LTS: Trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương, Lễ Hội “Tri Ân Dòng Sông” đặc biệt có ý nghĩa bởi đây là lần đầu tiên, những người làm Tạp chí Sông Hương tổ chức lễ tri ân dòng sông mình đã mang tên.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương đọc diễn văn khai mạc lễ hội
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương đã thay mặt những người đang thực hiện Sông Hương đọc “Lời Tri Ân Dòng Sông” cùng với các văn nghệ sĩ Huế và văn nghệ sĩ cả nước thả xuống sông Hương một chiếc thuyền hoa trong đêm hội tri ân. Dưới đây, tòa soạn xin giới thiệu “lời tri ân” đã vang lên trên dòng sông đêm 18 tháng 6 năm 2013 vừa qua.
Theo một lẽ tự nhiên, dòng sông thường được cấu tạo từ thời gian và thủy dịch. Đó là một hình ảnh liên tục được đổi thay của thế tục. Hình ảnh càng cao đẹp, sang trọng thì sự đổi thay càng bí ẩn, mầu nhiệm. Sông Hương là một hình ảnh biến dịch, huyền thoại như vậy...
Dòng thủy dịch này như được chảy từ tâm tưởng, từ những hoài niệm, những vầng trăng cổ độ, vì thế nó gần như bất tận, và kỳ diệu là chúng ta luôn có thể quay về lại với cội nguồn. Một sự miên tục biến ảo, tựa như phần tâm linh của dòng đời... Nó sống mãnh liệt qua thác ghềnh song lại rất đỗi hiền hòa cho con người soi bóng, vừa hoành tráng vừa diễm lệ, vừa thơ mộng song cũng đầy minh triết...
Ngay cả cái tên của sông Hương thơ mộng cho đến nay cũng ảo mờ khói sương huyền thoại. Đến mức, sau hàng triệu năm hình thành, nhiều người cũng đã phải bồi hồi: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Tên sông Hương có tự bao giờ? Đã có nhiều lý giải về lai lịch tên sông. Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết tên sông Linh. Sách “Ô châu cận lục” do Dương Văn An nhuận sắc viết tên sông là Kim Trà đại giang. Sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn gọi tên sông là Hương Trà. Nhiều tài liệu khác cho biết sông Hương đã từng mang tên sông Linh giang, Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục...
Thoát khỏi cách lý giải tên sông Hương gắn liền với lịch sử, dân gian có cách lý giải nhuần nhị hơn: hai bên bờ tả, hữu trạch dòng sông có giống cỏ thạch xương bồ là một vị thuốc trường sinh, có mùi thơm; sông chảy từ nguồn ra bể mang theo mùi thơm nên Hương Giang tức sông thơm bởi đó mà có danh vậy.
Sông Hương quả thật không hổ danh khi đã miệt mài bồi đắp, vun vén cái đẹp và thơm cho xứ Huế. Hành trình sông Hương từ nguồn cho đến biển chính là hành trình của cái đẹp, đầy cam go nhưng vô cùng thánh thiện của hai nhánh sông Tả Trạch và Hữu Trạch. Nhánh Tả Trạch xuất phát từ Động Dài, chảy qua 55 ngọn thác lớn đến Ngã ba Bằng Lãng. Nhánh Hữu Trạch bắt đầu từ phía đông núi Chấn Sơn, chảy qua 14 ngọn thác lớn rồi đến nhập với Tả Trạch ở Ngả ba Bằng Lãng. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã tấu khúc một bản trường ca của rừng già. Từ ngã ba Tuần, sông Hương xuôi dòng như một tấm lụa vắt ngang miền di sản: Hòn Chén, Nguyệt Biều, Lương Quán, Thiên Mụ, Kim Long... Ở đoạn chảy qua đô thị Huế, sông Hương đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên hệ thống thủy đạo trong Kinh thành xưa và làm nền cho kiến trúc phong thủy Huế. Các chi lưu quan trọng của sông Hương đều gắn bó với đời sống người dân xứ Huế. Ở hạ lưu, sông Hương cùng với sông Bồ và sông Ô Lâu tạo thành một phá hệ Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á. Gắn liền với sông Hương là hệ sinh thái động thực vật vô cùng phong phú, góp phần làm nên bản sắc ẩm thực độc đáo của chốn đế đô xưa...
