ELENA PUCILLO TRUONG
Nỗi khắc khoải đã kéo dài từ bao lâu?
Có lẽ một năm. Quá nhiều. Lấy cớ đi vào toilette, hai tay tôi nắm chặt chiếc bồn rửa mặt trong nhà hàng như muốn bẻ làm đôi. Bao nhiêu bức bối đang dồn vào trong... bao nhiêu đau đớn... đau đến nỗi tôi không dám ngẩng mặt nhìn bóng mình trong gương.
Tiến sĩ Elena Pucillo Truong - Ảnh: internet
Nới lỏng chiếc cà vạt, tôi nhìn cái lỗ thoát trong bồn cầu, muốn biến mất theo đường ống như một bãi nước bọt, một thứ đồ phế thải. Thế đấy, tôi tự khinh bỉ mình và lòng căm hận nàng đang dâng lên cực điểm.
Làm sao mà tôi có thể rơi xuống thấp như thế... Đã bao nhiêu lần xảy ra rồi mà tôi vẫn cam lòng chấp nhận mà không phản kháng? Từ bao nhiêu tháng nụ cười và niềm vui của tôi biến mất và, nếu can đảm nhìn mình trong gương, chắc tôi sẽ thấy mặt mình tái nhợt, cái nhìn vô cảm với đôi mắt thật buồn.
Buổi tối, ngay trước lúc chuẩn bị ra khỏi nhà đã chẳng có gì tốt đẹp.
- Người ta mời mình ăn tối mà anh mang cái bản mặt như vậy ra trình diện à?
Đúng rồi! Được mời! Tôi cũng chẳng còn nhớ nổi mặt cái gã mà mình sắp phải gặp ở nhà hàng.
- “Anh sao vậy? Bộ quên rồi à! Chán anh quá! Ông kiến trúc sư thật là tử tế...”
Không quên! Nhưng sự thật là tôi chẳng quan tâm. Hoàn toàn không muốn rời khỏi nhà nhưng tôi đã lỡ nhận lời... Xưa nay tôi luôn phải ép mình chấp nhận mọi chuyện...
Nhớ lại thời gian đầu, ngày tôi và nàng mới quen nhau. Giờ ngẫm lại mới rõ là giữa chúng tôi chưa bao giờ có tình yêu. Nếu có, thì đó chỉ là một chiến thuật được tính toán chi ly nhằm chống đối và làm tiêu hủy sự hiện hữu của tôi. Ai cũng bảo là tôi cần phải lập gia đình, rồi có con, quan tâm đến sự thăng tiến trong công việc... tôi phải làm thế này, tôi phải làm thế kia... và chẳng ai bận tâm là tôi muốn gì, những ước muốn của tôi là gì.
Điều quan trọng theo họ là tôi “cần” hòa nhập vào xã hội, thích ứng một vai trò với tất cả bổn phận và trách nhiệm, hòa mình vào dòng chảy muôn đời của sự việc... Mọi ứng xử đều phải nghĩ đến tính hiệu quả, tạo được sự kính trọng... và tôi đã sống như một con rối, nếu cách đó có thể gọi là cuộc sống. Sau đó những sợi dây làm chuyển động hình nộm đã chuyển qua tay nàng.
Mới đầu tôi cũng vui lòng. Có lẽ đó là những tia chớp cuối của niềm vui thích. Thế rồi chúng tôi lấy nhau, có lẽ cưới vợ cho người khác hơn là cho chính mình nên chỉ sau mấy bữa là đã bắt đầu cho sự tàn phá hằng ngày. Chưa bao giờ có một cử chỉ âu yếm, một lời nói ngọt ngào, một sự quan tâm đến tôi... ngay cả những phút “ấy” cũng chẳng có chút đắm say nào. Chúng tôi sống bên nhau... và chỉ có thế.
Lúc nầy tôi có thể nói rằng tôi đã cố tìm cách sống sót mà không biết là đã làm cho tình trạng mỗi ngày một xấu thêm. Còn em thì sống một cuộc đời mà trong đó không có tôi tham dự. Tôi như một vật chưng bày trên chiếc bàn đêm, mà em chẳng cần quan tâm là lâu lâu cũng cần phủi bụi. Em mặc sức sống theo cái vẻ ngoài, không hề có giá trị thực, tha hồ mua sắm với đồng tiền mà tôi kiếm được - chỉ có tiền của tôi là em không khinh bỉ - em tha hồ gặp bạn, đi Spa, làm tất cả mọi điều để mọi người biết em thuộc tầng lớp thượng lưu, thuộc thế giới mà trong đó mọi thứ đều xinh đẹp, hiệu quả, hoàn toàn. Và không cần con cái, ngay sau đám cưới em đã bảo là em chẳng muốn có con. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ là em tính vậy vì muốn ở bên cạnh để giúp tôi trong công việc... nhưng đâu phải thế! Làm gì có chuyện đó! Chúng mình không chia sẻ nổi chiếc bàn con để cùng ăn sáng kia mà! Đó là chưa nói đến chuyện ngủ chung. Chỉ vài tuần sau đám cưới em đã qua ngủ trong phòng khách, sự hiện diện của tôi lấn chỗ và làm em khó chịu nhưng em nói ngủ nơi khác là vì tôi, em hay trở mình khi ngủ nên sợ làm tôi thức giấc. Ôi, sao tôi ngu vậy!
