NGUYỄN XUÂN HOA
Giữa thập kỷ 1930, đời sống văn học và báo chí Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ: văn học hiện đại ngày càng được củng cố và gặt gái nhiều thành tựu; tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ đã phổ cập trong xã hội và gây được tiếng vang rộng rãi; phong trào “Thơ mới” đã tạo được chỗ đứng vững vàng; một số trào lưu văn học theo xu hướng hiện đại đã lấn át xu hướng truyền thống. Sinh hoạt báo chí ở hai trung tâm Hà Nội và Sài Gòn đang phát triển khá đa dạng; nhóm Tự Lực Văn Đoàn qua tờ Phong Hóa, nhóm Tân Dân qua tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy đã tạo ra những hiện tượng văn học thu hút được trí thức và giới trẻ có học. Trong khi đó, báo chí ở Huế vẫn còn bị chìm đắm trong không gian trầm lắng của tờ báo Tiếng Dân, do vị Tiến sĩ Hán học Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, ra đời từ tháng 8/1927, với phong cách diễn đạt, ngôn ngữ thể hiện, văn phong báo chí còn phảng phất âm vang của nền cựu học, tiếng dội của văn học mới trên báo chí Huế rất mờ nhạt.
Đầu năm 1935, Phan Khôi, một nhà báo xuất thân từ cựu học, nhưng đã miệt mài tự học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, người từng viết bài phê phán gay gắt Nho giáo, một nhà báo kỳ cựu, từng có quá trình 17 năm lăn lộn với nhiều tờ báo trong Nam ngoài Bắc, đang nổi lên là cây bút sắc sảo vào tầm cỡ quốc gia đã về Huế, giữ vai trò Chủ bút tờ báo Tràng An của Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập. Tờ Tràng An đã được Phan Khôi tổ chức thành một diễn đàn văn hoc, xã hội và tư tưởng; mang lại một bầu không khí mới trên diễn đàn báo chí Huế, khác với phong thái đạo mạo của báo Tiếng Dân, bổ sung một sắc thái mới cho báo chí Huế lúc bấy giờ.
Báo Tràng An dưới sự điều hành của Phan Khôi thường có những bài bình luận hoặc phóng sự sắc sảo, chỉ trích các sắc thuế của chính phủ bảo hộ, lên án thói bạo ngược của thực dân và đám cường hào áp bức. Đầu năm 1936, dưới áp lực của Mật thám Trung kỳ, Phan Khôi phải rời tờ Tràng An để đi dạy Việt văn cho trường Hồ Đắc Hàm ở Huế và thỉnh thoảng viết bài cho tờ Hà Nội Báo.
Giữa năm 1936, Phan Khôi đã ra Hà Nội xin được giấy phép xuất bản tờ tuần báo Sông Hương ở Huế, do chính ông sáng lập, trực tiếp làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, thể hiện xu hướng của một tờ báo khá đặc biệt vào giai đoạn đầu của báo chí xứ Huế. Báo chuyên về học vấn, tri thức, văn hóa, nghệ thuật, những lĩnh vực mà Phan Khôi và các người cộng sự có thế mạnh nổi trội. Qua Sông Hương, Phan Khôi đã tập hợp được những cây bút nổi tiếng, ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam thời bấy giờ như Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại, Lê Tràng Kiều, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Từ Ngọc, Hàn Thế Du, Nam Trân, Xuân Tâm, Xuân Diệu… cùng tham gia viết cho Sông Hương Huế.
Sông Hương số đầu tiên ra ngày 1/8/1936, là tờ báo khổ rộng (49cm x 33cm). Ngay trên bài viết “Sông Hương chào đời” in trang trọng trên trang nhất, báo đã xác định:
“Lấy tên Sông Hương chẳng có ý nghĩa gì khác hơn là tờ báo nầy ở Hương Giang.
“Người ta hay nói “sông Hương, núi Ngự” có ý dùng mà đại biểu cho cái kinh đô của nhà vua. Nhưng Sông Hương nầy chẳng qua là Sông Hương, không dám lấy tên mình làm một sự đại biểu hệ trọng và danh giá như thế.
“Sông Hương có khuynh hướng về văn học, mỹ thuật; và sông Hương là một cảnh đẹp ở đất nước này. Vậy nếu có ai muốn hiểu rằng cái tên tờ báo là để hợp với tánh chất tờ báo thì cũng được, cái tên ấy hóa ra lại có nghĩa….
