NGUYỄN XUÂN HOA
Giữa thập kỷ 1930, đời sống văn học và báo chí Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ: văn học hiện đại ngày càng được củng cố và gặt gái nhiều thành tựu; tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ đã phổ cập trong xã hội và gây được tiếng vang rộng rãi; phong trào “Thơ mới” đã tạo được chỗ đứng vững vàng; một số trào lưu văn học theo xu hướng hiện đại đã lấn át xu hướng truyền thống. Sinh hoạt báo chí ở hai trung tâm Hà Nội và Sài Gòn đang phát triển khá đa dạng; nhóm Tự Lực Văn Đoàn qua tờ Phong Hóa, nhóm Tân Dân qua tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy đã tạo ra những hiện tượng văn học thu hút được trí thức và giới trẻ có học. Trong khi đó, báo chí ở Huế vẫn còn bị chìm đắm trong không gian trầm lắng của tờ báo Tiếng Dân, do vị Tiến sĩ Hán học Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, ra đời từ tháng 8/1927, với phong cách diễn đạt, ngôn ngữ thể hiện, văn phong báo chí còn phảng phất âm vang của nền cựu học, tiếng dội của văn học mới trên báo chí Huế rất mờ nhạt.
Đầu năm 1935, Phan Khôi, một nhà báo xuất thân từ cựu học, nhưng đã miệt mài tự học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, người từng viết bài phê phán gay gắt Nho giáo, một nhà báo kỳ cựu, từng có quá trình 17 năm lăn lộn với nhiều tờ báo trong Nam ngoài Bắc, đang nổi lên là cây bút sắc sảo vào tầm cỡ quốc gia đã về Huế, giữ vai trò Chủ bút tờ báo Tràng An của Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập. Tờ Tràng An đã được Phan Khôi tổ chức thành một diễn đàn văn hoc, xã hội và tư tưởng; mang lại một bầu không khí mới trên diễn đàn báo chí Huế, khác với phong thái đạo mạo của báo Tiếng Dân, bổ sung một sắc thái mới cho báo chí Huế lúc bấy giờ.
Báo Tràng An dưới sự điều hành của Phan Khôi thường có những bài bình luận hoặc phóng sự sắc sảo, chỉ trích các sắc thuế của chính phủ bảo hộ, lên án thói bạo ngược của thực dân và đám cường hào áp bức. Đầu năm 1936, dưới áp lực của Mật thám Trung kỳ, Phan Khôi phải rời tờ Tràng An để đi dạy Việt văn cho trường Hồ Đắc Hàm ở Huế và thỉnh thoảng viết bài cho tờ Hà Nội Báo.
Giữa năm 1936, Phan Khôi đã ra Hà Nội xin được giấy phép xuất bản tờ tuần báo Sông Hương ở Huế, do chính ông sáng lập, trực tiếp làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, thể hiện xu hướng của một tờ báo khá đặc biệt vào giai đoạn đầu của báo chí xứ Huế. Báo chuyên về học vấn, tri thức, văn hóa, nghệ thuật, những lĩnh vực mà Phan Khôi và các người cộng sự có thế mạnh nổi trội. Qua Sông Hương, Phan Khôi đã tập hợp được những cây bút nổi tiếng, ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam thời bấy giờ như Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại, Lê Tràng Kiều, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Từ Ngọc, Hàn Thế Du, Nam Trân, Xuân Tâm, Xuân Diệu… cùng tham gia viết cho Sông Hương Huế.
Sông Hương số đầu tiên ra ngày 1/8/1936, là tờ báo khổ rộng (49cm x 33cm). Ngay trên bài viết “Sông Hương chào đời” in trang trọng trên trang nhất, báo đã xác định:
“Lấy tên Sông Hương chẳng có ý nghĩa gì khác hơn là tờ báo nầy ở Hương Giang.
“Người ta hay nói “sông Hương, núi Ngự” có ý dùng mà đại biểu cho cái kinh đô của nhà vua. Nhưng Sông Hương nầy chẳng qua là Sông Hương, không dám lấy tên mình làm một sự đại biểu hệ trọng và danh giá như thế.
