HUỲNH MAI
Ở một con sông lớn, nước xanh trong, mát lạnh và dòng chảy hiền hòa. Tôi nằm ngửa, dang hai tay, thuỗn đôi chân không quẫy đạp, thế mà toàn thân cứ trôi bềnh bồng.
Minh họa: Nhím
Lạ. Tôi thấy mình như không trọng lượng, giống một khúc gỗ đã khô không gì làm chìm được. Nhắm nghiền đôi mắt, tôi không định hình được những ý nghĩ của mình, mọi thứ trong đầu trở nên trống rỗng. Tôi cứ mải miết trôi, hai bên bờ mỗi lúc càng thêm rộng toác ra, mênh mông, trời cao thăm thẳm. Tôi thấy mẹ cầm chiếc roi mây, đi hết nhà này đến nhà khác trong xóm, vừa đi vừa la ó:
- Con Nhím đâu rồi, nấu cơm mà không đổ nước à? Trời ơi, con với cái, đúng là... số tôi là số trâu bò mà.
Tôi đang chèo bẽo trên cây ổi non nhà cái Hạnh, nghe tiếng mẹ, tôi nhảy vội xuống, leo qua bờ tường thấp cạnh chuồng lợn rồi lén chạy một mạch về nhà. Ở giếng, chiếc nồi cháy đen một lớp dày, những hạt gạo bó cục nằm trâng tráo. Tôi thấy đống lúa giữa sân bị bầy gà canh tung tóe, bố đang hì hụi quét. Thấy tôi, bố cười mỉm rồi lấy tấm bạt nằm góc hè phủ trùm lên. Song quay vào nhà rít thuốc lào, khói lảng bảng bay những hình thù ngộ nghĩnh. Tôi giật mình, quay ra đường và chạy.
- Bố… bố về phải không mẹ?
- Cái gì? Đồ hư đốn, sao mày không chết quách đi hả?
Mắt mẹ đục ngầu, mở to hết sức. Cây roi mây quất liên tục xuống mông tôi. Chiếc quần vá hai miếng rõ to đằng sau đít chi chít những đường chỉ cứ vang lên bồm bộp. Giọng mẹ lạc đi:
- Này! Cho chừa tật ham chơi, ham chơi nữa không, nữa không?
Mẹ khóc, chưa bao giờ tôi thấy mẹ khóc to như thế, đã bảo đừng bao giờ nhắc nữa. Về bố tôi…
Tôi vẫn cứ trôi, từng đợt sóng nhỏ bắt đầu lượn lờ đẩy tôi ra xa bờ.
*
Trong căn nhà lợp mái tranh đã ngả màu xám tối, tấm vách nứa lỗ chỗ tia sáng ra bên ngoài như những đốm đom đóm. Mẹ ngồi dạng chân bào sắn, mùi sắn tươi ngai ngái. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng kĩu kịt vang lên nơi hai cây cột khi bà đưa tay đẩy chiếc võng. Tôi nằm đó, bên cạnh là thằng Dũng. Hai chị em quấn lấy nhau, đôi lúc nghe tiếng ị ọe, mẹ đưa bàn tay vỗ vỗ vào bên mông cả hai đứa, chiếc bóng đèn vàng trước cửa hắt xiên bóng mẹ tôi, dài ngoẵng trên vách nứa.
Ban ngày, mẹ ra đồng từ tờ mờ sáng, thằng Dũng ngủ dậy lê dưới nền đất tìm chơi đủ thứ linh tinh. Tôi theo lũ bạn đi trèo cây duối, muồi muội, ra ven sông hái bôm bốp. Trước khi đi, tôi bế thằng Dũng lên hè, tìm chiếc lồng gà úp nó lại, lấy bao sọc rắn phủ xuống, đặt lên trên miệng lồng cái thớt gỗ băm rau lợn. Tôi và lũ bạn hò hét thích thú khi thấy những chiếc máy bay thấp lè tè. Một lát thấy dì Sương đạp xe ngang qua gọi giật:
- A, cái Nhím. Sao bỏ nhà đi chơi hả? Thằng Dũng đang khóc thét ở nhà.
- Nó chui ra khỏi lồng rồi hả dì?
- Ai bảo mày nhốt nó, có ngày chết em, về nhà mau lên!
Tôi hớt hải chạy ù một mạch, trong đầu nghĩ vẩn vơ, nhỡ nó bị làm sao thì chết chắc. Đôi dép đứt phựt quai. Kệ, tôi chạy chân trần. Đường làng đầy phân trâu, tôi quệt một bãi to. Mặc, tôi giậm giậm vài cái cho vơi rồi lại ba chân bốn cẳng chạy. Tôi nhét vào miệng thằng Dũng những trái bôm bốp chín. Nó nín khóc, đôi mắt đen láy nhìn tôi như quở trách. Tôi bế nó ra giếng, lột sạch quần áo rồi xối nước ào ào. Nó cười sặc, để lộ mấy cái răng sữa ố vàng.
