NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
Ra khỏi quán cà phê một đoạn, tôi bước chậm lại. Gió đêm từ mặt sông hắt lên lành lạnh. Lần tay vào túi áo mới hay gói thuốc lá lúc nãy còn bỏ quên trên bàn, tôi vội quay về quán.
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Một bàn tay cản lại khi tôi vừa cầm lấy cái bật lửa:
- Giao! Phải Giao đó không?
Tôi ngẩng lên. Ánh đèn ngược sáng làm tôi nheo mắt nhìn. Quen quá mà không nhớ ra. Người đàn ông tóc ngả bạc vẻ phong trần bỗng cười ha hả. Cái giọng cười này thì không lẫn với ai được. Tôi xiết chặt tay anh:
- Ừ, là tôi đây ông tướng à!
“Ông tướng” kéo tôi ngồi xuống. Đấy là Hoàng. Ngày còn dạy học cùng một trường, cả bọn trong tổ Toán chúng tôi gọi anh như thế. Chẳng phải tổ trưởng bộ môn, cũng chẳng có danh hiệu gì nổi bật, mà vì anh là chúa bỏ giờ, bỏ họp hành, ai nhắc nhở phê bình gì cũng phớt lờ như không. Trường huyện cách thành phố hơn bốn mươi cây số, nhưng chiếc xe đạp cà tàng vẫn dai sức cùng anh lên về có khi hai ba bận một tuần. Người anh gầy nhom chỉ có cặp giò là đáng giá. Và chiếc xe đạp cũ kĩ thì bộ phận nào cũng kêu trừ cái chuông. Cô vợ trắng trẻo xinh tươi và đứa con gái mũm mĩm luôn khiến anh quên mệt mỏi vì những cuốc xe đường dài. Nhưng mọi người đều thấy rõ Hoàng phờ phạc và lúc nào cũng lơ mơ buồn ngủ. Đùng một cái, Hoàng bỏ việc. Không đơn trương, cũng chưa thấy văn bản quyết định gì. Kẻ nói thế này, người bảo thế kia. Đúng lúc đó, gia đình bên vợ tôi gặp nhiều biến cố dồn dập, tôi cấp tốc lo thủ tục chuyển theo cô ấy vào Tây Nguyên. Nơi đây quanh năm chỉ thấy núi đồi, vật lộn với đất đá, với rừng cây lau lách để kiếm cái ăn mà sống, tôi bặt tin Hoàng và nhiều đồng nghiệp từ đó.
- Trời đất nào xui ông đến đây vậy hả?
Tôi đốt lửa châm một điếu thuốc, không trả lời Hoàng. Rít một hơi dài, tôi nhìn anh qua làn khói thuốc.
- Ông vẫn ở đây sau khi bỏ việc sao?
- Vẫn! Chỉ có ông là đi biệt mù cà cưỡng thôi!
Thằng cha này nói cái giọng y chang như ba mươi năm trước. Dân Bắc kỳ nhưng rất thích nói vần nói lối theo kiểu ở đây. Tôi bật cười với ý nghĩ đó. Hoàng uống hết tách cà phê, đứng dậy vỗ vai tôi:
- Đi! Ông về nhà tôi rồi nói chuyện. Mà này, có bận bịu vợ con cháu chắt gì không thì bảo?
Tôi đứng lên theo, cười:
- Vô tư đi! Vợ tôi thì quản con quản cháu giỏi lắm, đặng tôi rảnh rang mà về đây cả tháng lông bông vầy chứ!
Chưa để Hoàng tròn mắt xuýt xoa khen, tôi nhỏ giọng:
- Vứt tôi vào đâu bả cũng chẳng lo. Tôi có giấy chứng nhận của bác sĩ rồi mà!...
Hoàng đấm mạnh vào vai tôi, cười ha hả. Anh chở tôi qua con phố đông người và xe, san sát nhiều nhà nghỉ, khách sạn và nhiều gian hàng bán quà lưu niệm. Đa số người đi bộ trên các vỉa hè là khách du lịch người nước ngoài. Ngày tôi rời thành phố, những con đường này còn chưa đổ nhựa và nhà cửa rất thưa thớt, nhà này cách nhà kia cả mấy cái ao rau muống...