“Sông Hương có khuynh hướng về văn học, mỹ thuật; và sông Hương là một cảnh đẹp ở đất nước này. Vậy nếu có ai muốn hiểu rằng cái tên tờ báo là để hợp với tánh chất tờ báo thì cũng được, cái tên ấy hóa ra lại có nghĩa….
“Một điều chúng tôi ao ước là hiện ở xứ ta hình như bà con đang khao khát một tờ báo chủ yếu về sự học vấn tri thức mà chưa có.
“Tờ Sông Hương này ra đời, hoặc có thể bù vào chỗ thiếu thốn ấy chăng!”.
Để minh chứng cho chủ trương này, từ số đầu tiên, Sông Hương đã đăng loạt bài “Vấn đề học thuật ở nước ta chỉ là một vấn đề tâm lý và luân lý” của Hoài Thanh, “Thơ và nhạc” của Lưu Trọng Lư, “Quan niệm về lịch sử” của Vũ Ngọc Phan, “Ông Nguyễn Văn Vĩnh trong mắt tôi” của Phan Khôi, “Võ sĩ mà văn sĩ” của Trần Thanh Mại.
Trong quá trình tồn tại, Sông Hương rất ít khi đưa tin tức thời sự, mà chỉ tập trung chuyển tải các bài viết về văn chương, văn học, lịch sử, đăng truyện ngắn, thơ, ký sự lịch sử (Tuy Lý Vương của Trần Thanh Mại), truyện dài (Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Tiếng võng đưa của Thúy Na, Lê Tràng Kiều, Đi học đi thi của Hàn Thế Du).
Đặc biệt, chính từ Sông Hương, tập tiểu thuyết “Làm đĩ”của Vũ Trọng Phụng đã được đăng liên tục từ số 2 đến số 32 (số cuối cùng) và đích thân Phan Khôi đã hai lần có bài trả lời Linh mục Nguyễn Hy Thích để bảo vệ cho tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, mặc cho vị Linh mục khả kính chính thức kêu gọi tẩy chay báo Sông Hương trên tờ báo Vì Chúa, vì Sông Hương đã đăng tải loại tiểu thuyết “dơ bẩn”.
Sông Hương đã đăng thơ của Xuân Diệu, Xuân Tâm, Nam Trân, Lưu Trọng Lư; đặc biệt có hai bài thơ của Sào Nam Phan Bội Châu: “Mừng báo Sông Hương” (số 4, ngày 22/8/1936) và “Trên sông Hương đọc báo Sông Hương” (số 27, ngày 6/2/1937). Ngoài ra còn có chuyên mục “Phê bình”, “Giới thiệu” về một số tác giả và tác phẩm văn học như giới thiệu “Vi Huyền Đắc và nghề kịch” (số 2, ngày 8/8/1936), phê bình “Thơ của Nam Trân” (số 3, ngày 15/8/1936), “Tam Lang: Tôi kéo xe” (số 8, ngày 19/9/1936), “Trống Mái của Khái Hưng” (số 27, ngày 6/2/1937), “Lạnh Lùng của Nhất Linh” (số 32, ngày 27/3/1937); có các chuyên mục “Thư Sài Gòn gửi ra”, “Thư Hà Nội gửi vào” và các thông tin về thời sự văn học thế giới.
Chiếm khá nhiều trang trên Sông Hương còn có các bài viết về lịch sử và nhân vật lịch sử như phỏng vấn “Bà Vương phi của Đức vua Duy Tân”, nghiên cứu “Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916”, “Ông Paul Doumer luận về vua Thành Thái”, “Quận Vạn Thành và con voi già của vua Hàm Nghi”, “Triều đình An Nam và vua Duy Tân dưới con mắt nhà văn Hàn lâm Eugène Brieux”…
Về phần mình, Phan Khôi viết rất nhiều loại bài, trên nhiều mục, từ các bài nghị luận, bàn về văn chương học thuật, đến những mục “Sử liệu từng mảnh vụn”, “Chương Dân thi thoại”, “Hán văn độc tu”, giới thiệu sách tặng..., với các bút danh Phan Khôi, P.K, Sông Hương, Ngự Sử. Hầu hết số nào cũng có một hai bài của Phan Khôi, có số ông có đến 4 bài (số 4). Ông kịch liệt phê phán sự hủ lậu của Hán học, tán dương văn minh Pháp, cổ xúy cho phong trào nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam, tranh luận về tự do, về pháp luật, về tự do ngôn luận, về vấn đề giáo dục,... với một văn phong “rất Phan Khôi”.
