PHONG LÊ
Quang Dũng1 - Dũng mà rất hiền, rất lành; tôi muốn dùng đến cả chữ lành để nói về ông mới thật sự đủ nghĩa và thỏa lòng.
Vì hẳn chắc, cả cuộc đời, cho đến tuổi sáu mươi tám khi ông qua đời, ông chưa hề làm phiền ai, gây chuyện với ai. Ông cũng chưa hưởng được những gì ông xứng đáng được hưởng, không phải theo ý nguyện của ông - vì dường như chưa bao giờ ông thể hiện ý nguyện đó - mà với đóng góp của ông trong tư cách một nhà thơ, người đã có không ít những bài, những câu đẫm chất thơ và chất đời; người thuộc trong số không nhiều nhà thơ đã nói được một điều gì thật riêng và thật đáng giá cho nền thơ Việt Nam giữa thế kỷ XX của chúng ta.
Quả là sự nổi danh, sự lưu danh có phần xa lạ với Quang Dũng lúc sinh thời. Người có vóc dáng cao và to, dường như đi đâu, đến đâu cũng thường e ngại về sự kềnh càng của mình, để như muốn thu nhỏ lại, để có thể lẫn vào trong bình dị dân dã của đời thường. Cả cuộc đời ông, ngay từ khi là anh chiến binh Tây tiến cho đến khi là ông cán bộ biên tập Nhà xuất bản Văn học nghỉ hưu, ông đều ở lẫn cùng nhân dân. Ông sống, theo đúng cả nghĩa đen của nó, không phải với cao lương mỹ vị mà với mắm muối tương cà, lều tranh quán lá, kể cả sự chịu đựng cái đói mà không phải nhiều người trong chúng ta đã trải:
Dặn vợ có cà đừng gắp mắm
Bảo con bớt gạo thổi thêm khoai
Nếu ai có bảo rằng hà tiện
Ta chẳng phiền ai, chẳng lụy ai!
Ông là người đi nhiều, theo cái thú phiêu bồng; nhưng tất cả đều là các cuộc đi với mũ lá, chân dép, ba lô trên các nhà ga, bến xe, bãi chợ của các xứ quê. Ông không thể và có lẽ chưa một lần đi theo lối tiền hô hậu ủng, lên xe xuống ngựa!
Đối với ông, sự nổi danh quả là xa lạ, thậm chí ông còn phải trải nỗi sợ của sự nổi danh. Tây tiến với “áo bào thay chiếu anh về đất, sông Mã gầm lên khúc độc hành”, với “mắt trừng gửi mộng qua biên giới, đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”... hình như đã “làm hại” ông suốt một thời dài, cho đến năm ông nằm liệt trên giường bệnh, trước lúc qua đời. Ngót bốn mươi năm, Tây tiến là đứa con đầu vạm vỡ, khôi ngô của ông, thế nhưng ông đã phải lánh mặt nó, thậm chí phải hãi sợ nó mỗi khi nghe có ai nhắc đến nó. Thương ông biết mấy, vì chỉ đến khi bị bạo bệnh, nằm liệt, ông mới có một tập thơ riêng, Mây đầu ô (1986); có nghĩa là phải đến lúc này, Tây tiến mới được vẹn nguyên trở về với người đã sinh ra nó để nhận lại vị trí của đứa con đầu lòng hào hoa và tráng kiện, không chỉ của ông mà còn là của cả nền thơ kháng chiến, ở vị trí mở đầu, ít có bài nào thay thế được và cũng không ai ghen tị với nó được.
Tây tiến chịu số phận long đong một thời dài, có thể nói là quá dài, như một sản phẩm chính tác giả muốn quên đi. Nhưng phải nói là, cũng suốt bấy nhiêu năm, nó không hề bị quên trong lòng một bộ phận công chúng độc giả. Cái chất hào hoa làm nên dấu ấn một thời, cái hào hoa vốn có sẵn trong tâm trí một lớp người trai trẻ vào cách mạng, cái hào hoa của người Hà Nội và cả của xứ Đoài lại chính là cái làm nên men say và chất lãng mạn mà con người rất cần đến cho những cuộc ra đi, những cuộc lên đường. Tất cả những ai, nhất là thuộc lớp người trai trẻ trong chiến tranh, và càng là trong chiến tranh mà lại không cần đến chất lãng mạn đó, để bù đắp cho những gian nan, thiếu thốn của hiện thực - một chút thôi cũng đủ giúp cho họ vượt lên trên hiện tại, vượt lên chứ không phải để thoát ly hiện tại.
