Bức tường trong chai Tequila

14:36 27/07/2015

TRẦN BĂNG KHUÊ    

1. Gã có thói quen mỗi buổi sáng thức dậy, gã thường tợp một ngụm Tequila và nhìn chăm chăm vào bức tường. Sau đó mới rời khỏi nhà, đến công sở. Nơi nào gã đến cũng có một bức tường tương tự như thế. Chỉ thiếu mỗi Tequila. Những bức tường xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chỉ Tequila là không thể. Gã phải đến quán rượu. Ghé quầy bar của lão họa sĩ già.

Minh họa: Lê Minh Phong

Gã đã cố suy nghĩ xem, tại sao, người ta dựng nó lên thành các loại hình dạng. Vuông, chữ nhật, tam giác, và rồi tự nhốt chặt chính mình vào trong đó. Hoặc là, họ quá khờ khạo. Hoặc là, họ quá u mê. Hoặc là, họ chẳng thể nào đủ dũng cảm đập bỏ nó đi. Bạn gã đến nhà, nhìn thấy bức tường quái đản ấy, chỉ cười trừ, rồi lầm bầm trong cổ họng những âm vực trầm đục như tiếng của địa ngục vượt thoát lên từ lỗ hổng nào đó trên mặt đất: “một tấm gương không cần soi vẫn có thể thấy được những hình thù của quá khứ và tương lai”. Gã cần gì tương lai? Gã muốn biết cái thứ hiện tại này có thể khiến gã hài lòng hay chưa? Những bức tường, chúng thật sự rất chập chờn, đầy mộng tưởng huyễn hoặc đối với cư dân ở xứ sở này. Gã nghĩ vậy. Họ cũng chẳng khác gì gã. Họ chỉ là những con trâu ngoan ngoãn lầm lụi đi theo những luống cày từ lúc mặt trời lên đến khi tối mịt.

2. Quán rượu của lão họa sĩ già cũng có những bức tường. Chúng được quết một màu xám xịt như tro than. Mỗi lần bước chân đến quán, sau khi nốc một cốc Tequila, gã bắt đầu lảm nhảm về thứ gì đó không thể thoát ra khỏi cổ họng. Nhưng, lão họa sĩ vẫn nghe được: “những mặt phẳng tù đọng”. Những mặt phẳng, gã thừa biết, nó tồn tại sừng sững như một sự hiển nhiên, một sự thách thức lì lợm, từ lâu lắm rồi. Gã không thể làm gì được. Phải, cũng chẳng ai dám làm gì, bởi trong tay họ không một tấc sắt. Rõ ràng, khi người ta muốn đập bỏ thứ gì đó, ít nhất họ phải có vật dụng cứng hơn. Ai chẳng hiểu điều ấy. Gã chỉ là một gã đàn ông, tay không tấc sắt.

Hôm qua, khó khăn lắm gã mới lặng lẽ mở cửa bước chân ra khỏi nhà. Gã tính sẽ đi tìm một vài thứ cứng hơn bức tường. Chẳng hạn, những thanh sắt, hoặc chiếc búa tạ. Chúng có thể giúp gã đập bỏ những bức tường đó. Gã đến quán rượu quen thuộc. Gã ngồi xuống chiếc ghế cao của quầy bar. Gã gọi Tequila. Và hỏi lão họa sĩ già về một thanh sắt. Lão ậm ừ mân mê chai rượu, rót thêm một cốc nữa. Gã nốc hết. Rồi, tiếp tục lẩm bẩm hỏi. Vẫn là về thanh sắt hoặc chiếc búa tạ. Lão rền rền giọng: “lại Tequila chứ?”. Vừa nói, lão vừa rót tiếp ra một cốc khác. Lão uống. Tequila nóng bừng, cháy từng ngụm trong cổ họng gã. Như ai đó đổ một lốc thuốc độc đang tan rữa dần đến dạ dày. Men rượu xộc lên mũi. Gã không nghe mùi Tequila. Bất giác, gã nhớ cái mùi hương cafe. Chúng thơm nghẹn con đường trẻ dại ngày xưa mỗi lần gã đạp xe đi về. Bây giờ, gã chỉ ngồi tưởng tượng về nó như một khối hình hài không đầu không cuối, không định lượng được chiều thời gian đi tới hay lùi. Gã nhớ đứa con gái mắt cười lúng liếng, tóc dài ngang lưng đã từng thề nguyền cùng gã. Nàng rời xa gã chưa bao lâu thì phải. Khoảng cách chỉ là một chiều thời gian. Gã biết, những chiều thời gian chưa bao giờ chết.

