Tình mẹ bao la không gì đo đếm được, những hình ảnh về mẹ luôn hiện hữu đầy ắp trong tâm khảm của mỗi người, hễ có dịp là như ngọn lửa trào lên những rung cảm rưng rức, nghẹn ngào. Đặc biệt, hình ảnh người mẹ mong chờ con cháu về sum họp trong mỗi dịp Tết nơi quê nhà luôn là niềm cảm xúc mãnh liệt trong lòng mỗi người. Đây cũng là nguồn cảm hứng để thi ca gọi tên. Bài thơ Tết của mẹ tôi của nhà thơ Nguyễn Bính hệt như một điệu đàn, một cung bậc vừa thiêng liêng, vừa ngọt ngào trong những thời khắc chuyển giao của đất trời mùa xuân.
Nguyễn Bính (1918 - 1966) tên thật là Nguyễn Trọng Tạo. Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca hiện đại. Sinh ra tại Vụ Bản, tỉnh Nam Định - một vùng quê Bắc Bộ vốn nổi tiếng với truyền thống văn chương, khoa bảng, với nhiều nền nếp sinh hoạt văn hóa đã đi vào thơ ca của ông làm nên cái chất riêng đúng với danh xưng “nhà thơ của tình quê”. Những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc hồn quê đã làm nên chân dung của một thi sĩ sống mãi với thời gian. Tết của mẹ tôi là một trong những thi phẩm như thế. Có lẽ, cuộc đời của Nguyễn Bính có nhiều thăng trầm, mất mát nên những vần thơ của ông về mẹ luôn mang đến cảm giác nhớ nhung vời vợi. Mẹ của Nguyễn Bính, bà Bùi Thị Miện, bị rắn độc cắn rồi mất (1918) khi Nguyễn Bính mới được 3 tháng tuổi, để lại ông trong cảnh côi cút, mồ côi mẹ đúng như câu thơ ông viết: Còn tôi sống sót là may/ Mẹ hiền mất sớm trời đày làm thơ.
Khi hương xuân chạm vào cánh cửa thời gian thì Tết cũng về dưới hiên nhà. Trong tâm thức của mỗi người, Tết là để hoài niệm, sống lại với hồi ức. Tết là dịp để tổng kết cuộc sống năm cũ, hy vọng tới điều tốt đẹp trong năm mới. Tết cũng là dịp để sum họp và đoàn tụ. Tết là quê hương, là một bức tranh sống động tươi mới như trong “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà gianh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”, hay những phong tục đầu năm của người Việt: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua/ Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài/ Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay” (Ông đồ - Vũ Đình Liên).
Hương sắc ấy cũng được thi nhân Nguyễn Bính tái hiện lại qua các phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, trong từng nhịp điệu của thi ca. Tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Bính, Tết còn được đặt dưới nhiều góc nhìn, là nỗi nhớ quê, nhớ mẹ, là Tết của những người tha hương, là những nỗi khắc khoải hay những nỗi bơ vơ, lạc lõng khiến ai đang ở trong hoàn cảnh đó cũng bỗng trào dưng nước mắt. Trong số 272 bài thơ viết trước cách mạng của thi sĩ Nguyễn Bính, có rất nhiều bài thơ viết về Tết với các nhan đề như: Tết, Tết của mẹ tôi, Tết biên thùy… không chỉ gợi lên ý niệm về không gian, thời gian mà còn là tình cảm thiết tha của tác giả hướng về cội nguồn, về những người thân yêu.
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Không khí ngày Tết được bắt đầu bằng những hình ảnh giản dị của người dân quê nhưng cũng đầy sang trọng và gợi lên bao sắc thái thân thương. Mỗi khoảnh khắc đẹp đẽ đó như một bức tranh in đậm vào tiềm thức tuổi thơ. Bao trùm lên không gian ấy là hình ảnh người mẹ tảo tần sắm sửa lo toan chuẩn bị cho gia đình đón một cái Tết đầm ấm, vui tươi.
“Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều,
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều
Sân gạch, tường hoa người quét lại
Vẽ cung trừ quỷ trồng cây nêu”
Cả một năm bận rộn công việc vất vả, Tết là dịp nhiều gia đình “tổng dọn vệ sinh”, phong quang sạch sẽ nhà cửa. Mẹ bận rộn xoay xở, lo toan “đủ trăm chiều”, cảnh tượng vất vả của mẹ những ngày giáp Tết chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đã từng chứng kiến. Vào dịp Tết đến, những phong tục truyền thống như quét vôi, dọn nhà, vẽ cung trừ quỷ đầu ngõ, dựng nêu trước sân để mong đón một năm tốt lành. Cùng với đó là chuẩn bị đồ ăn, thức uống vừa để đảm bảo lương thực ba ngày Tết cho cả gia đình, vừa tiếp đãi khách, và cũng để mong ước một năm đủ đầy, tựa như “năm mới gạo đầy lu, muối đầy hũ”, vạn sự suôn sẻ.
