Huế, tháng 3/1975... nhớ nhớ, quên quên

08:17 26/03/2025
Hai tay tôi nắm chặt một nắm tro cốt của người bạn thân thuở thiếu thời tung ra xa, trên những lùm cây xanh tươi tốt nằm sâu hun hút dưới chân đèo, long lanh nhiều giọt mưa từ đêm qua còn đón đợi, rồi quỳ phục xuống với mấy lời khấn vái: - Chi ơi, hôm nay sau 49 ngày mất, bạn được vợ con đưa về quê hương, đúng như di nguyện của mình! Vậy là xong một cuộc đời, với bao buồn vui, lo toan và hy vọng... Mong bạn thanh thản về với đất trời và không còn điều gì phải hối tiếc!

Trời Hải Vân hửng nắng, có gió thổi hiu hiu. Những đám mây xanh vần vũ, sà thấp xuống như vòng tay dang rộng đón bạn tôi về. Đang mùa bão, lũ lụt sạt lở từ miền Bắc chuyển dần về miền Trung. Tôi đang ở Đà Lạt. Hẹn với gia đình Trần Chi là sáng 20/9/2024 sẽ có mặt ở đỉnh đèo Hải Vân để tiễn bạn, nhưng vì nghe dự báo thời tiết sắp có bão lớn, sợ bị kẹt lại vì thời tiết xấu, không kịp thời gian, nên đi máy bay về Đà Nẵng chờ trước một ngày. Các bạn ở Huế cũng không dám đi xe vào, vì sợ đường đèo sạt lở đất. Chỉ một mình Tịnh nhảy vội “xe ké” vào từ chiều hôm trước. Ngoài vợ, con trai, con gái, con rể, cháu ngoại, Chi còn có các bạn một thời lăn lộn dựng xây vùng kinh tế mới, là các anh Thanh, Sanh, Sơn, Tâm... từ huyện Krông Năng cùng đưa Chi đi trong chuyến về quê cuối cùng này. Tôi biết, Chi bước chân ra đi vẫn còn nhiều luyến tiếc. Cũng đành vậy thôi, khi mắc phải chứng ung thư quái ác, là khi trời gọi phải về. Bạn đã sống qua một quãng đời tuổi trẻ tươi đẹp và không thiếu chút rực hồng của ánh sáng hào hùng. Hôm nay trời thương nên nắng ấm.

Nghe nói, ngoài vợ chồng người con gái và đứa cháu ngoại cùng ở thị trấn Krông Năng, Chi đã có cháu nội đích tôn định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh, và “con so về nhà mẹ” nên cháu được sinh ra ở Phan Thiết, trước khi Chi qua đời chỉ mới mấy ngày. Có gọi điện, ông cháu đã gặp nhau bằng hình ảnh trên điện thoại. Vậy là vui rồi bạn của tôi ơi! Tôi biết đời bạn chưa hẳn đã nguội lạnh nhiệt tình và khát vọng, nhưng biết làm sao được, nghiệp duyên nợ nần với trần gian đã cạn, bạn phải ra đi trong vòng tay chào đón của mây gió, đất trời.

*

Sáng 24/3/1975, tôi và Chi đang ở trại gỗ Nam Sơn trên đường Duy Tân (nay là đường Hùng Vương) bên kia cầu An Cựu, thì được mật lệnh của anh Lê Văn Thành, Đội trưởng gọi về chốt giữ ở bến đò Chợ Dinh. Nơi đây, ngoài anh Thành, Đội trưởng đội Biệt động thuộc Thành đội Huế, còn có các anh từng hoạt động trong phong trào đô thị mà tôi từng biết trước đó như anh Trương Văn Hoàng, Trịnh Ngọc Mùi, hoặc cùng chuyển qua đội Biệt động với tôi và Trần Chi như Lê Phước Quyệt, Văn Viết Tịnh (sau khi tham gia cách mạng lên chiến khu học tập, quay về hoạt động với tên mới là Văn Quang Minh),... Ngoại trừ anh Lê Văn Thành, là người “nhảy núi” từ năm 1968, bị bắt đi tù Côn Đảo, được trao trả tù binh sau Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, rồi quay vào nội thành làm Đội trưởng đội Biệt động, chúng tôi đều là cơ sở của Thành ủy, hoạt động bí mật hoặc bán công khai trong phong trào đô thị, nhưng do yêu cầu của tổ chức, phải chuyển về đội biệt động, trở thành những người lính cầm súng chiến đấu. Trong đơn vị biệt động, vẫn giữ tính chất hoạt động đơn tuyến: tổ chúng tôi có tên là Tống Duy Tân, biệt danh của Tịnh là Tống, anh Thành là Duy, tôi là Tân, do anh Thành chỉ huy; bên dưới tôi là tổ Hoa Hướng Dương, cô Nguyễn Thị Bích Thủy tên Hoa, tôi tên Hướng, Trần Chi tên Dương...

