc xuất bản Dế mèn phiêu lưu ký ở tuổi 20 (bản in đầu tiên có nhan đề Con dế mèn), Tô Hoài có được hai vinh dự lớn trong nghề cầm bút: Trở thành người mở đầu thể loại truyện đồng thoại; Tác phẩm mở đầu lại là đỉnh cao của thể loại, đồng thời là một trong những áng văn học thiếu nhi nổi tiếng thế giới nhất của Việt Nam.
Nhà văn Tô Hoài và tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký”.
Sự thành công ngoài mong đợi của Dế Mèn phiêu lưu ký bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là sự kết hợp hài hòa giữa cốt truyện phiêu lưu và hình thức nhân cách hóa loài vật của tác phẩm, làm nên nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, trong đó có những tiếng cười đa sắc thái.
Tiếng cười hồn nhiên, tươi vui, sảng khoái
Trong văn học thiếu nhi, tiếng cười mang những giá trị quan trọng. Bởi đối tượng tiếp nhận trung tâm của văn học thiếu nhi là trẻ em. Đây là lứa tuổi cười nhiều, thích cười và có nhiều tiếng cười hồn nhiên, tươi vui, đáng yêu nhất. Nắm được đặc điểm tâm lí này, khi xây dựng những câu chuyện trên hành trình phiêu lưu của Dế Mèn, tác giả Tô Hoài đã lồng ghép vào đó rất nhiều tiếng cười vui vẻ, lạc quan, sảng khoái.
Đây là kiểu tiếng cười mang âm hưởng chủ đạo của tác phẩm. Khác với người lớn, cuộc sống qua lăng kính của các em luôn tràn ngập sắc hồng và rộn rã tiếng cười. Đối diện với nhiều thứ, trong đó có khó khăn, trẻ vẫn có thể mỉm cười. Mèn và Trũi là hai nhân vật tiêu biểu cho tiếng cười này trong tác phẩm. Trên hành trình khám phá thế giới, có lúc đôi bạn bị mất phương hướng, “bốn phía, vẫn mênh mông không thấy bến bờ nào hết”.
Lênh đênh trên sông nước cả ngày trời, vừa đói vừa mệt nhưng Mèn và Trũi vẫn cười một cách lạc quan. Mèn thì “vũ cánh múa càng, vừa múa vừa hát nghêu ngao”, còn Trũi thì “cười. Rồi Trũi cũng múa càng lên”. Biết rằng “vạn sự khởi đầu nan”, những chặng đầu tiên của hành trình phiêu lưu không hề suôn sẻ nhưng cả hai nhân vật đều không nao núng, luôn giữ tinh thần vững vàng để cùng vượt qua thử thách. Trong những lúc như thế, vũ khí đắc lực của các nhân vật chính là tiếng cười giòn giã, sảng khoái, đầy bản lĩnh.
Tiếng cười là yếu tố chính mang đến sắc thái tươi vui, lạc quan tác phẩm. Bên cạnh đó, những tiếng cười vui vẻ, yêu đời ấy còn mang cảm hứng tự hào. Điều này thể hiện rõ ở tiếng cười của các nhân vật khi làm được những việc tốt đẹp cho đồng loại, cho cuộc đời. Người đọc không khỏi xúc động với tiếng “cười rộ” của bác Xiến Tóc khi cứu được Mèn từ tay lão chim Trả và nhận ra chân lí cuộc sống “chán đời là tính xấu, kẻ chán đời nghĩ là ta cao thượng, nhưng thật không cao thượng mà chỉ là trốn việc và rong chơi”. Truyện cũng làm ta nhớ mãi về hình ảnh Dế Mèn “cười, sung sướng và cảm động” khi nghe những chia sẻ từ Kiến Chúa và họ lại cùng nhau đi kết nối thế giới. Thành công trong việc khắc họa những tiếng cười vui tươi, hào sảng, tác giả không những mang đến được nhiều niềm vui, yêu thương mà còn gửi vào đó nhiều bài học cuộc sống. Tiếng cười của các nhân vật nhờ đó trở nên đa nghĩa, đa sắc hơn, đồng thời để lại được nhiều ấn tượng sâu sắc hơn.