“Nuôi hai con lợn tự ngày xưa
Mẹ tôi đã tính “Tết thì vừa”
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ”
Không chỉ ngày xưa, bây giờ ở nông thôn vẫn có một số nhà “nuôi lợn từ bé” chờ ngày Tết. Mẹ trong thơ của Nguyễn Bính cũng tính toán, đo ngày tính tháng nuôi hai con lợn, trữ gạo nếp thơm, thêm bó mo cau là vừa cho cái Tết ấm cúng sum vầy. Những vật phẩm được chuẩn bị này về cơ bản vẫn là “cây nhà lá vườn”, của nhà tự trồng được. Dường như những bận bịu cuối năm khác hẳn với những bận bịu lo toan ngày thường. Vào thời điểm này, ai cũng muốn sắm sửa cho gia đình một cái Tết đủ đầy. Mẹ đúng với tên gọi “người xây tổ ấm”. Bàn tay lam lũ, bóng dáng tảo tần, mẹ dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ... Không dưng mà người ta thường hay bảo, tuy nói là ba ngày Tết, nhưng không khí nhất, chộn rộn nhất và tất bật nhất lại là những ngày giáp Tết. Bằng phương pháp liệt kê, hình ảnh người mẹ hiện lên dưới ngòi bút của thi sĩ đầy chân thực và gần gũi. Dáng vẻ tảo tần, chịu thương chịu khó của mẹ trong câu chữ, ngôn từ mà nhà thơ Nguyễn Bính mô tả được khắc họa đậm nét thông qua hàng loạt công việc được kể liên tiếp tạo nên mạch chảy xuyên suốt toàn bộ bài thơ.
Và để rộn ràng, tất bật hơn nữa, tác giả còn nhấn mạnh: “Nay là hăm tám Tết rồi đây/ (Tháng thiếu cho nên hụt một ngày)”. Công việc một mình mẹ gánh vác đã đủ bận rộn, thời gian lẫn không gian đều có vẻ rất dồn dập, bởi dường như cái sự “hụt một ngày” mà Tết lại càng gần hơn thì phải? Sự gấp gáp tràn từ câu thơ của Nguyễn Bính len lỏi vào cảm xúc của người đọc, khiến chúng ta như cảm nhận được những thấp thoáng đâu đó sự quen thuộc đến ngỡ ngàng, thân thương. Hòa vào không khí vui tươi của đất trời, khi mọi công việc nhà cửa đã “hòm hòm”, mẹ lại lo đi chợ sắm sửa mâm lễ dâng tổ tiên, mua vật dụng cần thiết cho cả gia đình. Cả một năm có thể nhiều khó khăn, thiếu thốn phải chắt bóp, tiết kiệm nhưng Tết đến phải sung túc, trong ấm ngoài êm, đây có lẽ cũng là một cách “trả công” cho những ngày tháng vất vả lao động của năm cũ, và “mở bát” để đón nhận nhiều niềm vui trong năm mới.
Tuổi thơ tôi cũng đã từng rất mong chờ những ngày đi chợ Tết cùng mẹ, lẽo đẽo đôi chân nhỏ tôi khuân về khi thì nải chuối, lúc thì vài đốt giang để ba làm bánh, xâu mộc nhĩ để mẹ làm ram. Việc đi chợ Tết luôn tưng bừng như thế, ở đấy có niềm vui, có nỗi lo, có trách nhiệm, có đầy đủ các cung bậc cảm xúc. Mẹ trong thơ của Nguyễn Bính cũng tất bật sắm sửa lo toan trong phiên chợ ngày cuối năm như thế. Ngoài đồ lễ, mẹ còn mua thêm pháo chuột, tranh gà “Sắm sửa đồ lễ về việc Tết/ Mẹ tôi đi chợ buổi hôm nay/ Không như mọi bận, người mua quà/ Chỉ mua pháo chuột và tranh gà/ Cho các em tôi đứa mỗi chiếc/ Dán lên khắp cột đốt inh nhà” món đồ mà đứa trẻ nào cũng thích. Trong muôn ngàn thú chơi dân dã, nhà thơ lựa chọn hai hình ảnh tiêu biểu nhất để diễn tả không khí Tết. Âm thanh của pháo chuột nổ inh nhà gợi ra sự vui vẻ, sôi động; còn những bức tranh gà thì gợi lên cảnh sinh sôi, no đủ. Khó khăn nhưng vui và đầm ấm chính là như thế.
