Trường Bách Công xưa qua chính sử triều Nguyễn

14:54 20/12/2018

THƠM QUANG - THANH BIÊN

Trong khối tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV có khá nhiều tư liệu liên quan đến trường Bách Công xưa (tức trường Cao đẳng Công nghiệp Huế ngày nay). Bên cạnh tài liệu tiếng Pháp thuộc phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ, chúng tôi cũng xin được cung cấp thêm một số thông tin quan trọng về trường Bách Công xưa được ghi chép trong các bộ chính sử của triều Nguyễn.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế hiện nay

Đại Nam thực lục là bộ sử lớn, do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn, gồm hai phần tiền biên và chính biên, ghi chép các sự kiện xảy ra dưới triều Nguyễn qua 9 đời chúa và 13 đời vua. Từ bộ Đại Nam thực lục tiền biên đến bộ Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ hiện vẫn còn ván khắc và đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Tuy nhiên,bộ Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ tục biên vì chiến tranh xảy ra nên chưa kịp khắc in. Còn bộ Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ hiện chỉ còn 26 mặt khắc đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Bản chép tay của hai bộ sử trên được tìm thấy ở bên Pháp và được nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu. Trong hai bộ sử này có rất nhiều chi tiết ghi chép về trường Bách Công xưa.

Trường Bách Công (tên tiếng Pháp là École Confessionelle de Huế), được thành lập vào tháng 10, năm Kỷ Hợi (1889), dưới triều vua Thành Thái thứ 11. Điều 0931, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ tục biên, quyển 11 có ghi chép về sự kiện này như sau: “Bắt đầu đặt Trường Bách công ở kinh thành. Khâm sứ đại thần Boulloche bàn nói hiện nay việc xây dựng ngày càng gấp rút, cần nhiều loại thợ, nên lập một trường học tập kỹ nghệ để ngày sau gặp việc ứng biện có người mà dùng. Cơ Mật Viện tâu lên, chuẩn ban dụ cho thi hành (chuẩn cho nha môn Vũ khố trích tiền công xây một trường học trong kinh thành, gọi là Trường Bách Công (dạy các nghề thợ sắt, thợ mộc, thợ rèn)”.

Khi mới thành lập, trường Bách Công có khoảng 200 học trò theo học, mỗi tháng được cấp học bổng 3 đồng. Giáo sư dạy học chỉ dạy kỹ nghệ mà không dạy văn chương, chữ nghĩa. Các quy định trong trường Bách Công xưa cũng rất nghiêm ngặt. Học trò nếu ai lười biếng học hành hoặc bị tố cáo việc khác thì đuổi học; ai phạm lỗi thì do quan coi trường khiển trách, giám thị trừng phạt. Đến kỳ thi tay nghề, nếu ai dự hạng trúng cách thì được cấp một sổ thợ, một tấm bằng. Sau khi học nghề xong thi đỗ ra trường nếu muốn vào làm công trong Sở Đốc công hoặc theo các sở tư nhân làm việc đều cho tùy ý.

Tháng 3, năm Canh Tý (1900), vua Thành Thái cho thân định điều khoản về trường Bách Công. Điều 0963, quyển 12, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ tục biên có chép: “Thân định điều khoản về Trường Bách công(nguyên nhân số trong trường Bách Công có Trợ giáo 13 người, công nhân 151 người, học trò 72 người, học bổng mỗi tháng tổng cộng 897 đồng, lại trích giản binh 100 người sung dịch. Đến lúc ấy giảm bớt chính binh giản binh, giao cho viên Quản giáo trường ấy chọn lấy lính thợ khéo léo 28 người giữ lại trong trường để đủ người dạy dỗ. Học trò nguyên số 72 người, nay thêm 28 người cho đủ 100. Phàm học trò vào trường tròn một tháng phải do họ tự nguyện ghi tên vào sổ của trường học tập ba năm, sau khi học thành hoặc cho điền bổ chỗ khuyết, hoặc về nhà lập xưởng riêng, hoặc muốn làm công cho tư nhân cũng đều cho phép. Còn số người và lương tháng thì thợ vẽ và kiểm tra máy móc đều 1 người, lương tháng đều 20 đồng, thợ cưa gỗ 1 người lương tháng 30 đồng, Trợ giáo 10 người lương tháng đều 6 đồng, học trò 100 người lương tháng 3 đồng hoặc 2 đồng, lương chi cộng 640 đồng, ít hơn nguyên số 257 đồng)”.

Tháng 4, năm Đinh Mùi (1907), nhằm nâng cao ngành nghề cho các học viên, vua Thành Thái đã chuẩn cho mở rộng thêm học quy trường Bách Công. Ban đầu, Khâm sứ đại thần Levecque bàn nói trường Bách Công lúc đầu chỉ lập ra để chuyên dạy kỹ nghệ, đến nay trường ấy trở thành một sở ứng dịch, tuy những người có tay nghề cũng có thể làm việc máy móc nhưng hiện nay xe lửa tàu máy cùng các xưởng máy móc càng ngày càng nhiều, nghĩ nên tu chỉnh mở rộng, dạy thêm kỹ nghệ bách công để về sau giỏi nghề chuyển đi nơi khác dạy khắp cho quốc dân, nghĩ cũng có ích. Bèn sai Thượng thư bộ Công sung Cơ mật viện đại thần Nguyễn Hữu Bài sung làm hội viên hội đồng với Khâm sứ đại thần và các quan Pháp bàn bạc tiến hành.

