HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Hôm ấy là một hôm trời đặc biệt mù sương, khói sương như những tảng bông tan loãng và ẩm ướt, rây rây bụi trong không gian.
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức
Song dù có mù sương, dù có không nhìn thấy mặt nhau như thế nào, các sinh vật sống trên thế giới vẫn tiến hành các cuộc mua bán thường lệ. “Có thể không ăn sáng nhưng chúng tôi vẫn tiến hành các giao dịch thông thường” - Vẹt Xám, biên tập viên Hãng tin Sân Ga thông báo trên trang mạng nhà được phát trên một màn hình led dán ở bức tường lớn ngay giữa sân ga. Các sinh vật tiến hành các phiên giao dịch sôi động, hoặc vô tư, hoặc thủ đoạn, toan tính. Người ta giao dịch bán mua đủ thứ ở sân ga đó: kẻ bán xôi đậu, khoai lang, thức ăn nhanh (...), tài nguyên, rừng, xăng dầu, vũ khí, thuyền bè... và dĩ nhiên là có cả cà phê.
Ông lão Điền tuổi trên bảy mươi nói “Cho ông một li cà phê không đường”. Cô cháu gái Jeny Duyến nhìn ông: “Ông chờ một chốc nữa nhé, trong phiên giao dịch đầu tiên ông sẽ được mời cà phê mà”. Lão Điền ngước mắt lên không, ông tìm đỉnh cao tòa nhà building có đến cả hàng trăm nghìn tầng nhưng không thấy gì ngoài màn sương trắng đục, tất nhiên là càng không thể thấy tách cà phê sóng sánh mà ông đang cần trong một buổi sáng như thế này và thở dài.
Jeny Duyến trong trang phục quần jean áo pull mở nút ngực điệu đà, chân mang giày thể thao và chiếc ba lô nhỏ đeo sau lưng gọn gàng, đi như bước nhảy hoàn vũ đến trước quầy lễ tân. Gã nhân viên có cái miệng rất to, đôi tay rất dài xả cả luồng khói thuốc vào mặt cô gái như một động cơ xe máy hở pittong: “Cần gì cô em?”. Jeny Duyến cười, khẽ cúi người một chút, cái cổ áo trễ tràng một chút. Quả nhiên mắt của gã mở to gấp ba và chiếu 45 độ xuống khuôn ngực đầy đặn của cô gái, tai gã bị một giọng ngọt như đường chọc thủng: “Anh cho em hai vé lên phòng 8876 của tầng 88972 anh nhé”. Con mắt lồi không rời khuôn ngực, đôi tay dài xé ngay hai chiếc vé, và cái mồm rộng ỡm ờ: “Chúc may mắn nhé, em có thể để lại số điện thoại không?”. Jeny Duyến hào phóng một nụ cười bạch kim: “Lòng tốt sẽ được đền đáp mà” và bỏ đi, miệng chu lại: “Một con đười ươi put (mập) sao!?”
Hai ông cháu vào thang máy và ngồi xuống bên cửa kính nhìn ra sông. “Cháu quên mất là phải lấy cà phê vào đây uống, thời gian mất khoảng hai mươi phút đó ông”. “Ông biết mà, đã bảo lại không nghe”. Ông dán mắt vào cửa kính cố tìm một cái gì đó bên ngoài, nhưng sương vẫn không tan, trắng đục như sữa.
Ông cố của lão Điền tên là Lúa, đã mất một trăm năm trước, trối trăn cho lão bốn điều, trong đó điều thứ nhất: “Ở phía Nam, ta có một người bạn gái, năm nào vào ngày này tháng này cũng tặng ta một món quà, sau này không còn ta hay bà ấy nữa, con cháu họ vẫn sẽ gửi, cháu gắng đi nhận”. Ông tưởng tượng ra cảnh tượng ông cố Lúa, trên một chiếc thuyền đánh cá ọp ẹp. Năm nào đó ông ra khơi câu và một con cá kình lớn đã kéo ông và chiếc cần câu tri kỷ xuống phía Nam, dạt vào hòn đảo mà những cô gái da ngăm ngăm không bao giờ dứt nụ cười trên môi. Con cá ông bắt được là con cá lớn nhất mọi thời đại, khiến bao cô gái ở đó bị khuất phục. Ông đắm say và ở lại đến mười năm mới trở về bản quán. Inkilabana, người tình lãng mạn của ông, từ đó năm nào cũng gửi tặng cho ông một món quà.
