Từ cây thanh trà đến những chiếc thuyền vỏ bòng

08:51 21/09/2011
MAI VĂN HOAN (Trại sáng tác văn học Hương Vân)

Nhà thơ Mai Văn Hoan - Ảnh: TL

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 <![endif][if gte mso 9]> <![endif][if gte mso 10]> <![endif]

Đoàn nhà văn Huế tham gia Trại sáng tác Hương Vân được bố trí ăn nghỉ tại nhà chị Hồ Diệu Hương ở thôn Lại Bằng. Chị niềm nở đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói. Rót nước xong, chị Hương đi một vòng quanh khu vườn xinh xắn, chọn hái mấy quả thanh trà mời chúng tôi. Nhà chị có đến mấy chục cây thanh trà, cây nào cũng trĩu quả. Chị thành thật:

- Bây chừ chưa đến vụ, nên thanh trà chưa thật ngon, mong các anh chị thông cảm.

Tôi vừa thưởng thức vài múi thanh trà ngọt thanh vừa tò mò hỏi chị về sự tích cây thanh trà. Chị Hương cũng không biết đích xác thanh trà ở Huế có từ lúc nào. Chỉ biết cách đây hơn hai trăm năm thanh trà Huế là một trong những đặc sản được chọn để tiến vua. Từ lâu, tôi đã được nghe cam Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch, quýt Hương Cần, thanh trà Nguyệt Biều. Bây giờ tôi mới biết thêm thanh trà Hương Vân cũng ngon không thua kém thanh trà Nguyệt Biều. Mà ở Hương Vân thì thanh trà làng Lại Bằng đứng đầu sổ. Trong cuộc thi do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức mới đây, thanh trà của vườn nhà bên cạnh chị Diệu Hương đoạt giải cá nhân. Theo chị Hương thì loại đất phù sa ở làng chị có kết cấu đặc biệt mà đất các vùng khác không có. Tôi chợt nhớ chuyến đi Xã Đoài. Được biết nhiều người lấy giống từ cam Xã Đoài về trồng nhưng quả lại không ngon như cam trồng ở trên đất Xã Đoài. Rõ ràng kết cấu đất đai đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tất nhiên, ngoài yếu tố đất đai còn có bí quyết chăm bón. Cũng theo chị Hương: thanh trà ở Lại Bằng vỏ mỏng, múi dày, ít hạt, nhiều nước so với thanh trà của một số làng lân cận. Thanh trà không chỉ ăn ngon mà còn là một vị thuốc chống được nhiều thứ bệnh như cao huyết áp, tiểu đường… Cây thanh trà một thời từng là nguồn thu nhập chính của gia đình chị. Nhưng mấy năm lại đây mọi chuyện đã thay đổi. Sau nạn lụt thế kỷ 1999, cả vườn thanh trà nhà chị bị ngập nước, chết sạch. Phải chiết cành, gieo giống trở lại. Chờ bảy tám năm ròng mới thu hoạch. Kể từ khi xây đập thủy điện ở đầu nguồn sông Bồ, lượng phù sa ngày càng ít đi. Thanh trà vì thế mà hơi chậm quả và quả cũng không ngon như trước đây nữa. Bây giờ thanh trà không còn là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Diệu Hương.

Tôi hỏi chị:

- Vậy tại sao chị vẫn trồng thanh trà?

Chị nói:

- Tui trồng thanh trà chủ yếu làm quà biếu và như là thú chơi cây cảnh lúc về già.

Tôi được biết: chồng chị bị bệnh hiểm nghèo qua đời đã hơn mười năm nay. Cây thanh trà là kỷ niệm của anh chị. Mối tình anh chị đơm hoa kết trái dưới tán cây thanh trà. Cây thanh trà đã giúp anh chị vượt qua những năm tháng khó khăn, nuôi con ăn học nên người. Vì thế mà chị không nỡ bỏ nó. Thoáng trong mắt chị một nét buồn thăm thẳm…