Dưới triều vua Khải Định, trường Bách Công có một nhiệm vụ đặc biệt là đúc tiền cho Nhà nước, trong sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, quyển 4 điều 051 có khắc lại sự việc đó là vào ngày 1 tháng 7 năm Kỷ Mùi (1919), khi có buổi thiết triều, vua Khải Định lo lắng vì thiếu tiền. Thượng thư bộ Lại là Nguyễn Hữu Bài đã tâu vua: Hiện trường Bách Công đang đúc”. Năm Tân Dậu (1921), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn đã cho bãi bỏ Chú tiền cục ở Kinh, vốn được dựng lò ở trường Bách Công trong thành, những đồng kẽm thiếc còn thừa cùng vật dùng đúc tiền đều để về bộ Công cất giữ. Đến năm Ất Sửu (1925), nghị đỉnh chỉnh đốn hội viên hội đồng trường Kỹ nghệ thực hành đã được thông qua. Bên cạnh đó, trường còn sung một viên quan người Nam làm Trị sự hội đồng. Cơ Mật viện tâu lên, chuẩn lấy sung Thị lang bộ Hộ Hồ Đắc Khải sung giữ chức ấy.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trường Bách Công mang nhiều tên gọi khác nhau. Năm 1921, trường được chuyển giao cho Chính quyền Bảo hộ Pháp quản lý và đổi thành École Pratique D’Industrie de Hué tức Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế. Năm 1942, trường mang tên Kỹ thuật Công nghiệp Huế. 10 năm sau (tức năm 1952) đổi tên thành Học xưởng Kỹ nghệ Huế. Đến năm 1954 là trường Chuyên nghiệp Kỹ nghệ Huế. Năm 1956, lại có tên gọi là Trường Trung học Kỹ thuật Huế. Năm 1976 là Trường Kỹ thuật Huế. Năm 1977 là Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện Huế. Đến tháng Tháng 8 năm 1993, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế bàn giao Trường cho Bộ Công nghiệp (tức Bộ Công nghiệp nặng cũ) quản lý và đổi thành Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế (tên cũ của trường từ thời 1921). Năm 1998 trường được nâng cấp đào tạo và đổi tên trường thành Trường Trung học Công nghiệp Huế. Năm 2005, trường tiếp tục được nâng cấp đào tạo và đổi thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế.

Có thể nói, trường Bách Công xưa là một trong những trường dạy nghề đầu tiên ở Việt Nam. Với bề dày lịch sử gần 120 năm, trường đã đào tạo ra biết bao nhân tài, góp phần cho sự phát triển của xã hội. Trải qua những năm tháng theo lịch sử dân tộc, trường đã thực hiện các mục tiêu đào tạo khác nhau, nhưng truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tình bạn nghĩa thầy, học để làm người… vẫn được trường giữ gìn phát huy cao độ.

T.Q - T.B  
(SHSDB30/09-2018)


Tài liệu tham khảo:

1. Cao Tự Thanh, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ (tục biên), Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, năm 2012.
2. Cao Tự Thanh, Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, năm 2012.
3. Hồ sơ H47/10, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
4. Hồ sơ 1729, Tòa khâm sứ trung kỳ - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.  



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • CHU SƠN

    1.
    Này, xa là những cảm nhận chủ quan hàm chứa một góc nhìn giới hạn, tương đối và hoàn toàn xa lạ với những khẩu hiệu thời thượng là vĩnh cửu, muôn năm.

  • TRẦN VĂN DŨNG

    Cùng với rất nhiều nghề thủ công truyền thống trên đất nước Việt Nam, nghề Kim hoàn được biết đến với sự sáng lập của hai vị tổ sư Cao Đình Độ và Cao Đình Hương ngay trên vùng đất Cố đô. Tài năng của các ông đã biến nghề kim hoàn trở thành một nghề thủ công độc đáo, mang đậm sắc thái Việt và được truyền bá khắp ba miền đất nước trong hơn hai thế kỉ qua.

  • LÊ VĂN LÂN

    Hằng năm cứ vào dịp 9/1 (ngày sinh viên học sinh), ngày 26/3 (ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và giải phóng Huế), những người hoạt động trong phong trào (người ta thường gọi là “dân phong trào”) lại họp mặt tưởng nhớ những người hi sinh, ôn lại truyền thống, chia sẻ những trăn trở trước thời cuộc và tự dặn mình phải sống xứng đáng với những người đã khuất, những đùm bọc thương yêu mà nhân dân đã dành cho mình.