“Một điều chúng tôi ao ước là hiện ở xứ ta hình như bà con đang khao khát một tờ báo chủ yếu về sự học vấn tri thức mà chưa có.
“Tờ Sông Hương này ra đời, hoặc có thể bù vào chỗ thiếu thốn ấy chăng!”.
Để minh chứng cho chủ trương này, từ số đầu tiên, Sông Hương đã đăng loạt bài “Vấn đề học thuật ở nước ta chỉ là một vấn đề tâm lý và luân lý” của Hoài Thanh, “Thơ và nhạc” của Lưu Trọng Lư, “Quan niệm về lịch sử” của Vũ Ngọc Phan, “Ông Nguyễn Văn Vĩnh trong mắt tôi” của Phan Khôi, “Võ sĩ mà văn sĩ” của Trần Thanh Mại.
Trong quá trình tồn tại, Sông Hương rất ít khi đưa tin tức thời sự, mà chỉ tập trung chuyển tải các bài viết về văn chương, văn học, lịch sử, đăng truyện ngắn, thơ, ký sự lịch sử (Tuy Lý Vương của Trần Thanh Mại), truyện dài (Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Tiếng võng đưa của Thúy Na, Lê Tràng Kiều, Đi học đi thi của Hàn Thế Du).
Đặc biệt, chính từ Sông Hương, tập tiểu thuyết “Làm đĩ”của Vũ Trọng Phụng đã được đăng liên tục từ số 2 đến số 32 (số cuối cùng) và đích thân Phan Khôi đã hai lần có bài trả lời Linh mục Nguyễn Hy Thích để bảo vệ cho tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, mặc cho vị Linh mục khả kính chính thức kêu gọi tẩy chay báo Sông Hương trên tờ báo Vì Chúa, vì Sông Hương đã đăng tải loại tiểu thuyết “dơ bẩn”.
Sông Hương đã đăng thơ của Xuân Diệu, Xuân Tâm, Nam Trân, Lưu Trọng Lư; đặc biệt có hai bài thơ của Sào Nam Phan Bội Châu: “Mừng báo Sông Hương” (số 4, ngày 22/8/1936) và “Trên sông Hương đọc báo Sông Hương” (số 27, ngày 6/2/1937). Ngoài ra còn có chuyên mục “Phê bình”, “Giới thiệu” về một số tác giả và tác phẩm văn học như giới thiệu “Vi Huyền Đắc và nghề kịch” (số 2, ngày 8/8/1936), phê bình “Thơ của Nam Trân” (số 3, ngày 15/8/1936), “Tam Lang: Tôi kéo xe” (số 8, ngày 19/9/1936), “Trống Mái của Khái Hưng” (số 27, ngày 6/2/1937), “Lạnh Lùng của Nhất Linh” (số 32, ngày 27/3/1937); có các chuyên mục “Thư Sài Gòn gửi ra”, “Thư Hà Nội gửi vào” và các thông tin về thời sự văn học thế giới.
Chiếm khá nhiều trang trên Sông Hương còn có các bài viết về lịch sử và nhân vật lịch sử như phỏng vấn “Bà Vương phi của Đức vua Duy Tân”, nghiên cứu “Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916”, “Ông Paul Doumer luận về vua Thành Thái”, “Quận Vạn Thành và con voi già của vua Hàm Nghi”, “Triều đình An Nam và vua Duy Tân dưới con mắt nhà văn Hàn lâm Eugène Brieux”…
Về phần mình, Phan Khôi viết rất nhiều loại bài, trên nhiều mục, từ các bài nghị luận, bàn về văn chương học thuật, đến những mục “Sử liệu từng mảnh vụn”, “Chương Dân thi thoại”, “Hán văn độc tu”, giới thiệu sách tặng..., với các bút danh Phan Khôi, P.K, Sông Hương, Ngự Sử. Hầu hết số nào cũng có một hai bài của Phan Khôi, có số ông có đến 4 bài (số 4). Ông kịch liệt phê phán sự hủ lậu của Hán học, tán dương văn minh Pháp, cổ xúy cho phong trào nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam, tranh luận về tự do, về pháp luật, về tự do ngôn luận, về vấn đề giáo dục,... với một văn phong “rất Phan Khôi”.