Ai mà không mong mỏi được nhìn thấy trong các cuộc vui, cuộc liên hoan bình thường của đời sống kháng chiến cái chất lãng mạn và mơ mộng lộng lẫy như sơn mài mà dường như chỉ riêng Quang Dũng mới nắm bắt được:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
Tôi tin tất cả các thế hệ bạn đọc đã từng đọc và yêu Tây tiến, không ai vì cái chất “tiểu tư sản” như một thời ta gán cho nó mà trở nên yếu đuối hoặc hư hỏng. Họ vẫn là họ, những người thuộc lòng Tây tiến, yêu mê Tây tiến, ngân nga cùng Tây tiến, mà vẫn là người lính dũng cảm của hai cuộc kháng chiến, là người công dân tốt của nhà nước Dân chủ cộng hòa, là con người mới xã hội chủ nghĩa như cách ta kêu gọi và mong đợi.
Quang Dũng không phải chỉ là tác giả của một Tây tiến bất hủ. Ông thật sự là nhà thơ với hồn thơ thật sự trong nhiều bài thơ khác: Mắt người Sơn Tây, Những làng đi qua, Không đề, Mây đầu ô... Chưa ai khác ngoài ông, cho đến hôm nay, kể cả Tản Đà, đã tạo nên được một sự sống rung động đến thế cho xứ Đoài nhiều mây trắng của quê ông. Con đường qua Cầu Giấy lên Phùng, đến với xứ Đoài, nhờ vào thơ ông mà trở nên thơ mộng hơn, mỹ lệ hơn, lưu luyến hơn, dẫu đất đai quê hương thì nơi đâu cũng có một vẻ đẹp riêng, một nỗi nhớ nhung riêng, nơi đâu cũng thế:
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
...
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng,
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Ấy là làng quê trong vẻ đẹp và sự sống cần lao muôn thuở. Và còn là làng quê trong chiến tranh, thật là cụ thể, sống động và đầy ấn tượng qua cái nhìn và cảm nhận của người lính Tây tiến:
Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng Chạp
Nùn rơm - khói thuốc - bạch đầu quân
Tự vệ xách đèn chai lối xóm
Khuya về chân khỏa vội cầu ao
Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào
Vỡ lá bàng khô bước du kích
Đó là những bài thơ hay trọn vẹn, không phải chỉ để đọc một lần. Ông còn những bài, với không ít những câu đủ làm sống dậy một kỷ niệm với đất nước quê hương. Nếu nói có một nhà thơ gắn bó tha thiết với quê hương tôi tưởng không thể quên Quang Dũng, người đã có tập thơ Rừng biển quê hương (in chung với Trần Lê Văn); người đã viết văn xuôi: Rừng về xuôi và Hoa lại vàng tháng Chạp; người không chỉ có rất nhiều duyên nợ với rừng mà còn cả với biển; ngay với biển, ông cũng đã ghi lại được những dáng nét, những dư âm không dễ quên:
Ầm ì biển thở dọc hải triều
Đồng muối lóa mắt ngày nắng thiêu
Ở đây đê biển ngăn con nước
Đê ngoài kia sóng gió bao nhiêu!
Không nói đến những góc phố phường Hà Nội:
Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi! Chật làm sao góc phố phường.
Những nẻo đường quê:
Đường về quê hương mùa lúa chín
Chim ngói bay về thửa tám thơm
Càng không nói những kỷ niệm chiến tranh, sau Tây tiến lại tiếp đến những Hồ Nam, trong khoảng cách của không gian:
Một hàng cau phơ phất
Một hàng mây xa xôi
Trong mưa mờ hiu hắt
Buồn lắm Hồ Nam ơi!
và Bố Hạ, trong khoảng cách thời gian:
Cuối năm trên đường đi Bố Hạ
Tháng chạp mùa cam lửa đốm vườn
Bãi sỏi quanh co dòng nước chậm
Cheo leo cầu tạm vắt sông Thương.