Thời gian bão táp và khắc nghiệt. Có lúc nó cuốn phăng, xóa hết mọi dấu vết nhanh chóng đến khó ngờ, phủ dụ cả trí nhớ con người đến mức bội bạc lãng quên. Nhưng thời gian của những ngày tháng Ba năm 1975 kéo dài đến vô tận: họp ở nhà thầy Từ đường Cao Bá Quát nghe các anh phổ biến nhiệm vụ tiếp quản thành phố và dặn dò đường lối của cách mạng, trước sự rã ngũ và bỏ chạy của binh lính, cùng với lực lượng toàn thành phố nổi dậy cướp chính quyền, kiểm soát và treo cờ giải phóng lên các công sở, giữ gìn an ninh phố xá cả ngày lẫn đêm, đề phòng địch tạo cơ hội tập trung lực lượng để phản kích, hoặc đập phá, hủy hoại tài sản, nhà cửa, các công trình dân sinh trước khi rút chạy, nhất là giữ gìn tài sản của người dân, ngăn chặn kẻ xấu nhân đục nước hôi của, tối đó còn tổ chức lễ ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng kiêm Quân quản ở rạp cinéma Tân Tân... Ui chao, chỉ một ngày thôi, cái ngày 25/3 ấy, dài hơn cả cuộc kháng chiến, với bao nhiêu nhiệm vụ và sự kiện diễn ra, hay như người ta vẫn thường nói ví von thành một phép đo định lượng: “Một ngày bằng hai mươi năm”! Anh Thành còn nhấn mạnh thêm, như một chỉ thị: “Địch rút chạy về Thuận An vì đường Quốc lộ 1 bị ta chia cắt ở Phú Lộc, nhưng không ai bảo đảm rằng khi bị dồn vào đường cùng chúng sẽ không làm càn. Mặc dù bên kia đã có đội du kích mật do anh Thảo thành lập rất mạnh, đang án ngữ vùng Dương Nỗ, Lưu Khánh nhưng các đồng chí không được chủ quan, các đồng chí phải bảo đảm kiểm soát được địa bàn đã phân công, nhất là bến đò chợ Dinh cả ngày lẫn đêm.”

