Con chim nhỏ đáng thương

08:08 16/11/2010
NGUYỄN THỊ VÂN ANH Lâm bé nhất nhà, là em út nên được cưng chiều nhất. Thế nên Lâm là đứa bé có nhiều đồ chơi nhất trong xóm. Một năm có bao nhiêu ngày lễ, ngày tết thì bấy nhiêu lần út Lâm được tặng đồ chơi. Đồ chơi chất đầy các ngăn tủ của chú bé.

Minh họa: Bửu Chỉ

Ngày mồng một tháng sáu vừa qua đi. Những đồ chơi của ngày quốc tế thiếu nhi chưa kịp cũ thì Lâm đã háo hức đón đợi tết trung thu. Cứ mỗi tờ lịch đỏ bước tới đứng sững trên quyển lịch treo tường, bé Lâm lại sung sướng reo lên. A, ông già thời gian chậm chạp thế mà cũng đã nhích thêm một bước rồi đấy.

Còn những hai tuần nữa mới đến tết trung thu, nhưng hình như đọc được nỗi mong đợi của chú em út qua gương mặt bồn chồn, nên anh Sơn nảy ra một sáng kiến độc đáo. Anh mua quà trung thu về tặng bé Lâm trước. Chà, út cưng được một món quà thật tuyệt. Đó là chiếc tàu hỏa chạy trên đường ray. Từng toa xe sơn màu tươi rói, bóng lộn, móc nối với nhau in hệt đoàn tàu thật, nhưng xinh ơi là xinh. Lâm nhón tay lấy chiếc chìa khóa lên giây cót và vặn lên. Lập tức, những toa xe bám đuôi nhau nhẹ nhàng lướt đi. Cả đoàn tàu khéo léo lượn theo chỗ quành của đường ray. Út Lâm chống tay ngồi chồm hổm trên nền nhà, miệng tru ra, thích thú kêu: “Tu tu… tu…” giả làm tiếng còi tàu hỏa. Đang say sưa, nó chợt ngẩng lên bởi những tiếng cười ròn khanh khách, những tiếng reo vui cùng rộ lên khoái trá. Thì ra lũ bạn hàng xóm đã kéo nhau sang từ lúc nào. Những cặp mắt đen láy mở to. Những gương mặt háo hức. Và cho tới khi chiếc đầu tàu hết giây cót dừng lại, lũ trẻ ùa tới ngay. Chúng nhao nhao như ong vỡ tổ:

- Để tớ vặn giây cót cho.

- Lâm ơi, cho tớ xem một tí.

- Vặn thế này cơ.

- Đưa tớ vặn, Lâm nhé.

Hàng chục bàn tay cùng cầm vào chiếc đồ chơi mới. Có cả bàn tay lọ lem kìa. Mà cái tàu hỏa xinh xinh của Lâm thì mới tinh, bóng lộn. Chẳng cần nghĩ gì lâu, út Lâm giằng tuột món đồ chơi ra khỏi tay các bạn. Đầu nó lắc quầy quậy:

- Thôi, cất đi kẻo hỏng đồ chơi của tớ.

Cái Hương nài nỉ:

- Để chơi tí đã, Lâm.

Cu Tiến thu hai bàn tay về phía sau, nói như nhận lỗi:

- Thôi, Tiến chẳng dám sờ vào đồ chơi đẹp của Lâm nữa đâu, Lâm đừng cất nữa nghen.

Thằng Lâm đang do dự định bỏ món đồ chơi xuống chơi tiếp với các bạn. Nó chợt giật bắn mình vì một tiếng quát như sấm động của má nó:

- Ôi trời ơi, tha nhau vào xả ra giữa nhà người ta thế này hả? Xéo, xéo mau.

Cái Thảo cuống quít bế xốc đứa em đang ngồi bệt trên một vũng nước mà bé vừa “tè” dầm. Nó run rẩy lấm lét ngước lên nhìn người đàn bà to lớn đang đứng chống nạnh, mặt hầm hầm như chực ăn sống nuốt tươi nó. Lũ trẻ chạy té đi. Còn cái Thảo thì vẫn cứ dán mắt vào người đàn bà dữ tướng như thể nó bị thôi miên. Rồi nó quáng quàng ôm lấy em, giật lùi từng bước ra khỏi cửa.

Khi những vị khách không mời mà đến ấy rút lui êm thấm khuất ra khỏi những chậu cây cảnh đặt ngoài hàng hiên, gương mặt người đàn bà mới dịu dần. Và giọng nói cũng đã trở lại như âm thanh dịu dàng vốn có của một người mẹ:

- Thật chẳng ai dại như con, Lâm à. Đồ chơi đẹp thế, đem ra cho chúng nó phá hỏng đi sao? Đã bao lần má biểu rồi mà con chẳng nhớ. Nhà mình, thì bao nhiêu đồ quí. Cho chúng nó vào chúng nó táy máy như ranh ấy, ai mà giữ được. Từ giờ, chúng nó mon men đến gần cửa, con ra bảo: “Má tao cấm”, nghe con.