Những bức tường màu xám. Bất cứ điểm đến nào, ánh mắt gã cũng chỉ xoáy vào những bức tường màu xám. Tequila là thứ dư vị khiến gã cảm thấy có một chút hứng thú, mộng mơ. Hóa ra, gã đã từng nhảy những giai điệu mamboo trong cơn cuồng say của thời trai trẻ. Một cốc Tequila biến gã thành một người đàn ông đầy tràn tình yêu và sức sống. Hai cốc Tequila, ba cốc Tequila, gã chết chìm trong những bức tường màu xám. Gã vẫn ngồi trong một quán rượu nhỏ, nơi chỉ có những bức tường màu xám vây quanh mình.

Vài nơi khác, gã đến, những bức tường không giống với quán Tequila hoặc ở nhà gã. Chúng lồ lộ tô trét đủ loại màu sắc lòe loẹt. Gã nghĩ có lẽ nó chỉ đang cố tình lừa đảo nhãn quang hời hợt của kẻ khác. Nhưng, với gã, tất cả chúng đều là màu xám. Tất cả những ẩn giấu đều nhân danh màu xám. Sự thật ở bên trong vài hình khối cơ bản mà người ta cố tình tạc dựng nên. Hoặc vốn dĩ nó đã nằm phía sau những bức tường màu xám. Chẳng hạn như tối nay, tại quán rượu này, gã đã nhìn thấy nó qua thứ ánh sáng mờ ảo của những bóng điện hình trái ớt. Bức tường lập lòe. Bức tường nhảy nhót. Bức tường say mèm men rượu Tequila.

Tối nay, gã không uống Tequila. Gã gọi bia. Chúng nhạt thếch. Không đủ chếnh choáng. Choang. Một tiếng vỡ rơi xuống nền nhà. Lão họa sĩ già cười hềnh hệch, cầm chai Tequila chỉ còn vài giọt dưới đáy lên tu nốt. Sau đó, lão ném về phía bức tường màu xám. Những âm thanh rơi xuống nền nhà. Vỡ. Bức tường bết thêm màu vàng chanh của Tequila. Gã hoa mắt. Gã nhìn thấy cái thứ chết chóc linh nghiệm từ nhiều thế hệ đang quét lên bức tường màu xám của mình, như một vận mệnh hoặc sự ám ảnh nào đó từ trong tiềm thức quen thuộc.

Gã lảo đảo đứng dậy, rời khỏi quán. Đêm lảo đảo trong cơn giông rạch xé ngang trời, dù rằng vẫn có sao và trăng. Lẽ dĩ nhiên, gã chẳng thể nào tìm được một thanh sắt, hay một chiếc búa tạ để mang về. Gã cần phải đập bỏ bức tường ở nhà gã. Chúng vẫn lõa lồ chờ đợi gã mỗi đêm. Hoặc quét qua mắt gã sự phản chiếu bởi mặt trời buổi sáng tràn vào những ô cửa kính. Nhàm chán. Ý thức của gã cũng chỉ là một bức tường bị phong kín. Chúng được tạo nên từ máu và những sợi neuron thần kinh. Bức tường này, cũng đang cần được cứu rỗi, cần bị phá bỏ. Gã không cần biết lí do. Gã chỉ thấy rằng, nó cần được phá bỏ. Dù sao, điều đó giúp gã quên đi những ám ảnh từ bức tường trong tâm tưởng. Chúng đã tồn tại lâu quá rồi. Nhưng, gã vẫn chỉ là một thằng đàn ông tay không tấc sắt.

