Vận may

15:06 25/05/2009
MARK TWAINTwain, Mark, (Samuel Langhorne Clemens), nhà văn Mỹ, (1835-1910). Sinh tại Florida, bang Missouri. Là con thứ tư trong một gia đình thương nhân nghèo. Chưa đầy 12 tuổi, Clemens đã phải thôi học để học nghề sắp chữ in, rồi làm đủ nghề. Năm 1853, bị thôi thúc bởi ý muốn tìm hiểu thế giới, lên đường đi nhiều nơi, làm thợ in công nhật ở St. Louis, New York và Philadelphia. Đến sông Mississipi, hành trình dự kiến đi Brazil bị đình lại vì Clemens lại mơ ước trở thành hoa tiêu trên sông.

Văn hào Mark Twain

Khoảng thời gian nội chiến, chuyển sang làm thợ mỏ ở bang Nevada. Suốt mùa đông lạnh giá, tiêu khiển bằng cách viết những bài viết ngắn, ký tên là Josh và gửi chúng cho tờ Enterprise (Kinh doanh) ở thành phố Virginia, Nevada. Joseph T.Goodman, chủ báo tờ Enterprise, dùng những bài viết của Clemens, thừa nhận khả năng của ông và nhận ông làm thông tín viên địa phương với số lương 25 đô-la một tuần. Thế là anh chàng thợ mỏ Clemens lội bộ 125 dặm trên những con đường gập ghềnh đến nhận việc. Thành công ngay từ đầu và được phái đi tham dự kỳ họp thứ nhất Viện lập pháp liên bang Nevada ở thành phố Carson với tư cách là phóng viên. Chính tại đây, bắt đầu ký bút danh Mark Twain cho các tác phẩm của mình. Làm việc ở San Phrancisco một thời gian, rồi lại quay về công việc khai mỏ. Trở thành nhà diễn thuyết cao giá, những bài viết rất được ưa chuộng. Năm 1870, lập gia đình với Olivia Langdon ở Elmira. Những khó khăn về tài chính buộc Clemens phải tìm một cuộc sống ít tốn kém hơn ở Châu Âu. Sau một chuyến đi nói chuyện vòng quanh thế giới, đến sống ở London và Vienna trong 4 năm. Năm 1904, quay về lại New York. Sau đó, tậu một mảnh đất ở Redding, Connecticut, trên đỉnh đồi có xây một căn nhà xinh xắn, sống nốt hai năm còn lại của đời mình tại đây. Mất vì bệnh tim.

Twain là người mở đường cho chủ nghĩa tự nhiên trong văn học, lấy châm biến và hài hước làm vũ khí. Ông phê phán sâu sắc nhiều mặt xã hội Mỹ cuối thế kỷ XIX.

Tác phẩm chính: Con ếch nhảy trứ danh của hạt Calevaras (1865), Thời đại hoàng kim (1873), Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (1876), Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (1885), Hoàng tử và chú bé nghèo khổ (1882), Một người Mỹ vùng Connecticut trong triều đình vua Arthur (1889)...



Câu chuyện xảy ra ở London, trong một bữa đại tiệc chào mừng một trong số những quân nhân Anh sáng chói nhất của thời đại chúng ta. Vì những lý do tôi sẽ kể ra sau này, tôi xin được giấu tên thật của nhân vật đặc biệt này mà chỉ gọi ông là trung tướng Arthur Scoresby. Điều lý thú của câu chuyện nằm trong chính tước hiệu cao quí đó, ở đằng kia chính là con người ấy, một người bằng xương bằng thịt, người mà tôi đã nghe danh tiếng có đến hàng ngàn lần từ 30 năm trước, khi tên tuổi của ông đột nhiên trở nên lừng lẫy sau trận đánh Crimean, và sẽ còn được ghi nhớ mãi. Tôi ngắm nhìn con người huyền thoại đó, cố xét đoán và ghi nhớ dáng vẻ trầm tĩnh, dè dặt, sự trang nghiêm cao quí toát lên từ con người ông; cả sự trung thực một cách giản đơn, sự vô tư dễ mến của một con người vĩ đại. Hàng trăm cặp mắt ngưỡng mộ của những vị khách đang có mặt lúc đó dán chặt vào ông, những ánh nhìn tôn thờ chân thành và sâu sắc.

