Yếu tính nữ trong Huế xưa

15:37 05/09/2008
TRƯƠNG THỊ CÚC * Như cá lội tung tăng trong nước, không hề biết mình bơi bằng cách nào, đôi lúc người Huế cũng sống hồn nhiên, không cảm nhận một cách rạch ròi về tính cách Huế, về yếu tính của một vùng đất mà mình đã sinh ra, lớn lên và một đời gắn bó máu thịt.

Có lúc, từ những vị khách ở phương xa đến, với con mắt tinh đời và con tim nhạy cảm, bằng sự so sánh văn hoá, họ cảm nhận được ngay những nét lạ trong yếu tính của Huế, cảm nhận một cách trực tiếp, nóng hổi và cũng đầy chủ quan.
Một người Pháp sống ở Huế thuở còn bóng dáng thực dân đã đưa ra một nhận định thú vị: “Huế là nơi cái chết mỉm cười, vui tươi thổn thức” (Le deil sourit, la joie soupire). YÁ tưởng ngộ nghĩnh này nhằm diễn đạt lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn không hề gợi lên cảnh tang tóc, mà đó là nơi chốn dạo chơi thanh thản của người đời. Trái lại, thú vui chơi độc đáo của người Huế- thưởng thức ca Huế trên sông Hương- lại luôn luôn vang vọng những điệu buồn thổn thức, da diết.
Từ cuối thế kỷ XVII (1695), Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Hoa đến Huế theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, khi vừa đến mảnh đất này đã đưa ra nhận định khá kỳ lạ “Nước Đại Việt (mà ông chỉ biết qua Huế) phong thổ khí hậu, đại ước khí âm thịnh, khí dương suy. Nghiệm chứng... con trai thông minh không bằng con gái” (1).

* Lịch sử xứ Huế từ ngày trở thành lãnh thổ của Đại Việt dưới thời nhà Trần đã gắn liền với số phận lênh đênh của một người phụ nữ: công chúa Huyền Trân. Với đám cưới của vua Chămpa Chế Mân và công chúa Huyền Trân vào năm 1306, hai châu Ô và Lý- vùng đất Thuận Hoá, Thừa Thiên- Huế và Quảng Trị sau này chính là món quà sính lễ của vua Chămpa dâng tặng để cưới nàng công chúa Đại Việt. Huế về với đất Việt qua lễ cưới của một nàng công chúa.
Sau đám cưới của công chúa Huyền Trân, xứ Huế vẫn còn là vùng đất biên cương hẻo lánh ở cực Nam của nước Đại Việt, những sự kiện lịch sử và con người ở xứ “Ô châu ác địa” hiếm khi được các sử gia ở Thăng Long ghi chép liệt kê. Nhưng trong những dòng địa chí hiếm hoi ấy, Huế lại được cả nước biết đến qua những chi tiết trong thông sử của quốc gia gắn liền với một người con gái đẹp, một bà phi họ Nguyễn- Nguyễn Quý phi. Sử chép: “Bà là người xã Hoà Thược, huyện Kim Trà (Hương Trà về sau này). Khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành (1471) dừng lại ở xã này, thấy bà gánh nước qua, có nhan sắc, vua đem lòng yêu, bèn cho vào cung, được nhà vua quý mến. Lần lần phong đến bậc phi, về sau sinh ra Triệu Vương”(2).
 Nguyễn Quý phi còn được sử sách ghi lại qua một hành vi ứng xử độc đáo của người con trai- Triệu Vương. “Triệu Vương Thoan là con thứ 13 của vua Thánh Tông. Mẹ là người xã Hoà Thược, huyện Kim Trà. Vương từ nhỏ đã thông minh quả cảm. Có người ở quê mẹ  ông tới kinh làm việc, đi đến ngoài cửa Đại Hưng, một viên tiểu hoàng môn vừa đi đến thấy người ấy áo quần lam lũ, lại tranh đường, bèn hỏi rằng “Mày ở đâu?”. Người ấy đáp: “ở Thuận Hoá”. Viên hoàng môn ấy mắng rằng: “Loại sâu bọ này lại dám vô lễ à?”. Lúc ấy Vương từ chỗ cửa cung cấm đi ra, nghe thấy thế, chợt nổi cơn giận, lấy gậy đánh chết viên ấy. Rồi ông đi tắt vào tâu vua rằng: “Tôi là con thiên tử, mẹ tôi người Thuận Hoá. Viên tiểu hoàng môn nói phạm đến tôi, tôi không nén được cơn giận, trót đã giết mất nó rồi. Như thế là đã mắc tội tự tiện giết người, xin nạp tiền để đền mạng nó”. Nhà vua thương hại tấm lòng của ông, lại cho là có nghĩa khí, cuối cùng không bắt tội” (3).