Các công việc như “mổ lợn, gà”, “đồ xôi” để chuẩn bị cho cỗ bàn đã xong xuôi thì thời khắc quan trọng nhất cũng đã tới - Giao thừa. Đây là thời khắc thiêng liêng nhất, tiễn biệt những buồn vui năm cũ để hướng tới những hy vọng an lành trong năm mới. “Suốt đêm Giao thừa, mẹ tôi thức/ Lẩm nhẩm câu kinh Đức Chúa Bà”. Mẹ vui cùng niềm vui Tết đến, xuân về, vui trong niềm hạnh phúc gia đình đầm ấm, êm vui, các con mạnh khỏe, dẫu có bao nhiêu nhọc nhằn mẹ chẳng nề hà chi. Và mẹ không quên việc chính là dặn dò chu đáo các con:
“Mẹ tôi gọi cả các em tôi
Đến bên mà dặn: “sáng ngày mai
Các con phải dậy sao cho sớm
Đầu năm, năm mới phải lanh trai.
Mặc quần mặc áo, lên trên nhà
Thắp hương, thắp nến lễ ông bà
Chớ có cãi nhau, chớ có quấy
Đánh đổ, đánh vỡ như người ta…”
Người xưa thường quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, đặc biệt là đầu năm mới, với hy vọng một mùa xuân an lành, trọn vẹn. Mẹ dặn dò các con kỹ lưỡng, sáng mồng một, phải “thức dậy sao cho sớm” với trạng thái vui vẻ, nhanh nhẹn, “cho lanh trai”. Các hành động, phát ngôn đầu năm sẽ có ảnh hưởng tới những chuyện xảy ra trong năm, nên “chớ có cãi nhau, chớ có quấy”. Cũng như việc kiêng “đánh đổ, đánh vỡ” các đồ chén, gương, ly… nếu rơi vỡ vào đầu năm sẽ không đem lại điềm cát lành. Quần áo chỉnh tề, thắp hương cho gia tiên, ông bà rồi mới tính tới việc đi chúc Tết. Theo quan niệm của người Việt, vị khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm rất quan trọng, họ ảnh hưởng tới việc gia chủ năm đó có an lành, hạnh phúc hay không. Mẹ sợ các con ham chơi, sợ các con quên những điều kiêng kỵ, nên “Sáng mồng một, sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường”. Những lời dặn dò đó gợi bao kỷ niệm thiêng liêng một thời, là ký ức tươi đẹp lúc còn thơ ấu.
Sáng mồng một không khí xuân rộn ràng khắp mọi nẻo đường. Lúc này những đứa trẻ háo hức hơn bao giờ hết, quần áo đẹp đẽ đi chúc Tết ông bà nội ngoại, cô dì chú bác, những câu chúc đầu năm như: “Xuân sang cháu chúc mừng bà/ Suốt năm mạnh mẽ nước da đỏ hồng/ Mắt bà thêm sáng thêm trong/ Bà đi ngay ngắn đừng còng cái lưng” (Mừng tuổi bà - Trần Trung Phương), những cái xoa đầu đến từ người lớn tuổi, hay những phong bì lì xì đỏ thắm cầu may. Người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng được mừng tuổi trong dịp năm mới, cầu cho người già sống lâu sống khỏe, chúc cho trẻ nhỏ mạnh khỏe bình an. “Một ông khách trông trời cười hớn hở/ Bước vào nhà mừng rỡ mở phong bao/ Làm cả nhà tấp nập chạy xôn xao/ Chúc năm mới ồn ào không ngớt tiếng” (Sáng mồng một - Trần Trung Phương). Nguyễn Bính cũng đã tái hiện lại tục lệ mừng tuổi này một cách vô cùng đáng yêu: “Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương”. Mẹ mừng tuổi mở hàng cho mỗi đứa là “năm xu rưỡi”, vừa đủ chẵn và lẻ để “hên” cả một năm.
