NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nhận thư Tòa soạn “Sông Hương” nhắc viết bài cho số kỷ niệm 35 năm Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, lời đáp là một “tự vấn”: Không biết viết cái chi đây?
Các nhà văn (từ trái qua): Nguyễn Khắc Phê - Hồng Nhu - Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Khắc Thạch - Ngô Đức Tiến
Vì “chuyện xưa” tôi đã viết các dịp kỷ niệm trước rồi, lại vừa kể lại khá tỉ mỉ trong tự truyện Số phận không định trước mới được Thái Hà Books “tân trang” cho “tái xuất giang hồ” tại Hội sách thành phố Hồ Chí Minh tháng 3/2018. May sao có mấy cuộc gặp vui vẻ bên bờ sông Hương, gợi nhớ chuyện “ngày xưa”, kể lại dịp này có lẽ cũng… hợp.
(Xin được mở ngoặc lưu ý có 2 từ đồng âm mà khác nghĩa trong bài, tuy chúng luôn có “duyên nợ” với nhau: sông Hương là nói về báu vật tạo hóa ban tặng cho Huế, tuôn chảy từ đại ngàn Trường Sơn qua giữa lòng thành phố và đi tới biển; còn “Sông Hương” là tờ Tạp chí vừa tròn 35 tuổi.)
Cuộc gặp đông vui tại khu vườn nhà thờ họ Thái trên đường Nguyễn Phúc Nguyên - con đường men theo sông Hương lên chùa Thiên Mụ - do Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế và Tạp chí Sông Hương tổ chức để nghe tiến sĩ Thái Kim Lan và ông giám đốc Viện Goethe Hà Nội giới thiệu vở kịch nổi tiếng Cái chết của Danton thì báo chí đã thông tin rồi. Về giá trị và tính thời sự của tác phẩm này thì hẳn phải viết một công trình dài mới nói hết, nhưng nhìn khung cảnh mấy ông “Tây” bà “Đầm” sát cánh bên những “kiều nữ” Huế thướt tha áo dài dưới bóng cây lá sum sê trước những căn nhà rường của một khu vườn cổ để nghe về một tác phẩm cổ điển của Đức trong bầu không khí “Đông - Tây hội ngộ” và “Kim - Cổ giao duyên”, tôi bỗng nhớ đến “phương châm” của “Sông Hương” xuyên suốt từ ngày đầu cho đến hôm nay. “Phương châm” đó cũng có thể diễn giải một cách khác là “Sông Hương” luôn coi trọng phát huy bản sắc và những giá trị của một Cố Đô, đồng thời biết đón nhận tinh hoa của thế giới hiện đại.
Chuyện đó, thiên hạ cũng đã biết. Duy có một tiểu tiết, trong buổi chiều muộn ấy, vào lúc diễn giả sắp cho “mở màn” vở kịch, bỗng một “kiều nữ” Huế duyên dáng với tà áo dài thướt tha đến chào tôi:
- Em là M.C. cùng nhóm chụp ảnh hồi nào với anh Sĩ Sô, anh có nhớ không?
Chà chà! Thế là từ hồi “Bình - Trị - Thiên” còn sum họp một… Tỉnh!... Tôi nhớ rồi! Trong chuyến nhà thơ Thu Bồn cùng một nhóm văn nghệ sĩ ra thăm Huế và “Sông Hương”, M.C. chính là “nguyên mẫu” cô gái - dù chỉ một thoáng gặp gỡ - đã khiến nhà thơ tài danh Thu Bồn viết nên bài thơ “Tạm biệt Huế” bất hủ:
“…Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia”.