Giọng cười nắc nẻ của Dũng như làm dậy sóng, từng đợt sóng đẩy đưa tôi lúc lên lúc xuống, nước bắt đầu tóe lên mặt. Tôi nhìn thấy trên nền trời xanh, đôi mắt đen và to rõ mồn một, nó đang xoáy thẳng vào tôi. Đưa bàn tay với, tôi ngỡ mình sẽ nắm được bàn tay bé nhỏ của Dũng, nhưng nó cứ xa dần, xa dần và mất hút. Tôi vẫn cứ trôi, càng ngày tôi càng xa bầu trời, tôi như đang rơi xuống vòng xoáy của lòng sông, mà sông thì cứ toác rộng mãi ra. Tôi thấy mình đứng ở một dốc bến, giương mắt trông chiếc đò ngang qua sông mỗi ngày, nó chạy bằng dầu nghe phành phạch. Buồn bã, tiu nghỉu leo dốc, tôi quay về nhà. Chuyến đò ấy bố không về. Trên vách nứa, chiếc bóng của mẹ tôi ngả nghiêng, méo mó.
*
Giữa khu chợ người ở cạnh bến xe thành phố, bố tôi trải bao ngồi sệt. Từ một ngã rẽ, người đàn bà lái chiếc xe hơi ánh bạc kêu bố đến gần, ngã giá:
- Lắp cửa, cắt cỏ và dọn lá. Mất khoảng 2 ngày, mỗi ngày trăm nghìn.
- Thật không? - Bố tôi mừng thầm, đã 3 ngày nay không có việc ở cái chợ người này, ông gật đầu rối rít.
Bố tôi lên xe, lần đầu tiên ông thấy một người đàn bà thanh tú đến vậy. Mái tóc bà ta có màu hạt dẻ, toàn thân toát ra mùi nước hoa thơm nhẹ. Hàng mi cong vút, đôi mắt buồn ngân ngấn nước làm nên cái vẻ rất đàn bà, rất yếu đuối.
- Đó là người đàn bà đẹp chán chồng!
- Một “Thiên kim tiểu thư” quen lối sống xa hoa.
- Chán ngấy những ngọt ngào man trá, những lời mời có rượu và hoa.
- Thừa mứa tiền và không thiếu chốn ăn chơi
Và bố tôi, ông có cái nhìn đắm say từ đôi mắt đượm màu lam lũ.
- Cái ôm vững chãi của vòng tay rám nắng.
- Mùi mồ hôi đàn ông, không phải mùi hương của nước hoa Parfum hay Park Royal từ người chồng hám danh lợi.
Những thứ ấy từ bố tôi với bà ta là của lạ, là thứ thiên nhiên tuyệt diệu.
Đó có thể là tình yêu sét đánh chăng? Cũng có thể chỉ là sự thỏa mãn điều gì thiên về lạc thú?
Bố tôi quên bẵng người vợ chỉ suốt ngày một mùi hương của khói bếp, rơm rạ.
Quên những buổi chiều cõng tôi trên vai đi rong khắp xóm.
Quên hẳn mâm cơm có nhiều rau, tương cà và cá ươn.
Thằng Dũng khi ấy chưa đầy 3 tuổi.
*
Mẹ tôi chạy theo ra cửa, ném phăng bọc giấy báo bọc những xấp tiền mới cứng. Bố quay lại van nài:
- Anh không thể quay lại được nữa. Xin hãy để anh bù đắp cho các con.
- Đồ hèn!
- Ừ phải, anh hèn. Em cứ chửi mắng anh, nhưng đừng bắt anh thành người cha khốn nạn. Anh xin em!
- Anh cút ngay, mang theo những đồng tiền hèn hạ cút đi…
Mẹ không khóc, đôi mắt mở to ráo hoảnh. Bố ngó nghiêng xung quanh, đeo vội cặp kính che gần nửa mặt, quay ra cửa, chiếc xe ôm đợi ngoài cổng phóng vụt đi.
Mẹ không khóc, nhưng đôi mắt mở to vô hồn, hoang dại.
- Thế là hết, hết thật rồi…
Mẹ lặp đi lặp lại câu nói một cách vô thức, giọng cười vang lên, chua chát, cay nghiệt. Đêm ấy, nhiều đêm sau mẹ không chợp mắt, chiếc bóng hắt xiên trên vách là một pho tượng.
Tôi đứng cạnh chiếc võng, người nhũn ra không tài nào thở được.
Cây hoa giấy trước cổng bắt đầu nở hoa, hoa rụng đỏ nền đất. Bố về, mang theo chiếc xe đạp mini màu xanh dương, nói là cho tôi đi học. Thằng Dũng sướng rơn, nó kêu tôi chở vòng quanh sân, rồi khăng khăng bắt chị giữ sau để nó tập đạp. Mẹ im lặng, sự im lặng trừng phạt. Đặt bọc tiền lên bàn, bố nói:
- Đây là tiền anh kiếm được, không phải tiền nhơ, tiền ăn nhờ.
- Tôi không cần tiền.
- Tiền làm anh lóa mắt, anh có tội… Anh không nghĩ mình lại sa chân đến nỗi không còn rút lên được. Anh… lúc đó anh chỉ nghĩ… có thể lợi dụng cô ta…
Thằng Dũng nắm chặt tay tôi, nhìn bố. Nó bắt đầu hiểu chuyện.