- Dạ.

Út Lâm đáp một cách ngoan ngoãn như vậy rồi lủi thủi quay trở vô với món đồ chơi của mình. Nó lên giây cót, đoàn tàu hỏa lại lên đường. Nhưng giờ đây, đến những chỗ quành, chỗ quẹo, con tàu làm nên những pha hồi hộp - mà tịnh chẳng có một tiếng hò reo vỗ tay cổ võ như khi nãy. Nó cảm thấy buồn. Chờ con tàu chạy hết cót, nó lẳng lặng xếp vào hộp và xếp vào cái tủ xanh đựng đầy đồ chơi của nó. Chà, ở đây có đủ thứ mê li: từ con búp bê biết nhắm mắt mở mắt đến chú chó Bốp-bi biết sủa gâu gâu, và cả đàn hươu, nai, chim, thỏ, cá sấu bằng nhựa. Lại có cả lô súng lục, xe tăng, máy bay, tầu chiến, xe bọc thép chạy rầm rầm tóe ra lửa nữa. Lâm tần ngần dỡ cả ngần ấy thứ ra. Giá có lũ chúng nó ở đây lúc này thì vui phải biết. Với ngần này đồ chơi, chúng nó sẽ bầy được khối trò thú vị. Không hiểu sao ba má lại ghét chúng nó thế nhỉ. Mỗi khi út Lâm mở cửa cho lũ bạn về nhà, chú bé vừa chơi vừa thấp thỏm chỉ lo ba má thấy bất chợt như lúc vừa rồi.

Từ dưới bếp đi lên, má thằng Lâm thấy nó đang ngồi ỉu xìu giữa đống đồ chơi ngổn ngang thì cuống quít:

- Sao thế, cưng của má? Lại đau răng chớ gì. Má đã biểu con chớ có ngậm kẹo buổi tối trước khi đi ngủ mà con đâu có chịu nghe. Ham ba cái thứ của ngọt giờ mới khổ.

- Con đâu có đau răng mà, má.

- À, vậy má hiểu rồi. Cưng của má muốn chơi con yểng quí ba mới mua đúng không nào. Thôi, để má lấy xuống cho con.

Má Lâm bắc ghế lấy chiếc lồng chim xuống trao cho út cưng, rồi quầy quả sửa soạn đi đâu. Gương mặt út Lâm vừa sáng bừng lên hoan hỉ, lại sầm xuống ngay khi nó nghe tiếng vòng xích va vào cửa sắt lẻng xẻng. Nó nói như van xin:

- Má ơi, con chẳng muốn má khóa cửa nhốt con hoài thế đâu. Má sợ mất các thứ thì má cứ khóa cửa, nhưng má cho con ra ngoài đã.

- Ôi, cho con ra ngoài để con chơi bời với đám trẻ lêu lổng ấy ư? hổng có được đâu.

Má nó đáp một cách dứt khoát như vậy rồi dắt xe đi ngay. Tay vẫn cầm chiếc lồng chim, út Lâm ngồi phịch xuống bên cửa. Và đến lúc này nó mới nhận ra những tiếng reo cười thích thú của bọn thằng Tiến, thằng Kiên, cái Hương… Lâm chạy đến bên ô cửa sổ ngó ra. Nó sửng sốt khi nhận ra ở chỗ đống cát cả một trận địa quy mô với đủ cả xe tăng, đại bác thành lũy và chiến hào… Bọn cái Thảo, cái Hương thì buộc chiếc mùi xoa trên mái tóc làm nữ cứu thương. Chúng bận rộn với những chiếc băng ca trên đó có những bé búp-bê bị thương đang cần chữa cháy. Lại có cả chiến sĩ thông tin với chiếc điện thoại nhỏ xíu nặn bằng đất sét. Chơi một lát, chúng nó lại cầm tay nhau quây vòng nhảy múa thật là vui vẻ. rồi chúng nó lại bầy những trò chơi khác và chơi một cách mê mải say sưa. Ồ, sao chúng có nhiều đồ chơi thế nhỉ. Chà, nhiều hơn cả số đồ chơi của Lâm. Nghĩ một lúc Lâm mới chợt hiểu ra rằng đó là số đồ chơi của cả bọn góp lại. Kia nhé, con búp-bê biết khóc oe oe kia là của cái Hương, chiếc máy báy Mic màu xám kia là của thằng Kiên. Rồi ô tô, xe tăng, những món đồ chơi nhựa xinh xinh… mỗi đứa đem tới một thứ. Chúng còn tự làm thêm nhiều thứ nữa. Tự dưng Lâm thấy những đồ chơi ngoài kia sao hấp dẫn hơn hẳn mọi cái trong tủ đồ chơi hào nhoáng của Lâm. Lâm nhắm nghiền đôi mắt mơ thấy mình bỗng hóa thành con chim nhỏ bay vù ra ngoài ấy để được hưởng cái niềm vui náo nức của các bạn. Nhưng điều đáng sợ nhất đã đến với nó: út Lâm đã trở thành đứa trẻ cô độc.