Đến một ngõ xóm thưa vắng hơn, Hoàng rẽ vào và dừng xe trước ngôi nhà nhỏ. Dưới mái hiên hắt sáng ánh đèn từ khung cửa hàng xóm đối diện, một người phụ nữ đang lúi húi dọn các thẩu bánh kẹo và thuốc lá vào chiếc xe đẩy. Nghe tiếng xe máy, chị ta ngẩng lên quay lại mỉm cười chào chúng tôi. Tôi ngạc nhiên vì chợt nhớ ra Phụng, dù xinh đẹp đến đâu thì đến giờ cũng không còn trẻ thế này.
Không để ý đến vẻ mặt nghệch ra của tôi lúc đó, Hoàng mở cửa nhà, vừa dắt xe vào vừa nói vọng ra:
- Hôm nay dọn hàng sớm thế Lẩu?
- Dạ, ba tụi nhỏ về thăm đám dưới quê thầy à! Tui về sớm còn coi thằng Út học bài nữa đó thầy!
Tôi bước vào nhà ngay khi Hoàng vừa đưa tay bật công tắc. Ánh đèn bợt bạc có lẽ do cái bóng điện ngắn mà lại gắn quá cao. Gian nhà nhỏ có những mảng tường vôi loang lổ, chắc đã lâu chưa được sơn quét gì. Ngồi xuống chiếc ghế gỗ độc nhất ở nơi tạm gọi là phòng khách, tôi tiện tay bưng cái ấm trà lên. Nhẹ hẫng.
- Đây, nước sôi đây! - Hoàng cúi xuống xách cái phích nước ở góc phòng lên.
Châm nước thêm vào ấm xong, Hoàng vào trong lấy ra một chiếc ghế nhựa nhỏ. Vì vậy, anh ngồi chầu mặt lên khi nói chuyện và tôi thấy rõ cả mảng hói lớn trên đầu anh. Hai thằng đàn ông tóc đã muối tiêu mà còn say sưa tán đủ thứ chuyện. Ngôi trường cũ với bao chuyện bi hài thời bao cấp như hiện ra rõ nét...
- Chắc phải làm gói mì để có sức mà nói chuyện chứ! Ông cứ ngồi đấy, một loáng là xong ngay thôi.
Nhưng tôi vẫn đứng dậy đi theo anh ra bếp. Bếp là cái bàn gỗ đã lên mốc nhiều đám, trên có cái xô nhựa đậy nắp, chắc dùng đựng gạo. Cái ấm nhôm đen muồi nhọ nồi đặt sẵn trên bếp dầu. Thùng mì gói còn một ít, vài gói đã dùng, vỏ giấy rơi vãi cái trên bàn, cái dưới đất. “Thế này thì đúng là ông sống một mình rồi. Phụng và con bé đâu?” Tôi chợt đưa tay lên chặn trên môi. May mà chưa kịp nói ra. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy Hoàng chẳng lúng túng ngượng nghịu gì trước tôi về cái cơ ngơi quá khiêm tốn của mình trong thời buổi công nghệ này.
- Ông định nói gì à?
Tôi giật mình ngỡ Hoàng đã đọc được những thắc mắc vừa thoáng qua trên nét mặt tôi:
- À... Mà này, hay là mình ra đầu ngõ kiếm cái gì nong nóng ăn cho ấm đi! Từ xế chiều tôi chỉ ăn qua quýt vì mải lai rai với đứa em họ.
Từ hàng phở về, Hoàng kéo tôi vào gian trong. Cả hai cùng nằm trên chiếc giường gỗ hẹp, như ngày trước còn ở trong căn phòng tập thể của trường. Chỉ khác một điều là khắp phòng này có rất nhiều tranh vẽ.
- Đừng nói ông là hoạ sĩ và đây là nhà của ông đấy nhé!
Hoàng nói giọng thản nhiên:
- Tiếc rằng đó lại là tranh của tôi và đây có thể gọi là nhà của tôi!
