Hồn thơ thăng hoa từ cái kết của một bi kịch

14:55 23/03/2020

Đọc “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nhiều người thích đi tìm xung đột, đi tìm bài học thời sự, đi tìm bài học có tính dự báo và vô số những bài học giá trị khác.

Một cảnh trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh minh họa từ IT

Nhưng riêng tôi, tôi lại muốn đọc lại để khám phá sâu hơn về tấm lòng, tình cảm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ dành cho cuộc sống ngoài kia.

Cho dù vẫn biết thật - giả, đạo đức và sự băng hoại, cao thượng – thấp hèn, tốt – xấu ... đang lẫn lộn, nhưng Lưu Quang Vũ bao giờ cũng dành cho nó một tình yêu thương hồn hậu, chân thành.

Và tôi đã tìm thấy ở đoạn kết vở kịch này của ông vẻ đẹp của tình yêu ấy – vẻ đẹp của chất thơ bay lên từ cái kết thúc của một bi kịch – bi kịch “Hồn Trương Ba”:

Vườn cây rung rinh ánh sáng. Ở một góc nhà đó, hiện lên cảnh tượng cu Tị đang ôm chầm lấy mẹ, chị Lụa cuống quýt vuốt ve con... Bà vợ Trương Ba xuất hiện ở phía trước sân khấu.

Vợ Trương Ba: Ông ở đâu? Ông ở đâu?

(Giữa màu xanh cây vườn, Trương Ba chập chờn xuất hiện)

Trương Ba: Tôi đây bà ạ. Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà giẫy cỏ… Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu...

(Dưới một gốc cây, hiện lên cu Tị và cái Gái)

Cái Gái: (tay cầm một trái na) Cây na này, ông nội tớ trồng đấy! Quả to mà ngon lắm. Ta ăn chung nhé!

(Bẻ quả na đưa cho cu Tị một nửa. Đôi trẻ ăn ngon lành. Cái Gái lấy những hạt na vùi xuống đất)

Cu Tị: Cậu làm gì thế?

Cái Gái: Cho nó mọc thành cây mới! Ông nội tớ bảo vậy. Những cây sẽ nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi…

Chất thơ toát lên từ những hình ảnh, ngôn từ thấm đẫm cảm xúc

Những vở kịch của Lưu Quang Vũ hấp dẫn độc giả và khán giả nhiều thế hệ không chỉ bởi nó dám đề cập, dám nhìn thẳng, nói thẳng đến những vấn đề bức thiết, nóng hổi, mang tính thời sự sâu sắc của cuộc sống; ở sự chuyên chở những bài học mang đậm tính triết lí nhân sinh và tính chất dự báo mà sức hút ấy còn được tạo nên bởi cách sử dụng ngôn từ, hình ảnh giàu cảm xúc, chứa chan tình cảm.

Vốn là một nhà thơ, ông đã luôn nhìn cuộc đời và con người qua lăng kính của một thi sĩ. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” khép lại trong sắc xanh ngút ngát đến bất tận của khu vườn mà khi còn sống, ông Trương Ba đã dành cho nó biết bao nhiêu tình cảm hồn hậu, chân thành. Ông quý trọng, nâng niu từng ngọn cỏ, cành cây; ông cuốc xới, chăm chút và không nỡ lòng làm đau những cây trái trong vườn.

Và giờ đây, giữa màu xanh cây vườn, bên ánh lửa, cái cầu ao hay một cái cơi đựng trầu, một con dao giẫy cỏ, Trương Ba vẫn sống, sống trong tấm lòng của những người thân yêu. Khung cảnh khu vườn, căn nhà giản dị, không hiểu sao, nó làm thức dậy trong ta biết bao nhiêu cảm xúc yêu thương, gắn bó đến lạ lùng với gia đình, quê hương, xứ sở. Bởi đó là một chốn đi về trong tâm tưởng của biết bao nhiêu người con đất Việt. Đi lên từ một xứ sở nông nghiệp, có ai lại không xuất thân từ một mảnh ruộng, con trâu, lũy tre hay một triền đê trước gió? Có ai lại không nhung nhớ, bâng khuâng một “cây đa, bến nước, sân đình”? Và có lẽ, nói như nhà phê bình tài hoa Hoài Thanh, trong mỗi chúng ta, ai ai lại chẳng có “một con người nhà quê” mà trong những năm 30 của thế kỷ XX, “nhà thơ chân quê” Nguyễn Bính đã từng đánh thức.