Thang máy dừng, cửa mở. Hai ông cháu lên một chiếc xe điện chờ sẵn và Jeny Duyến bấm số 8876, gần như lập tức, xe đến ngay trước cửa phòng. Một con thỏ như là thỏ bông trắng tinh xuất hiện, giọng vui vẻ: “Mời quý khách vào”. Cửa mở, một con chim xanh ngồi sau chiếc bàn giấy cúi rạp người: “Kính chào quý vị!” và khoác cánh chỉ vào hai chiếc ghế đặt sẵn. Hai ly nước được đặt trên bàn. Ông lão Điền nhăn mặt: “Không có cà phê sao?”. Chim Xanh cười, đôi mắt tròn thiệt là tròn dịu dàng: “Ông thông cảm nhé, thời gian giao dịch quá ngắn, không đủ để uống một tách cà phê”. “Chúng tôi có gì?” - Jeny Duyến hỏi: “Một chiếc lông chim trĩ”. Jeny cau mày “Tệ đến thế sao”. Ngày trước chim trĩ hiếm, nhưng sau này, khi thế giới đã nhân bản được, nó không còn quý nữa. Nhưng ông lão Điền thì rất vui: “À lông chim trĩ, nhà ta chưa có, cám ơn. Chúng tôi sẽ gửi thư cám ơn cho họ sau”, ông lão Điền nói, “Cám ơn cô Chím Xanh nhiều, chúng tôi đi đây, không dám làm mất thì giờ của cô”.
Họ lại lên xe điện và cô gái ấn số 0008 để đến phòng lễ tân, chuẩn bị lên tầng khác. “Ông có cần một ly cà phê không?”. “Có lẽ không, giao dịch sẽ rất nhanh và chúng ta sẽ uống cà phê ở nhà, được không?” Cô cháu gái gật đầu. Họ lên phòng 99883. Một con gà trống khoác cái mào đỏ chói rộng vành trông rất chảnh mời họ vào. Một chàng trai lịch thiệp nhã nhặn mời cả hai ông cháu ngồi và thông báo: “Hôm nay có một tình yêu gửi đến quý vị, một chiếc bánh chocolate, và một bài thơ”. “Hay quá”, ông lão Điền reo lên. Jeny Duyến im lặng. Ông lão nói cho cả hai cùng nghe: “Ngày xưa, có một lần người ta tuyển thợ kỹ nghệ, ông cố Lúa của tôi lên tàu sang phía Tây. Ở đó, đôi tay tài hoa của ông khiến rất nhiều cô gái mê mệt, trong đó có Jenny Usara. Đến khi ông cố Lúa của tôi quay về, Jenny Usara không chịu nổi, cắt mái tóc vàng huyễn hoặc trao cho ông và bảo đến một trăm nghìn năm sau, vẫn sẽ có quà tình yêu gửi về xứ sở của ông. Chàng trai lịch thiệp: “Chúc mừng hai ông cháu, xin chúc may mắn”. Jeny Duyến xin phép mở quà. Đó là một chiếc bánh sô cô la vừa phải, nhưng độ tinh xảo thì quá hoàn hảo. Phía trên chiếc bánh, đôi gà tây đang khiêu vũ, và từ chiếc bánh, giai điệu của bài dân ca Pháp Frère Jacques (Kìa con bướm vàng) vang lên. Mắt ông lão Điền rơm rớm. Jeny Duyến thì ngây ngất nhìn và cô nhìn chàng trai: “Cám ơn anh”.
