Áo dài Việt Nam - hơi thở cuộc sống đời tôi

09:04 02/07/2021

HOÀNG THỊ NHƯ HUY

Chiếc áo dài đầu tiên đời tôi được mẹ may vào năm tôi lên Đệ Thất (lớp 6 bây giờ). Biết nói sao niềm vui sướng của tôi khi lần đầu mặc chiếc áo dài ấy!

Ảnh của NSNA Nguyễn Trực

Đi học mà tôi cảm giác như dọc đường ai cũng ngắm mình mặc dầu thuở ấy thân hình còn thẳng đuột như cây sậy, nước da lại đen thủi đen thui như thùng dầu hắc mà chiếc áo lại may thẳng tuột, chẳng nhíp eo, rộng thùng thình?

Nhưng may như thế mà lại hay! Bởi khi mặc áo dài đi học, tôi có thể túm hai vạt áo thành hai đùm để tiện nhảy dây, chơi ù mọi hay bịt mắt bắt dê… Hay khi tới nhà bạn chơi, thấy cây đào cây ổi có trái là trèo tuốt lên cây.

Lên lớp Đệ Tam thì bắt đầu biết làm dáng. Lúc đi may áo, biết chọn lụa tơ tằm, ủi thẳng tắp, hai tà mềm mịn, tạo dáng nhẹ nhàng thanh thoát. Tuy thế, đi học ở trường Đồng Khánh, mấy cái trò cột vạt áo nhau, hay gắn giấy có ghi dòng chữ: “Tui cần chồng gấp!” hay: “Tui đang cô đơn” vẫn thỉnh thoảng tái hiện trên vạt chiếc áo dịu dàng này.

Vào năm Đệ Nhị, có một kỷ niệm khó quên về chiếc áo dài Việt Nam. Năm ấy, một hôm Kiều Kim Ân vào nhà tôi, khoe tía lia: “Huy ơi bữa ni tau may được áo dài rồi. Mi ưa tau dạy cho mi không?” Làm răng mà không ưa được khi con gái Huế, đứa nào mà chẳng thích mình đạt bốn chữ công dung ngôn hạnh? Hơn nữa biết may áo dài thì từ nay giảm tiền công may áo, tha hồ mua thêm vải. Thế là tôi lập tức xin mẹ tiền, hai đứa dẫn nhau xuống chợ Xép mua hai xấp lụa Hồng hoa. Suốt mấy ngày hôm ấy, hai chúng tôi như hai con ong cần mẫn, một cô một trò thay phiên đo kích cỡ thân thể nhau, lấy giấy báo cắt mẫu, rồi mới cắt chính thức vào vải. Vốn dĩ chúng tôi đã học giờ May từ lớp Đệ Thất trong chương trình môn nhiệm ý (môn phụ) nên may đường kim mũi chỉ rất khéo. Sau ba ngày cật lực lao động của hai đứa, chiếc áo đã có hình hài, tay raglan, cổ cao 1 phân, đường kim mũi chỉ khá hoàn hảo. Nhưng khi mặc thử, một điều kỳ dị đã xảy ra khiến cả hai đứa ôm nhau cười ra nước mắt. Đó là hai tà áo, thay vì úp vào hông theo chiều thân thể như các nhà may nổi danh Chi, Thùy Trang, Cuộc… vẫn may, nay lại quéo ra như đôi cánh con ve ve khi vừa lột vỏ. Ôi thế là mộng vỡ tan tành! Làm sao mà dám mặc đến trường đây? Tiếc tiền mua vải nên tôi thẫn thờ. Cô giáo Kim Ân thì đăm chiêu suy nghĩ. Quái lạ răng lại ri hè? Chẳng lẽ chừ vất cái áo dài ni à? Tôi bất chợt nghĩ ra mưu kế: “Ân ơi đừng lo. Tụi mình chỉ mặc khi trời lạnh. Cái áo len phủ bên ngoài sẽ che cái tà xòe vểnh ra thì không ai thấy mà chê vụng mô.” “Ok, nhất trí!”… Thế là mùa đông năm ấy hai chúng tôi mặc áo dài ấy đến trường. Các bạn xúm hỏi: “Áo mới há!” Tui kiêu hãnh trả lời: “Ừ áo mới! Mà áo mình tự may đó”. “Thiệt không?” “Răng mà không thiệt hè! Kim Ân dạy mình may đó”. Thế là bầy bạn xúm sang Kim Ân: “Ân ơi dạy cho mình với!” Mụ Ân được dịp lên mặt ta đây: “Đứa mô ưa học thì khoanh tay thưa cô rồi mua vải về tau dạy cho”. Lũ bạn đua nhau vòng tay: “Chúng cháu dạ cô ạ!” Tui véo vào người nó nhắc nhỏ: “Ê đừng có sản xuất thêm một bầy áo dài tà xòe như cánh ve sầu vừa lột vỏ nữa nghe mụ mi”. Chiều ấy, tan học, Kim Ân chở tôi về trên xe Honda của nó. Tự nhiên có hai anh chàng cứ đi theo chúng tôi. Qua kính chiếu hậu, Kim Ân nhìn thấy chúng nên hỏi tôi: “Ê Huy, hai cái thằng nớ đi theo hai đứa mình làm chi rứa hè?” Tui đáp tỉnh queo: “Chắc tụi hắn biết hai đứa mình mặc áo dài tà lật quéo nên đi theo xin chữ ký đó”. Nó cười rung rung làm chiếc xe suýt bổ nhào.