Giờ đây tôi đang nói chuyện một mình trong phòng xí và không đủ can đảm để nhìn vào mặt cái thằng người ngu xuẩn kia trong mặt kính! Một mình. Lúc nào cũng đơn độc. Mẹ tôi, bà con, các đồng nghiệp... tất cả mọi người đều giả tảng và coi như mọi việc đều ổn. Nhưng dần dà tôi phải thu hẹp không gian sống của mình, tránh những tiếp xúc. Tôi tự cô lập để mọi người đừng biết chuyện mình... lúc nào cũng cảm giác như mình là kẻ có tội, dù tôi chẳng có tội tình gì!
Nhưng có lẽ tôi là kẻ có tội: có tội với chính mình. Vì đã để người khác xử tệ với mình như thế, vì đã thụ động chờ đợi, mất rất nhiều thời gian. Chỉ đến bây giờ tôi mới hiểu và chính cái nhìn của em đã mở mắt cho tôi.
Viện một cái cớ tôi đã rời bàn ăn mà tôi, em và gã kiến trúc sư đang ngồi. Tôi không thể chịu nổi, ngồi giữa em và gã, càng lúc càng nhận rõ các cử chỉ đồng lõa của hai người, cách vô tình chạm tay lúc cụng ly, rót rượu cho nhau một cách hữu ý mà lúc đầu tôi cứ tưởng đó chỉ là một người xa lạ. Tôi ngồi đó mà gã vẫn tỉnh bơ tán tỉnh em; còn em thì cười, vui như dự hội. Ôi, sao em có thể nhỏng nhẻo với gã nhiều vậy! Mà lúc nhìn tôi thì tia nhìn lạnh giá: bao nhiêu sự khinh bỉ hiện rõ trong mắt em!
Trong ánh mắt đó có lẽ đôi khi cũng có một chút xót thương? Nhưng mà giờ đây tôi không còn quan tâm nữa. Trước đây tôi nghĩ cần phải xây dựng lại những quan hệ, nhưng bây giờ tôi cần phải chiến đấu để sinh tồn!
Đủ rồi! Tôi, giữa hai người! Chuyện này đã kéo dài từ bao lâu? Có lẽ cũng không phải là chuyện duy nhất, nhưng là chuyện cuối trong rất nhiều chuyện. Tôi đã từng nhắm mắt trước sự thật hiển nhiên. Nhưng điều làm tôi đau nhất không phải là sự phản bội mà chính là sự thiếu tình, cạn nghĩa! Sống bên em lúc nào tôi cũng thấy mình bị hất hủi và khinh rẻ.
Nông nỗi này, may là mình chẳng có con! Đã tránh được một niềm đau khác!
Tôi cúi xuống bồn rửa mặt và mở nước cho chảy qua các kẽ tay. Tôi vốc nước lên rửa đôi mắt đỏ rồi ngẩng đầu lên. Khuôn mặt tôi chẳng tốt hơn lúc trước là bao nhưng ít ra tôi cũng thấy có chút ánh sáng trong tròng mắt. Bây giờ tôi phải quay lại bàn ăn để làm người khách vô hình giữa họ. Tôi ngồi xuống bàn trong khi họ vẫn tiếp tục nói. Chẳng ai thèm hỏi gì: Tôi chỉ là một bóng ma và họ chẳng cần quan tâm.
Rồi cuộc tra tấn cuối cùng cũng chấm dứt. Gã kiến trúc sư trả tiền, bỏ lại một ít tiền boa rồi chúng tôi bước ra ngoài. Chỉ là hình thức nhưng tay của em nằm rất lâu trong lòng bàn tay gã. Sau đó là sự lạnh lùng và yên lặng trong taxi. Về đến nhà em lại oang oang, lặp đi lặp lại là vừa trải qua một buổi tối thật vui, hắn ta điệu nghệ và dễ thương... như thể tôi chẳng là cái quái gì...
Em chưa bao giờ bận tâm đến những gì đang có trong đầu tôi và không thể tưởng tượng những điều tôi nghĩ.
*
Sáng hôm sau, tôi uống cà phê như thường lệ và bước ra khỏi nhà. Nhưng lần này tôi không đi đến phòng mạch của mình. Tôi đã gọi điện trước cho cô y tá và báo là mình bận việc vài hôm. Có nhiều việc quan trọng phải làm.