Thế đó! Những cô gái Huế cũng như sông Hương và có thể cả “Sông Hương” nữa, luôn có “cái cái chi đó” hút hồn “thiên hạ”. Như M.C, với thi sĩ Thu Bồn thì cũng chỉ “một thoáng” gặp gỡ, vậy mà từ đó sinh thành nên mấy câu thơ thật hay! Chính là M.C., đã “thú nhận” như thế, khi mấy anh em có dịp gặp lại nhau bên bờ sông Hương…
Cuộc “gặp lại” ấy lại do M.C. “chủ trò”. Một trưa, tôi bất ngờ nghe M.C. gọi:
- … Nhờ anh Tô Nhuận Vỹ, em có “số” của anh. Sáng mai, anh rỗi mời ra uống cà phê bên sông Hương. Em có mời anh Sĩ Sô vào…
Chà chà! Lần này, hẳn là M.C. không đành “một thoáng” với Người Sông Hương như với Thu Bồn dạo trước. Chỉ là tình với sông Hương thôi, chứ M.C. cùng đi với người bạn đời là một… ông Tây vạm vỡ, tên là Martial - cái tên rất dễ lẫn với một loại rượu Tây nổi tiếng (rượu Martell, có lịch sử trên 300 năm) - quê ở thành phố Dijon tận nước Pháp xa xôi. Có bạn đùa Nguyễn Khắc Phê “khắc cà phê”, nhưng lâu nay ngày nào cũng lo uống, vì tạng huyết áp thấp, nghe đâu uống cà phê có lợi nên có thiếu chi cà phê, nhưng gặp bạn Sĩ Sô từ Quảng Trị vô thì dù ở cái tuổi ngại xê dịch, cũng phải phóng… xe-đạp- điện xuống bờ sông Hương! Nhà nhiếp ảnh Sĩ Sô từng là một cộng tác viên đắc lực với “Sông Hương” từ buổi đầu. Mới đó, lúc tìm lại tư liệu cũ viết chương “Sông Hương” với tôi trong cuốn tự truyện Số phận không định trước, tôi vừa thấy lại ảnh tư liệu rất quý của Sĩ Sô cùng với Thái Nguyên Hạnh, Hồng Sáu, Xuân Quyết in trong số “Sông Hương” đặc biệt “Huế - Bình Trị Thiên trong cơn bão số 8” - một trận bão lịch sử năm 1985…
Vậy mà cũng đã hơn ba thập kỷ trôi qua. Sự đời tan hợp cũng là lẽ thường. Bình Trị Thiên thì nay đã yên phận sau khi “ai về nhà nấy”, nhưng “Sông Hương” thì vẫn bền bỉ tiếp nối, vượt qua tuổi “tam thập nhi lập”, tuy rằng cũng có người “nói nhỏ” rằng “Sông Hương” hôm nay không như “hồi xưa”… (nhưng “xưa” là hồi “Sông Hương” 1 tuổi… 3 tuổi hay 6 tuổi?... Mà mọi sự vật, cả con người nữa, hôm nay đã “khác” hôm qua, thậm chí là sự đổi khác diễn ra sau mỗi “sát-na”; cả sông Hương cũng thế, đoạn chảy qua chùa Thiên Mụ khác đoạn qua cầu Trường Tiền, “dòng sông phẳng lặng” sáng nay “khác dữ dội” so với lũ lịch sử 1999… Ấy cũng là lẽ thường của sự đời! Hình như thiền sư Thích Nhất Hạnh từng khuyên mọi người hãy biết quý trọng mỗi giây phút ta đang sống…). Vậy nên 35 năm qua, “Sông Hương” vẫn luôn được đón nhận những tác phẩm, công trình của nhiều tác giả từ khắp trong - ngoài nước gửi về. Còn sông Hương thì vẫn trường tồn cùng Huế, vẫn là nơi hội tụ bạn bè tứ xứ. Như sáng hôm nay đây…
Sông Hương chớm vào hè, nắng nhẹ vừa lên, đẹp không thể tả…! Thôi, viết vậy cho… nhanh, vì tả sông Hương đẹp thì làm chi địch nổi Hoàng Phủ Ngọc Tường và võ sư Nguyễn Văn Dũng với nhiều bài ký trên “Sông Hương” những năm qua. Nhưng chính là nhờ “con sông dùng dằng chảy vào lòng” đó luôn có sức quyến rũ bao thế hệ, sáng nay, với nhiệt tình chắp nối của M.C. mới có cuộc gặp “mi ni” với không ít bất ngờ…
Nói vậy vì buổi sáng ấy, tôi không chỉ được gặp lại bạn Sĩ Sô, sau mấy chục năm xa cách về ở ẩn cô đơn tại một làng quê cách Đông Hà bốn mươi cây số, nay đầu hói, thân mình gầy nhom… mà còn… ai đó nữa nhỉ? Một phụ nữ có khuôn mặt bầu bĩnh “quen mà lạ” nhìn tôi chăm chú với nụ cười mỉm thân tình mà hàm ý thách đố. “Để xem anh có nhận ra không?...” Biết là “ông già” không nhận ra, người “quen mà lạ” vụt nói như reo lên:
- Em là Trọng đây. Anh không nhớ à? Hồi “Sông Hương ở 5 Đinh Tiên Hoàng đó! Tiếc là hôm nay không có anh Tô Nhuận Vỹ… Anh Thái Ngọc San, Bửu Chỉ thì đã mất rồi!…
A! Thì ra đây là Hồ Thị Kim Trọng, năm 1987 rời “Sông Hương” đi xuất khẩu lao động bên Đức. Trở về nước thì “Bình Trị Thiên” đã tách làm ba tỉnh, nên “định cư” ở Đông Hà với người bạn đời là một cán bộ VIP có xe con đưa “nàng” thăm lại sông Hương. Hơn ba chục năm rồi mà xem ra cô nhân viên Ban Trị sự “nhiệm kỳ” trước Võ Thị Bích Đào vẫn còn trẻ trung lắm...
