Sau này tôi cũng đã điều chỉnh suy nghĩ. Tôi cho rằng những lầm lẫn trong xã hội, nếu có, có lẽ trách nhiệm ở chính người dân chúng ta, chiếm 51%.
Đại tướng Võ Nguyên GIáp (trái) trong một lần trao đổi với đạo diễn Trần Văn Thủy về phim Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế - Ảnh tư liệu
Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Văn Thủy.
Một đất nước nhất định phải giàu mạnh
Gần đây Chuyện tử tế đang được nhắc đến nhiều, giống như một cụm từ nóng. Sự tử tế, vấn đề tử tế cách đây ba mươi năm so với bây giờ có những chuyển đổi thế nào?
Thường những phim tài liệu làm ra chỉ được chiếu vài lần rồi xếp kho, nhưng tương tự như Hà Nội trong mắt ai, phim Chuyện tử tế trở nên nổi tiếng và được chiếu đi chiếu lại nhiều lần. Nhưng Chuyện tử tế không nổi tiếng vì được xem xét kỹ, mà vì đề tài và vấn đề được đặt ra trong đó đã chạm vào dây thần kinh của xã hội.
Trong một bộ phim làm theo đơn đặt hàng của người Nhật: Có một làng quê, kể về Phù Lãng, một ngôi làng có nghề làm đất nung. Nghề cổ, làng nghèo, nhưng tình người thì lúc nào cũng chứa chan. Cha thương con, vợ thương chồng, em thương anh, dì ghẻ thương con chồng..
Khi nhận phim, tôi vẫn hoàn toàn không hiểu người Nhật muốn gì, cần gì khi tài trợ cho tôi. Tôi chỉ đơn giản làm theo những gì tôi cảm nhận và chia sẻ.
Đến ngày ra mắt bộ phim tại Nhật, một người có trách nhiệm và uy tín của nhà sản xuất Nhật đứng ra phát biểu: "Bộ phim này nên có một tên khác: Chuyện cổ tích thời hiện đại" Tôi bắt đầu hiểu người Nhật muốn gì.
Sau này họ cũng giải thích: bộ phim này cần cho nước Nhật. Cách đây không lâu lắm, người Nhật cũng từng tốt với nhau như thế. Nhưng có một quy luật nghiệt ngã: đời sống vật chất giàu lên, lòng tốt lại nghèo đi. Đó là một vấn đề đang diễn ra trong xã hội Nhật, và người Nhật cần những bộ phim như thế.
Tôi cũng rút ra kết luận cho riêng mình: một dân tộc, một đất nước nhất định phải phát triển, phải giàu mạnh; không thể nghèo vì nghèo đi với hèn; nhưng điều cốt tử không phải ở sự phát triển vật chất mà là hồn cốt của dân tộc đó.
Chúng ta vốn có và tự hào về tinh thần dân tộc, về sự tử tế. Bao câu ca dao 'giấy rách còn giữ lấy lề' 'thương người như thể thương thân'.. chúng ta thuộc đó. Giờ nhìn những cảnh hôi của, cướp bia.. ta không thể nào không cho rằng, sự tử tế nên được đặt lên hàng đầu trong việc xây dựng đất nước.
Những vụ bảo mẫu đánh trẻ, bệnh viện sai phạm, bác sĩ ném xác, thầy trò đánh lẫn nhau.. những người cầm quyền nhất định phải lên tiếng, phải tỏ thái độ, không thể im lặng như thế. Giống như người làm chủ một gia đình, gia đình anh có vấn đề gì, anh phải chịu trách nhiệm điều chỉnh và thể hiện thái độ đúng đắn.
Những vinh quang trong quá khứ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì, nếu người dân không có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay và ngày mai.
![]() |
Đạo diễn Trần Văn Thủy. Ảnh: Hoàng Hường |
Nhân dân nào, chính phủ ấy
Bộ phim Chuyện tử tế đã được làm cách đây vài thập kỷ. Trong những dịp gần đây, chủ đề sự tử tế lại được mổ xẻ xới xáo. Bên cạnh sự ra đời của cuốn sách Chuyện nghề của Thủy, ông có cho rằng chính những vấn đề xã hội nhức nhối vừa đề cập khiến người ta phải nhìn nhận kỹ lưỡng hơn? Qua trải nghiệm của ông, quan điểm đạo đức và yêu cầu có thay đổi theo thời đại?
Khi nhìn vào bức tranh đạo đức xã hội bây giờ, chúng ta sẽ bi quan. Người ngoài nhìn vào cũng sẽ ngỡ ngàng. Khi người ta đi du lịch, tham quan; họ sẽ tìm đến nơi nào mà họ có thể chiêm nghiệm, chia sẻ. Ở xã hội Việt Nam bây giờ, sự đổ vỡ và băng hoại đang diễn ra hàng ngày...thì sự tử tế, như ông cha ta nói: "nhân chi sơ tính bản thiện" "giấy rách giữ lấy lề" ... càng cần phải chú trọng, mổ xẻ. Vai trò của trí thức, truyền thông, giáo dục vô cùng quan trọng.