Sông Hương hoạt động trong thời điểm 1936 - 1937, lúc các cuộc vận động chính trị do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động, thông qua các tờ báo có xu hướng yêu nước đang diễn ra công khai ở Huế, có lúc chính Phan Khôi đã nhiệt tình tham gia, trực tiếp làm Chủ tịch hội nghị báo giới Trung kỳ (Hải Triều làm Thư ký) ngày 7/9/1936, hưởng ứng cuộc vận động tiến tới đại hội Đông Dương, đưa ra các kiến nghị về thành lập Hiến pháp để bảo vệ quyền lợi của nhân dân (“tự do ngôn luận và xuất bản, tự do hội hiệp, kết xã và lập hội, tự do đi lại trong nước và ra nước ngoài, tam quyền phân lập”). (Sông Hương số 7, ngày 12/9/1936).
Cũng có lúc, như tại cuộc họp chuẩn bị tiến tới hội nghị toàn thể báo giới Trung kỳ, vận động thành lập nghiệp đoàn báo giới, đã có những bất đồng xảy ra giữa Phan Khôi và Hải Triều, đến mức trên Sông Hương số 28 (ngày 20/2/1937), số 29 (ngày 27/2/1937), Phan Khôi đã viết bài “Van bạn đồng nghiệp Nhành Lúa xin đừng nói sai sự thực” với những lời gay gắt “Báo Nhành Lúa ra đời để bảo vệ quyền lợi bình dân nhưng đồng thời cũng để công kích Phan Khôi nữa. Mới rồi có người nói với tôi như thế. Nói như thế mà có lẽ đúng. Bởi vì ngay từ số 1, báo ấy đã có bài thóa mạ tôi rồi”.
Sau số 32 ra ngày 2/3/1937, Sông Hương phải tự đình bản sau 8 tháng hoạt động vì thiếu khả năng tài chính, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhóm Phan Đăng Lưu, những đảng viên Cộng sản hoạt động bí mật của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương đã thương lượng với Phan Khôi để mua lại báo Sông Hương, nhằm tạo thế hợp pháp, khỏi phải làm thủ tục xin phép ra báo mới. Phan Khôi đồng ý chuyển quyền sở hữu báo Sông Hương cho nhóm Phan Đăng Lưu. Báo Sông Hương sau đó vẫn giữ tên Sông Hương, nhưng thêm hai chữ “Tục Bản”, giữ tên “Sáng lập: Phan Khôi”. Báo do Nguyễn Cửu Thạnh, một nhân sĩ làm Chủ nhiệm, Ngô Đức Mậu ở Vinh đứng tên làm Thư ký Tòa soạn; bài viết chính được Phan Đăng Lưu và Tôn Quang Phiệt phụ trách. Thực chất báo Sông Hương Tục Bản đã trở thành một tờ báo vận động cách mạng của Xứ ủy Trung kỳ thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương, khác xa với xu hướng báo Sông Hương của Phan Khôi.
Thời gian tồn tại của báo Sông Hương, tờ báo duy nhất trong đời do Phan Khôi sáng lập và trực tiếp điều hành tuy ngắn ngủi, nhưng qua 32 số báo, với nỗ lực của một nhà báo đầy cá tính, Sông Hương đã tạo được một không khí sinh hoạt văn học, báo chí khá đặc biệt ở Huế, tạo nên một dấu ấn độc đáo trong đời sống báo chí một thời đáng nhớ của Huế.
N.X.H
(TCSH377/07-2020)
Sau khi hoàn tất bản thảo tập thơ Độc Hành thì nhà thơ Hải Bằng cũng “độc hành” về chốn vĩnh hằng vào ngày 7 tháng 7 năm 1998.
