Tục ném còn

09:01 12/03/2010
NGUYỄN HỮU NHÀNXa xưa tục ném còn có ở nhiều nơi trong nước. Ở đất bản bộ của Vua Hùng cũng có nhiều làng, nhất là ở vùng Mường không mấy làng không tổ chức ném còn trong dịp hội xuân và hội làng.

Tục ném còn đã có từ lâu - Ảnh: nguoidaibieu.com.vn

Ném còn là dùng quả còn tung quả vòng tròn ở trên cao cho người đứng ở phía bên kia vòng tròn bắt rồi ném trả lại qua cái vòng tròn ấy.

Có nơi tổ chức hẳn một bãi ném còn riêng. Thông thường ném ở trên sân đình. Có nơi ném trong hang đá rộng trần hang cao.

Ở giữa bãi còn người ta dựng một sào tre hoặc hóp cao 9m. Đầu sào buộc một vòng tròn như vành nón đường kính năm mươi phân, bưng giấy bản màu đỏ nhìn như mặt trống đỏ.

Quả còn may bằng vải thủ công sợi thô, bền, nhuộm đen, thoạt nhìn tưởng hình tròn nhưng thực ra người ta khâu bốn múi chắp lại thành cái túi tạo ra bốn góc, bên trong nhồi chặt nửa gạo tẻ và nửa là hạt muồng để quả còn có trọng lượng từ 250 đến 300 gam. Các múi quả còn được khâu đường nẹp vải màu xanh, đỏ, vàng. Dây quả còn dài sáu bảy mươi phân. Một đầu dây khâu chắc chắn vào giữa quả còn. Ruột dây tết bằng sợi lanh, bên ngoài khâu vẩn thành cái vỏ vải màu sặc sỡ xanh, đỏ, vàng, đen. Dọc dây còn, cách mười phân lại khâu một cái dải nhỏ bằng vải dài 10 cm rộng từ 1 đến 1,5 cm, mỗi cái một màu.

Những người ném còn đứng cách cột đôi vòng tròn 9m. Cầm giây còn vung mạnh ba vòng theo chiều kim đồng hồ, đến vòng thứ ba thì vung mạnh, buông giây cho quả còn thẳng hướng xuyên thủng màng giấy bản chui qua vòng tròn sang cho người bên kia bắt rồi ném tại. Mỗi khi quả còn ném chui qua vòng tròn, dân làng đứng xem đen đỏ trên bãi còn lại vỗ tay cổ vũ. Có khi người ném trúng mỗi lần đều được làng có phần thưởng tượng trưng.

Quả còn khi bay kéo theo giây còn có dải ngũ sắc lấp lánh nhìn như lũ nòng nọc đang bơi trên biển trời xanh chui lọt vào vòng tròn.

Khi xưa, ném còn không chỉ là trò chơi mà còn mang chức năng trò diễn hội làng với mục đích tín ngưỡng phồn thực và đậm đặc triết lý âm dương của người phương đông cùng với tín ngưỡng thờ mặt trời (vòng tròn bưng giấy đỏ tượng trưng mặt trời)

Ném còn trong hội Xuân tại lễ hội đền Trung Đô 2009 - Ảnh: baolaocai.vn


Ngày nay ở vùng Mường, Đất Tổ Phú Thọ cũng chỉ còn lại hai làng duy trì tục ném còn với đầy đủ ý nghĩa văn hóa bản địa của mình. Đó là làng Tất Thắng và làng Xuân Sơn huyện Thanh Sơn. Cũng chỉ thấy ở hai làng còn vài nghệ nhân biết khâu quả còn đúng tiêu chuẩn.

Quả còn tượng trưng là dương ném chui qua vong (lỗ) là âm. Dân ta làm lúa nước trọng hướng đông và nam là hướng có nước. Trong âm dương thì hướng đông, hướng nam là dương. Ta vì trọng nước mà trọng về dương hơn âm. Nhưng nếu dương không có âm cũng không phát triển được, vì thế ta quan niệm tốt nhất là trong dương âm, trong âm cũng có dương. (Dân tộc ta sung mãn là nhờ sự kết hợp của hai giống rồng tiên. Lạc Long Quân làm chồng là dương nhưng ở biển thuộc âm, bà Âu Cơ, vợ là âm nhưng ở rưngf thuộc dương). Tục ném còn thể hiện rất rõ tư tưởng triết lý ấy. Quả còn là dương nhưng người ta khâu múi tạo ra 4 góc để có hình âm. Vỏ màu đen là âm khâu các nẹp xanh, vàng, đỏ là dương: Chứa bên trong ruột nó một nửa là gạo tẻ xay từ hạt lúa nước là âm còn phần nửa hạt muồng mọc trên rừng là dương. Cái lỗ cho quả còn chui qua là âm nhưng nó cũng tích dương bởi được uốn hình tròn, hình mặt trời là dương. Vòng tròn bưng giấy bản cho quả còn dễ chọc thủng chui qua. Màu giấy đỏ vừa dễ nhìn ở không gian núi rừng và nền trời lóa nắng vừa thể hiện có yếu tố dương trong cái lỗ - âm.