“Có lẽ ông cần một tách cà phê ngay bây giờ cháu gái ạ”, “Vâng, ta sẽ dùng cà phê ở quầy lễ tân”. Cô nắm chặt tay ông lão. “Không biết ngày xưa sao mà tình yêu lại thiêng liêng đến thế?”, Jeny Duyến hỏi giữa trống không. Khi cà phê được đem đến, ông lão Điền nhấp một ngụm thỏa mãn và nhìn cháu gái: “Biết vì sao thiêng liêng không? Là vì họ biết sống cho tình yêu”.
Tầng 56374. Món quà từ phía đông. Người cha của ông cố Lúa ngày xưa trong một trận thủy chiến, cứu công chúa vương quốc Đông Jagha, được vua vời làm phò mã, ông xin phép được chối từ bởi có người vợ hiền đang mong chờ ở quê nhà. Công chúa Đông Jasha cảm kích tấm lòng son sắt thủy chung, lưu ông lại mấy hôm và tình yêu của họ nảy nở. Đến khi ông quay về, nàng cởi dải yếm tặng ông, như một dấu thề. Hai ông cháu vào phòng 56012. Hai nàng Thanh Xà, Bạch Xà cực kỳ lộng lẫy mời họ ngồi. Ghế quả nhiên là hết sức thú vị, bởi đó là những con rùa. Thấy ông lão ngần ngại, con rùa nghểnh cổ lên: “Quý khách cứ ngồi đi, lương của tôi ở đây rất cao”. Câu nói khiến ông lão Điền phì cười và thoải mái ngồi lên con rùa. Thanh Xà bảo: “Món quà của ông lần này là một chiếc vỏ ốc”. Một chiếc vỏ ốc từ biển phía đông đẹp đến mê hồn. Nó ánh lên những vũ điệu tình yêu. Nó lung linh những âu yếm và dát lên mắt người xem những lời tình tự. Ông lão cầm chiếc vỏ ốc đưa lên miệng thổi, một không gian lập tức ngập chìm trong giai điệu cổ xưa, đầy tiếng lạu phất phơ và đường gươm múa linh động và nghiêm cẩn, trung tín... Jeny Duyến ngồi thừ người, có lẽ tương lai ta sẽ sang phía Đông du lịch xem có gì ở đó mà bí ẩn vậy, cô tự nhủ.
Hai ông cháu đến tầng 77777 để nhận món quà cuối cùng, từ phía Bắc. Những chặng lên xuống thang máy, đi xe điện và những cảm xúc dâng trào khi nhận quà đã khiến họ mệt. Ông lão ngồi uống chai bia và Jeny Duyến gọi cho mình một chanh rum. Ông lão nhìn ra cửa kính và cảm thấy lạ bởi đã xế trưa rồi mà sương vẫn không tan, vẫn vần vũ như những tảng bông loãng phía bên ngoài. Có tiếng ồn ào trong quầy căn tin. Bấy giờ ông lão mới nhận ra tiếng ồn thoát ra từ bàn bên cạnh, nơi một số thanh niên đang tụ tập uống rượu. À, hôm nay là ngày chủ nhật, ngày họ có thể uống rượu từ sáng đến chiều. Hình như cuộc rượu cũng chỉ mới bắt đầu. Một người trong họ tuyên bố, cứ mỗi chuyến tàu qua là toàn bàn uống hết một li. Cả bàn vỗ tay hoan hô nhất trí. Ông lão nhìn họ vừa cảm thông vừa âu lo. Ngày xưa ông cũng có những cuộc rượu bất tử như thế, uống mà không biết mình sẽ đi tới đâu, để làm gì, chỉ biết uống cho say chết bỏ, cho chứng tỏ ta đây tửu lượng kinh người, cũng để giải bày cái gì đó, hay để như thế nào đó, không cần biết, chỉ biết uống càng nhiều càng tốt, thế thôi. Ông chợt lo khi một chàng trai đang liếc nhìn cháu gái ông. Ông biết Jeny Duyến rất mê chơi và uống rượu rất được. Ông lo vậy và biết mình lo hão, ngày xưa của ông rồi cũng qua đó thôi.