Những câu nói đứt quãng không diễn đạt được điều muốn nói, bố tôi vùng chạy. Nhiều năm sau đó, những lần trở về lúc nào cũng vội vã. Mẹ gan lỳ không nhận bất cứ thứ gì. Tiếng thở dài cứ chìm mãi vào đêm, hun hút sâu.
Tôi thấy mình bắt đầu chìm, nước xộc vào mũi, vào mắt. Tôi chới với, vùng vẫy. Đôi chân không tài nào cử động được. Tôi hoảng loạn thực sự, hai bên bờ xa và rộng toác… Tôi hét toáng, vùng dậy. Tiếng chuông hai nhịp một cứ vẳng vào đều đặn. Thì ra tất cả chỉ là mơ, mồ hôi đẫm đìa lưng áo, tôi búi lại mớ tóc rối, hơi thở vẫn còn khó nhọc. Bao năm qua, giấc mơ của tôi luôn như thế, hỗn loạn và hoang mang.
*
Mẹ tôi tay xách nách mang ra chợ nào rau, nào chuối chín và mấy con gà cỏ. Vẫn là những bộ quần áo cũ, đôi dép tổ ong nhem nhuốc. Tôi làu bàu:
- Sao quần áo, giày dép con mua mẹ không mặc, mặc gì kì vậy, mấy thứ này bỏ đi được rồi.
- Cha bố cô, đừng có mà có mới nới cũ.
- Nới gì đâu, thời đại giờ khác rồi, mình cũng phải thay đổi chứ.
Con gái tôi quấn bà ngoại như sam, thường ngày dỗ nó ngủ tôi đến phát cáu, nhưng có mẹ tôi, nó chỉ nghe mấy bài hát ru là tì tì ngay. Tôi không biết hát ru nhiều, người ta bảo tôi đa đoan và trở thành người viết văn không khó; Dũng là một giảng viên về văn học cũng là điều hiển nhiên vì chị em tôi khác biệt. Chính tuổi thơ không lành lặn, lớn lên từ những vết thương lại bồi đắp tâm hồn một cách đặc biệt. Tôi không chắc vết thương kia đã liền sẹo, vì mỗi khi nhắc đến quá khứ, đôi mắt mẹ tôi vẫn man mác buồn, xa xăm. Tiếng thở dài trong đêm hun hút vẫn nhắc nhớ tôi và Dũng đừng bao giờ khơi lại. Tất cả những điều ấy chưa bao giờ thôi ám ảnh tôi, mẹ và Dũng.
Ba mẹ con tôi đã cố gắng đi qua giông bão, ít nhất là như thế.
Đêm. Tôi lại thấy mình trôi. Nhưng tôi không trôi một mình. Mẹ và Dũng bên cạnh, chúng tôi nắm chặt tay nhau, mẹ cười, nụ cười đã tắt bao năm. Bầu trời vẫn cao và xanh, ba mẹ con cứ trôi mãi, trôi mãi. Bờ vẫn xa tít tắp, nhưng tôi thấy có thuyền.
Dũng bảo “Chiếc thuyền ấy là tình yêu, là gia đình, nếu không muốn bơi nữa, thuyền sẽ chở chúng ta”!
H.M
(SDB12/03-14)
KHẢI NGUYÊN Pa-ri, mùa hạ năm 198...Vườn Bách thảo giữa thành phố kề sông Xen phía tả ngạn. Ông đến đây như một kẻ lánh đời, sợ nơi đông người. Thật ra, phần lớn đường phố Pa-ri trong giờ làm việc không ồn, không thừa thãi người đi nhong như ở Việt Nam. Em ông ở quê ra Hà Nội chơi đứng ngắm dòng người và xe nườm nượp qua lại cứ tự hỏi: những con người này đi đâu, về đâu mà tuôn mãi như là chẳng ai về nhà cả, như là cái "nghiệp" trời đày phải đi.
ĐỖ KIM CUÔNGNhiều năm trôi qua tôi đã trở thành người đàn ông đứng tuổi. Có một mái ấm gia đình, vợ con hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghĩ về nàng, một người đàn bà chỉ kịp quen trên chuyến đò từ Huế ra Phong Điền, chia tay nàng để nhiều năm sau, tôi mới được gặp lại nàng trong một hoàn cảnh khác, tôi vẫn giữ nguyên một cảm giác hết sức lạ lùng. Một ý nghĩa luôn ám ảnh tôi khá kỳ quặc rằng: Tôi đã bị nàng hiểu lầm, là một chàng lính giải phóng “hám gái, dại khờ”... Bởi vì sau vụ việc ấy, chính tôi cũng rủa thầm mình là ngu ngốc.
NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.
HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...
HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.
PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.
THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.
PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.
PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.
HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.
BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.
DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết (René Char)
ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.
NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.
NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.
NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.
NHẤT LÂM Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.
NGUYỄN TRƯỜNG Nơi hầm tối là nơi sáng nhất (Thơ Dương Hương Ly)
TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".
HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.