Tôn Thất Bình và những công trình sưu tầm nghiên cứu về văn hóa Huế

10:33 15/02/2022

TRẦN HOÀNG

Trong vòng hơn 10 năm gần đây, ở Thừa Thiên Huế, anh Tôn Thất Bình (biệt hiệu là Nguyễn Trùng Dương) thuộc một trong số những nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian gặt hái được nhiều thành công nhất.

Ảnh tư liệu

Anh tham gia biên soạn "Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng”, "Truyện cười Thủ Thiệm", đồng chủ biên "Văn học dân gian Quảng Trị", nhưng địa hạt mà anh bỏ nhiều công sức và tâm huyết để sưu tầm, nghiên cứu nhất chính là văn hóa Huế nói chung và văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế nói riêng. Bốn tập sách và hàng chục bài viết của anh đã được xuất bản và công bố trên nhiều tạp chí chuyên ngành, nhiều báo, đài ở trung ương và địa phương. Đó là kết quả bước đầu của những năm tháng âm thầm, lặng lẽ và miệt mài làm việc của nhà giáo, nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình trong hai thập niên vừa qua.

Văn hóa, văn nghệ dân gian là một trong những lĩnh vực vô cùng rộng lớn, phong phú và đa dạng. Nó gắn liền với mọi mặt sinh hoạt của đời sống nhân dân, nó là người bạn đồng hành của lịch sử một dân tộc, một địa phương. Để hiểu và nắm được bản chất của loại đối tượng này, nhà sưu tầm, nghiên cứu, trước hết phải bỏ nhiều công sức và thời gian về với làng quê, phường phố - môi trường sinh thành nuôi dưỡng và bảo tồn văn học, nghệ thuật dân gian. Hai tập "Huế - những giai thoại" (Xuất bản năm 1987) và "Nụ cười xứ Huế" (Xuất bản 1992) ra đời cách nhau 5 năm, ghi rõ dấu ấn những năm tháng tác giả Tôn Thất Bình cần cù đi điền dã, đọc, ghi ghép và chọn lọc tư liệu để đưa đến cho độc giả 120 chuyện kể lý thú. Thực ra, giai thoại và truyện cười thì vùng quê nào cũng có, song mỗi vùng lại nổi lên những kiểu truyện độc đáo khác nhau. Với hai tập sách của tác giả vùng núi Ngự, sông Hương, bạn đọc được tiếp nhận nụ cười riêng của chốn kinh kỳ. Làm nên nụ cười riêng này là các chuyện về các "mệ", về "làng hia mão", về chốn cung đình, về các nghệ sĩ, thi nhân... Cười về giới mình, về bè bạn, và cười ngay cả "địch thủ" của mình, tiếng cười nào của Huế cũng có sắc thái riêng của nó. Tiếng cười ở đây là tiếng cười chừng mực, dí dỏm, nhẹ nhàng, khoan dung chứ không quá cay độc, ồn ào... Phê đấy, chửi đấy mà không làm nhục mạ, không làm bẽ mặt đối tượng... Nhưng nếu đọc cho kỹ, ngẫm cho lâu thì sẽ thấy toát lên từ những câu chuyện tưởng như đơn giản này một nội dung hài hước thực thâm trầm, sâu sắc. Một lối chơi chữ, một bài thơ ứng tác của sư Viên Thành, của Nguyễn Khoa Vy, của Ưng Bình Thúc Giạ, một câu đối đáp nhanh nhạy, sắc bén của một nghệ sĩ tuồng... dù mức độ có khác nhau, nhưng tất cả đều đậm đà chất trữ tìnhchất trí tuệ: Đọc "Huế - những giai thoại" và "Nụ cười xứ Huế", độc giả nhìn chung thấy hứng thú, vì không những được tiếp xúc với nhiều truyện mới lạ, mà còn nhận ra ở đây cái chất dân gian trong ngôn ngữ, trần thuật, trong lối dựng chuyện của người biên soạn. Tuy nhiên, người đọc cũng đòi hỏi tác giả cần có sự chọn lọc kỹ hơn để tập sách loại bớt đi những câu chuyện không mang rõ sắc thái riêng của "Nụ cười xứ Huế".

Vẫn là những truyện kể về Huế, nhưng ở một cấp độ khác, "Đời sống cung đình Triều Nguyễn" (xuất bản 1992), lại đưa đến cho bạn đọc những thông tin lịch sử rất đáng trân trọng. Bởi tập sách này chủ yếu khai thác những tài liệu, sách vở được in ấn, lưu trữ từ trước. Mấy năm trước đây, ở Huế đã có nhiều cuốn sách giới thiệu, nghiên cứu về vua quan, bà hoàng, công chúa... trong chốn thâm cung, ví như công trình của các tác giả Phạm Khắc Hòe, Bửu Kế, Nguyễn Đắc Xuân, v.v... Tiếp tục khai thác đề tài này, Tôn Thất Bình chỉ tập trung đi vào một số vấn đề xoay quanh sinh hoạt thường nhật của các vị vua, các cung phi, công chúa, hoàng tử, thái giám và một số nghi lễ của triều Nguyễn. Chính sự tập trung về nội dung này đã giúp cho người đọc hiểu được tường tận và trọn vẹn hơn một số nhân vật và đời sống của cung đình, dù tập sách của tác giả Tôn Thất Bình chưa phải là một công trình khoa học sâu sắc, đầy đủ...