CÁT LÂM
Bình đẳng giới, nữ quyền, những vấn đề tưởng như mới mẻ ở nước ta nhưng thực chất vấn đề này đã được luận bàn từ những năm đầu của thế kỷ XX.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ghi chép
Trước, và ngay cả khi vừa giải phóng, vào lúc gần tối, nếu có một người khách nào đón đường gọi xe thồ, xe xích lô xin về làng Thế Lại, thì sẽ bị chủ xe lắc đầu ngay. Bởi chủ xe sợ một điều này: có đi mà không có về. Hoặc ít nhất là cũng về hai tay trắng.
NGUYỄN QUANG HÀ
Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Quảng Điền ở mãi dưới sâu, phải mượn địa bàn của xã Phong Sơn huyện Phong Điền làm chiến khu.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ngoảnh đi ngoảnh lại, vừa mới đó, vậy mà đã 100 số Sông Hương trình làng.
PHẠM HỮU THU
Ghi chép
Ngót nửa thế kỷ trôi qua, từ những chàng trai, cô gái giờ họ đã là những ông, những bà.
NGUYỄN QUANG HÀ
Hồi ký
NGUYỄN QUANG HÀ
Năm 1947 có hai chiến sĩ được cử về công tác tại chiến khu Ba Lòng. Đó là Trần Quốc Tiến, quê Quảng Trị và Hải Bằng, quê Thừa Thiên.
BẠCH DIỆP
Bút ký
Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ hàng. Khi bọn trẻ cùng lứa đánh khăng tập trận, chạy băng vườn cải mụ Tép, vượt rào bứt dưa hấu nhà ông Phường, phá nát ụ rơm cậu Dưỡng, thì tôi vẫn ngồi yên nghe ngoại kể chuyện. Chỉ có trò họp chợ, chơi mua bán với các dì mới rứt tôi ra khỏi ngoại.
NGUYỄN QUANG HÀ
Hồi ký
Mùa mưa 1968 là mùa mưa nghiệt ngã nhất. Sau trận càn lớn chưa từng có lên miền tây Thừa Thiên, địch tiếp tục phong tỏa miền núi bằng biệt kích.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Ghi chép
Từ mùa xuân năm ấy đến nay vừa tròn 30 năm, chẳng phải vì con số tròn ba thập kỷ mà tôi nhắc lại chuyện cũ. Chỉ vì từ mùa xuân năm ấy, cuộc đời tôi có một bước ngoặt mới và nhờ có mùa xuân năm ấy, cuốn sách đầu tay của tôi đã ra đời.
HỒ THANH THOAN
Đã gần 34 năm nay chúng ta không còn nghe đến tên Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên nữa, chuyện đã trở về dĩ vãng của một thời vàng son.
CHÂU PHÙ
Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968) sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Huế, tinh thông Nho học và chữ Pháp. Cụ cùng Ưng Bình Thúc Giạ Thị thành lập Hương Bình thi xã và giữ vai trò phó soái của thi xã này.
LỆ HẰNG
Bút ký dự thi
"Bánh lọc em ơi! Bánh mới hấp xong, nóng hổi luôn nì, lấy giùm chị ít chục hí?”
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Mấy năm trước, trong dịp cùng lên thăm vườn An Hiên của bà Nguyễn Đình Chi, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã giới thiệu cho tôi biết cụ Sa Giang Đào Thái Hanh (thân phụ của bà Nguyễn Đình Chi, tức bà Đào Thị Xuân Yến) có tập thơ "Ái Châu danh thắng" (trong "Mộng Châu thi tập") được các danh nho đương thời đánh giá rất cao.
NGUYỄN QUANG HÀ
Bút ký
BẠCH DIỆP
Bút ký dự thi
Tôi uống chậm, từng ngụm nhỏ.
VIỆT HÙNG
Ký
Tuổi hai mươi tràn trề hoài bão lớn và tuổi hai mươi... Ở thời đại nào cũng được coi là lứa tuổi hồn nhiên trong sáng, ấp ủ bầu nhiệt huyết, khát khao làm được cái gì có ích cho đời.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Ghi chép
Trời bỗng nhiên mưa, những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa rét đậm. Với tôi, hình như mưa bao giờ cũng là cánh cửa mở cho những vũ khúc hoài niệm ùa về.
LỆ HẰNG
Bút ký dự thi
“Thấu Huế rồi.”