Bốn mươi năm sau Kim Ân về thăm tôi. Chẳng hiểu sao nó quên kỷ niệm ấy. Khi tôi nhắc lại, nó cười bò lăn bò toài, bò nghiêng bò ngả. Nó nói một câu mà tôi vô cùng xúc động: “Huy ơi ngày ni tau quá hạnh phúc vì được mi nhắc lại chuyện may áo dài ngày xưa của hai đứa mình”.

Chiếc áo dài lại đi theo tôi lên giảng đường Đại học Sư Phạm, Đại học Văn Khoa với nhiều sắc màu hơn. Khi thì màu vàng để được lắng nghe “người nớ” hát khe khẽ: “Áo nàng vàng anh về yêu hoa Cúc”, khi thì màu tím Huế để ai đó lại hát khúc tình ca: “Một chiều lang thang bên dòng Hương giang tôi gặp một tà áo tím.”… Rồi chiếc áo dài Việt Nam lại theo chân tôi lên bục giảng của người giáo viên qua nhiều năm tháng dạy học của đời tôi. Và nay vẫn lại theo tôi qua những buổi giao tiếp với khách quốc tế, những buổi tham luận trên các diễn đàn văn hóa trong và ngoài nước…

Qua hơn năm mươi năm mặc áo dài, tôi vẫn luôn trung thành với lối may truyền thống: áo tay nối, nút thắt, đa phần vải lụa trơn chứ không thêu rồng phượng uốn éo đầy vạt, eo thả rộng… Dù bên ngoài cuộc sống, với trào lưu mốt của thời trang, chiếc áo dài đã được canh tân đủ kiểu dáng. Nhiều du khách đã nghe tiếng về tôi - người phụ nữ Việt luôn với áo dài Việt, trước khi đến thăm tôi, đã điện hỏi rất quan trọng: “Chúng tôi muốn hỏi phải ăn mặc như thế nào khi đến thăm bà cho phải phép?”. Tôi đã trả lời rằng: “Bạn đang đi du lịch nên việc bạn ăn mặc như thế nào là tùy sở thích của bạn, miễn sao bạn thấy thoải mái và không phản cảm với phong tục của đất nước tôi. Riêng tôi, tôi sẽ mặc áo dài truyền thống Việt Nam để tiếp bạn. Vì điều này sẽ nói lên lòng tôn kính của tôi đối với bạn.”

Những chiếc áo dài trước năm 1975 của tôi đã không còn do chiến tranh. Nhưng kể từ sau năm 1975, tôi chưa bao giờ đành đoạn vất bỏ một chiếc áo dài nào đã gắn bó với cuộc sống của tôi dù nó đã quá cũ, quá chật hay vải đã sờn. Bởi qua bao năm tháng của một cuộc đời lắm thăng trầm, chiếc áo dài Việt đã cùng tôi đón nhận bao nỗi buồn vui. Trên đất khách, đã bao lần tôi được các bạn đồng nghiệp, học sinh hải ngoại mân mê tà áo Việt Nam với lòng ngưỡng mộ. Khách đến thăm nhà, chiếc áo dài thay tôi tỏ lòng kính khách. Trên giảng đường chiếc áo dài đã nhân thêm nhân cách của một cô giáo. Viếng thăm tang lễ, chiếc áo dài thay tôi nỗi chia sẻ đau buồn và tôn kính hương linh khuất núi. Hay năm xưa trèo cây hái quả, vạt áo dài đã giúp tôi đùm được một đống đào ổi để cùng lũ bạn chấm muối ớt ăn… Vì thế khi các con tôi càu nhàu: “Cái gì mẹ cũng cất kỷ niệm làm chật cả nhà”, tôi chỉ bày tỏ niềm mong ước một ngày tôi không còn nữa, tủ áo dài gắn bó cuộc đời lao động học tập của tôi sẽ vẫn còn đó. Nó là hơi thở, linh hồn cuộc sống của đời tôi.