Nếu như ở các tập giai thoại, truyện cười, truyện cung đình, người biên soạn chủ yếu chỉ làm công việc sưu tầm, chọn lọc, dựng lại những cốt truyện đã có sẵn, thì ở chuyên luận "Lễ hội dân gian" (xuất bản 1988), tác giả không được phép dừng lại ở những thao tác ấy mà phải tiến hành công việc khảo cứu công phu hơn đối tượng mà mình tiếp cận. Bởi lễ hội dân gian là một loại hình văn hóa tổng hợp, bao gồm: Tín ngưỡng, phong tục, các hình thức diễn xướng nghi lễ, văn nghệ dân gian... trong một không gian và thời gian rất đặc thù. Viết về lễ hội, người viết đã phải nhiều ngày tới tận nơi diễn ra hội lễ quan sát, ghi chép, chiêm nghiệm, để rồi từ đó đối chiếu, so sánh nó với những đối tượng khác cùng loại và khác loại. Trên cơ sở ấy mới rút ra được những kết luận khoa học chuẩn xác. Ở tập "Lễ hội dân gian", người biên soạn không những đã miêu tả được một cách chân thực, sinh động tiến trình và nội dung của từng lễ hội, mà còn đưa ra được nhiều ý kiến xác đáng góp phần thẩm định giá trị nhân văn, giá trị văn hóa của nó. Các bài viết về Trò bủa lưới ở Thái Dương Hạ, về hát sắc bùa, hát trò Phò Trạch, chợ Gia Lạc... là những bài viết công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học, vì vậy, giúp cho người đọc hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về số loại hình lễ hội dân gian độc đáo ở Thừa Thiên Huế. Giá như ở tập sách này người viết có một cái nhìn tổng quát hơn, toàn diện hơn lễ hội dân gian của vùng đất Phú Xuân cổ kính và khai thác nghiên cứu thêm một số loại hình lễ hội khác như Hội điện Hòn Chén, Hội vật làng Sình, hội làng rèn Hiền Lương... thì chắc chắn tập sách sẽ phong phú hơn về mặt nội dung và có sức thuyết phục, hấp dẫn hơn về mặt khoa học.

Sinh ra và lớn lên ở chốn cố đô, hơn nữa, lại là cán bộ giảng dạy của một trường Đại học lớn ở miền Trung, Tôn Thất Bình có điều kiện để tìm hiểu sâu mọi biểu hiện, mọi ngọn nguồn truyền thống lịch sử, văn hóa của một vùng đất giàu bản sắc. Nhưng nếu không có lòng nhiệt thành và niềm say mê sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa - tinh thần của tổ tiên để lại thì không thể nào gặt hái được những kết quả mà Tôn Thất Bình đã làm được trong mười năm gần đây. Ở bài viết ngắn này, người viết không đặt ra mục đích đi sâu phân tích kỹ giá trị những công trình đã được xuất bản của anh. Phần việc ấy, chúng tôi đã tiến hành trong một số bài viết công bố trên các báo đài ở Thừa Thiên - Huế. Vì thế, bài viết này chỉ điểm qua các đầu sách để giới thiệu với bạn đọc thành tựu sưu tầm, nghiên cứu rất đáng trân trọng của một tác giả ở Huế. Chúng tôi cũng được biết: những đầu sách, công trình khoa học, bài giới thiệu, khảo cứu đã được công bố trong thời gian qua mới chỉ là một phần của những tư liệu mà Tôn Thất Bình đã dày công sưu tầm, biên soạn. Nhưng vốn là người trầm tĩnh và khiêm tốn, anh chưa bao giờ bằng lòng với những kết quả mà anh đã đạt được. Anh coi đó chỉ là những kết quả bước đầu trên chặng đường học tập và nghiên cứu dài lâu của mình - Trao đổi với chúng tôi về công việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Huế, anh nói:

- "Kho tàng văn hóa Huế đồ sộ, phong phú và đa dạng lắm. Bao nhiêu năm qua chúng ta mới chỉ giới thiệu, tìm hiểu được một phần nhỏ trong Di sản quý giá ấy. Phần riêng tôi, mong muốn được nghiên cứu sâu về tuồng Huế, ca Huế, văn hóa dân gian và cung đình Huế. Những đề tài này tôi đã làm, đang làm và sẽ còn đeo đuổi trong suốt đời dạy học và nghiên cứu của tôi. Nếu có điều kiện làm việc, in ấn và xuất bản thuận lợi hơn, tôi tin rằng, những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn học Huế chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều kết quả hơn...".

Nhìn vào những công việc anh đang làm và những thành tựu anh đã đạt được trong sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương, chúng ta tin và hy vọng nhiều ở anh.