Tôi ngồi bật dậy:
- Ông vẽ từ hồi nào? Tôi mới nghe có đứa nào nói sau này ông kinh doanh gì gì đó, phất lên khá lắm mà? Hay tôi nghe nhầm?
- Không nhầm đâu!
- Vậy thì vợ con ông? Sao lại ra...
Hoàng kéo tôi nằm xuống:
- Sao lại ra nông nỗi này chứ gì? Không chừng ông phải thức cả đêm để nghe chuyện hay đấy, Giao ạ!
Tôi nằm xuống trở lại. Hoàng vắt tay trên trán, nhìn lên trần nhà không chớp mắt:
- Bắt đầu từ lúc tôi bỏ trường cả tuần không lý do chứ gì?
Hoàng chợt im lặng, chừng mươi giây đồng hồ rồi nói tiếp:
- Tối chủ nhật trước đó Phụng nói là đến nhà bạn ở cơ quan nhưng đã khuya vẫn chưa thấy về. Thật ra công việc ở trạm xá này chẳng có gì bận bịu, bạn gái chỉ có một cô mà sau này mới biết là đã về quê từ hôm trước. Thời đó làm gì có điện thoại. Sáng hôm sau tôi phải đưa con bé Sữa đến lớp mẫu giáo rồi đạp xe đi tìm... Nói loanh quanh rồi cậu Hiệp cũng phải cho biết là cậu nghi chị gái mình đi theo thằng cha buôn thuốc tây thỉnh thoảng vẫn rủ Phụng “đi công việc”. Tôi “sốc” ở chỗ là... ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu. - Hoàng nhún vai nói như đang hát phần cuối câu.
- Vậy sao lúc ấy ông không về gặp Diên trình bày hoàn cảnh gia đình xin nghỉ ít hôm để thu xếp? Diên là người tốt tính lắm mà!
Hoàng chống tay ngồi dậy vói lấy bao thuốc rồi châm lửa. Anh ngồi yên đưa mắt nhìn theo những vòng khói nhạt được thổi nhẹ nối nhau bay lơ lửng trước mặt. Một lát, anh quay lại nhìn tôi:
- Biết thế! Nhưng ông bạn làm ơn trừ đi ba mươi mấy năm thì biết ngay. Đâu phải phóng xe máy như bây giờ, vù một cái là đến nơi. Tôi cũng không thể chạy theo cái mớ đơn trương thủ tục nhì nhằng ấy trong khi con bé Sữa đang biếng ăn. Mấy cô trông trẻ lúc đó cũng có những khó khăn riêng. Mà hồi ấy thôi việc đâu có trợ cấp gì...
Tôi định hỏi sao không nhờ bà ngoại con bé, nhưng lại thôi bởi chắc rằng có lý do nào đó Hoàng không muốn nói. Hoàng vẫn nhìn vào khoảng trống, nơi mà những sợi khói đã loãng tan nhưng có lẽ quá khứ đang ùa về dày đặc:
- Cũng còn may cho hai bố con tôi. Lúc ấy cũng vào khoảng đầu tháng, gạo mắm trong hũ khá đầy... Chừng tháng sau thì chú Hào ở đầu đường có giấy báo vào Sài Gòn phỏng vấn để đi Mỹ, diện HO đấy mà!
Tôi ngạc nhiên:
- Thêm chú Hào nào có liên quan gì đến vợ ông nữa sao?
- Không! Là vị cứu tinh của tôi đấy!
Tôi ngồi bật dậy. Có vẻ như câu chuyện đang hút lấy tôi. Hoàng vẫn nói đều đều:
- Chú đó là sĩ quan quân đội Sài Gòn. Sau thời gian đi cải tạo về thì sống bằng cái sạp nhỏ mua bán sách cũ và cho thuê truyện, đóng hoặc khâu sổ sách. Lúc rỗi việc tôi vẫn ra chơi cờ hoặc chuyện trò khá thân với chú. Cùng cảnh nghèo cả nên hiểu nhau lắm. Biết tôi đang gặp rắc rối, chú nhượng cái quán nhỏ cho tôi. Thu vén cả gia sản tôi cũng chỉ có hơn ba trăm nghìn. Cái thằng em vợ xem thế mà cũng có tình. Nó chạy vạy đâu đó trong mấy đứa bạn thân đưa cho tôi thêm một trăm, chỗ còn thiếu thì chú Hào tặng không. Cũng coi như là chút quà kỷ niệm cho thằng bạn nhỏ trước khi chia tay bởi lúc đó chúng tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ gặp lại.