3. Sáng nay, gã không ra khỏi nhà. Gã nghỉ việc. Dù là ngày đầu tuần. Dù sếp của gã là một mụ đàn bà mắt hí, môi dày, đầu rất to, chỉ biết gào thét, rất hay nhìn đồng hồ, và chăm chăm theo dõi các nhân viên qua chiếc camera mới lắp. Gã không ghét bỏ gì cái con người ấy. Gã chỉ thấy buồn, thấy hài hước mai mỉa thay, xung quanh gã còn bao nhiêu kẻ bị những bức tường như thế ngăn cách và ràng buộc hàng ngày hàng giờ bởi một vài chiêu trò ủy mị kém cỏi? Gã đã cố tình nghỉ việc. Gã sợ gì sự ghét bỏ, dập vùi của kẻ khác. Gã sợ gì mụ đàn bà ấy. Gã từng hỏi bà ta về một cái chày bằng sắt. À, gã hỏi vu vơ. Và bà ta, dĩ nhiên cũng ngu ngơ nhìn gã chằm chằm như người từ hành tinh khác xuống. Gã không định giết người bằng cái chày sắt. Gã muốn đập bỏ bức tường trong phòng làm việc của gã. Kể cả những chiếc bàn giấy, chúng chiếm hết phần lớn không gian và được kê sát tường.

Gã chưa bao giờ cảm thấy mình nên dành một yêu mến nào đó với những người đàn bà. Thi thoảng, gã nhíu mày khi nghĩ đến vợ. Nàng cũng là một người đàn bà, người đàn bà đang ở trong những bức tường cùng gã. Vậy mà, từ khi cưới nàng về, gã chỉ là một bức tường màu xám lạnh lẽo đối với nàng. Cuộc sống của gã và nàng nằm trong một vòng tròn khép kín, đơn điệu, nhàm chán. Buổi sáng, nàng đưa con gái đi học. Chiều gã đón về. Công việc được chia đều theo lịch ngày và tuần. Thời gian ở nhà, gã với nàng mỗi người một góc, như hai cái bóng quay lưng lại với nhau. Nàng không nói. Gã không mở miệng. Mối quan tâm chung của gã và nàng là đứa bé ba tuổi hồn nhiên líu lo kể chuyện về những gì diễn ra nơi ngôi trường của nó mỗi ngày.

Những ngày cuối tuần, nàng và con về ngoại. Gã thường làm vài việc khá kì quặc. Gã sơn lên bức tường đó một màu đỏ quạch như phù sa châu thổ. Chán, gã lại đợi đến cuối tuần, vợ con đi khỏi, tiếp tục đổi màu bằng cách tẩy xóa nó đi. Màu sắc có thể gây nên sự phấn chấn và kích động khối não bắt nó phải làm việc, phải sáng tạo, phải tìm đường. Gã vẫn thường mơ về những thanh sắt. Chúng có thể đập vỡ bức tường của gã. Vài lần, vợ gã cũng để ý đến bức tường ấy. Nàng không nói một tiếng nào. Nàng xem đấy là thứ trò chơi kì dị của chồng. Nàng tôn trọng điều đó. Gã thầm biết ơn nàng. Nhưng, giữa nàng và gã vẫn có một khoảng cách rất lớn.

Con gái gã bốn tuổi. Gã với nàng vẫn cách nhau một bức tường trong căn hộ thuê. Con gái gã khá xinh và ngoan. Nó giống mẹ. Chỉ có gã, chẳng giống ai. Ngày gã ra đời, những người đến thăm đều thì thào với mẹ: “nó chả giống ai”. Mẹ gã khóc ướt gối mỗi lần bà nội chì chiết: “nó chả giống ai”. Gã vào tuổi dậy thì, bà vẫn bảo: “nó chả giống ai”. Gã chẳng thể nào hiểu nổi. Bố gã nghiện rượu Tequila. Những lần bố uống say khướt, bò lết về nhà, và lải nhải với mẹ bằng những thanh âm lên men mà gã nghe thấy: “nó chả giống ai?”. Gã nhốt mình trong phòng. Gã tạo ra một bức tường kín mà không một kẻ nào có thể bước chân qua được.

Gã chẳng thể giống ai. Rõ ràng là thế. Khuôn mặt này, từ đâu đến, gã phân vân đi tìm câu trả lời mòn mỏi gần như nửa đời.