Tuổi trẻ trong sáng và nông nổi. Chúng tôi thời đó, phần lớn đều tuổi ngoài đôi mươi, hoặc mới chớm đôi mươi, đến với tổ chức bằng tấm lòng yêu nước và sự nhiệt thành một cách sáng trong. Cũng vào chiều ngày ấy, đang đi tuần tra trên đường bỗng nghe một loạt đạn AK từ phía bờ sông, đoạn cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Chi Lăng. Khi chạy đến nơi thấy Tịnh trên mặt đầy vết máu. Hóa ra, anh được giao nhiệm vụ đi kiểm tra và treo cờ ở Chi cục Cảnh sát Quốc gia quận Nhì, nằm trên đường Chi Lăng. Sau khi làm xong nhiệm vụ, anh nhìn lên trên tường thấy có treo bức ảnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ghét quá, sôi máu, dương súng AK bắn một loạt đạn liên thanh. Kính bọc ngoài bức ảnh vỡ, văng xuống trúng vào trán, máu chảy tràn khuôn mặt. Nghe tiếng súng, nhiều người chạy về, trong đó có cả chiếc xe Jeep do anh Nguyễn Kỳ Sơn lái, chở anh Nguyễn Xuân Hoa, người mà mấy ngày trước bị địch bắt giam trong lao Thừa Phủ, nay cũng giống anh Sơn, cũng mũ, súng lục, ngồi xe quân quản. Nhìn thấy Tịnh như vậy, các anh đều cười: “Người ta giải phóng cả thành phố - anh Hoa nói - không tốn một giọt máu, “cụ mi” răng máu me tùm lum rứa?”. Quyệt thì đi tuần tra trên đường Trần Hưng Đạo, thấy một chiếc lốp xe đạp do kẻ gian lấy trộm trong cửa hàng nào đó của dân mang đi còn rơi rớt lại trên đường, tiếc của anh mang về, định sẽ thay vào chiếc xe đạp cà tàng của mình, không ngờ bị anh Trương Văn Hoàng mắng cho té tát, rằng là “làm mất phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, phương châm không đụng đến cây kim sợi chỉ của dân, đồng chí quên rồi sao...”, và bắt phải ngay lập tức mang lên trả lại chỗ cũ! Chi cũng đi tuần tra trên cầu Gia Hội, thấy một thanh niên lăn một thùng phi trong đó không biết đựng xăng hay dầu hỏa, hỏi ra mới biết là đồ lấy cắp, anh buộc thanh niên kia phải lăn về trả lại chỗ cũ. Người kia cứng đầu vẫn cứ lăn đi. Chi lạnh lùng ra lệnh:

- Có dừng lại không? Nếu cứ tiếp tục lăn, tôi bắn!

- Có giỏi thì bắn đi! - Người kia chủ quan thách thức.

Nghe súng nổ, tôi từ đường Chi Lăng gần đó, lái chiếc xe Cindy vừa được tạm cấp chạy lên. Sự việc sau đó Chi bị làm kiểm điểm rất nặng nề, tôi cũng bị anh Thành, lúc này là Quận đội phó, gọi lên “giũa” cho một trận, hết đường biện hộ. Bởi lẽ, lúc này tôi là Phường đội trưởng, Chi là Phường đội phó phường Phú Cát, tôi mang tội rèn lính không nghiêm! Lúc mới tiếp quản, tôi được cử làm Khu đội trưởng Khu phố IV, Chi cũng làm cấp phó cho tôi (là ba phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu sau này; đâu chỉ hơn tuần sau, lại quay về mô hình cấp phường, và Chi cùng tôi về phường Phú Cát; sau đó lại chia nhỏ thành Khóm đội...). Quyết định cử làm chức vụ này, công việc nọ, cũng như quyết định chuyển chúng tôi từ Thành ủy sang Thành đội thời ấy, đều là “khẩu quyết”, là quyết định chỉ nói bằng miệng, không có một thứ giấy tờ gì, nhưng vẫn răm rắp tuân theo. Tương tự như vậy, mấy chục đảng viên kết nạp trong nội thành, sau năm 1975, đều không thể tiếp tục sinh hoạt Đảng, vì không có giấy tờ, chứng cứ. Nhưng tôi tin rằng, họ vẫn là những đảng viên chân chính. Bởi lẽ, thế hệ chúng tôi sinh ra trong một hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt của đất nước.