Dường như tất cả những nhà thơ hiện đại của chúng ta không ai không viết về quê hương; nhưng quê hương trong thơ Quang Dũng theo tôi vẫn có dáng nét riêng, có cái hồn riêng. Đi những chuyến đi trở nên rất bình thường như một nhu cầu hồn nhiên của sự sống chứ không phải đi để hưởng ứng một cuộc vận động, để kiếm tìm đề tài, để viết... đó là cách đi quen thuộc của Quang Dũng. Đi đến những vùng sâu và xa, ngay khi đã ở tuổi ngoài sáu mươi, khi bệnh tật không ngừng hành hạ, Quang Dũng đã trở thành người bộ hành nơi con số bất tận những bộ hành họp thành nhân dân trong gồng gánh lam lũ và trong buồn vui chung của cuộc đời. Có thế, mới là ông. Và ông chỉ khác họ là tự mình ghi được một cách hồn nhiên, như không hề có chuẩn bị, những thanh âm và dáng nét của cuộc đời, vừa là của một thời sôi nổi hai cuộc kháng chiến, lại cũng vừa là trong vĩnh cửu của sự sống cần lao, với bao là âu lo vất vả nhưng cũng không quá hiếm hoi niềm vui sống.
Khỏi phải nói nhiều về cái nghèo và những vất vả, túng thiếu mà nhà thơ tài hoa Quang Dũng cùng gia đình ông phải nếm trải. Thế nhưng sống cái sống thiếu thốn mà không một lời than phiền chê trách; hoặc nếu có chê trách thì cũng chỉ là tự trách mình - đó cũng là nét riêng của người và thơ Quang Dũng. Hiểu thế để thấy thơ Quang Dũng không vắng thiếu cái buồn, nhưng buồn mà gắng tự vượt lên, buồn mà không phải là bi, là bi quan hoặc bi lụy.
Phải có cả hai phía, trong đối xứng như thế, mới là Quang Dũng:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Những cái buồn làm nên cuộc sống mà thiếu nó, sao còn chút ý vị và thi vị:
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Những cây ổi thơm ngày ấy
Và vầng hoa ngâu mưa thu
Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em dáng thời gian qua
...
Bỏ em, anh đi
Đường hai mươi năm
Dài bao chia ly
Phải có buồn mới đúng là hồn thơ Quang Dũng. Chút buồn, sao thoát được, trong lận đận chuyện đời, trong nỗi sợ ngày qua, nhưng buồn không phải để mất đi lòng tin vào cuộc đời, đối với ông, đó là toàn bộ sự sống bình dị mà ấm áp giữa người thân và bè bạn, là tình cảm của biết bao người đọc ông và yêu mến ông, cả trong đời và trong thơ.
Quang Dũng, người thường quên thơ mình, người không muốn tính đến sự nghiệp thơ của mình, người ngay lúc sinh thời vẫn phải nhờ bè bạn “sưu tầm” hộ thơ mình, lại chính là người rất đáng được đời nhớ đến. Sinh thời ông chưa được hưởng bao nhiêu cái thú nhìn thấy trọn vẹn những gì mình sinh ra cho đời, vì sự vô tâm rất đáng yêu và cũng đáng tiếc nơi ông. Vào những ngày này, mở đầu thế kỷ mới, mong biết bao một sưu tập đầy đủ về Quang Dũng - một tài năng đa diện cả thơ - văn - nhạc - họa, để hồi nhớ về một thế kỷ đang qua, trong đó ông là người đã để lại nhiều dấu ấn, hoặc nhờ ông mà có thêm các dấu ấn.
P.L
(TCSH43SDB/12-2021)
------------------------
1. 1921 - 14/10/1988.
Chúng ta đ ề u đã bi ết Hàn Mặc Tử n ằ m ở nhà thương Qu y Hoà từ 21- 9 -1940 đ ế n 11 - 11 -1940 thì từ tr ầ n. Nhưng có một đi ề u dám chắc ai cũng băn khoăn là su ố t trong 51 ngày đ êm đó, thi sĩ có làm bài thơ nào không?
Công chúng yêu sân khấu cả nước ngưỡng mộ Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Bình với tư cách là một diễn viên tài năng, một đạo diễn gạo cội, một lãnh đạo ngành sân khấu năng nổ, nhưng ít ai biết anh còn là một tác giả sáng tác kịch bản văn học cho nhiều thể loại sân khấu, mà chủ yếu là kịch nói và ca kịch...
Kể từ khi ca khúc “Có một dòng sông” được công bố lần đầu tiên qua loa truyền thanh xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế do chính tác giả cầm guitar thùng trình bày khi vừa viết xong, đến nay vừa tròn 40 năm, nhưng sức lay động của bài ca vẫn còn ngân vang mãi trong nhiều thế hệ người nghe được sinh ra và lớn lên bên dòng sông ấy, bất chấp dòng chảy thời gian.