Từ cây thanh trà ở làng Lại Bằng, tôi chợt nhớ cây bòng (bưởi) quê tôi. Bòng là loại cây cùng họ với thanh trà, chỉ có điều vỏ dày hơn, tép to hơn. Thời đó, bắt chước người lớn, bọn trẻ quê tôi cũng tổ chức đua thuyền. Thuyền chúng tôi phần lớn làm bằng vỏ quả bòng... Tôi có hai người anh bà con. Ba chúng tôi cùng lứa với nhau. Anh Nguyễn Mạnh Tường hơn tôi ba tuổi. Anh Nguyễn Ngọc Trản hơn tôi hai tuổi. Chúng tôi chọn những quả thật to trong số bòng mẹ tôi mua từ trên nguồn về. Sau khi đã nếm vị the the, chua chua, ngọt ngọt của những múi bòng, chúng tôi dùng dao gọt vỏ bòng thành chiếc thuyền có mũi, có lái hẳn hoi rồi hái lá mít làm buồm. Buồm gồm hai lá: lá to, lá nhỏ. Lá to cắm giữa lòng thuyền, lá nhỏ cắm đầu mũi thuyền. Cột buồm và bánh lái làm bằng tre hoặc nứa. Trong những chiếc thuyền vỏ bòng thì thuyền do anh Trản làm là đẹp nhất. Anh có hoa tay. Tôi đặc biệt thích đôi mắt thuyền của anh. Anh chỉ lách vài đường dao đã hiện lên đôi con mắt thuyền hết sức sắc nét. Chúng tôi mang thuyền xuống bến sông. Phải đợi những lúc gió thổi mạnh đua thuyền mới thú. Hàng chục chiếc thuyền bằng vỏ bòng lướt sóng băng băng. Chúng tôi đứa nào cũng trần như nhộng, vừa bơi vừa reo hò cổ vũ. Có chiếc đang chạy bỗng lật nhào rồi bất ngờ ngoi lên chạy tiếp. Có chiếc không tài nào ngoi lên được đành bỏ cuộc một cách đáng tiếc. Trong các lần đua thuyền vỏ bòng, thuyền anh Tường bao giờ cũng về nhất. Anh có cách bẻ lái rất thiện nghệ. Kiểu bố trí hai cánh buồm của anh cũng rất hợp lý. Gia đình anh làm nghề đánh cá nên anh khá thông thạo trong việc tính toán luồng lạch. Thuyền anh Trản thường về thứ hai. Còn thuyền của tôi hầu như lần nào cũng về chót. Tôi bị hai anh trêu hoài. Được cái, tôi không hề tự ái vì thủ phận là hạng em út và vốn biết mình rất vụng trong các cuộc thi thố, đua tranh. Cuối buổi, chúng tôi làm “lễ” tiễn biệt thuyền hết sức “long trọng”. Anh Tường thường đặt lên thuyền một chiếc vỏ ốc hay vỏ sò. Anh Trản thường đặt lên thuyền một đồng tiền xu. Còn tôi thì thường đặt lên thuyền một bông hoa xương rồng. Chúng tôi nhẹ nhàng thả những chiếc thuyền vỏ bòng. Gió đưa hàng chục chiếc thuyền đi xa dần, xa dần... Ba chúng tôi cứ đứng nhìn theo, nhìn theo mãi... cho đến khi những chiếc thuyền mất hút trong khoảng không vô tận. Ngày hôm sau, chúng tôi làm những chiếc thuyền vỏ bòng mới, lại tiếp tục tổ chức cuộc đua và làm lễ tiễn biệt thuyền.

Có hôm tôi nằm mơ thấy con thuyền của mình trôi êm ả giữa đôi bờ cỏ hoa. Một cô bé dáng thanh mảnh, mắt đen láy, tóc buông dài chấm gót, cài chiếc nơ màu hồng, đôi vai trần nhỏ nhắn đứng trên bờ đưa tay vẫy vẫy. Chiếc thuyền của tôi từ từ quay mũi hướng vào bờ rồi đậu ngay trước mắt cô bé. Cô bé nâng chiếc thuyền vỏ bòng bằng những ngón tay thon đẹp của mình. Cô thích thú reo lên khi phát hiện một bông hoa xương rồng màu vàng, tươi rói nằm ngay giữa lòng thuyền. Khi tôi vừa chạy đến thì cô bé đã biến đâu mất. Tỉnh dậy, tôi cứ tiếc ngẩn, tiếc ngơ...