Hoàng dí mẩu thuốc vào cái gạt tàn để sát gậm giường sau khi rít một hơi dài và thở khói rất chậm. Nét mặt vẫn bình thản sau làn khói thuốc chờn vờn như thể đang kể chuyện về một người nào đó rất xa lạ:
- Được chú Hào hướng dẫn cho học việc vài hôm, tôi thấy dễ chịu để thích nghi với nghề mới. Dễ chịu vì không phải bị áp lực giờ giấc và gò lưng cả buổi đạp xe trên đường bất kể nắng mưa. Tôi có thể ngồi uống cà phê và đọc sách lúc nào cũng được vì không bị ai thanh tra kiểm tra. Và dễ chịu nhất là tôi có thể cầm tiền bỏ vào túi mỗi ngày.
- Xem ra ông bị chuyển ngành cũng nhanh đó!
Hoàng cười:
- Được chứ sao lại bị! Vài năm sau thì bắt đầu thời mở cửa. Với công việc này, tôi thuận lợi hơn đi dạy rồi. Nhờ vài người quen giới thiệu, tôi nhận làm đại lý mua bán và phát hành sách, rồi có giấy phép kinh doanh, tôi thuê mặt bằng ở phố, và nghiễm nhiên là chủ nhà sách. Công việc suôn sẻ, tôi vay vốn và phát triển thêm. Đúng lúc đó thì Phụng trở về. Bất ngờ như khi bỏ đi.
- Ủa, vậy thì bây giờ Phụng đâu? - Tôi lay vai Hoàng sốt ruột.
Hoàng gỡ tay tôi và đẩy cái thằng bạn ồn ào nằm xuống:
- Ông hỏi hơi sớm đấy Giao ạ! Ông ngồi e sẽ mỏi lưng mất thôi!
Anh nằm xuống, gác chân chữ ngũ rồi nắm tay đấm nhẹ lên đùi cười lớn:
- Từ một thằng trai trẻ đến một ông già lủ khủ như thế này thì đâu có vài cái nháy mắt là kể xong chuyện. Anh biết lúc đó Phụng trông thế nào không? Tiều tụy, héo úa, già nua. Trông như người thua bạc khi tan sòng vậy. Cô ta vào nhà, hơi ngỡ ngàng vì mọi thứ có vẻ tươm tất hơn so với vẻ xộc xệch lúc này của mình, chứ căn nhà nhỏ như cái bàn tay ấy có nở ra thêm chút nào đâu. Tôi và con bé Sữa đang ăn trưa. Nó học buổi chiều nên chẳng ngồi lại với mẹ lâu. Tôi thì rất ghét chuyện thanh minh phân trần. Vả lại bảy năm rồi, tôi chẳng còn thiết gì chuyện tức tối hay giận dữ. Thế nên tôi bảo cô ta ăn cơm rồi dọn dẹp, còn tôi phóc lên xe, phóng qua nhà sách. Tối lại, cậu Hiệp chở mẹ đến. Lúc đó Phụng mới khóc lóc, van xin. Mẹ vợ tôi cũng khóc theo. Nước mắt để dành gần mươi năm giờ mới tuôn như suối, tôi chả biết họ khóc cho ai nữa. Buồn cười quá phải không ông?