Bên cạnh tôi là một vị linh mục, một người quen cũ của tôi, người đã dành nửa đời mình sống trong các trại lính, xông pha nơi trận mạc và cũng từng là một giáo sư của một trường quân sự tại Woolwich. Đúng lúc tôi chợt nhận thấy một tia sáng là lạ, như che giấu điều gì le lói trong cặp mắt ông, ông bỗng nghiêng người, nói nhỏ vào tai tôi, phác một điệu bộ chỉ vào người anh hùng của buổi tiệc: "Bí mật nhé, ông ta là một tay đại ngốc".

Nhận định đó làm tôi sửng sốt. Nếu đó là nói về Napoleon hay Socrates, Solomon, tôi cũng không thể kinh ngạc hơn được. Có hai điều tôi biết râát rõ là: Vị linh mục là một người trung thực, những nhận xét của ông về mọi người luôn luôn đầy thiện chí. Chính vì vậy, không một chút hoài nghi tôi tin rằng thế giới này hẳn đã nhầm lẫn về vị anh hùng này: ông ta là một tên ngốc. Tôi nảy ra một ý định, vào một dịp thích hợp sẽ tìm hiểu xem làm thế nào mà vị linh mục, người luôn sống một cuộc đời xa lánh cô đơn lại phát hiện ra bí mật này. Vài ngày sau, cơ hội đến. Và đây là những gì vị linh mục kể lại cho tôi: 40 năm trước, tôi là một giáo sự giảng dạy ở Học viện Quân sự tại Woolwich. Tôi đã có mặt trong buổi hỏi thi sơ tuyển chàng học viên Scoresby. Tôi cảm thấy thực sự thương hại khi mà hầu hết cả lớp anh ta có thể trả lời các câu hỏi một cách sáng rõ và chính xác, thì anh ta lại chẳng biết một chút gì cả và không nói nên lời. Trông anh ta thật tội nghiệp khi đứng ở đó, câm lặng như một pho tượng, thốt ra những lời ngu ngốc, sai lạc một cách đáng kinh ngạc. Sự thương hại trong tôi trỗi dậy. Tôi nghĩ: Cho dù có thi lại đi nữa, cậu ta cũng chẳng khá khẩm hơn được. Tốt hơn là thử làm một việc nhân đạo vô hại, giảm bớt phần nào thất bại của anh ta xem sao. Tôi liền cho phép anh ta đứng cạnh mình, và nhận ra rằng anh ta có biết chút ít về lịch sử Cesar. Vì ngoài điều đó ra anh ta chẳng biết gì khác cả, tôi liền đưa ra một loạt câu hỏi cũ mèm về Cesar. Anh có thể tin được không, anh ta đã qua được kỳ thi đó một cách xuất sắc, tất nhiên chỉ ở vẻ ngoài, và nhận được vô số lời khen ngợi. Trong khi đó những người khác, những người hiểu biết gấp cả ngàn lần anh ta thì lại nếm mùi thất bại. Chính nhờ "sự cố" may mắn kỳ lạ, một "sự cố" ngàn năm có một, anh ta đã được hỏi những câu hỏi không nằm ngoài vốn hiểu biết vô cùng hạn hẹp của mình.