Trong chiếc lồng cầu kỳ mà út Lâm vẫn cầm nơi tay, con yểng nhất định không chịu ăn bao nhiêu thức ăn ngon. Nó cứ lồng lên hoài khi thấy mảng trời xanh ngoài ô cửa.

N.T.V.A.
(7/6-84)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Tuyết Nhung - Hương Giang - Thiệp Đáng

  • Cháu Hoàng Dạ Thi, sinh năm 1977. Những bài thơ của cháu do mẹ cháu ghi lại và đặt đầu đề. Xin giới thiệu một chùm thơ của cháu.

  • PHAN THỊ THANH NHÀNDÁN TEM

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNGTôi mê ăn kem nhưng không được phép.

  • LTS: Là một nhạc sĩ gần như cả đời dành cho tâm hồn trẻ thơ, ngoài hàng trăm ca khúc, gần đây, Mai Xuân Hòa còn viết nhạc cảnh "Huyền thoại về anh Ngự Bình và Hương Giang" cho thiếu nhi.

  • VŨ LÊ THẢO CHI     Kính tặng thầy Vĩnh BáMười lăm tuổi, con tin rằng Bụt chỉ có ở trong chuyện cổ tích mẹ kể ngày xưa. Mười sáu tuổi con chợt nhận ra Bụt đang ở trước mắt mình...

  • Văn Lợi - Hải Vân - Trần Phương Trà - Tôn Nữ Như Ngân

  • HẢI VÂNSau một tuần trời lụt to, những ánh nắng yếu ớt chiếu xuống mọi vật, bừng lên một chút ấm cho mọi người. Rồi chiều xuống và bầu trời chìm vào bóng đêm, để rồi sáng hôm sau, một ngày mới bắt đầu.

  • Nguyễn Văn Phương - Phương Ly - Nguyễn Loan - Hoàng Hạ Miên

  • Giáng sinh 2009, Khách sạn Celadon Huế đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh dành cho trẻ em thiệt thòi ở Trung tâm Thủy Xuân - Huế.

  • Nguyễn Trương Khánh Thi - Hồng Nhung

  • HẢI VÂNKhi tôi chào đời, Huế đã là một thành phố cổ kính xinh đẹp, với sông Hương, núi Ngự, với điện ngọc đền rồng, với lăng tẩm chùa chiền... Tất cả như tắm mát hồn người.

  • Phương Ly - Nguyễn Thị Thanh Viên

  • Người xưa có câu "Một đời người hai thời con nít". Nghĩa là người ta, khi tuổi về già, ai cũng phải (hoặc cũng được) "hoàn đồng" như thời con trẻ. Có lẽ yếu tố đặc trưng làm nên sự "đồng dạng nhân cách" phía hai đầu của một đời người là chất Anima cổ tích. Khi một nhà văn dành cả đời để viết và viết được truyện cổ tích cho trẻ con thì tâm hồn của họ hẳn nhiên không chỉ hai thời mà cả đời là "con nít". Nếu không có chất con nít ấy trong mình, trong chủ thể sáng tạo thì cảm xúc sẽ giả, giọng điệu sẽ già, sự viết sẽ trở nên kệch cỡm như kiểu "cưa sừng làm nghé".

  • HỒ BÍCHDưới gầm cầu phía chợ Trời có một cô bé độ tuổi niên thiếu, mặt đẹp như hoa nhưng bị tật nguyền đến trú ngụ ở đấy từ bao giờ. Nó bị bại liệt một chân nên không đi lại được mà phải bò hoặc lết. Có lẽ do vậy mà người ta thường gọi nó là Bé Lết.

  • Nguyễn Thành Ly - Cẩm Phương - Nguyễn Loan - Trần Tuấn

  • CAO THỊ THÚY HẰNGTrên một cành dẻ cao ở trong khu rừng nọ có một cái tổ chim nho nhỏ, xinh xinh được kết cẩn thận từ những cọng rơm vàng óng. Tại đấy, một chú chim non vừa mới mở mắt chào đời. Chú được mọi người gọi bằng một cái tên rất hay - chim Họa mi. Bác Họa mi chăm sóc chú chim nhỏ rất cẩn thận nên không bao lâu sau chú đã có thể bay nhảy thành thạo.

  • Vĩnh Nguyên - Huỳnh Phương Ly

  • LTS: “Vua lũ đồ chơi” là tập sách tuyển chọn những tác phẩm Văn, thơ và tranh về đề tài thiếu nhi do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào đầu năm nay. Công trình này là kết quả của "cuộc vận động sáng tác văn học vì tuổi thơ" do Hội Văn học nghệ thuật, Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở Giáo dục đào tạo, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế và Nhà thiếu nhi Huế phối hợp tổ chức.Những tác phẩm trong tập sách bao gồm cả thiếu nhi và người lớn cùng sáng tác và cũng đã công bố rải rác đây đó, kẻ cả trên TCSH. Sông Hương xin trân trọng giới thiệu một số tác phẩm trong tập sách này.