Tôi giật mình ậm ừ cho xong vì mải hình dung cái cảnh sum họp chẳng lấy gì vui vẻ ấy. Hoàng quơ chân xuống xỏ dép rồi ra ngoài mang ấm trà và phích nước vào. Tôi cũng bước xuống, ra bưng ghế vào làm chỗ đặt ấm trà. Tôi đổ bã trà, tráng ấm rồi pha trà mới, rót ra cho mỗi người một tách. Chờ Hoàng uống xong để kể chứ lần này rút kinh nghiệm tôi không hỏi gì, không khéo lại vô duyên. Anh uống từng ngụm, có vẻ như đang uống rượu hay một chất nước cay nào đó làm buốt xé vết đau trong cổ họng, ruột gan. Nhưng rồi sau đó giọng anh vẫn đều đều:
- Giá như lúc còn khốn khó, có lẽ tôi đã quát đuổi ngay từ khi cô ta mới bước chân vào nhà. Nhưng ông nghĩ xem, bố con tôi vẫn sống, còn tốt hơn nữa là đằng khác. Cô ta đã tàn tạ như thế rồi còn gì. Bây giờ để cô ta ở lại thì cũng chỉ là thương hại. Dẫu sao con bé có mẹ bên cạnh vẫn hơn. Nó đang vào tuổi lớn...
Tôi lại buột miệng hỏi:
- Vậy bây giờ Phụng ở với vợ chồng bé Sữa sao?
Hoàng không trả lời tôi, hay là không nghe tôi hỏi cũng nên. Anh cúi đầu im lặng một lát.
- Khi mọi thứ gần như ổn định, gia đình tôi tạm gọi là đầm ấm trở lại, các khoản nợ lớn cũng đã được giải quyết xong thì tôi để cho Phụng giao dịch với các đại lý ở vài cơ sở. Được dăm ba lượt thì xảy ra sự cố...
Hoàng co rúm người lại, như thể cố tránh một gánh nặng đang đè trên vai:
- Một buổi chiều, hàng ra chậm vì xe bị sự cố bên kia đèo, phải ở lại đợi sáng mai chữa xong mới đi tiếp. Hồi đó chưa có sử dụng tài khoản như bây giờ, tất cả đều trả tiền mặt. Tôi và mấy đứa phụ việc bán hàng biết chuyện xe bị trễ nên ngồi lai rai giải quyết cho xong mâm nhậu được Phụng chuẩn bị lúc chiều để đón hàng. Tối đến, lúc tôi vào giường nằm thì chẳng còn biết trời đất gì. Chỉ khi thức dậy hôm sau thì mới biết Phụng đã đi khỏi cùng với toàn bộ số tiền cho chuyến hàng đó, cộng với tiền dự trù trả nợ của đợt nhập hàng trước nữa.
- Trời ơi! - Tôi tròn mắt nhìn Hoàng.
- Chưa đâu! Có hai đại lý sau đó báo cho tôi biết cô ta đã ứng trước mấy phần trăm cho đợt hàng tới, có ký tá hẳn hoi ngay hôm cô ta biến đi. Tôi chỉ biết điều này khi cuống cuồng lo huy động vốn để giải quyết cho chuyến hàng bão táp ấy.
Tôi ái ngại:
- Rồi sau đó ông xoay xở ra sao?
- Hừm... Ông cũng biết là tôi chỉ còn đây một mình từ hồi mới học hết phổ thông. Sinh thời mẹ tôi cũng chẳng kể gì cho tôi về họ hàng ngoài ấy. Cũng phải thôi, mẹ con tôi dạt vào đây sau nạn đói... Nhờ nhà chùa mà tôi mới tiếp tục hết đại học. Từ khi sư cụ viên tịch đến rất lâu sau đó tôi chưa về thăm chùa. Tiền và thời gian đều không có. Vả lại, việc này không thể nhờ được. Vậy là tôi đành phải liều...
- Hả? Ông đừng nói là làm điều gì dại dột đó chứ.