Những sự kiện trên, lẽ ra đáng để quên đi. Nhưng không hiểu sao vẫn còn hiện rõ trong tôi, mỗi khi nhớ về những ngày sôi động ấy, nó như những đoạn phim quay chậm về một thời bồng bột, chưa được huấn luyện kỹ càng, chưa rành về súng đạn, cũng chưa ý thức đầy đủ về bản chất quái ác của chiến tranh. Nhưng quan trọng hơn, sau năm 1975, chúng tôi vỡ ra nhiều điều, rồi số phận đẩy đưa, mỗi người đi về mỗi ngả. Có người hanh thông thăng tiến, cũng có người lận đận sa cơ lỡ vận, nhưng đều ở những mũi nhọn của cuộc sống, không trốn tránh, quay lưng. Anh Hoàng bị bệnh mất sớm. Anh Thành về làm Phường đội trưởng phường Phú Hòa, rồi lên đến chức Trưởng phòng Ngoại thương thành phố Huế, về hưu rồi sớm qua đời vì bệnh tật, di chứng của trận đòn tra tấn trong tù. Tịnh về công tác ở Công trình công cộng, rồi sang chiến đấu ở chiến trường Campuchia, về xây dựng và phụ trách thủy điện Bình Điền, rồi về Trung tâm dạy nghề cho trẻ em nghèo, nay đã nghỉ hưu. Quyệt, người không rành súng đạn, bị cướp cò tự bắn bị thương bàn chân trái của mình, trôi dạt về quê trở thành nông dân. Anh Nhiên dẫn thanh niên đi kinh tế mới Đắk Lắk, làm Chủ tịch xã, quay về làm Phó bí thư Thành đoàn, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, rồi Trưởng ban Đối ngoại thành phố, về hưu với chức danh Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế. Hoạt động đối ngoại của anh khá thành công, anh là một trong bốn người ở Huế được chính phủ Cộng hòa Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ vàng tước Hiệp sĩ. Trớ trêu thay, những người đi cùng anh lên xây dựng vùng kinh tế mới thời ấy, ở lại trên đó cũng kinh qua nhiều môi trường công tác, giữ nhiều trọng trách với nhiều cống hiến nổi bật, nay đều ra đi bởi căn bệnh ung thư: Anh Trần Văn Hội, Quách Thành, Trần Chi... So với anh em, tôi có phần suôn sẻ hơn: về tiếp tục đi học, ra trường và làm nghề dạy học. Tôi còn nhớ cuối mùa xuân 1977, tôi mang chiếc xe Cindy và hai khẩu súng lên trả lại cho Thành đội. Thành đội trưởng Nguyễn Tiến Hánh tỏ ra không hài lòng, tôi cố thuyết phục:

- Thủ trưởng ký cho em về đi học! Nhà em thuộc diện ưu tiên, có đến bốn, năm liệt sĩ thủ trưởng ơi!

- Đúng. Tôi biết. Chính vì ưu tiên tôi mới giữ đồng chí ở lại.

- Nếu không cho em về, xin thủ trưởng chuyển trả em về lại Thành ủy! - Tôi xuống nước, năn nỉ.

- Vâng, tốt! Tôi sẽ chuyển đồng chí về lại Thành ủy, sau này họ gọi đi nghĩa vụ quân sự, thì đừng có trách tôi nhé!

Tưởng là lời “hăm dọa” suông, nào ngờ mùa xuân 1979, tôi đang học gần xong năm thứ hai khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Huế, thì nhận được lệnh gọi tái ngũ. Đã từ giã người thân, người yêu, bạn bè, trường lớp. Đã nhận quân trang, quân dụng. Đã khoác lên người chiếc ba lô, bộ đồ lính và đến nơi tập kết quân (địa điểm Trung tâm Đăng kiểm, đường Điện Biên Phủ bây giờ); và nữa, đã cùng đồng đội lên xe... Khi chiếc xe GMC đã nổ máy, chuẩn bị chuyển bánh, thì có một cán bộ trường tôi đang học, chạy xe máy lên, trên tay cầm một tờ giấy huơ cao, đó là giấy hoãn dịch của tôi do Thành đội cấp! Vì phải chuyển quân ra mặt trận phía Bắc, nên đợt tuyển quân của tôi lần ấy là nhằm bổ sung cho lực lượng truy quét tàn quân Khmer Đỏ ở Campuchia. Sau này tôi được biết, có nhiều người ngồi trên đoàn xe ra đi đợt ấy, đã vĩnh viễn không trở về! Đôi khi tâm hồn tôi tự dằn vặt nghĩ suy, rằng thôi, đừng hát mãi Bài ca không quên mà phải nhận thức một cách tận cùng bản chất của chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa. Nó chính là hữu thể của cái ác.