Ở làng Tất Thắng xưa mỗi kỳ tế thành hoàng xong ông từ lại bưng đĩa quả còn vào đình thắp hương cúng thành hoàng xong mới tung ra cho trai gái ném.

Mở đầu bao giờ cũng là các cặp trai tân gái làng (nam thanh nữ tú) đang có ý hẹn ước trăm năm vào để ném với nhau. Thông thường mỗi lần ném là ba cặp nam nữ. Cứ lần lượt từng cặp một thay nhau ném để không lúc nào không có quả còn đang bay trên trời xanh trong tiếng vỗ tay reo hò của dân làng. Mỗi cặp nam nữ lần đầu tung quả còn chui qua vòng tròn thì họ trao cho nhau kỷ vật làm tin, coi đó là sự tác thành của trời đất để sau đó đôi bên cha mẹ mới làm các thủ tục dạm ngõ, ăn hỏi, cưới xin. Ném còn ở Tất Thắng là trò gạch nối mở đầu giữa phần lễ sang phần hội hàng năm của làng này. Sau khi ném còn, dân làng mới tiếp tục các trò chơi thể thao cổ truyền như: kéo co, bắn nỏ, vật, hòa tấu cồng chiêng, múa trống đu v.v...

Vậy ném còn ở Tất Thắng vừa có mục đích tín ngưỡng phồn thực cầu đinh, sau đó mới là trò vui chơi giải trí.

Ném còn ở làng Xuân Sơn lại có mục đích tín ngưỡng phồn thực cầu mùa, kết hợp làm trò vui xuân của trai gái. Họ ném còn sau khi quan lang đã cúng thành hoàng.

Thành hoàng làng Xuân Sơn là con rắn trắng lấy nàng Bạch là con gái nhà Lang. Đình là nơi thờ cúng thành hoàng nhưng nơi ở của thành hoàng lại ở trong hang Lạng, một hang đá lớn dài hơn chục cây số có suối chảy ở đáy hang. Nhiều chỗ hang phình rộng cho hàng nghìn người vào vui chơi hội hè.

Dân làng sống bằng nghề trồng lúa nước ở cánh đồng Lạng ngoài cửa hang.

Người ta thờ thành hoàng phù hộ đem đủ nước cho dân làng cày cấy.

Truyền thuyết cặp vợ chồng thành hoàng ở đây cùng một mô típ Lạc Long Quân lấy Âu Cơ. Đó là sức mạnh của âm dương trời đất. Người ta muốn qua cầu cúng và ném còn để biểu hiện ước mong dân lên trời đất thánh thần phù hộ mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi.

Ở một số làng Mường vùng Thanh Sơn còn có tục “nhón còn” ở nhà các thầy mo trước khi dân làng vào cuộc múa mỡi. (Mỡi là sinh hoạt múa hát của người Mường dùng ống nứa đâm xuống tấm ván làm nhịp nên còn gọi là tục đâm ống. Dân làng vào hát ví đối đáp hòa theo các điệu múa và nhịp đâm ống. Phần múa nặng về đồng cốt, ma thuật nên ngày nay không còn). Thầy mo đưa quả còn lên điện thờ cúng xong thì đưa cho dân làng ném cho nhau. Họ đứng ở cuối hai gian nhà tùng quả còn qua vòng tròn gắn trên xà nhà cho nhau bắt. Càng tung quả còn lọt qua vòng tròn cho nhau bắt được nhiều lần càng chứng tỏ phúc lộc về nhiều cho bản mường trong năm mới. “Nhón còn” trong đêm múa mỡi cũng là nghi lễ của tín ngưỡng phồn thực và thờ mặt trời cầu dân khang vật thịnh.

Ngày nay tục ném còn nếu sót lại ở một số làng cũng chỉ mang chức năng trò giải trí đơn thuần. Quả còn chỉ làm đơn giản bằng túi vải đựng cát đính giây để cầm ném qua cái vòng tròn như một vành nón không dán giấy trong túi như xưa. Do không còn được tích hợp vào đó nội dung văn hóa tín ngưỡng và triết lý âm dương nên trò chơi này trở thành đơn giản không còn sức hấp dẫn bằng các môn thể thao hiện đại như bóng đá, bóng bàn, tenís...

Ném còn là một di sản của dân tộc. Muốn không bị mai một đi thì các địa phương cần khôi phục lại trong lễ hội của làng mình với những nội dung lành mạnh của nó, và có ý nghĩa thuộc về văn hóa tâm linh.

N.H.N
(132/02-2000)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • LÊ QUANG THÁI

    Lễ cầu mưa hoặc cầu tạnh đều được gọi chung là lễ đảo vũ. Trong lịch sử có những năm hết cảnh nắng hạn đến mưa sa kéo dài.