- Như là tự tử ư? Điên sao chứ! Nhưng cũng có người cho rằng tôi dại dột khi đem bán căn nhà đang ở với giá quá bèo. Hai bố con thu xếp một góc bé xíu trong nhà sách để trú tạm. Đắp đổi các khoản còn một ít tiền, nghe cậu bé giúp việc bán sách gợi ý về quê cậu mua đất kẻo tiền còn không nhiều, sợ để lại rồi sứt mẻ hết. Đã liều thì cũng liều luôn. Vả lại tôi cũng tính nhỡ ra sau này buôn bán không ra gì thì cũng có chỗ để trồng rau nuôi lợn. Mình bán nhà rẻ thì mua đất cũng rẻ. Mà đất làng thì rẻ quá hơn cho. Được mấy năm thì người ta mở đường qua đó. Rồi làng biến ra phố. Gần nghìn mét đất giúp tôi thay đổi. Sang lại quán sách đang hồi xuống dốc. Bán một nửa đất, còn lại xây nhà hàng. Kêu người quản lý, có nhiều nhân viên, lại ăn nên làm ra, ông xem tôi bấy giờ có phải là đại gia rồi không?
Hoàng rót tách nước uống liền một hơi:
- Con bé học xong thì tôi xin việc cho nó đi làm, cũng dễ dàng thôi. Rồi nó lấy chồng. Thằng rể nhà nghèo nhưng được cái học giỏi, mới ra trường đã được bệnh viện thành phố nhận về ngay.
- Vậy thì ông có thể yên tâm hưởng phú quý rồi!
- Đúng vậy. Nhưng được đâu ba, bốn năm gì đó thì tôi bỗng chốc trắng tay.
- Ủa! Lại có chuyện gì mà phá sản nhanh vậy?
- Tôi cũng không ngờ nữa là ông. Hai vợ chồng con bé học đòi đâu chơi chứng khoán, trượt dài từ lúc nào tôi chẳng hay. Tôi thì chẳng hề quan tâm gì về cái món này, chỉ biết tới khi phải cứu chúng nó khỏi đi tù vì vỡ nợ. Phải thu xếp cho chúng ra riêng để độc lập mà bắt đầu lại. Khổ nỗi việc kinh doanh cũng trở nên xấu đi. Đúng lúc đó thì Phụng trở về cùng với án báo tử ung thư ở giai đoạn cuối. Ông nghĩ tôi phải làm thế nào đây. Lại bán hết, bán sạch... Phụng chết không lâu, con bé Sữa lại sinh thêm đứa thứ hai, bận rộn thêm nhiều hơn. Tôi ở nhà trông cháu giúp nó cho đến khi cả hai đứa đều đi trẻ và mẫu giáo. Một lần đi phất phơ về đây tôi tình cờ gặp Gánh...
Tôi tưởng mình nghe nhầm, nhỏm dậy:
- Ông nói ai?
- Cô Gánh nhà bếp chứ ai. Mà tôi có nhìn ra đâu. Trông như công chúa dù đã đứng tuổi. Lúc đó mình lại giống thằng bán than mới rõ cười chứ.
Tôi lẩm bẩm:
- Bất ngờ thật...
- Còn hơn nữa kìa. Căn nhà này vốn là nhà của bố mẹ chồng cô ấy. Gia đình sang định cư ở nước ngoài đã lâu, lần này cô về làm đám giỗ bố chồng ở dưới huyện. Biết chuyện, Gánh bảo tôi về đây mà ở, cũng như cách cô gửi tôi trông nhà. Lại còn nhờ người quen xin cho tôi một chân giữ xe...
- Chồng nó là hoạ sĩ à?
- Ai bảo ông thế?
Tôi chỉ vào những bức vẽ, cái còn trên giá, cái đã đóng khung hoặc cuộn lại để sát chân tường. Hoàng ngồi dậy nhìn tôi, nói chậm và rõ từng tiếng:
- Tôi đã vẽ chúng đấy, thưa ông...
- Từ bao giờ? Trước đây tôi có thấy ông vẽ vời gì đâu!
Hoàng bước xuống giường, đẩy cửa đi ra phía sau. Một lát trở vào, anh rót nước uống rồi ngồi co chân lên, khoanh hai tay ôm đầu gối.
- Tôi vẽ thế nào được lúc ấy!... Cả sau này cũng vậy. Chỉ khi tôi gặp lại nàng, chừng vài năm trở lại đây thôi.
Tôi ngạc nhiên:
- Nàng? Tôi biết không?