*

Trong đời, chúng tôi có thể đã bỏ quên nhiều thứ, nhưng có những điều trở thành máu thịt, là lẽ sống, là hơi thở không thể lãng quên. Đó là khi tết đến xuân về phải viếng thăm những nơi đã cưu mang, che chở chúng tôi trong những năm hoạt động đầy gian truân và hiểm nguy luôn rình rập thuở ấy, trong đó có cả những nơi đã đào hầm bí mật trong nhà nuôi giấu và sống chết với những cán bộ nội thành. Họ làm những điều đó là họ đã tự nguyện và chấp nhận đánh cược mạng sống của cả gia đình vào ván bài sinh tử của lòng yêu nước. Tôi có người anh rể, quê ở Phú Đa, Phú Vang; bố mẹ anh nuôi cán bộ trong nhà. Khi địch đến, bảo con cháu lánh bớt sang nhà hàng xóm, hai ông bà trải chiếu giữa nhà ngồi ăn cơm, dưới chiếu là nắp hầm bí mật. Vì có chỉ điểm, nên địch đã giằng lấy bát cơm, lôi hai ông bà dậy để khui hầm bí mật. Rồi, trước sự giằng co, ngăn cản quyết liệt của hai vợ chồng già, tránh sao khỏi cái chết diễn ra! Khoảng hơn mươi năm đầu, cuộc sống còn quá nhiều khó khăn của thời bao cấp, chúng tôi lại như đàn chim vỡ tổ, mỗi đứa một nơi, khi có điều kiện quần tụ lại với nhau trong gần bốn mươi năm trở lại đây, chúng tôi đều đi thăm tết. Hầu hết những cô bác, anh chị thuở ấy nay đã trở thành người thiên cổ. Họ mất đi, nhưng tấm lòng yêu nước của họ dường như bất tử, vẫn rực hồng một màu đỏ thắm tươi. Đổi lại, chúng tôi cũng chỉ có tấm lòng, với một gói bánh, gói trà, những ngày cuối năm hằng năm, đến thắp một nén nhang, tưởng nhớ người đã khuất. Chuyện này do anh Nguyễn Nhiên khởi xướng. Những năm đầu, còn nhiều người tham gia, rồi rơi rụng dần, bởi già yếu, bệnh tật, có người đã qua đời; những năm gần đây, chỉ còn lại ba người: anh Nhiên, Tịnh và tôi.

Thời gian vẫn là một đại lượng đứng yên. Chỉ có cuộc sống con người và vạn vật trôi đi không bao giờ trở lại, dưới đôi mắt soi xét khắc nghiệt của thời gian. Sau những ngày tháng ba sôi động ấy, anh em chúng tôi bây giờ nhiều người đã ra đi: các anh Trương Văn Hoàng, Võ Văn Đông, Thái Ngọc San, Trần Vàng Sao, Bửu Chỉ, Lê Văn Ngăn, Văn Hữu Tứ, Lê Viết Dũng, Trần Văn Hội, Nguyễn Hân, Quách Thành, Trần Chi... Những người còn sống, thì đã vượt ngoài ngưỡng cửa của tuổi “xưa nay hiếm”, đang đi bằng những bước chân chậm rãi cuối cùng của cuộc đời, nhưng vẫn nhớ ngày xưa. Và, cuộc sống bây giờ cũng đã khác xưa. Khác đi rất nhiều. Khác đến mức những người chưa từng trải qua thật khó mà hình dung/ tưởng tượng về ngày xưa.

Cuộc sống vẫn lao về phía trước. Đất nước, cũng như thành phố Huế thân yêu mà tôi gắn bó gần trọn cả cuộc đời, đang ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đúng như tâm nguyện của Bác Hồ. Chỉ tính riêng về mặt địa lý một cách cơ học thôi, cũng thấy rất rõ ràng. Ngày xưa, Huế chỉ từ bên dưới cầu Lòn đến ngang Đập Đá, từ cầu An Hòa đến Bến Ngự. Nay Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương rộng nhất nước với 8 Di sản Văn hóa thế giới vật thể và phi vật thể. Dù có nhớ hay quên, cũng phải đáng tự hào. Cũng như từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi vẫn luôn động đậy, mỗi khi nhớ về anh em đồng đội một thuở phong trào đấu tranh đô thị, lại ngửi thấy mùi vị và dường như hiện ra trước mắt tôi cái màu tro cốt trắng đục hòa quyện với mây trời, trôi bồng bềnh như những ngọn sóng lan xa, trong không gian bao la của một ngày đất trời tươi sáng và trên hồn cốt của cây cỏ, lá hoa.

P.P.P
(TCSH56SDB/03-2025)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Tin nổi bật