* Lồng trong lịch sử của vùng đất này, những huyền thoại, huyền sử của xứ Huế cũng tô đậm dấu ấn nữ tính.
Truyền thuyết phổ biến của Huế từng được chúa Nguyễn Phúc Chu cho khắc vào bia đá chùa Thiên Mụ (năm 1715), được Nguyễn Khoa Chiêm chép vào bộ Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí (năm 1719) đã kể về vị nữ thần Thiên Mụ từ cõi trời hiện ra ở đồi Hà Khê vào giữa đêm báo tin sau này sẽ có bậc chân chúa tìm đến đồi dựng lại chùa, tụ linh khí để giữ bền long mạch. Chuyện còn kể chính chúa Nguyễn Hoàng trong lần tuần du đến đồi Hà Khê đã được nữ thần phán bảo hãy thắp lên nén nhang, từ chùa Thiên Mụ xuôi theo sông Hương, khi nhang tàn chính là lúc tìm được đất dựng nghiệp. Kinh đô Huế trong huyền thoại đã gắn liền với Thiên Mụ- vị nữ thần dung nhan còn trẻ mà tóc đã bạc phơ, trang phục áo đỏ quần lục từng hiện lên giữa vùng đồi Hà Khê đầy linh khí (4).
Đi liền với huyền thoại Thiên Mụ, người Huế còn phủ lên các vị nữ thần của Chămpa một lớp huyền sử mới, biến thần Po Naga của Chămpa trở thành nữ thần Y Na, rồi Thiên Y A Na, rồi Vân Hương thánh mẫu và bà chúa Ngọc ở điện Hòn Chén theo tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt; biến “hòn đá thiêng” ở vùng biển Thai Dương trong truyền thuyết Chămpa thành Thai Dương phu nhân, biến vị thần Shiva bên bờ sông Bồ thành Kỳ Thạch phu nhân; biến những nơi thờ bà Giàng thành những miếu Dương Nữ nghi ngút khói hương.

* Chuyển mình từ một vùng đất biên cương cực Nam của Tổ quốc trở thành thủ phủ của Đàng Trong, rồi kinh đô của cả nước, Huế lại có điều kiện tích tụ tinh hoa của cả vùng, cả nước để bồi đắp thêm bản sắc của chính mình. Những đặc tính thanh lịch, tinh tế... ngày càng được nâng cao, góp phần hình thành thêm yếu tính nữ độc đáo của vùng đất này.
 Chính từ dinh phủ Phú Xuân dưới thời các chúa Nguyễn mà nghệ thuật múa hát cung đình Huế với lớp lớp tiểu hầu mỹ nữ xuất hiện; nghệ thuật ẩm thực tinh tế của xứ Huế được nâng cao; nghệ thuật trang trí kiến trúc dinh phủ lộng lẫy được trau chuốt. Đặc biệt, từ trong Chính dinh của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã sản sinh ra chiếc áo dài độc đáo, làm thăng hoa vẻ đẹp thướt tha của người phụ nữ Việt Nam, trở thành quốc phục của nữ giới cả nước sau này.
Dưới triều đại Quang Trung Nguyễn Huệ, Phú Xuân- Huế đón nhận thêm một vị công chúa từ đất Thăng Long văn vật- công chúa Ngọc Hân của nhà Lê về làm Bắc cung Hoàng hậu, và từ mảnh đất này khúc “Ai tư vãn” khóc người anh hùng áo vải nổi tiếng của bà đã ra đời, cuối cùng bà cũng đã trở về với cát bụi ở xứ Huế.
Từ trong dinh phủ của kinh thành Huế, những trang giai nhân quốc sắc, những bậc mệnh phụ thế gia vọng tộc như hình ảnh của Tống Thị, Ngọc Cầu, Từ Dũ, Học Phi, Nguyễn Nhược Thị... được biết đến như những nữ lưu lừng danh. Trong vô vàn những nàng công chúa, hoàng nữ của triều Nguyễn, các nhà thơ nữ Nguyệt Đình, Mai Am, Huệ Phố, con gái vua Minh Mạng đã nổi danh một thời trên chốn thi đàn.
Mảnh đất kinh kỳ này đã góp phần không nhỏ hình thành một vùng văn hoá đặc sắc mà ở đó từ nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, trang trí, ẩm thực, lối sống... đều toát lên một nét riêng: sự tinh tế, thanh lịch, trang nhã, nhẹ nhàng, sâu lắng,... thường là một đặc trưng nổi bật của xứ Huế.
Nhưng Huế không phải chỉ là xứ sở của sự nhu thuận. Vùng đất một thời là biên cương cực Nam của Tổ quốc, nơi từng là “ phên dậu” của đất nước đã được tôi luyện qua nhiều thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước, Huế còn có chất lửa như sông Hương vẫn ẩn chứa trong lòng nó những cơn cuồng lưu dữ dội đằng sau sự êm ả tưởng chừng dùng dằng bất động. Trong giới nữ của Huế gương mặt hoạt động yêu nước của Au Triệu Lê Thị Đàn, Đạm Phương Nữ Sử, của các bà Nguyễn Thị Thanh, Trần Thị Như Mân, Đào Thị Xuân Yến,... trở thành những người phụ nữ Huế tiêu biểu, lưu danh với cả nước.