Thật không thể tin nổi. Thế đấy, trong suốt kỳ sát hạch, tôi đã luôn đứng cạnh anh ta, giang tay che chở như một người mẹ đối với đứa con bé bỏng, què quặt của mình. Và rồi anh ta đã tự cứu mình bằng một phép màu huyền diệu. Còn bây giờ, môn có thể làm lộ tẩy tất cả chân tướng của anh ta sẽ là môn Toán. Tôi quyết định sẽ nương nhẹ anh ta hết mức có thể. Tôi liền đưa ra dồn dập hàng loạt câu hỏi mà tôi biết rằng mọi thí sinh có thể trả lời một cách mĩ mãn, sau đó sẽ mặc cho số phận anh ta định đoạt. Và anh có thể hình dung nổi kết quả như thế nào không: trước sự kinh ngạc, sửng sốt của tôi, anh ta đã giành giải nhất. Và cả những lời khen ngợi, tung hô không ngớt.

Giấc ngủ ư? Đã một tuần rồi tôi không hề chợp mắt. Lương tâm dày vò tôi cả ngày lẫn đêm. Tôi đã làm gì, đã làm gì chỉ vì lòng thương hại, chỉ vì muốn cứu giúp một cậu học trò tội nghiệp? Làm sao có thể hình dung nổi một kết quả phi lý đến vậy. Tôi cảm thấy mình mắc tội và vô cùng đau khổ. Đó chỉ là một cái đầu mít đặc, vậy mà tôi đã dọn sẵn cho anh ta một tương lai sáng lạn và cả những trọng trách to lớn. Nhưng rồi một điều tất yếu sẽ xảy ra: anh ta và cả những trách nhiệm nặng nề sẽ cùng sụp đổ trước những thử thách đầu tiên.

Chiến tranh nổ ra. Một cuộc chiến tranh tất yếu phải xảy đến. Tôi tự nhủ. Chúng ta không thể có hoà bình và để cho con lừa ngốc nghếch này cơ hội được chết trước khi sự thật được phơi bày. Tôi chờ một cuộc động đất. Nó đã đến và làm tôi choáng váng. Anh ta được bổ nhiệm làm đại uý một trung đội bộ binh. Kể cả những người giỏi giang hơn anh ta rất nhiều cũng phải bạc đầu trong quân ngũ mới có thể leo lên cấp bậc cao gần bằng như vậy. Rồi họ sẽ phải xoay xở ra sao dưới sự chỉ huy của một người hoàn toàn không xứng đáng như vậy?

Nếu họ chỉ giao cho anh ta một chân thổi kèn đồng trong quân đội cũng đủ khiến tôi choáng váng. Nhưng đây lại là chức đại úy. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, tóc trên đầu tôi cũng đã dựng ngược.

Cứ tự dày vò mình mãi, tôi, một con người quá ư mềm yếu, quá ư trắc ẩn, tôi phải chịu trách nhiệm trước Tổ quốc mình vì việc làm này. Tôi phải đi cùng anh ta để bảo vệ đất nước khỏi con người dốt nát ấy. Suy nghĩ như vậy, tôi liền đem toàn bộ số tiền ít ỏi dành dụm được trong suốt bao năm làm lụng vất vả, thở dài, mua một chiếc kèn đồng, xung vào trung đội anh ta. Thế là cả hai chúng tôi cùng ra trận. Tại đó, lạy Chúa, thật kinh khủng! Nhầm lẫn? Tại sao anh ta không thể làm điều gì khác ngoại trừ sự nhầm lẫn. Nhưng anh biết đấy, chẳng một ai biết được bí mật của anh ta. Họ để anh ta toàn quyền đưa ra những quyết định sai lầm và lại cho những nhầm lẫn ngu xuẩn ấy là những sáng kiến tuyệt vời của một thiên tài. Họ làm tôi phát khóc, và cả phẫn nộ nữa, tất nhiên một cách bí mật. Một điều khiến tôi luôn ở trong trạng thái lo sợ một cách ngọt ngào là mỗi một sai lầm của anh ta lại càng tăng thêm danh tiếng lẫy lừng của anh ta. Tôi tự nhủ, hắn ta sẽ còn leo cao tới mức khi sự thật cuối cùng bị phơi bày thì điều đó cũng tựa như vầng mặt trời chói lọi bị sa khỏi bầu trời vậy.