Hình ảnh Dế mèn gắn với tuổi thơ của nhiều bạn đọc nhỏ tuổi.
Tiếng cười mỉa mai, châm biếm, giễu cợt
Trên hành trình kết nối với “thế giới đại đồng”, ngoài những giây phút được cười hồn nhiên vui vẻ, Mèn và Trũi cũng không ít lần phải cười mỉa mai, châm biếm. Trong truyện, kiểu tiếng cười này được biểu hiện rất đa dạng. Đây không chỉ là tiếng cười của nhân vật, mà còn là tiếng cười của chính tác giả và của bạn đọc khi đối diện với cái xấu, cái ác, cái lạc hậu.
Đầu tiên là tiếng “cười thầm” của Mèn khi nghe anh Cả chỉ trích ý định “phiêu lưu” của Mèn. Anh Cả là nhân vật điển hình cho những người bảo thủ, “khư khư ôm nắm đất, đến mòn đời chẳng làm được gì để lấy tiếng thơm cho cha ông”, “mới dúm tuổi mà đã lụ khụ hơn cả người già lẫn cẫn”. Tiếng cười của Mèn chính là sự phê phán nhẹ nhàng những người cả đời an phận, chịu sống cuộc đời quẩn quanh, cho mình là giỏi, không chịu học hỏi, tiếp thu, mở mang kiến thức. Tiếng cười ấy cũng phần nào nói lên ở nhân vật này tính cách cương nghị, tinh thần cầu tiến, thái độ dứt khoát đoạn tuyệt với cái cũ lạc hậu, trì trệ.
Thông qua các nhân vật Mèn, Trũi, tác giả tiếp tục dành tiếng cười cho những nhân vật có tính cách “dốt mà hay khoe chữ”, “khuếch khoác”, tiêu biểu nhất là Cóc. Cóc hay dùng những lời lẽ sáo rỗng, khoa trương và cho rằng có thể “hô mưa, gọi gió” vì nghĩ mình “là cậu ông trời”. Lúc này, tiếng cười bật lên vừa mang tính giải trí vừa ẩn ý mỉa mai, giễu nhại. Các mức độ của tiếng cười được miêu tả tăng dần: “Trũi mỉm cười”, “Suýt nữa tôi bật cười thành tiếng”, “Chúng tôi nhắm mắt, nhắm mũi lại lăn ra cười”. Cùng tính cách với Cóc còn có nhân vật Ếch. Ếch “đã dốt lại còn tự đắc và dở hơi”, nói năng hóng hớt, hay cướp lời người khác, chuyện gì cũng cho rằng mình biết nhưng thực ra chẳng biết gì. Vì vậy, Trũi đã cười “Ha ha! Ếch ngồi đáy giếng”. Ở thời đại nào, trong xã hội nào cũng có những con người như vậy. Tiếng cười “ha ha!” của Trũi vì thế vừa là sự chế giễu và là tâm thế chiến thắng trước cái giả tạo, hình thức. Đây cũng là tiếng cười hả hê nơi bạn đọc trước cái bi hài trong truyện, một những thành công mà tác giả đã làm được khi đưa tiếng cười vào Dế Mèn phiêu lưu ký.
Trong Dế Mèn phiêu lưu ký, tác giả còn hướng tiếng cười mỉa mai đến các nhân vật đại diện cho kẻ cậy quyền thế ức hiếp người khác. Mèn đã “cười khểnh”, tỏ ý coi thường Bọ Ngựa bởi đó là “cháu đích tôn của cụ võ sư”, nên có tính kiêu căng, hống hách. Cuối cùng, Mèn cũng thắng Bọ Ngựa trong cuộc đấu võ, đấu trí. Lẽ đời những kẻ “thùng rỗng kêu to” hay những người “ỷ mạnh hiếp yếu”cuối cùng cũng sẽ nhận bài học đích đáng. Tiếng cười của Dế Mèn không chỉ là thái độ khinh bỉ mà còn là sự cảnh tỉnh đối với cái ác. Và khi cái ác thất bại trước cái tốt đẹp, tiếng cười trở nên ý nghĩa hơn. Đó là giá trị ngoài tiếng cười, sau tiếng cười độc đáo mà tác giả đã làm được khi xây dựng các nhân vật của mình.