Một cuộc gặp “mi ni” ngẫu hứng, chẳng có “nội dung” gì ngoài chuyện để… gặp nhau bên sông Hương với mấy người ít nhiều có duyên nợ với “Sông Hương”. Vậy mà có đến bốn cựu Tổng Biên tập tham dự, trong đó có nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, mấy năm qua hầu như không tham dự họp hành, ở ẩn ăn chay tu luyện trong “xóm vắng” cuối đường Duy Tân và năm ngoái đột quỵ suýt đi gặp tổ tiên, nhưng sáng nay vẫn hăng hái cuốc bộ đến; cả nhà văn Nguyễn Quang Hà, 81 tuổi, năm kia cũng thoát một cơn đột quỵ, không còn xông xáo như hồi đi viết những bút ký nóng bỏng đăng trên “Sông Hương”, cũng hiện diện rất sớm. Tính “bốn cựu Tổng” là kể cả Tô Nhuận Vỹ̃, vì anh nhận lời đầu tiên thì “coi như” có mặt, chỉ đến phút chót, do quá… cưng đứa cháu ngoại, trong khi con gái có việc đột xuất, đành lỡ hẹn. Rồi Nguyễn Đắc Xuân, Thái Kim Lan, Thanh Tùng, toàn những người không bao giờ thiếu công việc!...
Mặc dù Tô Nhuận Vỹ không hiện diện, nhưng tôi “coi như” anh có mặt; có lẽ trước hết vì nghe đâu Tô Nhuận Vỹ đứng đầu bảng nhóm văn nhân trí thức “bám trụ” bên bờ sông Hương ngay chỗ chúng tôi đang ngồi, “kiên cường” không khác chi… ngày nào “bám” Tòa soạn “Sông Hương” số 5 Đinh Tiên Hoàng - 7/7 ngày trong tuần, sáng nào anh cũng phóng xe từ “vùng cao” gần lâm trường Tiền Phong xuống “vùng sâu” cạnh sông Hương uống cà phê, say sưa đàm đạo chuyện đời với bạn hữu; tất nhiên ngoại trừ đôi bữa bị đứa cháu ngoại “quý hơn cục vàng” níu chân! Vậy nên, theo nhà báo Thanh Tùng, Tô Nhuận Vỹ vốn đã chiếm “hạng nhất” nhiều bảng, nay thêm “danh hiệu” người cưng cháu ngoại nhất Huế!...
Nói ngoại đề tí cho vui, cũng là thêm một nét chân dung vị cựu Tổng Biên tập “Sông Hương” nổi tiếng nhất, chứ nhân gặp lại Sĩ Sô và Kim Trọng, dù Tô Nhuận Vỹ có đi xa tận… Mỹ quốc, thì chuyện bên ly cà phê nơi này luôn “hiện diện” hình bóng và vai trò vị cựu Tổng Biên tập “Sông Hương” một thời “oanh liệt”. Đây là từ mà bạn bè có lẽ do quá… yêu “Sông Hương” phong tặng (đến mức có sinh viên Hà Nội đã làm luận văn thạc sĩ về 2 tạp chí “Sông Hương” và “Cửa Việt” - gần đây, tôi gặp biên tập viên của một Nhà xuất bản ở Hà Nội - không ngờ cô chính là tác giả luận văn đó!) chứ anh em trong tòa soạn, nói theo kiểu Huế, mỗi khi nhắc “chuyện cũ”, thường cười bảo nhau: “Thực ra thì có chi mô…”.