Tôi cũng vỡ ra được nhiều điều, sau những dằn vặt trăn trở trong cả cuộc đời: Tôi nhớ mãi khi phim Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế được chiếu trở lại. Trong buổi tiệc mừng, một nhà báo Pháp nâng ly chúc mừng tôi và ông ta nói một câu buộc tôi phải suy tư mãi: "Công bằng mà nói, người Việt Nam các ông đổ lỗi cho chính quyền nhiều quá. Người Pháp chúng tôi có một câu: nhân dân nào, chính phủ đó!"
Khi nghe ông ta nói vậy, tôi giật mình và buộc phải ôn lại những trải nghiệm trong suốt cuộc đời mình, đất nước mình, đặc biệt từ đầu thế kỷ 20, khi các đấng tiên liệt như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng .. đều có một điểm chung: điều các cụ trăn trở nhất là dân trí. Dân trí, hiểu theo nghĩa rộng là kiến thức, văn hóa, đạo đức.
Sau này tôi cũng đã điều chỉnh suy nghĩ. Tôi cho rằng những lầm lẫn trong xã hội, nếu có, có lẽ trách nhiệm ở chính người dân chúng ta, chiếm 51%. Ngay việc chúng ta chấp nhận những tiêu cực, chấp nhận hiện thực như vậy, chung sống với nó và vô cảm với mọi nỗi đau và các điều xấu xung quanh ta, thì đó là lỗi của ta.
Trên truyền hình, không mấy khi ta được nghe những người có chức vụ phát biểu về các vấn đề đạo đức, tương thân tương ái, cư xử giữa người với người... Họ chủ yếu nói về kinh tế, phát triển.
Tôi cho rằng để có một xã hội tốt đẹp, xứng đáng với truyền thống và vong linh những người đã ngã xuống bảo vệ và xây dựng đất nước này, cần phải có sự hợp tác thật chân thành và nghiêm túc giữa người dân và những người cầm quyền để giải đáp những câu hỏi: tại sao lại có bảo mẫu đánh trẻ man rợ như vậy? Tại sao có người đi tù oan cả thập kỷ?...
Vấn đề quan trọng khác, theo tôi, là tôn giáo. Con người ta luôn cần một niềm tin làm bệ đỡ tinh thần, để hướng thiện và suy tư. Các lãnh đạo thế giới đã nhận ra điều này. Sự xuất hiện của các linh mục, giám mục, tu sĩ.. trong các sự kiện chính trị lớn đã thể hiện điều này.
Một thời chúng ta vô thần vô thánh, tôi cũng thế, nhưng sau nhiều sự kiện, tôi buộc phải cho rằng, con người phải có một đức tin để răn đe mình trước ham muốn xấu; hướng mình đến khát vọng tốt. Nếu ta chối bỏ tôn giáo sẽ là điều thiệt thòi rất lớn, vì đơn giản: không có một tôn giáo nào hướng con người đến việc xấu, điều ác cả.
Thêm nữa, chúng ta phải thay đổi triết lý giáo dục: con người phải là mục đích chứ không phải phương tiện. Chừng nào con người vẫn là phương tiện của chủ nghĩa này khác là hỏng.
Chúng ta chỉ đi thẳng tới mục tiêu chúng ta đặt ra: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh! Thế là đủ để chúng ta tập hợp được rất nhiều người ở khắp trong và ngoài nước.
Tôi xin trích lời bình phim Chuyện tử tế: "Không có lòng tin thì con người không thể sống với con người được. Con người đã từ lòng tin thần thánh, lòng tin tôn giáo mà đến lòng tin có chứng cứ. Tin vào những cái đích thật! Lòng tin vốn tự nhiên và mãnh liệt! Lòng tin vốn không thể vay mượn, áp đặt hoặc tước đoạt! Mất lòng tin là mất tất cả!"
Những điều tôi - Trần Văn Thủy - đã viết cách đây 30 năm!
Theo Hoàng Hường - tuanvietnam
NGUYỄN TĂNG PHÔ
NGUYỄN KHẮC THẠCH
Phải giải thích cho mỗi người thích giải
Cần công bằng với những kẻ bằng công.
LTS: Nhân Tạp chí Sông Hương phát hành số thứ 100 (6-1997), Ban Biên tập chúng tôi có dịp trò chuyện với hai nhà văn từng là Tổng biên tập của tạp chí: Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Khắc Phê.