- Dĩ nhiên là không. Hồi ấy tôi mới ra trường, nàng đang lớp đđệ tứ. Giờ dạy ở lớp tứ 2 với tôi lúc ấy sao mà thấy như qua rất nhanh. Tan trường tôi nhìn theo những tà áo trắng như bướm lượn trên đường về, ngẩn ngơ tìm cánh bướm trong mơ của mình.
- Nghe đậm mùi thư sinh quá!
- Hẳn rồi! Mà thời ấy thì ai chả thế. Nhưng có lẽ nàng cũng không biết tôi yêu nàng. Hoặc có biết thì chắc cũng chưa hiểu gì về cái gọi là yêu. Có lúc tôi từ bục giảng nhìn xuống thấy mái tóc dài phủ kín bờ vai, bất chợt nàng ngước đôi mắt đen tròn nhìn lên. Đôi mắt trong veo như nắng ngoài cửa lớp. Thế là buổi dạy ấy tôi hăng hái lạ thường, nhưng người cứ như say một thứ gì, đờ đẫn, lâng lâng ông ạ.
Tôi bật cười:
- Giống truyện trong Tuổi Ngọc nhỉ? Rồi sau đó?
- Tôi bị tai nạn, phải vào bệnh viện. Tôi gặp Phụng đang chăm mẹ bị thương cũng điều trị ở đây. Ông xem, một thằng đàn ông, à không, một thằng con trai lớ ngớ không biết nhờ ai lúc hoạn nạn mà được một cô gái chăm sóc ân cần như thế, sao mà không thân thiết chứ?
- Thân thiết chưa chắc đã yêu.
- Biết thế. Nhưng không ai tính bằng trời tính. Tôi lành lặn trở lại trường thì không thấy nàng. Lúc đó học sinh đã nghỉ hè, chuẩn bị ôn thi chuyển cấp. Bấy giờ không gọi đệ tam nữa mà là lớp 10. Hỏi học trò, đứa nói nàng thôi học, đứa đoán nàng theo gia đình vào Quy Nhơn. Thời chiến tranh mà, mọi thứ đều vội vã, bất an... Cưới Phụng xong tôi xin chuyển trường, và gặp ông.
- Cái tôi thắc mắc là những bức tranh kia kìa.
- Thì đấy. Hơn ba mươi năm tôi gặp lại nàng. Trẻ hơn tuổi, nhất là mái tóc dài và đôi mắt đen vẫn như xưa. Và… có lẽ rất hạnh phúc. Chồng nàng là một quan chức thành đạt. Nàng rạng rỡ vẻ sang trọng của một quý bà. Gặp nàng, tôi về thức suốt đêm bởi cứ nhắm mắt là thấy thật rõ, thật gần đôi mắt đen và mái tóc dài huyền hoặc ấy. Hôm sau bỗng nhiên thích cầm cọ. Ông nghĩ thử xem, lương tháng một người giữ xe bán thời gian như tôi thì có là bao. Nhưng chuyện đời cũng lạ. Khi mọi thứ lần lượt mất đi, trôi tuột đi nhanh chóng cứ như vốc nước trong lòng bàn tay, tôi hụt hẫng lắm. Nhiều ngày trôi qua không ăn không ngủ, tôi chẳng biết mình còn trụ lại được không hay có đêm nằm xuống rồi mai không dậy nữa... Vậy mà khi vào gian nhà này, với đồng lương tháng không bằng một buổi nhậu trước đây, tôi lại thấy yên tâm. Chắc là vì nơi đây không gợi lại gì trong tôi về những ngày tháng khủng khiếp vừa qua. Có đêm tôi ngủ ngon và sáng ra vui vẻ đi làm, cứ nghĩ như mình là một lão nông ra đồng vậy.
- Sốt ruột quá! Tôi muốn biết... nàng thế nào, thế nào nữa kìa!
- Chẳng thế nào cả. Nàng có phải của tôi đâu. Nàng thuộc về một cuộc đời khác. Nói đúng hơn là không có tôi trong cuộc sống hạnh phúc của nàng. Cả Phụng trước đây có lẽ cũng chưa bao giờ là của tôi ông ạ. Không phải của mình, có cố cũng không được.