Kim Trọng và cả Sĩ Sô nữa, thật ra không có “vai vế” chi quan trọng ở “Sông Hương”, nhưng thời điểm Trọng vừa nhắc (1987) gợi nhớ chính giai đoạn không thể quên đó của “Sông Hương”. Vả lại, ngồi đây, chỉ đưa mắt qua sông Hương, thì bên kia đã là đường Đinh Tiên Hoàng…
Nếu tôi nhớ không nhầm thì Tô Nhuận Vỹ chính là người đã bỏ nhiều công sức, kiên trì và khéo léo vận động nhiều cơ quan, “Sông Hương” mới được lãnh đạo Tỉnh “tặng” cho ngôi nhà lầu hai tầng số 5 Đinh Tiên Hoàng trước cửa Thượng Tứ làm trụ sở, để tách ra “ở riêng”, được hạch toán độc lập với Hội Văn nghệ. Có ngôi nhà này mới có “vốn” để bước sang trụ sở mới “Sông Hương” là số 9 Phạm Hồng Thái hôm nay…
Điều quan trọng hơn, thời ở 5 Đinh Tiên Hoàng là giai đoạn Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ đang hăng hái phất cờ “Đổi mới”. Lúc đó, tôi là người giúp việc cho “sếp” Tô Nhuận Vỹ, thường lo công việc ở “hậu trường”, ngoại trừ dịp kỷ niệm 5 năm “Sông Hương” (1983 - 1988), do Tô Nhuận Vỹ đi thăm Liên Xô và kết nghĩa với Tạp chí Nhê-man (Bê-lô-rút-xi-a) cùng Nguyễn Khoa Điềm, ở nhà, tôi và Thái Ngọc San, Võ Mạnh Lập đã phải cáng đáng mọi việc đối ngoại, đối nội…
Một thời kỳ đáng nhớ, không chỉ với “Sông Hương”. Cả đất nước sôi động chuyển mình sau quyết định lịch sử của Tổng Bí thư Trường Chinh, mở đầu thời kỳ Đổi mới. Riêng “Sông Hương”, ngày càng được nhiều tác giả tên tuổi khắp cả nước tin cậy gửi đến những bài viết có “sức nặng”. Chỉ lướt qua “tình cờ” một vài số Tạp chí ngày đó sẽ thấy. Ví như số 25 (Tháng 5 - 6/1987) có chùm thơ của Văn Cao, tiểu thuyết “Trùng tu” của Thái Bá Lợi, bút ký về Khe Sanh của Triệu Bôn, truyện của Hồ Anh Thái, bài nghiên cứu “Vài suy nghĩ về xứ Huế và vị thế lịch sử của nó” của giáo sư Trần Quốc Vượng…; trong số 26 (Tháng 7 - 8/1987) lại có bài hồi ký về “Tiến quân ca” của Văn Cao, truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập và Đoàn Lê, bài nghiên cứu “Huế - 200 năm trước” của Phạm Huy Thông và “Vài suy nghĩ về Đạo Kitô” của Nguyễn Khắc Viện… Đó là “ngoại lực”; còn “nội lực”, các phóng viên tòa soạn cũng như văn nghệ sĩ ở Huế cũng sốt sắng đưa lên mặt báo những tác phẩm được dư luận chú ý. Ví như cây bút “xung kích” Nguyễn Quang Hà, đâu chỉ có bút ký “Luận chứng một tâm hồn đa cảm”; cũng số 25, trong bút ký “Những tiếng gõ cửa cuộc đời”, nhà văn đã sớm nhìn ra những tệ nạn đến hôm nay đã thành “quốc nạn” mà Tổng Bí thư đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để diệt trừ. Xin hãy cùng đọc lại một đoạn người dân đến kêu với nhà báo: “Nhà nước có trợ cấp cho xã một số bột mì. Rồi tỉnh bán phân đạm cho xã để canh tác. Bí thư, Chủ tịch đem các thứ ấy ra chợ bán rồi chia tiền nhau!” Khi nhà báo hỏi: “Thế mà dân chịu sao?” Người dân đã chỉ thẳng sự thật còn đau lòng hơn: “Bí thư và Chủ tịch có cái ô lớn lắm. “Ô” thỉnh thoảng lại đánh xe về, lúc bao gạo, lúc cặp gà… Rồi chén thù chén tạc với nhau. Có người bảo: Đừng dại chơi trò đập bóng vào tường. Không khéo nó đập lại vỡ mặt như chơi!” Những chương đầu tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” của tôi cũng được giới thiệu trên “Sông Hương” thời gian này (“Sông Hương” số 36, Tháng 3 - 4/1989)…
“Sông Hương” thời “oanh liệt” là như vậy đó; chứ đâu chỉ có đăng bài của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hà Sĩ Phu… và tranh “Tay - Chân” của Bửu Chỉ, thơ “Người đàn ông 43 tuổi” của Trần Vàng Sao1… mà xảy ra “sự cố”…