  • TÔN THẤT BÌNH

    Trong các loại dân ca nghi lễ ở Huế (hò đưa linh, hát bả trạo, hát sắc bùa v.v...) hát hầu văn chiếm một vị trí riêng trong đời sống tâm linh của những người theo Thiên Tiên Thánh Giáo.

  • TRẦN LÂM BIỀN

    Một thực tế không thể phủ nhận là: Trong quá khứ và cả hiện tại việc thờ Mẫu trên đất Việt đã có một địa bàn khá rộng lớn.

  • LÊ AN PHƯƠNG

    Ngay từ thời sơ khai, con người ý thức về sự tồn tại vật chất - bản - thân - mình: có hai con người - linh hồn và thể xác. Con người thể xác có thể chết, nhưng con người linh hồn sẽ sống mãi!

     

  • PHAN NỮ  

    Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi nằm cách đất liền 15 hải lý, về phía Đông Bắc, gồm 1 đảo lớn (Cù Lao Ré), 1 đảo bé (Cù Lao Bờ Bãi), và hòn Mù Cu, vốn là bãi đá nhô cao nằm ở phía Đông đảo lớn. Huyện Lý Sơn hiện có 3 xã là An Hải, An Vĩnh và An Bình với tổng diện tích tự nhiên là 9,97 km2, dân số 18.924 người (năm 2015).

  • NGUYỄN VĂN UÔNG   

    Đổ xăm hường là thú chơi tao nhã xuất phát từ nội cung triều Nguyễn. Trò chơi này lan truyền dần ra các gia đình quan lại, quí tộc và người khá giả chốn kinh kỳ.

  • HOÀNG HUYỀN THANH - LÊ CHÍ QUỐC MINH

    Lễ hội truyền thống là hình thức sinh hoạt cộng đồng xuất hiện và gắn liền với quá trình phát triển của cộng đồng người, là một loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống tổng hợp, vừa độc đáo vừa phong phú.

  • Làng Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) vốn nổi danh với nghề làm tranh dân gian, nhưng nay do nhu cầu đời sống mà hầu hết người dân chuyển sang làm vàng mã.

  • Rẽ thân rơm rạ, vờn trên mặt cỏ rồi lấy đà phóng mình vút lên… Những con diều từng phút, từng giây thay đổi, đan cải, biến ảo với muôn hình hài và sắc màu, rồi chậm rãi rót xuống mặt đất thanh âm trầm bổng. Ấy là thức quà của đồng nội, cũng là hào quang ước mơ của đời nông dân chân lấm, tay bùn.

  • Trong những ngày tháng ba này, hàng triệu con dân nước Việt không kể gần xa lại cùng nhau hướng về đất Phong Châu - Phú Thọ, thành kính, tưởng nhớ, tri ân tiên tổ.

  • Dù chưa tới ngày chính lễ (6-4) nhưng lượng du khách đổ về Lễ hội Đền Hùng 2017 tăng đột biến. Trước tình trạng này, BTC Lễ hội Đền Hùng đã đưa ra các khuyến cáo dành cho du khách về tham dự lễ hội năm 2017.

  • Ngày 3/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại sân khấu hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2017 đã tổ chức Hội Sách đất Tổ năm 2017.

  • Nằm trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2017, tối 1/4 (tức 5/3 âm lịch), Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì năm 2017 do Ủy ban Nhân dân thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) tổ chức đã diễn ra tưng bừng tại quảng trường công viên Văn Lang và các tuyến đường của thành phố.

  • Năm nay, Lễ hội diễn ra trong 6 ngày (từ 1-6/4/2017 tức từ ngày 5-10/3 năm Đinh Dậu) với phần Lễ có nghi thức trang trọng, gồm Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân (bắt đầu từ 6h30 ngày 6/3 âm lịch) và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ sẽ diễn ra buổi sáng cùng ngày.

  • Năm Đinh Dậu - 2017, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng diễn ra trong 06 ngày, từ ngày 01 - 06/4/2017 (tức từ ngày 05 - 10/3 âm lịch) do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Bình, Bình Phước và Bến Tre. Các hoạt động đều có quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng và có nhiều nét mới.

  • Ngày 21/3, tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã diễn ra Lễ hội Thành Bản Phủ năm 2017 gắn với Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc huyện Điện Biên lần thứ VI.

  • Lễ hội được tổ chức từ xa xưa tới nay, không chỉ là pho sử ngàn đời được mở ra mỗi năm một lần để trao truyền cho các thế hệ, cố kết cộng đồng... mà còn là dịp bán sản phẩm nhà nông, trao đổi sản vật địa phương... Nhiều tiềm năng, giá trị của lễ hội đã được chú ý khai thác, đặc biệt là gắn lễ hội với phát triển du lịch, nhưng hiệu quả chưa cao.