Và bởi thế, đọc những dòng văn ấy, chúng ta không chỉ rung động bởi hồn quê, cảnh quê được đánh thức mà chúng ta còn rung động bởi tình quê trong tấm lòng của nhà viết kịchLưu Quang Vũ. Quả thực, Lưu Quang Vũ đã thực sự miêu tả khung cảnh ấy bằng một tình yêu tha thiết ông dành cho cuộc sống và con người. Dẫu biết ngoài kia, cuộc đời còn biết bao nhiêu sự bộn bề, phức tạp; cái ác, cái xấu đang trỗi dậy, báo hiệu những nguy cơ hiện hữu về sự xuống cấp và băng hoại đạo đức con người thì ở đây, Lưu Quang Vũ vẫn dành cho cuộc đời một tình yêu tha thiết. Sức hấp dẫn làm nên giá trị lâu bền cho vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được tạo nên một phần có lẽ cũng bởi chính tình yêu cuộc đời tha thiết, chân thành ấy của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ!
 

Niềm tin bền vững vào chiều hướng phát triển tốt đẹp của cuộc sống

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” kết thúc với cái chết của nhân vật chính – ông Trương Ba. Đó là một kết thúc có tính bi kịch. Câu nói của hồn Trương Ba: “Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!” và cái chết của ông không khỏi gieo lại trong lòng người đọc bao cảm xúc ngậm ngùi, u buồn.

Song cái đóng góp lớn nhất của bi kịch chính là ở sự thức tỉnh, cảnh báo, nhắc nhở có tính chất dự báo. Bi kịch không phải để cho người ta bị nhấn chìm bởi nỗi buồn, sự tiếc thương để làm cho người ta mềm yếu. Trong cái u buồn, người ta biết thức tỉnh; biết dừng lại; biết đứng lên đấu tranh để ngăn ngừa điều xấu... bởi “không có gì cao cả hơn bằng một nỗi đau buồn lớn”! “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” báo động cho chúng ta một nguy cơ nghiêm trọng của con người trong xã hội hiện đại: Đó chính là sự lên ngôi của đồng tiền, là xu hướng con người đang chạy theo biết bao giá trị vật chất tầm thường, những dục vọng hèn kém, những toan tính cá nhân ích kỉ, bất chấp luật pháp và các chuẩn mực đạo đức của xã hội để thỏa mãn cho những nhu cầu của bản thân.

Nhưng như “những cây sẽ nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi”, khu vườn vẫn xanh, vườn cây vẫn rung rinh ánh sáng, những cây con vẫn mọc lên, nối nhau mà lớn khôn, cuộc sống ngoài kia vẫn tiếp diễn bình yên và tươi đẹp. Màu xanh ngút ngát đến bất tận của khu vườn thực chất là màu xanh hi vọng mà Lưu Quang Vũ đã tin về chiều hướng phát triển tốt đẹp của cuộc sống. Hình ảnh con bé Gái và cu Tị dạo chơi trong khu vườn được vun trồng lên bởi bàn tay chăm sóc và tình yêu thương của ông nội để lại thật yên bình. Nó gieo vào trong mỗi chúng ta cái cảm giác bình an và thanh thản. Đó thực chất là hình ảnh của tương lai, của một cuộc sống vẫn sẽ diễn ra tươi đẹp.