Anh ta cứ leo lên cao mãi, hết cấp này sang cấp khác, và cuối cùng vào thời điểm gay cấn nhất của cuộc chiến, khi những vị chỉ huy cao hơn đã lần lượt ngã xuống, anh ta được cất nhắc lên chức đại tá. Tim tôi muốn nhảy khỏi lồng ngực. Chuyện này mà xảy ra được thì việc chúng ta đặt chân lên cung trăng chỉ trong một tích tắc là hoàn toàn có thể tin được.

Trận chiến vô cùng ác liệt. Quân liên minh chiếm mọi ngả đường mặt trận. Trung đội tôi nắm giữ một vị trí then chốt. Một sự nhầm lẫn nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến sự hủy diệt. Tại thời điểm sống còn đó, những gì mà con lừa ngu ngốc ấy đã làm là ra lệnh cho trung đội di chuyển khỏi vị trí an toàn, tiến sang quả đồi bên cạnh nơi chẳng có một mống kẻ thù nào.

Thế đấy, rồi sẽ đến hồi kết. Tôi thầm nhủ.

Chúng tôi bắt đầu đi, cố vượt qua sườn đồi trước khi sự di chuyển điên rồ này bị phát hiện và chặn đứng. Chúng tôi sẽ thấy gì? Toàn bộ quân đội Nga, không nghi ngờ gì nữa, sẽ mai phục ở đó. Rồi sau đó? Chúng tôi sẽ bị xơi gọn. Khả năng đó lên tới 99,9%. Nhưng mọi chuyện lại không diễn ra như vậy. Quân Nga khi đó hẳn đã phán đoán rằng, không một trung đội đơn lẻ nào lại dám dù chỉ là mon men đến khu vực đó.

Vậy chắc chắn phải là toàn bộ quân đội Anh. Những bí mật của quân Nga hẳn đã bị lộ tẩy. Và thế là quân Nga bắt đầu tháo chạy, vượt qua quả đồi, lao xuống cánh đồng, và nhờ một sự nhầm lẫn có một không hai, chúng tôi đi theo sát họ. Chính quân Nga đã tự xé lẻ, phá vỡ thế đóng quân vững chắc của mình. Và đó quả thực là một mũi tấn công tuyệt vời nhất, chưa từng thấy của quân Anh. Từ thế thắng cầm chắc trong tay, quân Nga đã chuyển vinh quang đó sang quân Anh một cách quá đỗi dễ dàng. Vị tổng nguyên soái của chúng tôi, kinh ngạc, sung sướng và ngưỡng mộ, đã lao thẳng tới chỗ Scoresby, ôm chầm lấy anh ta, gắn những tấm huân chương cao quí lên ngực áo anh ta, trước sự chứng kiến của toàn quân đội!

Vào thời điểm lịch sử đó, sự nhầm lẫn của Scoresby là gì vậy? Đó là nhầm bên tay phải thành bên tay trái, có thế thôi. Một mệnh lệnh đã được truyền tới chỗ anh ta là phải lui quân lại, hỗ trợ cho cánh quân bên phải. Nhưng thay vào đó, anh ta lại tiến quân lên phía trước, vượt qua quả đồi về phía tay trái. Nhưng vòng hào quang mà anh ta đạt được ngày hôm đó - một thiên tài quân sự lỗi lạc - đã vang dội khắp thế giới, vinh quang đó hẳn sẽ không bao giờ phai nhạt chừng nào những cuốn sách sử còn tồn tại.