Trong những chuyến phiêu lưu của mình, Mèn còn cười những kẻ ăn chơi, gian ác. Mèn “cười thầm” lão chim Trả đã “già mà hay làm đỏm trái mùa. Đã hóp má rồi mà lại hay tỏ vẻ hơ hớ trai tơ”. Cái vẻ bên ngoài của lão thật là diêm dúa, “bụng trắng, lưng xanh thắt đáy, đôi cánh nuột nà biếc tím. Chân lão đi đôi hia đỏ hắt”, cặp mỏ thì “đen quá, dài quá, xấu quá”. Dù lão có cố điệu đà vẫn không che lấp được bản chất ranh mãnh, độc ác bên trong. Chim Trả hay ăn thịt các loài cá, thường xuyên lừa và cướp nhà của Chuột, bắt Mèn về làm quản gia cho hắn. Thông qua tiếng cười ấy, tác giả phê phán kiểu người mánh khóe, những kẻ hay áp bức người khác. Tiếng cười của Dế Mèn vì thế mang ý nghĩa xã hội rất rõ nét.
Tiếng cười của tình yêu thương
Không chỉ có tiếng cười chế nhạo, mỉa mai, trong truyện còn có những nụ cười của tình yêu thương nơi các nhân vật mang lý tưởng cao đẹp. Tiêu biểu là tiếng cười an ủi, cảm thông của nhân vật Dế Mèn khi biết nguyên nhân dẫn đến sự chán chường, tuyệt vọng nơi Xiến Tóc. Cũng như Dế Mèn ngày trước, bác Xiến Tóc từng bị bọn trẻ con thành phố bắt để làm trò tiêu khiển. Không còn tự do và chứng kiến sự mất mát của đồng loại, cả Mèn và Xiến Tóc đều bị sốc. Nhưng Mèn vượt qua được còn Xiến Tóc từ đó đã sống trong nỗi ám ảnh, sợ hãi và buông thả bản thân. Gặp Xiến Tóc từ trước, biết bản chất của bác ấy không phải người vô trách nhiệm nên Mèn chỉ “lắc đầu mỉm cười”. Khác với tiếng cười nhằm vào Cốc, Ếch, Bọ Ngựa hay Chim Trả, tiếng cười lần này của Dế Mèn không còn sắc thái mỉa mai, khinh bỉ hay phê phán. Ở đó chỉ còn lại niềm thương xót, cảm thông với đồng loại, với những ai từng cùng cảnh ngộ với mình. Đây là tiếng cười của Dế Mèn sau bao ngày trải nghiệm cuộc đời đã thực sự trưởng thành, là tiếng biết đồng cảm, chia sẻ, thương yêu, bao dung, biết nhìn nhận sự việc ở nhiều chiều hướng khác nhau. Đây cũng là một bài học làm người hay và thấm thía mà nhà văn Tô Hoài muốn gửi đến các bạn nhỏ.
Bên cạnh tiếng cười của Mèn và Trũi, trong truyện Dế Mèn phiêu lưu ký còn có tiếng cười của những nhân vật khác: Tiếng cười “ha ha!”, “khanh khách” kiêu ngạo của bọn trẻ em thành phố khi tìm thấy Dế Mèn, tiếng “cười khẩy” đầy nhu nhược của anh Cả khi nghe ý định đi ra ngoài để khám phá thế giới của Mèn, tiếng cười “khà khà” ranh ma của lão chim Trả… Đây là những tiếng cười mang sắc thái tiêu cực. Tuy nhiên, thông điệp của tác phẩm là gửi đến các em nhỏ những giá trị tốt đẹp về tình yêu thương, lòng khoan dung, niềm tin yêu vào cuộc sống, nên tác giả đã không tô đậm những tiếng cười ấy mà chỉ dừng lại ở miêu tả sơ lược. Do đó, tiếng cười đắc ý của những thế lực xấu xa không có nhiều dịp để được cất lên trong tác phẩm này. Đây là một trong những đặc trưng của truyện đồng thoại Việt Nam mà Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm mở đầu đã thể hiện một cách rất tiêu biểu.