Sông Hương hoạt động trong thời điểm 1936 - 1937, lúc các cuộc vận động chính trị do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động, thông qua các tờ báo có xu hướng yêu nước đang diễn ra công khai ở Huế, có lúc chính Phan Khôi đã nhiệt tình tham gia, trực tiếp làm Chủ tịch hội nghị báo giới Trung kỳ (Hải Triều làm Thư ký) ngày 7/9/1936, hưởng ứng cuộc vận động tiến tới đại hội Đông Dương, đưa ra các kiến nghị về thành lập Hiến pháp để bảo vệ quyền lợi của nhân dân (“tự do ngôn luận và xuất bản, tự do hội hiệp, kết xã và lập hội, tự do đi lại trong nước và ra nước ngoài, tam quyền phân lập”). (Sông Hương số 7, ngày 12/9/1936).
Cũng có lúc, như tại cuộc họp chuẩn bị tiến tới hội nghị toàn thể báo giới Trung kỳ, vận động thành lập nghiệp đoàn báo giới, đã có những bất đồng xảy ra giữa Phan Khôi và Hải Triều, đến mức trên Sông Hương số 28 (ngày 20/2/1937), số 29 (ngày 27/2/1937), Phan Khôi đã viết bài “Van bạn đồng nghiệp Nhành Lúa xin đừng nói sai sự thực” với những lời gay gắt “Báo Nhành Lúa ra đời để bảo vệ quyền lợi bình dân nhưng đồng thời cũng để công kích Phan Khôi nữa. Mới rồi có người nói với tôi như thế. Nói như thế mà có lẽ đúng. Bởi vì ngay từ số 1, báo ấy đã có bài thóa mạ tôi rồi”.
Sau số 32 ra ngày 2/3/1937, Sông Hương phải tự đình bản sau 8 tháng hoạt động vì thiếu khả năng tài chính, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhóm Phan Đăng Lưu, những đảng viên Cộng sản hoạt động bí mật của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương đã thương lượng với Phan Khôi để mua lại báo Sông Hương, nhằm tạo thế hợp pháp, khỏi phải làm thủ tục xin phép ra báo mới. Phan Khôi đồng ý chuyển quyền sở hữu báo Sông Hương cho nhóm Phan Đăng Lưu. Báo Sông Hương sau đó vẫn giữ tên Sông Hương, nhưng thêm hai chữ “Tục Bản”, giữ tên “Sáng lập: Phan Khôi”. Báo do Nguyễn Cửu Thạnh, một nhân sĩ làm Chủ nhiệm, Ngô Đức Mậu ở Vinh đứng tên làm Thư ký Tòa soạn; bài viết chính được Phan Đăng Lưu và Tôn Quang Phiệt phụ trách. Thực chất báo Sông Hương Tục Bản đã trở thành một tờ báo vận động cách mạng của Xứ ủy Trung kỳ thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương, khác xa với xu hướng báo Sông Hương của Phan Khôi.
Thời gian tồn tại của báo Sông Hương, tờ báo duy nhất trong đời do Phan Khôi sáng lập và trực tiếp điều hành tuy ngắn ngủi, nhưng qua 32 số báo, với nỗ lực của một nhà báo đầy cá tính, Sông Hương đã tạo được một không khí sinh hoạt văn học, báo chí khá đặc biệt ở Huế, tạo nên một dấu ấn độc đáo trong đời sống báo chí một thời đáng nhớ của Huế.
N.X.H
(TCSH377/07-2020)
NGUYỄN ĐÌNH CHI
Hồi ký
KỶ NIỆM 102 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 19-5-1890 _ 19-5-1992.
THÁI VŨ
Nguyễn Phúc Đảm (sau này là vua Minh Mạng), sinh năm 1791 tại Gia Định, là con trai thứ 4 của Vua Gia Long, Nguyễn Phúc Ánh, nối ngôi vua năm 1820 lúc 30 tuổi.
TỪ HỒNG QUANG
Thông thường, khi vui người ta nghĩ đến những điều vui và kể lại cho bạn bè nghe. Nhưng ông cha ta có câu: “Không ai nắm chặt tay từ sáng đến tối”. Lại có câu: “Bảy mươi chưa hết què, chớ khoe mình lành”.