  • ĐÀO HÙNG
    (Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam)

    Hồi còn bé, đôi lần tôi được cha tôi là ông Đào Duy Anh, đưa đi chơi và có ghé thăm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Rồi cũng có lần tôi thấy cụ Huỳnh đến gặp cha tôi ở ngôi nhà trên đường Hương Mỹ (nay là Chu Văn An), thành phố Huế.

  • LÊ MẬU PHÚ 
               Tùy bút 

    Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dài hơn 60 cây số, qua nhiều rừng núi với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng và nhận nhiều nguồn nước từ những con thác, rồi sau đó hợp lưu tại ngã ba Bằng Lãng thành một dòng sông, gọi là sông Hương. Từ đó, sông xuôi về biển thêm 30 cây số nữa.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    “Ơi khách đường xa, khách đường xa
    Dừng chân ghé lại Đông Ba chợ mình”

  • TRẦN NGUYÊN SỸ
                      Ghi chép

    Chúng ta thử hình dung Huế như một ngôi nhà cổ, mà con ngõ đón thập khách phía Nam là đoạn quốc lộ từ Thủy Dương xuống Phú Bài thì khỏi cần trả lời câu hỏi: Với Huế, Hương Thủy có quan trọng không?

  • HỮU THU - BẢO HÂN

    Không ít người ở Huế thế hệ sinh năm 1950 đã từng được ngắm cái điệu đà của rong rêu, sự bỡn đùa của từng đàn cá tung tăng theo chiều con nước sông Hương.

  • PHAN THUẬN AN

    Thái giám hay hoạn quan là những người đàn ông không có sinh thực khí, chuyên ở hầu hạ trong hậu cung của vua.
     

  • HỮU THU & BẢO HÂN

    Đường 12 được giới hạn từ ngã ba Tuần lên Bốt Đỏ. Chỉ kéo dài hơn 50 cây số nhưng đây là quãng đường không dễ vượt qua, bởi trước năm 1990, muốn lên A Lưới, từ Huế xe phải chuyển hướng ra Đông Hà, ngược đường 9, đến cầu Đakrong rẽ trái rồi men theo đường Hồ Chí Minh để vào. Thuở đó, đường xa, xe xấu nên cán bộ được phân công lên huyện vùng cao này ai cũng ái ngại và bỏ cuộc.

  • BÙI KIM CHI Tiên tổ phương danh lưu quốc sử Tử tôn tích đức kế gia phong

  • PHAN HƯƠNG THỦY Hệ thống lăng tẩm và Cung điện ở Huế luôn luôn là một đối tượng chính của các nhà nghiên cứu Mỹ thuật, và các nhà nghiên cứu lịch sử Huế đã để lại cho chúng ta những cái mà thời trước không còn.

  • Một số anh chị em ở Huế biết tôi có ghi chép được ít nhiều về Nguyễn Tuân, bảo tôi viết lại và gửi cho Tạp chí Sông Hương. Riêng tôi, muốn tạo một dịp để anh Nguyễn nói trực tiếp với bạn đọc Sông Hương, nên xin được hỏi anh Nguyễn chung quanh chuyện Huế, được anh Nguyễn nhận lời, tôi xin trung thành ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện đó.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANGHiếm nơi nào trên đất Huế có phong thủy hữu tình, trời, đất, nước, người cùng quyện hòa thanh thái trong một không gian xanh ngát xanh như đất thôn Vỹ. Đất này được dòng Hương Giang và phụ lưu Như Ý ôm trọn vào lòng như hai cánh tay của một người mẹ vỗ về.

  • TRẦN THÙY MAI Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế. Với tất cả mọi người, ai cũng thế, sau quê hương lớn là Tổ quốc Việt Nam, đều yêu và đều thích nói về quê hương nho nhỏ của mình, nơi đón tiếp mình từ lòng mẹ và cho mình những ấn tượng đầu tiên về thế giới. Hơn nữa, đó lại là một vùng đất hay được nhắc nhở và ngợi khen.

  • ĐỖ NAM Hàng trăm năm nay ai cũng biết đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có 02 cửa thông ra biển: Thuận An và Tư Hiền.

  • BÙI MINH ĐỨC (Tiếp theo Sông Hương số 267, tháng 5 - 2011)

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC(Kỷ niệm 95 năm ngày mất Thái Phiên - Trần Cao Vân: 17.5.1916 - 17.5.2011)                Bút ký

  • Bà Francoise Corrèze - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, là một chiến sĩ chống phát xít, một người bạn của Việt Nam từ nhiều năm nay. Sau những chuyến đi thăm nước ta trong chiến tranh cũng như từ ngày đất nước thống nhất, bà đã viết nhiều tác phẩm về Việt Nam. Lần đầu tiên đến Huế đầu năm 1985, bà đã ghi lại những cảm nghĩ của mình. Chúng tôi xin giới thiệu một số đoạn sẽ được in trong cuốn sách viết về thanh niên Việt Nam bằng tiếng Pháp.

  • PHAN THUẬN ANNgọ Môn năm cửa chín lầu,Cột cờ ba cấp, Phu Văn Lâu hai tầng.