Chân dung mẹ trong thơ Nguyễn Bính là điển hình mẫu mực cho người phụ nữ tần tảo, hiền lành, chăm lo đủ đầy mọi việc trong nhà ngoài ngõ, yêu thương chăm sóc chồng con hết mực, và đặc biệt rất hiếu thảo tôn kính ông bà tổ tiên. Đó là những nét đẹp về thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Người mẹ hội tụ đầy đủ công - dung - ngôn - hạnh, đẹp từ vẻ bề ngoài cho tới nội tâm. “Mẹ tôi thắt lại chiếc khăn sồi/ Rón rén lên bàn thờ ông tôi/ Đôi mắt người trông thành kính quá/ Ngước xem hương cháy đến đâu rồi”. Hình ảnh “thắt lại chiếc khăn sồi” cùng động tác “rón rén” đó là sự thành tâm, kính cẩn của người mẹ trước ban thờ gia tiên. Đối với ai mẹ cũng dành sự yêu thương, chăm sóc nên không khí những ngày Tết luôn ngập tràn vui vẻ: “Mẹ tôi uống hết một cốc rượu/ Mặt người đỏ tía vì hơi men/ Người rủ cô tôi đánh tam cúc/ Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen”. Toàn bài thơ 13 khổ, thì khổ thơ này có lẽ tác giả dành riêng cho niềm vui của mẹ sau những lo toan tất bật. Qua trang sách người đọc phần nào mường tượng ra được hình ảnh ấm áp, rộn ràng lúc đó. Và đây rõ ràng là một gia đình có nền nếp gia phong. Người chồng, người cha thoáng qua không gian bằng hình ảnh “Thầy tôi lấy một tờ gia tiên/ Bút lông dầm mực, viết lên trên”, đây có thể là một thầy đồ như trong thơ Vũ Đình Liên hoặc một người có chút chức sắc trong làng, hình ảnh này chỉ để làm nền tô điểm cho không gian Nho giáo trong giới hạn gia đình. Mọi công việc trong nhà đều do một tay người vợ, người mẹ quán xuyến. Nhưng tất cả đều tròn trịa, vuông vắn, chu đáo đâu vào đấy, bởi họ là người “giữ lửa gia đình”, “người xây tổ ấm”.
Nếu như nhà thơ Nguyễn Hữu Thịnh khép lại bài thơ “Tết của mẹ” bằng một hình ảnh rất đẹp: “Thấy Tết quê hương mắt mẹ cười”, thì nhà thơ Nguyễn Bính lại khiến cho người đọc ngậm ngùi hơn ở khổ thơ kết:
“Xong ba ngày Tết mẹ tôi lại
Đầu tắt, mặt tối, nuôi chồng con
Rồi một đôi khi người giã gạo
Chuyện trò kể lại tuổi chân son”
Mẹ cũng có “ước mơ riêng mình” nhưng mẹ gói ghém lại bằng những câu chuyện kể “tuổi chân son”, trở về với hiện thực cuộc sống, xong xuôi ba ngày Tết, mẹ tất bật “Đầu tắt, mặt tối, nuôi chồng con”, đúng với cái cảnh “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Lời thơ dung dị, nhẹ nhàng nhưng để lại những dư ảnh thấp thoáng một nỗi buồn xa xăm, vời vợi. Phải yêu mẹ, nhớ thương mẹ nhiều lắm mới viết nên được những vần thơ tròn trặn dư âm, dư vị đến như thế!
Mẹ gìn giữ, nâng niu hương vị truyền thống của Tết bằng những hình ảnh quen thuộc, dân dã để con cháu được sum vầy, nếp nhà mãi mãi vẹn nguyên. Mẹ tảo tần lo toan mọi việc miễn sao gia đình hạnh phúc, ấm êm. Người mẹ trong Tết của mẹ tôi là điển hình mẫu mực cho người phụ nữ Việt Nam, những người vợ, người mẹ rất đỗi bình thường nhưng vô cùng vĩ đại. Dựng lại chân dung của mẹ bằng lối kể chuyện tự nhiên, nhẹ nhàng, không hình tượng hóa, vẫn sử dụng lối viết tả thực, nhà thơ Nguyễn Bính đã để lòng mình lặng lẽ tràn trên trang giấy, và cả những dư âm vang vọng trong lòng người đọc về mẹ và mùa xuân.
Đ.T.N
(TCSH432/02-2024)
Chúng ta đ ề u đã bi ết Hàn Mặc Tử n ằ m ở nhà thương Qu y Hoà từ 21- 9 -1940 đ ế n 11 - 11 -1940 thì từ tr ầ n. Nhưng có một đi ề u dám chắc ai cũng băn khoăn là su ố t trong 51 ngày đ êm đó, thi sĩ có làm bài thơ nào không?
Công chúng yêu sân khấu cả nước ngưỡng mộ Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Bình với tư cách là một diễn viên tài năng, một đạo diễn gạo cội, một lãnh đạo ngành sân khấu năng nổ, nhưng ít ai biết anh còn là một tác giả sáng tác kịch bản văn học cho nhiều thể loại sân khấu, mà chủ yếu là kịch nói và ca kịch...