Sông Hương từ lâu đã được xem là báu vật mà trời đất đã ban tặng cho Huế. Vẻ đẹp thơ mộng của Sông Hương đã khiến cho bao thế hệ dày công vun đắp nên một đô thị di sản Huế, với không gian kiến trúc cảnh quan có một không hai. Sông Hương gắn với hình ảnh núi Ngự, chiếc cầu Trường Tiền vắt qua sông cùng bao nhiêu chuyến đò xuôi ngược, từ bao nhiêu năm rồi, đã trở thành ký ức thẳm sâu trong tâm khảm người dân xứ Huế. Với dáng lụa là, đài các, vẻ trong xanh hiền hòa, lặng lờ trôi bình thản trong nỗi day dứt nhớ mong của người yêu Huế, từ xa xưa, sông Hương đã là đề tài cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ.
Có lẽ hình ảnh xưa nhất của sông Hương trong hội họa là hình ảnh chạm khắc sông Hương trên Cửu đỉnh. Những đường nét mềm mại trên chiếc đỉnh đồng, đến nay vẫn thu hút hàng triệu du khách dừng chân ngưỡng mộ. Hội hoạ hiện đại về sau, nhiều họa sĩ tên tuổi đã khắc họa sông Hương dưới nhiều góc nhìn khác nhau: Tôn Thất Văn chuyên vẽ đò trên sông Hương; Tuyết Mai, Hồ Hoàng Đài, Nguyễn Thị Tâm vẽ sông Hương trên lụa; Lương Xuân Nhị với những bức tranh sông Hương màu nước...
Sông Hương những năm 50, 60, những bức ảnh chụp các nữ sinh che nón bài thơ xuống thuyền qua sông Hương của Nguyễn Khoa Lợi đã đi vào tâm thức bao thế hệ.
Ngay từ xưa, Đại thi hào Nguyễn Du đã tinh tế trước dòng Hương: Hương giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu (nghĩa là: một mảnh trăng sông Hương, mà gieo nên nỗi sầu từ xưa đến nay). Đó không là một nỗi sầu cô quạnh, mà là cái đẹp luôn làm trăn trở thi ca.
Thế hệ “Thơ mới” có rất nhiều thi sĩ dừng chân trước sông Hương. Thế Lữ với “Đàn Nguyệt” nao lòng sông Hương một đêm trăng, Nguyễn Bính bâng khuâng với “Những nàng kiều nữ sông Hương, da thơm là phấn, môi hường là son”... Thi sĩ Văn Cao đã từng du lãm với “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” để khi xa rồi đã “Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”...
Sông Hương ngoài những khoảnh khắc của tâm trạng, còn là những khoảnh khắc biện chứng của thời gian. Ai từng sống với dòng sông này, luôn có thể bất chợt phát hiện ra rằng, sông Hương mỗi ngày thêm mỗi mới. Như những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Sau chiều nay, còn buổi chiều khác nữa/ Có thể mây cao, có thể nắng vàng”... Khoảnh khắc “vô tình trong nắng muộn, mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang” là những phát hiện rất mới của thi sĩ trước dòng sông.
Và da diết biết bao, những câu thơ của nhà thơ Thu Bồn trong bài thơ “Tạm Biệt Huế”: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.
Nhà thơ Bùi Giáng ngày xưa đã đúc kết về sông Hương rất vô thường: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn Núi Ngự bên bờ Sông Hương”... Đó là xác quyết thi ca luôn mang tính vĩnh hằng về ngọn núi, dòng sông xứ Huế.
Gần như các nhạc sĩ tên tuổi nhất của đất nước Việt Nam đều đã từng gắn bó với sông Hương: Phạm Duy, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Phạm Đình Chương, Nguyễn Văn Thương, Minh Kỳ, Châu Kỳ, Thông Đạt, Trịnh Công Sơn... Và các tác phẩm của họ viết về Sông Hương đều là những tác phẩm bất hủ.
Sông Hương - dòng sông linh hồn, dòng sông tâm linh cũng là dòng sông thi ca, dòng sông tinh hoa văn hóa của Huế. Nhiều người đã tự hỏi rằng: Nếu một mai tỉnh dậy, sông Hương bỗng nhiên biến mất, xứ Huế và người yêu Huế sẽ ra sao? Không ai có thể hình dung xứ Huế lại không có sông Hương.