Không ngờ giấc mơ ấy lại ứng với mối tình đầu của tôi. Người mà tôi thầm yêu có cái tên rất dễ thương: Thanh Trà! Nhà nàng trồng rất nhiều cây bòng, cây nào cũng trĩu quả, quả nào cũng múi to, mọng nước, vừa thanh vừa ngọt. Tôi làm khá nhiều thơ về nàng, về hương vị của những quả bòng trong vườn nhà nàng… nhưng rụt rè không dám gửi. Mãi đến khi chia tay đi học xa, tôi mới mạnh dạn dúi vội vào tay nàng một bài… Mối tình đầu không thành, nhưng nói như Thế Lữ: Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên… Bình Trị Thiên sáp nhập. Tôi với nhà thơ Hải Kỳ cùng ngồi trên một chuyến xe vào Huế dự Đại hội Văn nghệ. Vợ Hải Kỳ vừa sinh con trai. Vợ tôi sinh con gái. Chúng tôi bàn chuyện đặt tên cho con. Hải Kỳ chọn tên Văn: Trần Minh Văn - với mong muốn sau này Văn sẽ nối nghiệp cha. Tôi chọn tên Thanh Trà: Mai Thanh Trà - để nhớ về mối tình đầu. Nhưng khi đến nhà, vợ tôi đã làm giấy khai sinh cho con gái với tên Mai Lan Hương. Thế là cái tên Thanh Trà tôi đành cất giấu trong lòng…

Anh Tường, anh Trản và tôi lớn lên mỗi người một số phận. Anh Tường có nước da bánh mật, ăn sóng nói gió. Mặc dù có đi dạy học, đi bộ đội nhưng cuối cùng anh lại trở về với nghề biển như là một cái nghiệp. Trách gì thời thơ ấu những chiếc thuyền bằng vỏ bòng của anh lúc nào cũng về nhất. Anh Trản dáng người tầm thước, tính rất hiền nhưng lại dễ nổi nóng. Thời học lớp hai trường làng, chỉ vì ẩu đả với một cậu bạn trong lớp mà anh suýt bị đuổi học. Tốt nghiệp trung cấp sư phạm, anh trở thành một giáo viên dạy toán rất có năng lực. Nhưng cái tính nóng nảy một lần nữa lại làm hại anh. Một hôm, vừa đi dạy về, nghe tin cậu em trai bị hàng xóm đánh đến thập tử nhất sinh, anh tìm đến nhà hàng xóm hỏi tội... Anh bị công an huyện bắt giam bốn tháng trời. Rồi lấy cớ anh có “tiền án” người ta đưa anh vào diện giảm biên. Anh phải sống qua những năm tháng cực kỳ khó khăn: vợ đau yếu, các con đang tuổi ăn học. Để có tiền nuôi cả nhà, anh xoay đủ nghề: dạy kèm, chữa xe đạp… vẫn không đủ ăn. Cuối cùng anh quyết định chuyển sang làm hàng mã đem bán... Không ngờ sự khéo tay thời làm những con thuyền bằng vỏ bòng của anh lại được phát huy. Dạo này người dân quê tôi cúng bái nhiều nên hàng của anh “đắt như tôm tươi”.

Trước khi về Hương Vân tham gia trại sáng tác một vài hôm, rất tình cờ, tôi gặp lại Thanh Trà. Nàng đã yên bề gia thất nhưng vẻ đẹp thanh mảnh, đài các thì vẫn như xưa. Tôi hỏi nàng có còn nhớ bài thơ tôi tặng hôm chia tay không? Nàng chỉ tủm tỉm cười…

Trong ba anh em, mỗi mình tôi là còn chơi trò thả thuyền. Nhưng không phải là những con thuyền vỏ bòng mà là những con thuyền giấy. Trên những con thuyền giấy, tôi không đặt một bông hoa xương rồng mà đặt một bài thơ. Hàng trăm bài thơ của tôi đã rơi vào hư không như “trò chơi vô tăm tích”. Tôi chỉ cầu mong có một đôi bài neo đậu lại ở một bến bờ nào đó, như những chiếc thuyền vỏ bòng được cô bé thắt nơ hồng nâng niu trên đôi bàn tay xinh xắn trong giấc mơ thời thơ ấu.