Có thể thấy, tiếng cười trong Dế Mèn phiêu lưu ký thật đa dạng với nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau. Ở mỗi tiếng cười, bên cạnh niềm vui là những thông điệp, bài học nhẹ nhàng mà tác giả thông qua các nhân vật loài vật gửi gắm đến bạn đọc nhỏ tuổi của mình. Trong tác phẩm, tiếng cười không còn là một hiện tượng sinh lí mà được thể hiện một cách sinh động như một hiện tượng xã hội, trở thành những tín hiệu mang nhiều giá trị độc đáo. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự thành công, sức hấp dẫn cũng như sức sống bền bỉ của Dế Mèn phiêu lưu ký, không chỉ ở Việt Nam mà cả trong nền văn học thiếu nhi thế giới.
Theo Trịnh Bích Thùy - GD&TĐ
Có thể coi “Dế mèn phiêu lưu ký” là một trong những tác phẩm đặc biệt nhất của văn học Việt Nam, khi tính đến nay đã có rất nhiều ấn bản đặc biệt của bộ sách này ra đời. Mới đây, độc giả yêu mến “dế mèn” lại một lần nữa được thưởng thức cuộc phiêu lưu của chú dế lừng danh qua ấn phẩm mới với những bức tranh minh họa hoàn toàn khác biệt của nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa.
Ở vào tuổi 99, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn tỏ ra minh mẫn và tinh anh khi giao lưu cùng bạn đọc nhân dịp tái bản bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức vào sáng ngày 20-9, tại Đường sách TPHCM.
Khi nghe tin nhà văn Vũ Tú Nam đã trút hơi thở cuối cùng, lòng tôi dâng lên một nỗi buồn. Nhưng trong nỗi buồn ấy là những ký ức đẹp và ấm áp về ông. Hình ảnh ông hiện lên và ngự trị trên hình ảnh ấy là ánh mắt và nụ cười hiền hậu.
"Túc tắc sống/ Ngày nối ngày/ Túc tắc say từng phút giây/ Tới khi nào buông tay bút/ Trời xanh ngút túc tắc bay..." - là những dòng thơ của con trai nhà văn Vũ Tú Nam mới đăng để tiễn biệt cha về cõi vĩnh hằng.
Sớm thứ hai ngày 7-9, Trung tướng Triệu Xuân Hòa (Ba Hòa), nguyên Tư lệnh Quân khu 7, gọi cho tôi: “Anh nghe tin buồn chưa, bác Văn Lê đi đêm qua rồi”. Tôi không tin vào tai mình, hỏi lại: “Văn Lê nào, có phải nhà thơ Văn Lê?”. Giọng Ba Hòa buồn rười rượi: “Mới sớm qua, bác ấy còn đi qua ngõ nhà chúng tôi. Bác ấy vẫn cười vui mà?”.
“Mở mắt ngày đã trôi” là tập truyện mới của tác giả Hoàng Thanh Hương nằm trong đề án Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam thực hiện năm 2020.
Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2.9, NXB Kim Đồng giới thiệu những cuốn sách về quê hương đất nước, lịch sử cách mạng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, nhằm góp phần bồi đắp trong thế hệ trẻ lòng yêu nước thương nòi, tinh thần tự hào, hiểu sâu sắc hơn vị trí, uy tín của Việt Nam trong thế giới hiện đại là khởi nguồn từ ngày 2.9.1945.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại, với những sáng tác truyện ngắn đặc sắc, mang hơi hướng huyền thoại, cổ tích, hoặc lịch sử. Với Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Đông A và NXB Văn học), bạn đọc sẽ được gặp lại một cuốn sách vừa quen vừa lạ.