Tháng 6 năm 1983, tờ tạp chí của văn nghệ sĩ Huế ra đời và vinh dự được mang tên dòng sông huyền thoại. Đến nay, Tạp chí Sông Hương vừa tròn 30 năm tuổi. Tờ tạp chí mang tên dòng sông này vẫn tiếp tục tiếng nói của mình, để vừa làm giàu văn hóa văn nghệ xứ Huế nói riêng, vừa đóng góp phần mình trong dòng chảy văn học Việt Nam nói chung. Mang tên Sông Hương, Tạp chí từ khi ra đời đến nay đã không để mình phải hổ thẹn với tên sông mà tạp chí đã mang lấy và phụng sự trên hành trình hướng về cái Đẹp. Văn hiệu Sông Hương của tạp chí đã làm sang trọng cho văn hóa Huế và càng được như thế, Tạp chí Sông Hương càng nhớ đến con sông mà mình đã mang tên.
Vì lẽ đó, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương, kính mời quý vị thân hữu, anh em văn nghệ sĩ trong và ngoài nước hãy cùng những người làm tạp chí tỏ lòng tri ân dòng sông mà Tạp chí đã mang tên hai tiếng thiêng liêng: “Sông Hương”.
Xin được khai mạc Lễ Hội Tri Ân Dòng Sông, để gửi những lời thơ tiếng hát ngợi ca dòng sông, ngợi ca đất trời xứ Huế, ngợi ca tình yêu và niềm sáng tạo... vào dòng chảy thao thiết của sông Hương. Xin gửi một chiếc thuyền hoa trên dòng nước mát. Sông Hương sẽ mãi mãi là cái tên mà Tạp chí soi mình để thấy rõ trách nhiệm và vinh dự của mình trên hành trình phụng sự...
Xin cảm ơn và tri ân DÒNG SÔNG HƯƠNG!
(SH293/07-13)
NGÔ MINH
Chương trình kỷ niệm “30 năm Tạp chí Sông Hương” đã qua gần tháng rồi, mà trong tôi những xúc động vẫn không nguôi. Quả thực tôi chưa thấy cuộc “kỷ niệm” nào lại ám ảnh và ấn tượng đến vậy.
HƯƠNG BÌNH
30 năm Tạp chí Sông Hương ra số báo đầu tiên là dấu mốc hết sức quan trọng. 30 năm của những thành quả, những đổi thay và cả những kỷ niệm còn vương mùi mực cũ. Sông Hương đã nỗ lực hết mình, được sự trợ giúp, động viên của đông đảo bằng hữu mọi miền để làm nên một tuần lễ kỷ niệm với nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc diễn ra từ ngày 14/6 đến 22/6.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
(Diễn văn của TBT Tạp chí Sông Hương trong Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập)
(Phát biểu của Đồng chí Ngô Hòa - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương)
* Số Đặc Biệt 9/6-2013:
Tạp chí Sông Hương & Bản lĩnh văn hóa - TÔ NHUẬN VỸ
Cùng chung sức, chung lòng chắp cánh cho Sông Hương
Sông Hương trên hành trình hướng về cái đẹp - Trường Giang thực hiện
Nhớ hoài chuyện phát hành - VÕ QUÊ
Kết bạn với Sông Hương - KHÁNH PHƯƠNG
Sông Hương nhớ, Sông Hương chờ - TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Sông Hương 30 năm, những dòng tâm cảm - ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG
Cảm nhận về Sông Hương - Lê Hưng VKD
Những chuyên đề về Huế trên Sông Hương - TRẦN NGUYÊN
Những chương trình nhân văn - VỸ GIẠ
Sông Hương và tên gọi Tạp chí Sông Hương - GIA HỘI
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Tháng 6/1983, Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, mang tên dòng sông duyên dáng thả mình bên thành phố Huế thân yêu. Đó là niềm phấn khởi của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ ở Bình Trị Thiên nói riêng và cả nước nói chung.
KHÁNH PHƯƠNG
Huế là nơi tôi thường tự hỏi, “tại sao tôi không sống ở nơi đây?”. Sông Hương là nơi tôi thường tự hỏi, “tại sao tôi không làm điều gì đó cho nơi này?”.
GIA HỘI
Đầu năm 1983, lãnh đạo tỉnh và Hội VHNT Bình Trị Thiên xác định nên có một tờ tạp chí văn nghệ. Theo nhà văn Hà Khánh Linh, từ tháng 2/1983, nhiều cuộc họp bàn chuẩn bị ra mắt số tạp chí văn học nghệ thuật được tổ chức.