![]() |
Nhà văn Nguyễn Quang Hà và nhà văn Hồng Nhu (tại nhà nhà văn Hồng Nhu ở làng Mỹ Lợi). |
Thôi, chuyện cũng hơn ba chục năm rồi! Dù sao nhắc lại vẫn nhớ… và cứ nghĩ giá như Thái Ngọc San và Bửu Chỉ - hai “trụ cột” của “Sông Hương” một thời - được sống đến ngày kỷ niệm 30 năm ra số đầu tiên (1983 - 2013) trong một không khí lễ hội rất vui vẻ, nhờ tài tổ chức của những nhà văn trẻ năng nổ hiện đang “chèo lái” tờ tạp chí trên chặng đường mới. Tại buổi lễ long trọng và vui vẻ này, Ủy ban Nhân dân Tỉnh đã tặng Bằng khen cho tất cả 6 “cựu Tổng Biên tập” là Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Khắc Thạch vì “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động Văn học Nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển Tạp chí Sông Hương giai đoạn 1983 - 2013.” (Ghi nguyên văn theo Bằng khen). Có lẽ là theo thông lệ, Tỉnh chỉ khen người đứng đầu, nhưng chúng ta có thể “thầm hiểu” đây là sự ghi công tất cả biên tập viên, phóng viên đã làm nên văn hiệu “Sông Hương” - trong đó hẳn nhiên có người Thư ký tòa soạn và họa sĩ đã “sống chết” với “Sông Hương”! Điều này chứng tỏ lãnh đạo Tỉnh Thừa Thiên Huế hôm nay đã có cách nhìn cởi mở, cách đánh giá công bằng với các thế hệ đã dành bao tâm huyết xây dựng nên một “Sông Hương” vẫn luôn được bạn đọc gần xa trọng thị, yêu mến với những “chủ nhân mới” trẻ trung, tâm huyết, biết tìm cách đi thích hợp, vừa giữ được truyền thống tốt đẹp, vừa cách tân để không lỗi nhịp trong hệ thống báo chí đang không ngừng chuyển biến hôm nay…
N.K.P
(TCSH352&SDB29/06-2018)
.....................................................
1. Cố họa sĩ Bửu Chỉ, năm 2012 đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT và bài thơ của Trần Vàng Sao được nhiều người khen là hay, được in lại ở nhiều thi phẩm.
50 năm ngày mất Giáo sư Đặng Văn Ngữ
ĐẶNG NHẬT MINH
Nhân 110 năm ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC (1907 - 2017)
TRẦN VIẾT NGẠC
NGUYỄN HOÀNG THẢO
Trước khi có chợ, bên ngoài cửa Ðông Ba (cửa Chánh Đông) dưới thời vua Gia Long có một cái chợ lớn mang tên “Qui Giả thị” - chợ của những người trở về.
NGUYỄN KỲ
Cuộc vận động tranh cử và “đấu tranh nghị trường” trong thời kỳ 1936 - 1939 do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo là một bộ phận đặc biệt trong cuộc đấu tranh vì quyền dân sinh dân chủ ở Việt Nam.
DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
Thú thật với độc giả, một trong những điều vui thú nhất của tôi - cho tới nay tôi vẫn say mê - là sưu tầm khảo cứu về Phổ trạng (tức là lai lịch, nguồn gốc...) của các nhân vật lịch sử như Ngô Quyền, Nguyễn Xý, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Phạm Ngũ Lão, Phạm Sư Mạnh...
LÂM QUANG MINH
Tôi không có vinh dự như nhiều anh chị em cán bộ, dũng sĩ từ miền Nam ra Bắc công tác, học tập hay chữa bệnh, được trực tiếp gặp Bác Hồ, được Bác ân cần động viên dạy bảo, được cùng ngồi ăn cơm với Bác, được Bác chia bánh chia kẹo... như người cha, người ông đối với các con cháu đi xa về.
THANH HẢI
Hồi ký
Tháng 10 năm 1962, tôi được vinh dự đi trong đoàn đại biểu mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc. Lần đó một vinh dự lớn nhất của chúng tôi là được gặp Hồ Chủ Tịch.