Ông nhìn ra cửa, sương vẫn trắng như bông...
Ông quay lại, Jeny đã bỏ đi đâu mất rồi. Ông hoảng hốt rồi nhận ra Jeny đã lớn. Nó có đi theo lũ con trai uống rượu thì cũng chịu nó chớ sao. Thôi thì tự mình đi nhận quà một mình vậy. Ông đến phòng 7701, bước vào và khép cửa lại. “Anh khóa cửa giùm em với” - một bóng ma hồ ly tinh xinh đẹp hiện ra mỉm cười quyến rũ ông. Bất giác ông cũng khóa cửa như một phản xạ tuân lời. Phòng không có bàn ghế, chỉ có một chiếc giường kê kín đáo trong phòng. “Hôm nay em chỉ có anh là khách thôi, ngoài ra không còn ai khác. Chủ nhật anh à, thoải mái đi”. Ông lão lúng túng, tay chân run rẩy. “Em có thuốc cho anh đấy, anh uống nước đi”. Bóng ma ảo huyền xinh đẹp vừa nói vừa bưng ly đưa lên miệng ông, khuôn ngực áp chặt vào người ông. Ông vừa dằn lòng từ chối nhưng tay ông vẫn theo tay cô gái ma mị, miệng ông vẫn uống nước thuốc của cô gái. Và ông thấy tự nhiên mọi nỗi sợ hãi tan biến, ông trở lại là chàng trai hai mươi.
Ông mơ thấy một tráng sỹ bị giải đến trước một chiếc bàn lớn có rất đông quân lính ngồi quanh. Trên bàn có một chiếc đầu lâu đặt trên chiếc dĩa có một cây dao gác sẵn. Bên cạnh có một bình rượu bốc mùi thơm phức. Đám đông quân lính bu quanh và nói: “Này tráng sỹ, xem tráng sỹ có gan lớn đến chừng nào?”. Chúng nói rồi cười hô hố. Tiếng cười của chúng tắt hơi im bặt bởi tráng sỹ bỗng ngửa mặt cười lớn: “Một bữa nhậu thịt đầu lâu, mơ đã lâu nay mới toại nguyện, cám ơn lòng tốt của quý vị”. Tráng sỹ cầm lấy dao cắt một cái tai, uống bát rượu lớn. Tráng sỹ uống đến đâu, đám đông bu quanh vỡ mật chết đến đó. Rồi tráng sỹ bước vào trong, cứu cô gái ra khỏi vòng vây: “Nàng cầm cây dao này và chạy thoát đi, ta sẽ chặn quân giặc tham lam cho nàng”. Quân giặc vây lại, và những nhát dao cứa vào tráng sỹ làm cho ông đau đớn...
Ông quả nhiên đã đau đớn và kiệt sức. Gần như ông đã bị vắt đến kiệt sức, bóng ma hồ ly ngồi dậy, vắt sỗ sàng sợi quần mỏng lên mặt ông.
Ông ra khỏi phòng với món quà trên tay mà không kịp nghe hay nói một tiếng gì.
Món quà trên tay ông là một cây dao cổ.
Ông gọi Jeny Duyến ơi...
Khi ông ra đến sân ga, trời vẫn mù mịt sương.
Ông tuyệt vọng ngồi xuống. Ông đang nghĩ đến chuyện khi ông giã từ cõi đời này, ai sẽ thay ông đi nhận các món quà?
Bỗng nhiên điện thoại của ông bíp bíp. Tin nhắn của Jeny Duyến. Không biết cô gái nhắn gì mà ông lão Điền nở nụ cười trong sương.
H.Đ.T.N
(TCSH377/07-2020)
NHẤT LÂMKinh thành Huế năm Bính Thìn, thiên hạ xôn xao vì một vụ án đại hình gây bất bình trong cả nước, và để lại cho hậu thế một nỗi tiếc thương khôn nguôi cho hai nhà chí sĩ.