Chỉ về phía những bức tranh, Hoàng nhún vai, cười sảng khoái:
- Chúng mới thực sự là của tôi. Không được đào tạo bài bản, tôi vẽ đâu phải để thành danh. Tôi vẽ chúng như một nhu cầu để tồn tại. Hay để sống cũng vậy. Và chỉ có mớ tiền còm tôi kiếm được hôm nay khiến tôi thấy yên tâm, còn vui nữa là khác. Cũng có thể nói là không còn gì để mất nữa. Tôi làm theo ca, vì vậy những hôm rỗi tôi lại có lũ tranh này làm bạn. Chúng thì chẳng bao giờ bỏ tôi. Vả lại, vài bệt màu trên tấm toile nào có tội tình chi...
Hoàng nằm hẳn xuống, duỗi hai chân nghe răng rắc, thở phào thoải mái:
- Thôi, ngủ đi ông bạn! Sáng mai không đi làm, ngủ dậy tôi sẽ mời ông đi ăn sáng. Gần đây có quán bún ngon lắm.
Tôi nhẹ nhàng nằm cạnh anh, chưa gì đã nghe tiếng thở đều của người ngủ say. Nhưng tôi thì không. Hết xoay người rồi lại ngồi dậy đốt thuốc. Thường xuyên vắng nhà, tôi biết mình đêm nay khó ngủ chắc không bởi lạ chỗ nằm hay vì trà và cà phê lúc tối. Những điều vừa nghe từ Hoàng khiến tôi vô cùng băn khoăn. Nhìn Hoàng ngủ, tôi không thể nào tin một người đàn ông lắm lao đao chìm nổi như anh lại có kiểu nằm ngủ thảnh thơi yên bình đến thế.
Khi những tiếng xe máy đầu tiên từ trong xóm chạy ra, tiếng chó sủa và tiếng trẻ nhỏ khóc dỗi vẳng lại từ mấy ngôi nhà quanh đấy, tôi biết đêm đã dần tàn. Tôi dậy đi ra bếp châm lửa nấu nước sôi. Pha trà xong thì trời sáng. Tôi đến mở cửa sổ để thấy ngoài kia một khoảng vườn nhỏ xanh ngời màu lá đang đón bình minh. Vài tia nắng đầu tiên đã nhấp nháy trên chòm lá biếc. Mảng màu xanh non đỏng đảnh tràn qua khung cửa, đậu trên những bức tranh. Phần nhiều là tranh thiếu nữ và hoa lá. Màu áo dài trắng của cô gái nổi bật giữa vườn cây xanh, trên đồng lúa vàng hay thấp thoáng trong màu trời chàm tím của hoàng hôn. Duy chỉ có một bức là vẽ người đàn bà trong chiếc áo lụa màu phỉ thúy. Khuôn mặt nàng chìm trong bóng tối nhưng ánh trăng chảy lóng lánh trên vai áo, trông huyền hoặc đến nôn nao...
Có tiếng động trước hiên, rồi tiếng chổi quét sàn sạt. Chắc là Lẩu đến dọn hàng. Quay sang Hoàng thấy anh vẫn còn ngủ say. Một nụ cười như còn đọng lại trên khóe môi hơi trễ xuống. Tôi bước ra ngoài, dặn với Lẩu mấy câu rồi tản bộ về phía đầu xóm đón xe đến nhà ga kịp chuyến tàu sáng. Thoang thoảng mùi hương cau từ những khu vườn xanh hai bên đường. Tôi chợt hiểu vì sao Hoàng chọn nơi này như một chốn yên bình sau những gì đã mất. Còn tôi? Thật công bằng mà nói, tôi chưa bao giờ nhìn lại chính mình rõ ràng và đầy đủ, ít nhất là cho đến hôm nay.
N.T.D.S
(TCSH337/03-2017)
NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.
HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...
HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.
PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.
THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.
PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.
PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.
HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.
BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.
DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết (René Char)
ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.
NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.
NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.
NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.
NHẤT LÂM Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.
NGUYỄN TRƯỜNG Nơi hầm tối là nơi sáng nhất (Thơ Dương Hương Ly)
TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".
HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.
NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.
XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.