Anh ta đơn giản chỉ là một người tốt bụng, dễ mến, thậm chí dễ thương, không xảo trá, nhưng anh ta thậm chí không biết nổi cần phải trú ẩn khi trời đổ mưa! Nhưng giờ đây một sự thật hiển nhiên đã được khẳng định, đó là một trong những nhân vật quan trọng nhất của toàn thế giới. Và chỉ mới nửa giờ trước thôi, không một ai hay biết bí mật này của anh ta, trừ chính anh ta và tôi. Hết ngày này sang ngày khác, năm nay sang năm khác, anh ta đã gặp may một cách kỳ lạ. Anh ta, một quân nhân sáng chói nhất của cả một thế hệ thời kỳ chiến tranh, người đã lấp đầy cuộc đời quân ngũ của mình bằng những nhầm lẫn không thể nào hình dung nổi. Nhưng không một sai lầm nào mà lại không tô điểm anh ta thành một chàng hiệp sĩ, một vị quí tộc đáng kính hay một danh hiệu khác đại loại như vậy. Hãy nhìn tấm áo ngực kia. Biết bao nhiêu là huân chương, huy chương cao quí của Anh quốc và thế giới. Vâng thưa ông, mỗi tấm huân chương đó là hiện thân của một sai lầm ngu xuẩn. Tất cả những tấm huân chương đó khẳng định một điều rằng: điều tốt đẹp nhất trên thế gian này có thể xảy đến với một người được sinh ra dưới ánh sáng của một ngôi sao may mắn. Và tôi xin nhắc lại một lần nữa điều tôi đã nói trong bữa tiệc rằng, Scoresby là một tay đại ngốc.

NGÔ BÍCH THU dịch
(173/07-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • SINCLAIR LEWISLGT: SINCLAIR LEWIS (1885 - 1951, giải thưởng Nobel 1930)Ông là tiểu thuyết gia, người viết truyện ngắn có tiếng và nhà viết phê bình có uy tín ở Mỹ.

  • BRUNO LESSINGLGT: Bruno Lessing (1870-1940) sinh tại New York, Mỹ. Tên thật của ông là Rudolp Block nhưng ông nổi tiếng với tư cách là nhà văn chuyên viết truyện ngắn dưới bút danh Bruno Lessing. Ông là phóng viên và sau đó là biên tập viên cho nhiều tờ báo. Mô tả của Lessing về cuộc sống của người Do Thái ở New York được đánh giá cao. Truyện dưới đây được dẫn dắt một cách hấp dẫn, lý thú, làm nổi bật mối quan hệ giữa hai thế hệ: cha và con, vấn đề nhập cư, đồng hóa hay giữ bản sắc văn hóa với một giọng điệu dí dỏm.

  • JUAN JOSÉ ARREOLA (Sinh 1918, Nhà văn Mêhicô)LGT: Arreola là một nhà cách tân lớn về truyện kể. Là một người tự học tài năng, ông sở đắc một nền văn hoá rộng lớn, cũng như trải qua nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Arreola chủ yếu sáng tác những truyện kể ngắn, cô đúc, mỉa mai, hay bí ẩn, ưa thích cái nghịch lý và ông là một trong những bậc thầy của hình thức truyện ngắn này. Ba tuyển tập truyện ngắn của ông là Varia Invencion (1049), Confabulario (1952), Confabulario Définitivo (1087).

  • KAWABATA YASUNARI LGT: KAWABATA YASUNARI (1899 - 1972) là nhà văn đầu tiên của Nhật Bản đoạt giải thưởng Nobel văn chương (1968). Ông nổi tiếng thế giới với những tiểu thuyết như: Xứ Tuyết (1935 - 1947), Ngàn cánh hạc (1949), Tiếng rền của núi (1950), Người đẹp say ngủ (1961), Cố đô (1962)...

  • MATVEEVA ANNALGT: MATVEEVA ANNA (Sinh 1975) là một nhà văn nữ trẻ của văn học Nga đương đại tài năng đầy hứa hẹn. Đã xuất bản một số tập truyện ngắn. Truyện ngắn của cô đã được đăng trong các tạp chí lớn của Nga như Thế giới mới, Tháng Mười. Văn xuôi của cô hóm hỉnh, thể hiện sự tò mò sắc sảo trước cuộc sống và con người. Tác phẩm của cô được xem như thể hiện một số sắc thái và đặc điểm của văn xuôi hậu hiện đại Nga hiện nay. Xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Con chó” dưới đây của nữ văn sĩ qua bản dịch của nữ dịch giả Đào Tuấn Ảnh.