Giáo sư Bửu Ý, tên đầy đủ là Nguyễn Phước Bửu Ý, sinh năm 1937 tại Huế. Ông vừa là nhà giáo, nhà văn, vừa là dịch giả của các tiểu thuyết nổi tiếng như Nhật kí của Anna Frank, Đứa con đi hoang trở về, Bọn làm bạc giả của André Gide, Con lừa và tôi của Juan Ramón Jiménez; Thư gửi con tin của Antoine de Saint-Exupéry… đăng trên các tạp chí Mai, Văn, Diễn đàn, Phố Văn (trước 1975).
I. Nhớ hơn bốn mươi năm về trước, vào khoảng đầu mùa đông năm 1974 - mùa dỡ củ dong riềng - tôi đi chợ Chũ (Lục Ngạn), mua được tập truyện Khúc sông. Trên lối mòn đường rừng, bước thấp bước cao, tôi vừa đi vừa tranh thủ đọc. Ngày ấy, tôi chỉ biết tên tác giả là Nguyễn Thiều Nam, nào có biết đẳng cấp của ông trong làng văn ra sao!
Sinh thời, cha tôi – họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, hầu như không bao giờ nhắc đến những năm học vẽ ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (MTĐD).
HỒ QUỐC HÙNG
(Thân mến tặng các bạn lớp Văn K9 - Đại học Tổng hợp Huế)
Ai cũng có kho ký ức riêng cho chính mình như một thứ tài sản vô hình. Ký ức lại có những vùng tối, vùng sáng và lúc nào đó bất chợt hiện lên, kết nối quá khứ với hiện tại, làm cho cuộc sống thêm ý vị.
TRẦN VĂN KHÊ
Hồi ký
Có những bài thơ không bao giờ được in ra thành tập.
Có những bài thơ chỉ còn ghi lại trong trí nhớ của tác giả và của đôi người may mắn đã được đọc qua một đôi lần.
Ngắm nhìn vẻ đẹp tinh khiết của cô nữ sinh Đồng Khánh dưới vành nón Huế, trong chiếc áo dài trắng tinh khôi, không ai nghĩ chỉ ít năm sau ngày chụp bức ảnh chân dung ấy, chị chính là nạn nhân của một chế độ lao tù tàn bạo và nghiệt ngã.
Trong quy hoạch một đô thị văn minh, vỉa hè là khoảng công cộng dành cho người đi bộ. Còn theo kiến trúc, vỉa hè là đường diềm, trang trí cho phố phường tạo ra sự hài hòa giữa đường và nhà mặt phố. Người Pháp đã làm những điều đó ở Hà Nội từ cuối thế kỷ 19.
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Hồi những năm 1950, làng Trúc Lâm quê tôi thuộc vùng du kích ven thành phố Huế.
QUẾ HƯƠNG
Ngày 15/7/2017 tới đây, ngôi trường hồng diễm lệ nằm cạnh trường Quốc Học, từng mang tên vị vua yểu mệnh Đồng Khánh chạm ngưỡng trăm năm.
THÁI KIM LAN
Trong những hình ảnh về ngày Tết mà tôi còn giữ được thời thơ ấu, thì Tết đối với tôi là Tết Bà, mà tôi gọi là Tết Mệ Nội chứ không phải Tết Mạ. Bởi vì mỗi khi Tết đến, cả đại gia đình chúng tôi đều kéo nhau lên nhà Từ đường “ăn Tết", có nghĩa quây quần chung quanh vị phu nhân trưởng tộc của dòng họ là bà nội tôi.
TRẦN VIẾT NGẠC
Báo Xuân xưa nay luôn là số báo đẹp nhất, phong phú nhất trong một năm. Bài vở số Xuân được tòa soạn đặt bài trước cho các cây bút thân quen, nổi tiếng từ mấy tháng trước.
NGUYÊN HƯƠNG
Trong đời, người ta ai cũng nên phải lòng một vùng đất. Cảm giác đó thật đặc biệt, giống như khi ta một mình đi đêm về sáng, bỗng gặp đóa hoa cô đơn thức sớm nở ngoài thềm, thấy thương.
BÙI KIM CHI
Tôi đã rất xúc động. Lòng rưng rưng bồi hồi khi tình cờ nghe được bài hát “Quê hương tuổi thơ tôi” của Từ Huy trong VCD họp mặt Đồng Hương Sịa lần đầu tiên ở Little Sài Gòn, Nam Cali…