Huế, 8-92
T.H
(TCSH52/11&12-1992)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • LÊ TRUNG VŨ

    Con người luôn suy tư về bản thân. Tồn tại hay không tồn tại. Ý nghĩa của sự sống. Khái niệm cái chết. Thế giới thực tại đang tiến triển; và có hay không, thế giới vĩnh hằng? Mối quan hệ giữa chúng. Con người sinh học và con người văn hóa trong mối quan hệ với vũ trụ...


  • TRIỀU NGUYÊN

  • TÔ NGỌC THANH

    Nằm trong lĩnh vực văn hoá dân gian, Hát Ru và sinh hoạt Hát Ru là một hiện tượng văn hoá xã hội đa nghĩa, đa dạng mà trong đó các yếu tố cấu thành có mối quan hệ nhân quả, khăng khít.

  • NGUYỄN DƯ  

    Sách báo ngày xưa có nhiều bài viết về tranh Tết, tranh Gà, tranh Lợn. Ai cũng khen tranh đẹp. Không có gì phải thắc mắc.

  • NGUYỄN DƯ  

    Mời các bạn cùng lật sách xem mấy cái đinh, cái đanh được vua biết mặt, chúa biết tên.

  • NGUYỄN DƯ   

    Họ hàng nhà chó thật đông đúc. Khắp năm châu bốn bể chỗ nào cũng có chó. Chó kiểng, chó săn, chó chân dài, chó tí hon. Chó Bắc Kinh, chó Chihuahua, chó Phú Quốc…

  • Từ lâu, theo phong tục tập quán, Tết Hàn thực đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt, dù có đi xa tới đâu thì vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, những người con xa xứ vẫn cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình. Cũng vào những ngày này, người Việt lại làm mâm cúng mời tổ tiên về ăn Tết Hàn thực.

  • LÊ SANG   

    Phùng Sơn là một cán bộ Đoàn Kon Tum, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hoá dân gian. Anh từng là gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu do Trung ương Đoàn bầu chọn lần đầu tiên (1996), và hiện nay vẫn miệt mài, cần mẫn với công việc sưu tầm, nghiên cứu những giá trị văn hóa dân gian Tây Nguyên bằng niềm đam mê mãnh liệt.

  • PHẠM XUÂN DŨNG

    Đã từ lâu lắm rồi chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã thành món ăn tinh thần - văn hóa không thể hiếu được trong những dịp hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, trong sinh hoạt cộng đồng của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

  • Gà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học

    NGUYỄN VĂN HÙNG

  • NGUYỄN DƯ

    Ông bạn mới đi chơi Việt Nam về, hớn hở khoe:
    - Lần này ghé Huế, được ăn cơm vua. Vui quá! Ông ăn cơm vua chưa?
    - Thuở bé, ăn đến phát ngấy rồi! Cơm vua thời đổi mới thì chưa ăn.
    Ông bạn cười tôi lẩm cẩm, lẫn lộn ngày xưa với ngày nay!

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

    So với các thể loại văn học dân gian khác của người Tà Ôi thì đồng dao đứng ở vị trí khiêm tốn, nghĩa là từ trước đến nay chưa có ai sưu tầm, giới thiệu và khảo cứu thấu đáo. Điều này gây ra một sự thiệt thòi lớn cho vốn di sản văn hóa tinh thần vốn rất phong phú của người Tà Ôi.

  • HUỲNH HỮU ỦY

    Suốt trên dải đất dài dọc miền Trung Trung bộ, từ Bình Trị Thiên qua Nam Ngãi và vào đến Bình Định, Phú Yên, cứ vào những ngày Tết đến lại xuất hiện trong sinh hoạt giải trí dân giã một trò chơi bài bạc mang nặng tính chất đình đám, hội hè, văn nghệ: trò chơi bài chòi, về mặt hình thức, tương tự như lối tổ tôm điếm ở miền Bắc.

  • NGUYỄN DƯ

    Ngày nay hầu như nước nào cũng biết tổ chức lễ tuyên thệ. Giơ tay, mở miệng thề. Tổng thống thề lèo lái con thuyền quốc gia tới bến vinh quang. Bác sĩ thề “cứu nhân độ thế”, coi tiền bạc là chuyện nhỏ. Đồng hội đồng thuyền thề che chở đùm bọc nhau…

  • Đức Thánh Trần - Trần Hưng Đạo là minh chứng tiêu biểu về liên hệ giữa các yếu tố lịch sử và dân gian, là huyền thoại hóa cuộc đời và chiến công của các anh hùng lịch sử.

  • LÊ QUANG THÁI

    Âm hưởng của thuật ngữ cổ này nghe ra hơi là lạ, thật khó lòng chuyển ngữ sang tiếng Nôm cho dễ hiểu. Từ “đàn” rồi từ “lệ” đều lấy gốc từ chữ Hán. Mỗi một từ đều có nhiều chữ đồng âm nhưng dị nghĩa. Xưa nay đành lòng để nguyên xi vậy. Có nhiều chữ “lệ” và lại lắm chữ “đàn”. Vì thế mà nó đã trở thành “chuyện ít người biết”.