ĐÔNG HÀ
Tôi không biết từ đâu, tôi lại tha thiết yêu những câu hát đẹp như mơ được cất lên từ chị, có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em đã nương theo vào đời làm từng nỗi ưu phiền…
HÀ KHÁNH LINH
Theo hẹn, tôi đến trước vài phút ngồi ở salon khách sạn Hương Giang - lơ đãng nhìn những người đi lại trong hành lang.
TRẦN NGỌC TRÁC
Như duyên nợ, chúng tôi đã đồng hành cùng nhau qua series ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du”(1).
PHẠM XUÂN PHỤNG
Vào đúng 9 giờ đêm 26 tháng 3 năm 1975, chúng tôi vui sướng đến nghẹn ngào nhận tin vui Huế đã được giải phóng qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội. Tiếp đến là mệnh lệnh tất cả sẵn sàng hành quân về Huế. Không ai không mong chờ niềm vui ấy, nhưng những người lính quê Thừa Thiên, trong đó có tôi đều vui mừng vì sắp được trở lại quê nhà!
PHI TÂN
1.
Buổi chiều trên đường đi làm về thấy một chị phụ nữ bày bán những con heo đất bên vỉa hè màu xanh, đỏ, vàng, cam nhìn thật vui mắt.
PHẠM PHÚ PHONG
Hồi ức làm ta muốn khóc...
(Vasiliev)
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Vua Minh Mạng có 78 hoàng tử, được giáo dưỡng đàng hoàng, hầu hết các hoàng tử có học hạnh, hoàng trưởng tử trở thành vua hiền Thiệu Trị, một số trở thành vương công nổi tiếng như Thọ Xuân vương, Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương…
NGUYỄN NHÃ TIÊN
Chưa bao giờ tôi được lội bộ đùa chơi với cỏ thỏa thích như bao lần khai hội Festival ở Huế. Đêm, giữa cái triều biển người nối đuôi nhau từ khắp các ngả đường hướng về khu Đại Nội, tôi và em mồ hôi nhễ nhại, hai đôi chân rã rời, đến nỗi em phải tháo giày cầm tay, bước đi xiêu lệch.
HÀ KHÁNH LINH
Bão chồng lên bão, lũ lụt nối tiếp lũ lụt. Miền Trung Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng chưa bao giờ phải hứng chịu thiên tai dồn dập khủng khiếp đến mức chỉ trong vòng trên dưới một tháng mà có đến sáu cơn bão mạnh với hai áp thấp nhiệt đới, đã cướp đi nhiều sinh mạng và xóa sạch tài sản của những con người suốt một đời chắt chiu dành dụm xây cất lên...
PHẠM XUÂN PHỤNG
Một buổi chiều năm 1968, chúng tôi nhận lệnh tập trung tại một khu vườn thuộc làng (nay là phường) Kim Long.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Mười năm trước đây, một sự kiện văn hóa diễn ra tại Huế đã khiến nhiều người ngạc nhiên và tự hào: Huế từng có Nhà xuất bản Tinh Hoa xuất bản các ấn phẩm âm nhạc sớm nhất toàn cõi Đông Dương, sự kiện Gala Tinh Hoa - Sông Hương nhằm tôn vinh Nhà xuất bản Tinh Hoa. Sự kiện đó đã làm rung động nhiều trái tim yêu âm nhạc, nhất là những ai mê lịch sử Tân nhạc Việt Nam.
NGUYỄN THỊ TÂM HẠNH
(Dẫn liệu từ tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay [1932 - 1940])
HÀ LÂM KỲ
Hồi ký
NGUYỄN QUANG HÀ
Tôi vốn là người lính. Sau Mậu Thân 1968, một số phóng viên báo Cờ Giải Phóng - Huế hy sinh, một số bị thương ra Bắc, tôi được thành đội trưởng Huế cử biệt phái sang làm phóng viên báo Cờ Giải Phóng, sau mấy năm thì trở thành phóng viên thật sự.
Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (18/9/1945 - 18/9/2020)
DƯƠNG PHƯỚC THU
NGUYỄN KHẮC PHÊ
"Đồng Khánh - mái trường xưa" là tên tập đặc san được phát hành tại Huế nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập trường Đồng Khánh vào đầu tháng ba này.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020)
DƯƠNG HOÀNG