Lưu Quang Vũ rất tin vào điều đó cũng như ông rất tin vào sự chiến thắng của điều thiện, của cái tốt trước cái ác, cái xấu trong cuộc đời. Trương Ba chết nhưng chính cái chết của ông đã làm sống lại những chân giá trị, chân đạo đức cao cả mà vốn lâu nay ông tôn thờ. Trong rung rinh cây vườn, trong những vật dụng quen thuộc hằng ngày, Trương Ba vẫn mãi sống trong tấm lòng, trong tâm hồn, suy nghĩ và tình cảm của những người thân yêu. Ông chết là để níu giữ những vẻ đẹp trong nhân cách, tâm hồn của một con người bao dung, nhân hậu, hết lòng yêu thương vợ con; là để minh chứng cho vợ, người con dâu và đứa cháu gái rằng mình chưa thay đổi, chưa bị dục vọng tầm thường tha hóa và “vẫn giữ được một đời sống vẹn nguyên, trong sạch, thẳng thắn”.

Cái chết của Trương Ba cũng chính là để thức tỉnh đứa con trai đang lầm đường lạc lối, đang bước những bước chân đầu tiên trên hành trình tôn thờ đồng tiền và những giá trị vật chất như là những thế lực độc tôn. Đó cũng chính là cách để nhà viết kịch Lưu Quang Vũ bộc lộ niềm tin bền vững vào chiều hướng phát triển tốt đẹp của cuộc sống và sự chiến thắng của những giá trị đạo đức, của nhân cách tốt đẹp vốn có trong mỗi con người.

Như những cây đời vẫn sẽ tiếp tục nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi, cuộc sống vẫn sẽ diễn ra tươi đẹp. Đó thực sự là lòng tin bất diệt mà Lưu Quang Vũ gieo lại trong tấm lòng của những người ở lại. Và đó cũng chính là cội nguồn, là gốc rễ làm nên những giá trị nhân văn, nhân bản và sức sống bền vững cho vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cho mãi tới hôm nay. Những giá trị ấy đã góp phần giúp nhà viết kịch Lưu Quang Vũ thực hiện vẻ vang cái sứ mệnh của một người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo như lời của một câu nói nổi tiếng: Văn chương giống như chiếc đòn gánh. Nó gánh một đầu là đạo đức và một đầu là cái đẹp!

Thuở sinh thời, tâm hồn Lưu Quang Vũ đã từng ngân lên những giai điệu chân thành và đầy xúc động về tình yêu tiếng Việt:

Trái đất rộng, giàu sang bao thứ tiếng

Cao quý, thâm trầm, rực rỡ, tươi vui

Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người ...

Như tiếng sáo, như dây đàn máu nhỏ ...

Ai phiêu bạt nơi chân trời cuối bể

Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya ...!

Một con người nặng lòng với tiếng nói cha ông đến thế không thể là người bàng quan, dửng dưng, hờ hững trước cuộc đời. Hơn ai hết, Lưu Quang Vũ dành cả tấm lòng và tình yêu tha thiết cho quê hương nước Việt. Viết về những bộn bề của cuộc sống thời kì đầu đổi mới, đi vào những xung đột gai góc, quyết liệt, dám nhìn thẳng và nói thẳng sự thật, đưa ra những dự báo có tính chất cảnh tỉnh về sự bộn bề, phức tạp của xã hội hiện đại nhưng chưa bao giờ người ta nhìn thấy trong những tác phẩm của Lưu Quang Vũ tư tưởng bi quan chủ nghĩa và một nhân sinh quan u ám, bởi ông luôn tin vào cuộc sống, tin vào con người.
 