Tôi ngồi đợi trên xe hơi, đậu không xa nhà lắm. Sau chừng một giờ, đây, em ăn mặc lịch sự, hớn hở bước ra khỏi nhà rồi leo lên một chiếc taxi. Tôi chạy theo đến một khách sạn sang trọng, nằm cách xa khu trung tâm. Dù loay hoay tìm chỗ đậu xe nhưng tôi cũng kịp nhìn thấy hai người, ôm nhau, khi bước vào thang máy. Tôi ngồi đợi trên xe hơi. Khoảng đầu giờ chiều cả hai rời khách sạn, họ ôm nhau lần cuối rồi hắn ta mở cửa taxi cho em. Tôi ngồi nhìn cảnh đó mà chẳng cảm thấy gì... Người ta đâu có thể ghen với một người mà mình chỉ có căm ghét và hận thù.
Hai, ba lần, vẫn là khách sạn đó.
Gần văn phòng của gã, buổi chiều hay buổi tối.
Chiều nay tôi ngồi đợi một lát trên xe hơi rồi sau đó cầm chiếc cặp hồ sơ, tiến đến quầy lễ tân.
- “Xin lỗi, tôi phải giao gấp giấy tờ quan trọng này cho ngài kiến trúc sư... Tôi từ văn phòng của ông ấy đến và cần phải lấy chữ ký của ông ta. Rất gấp...”.
Gã nhân viên lễ tân nhìn tôi lắc đầu:
- “Rất tiếc là tôi không thể để ông lên được, ông phải chờ tôi gọi lên phòng trước đã!”
Vài phút trôi qua. Chuông đổ liên tục nhưng không có trả lời.
- “Việc rất gấp” tôi giải thích. “Tôi chỉ lên một phút để ông ta ký rồi cầm ngay về văn phòng”.
- “Ông đợi đã. Tôi sẽ gọi nhân viên dẫn ông lên phòng. Nhưng tôi sẽ tiếp tục gọi lên đó”.
Chúng tôi đi lên tầng ba. Gã nhân viên lịch sự gõ cửa, không quan tâm lắm đến tấm bảng “Do not disturb” gắn trên nắm đấm.
Tôi chờ vài phút... Gã kiến trúc sư mở hé cửa với vẻ mặt khó chịu.
- Chuyện gì vậy? Giấy tờ gì mà tôi phải ký? Nhưng... ông... ông đến đây làm gì?”
Lách gã nhân viên, tôi đẩy gã kiến trúc sư vào trong, mặt gã lúc này tái mét và hốt hoảng.
- Tôi đây. Các người đừng có bận tâm. Tôi có mang giấy tờ để ký... đúng rồi, nhưng không phải ông ký đâu, thưa ngài kiến trúc sư, vì người phải ký là bà này”. Tôi vừa nói vừa nhìn lên giường, mặt cô ta đỏ như trái gấc và bối rối quấn chiếc drap để che đậy thân thể lõa lồ. “Đây, viết đây, mời cô ký ngay vào đơn ly dị. Tôi phải chuyển ngay cho luật sư và hai người này sẽ làm nhân chứng. Từ lúc này đối với tôi cô không còn hiện hữu nữa. Nhưng thật ra, với cô, xưa nay tôi cũng đâu có hiện hữu.”
Vẫn chưa hoàn hồn, cô ta như vẫn chưa hiểu chuyện, câm miệng, như thể đang nghĩ cách đối phó có lợi nhất...
Nhưng làm gì còn khả năng nào khác.
Lúc ký vào hồ sơ cô ta nhìn tôi bằng ánh mắt căm hờn.
Còn tôi, như vừa giật phắt được con bạch tuộc nằm trong trái tim mình...
Trương Văn Dân dịch
(SDB8/3-13)
Dazai Osamu (1909 - 1948) tác gia kiệt xuất, đại diện cho “trường phái vô lại”, đó là một nhóm các nhà văn có khuynh hướng nổi loạn và tự hủy, trong nền văn học cận - hiện đại Nhật Bản. Phần lớn những tác phẩm của ông đều mang tính chất tự thuật với văn phong u mặc, diễn tả tâm trạng bế tắc trong thời kỳ hậu chiến và bi kịch cá nhân, đồng thời cũng dí dỏm, hài hước một cách cay đắng.
Han Kang được trao giải Nobel Văn học năm 2024 do có “văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt đối mặt với những tổn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của đời người”.
XERGÂY ĐÔVLATÔP
MURAKAMI HARUKI
SHERWOOD ANDERSON
WILLIAM SOMERSET MAUGHAM
William Somerset Maugham là tiểu thuyết gia người Anh. Ông sinh năm 1874 tại Paris, Pháp, và là con của một cố vấn pháp luật trong tòa đại sứ Anh tại Paris.