H.T.N.H
(SHSDB41/06-2021)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGÔ THỊ Ý NHI

    Ở Huế, có những buổi sáng cứ thích nằm nghe tiếng con nít rủ nhau đến trường ríu rít như chim. Bình yên đến lạ! Thành phố nhỏ bé, nhịp sống không vội vàng, những con đường hiền lành, êm ả trẻ con dễ dàng đi bộ.

  • Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019)

    PHẠM THUẬN THÀNH

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    Năm Nhâm Tý (1672), chúa Trịnh xua 180 ngàn quân vào Nam, có ý vượt sông Gianh đánh chúa Nguyễn. Trấn thủ Bố Chính là Nguyễn Triều Văn hoảng sợ chạy vô Kim Long cấp báo với Hiền Vương (tức chúa Nguyễn Phúc Tần).

  • BÙI KIM CHI   

    Ngày xưa, cách đây 60 năm, ở đường Duy Tân Huế từ cầu Trường Tiền đi xuống, qua khỏi Morin (cũ), đi một đoạn, có một địa điểm mang cái tên nghe là lạ Ngọ Phạn Điếm. Càng lạ và đặc biệt hơn nữa, Ngọ Phạn Điếm chỉ đón khách vào ăn một bữa trưa (demi-pension) trong ngày là học sinh của Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế mà thôi.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG 
                       Bút ký 

    KỶ NIỆM 20 NĂM CƠN LŨ LỊCH SỬ 1999

  • NGUYỄN DƯ  

    Ngày xưa thi đỗ tiến sĩ… sướng lắm!
    Nghe đồn như vậy. Ít ra cũng được vua biết mặt chúa biết tên. Được cả làng, cả tổng đón rước về tận nhà. Chữ nghĩa gọi là rước tiến sĩ vinh quy bái tổ.

  • PHI TÂN  

    Hồi trước, khi làng xã tôi còn đoàn đội tập thể hay hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì đàn trâu ở làng cũng của hợp tác luôn. Trâu được các hộ xã viên nhận về nuôi để ăn chia công điểm. Nhà mô có nuôi trâu thì con cháu trong nhà phải nghỉ học sớm để chăn trâu hàng ngày.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY   

    Ngày thơ ấu tôi đã bao lần ngủ ngon giấc trong lời ầu ơ của mẹ:

  • Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (02/09)

    HỒ NGỌC DIỆP

  • Kỷ Niệm 72 Năm Ngày Thương Binh - Liệt Sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019) 

    PHẠM HỮU THU

  • DƯƠNG PHƯỚC THU    

    Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại làng Hội An, nơi xưa kia thường gọi là Faifô (vì làng này ở gần cửa Đại An nên quen gọi Hải Phố mà ra thế) nay Hội An đã lên cấp là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam; quê nội Nguyễn Kim Thành ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

  • NGUYỄN THƯỢNG HIỀN

    Dáng thế của đồi Hà Khê như một con linh thú vừa tách khỏi đất mẹ, rời tổ uống mấy ngụm nước bên bờ dòng Linh Giang. Quay đầu hướng về quê mẹ, đất tổ Trường Sơn như một lời từ biệt, lòng rộn buồn vui. Một nhát gươm chí mạng của thuật sĩ Cao Biền, thân thú mang nặng vết thương vẫn còn hằn sâu ở chân đồi.


  • ELENA PUCILLO TRUONG  

    (Viết cho những người bạn cầm phấn)

  • Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6  

    NGUYỄN XUÂN HẢI

  • ĐÔNG HÀ

    33 năm đổi mới trong Văn học Thừa Thiên Huế

  • NGUYỄN ĐỨC HÙNG   

    Một chiều cuối năm 2018, tôi nhận được tấm thiệp mời nhân dịp Lễ mừng tuổi chín mươi của nhà giáo Trần Thân Mỹ và kỷ niệm 65 năm ngày cưới của ông bà Trần Thân Mỹ và Dương Thị Kim Lan. Nếu tính từ mốc tôi được ông đặt bút ký vào hồ sơ chuyển ngành từ Quân đội về làm việc tại Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) thành phố Huế là tròn 35 năm, trong đó có 7 năm (1983 - 1990) tôi được làm việc trực tiếp với ông trước khi ông nghỉ hưu. Ông là vị thủ trưởng khả kính đầu tiên của tôi, là người đã giáo dục, đào tạo và có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.

  • VŨ SỰ

    Ngày xưa, chuyện “chồng già vợ trẻ” cũng là chuyện thường tình. Xứ Huế đầu thế kỷ 20, cũng có những chuyện thường tình như thế. Nhưng trong những chuyện  thường  tình ấy, cũng có vài chuyện “không thường tình”, ngẫm lại cũng vui.