Trong những “tấn trò đời” đang quay cuồng lẫn lộn ngoài kia, có những chân giá trị, chân đạo đức đang dần dần có nguy cơ bị thất thế, bị đẩy lùi trước dục vọng và sự ham muốn hèn kém, xấu xa của con người. Trong cái “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” của thế sự thăng trầm ấy, bất giác, tôi lại nhớ về vở kịch nổi tiếng “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Hóa ra những sự đảo lộn giá trị, những sự hiếm hoi của lòng tốt, của việc tử tế; sự lên ngôi của đồng tiền; sự băng hoại đạo đức của con người bởi dục vọng ti tiện, hèn kém đã được nhà viết kịch tài năng ấy gióng lên hồi chuông cảnh báo ngay từ những năm 80 của thế kỉ XX. Tâm huyết và tài năng của người cầm bút đã giúp ông viết nên những vở kịch quyết liệt, có tính chất thức tỉnh, dự báo về những ung nhọt đang nảy sinh những mầm mống đầu tiên nhưng hết sức nguy hại cho sự phát triển bền vững của cả một đất nước. Có lẽ bởi thế, người ta mới gọi Lưu Quang Vũ bằng những mỹ từ trang trọng: Nhà viết kịch tài năng, người khai phá, người dự báo, một hiện tượng của sân khấu kịch trường ...


Theo Minh Châu - GD&TĐ

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • LÊ HOÀNG TÙNG

    Vai trò của thể dục, thể thao đã được xã hội thừa nhận, đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến sự phát triển của mỗi cá nhân và đất nước.

  • Tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí - một bảo vật quốc gia đã bị hư hại nặng nề sau quá trình làm vệ sinh của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo quản, tu bổ, phục chế.

  • Di tích xuống cấp là một trong những vấn đề tồn tại song hành với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Hà Nội. Bên cạnh những khó khăn về nguồn kinh phí, tình trạng tùy tiện trong tu bổ, tôn tạo cũng đang là bài toán đòi hỏi có giải pháp khắc phục hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giá trị di sản.

  • Tính đến đầu năm 2019, qua 7 đợt công nhận theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đang sở hữu 164 hiện vật, nhóm hiện vật được tôn vinh là bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề ứng xử với các bảo vật quốc gia đang tồn tại nhiều số bất cập, nhất là tình trạng can thiệp thô bạo với không ít hiện vật khiến dư luận bất bình.

  • Dự án “Tương lai của truyền thống” vừa tổ chức buổi trò chuyện “Cảm hứng nghệ thuật Tuồng”. Với sự tham gia của NSND Mẫn Thị Thu, NSƯT Phạm Quốc Chí, NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh, Nghệ sĩ Nguyễn Thành Nam một lần nữa những bất cập trong công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng đã được chính người trong cuộc chia sẻ.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ   

    Gọi là “Chuyện bên lề” vì chủ trương xây Khu Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu (KLNTH) là của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi “bỗng dưng” bị lôi vào cuộc do đã viết bài “Ngày Xuân thăm quê nhà thơ Tố Hữu” đăng trên báo Văn nghệ số Tết Mậu Tuất - 2018.

  • Phát biểu tại hội nghị kiểm tra, đánh giá việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại địa bàn TP.HCM ngày 20/4/2019, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “Văn hóa TPHCM đã phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng”.

  • Để hạn chế bạo lực học đường, có ý kiến cho rằng, bên cạnh kiểm soát, ngăn chặn những clip độc hại, bạo lực trên mạng xã hội, cần đưa giá trị sống và kỹ năng sống đến học sinh và giáo viên, qua đó tạo môi trường giáo dục thân thiện hơn, khiến học sinh hạnh phúc hơn.

  • 5 năm kể từ khi Ngày Sách Việt Nam ra đời, khắp các địa phương trên cả nước, hoạt động cổ vũ cho văn hóa đọc được tổ chức rộng rãi. Tại các hệ thống giáo dục đào tạo, phong trào đọc sách cũng lan tỏa mạnh mẽ.

  • Thần tượng là một nhu cầu thiết yếu của thế hệ trẻ, nó cần thiết như cơm ăn nước uống hàng ngày. Có phải chăng xã hội chúng ta đang thiếu vắng những anh hùng, những con người bình thường, những sự việc bình thường đã trở nên quý hiếm, được nêu gương khiến thế hệ trẻ tìm đến những kẻ giang hồ cộm cán, những kẻ tìm mọi cách để gây sốc trong đời sống và trên mạng xã hội?

  • Tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: Xây dựng trường mầm non hạnh phúc và nói không với bạo lực học đường, diễn ra sáng 9.4, chuyên gia giáo dục Đan Mạch, PGS. Jette Eriksen khẳng định, để đẩy lùi bạo lực học đường, chúng ta phải xây dựng một nền giáo dục với những phương pháp sư phạm đầy nhân văn và thân thiện với trẻ, kết hợp quan điểm của trẻ em trong tất cả những gì chúng ta làm.

  • Thông qua cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, các em đã có những cảm nhận hết sức tuyệt vời về vai trò của đọc sách, của văn hóa đọc.

  • NGUYỄN THANH TÙNG

    Trong số ra ngày 25 tháng 11 năm 1990, một tờ báo chủ nhật xuất bản ở Hà Nội đăng bài "Giáo dục gia đình - S.O.S" của bạn đọc Lê Hòe.

  • Chúng ta đã nói quá nhiều về sự xuống cấp đạo đức cá nhân và xã hội mà chưa chỉ ra được căn nguyên sâu xa của nó là gì, nằm ở đâu và phải làm gì, tháo gỡ như thế nào… Sức mạnh đến từ nhiều thiết chế xã hội, trong đó có báo chí với vị thế và tầm ảnh hưởng rộng lớn.

  • Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật trong đó có nghệ thuật sân khấu đã được triển khai thực hiện hơn 20 năm nay… Tuy nhiên, theo họa sĩ - NSND Lê Huy Quang, quá trình này với sân khấu vẫn đang như một vòng tròn quẩn quanh chưa xác định được hướng đi cụ thể.

  • Đi dạo trên nhiều tuyến phố của Hà Nội bắt gặp nhiều biển hiệu đề bằng tiếng nước ngoài. Ngay cả khi chúng ta đón lượng khách du lịch kỷ lục là 15 triệu lượt/người trong năm 2018 thì điều này không chỉ chứng tỏ chủ các cửa hàng, công ty thiếu tự tôn văn hóa dân tộc mà còn vi phạm quy định pháp luật.

  • Xã hội phát triển, các khu đô thị mọc lên ngày một nhiều. Dạng nhà chung cư cao tầng, nhà ống, nhà liền kề, biệt thự phát triển mạnh mẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về sinh hoạt của người Việt. Từ đó dẫn đến thay đổi đáng kể về vị trí, vai trò và chức năng của Ban (bàn) thờ gia tiên…

  • Câu hỏi khá táo bạo, tương tự như khi người ta tính chuyện bứng một gốc cây cổ thụ ngàn năm, rễ của nó đã lan rộng cả dải đất hình chữ S, tán của nó xòe cả bầu trời vùng biển đông, toan ngắt cành ngắt lá đem trồng đi chỗ khác, hoặc chừng như muốn xem bói một quẻ nhờ vào lời thần thánh hoặc tìm nhà bác học phán cho một câu điều chỉnh. Tôi thì tôi không dám nói chuyện điều chỉnh – hai chữ rất thời thượng của thời… hậu cách mạng bứng gốc, nay bớt lại chỉ điều chỉnh thôi nhưng điều chỉnh cái gì, ai điều chỉnh?

  • Trong xã hội dịch chuyển, Tết với mỗi thế hệ mang giá trị, ý nghĩa khác nhau. Nếu nhiều gia đình trẻ có thể đóng cửa dắt nhau đi du lịch, đón và chơi Tết ở một nơi xa thì với không ít người cao tuổi, ngày Tết vẫn mang giá trị truyền thống bất biến. Tuy nhiên, một điều chung nhất dễ nhận thấy, đó là trong tâm thức mỗi người Việt luôn trân trọng những giá trị linh thiêng ngày Tết cổ truyền.

  • Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 5/4/2016 đã ban hành Luật Báo chí - văn bản pháp lý quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, tổ chức và hoạt động báo chí, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí, quản lý nhà nước về báo chí.