Những khuôn mặt của phụ nữ Huế xưa đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng từ trong di sản, những yếu tính nữ của Huế xưa vẫn không ngừng luân chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 Không phải chỉ trong chốn dinh phủ đài các, mà cả trên mọi nẻo của thôn xóm, phố phường, ở những tầng lớp bình dân tưởng chừng như vô danh, yếu tính nữ đôi lúc lại lắng đọng rất sâu, cả trong Huế xưa và Huế hôm nay.
Nhưng cũng đừng vội nghĩ như bậc cao tăng Thích Đại Sán, rằng đây là xứ “âm thịnh dương suy”, là chốn “đàn ông không thông minh bằng đàn bà”. Huế vẫn là một vùng đất có khả năng dung hợp một cách tài tình những yếu tính đối lập: dung hợp giữa thanh lịch và kiên cường, giữa nhẹ nhàng và quyết liệt, giữa cung đình và dân gian... để làm nên một yếu tính rất riêng của Huế: yếu tính dung hợp.
T.T.C
(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002) 

-------------------------------------
(1) Thích Đại Sán. Hải Ngoại Kỷ Sự. Viện Đại học Huế. 1963. Trang 49.
(2) & (3) Đại Việt Thông Sử. Lê Quý Đôn toàn tập. Tập III. Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1978. Trang 133, 151.
(4) Nguyễn Khoa Chiêm. Triều Công Nghiệp Diễn Chí. Tập I. Huế. 1986. Trang 113.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • PHẠM THỊ ANH NGA

    Giới văn học nghệ thuật trong Nam ngoài Bắc cũng như những người từng là học trò của ông thường nói với nhau, tưởng như đùa nhưng lại rất thật, rằng đến Huế mà chưa ghé thăm ông thì coi như là chưa đến Huế, gì thì gì vẫn cứ... thiếu.

  • LÊ HUỲNH LÂM

    Văn chương như một món ăn tinh thần cho mọi người. Đối với những người đam mê, các tác phẩm văn chương như hơi thở, như máu thịt. Ngoài việc là món ăn tinh thần, văn chương như những con đường vươn ra dẫn dắt để nối kết, giao thoa giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa vùng miền văn hóa này với vùng miền văn hóa khác.

  • LÊ VĂN LÂN

    Trong phong trào đô thị Huế, từ phong trào hòa bình 1954 - 1955, phong trào Phật giáo ở Huế những năm 1963 - 1964 đến phong trào li khai ở Huế 1966, có một nhân vật khi nhắc đến hầu như ai cũng biết - đó là bác sĩ Lê Khắc Quyến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nguyên Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế.

  • ĐỖ MINH ĐIỀN

    Ngày 01/10/2012, một tin vui không chỉ dành riêng cho Huế khi bộ Cửu vị thần công là 1 trong 30 hiện vật/nhóm hiện vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam.

  • NGUYỄN MINH VỸ
                    Hồi ký

    Thú thật với các bạn Tạp chí Sông Hương và những ai cùng quê là trước Cách mạng Tháng 8-1945 tôi có phần nào "mặc cảm" vì cái gốc Thừa Thiên của mình.

  • LƯƠNG AN

    Vào đầu nửa sau thế kỷ 19, tại Phú Xuân (tức Huế bây giờ), giữa lúc tiếng tăm hai anh em Miên Thẩm và Miên Trinh đang lừng lẫy, một sự kiện bỗng thu hút sự chú ý của giới thơ kinh thành: sự xuất hiện gần như đồng thời của Tam Khanh(1), ba nhà thơ nữ người hoàng tộc, trong đó, Thúc Khanh được ca ngợi nhiều hơn cả.