Kể từ khi ca khúc “Có một dòng sông” được công bố lần đầu tiên qua loa truyền thanh xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế do chính tác giả cầm guitar thùng trình bày khi vừa viết xong, đến nay vừa tròn 40 năm, nhưng sức lay động của bài ca vẫn còn ngân vang mãi trong nhiều thế hệ người nghe được sinh ra và lớn lên bên dòng sông ấy, bất chấp dòng chảy thời gian.
(Đọc “Chuyện kể về món hàng quý giá nhất đời” của Jean-Claude Grumberg, Nxb. Văn học 2023 - Dịch giả: Hoàng Anh).
Nhìn thấu mà không nói thấu là đỉnh cao cảnh giới xử thế trí tuệ. Nói theo thuật ngữ Phật học, cái trí nói chung có ba phần hợp thành là trí thức, trí tuệ và trí huệ.
Lê Minh Phong (sinh 1985) vốn cùng quê với Huy Cận, nhưng xa hơn về phía núi. Cả hai đều có một tâm hồn cổ sơ. Nét hoang dã của vùng đất ấy đã tạo ra ngọn Lửa thiêng trong thơ Huy Cận, tạo nên những huyền thoại, cổ tích trong văn xuôi Lê Minh Phong.
(Đọc tập tiểu luận “Ngắn dần đều” của Hoàng Đăng Khoa, Nxb. Đà Nẵng và Book Hunter, 2024)
YẾN THANH
Tôi luôn quan niệm rằng, tiểu thuyết là một bản tự thuật chân thật về tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ ca có thể là tiếng nói trực tiếp, chân thành của cảm xúc, song những giới hạn của thể loại về nhạc tính, vần điệu, câu từ, khổ thơ, số chữ trong từng câu… luôn ngăn trở tác giả vẽ nên bức chân dung đầy đủ, hoàn thiện về tâm hồn của mình.
Tôi luôn quan niệm rằng, tiểu thuyết là một bản tự thuật chân thật về tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ ca có thể là tiếng nói trực tiếp, chân thành của cảm xúc, song những giới hạn của thể loại về nhạc tính, vần điệu, câu từ, khổ thơ, số chữ trong từng câu… luôn ngăn trở tác giả vẽ nên bức chân dung đầy đủ, hoàn thiện về tâm hồn của mình.
VÕ QUỐC VIỆT (Đọc “Đất Việt trời Nam liệt truyện” của Trần Bảo Định)
Tập thơ Vực trắng, Nxb. Hội Nhà văn quý 2/2024 của nhà thơ, nhà báo Lữ Mai gồm 55 bài thơ, được sắp xếp thành 6 phần: “Từ núi”, “Đi lạc”, “Nói bằng gai sắc”, “Trở về chạng vạng”, “Gửi Huế”, “Cánh tàn bừng giấc”.
HỒ THẾ HÀ
Lê Quang Sinh sáng tác thơ và trở thành nhà thơ được độc giả cả nước yêu quý và đón nhận nồng nhiệt. Nhưng ít ai biết Lê Quang Sinh là nhà phê bình thơ có uy tín với mỹ cảm tiếp nhận bất ngờ qua từng trang viết đồng sáng tạo tài hoa của anh.
PHONG LÊ
Hải Triều, đó là một tên tuổi quan trọng trong sinh hoạt văn chương - học thuật thời kỳ 1930 - 1945. Ông vừa giống vừa khác với thế hệ những đồng nghiệp cùng thời, nếu xét trên phạm vi các mối quan tâm về học thuật.
TRẦN HOÀNG
HỒ THẾ HÀ
Võ Mạnh Lập là nhà văn chuyên viết ký (essai/ essey) với thế mạnh sở trường nghiêng về ký sự, truyện ký, bút ký, hồi ký, phóng sự, ghi chép…
NHẬT CHIÊU
(Chiyo-ni: The relief offered by haiku)
Có một nghệ thuật cứu chữa, cứu thoát chúng ta trong cuộc sống bản thân trong tình trạng thương tổn, trong tâm lý và tâm linh, đó là thực tập viết thơ và đọc thơ.
HỒ THẾ HÀ
Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ tài danh của nền thơ Việt Nam hiện đại.
TRẦN BẢO ĐỊNH
1. Là người con xứ Nghệ - vùng đất dày truyền thống học tập, tranh đấu, Võ Thu Hương nuôi chí thực hiện đam mê theo nghiệp văn và nhà văn nữ ấy, đã trưởng thành cùng gắn bó với văn chương Thành phố Hồ Chí Minh.
NGUYỄN KHẮC PHÊ