  • YVELINE FÉRAYLTS: Monsieur le paresseux là cuốn tiểu thuyết lịch sử dày gần 300 trang của nữ văn sỹ Pháp Yveline Féray viết về Đại danh y Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, do Nhà xuất bản Robert Laffont ở Paris ấn hành năm 2000. Trước đó, năm 1989 nữ văn sỹ này đã cho xuất bản ở Pháp cuốn tiểu thuyết dày 1000 trang Dix mille printemps, viết về Nguyễn Trãi - nhà chính trị, quân sự lỗi lạc; nhà thơ lớn của Việt Nam ở thế kỷ XV.

  • MARSEL SALIMOV (LB NGA)Đất nước ta quá giàu! Vì thế tôi nảy ra ý định muốn cuỗm một thứ gì đó. Những tên kẻ cắp ngày nay chả giống như trước đây. Chúng không thèm để mắt đến những thứ lặt vặt. Cả một đoàn tàu bỗng dưng biến mất tăm! Những nhà máy không thể di dời được, thế nhưng người ta lại nghĩ ra kế chiếm đoạt chúng. Nghe đồn nay mai người ta sẽ bắt đầu chia chác cả đất lẫn nước!

  • AKILE CAMPANILE(Nhà văn Italia)LTS: Số Tết này, TCSH chọn một truyện ngắn hài hước của một nhà văn Ý, có nhan đề “Ngón nghề kinh doanh”, qua bản dịch của dịch giả nổi tiếng Lê Sơn, để bạn đọc có dịp thư giãn trong dịp đầu Xuân.

  • HERMANN HESSE Tương truyền thi nhân người Tàu tên Han Fook thuở thiếu thời chỉ thao thức với một khát khao kỳ diệu là muốn học hết mọi điều và tự rèn luyện mình đến hoàn hảo trong tất cả các môn liên quan đến nghệ thuật thi ca.

  • OLGA TOKARCZUK (Nữ nhà văn Ba Lan)LGT: Nữ văn sĩ Ba Lan Olga Tokarczuk sinh năm 1962 tại Sulechow, Ba Lan. Bà là nhà văn “hậu hiện đại” và “nữ quyền”. Năm 1979  những truyện ngắn đầu tay của bà được đăng tải trên Tạp chí Thanh niên, năm 1989 những bài thơ đầu tay được in trong các tạp chí “Rađa” và “Đời sống văn học”.

  • NADINE GORDIMER ( Phi), Giải Nobel 1991LGT: Nữ văn sĩ Nadine Gordimer sinh năm 1923 tại Phi. Bà cho in truyện ngắn đầu tay năm 15 tuổi và tiếp tục nghề văn khi còn là sinh viên Đại học Wirwatersrand. Có thời kỳ sách của bà bị chế độ phân biệt chủng tộc Phi cấm đoán. N.Gordimer được trao tặng nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải Nobel văn chương năm 1991.

  • OLGA TOKARCZUKLGT: Trong số tháng 3 – 2007 (217), Sông Hương đã giới thiệu tới bạn đọc truyện ngắn “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” của OLGA TOKARCZUK, một nữ văn sĩ thuộc dòng văn học nữ “hậu hiện đại Ba Lan”. Số báo này, Sông Hương xin giới thiệu tiếp truyện ngắn “Vũ nữ”. Đây là một truyện ngắn độc đáo dựa trên một leimotic “cuộc đối thoại vô hình” giữa người con gái và người cha, láy đi láy lại đến 6 lần, thể hiện cuộc chiến đấu âm thầm dữ dội, tự khẳng định mình trong nghệ thuật, chống lại sức mạnh ám ảnh của mặc cảm “bất tài”.