M.V.H   
Trại sáng tác Hương Vân, 21/7/2011
(271/09-11)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VĨNH NGUYÊN Biết sở Ngoại thương có đến năm ông vua, tôi tặc lưỡi - chà, thời buổi này tiếng vua quan nghe có vẻ mai mỉa làm sao ấy? Nhưng lên được ngôi vua đâu phải đơn giản? Dẫu vua ác, vua hiền, vua tài ba hay bất lực, vẫn là vua một thời và khối kẻ mong ước được "một ngày tựa mạn thuyền rồng"...

  • TRẦN THỊ HƯỜNG (*)                    Hồi Ký Mùa thu năm 1922 tôi rời thị xã Quảng Ngãi hòa trong dòng học sinh của nhiều miền trong đất nước về học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế).

  • NGUYỄN XUÂN SANH                                 Hồi ký Tôi và Huy Cận đều là học sinh Trường Quốc học Huế. Khác lớp nhau, nhưng cùng chung một ký túc xá. Hết sức thương nhau.

  • NHẤT LÂM (Trại sáng tác văn học Hương Vân) “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai” (Tố Hữu)

  • NGUYỄN THỊ CẨM THẠNH                                Hồi ký Đoàn nữ sinh trường Đồng Khánh Huế chúng tôi, đồng phục áo dài màu xanh biển, sắp hàng đôi, rời mái trường ngói đỏ, tường hồng, đi dọc theo hè đường, sang trường Việt Anh dự buổi tổng duyệt vở kịch Trưng Trắc Trưng Nhị của nhà thơ Thanh Tịnh.

  • L.T.S: Bửu Tiến, sinh năm 1916 ở Huế. Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên ở Huế tham gia kháng chiến sau cách mạng tháng Tám 1945.

  • Nếu ai đó nói, con đò là một trong những biểu tượng thi ca và văn hóa Huế, chắc rằng ít người sẽ dám phủ nhận điều đó. Nhắc đến Huế không thể không nói đến dòng Hương thơ mộng, nhưng chỉ là dòng sông lững lờ chảy qua miền đất thần kinh không thôi, e là đơn điệu lắm khi thiếu vắng sự tô điểm của những con đò.  

  • NGUYỄN CƯƠNGKỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Huế 26/3/1975 - 26/3/2011

  • TRƯƠNG THỊ KHUÊ(Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân)                                Hồi ký

  • CHƠN HỮU                Tản vănNhững giọt sương lấp lánh. Một chồi non mới nhú. Ồ! Mùa xuân đã về!

  • LTS: Ông Đặng Văn Đông - một cao niên gần 90 tuổi ở Huế, là người gửi nhiều bài dịch cho Sông Hương song chưa hợp với tiêu chí “nhìn ra văn học thế giới đương đại”. Vừa qua chúng tôi nhận được thư của ông cùng bài viết về một kỷ niệm đầy nhân ái trong gia đình.Sông Hương xin đăng, và kính chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe!

  • PHẠM VĂN HỌC1. Chào xuân đẹp, có gì vui thế…!

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNG                         Ghi chép

  • NGUYỄN KHOA BỘI LANChúng tôi đi theo anh Hoan, bí thư huyện ủy Triệu Hải, về kiểm tra vụ đông xuân. Anh có thói quen mỗi lần về đây thế nào cũng tranh thủ ghé Phường Sắn thăm bà mẹ Mít.

  • XUÂN HOÀNGHuy đang nói chuyện với mấy người bạn trẻ viết văn cùng quê thì Trường, anh bạn làm thơ trẻ người dân tộc ở phòng bên nghe tiếng, vui vẻ chạy sang.

  • HỒNG NHU(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế)Đại hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 7 (4-1994) tại thành phố Huế đã nhất trí khẳng định về năm chính thức thành lập của Hội là năm 1950.

  • LÊ QUANG VỊNH           (Trích hồi ký)…Tôi và Niệm thì đi học phổ thông, chị Mai tôi - theo ba tôi, con gái không cần học chữ nhiều - đi học nữ công gia chánh để chuẩn bị làm vợ làm mẹ sau này.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ                       Ghi chép Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Đại hội Nhà văn Việt Nam (ĐHNV) lần thứ 8 sẽ họp tại Hà Nội. So với các Đại hội chuyên ngành văn học nghệ thuật khác, hầu như lần nào ĐHNV cũng “xôm trò” hơn, được dư luận chú ý hơn.

  • PHAN THỊ THU QUỲ(Kỷ niêm ngày thương binh - liệt sỹ 27.7)