4. Gã quyết định rời xa nàng một thời gian, để tìm cách xóa bỏ những bức tường màu xám. Gã chuyển công tác. Nơi gã đến là một thành phố khá trầm, buồn. Sếp của gã cũng không phải là một mụ đàn bà sồn sồn mắt hí và môi dày, suốt buổi nhòm đồng hồ, lấm lét liếc dọc liếc ngang nhìn ngó vào chiếc camera để xem nhân viên của mình có trốn công sở hay chăng? Gã cảm thấy một chút hưng phấn nơi mảnh đất này. Có điều, những bức tường vẫn dựng lên trước mặt gã hàng ngày. Chúng mỗi lúc một cao ngất, đến mức ngập mặt gã. Đẩy gã chúi xuống tận cùng, khiến gã trở nên nhỏ bé như một lũ kiến.

Gã nghĩ về người đàn ông độc thân. Cái thời gã nhiều mộng mê nhất, nhiều lí tưởng nhất. Cái thời gã ngây thơ hát vang những lời nhảm nhí trên giảng đường. Gã nghĩ về bức tường trong căn phòng của gã. Gã nhớ quán rượu Tequila của lão họa sĩ già.

Gã ít liên lạc với vợ, nhưng vẫn gọi điện đều đặn cho con gái. Cô bé kể về bức tường, kể về một vài thứ sắc màu mới mẻ, kể về một người đàn ông già thường xuyên đến nhà. Gã im lặng, như bức tường màu xám của gã vậy. Gã nghĩ, có lẽ cũng đã đến lúc phải đập vỡ nó. Gã muốn biết phía sau là thứ gì? Tâm hồn màu xám hay những ẩn ức giấu kín? Gã không thể hèn nhát mãi được. Bản năng của con người như những đợt sóng ngầm. Chúng chỉ giả vờ hiền lành, lặng lẽ và đợi chờ thời điểm để hóa thành cơn bão lớn, cuốn trôi tất thảy xuống đáy sâu vĩnh viễn.

5. Mùa hè. Gã về thăm con gái. Sau đó sẽ là quán rượu Tequila. Vợ gã đã sơn lại bức tường. Chúng có màu vàng chanh. Như màu Tequila. Bất giác, gã thấy lòng mình dịu lại một chút. Cái màu vàng chanh khiến gã hào hứng với thứ cảm xúc khác lạ đang chảy tràn đâu đó. Gã hỏi con gái về một người đàn ông. Vợ gã im lặng. Gã nhìn thấy những bức tranh mới mẻ hình như vừa được treo lên tường. Bức vẽ chai Tequila và một cái cốc đập vào mắt gã. Trong chai Tequila là một bức tường màu xám xịt. Gã vẫn chỉ là một thằng đàn ông tay không tấc sắt. Nhưng, gã đã biết cách để đập vỡ những bức tường. Chúng sẽ hóa thành tro bụi sớm thôi.

Gã đến quán rượu của lão họa sĩ già. Gã hỏi về bức tranh vẽ chai rượu Tequila. Lão rót một cốc đưa gã và nói: “Cậu nên đập bỏ chúng, sau khi uống nốt giọt cuối cùng”. Hóa ra, lão ấy biết gã muốn gì. Hóa ra, trong chai Tequila của lão là bức tường màu xám mà gã mong muốn được đập vỡ nó.

Gã vẫn biết ơn nàng. Người vợ buồn khổ đáng thương của gã. Nhưng, lúc này, gã sẽ làm cái công việc ấy. Thay vì, đi tìm một thanh sắt, gã sẽ nhốt một bức tường vào chai Tequila và ném xuống sàn nhà.

T.B.K
(SH317/07-15)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.

  • HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...

  • HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.

  • PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.

  • THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

  • PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.

  • PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.

  • HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

  • BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.

  • DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết    (René Char)

  • ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.

  • NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.

  • NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.

  • NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.

  • NHẤT LÂM          Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.

  • NGUYỄN TRƯỜNG                           Nơi hầm tối là nơi sáng nhất          (Thơ Dương Hương Ly)

  • TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".

  • HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

  • NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.

  • XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.