Mẹ trong mỗi chúng ta là hình ảnh đầy thiêng liêng và diệu kỳ. Mẹ! Có nghĩa là duy nhất/ Một bầu trời/ Một mặt đất/ Một vầng trăng/ Mẹ không sống đủ trăm năm/ Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát (Ngày xưa có mẹ - Thanh Nguyên).
(Đọc “Chuyện kể về món hàng quý giá nhất đời” của Jean-Claude Grumberg, Nxb. Văn học 2023 - Dịch giả: Hoàng Anh).
Nhìn thấu mà không nói thấu là đỉnh cao cảnh giới xử thế trí tuệ. Nói theo thuật ngữ Phật học, cái trí nói chung có ba phần hợp thành là trí thức, trí tuệ và trí huệ.
Lê Minh Phong (sinh 1985) vốn cùng quê với Huy Cận, nhưng xa hơn về phía núi. Cả hai đều có một tâm hồn cổ sơ. Nét hoang dã của vùng đất ấy đã tạo ra ngọn Lửa thiêng trong thơ Huy Cận, tạo nên những huyền thoại, cổ tích trong văn xuôi Lê Minh Phong.
(Đọc tập tiểu luận “Ngắn dần đều” của Hoàng Đăng Khoa, Nxb. Đà Nẵng và Book Hunter, 2024)
YẾN THANH
Tôi luôn quan niệm rằng, tiểu thuyết là một bản tự thuật chân thật về tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ ca có thể là tiếng nói trực tiếp, chân thành của cảm xúc, song những giới hạn của thể loại về nhạc tính, vần điệu, câu từ, khổ thơ, số chữ trong từng câu… luôn ngăn trở tác giả vẽ nên bức chân dung đầy đủ, hoàn thiện về tâm hồn của mình.
Tôi luôn quan niệm rằng, tiểu thuyết là một bản tự thuật chân thật về tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ ca có thể là tiếng nói trực tiếp, chân thành của cảm xúc, song những giới hạn của thể loại về nhạc tính, vần điệu, câu từ, khổ thơ, số chữ trong từng câu… luôn ngăn trở tác giả vẽ nên bức chân dung đầy đủ, hoàn thiện về tâm hồn của mình.
VÕ QUỐC VIỆT (Đọc “Đất Việt trời Nam liệt truyện” của Trần Bảo Định)
Tập thơ Vực trắng, Nxb. Hội Nhà văn quý 2/2024 của nhà thơ, nhà báo Lữ Mai gồm 55 bài thơ, được sắp xếp thành 6 phần: “Từ núi”, “Đi lạc”, “Nói bằng gai sắc”, “Trở về chạng vạng”, “Gửi Huế”, “Cánh tàn bừng giấc”.
HỒ THẾ HÀ
Lê Quang Sinh sáng tác thơ và trở thành nhà thơ được độc giả cả nước yêu quý và đón nhận nồng nhiệt. Nhưng ít ai biết Lê Quang Sinh là nhà phê bình thơ có uy tín với mỹ cảm tiếp nhận bất ngờ qua từng trang viết đồng sáng tạo tài hoa của anh.
PHONG LÊ
Hải Triều, đó là một tên tuổi quan trọng trong sinh hoạt văn chương - học thuật thời kỳ 1930 - 1945. Ông vừa giống vừa khác với thế hệ những đồng nghiệp cùng thời, nếu xét trên phạm vi các mối quan tâm về học thuật.
TRẦN HOÀNG
HỒ THẾ HÀ
Võ Mạnh Lập là nhà văn chuyên viết ký (essai/ essey) với thế mạnh sở trường nghiêng về ký sự, truyện ký, bút ký, hồi ký, phóng sự, ghi chép…
NHẬT CHIÊU
(Chiyo-ni: The relief offered by haiku)
Có một nghệ thuật cứu chữa, cứu thoát chúng ta trong cuộc sống bản thân trong tình trạng thương tổn, trong tâm lý và tâm linh, đó là thực tập viết thơ và đọc thơ.
HỒ THẾ HÀ
Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ tài danh của nền thơ Việt Nam hiện đại.
TRẦN BẢO ĐỊNH
1. Là người con xứ Nghệ - vùng đất dày truyền thống học tập, tranh đấu, Võ Thu Hương nuôi chí thực hiện đam mê theo nghiệp văn và nhà văn nữ ấy, đã trưởng thành cùng gắn bó với văn chương Thành phố Hồ Chí Minh.