  • (SHO) Tiến sĩ Lê văn Hảo quê ở Huế, con trai ông Lê Văn Tập - một đại phú gia ở miền Trung, du học Pháp (1953), đỗ Tiến sĩ Đệ Tam cấp ngành Dân tộc học (1961) tại Đại học Sorbonne, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (Centre national de la recherche scientifique) một thời gian rồi về nước (1965) giảng dạy Dân tộc học và Văn minh Việt Nam tại các Đại học Văn khòa Huế, Đại học Văn khoa Sài Gòn.

  • Có một người phụ nữ xứ Huế sinh sống và giảng dạy tại CHLB Đức nhưng luôn dành tình trang trọng chiếc áo dài Việt Nam. Bà là TS triết học Thái Kim Lan, với bà, áo dài làm nên một phần bản sắc vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN

    Như chúng ta đã biết qua sách sử, cựu Hoàng đế Bảo Đại có 2 người vợ được hôn thú chính thức. Đó là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng hậu) và bà người Pháp là Monique Marie Eugene Baudot.

  • LÊ VĂN LÂN

    Những thập niên cuối thế kỷ XX, có một nhân vật lúc ẩn lúc hiện như rồng trong mây, như kình ngư giữa đại dương, có mặt ở các thời điểm lịch sử, có tác động đến phong trào giải phóng dân tộc ở Thừa Thiên Huế nói chung và phong trào đô thị Huế nói riêng.

  • PHAN THUẬN AN

    "Hôm nay, Ngài trở về trong lòng đất mẹ thân yêu, trở về giữa tất cả đồng bào con Hồng cháu Lạc, trở về bên núi Ngự, sông Hương...
    "Chúng ta thành kính cầu cho nhà vua đời đời yên nghỉ.
    "Lòng yêu nước của nhà vua còn sáng mãi với sử xanh".

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    LTS: Thời Pháp thuộc cũng như thời tạm chiếm, những “thượng khách” đến du lịch Huế thường được bà công chúa Lương Linh (con gái thứ 19 của vua Thành Thái và là em út của vua Duy Tân) hướng dẫn.

  • LÊ TIẾN DŨNG 

    Một ngày cuối thu tháng Mười năm 1965 tôi nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam một tin quan trọng: Hội Văn nghệ Giải phóng công bố Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu.

  • ĐOÀN XANH 

    Nhà thơ, nhà báo Thúc Tề bị Pháp thủ tiêu khi mới 30 tuổi. Gần 50 năm sau, bí mật được phát lộ, Nhà nước đã truy tặng ông danh hiệu Liệt sĩ với bằng Tổ quốc ghi công.

  • Ở tuổi 75, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vẫn miệt mài bên chiếc máy tính để làm việc mỗi ngày. Ông luôn mang theo bên người một chiếc máy ghi âm, loại dùng bằng băng cassette, ông có thói quen ghi lại bất cứ buổi làm việc nào với các phóng viên báo, đài... Đón tôi trong con hẻm nhỏ dẫn vào ngôi nhà ở một quận gần trung tâm Sài Gòn, ông đội chiếc mũ kiểu Huế và những tiếng “răng, ni, nớ” rất Huế của ông mang lại cho tôi sự gần gũi để bắt đầu buổi trò chuyện.
                        Nhà văn ÁNH HƯỜNG (thực hiện)

  • Ngày 9/6/2014, nhà báo Nguyễn Khoa Bội Lan đã vĩnh biệt chúng ta, hưởng thượng thượng thọ 105 tuổi

  • Tôi lặng lẽ đi tìm về nhà "O Thương trống” mà trong lòng có cảm giác như một  đứa con đi xa lâu ngày trở về với mẹ để được nghe mẹ kể chuyện đời, chuyện nghề.

  • Có lẽ cho đến nay, ông Lê Văn Kinh là nghệ nhân làng nghề truyền thống lập nhiều kỷ lục nhất VN. Ông đã lập kỷ lục về bộ tranh thêu bài thơ "Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư bằng 14 thứ tiếng. Tiếp đó là bộ Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật. Đầu tháng 5-2014 vừa qua, ông tiếp tục xác lập kỷ lục thứ ba, đó là thêu tay hai bài thơ "Tẩu lộ” và "Hoàng hôn”  -  hai bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • VÕ SƠN TRUNG

    Con người đó, là nhà văn, nhà văn hóa, nhà từ điển học Đào Đăng Vỹ cực kỳ nổi tiếng ở Huế từ những năm 1940. Ông sinh ngày 1 tháng 2 năm 1908 tại Huế, có tài liệu nói ông mất ngày 7/4/1987 tại California - Mỹ(1).

  • Cật tre được lựa từ rừng già, xung quanh lồng được chạm trổ tuồng tích như một bức tranh hoàn hảo… Những chiếc lồng chim như một tác phẩm nghệ thuật ấy có giá cả chục triệu đồng.