Được xem là tác phẩm đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi của “Ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết Số đỏ đã từng quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Mới đây, tác phẩm vừa được trở lại với một diện mạo hoàn toàn mới do Công ty Sách Đông A và NXB Văn học ấn hành.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc khi nghiên cứu bản sắc văn hoá của người Việt Nam đã nêu ra bốn yếu tố: Tổ quốc, gia đình, thân phận và diện mạo. Theo tôi trong bốn yếu tố ấy thì quan trọng nhất, khi hai yếu tố kia đã có rồi, là thân phận và diện mạo, vì hai yếu tố này mới xác nhận vị thế một con người trong xã hội.
Tôi xúc động rưng rưng khi đọc những trang đầu cuốn sách mới của nhà văn Ngô Thảo với đầu đề “Nghiêng trong bóng chiều” (Nxb. Quân đội nhân dân, 2020), mừng ông tròn tuổi 80. Ông mở đầu: Khi trò chuyện với người già, lớp trẻ sợ nhất là các vị ôn nghèo, kể khổ về thời bao cấp.
Trở về với miền Nam để trả món nợ ân tình, đó chính là khát vọng để Nguyễn Thi sáng tạo nên những tác phẩm cố gắng khái quát bức tranh rộng lớn của một thời cả dân tộc lên đường đánh Mĩ.
Bao năm qua, những sáng tác về Hà Nội đều đặn ra mắt công chúng. Không phải ngẫu nhiên nhiều tác giả luôn ưu ái dành một góc văn chương của mình để viết về Hà Nội, bởi tình yêu, sự mến thương và cảm giác gắn bó với mảnh đất Thăng Long xưa.
Tiểu thuyết “Những ngày cách ly”, tác giả Bùi Quang Thắng, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh dài 160 trang được viết trong 12 ngày, đề tài liên quan đến dịch Covid-19. Đọc xong, điều đầu tiên, cũng đáng nể người viết, người biên tập, đây hẳn là cuộc chạy đua để cuốn sách đến được với bạn đọc trong thời gian nhanh nhất có thể.
Bộ sách đồ sộ với độ dày gần 5000 trang tập hợp 30 nhật ký của những người lính trong chiến tranh. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gọi đây là bộ hồ sơ văn hóa Việt Nam. Còn Trung tướng, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng thì coi bộ sách là dấu ấn tâm hồn của các anh hùng liệt sĩ.
5 năm sau khi nữ tác giả Svetlane Alexievich nhận giải Nobel văn học cho những cuốn sách thuộc thể loại phi hư cấu, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, bằng sự nỗ lực lớn đã tiếp tục giới thiệu các tác phẩm của bà. Hai cuốn sách được dịch và giới thiệu mới là “Những nhân chứng cuối cùng” và “Những cậu bé kẽm” do dịch giả Phan Xuân Loan thực hiện.
Với mong muốn khơi gợi niềm thích thú và sự tò mò của độc giả nhỏ tuổi đến với sách giáo dục truyền thống, Nhà xuất bản Kim Đồng vừa giới thiệu câu chuyện về tấm gương anh hùng của chị Võ Thị Sáu và anh Lý Tự Trọng với phần lời kể được lồng ghép cùng những bức tranh tả thực hoành tráng.
Trong lòng tôi, nhà văn Phạm Tường Hạnh là người anh giàu tình nghĩa, sống sôi động, bộc trực, thẳng thắn, nhưng với đồng nghiệp thì luôn biết lắng nghe và tôn trọng. Hôm nay, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Phạm Tường Hạnh, xin có đôi dòng...
Đến nay, nhà văn Ma Văn Kháng đã cho ra đời hơn 20 tiểu thuyết, gần 200 truyện ngắn, chủ yếu lấy cảm hứng từ sử thi và thế sự đời tư, đề cập phần nhiều đến cuộc sống và con người vùng Tây Bắc.
Sáng thứ bảy 11-7, tại Nhã Nam Books N’ Coffee Sài Gòn (24A, đường D5, P.25, Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh), Nhã Nam tổ chức cuộc tọa đàm về cảm thức thẩm mỹ trong văn học Nhật Bản.