VÕ QUÊ
Tin tạp chí văn nghệ tỉnh nhà được mang tên mới: Sông Hương là một nguồn vui lớn không chỉ trong giới văn nghệ sĩ chúng tôi, mà còn sớm lan tỏa trong mọi tầng lớp dân chúng của quê nhà yêu dấu trong thời điểm ấy (6/1983).
(Lê Minh Phong phỏng vấn các nhà lý luận, phê bình)
LTS: 30 năm đã tạo nên vóc dáng một Tạp chí Sông Hương bản lĩnh như ngày hôm nay. Từ lúc mới ra đời Sông Hương đã nhận được sự cộng tác nhiệt tâm của nhiều cây bút tài hoa trên mọi miền đất nước, góp phần đưa tạp chí vượt thoát biên giới địa phương đi vào thế giới văn chương Việt đầy sôi động. Dưới đây là những tâm tình của một số cộng tác viên từng gắn bó với Sông Hương.
LTS: Góp phần để Sông Hương có “văn hiệu” trên diễn đàn văn học nghệ thuật cả nước cũng như đến với độc giả mọi miền phải kể đến vai trò của những nhà văn nhà thơ đại diện cho tạp chí. Chúng tôi xin được trích đăng một vài cảm nhận của họ nhân dịp kỷ niệm 30 năm Sông Hương ra số báo đầu tiên.
TRẦN NGUYÊN
Hòa nhập với làng văn nước nhà, Sông Hương còn phải chở nặng phù sa văn hóa của chính nơi mình sinh ra. Mấy năm trở lại đây, Sông Hương tạo được ảnh hưởng trong giới độc giả với nhiều chuyên đề văn học mang tính chất khai mở, dám nói và làm những hiện tượng, trào lưu văn học còn ngại ngần.
VỸ GIẠ
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng tạp chí, từ tháng 8 năm 2008, Sông Hương xúc tiến bốn chương trình nhân văn với phương thức xã hội hóa hoàn toàn. Các chương trình ấy vừa thể hiện tình cảm nhân ái, vừa thể hiện mong ước được đóng góp cho văn hóa Huế của giới văn nghệ sĩ - trí thức quê nhà.
ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG
Mới đó mà đã 30 năm rồi. Với tôi, Sông Hương luôn là một kỷ niệm và là một hành trình đẹp. Sông Hương 30 năm thì tôi có hơn 2/3 quãng thời gian ấy là… người nhà của Sông Hương.
Kính gửi BBT Tạp chí Sông Hương!
Gia đình tôi (7 thành viên đều là giáo chức) không phải cư dân Huế, nhưng mỗi người trong chúng tôi đều đã là một độc giả trong số những chuyên mục thường xuyên của tạp chí Sông Hương từ nhiều năm nay.
PHẠM PHÚ PHONG
(Nhìn lướt qua các tuyển tập kỷ niệm 30 năm Tạp chí Sông Hương)
Cũng như người, sông có đời sông. Nhưng người có tuổi, còn sông không có tuổi. Không ai biết dòng sông chảy qua kinh thành gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử một vùng đất có từ bao giờ? Nhưng cách đây ba mươi năm đã ra đời một cuộc sống khác, một dòng chảy khác, tồn tại song song với nó, góp phần khẳng định và phát huy đời sống tinh thần của con người xứ Huế, đó là Tạp chí Sông Hương.
DƯƠNG PHƯỚC THU
Chiều thứ bảy, ngày 12 tháng 6 năm 1983, Tạp chí sáng tác phê bình nghiên cứu văn học nghệ thuật văn hóa của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên ra số đầu tiên, lấy tên Sông Hương. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập, nhà văn Nguyễn Khắc Phê là Phó, Ban Biên tập gồm có các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, họa sĩ tên tuổi như: Lương An, Bửu Chỉ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Minh Hằng, Xuân Hoàng, Hà Khánh Linh, Lê Thị Mây, Trần Hữu Pháp, Võ Quê, Thái Ngọc San, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Xuân Việt, Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Đắc Xuân.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Trong tủ sách của tôi, sau bao dâu biển, còn lại một cuốn Sông Hương hai mươi mấy năm trước, trong đó có thư trả lời độc giả của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, hình như là Tổng Biên tập.
Thực tiễn sáng tạo nghệ thuật luôn luôn biến đổi cùng với sự thức nhận tri thức khách quan và tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Sáng tạo là tìm ra cái mới, cái mới nằm trong nhận thức, trong quan niệm, trong cách chúng ta nhìn vào sự vật và nhìn vào chính mình.