Okamoto Kanoko (1889 - 1939) nhà thơ Tanka và là nhà nghiên cứu Phật giáo. Sinh ra trong một gia đình giàu có tại Tokyo, sau khi tốt nghiệp trường nữ sinh Atomi, bà theo học nữ tác gia Yosano Akiko và đã công bố một số bài thơ Tanka.
Nhà văn Mỹ Sarah Orne Jewett sinh năm 1849 và mất năm 1909. Bà là nhà tiểu thuyết, nhà thơ và nhà văn viết truyện ngắn (Short Story Writer). Bang Maine là không gian chính trong tác phẩm của bà. Văn chương của bà sớm đề cập đến các vấn đề sinh thái và các vấn đề xã hội khác, có tính vùng miền.
Trần Ngọc Hồ Trường dịch và giới thiệu
PHILIP CHARTER
C. J. MCCARTHY
Cormac McCarthy là nhà văn người Mỹ, ông nổi tiếng với phong cách viết bạo liệt và u ám. McCarthy chuyên viết tiểu thuyết và được giới hàn lâm đánh giá cao ở ngay tiểu thuyết đầu tiên, The Orchard Keeper (1965), nhưng ông không thành công với độc giả đại chúng.
FERNANDO SORRENTINO
Jon Fosse là kịch gia đương đại, nổi danh với tặng thưởng Nobel văn chương 2023. Số lượng truyện ngắn đã xuất bản không nhiều, Jon Fosse vẫn ghi dấu với một phong cách độc đáo. Người em gái nhỏ (Søster) xuất bản năm 2000, bản dịch Anh ngữ in trong tập Scenes from a childhood (Damion Searls dịch) năm 2018.
OGAWA MIMEI
JOSEPHIN JOHNSON
(Mỹ)
Gnark ngồi trong buồng ngủ, mắt nhìn những tấm giấy phủ tường. Một cảm giác là lạ xâm chiếm lòng anh.
SRI DAORUANG
Nhà văn Sri Daoruang tên thật là Wanna Sawasdsri, sinh năm 1943, quê quán ở Phitsanulok, Bắc Bangkok, Thái Lan. Bà là tác giả của tuyển tập Quỷ truyện Dân gian (Tales of the Demon Folk, 1984).
HENRI TROYAT
LTS. Henri Troyat tên thật là Lev Tarassov sinh năm 1911 tại Moskva. Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. Giải thưởng văn học đầu tiên với tác phẩm "Faux jours" (1935). Ông đã xuất bản trên 20 tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn. Những tác phẩm được dư luận đặc biệt chú ý như bộ ba tiểu thuyết "Tant que la terre durera" (1947), "Le sac et la cendre" (1948) và "Etrangers sur la terre" (1950) hoặc như "La lumière des Justes"... Ông còn viết cả kịch bản văn học. Truyện ngắn "Cơn choáng" (Le vertige) lấy từ tập "La Fosse Commune" xuất bản năm 1986.
Yamakawa Masao (1930 - 1965), tên thật là Yamakawa Yoshimi, ông sinh ở Tokyo, tốt nghiệp Đại học tư thục Keo (khoa Pháp văn). Yamakawa Masao từng làm biên tập cho Tạp chí văn học Mita Bungaku. Sau đó ông viết và công bố các truyện ngắn như: Cái chết mỗi ngày, Năm ấy, Công viên ven biển… với phong cách tinh tế, miêu tả sự phi lý của cái chết và tuổi trẻ thời kỳ hậu chiến. Ông qua đời năm 34 tuổi do tai nạn giao thông.
Nhà văn Ấn Độ (người Hindi), Krishna Baldev Vaid sinh năm 1927. Ông học đại học tại Punjab và Harvard; dạy học tại nhiều trường đại học ở Ấn Độ và Mỹ. Ông viết tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, phê bình và dịch thuật văn học. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Nga, Nhật và các tiếng khác ở Ấn Độ.
HÁCH XUYÊN THỨ LANG
(Nhật)
Phải dấu việc này không cho anh ấy biết. Lãng Tử nghĩ vậy và nắm chặt bao nhỏ trong tay, tần ngần rảo bước trên cầu. Đêm tối không người với dòng sông lặng lẽ trôi giữa một màn đen kịt, và rồi nó sẽ mang đi điều bí mật của ta.
DHUMKETU
Dhumketu là bút danh của Gaurishankar Govardhauram, là nhà văn Ấn Độ (1892 - 1965), thường được xem như là một trong những người khai sáng loại hình truyện ngắn. Tác phẩm của ông thường có bút pháp gây xúc động, lãng mạn hoặc miêu tả đậm nét những cảm xúc của con người.