  • BERNARD MALAMUDLGT: Bernard Malamud sinh năm 1914 tại Brooklyn, New York, lớn lên trong thời kỳ Đại Khủng hoảng Kinh tế, là người Nga gốc Do Thái trong một gia đình bán tạp hoá. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và được nhận nhiều giải thưởng văn học.

  • RADOI RALIN (Bungari)LGT: Đây là một truyện có ý vị sâu xa với các môtíp sự cám dỗ của quyền lực, “sự đồng loã ngây thơ” với tội ác, sự tự nhận thức và tự trừng phạt. Nhưng trên hết là sự vạch trần và tố cáo sự bịp bợm quỷ kế của giới quyền lực. Đây là một truyện ngụ ngôn mới đặc sắc. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

  • ZACE HAMMERTON (Anh quốc)LGT: Truyện dựng chân dung của một kẻ “Sính khiếu nại” “một cách hài hước, bố của John Peters có “Thú đam mê sưu tập tem”. Cách dẫn chuyện tài tình ở cái chi tiết sự ham mê của anh với một loại tem đặc biệt không đục lỗ chiếu ứng với cái kết bất ngờ của truyện “Có của rơi vào tay mà để vuột mất”. Mời bạn đọc thưởng thức.

  • TOIVO TOOTSEN ( )LGT: Đây là một truyện hài hước thú vị về nạn kẹt xe. Tác giả đã sử dụng một thủ pháp phóng đại đến mức vô lý, không tưởng: một vụ kẹt xe bất tận từ đám cưới đến sinh con, ly dị, tái kết hôn, con vào đại học và kết hôn mà cuộc kẹt xe vẫn chưa kết thúc!. Mượn một tình huống kẹt xe “hoang tưởng” này, nhà văn muốn gởi tới một thông điệp hài hước một cách bi đát: nếu giao thông ở các đô thị lớn không ở các đô thị lớn không được tổ chức một cách khoa học thì từ đời cha đến đời con nạn kẹt xe vẫn chưa được giải quyết.                                                                                                                 TSCH

  • JAMES JOYCELGT: James Joyce (1882 - 1941) là một trong những khuôn mặt lớn nhất của văn xuôi Anh - Ailen và châu Âu thế kỷ XX. Ông “là nhân vật trung tâm của văn xuôi hiện đại”, một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất, gây phản ứng mạnh nhất, “một trong những thần tượng của thời đại” đối với văn nghệ sĩ trẻ và giới trí thức châu Âu đương thời.

  • A THÀNH L.T.S: "Vua cờ" (Kỳ vương) được đăng lần đầu trên tạp chí "Thượng hải văn học" năm 1984. Vừa xuất hiện, "Vua cờ" đã chấn động văn đàn, liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng "Trung thiên tiểu thuyết ưu tú" ở cấp tỉnh và trung ương ở Trung Quốc. Tác giả A Thành tên thật là Chung A Thành sinh năm 1949 ở Tứ Xuyên. Đây là tác phẩm đầu tay của ông. Do khuôn khổ tờ báo, chúng tôi không thể in trọn tác phẩm nổi tiếng này khoảng gần 100 trang sách. Dưới đây là chương IV, chương cuối cùng của "Vua cờ".

  • ROBERT SWINDELLS (ANH)Nếu thế giới này bằng phẳng và nếu bạn có thể nhìn thẳng vào mặt trời đang mọc, bạn sẽ nhìn thấy miền đất nơi Nick và Bruin sinh sống. Nơi ban ngày ẩm nhoẹt còn ban đêm thì ngột ngạt ghê người, nơi mặt trời lên như kẻ thù và gió như muốn bốc cháy.

  • ALEXANDER VAMPILOV (NGA)Nikolai Nikolaevich Smirnov tin chắc là ông không sống được đến mùa xuân sang năm.