UÔNG TRIỀU
Tôi nghĩ tiếng Việt chưa bao giờ vào giai đoạn thay đổi nhanh chóng và nhiều như bây giờ. Trong thời kỳ quốc tế hóa, toàn cầu hóa, tiếng Việt phải chịu những áp lực lớn hoặc tự thích nghi để phù hợp với tình hình mới.
VIỆT HÙNG
Văn hóa là một khái niệm rộng, nó bao trùm lên mọi hoạt động của con người trong xã hội. Văn hóa không những phản ánh được quan hệ giữa con người với con người, mà nó còn phản ánh được thế giới nội tâm của con người, và cả sự hòa hợp giữa thế giới nội tâm ấy với biểu hiện của nó ra bên ngoài xã hội.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trong hoạt động văn hóa - văn nghệ, một vấn đề thường gây ra bất đồng - thậm chí đưa đến những "vụ việc” tai tiếng - là việc đánh giá, bình chọn tác phẩm.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trong thời buổi thiên hạ đổ xô ra mặt tiền làm ăn, chuyện "nhà mặt tiền" đã xảy ra bao vụ xung đột và là đề tài của nhiều "tác phẩm" dân gian. Để chiếm được mặt tiền, ngoài thế lực đồng tiền, cũng đã ngầm nảy sinh "chế độ", "tiêu chuẩn" này nọ mới được cấp đất mặt tiền.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ghi chép
Trong dân gian có câu: "Giàu tại phận, trắng tại da". Tố Hữu, nhà thơ cách mạng thì đặt lại vấn đề nghèo khổ: "Số phận hay do chế độ này?".
TRUNG SƠN
Một vài năm trở lại đây, những người quan tâm đến giá trị văn hóa của Huế vui mừng nhận thấy, bên cạnh các di sản quý báu của người xưa để lại, đã có không ít tác phẩm, công trình nghệ thuật mới làm đẹp thêm cho Huế, trong đó, hẳn phải kể đến sự xuất hiện các "Galery” - những phòng tranh thường xuyên ở 15 Lê Lợi, khách sạn Morin và những cuộc triển lãm được tổ chức liên tiếp ở Hội Văn Nghệ.
HOÀNG ĐĂNG KHOA
Trước hết cần minh định khái niệm, “trẻ” ở đây là chỉ xét về độ tuổi, cụ thể là dưới 35, theo quy ước mang tính tạm thời tương đối hiện hành của Hội Nhà văn Việt Nam.
"Việc trên đời, chỉ cần vẫn còn cơ hội sống thì dù liên tiếp gặp thiên tai nhân họa, tạm thời bị ức chế, sớm muộn cũng sẽ có ngày ngẩng cao đầu. Việc cá nhân là vậy, việc gia đình là vậy, việc quốc gia, dân tộc cũng là như thế...".
Đó là những trang nhật ký của bác sĩ, bệnh nhân và cả những nhà văn nhà thơ viết gửi cho người thân bạn bè trong đại dịch COVID-19.
Truyền tải các bài học với nội dung cô đọng, kết hợp với chuyện kể, hình ảnh, phim, trò chơi, hoạt động tương tác... giờ học lịch sử được tổ chức trực tuyến nhưng không khô khan, tạo được sự hứng thú, thu hút học sinh tìm hiểu về những câu chuyện của quá khứ. Đó là cách Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang làm với Giờ học lịch sử online.
Những tháng ngày qua, cả nước căng mình chống đại dịch Covid-19 - kẻ thù cực kỳ nguy hiểm mà vô hình. Cuộc sống thường ngày vốn luôn sôi động bỗng trầm lặng xuống với không ít nỗi lo và sự ám ảnh, chờ đợi.
Nhằm gìn giữ và lan tỏa truyền thống hiếu học, coi trọng hiền tài, cũng như những giá trị lịch sử, văn hóa nghìn năm của dân tộc, dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” vừa được xây dựng với các hoạt động hướng tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
30 năm gắn bó với TP Hồ Chí Minh từ ngày xuất ngũ, học đại học, trở thành giảng viên mỹ thuật, đồ họa, họa sĩ Lê Sa Long chưa bao giờ trải qua những ngày mà cả thành phố như “lặng hẳn” vì căng mình chống dịch Covid-19.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội, nghệ sĩ và công chúng cùng ở nhà chung tay phòng, chống dịch bệnh, sân khấu cũng đóng cửa, tắt đèn. Tuy vậy, trên nền tảng trực tuyến, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn “cháy hết mình” qua các chương trình biểu diễn, giao lưu với khán giả, đưa chèo đến gần người yêu nghệ thuật truyền thống.
Từ những câu chuyện cảm động hoặc những hình ảnh “đắt giá” nhiều họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đã có những sáng tác tranh minh họa, ký họa theo phong cách lạc quan, lan tỏa những thông điệp tích cực về phòng, chống Covid-19.