XUÂN ĐÀILàng Tân Mỹ Đông nằm dưới chân núi Tịnh Hồng, trước năm 1975 là vùng của quốc gia, nói cho ngay ban ngày quốc gia điều khiển về hành chính, ban đêm “việt cộng” kiểm soát mọi mặt. Trong làng nhiều người đi lính hai phía, phía nào cũng có sĩ quan cấp tá, cấp úy và binh nhất, binh nhì…
TRẦN DUY PHIÊN1. Xuống tới biền, Lê và tôi thấy chú Phip và hai con bò đứng bên giàn cày. Chẳng chào hỏi, chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi tiếp tục đắp bờ mương ngăn đất trồng rau với cái tum đổ nước vào sông Dakbla, còn Lê lo chỉ việc cho chú ấy.
QUỲNH VÂN"Lục bình vừa trôi vừa trổ bôngLục bình không kịp dừng để tím..."
TRÚC PHƯƠNGÔng già ngồi trên chiếc ghế bố làm bằng manh bao phía dưới bóng cây đa lão – trụ sở của Hội những người bán máu kia, sinh năm 1919, tròn 82 tuổi.
NGUYỄN THỊ THÁI Ngoài vườn có tiếng đánh sạt. Lại một chiếc tàu cau rơi. Con Vàng buồn bã đứng dậy, thất thểu đi ra. Hình như tiếng rơi khiến nó đau lòng.
HÀ KHÁNH LINH "Con gái PhổỞ lỗ trèo cau"
TÔ VĨNH HÀChỉ còn ít phút nữa, cái công việc căng thẳng, vừa đơn điệu vừa nặng nề của chúng tôi sẽ kết thúc: Buổi chấm thi sau cùng của một mùa tuyển sinh đầy sóng gió…
TRẦN DUY PHIÊN - Cắp vở qua bên chú Kỳ nhờ chú chỉ cho mà học! - Mẹ tôi nói. Tôi vẫn giả bộ không nghe. Những con tò he bằng đất do tôi nặn lấy chưa khô. Tôi mà bỏ đi có người phá - Nói thế mà không thủng tai ư? - Mẹ đảo mắt tìm một vật gì đó làm roi.
HOÀNG THÁI SƠN Dì Ty khép cửa rồi ngồi vào góc giường lôi tiền dưới gối ra đếm. Hai tờ hai mươi ngàn, một mới, một cũ gấp đôi gần đứt rời; hai tờ mười ngàn, một mới, một cũ dính vẩy cá; một tờ năm ngàn quăn góc; hai tờ một ngàn dính mực và âm ẩm. Sáu mươi bảy ngàn cả thảy. Đếm lần nữa: sáu mươi bảy ngàn. Rồi dì mở rương, xếp tiền vào từng ô.
NGUYỄN THANH VĂN"Làm sao em biết bia đá không đau…"
PHẠM NGỌC TUÝTất cả chỉ vì con nhỏ đó: Nó tên thật là gì, tôi không rõ. Tú gọi nó là nhỏ Mai, nó gầy và xinh. Nói rằng nó xinh, e chưa đủ. Nó ngầu, nó phá, nó là con bé nghịch như quỷ.
MẠC DO HÙNGBố nhắn tôi mời Sĩ về làng tu sửa bức tượng Thành Hoàng. Sĩ nghe tôi nói, trầm ngâm: "Cho mình thời gian suy nghĩ, Bỏ nghề lâu quá rồi, không hiểu đôi tay có còn cảm giác!"
TRÚC PHƯƠNGDừng lại nghỉ chân, chị Dần tựa lưng vào gốc cây cơm nguội râm bóng bên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên dốc Lưng Mây. Mấy cô gái Stiêng quảy gùi đi ngược ra phố trấn chốc chốc gởi lại nụ cười tự nhiên như hoa cỏ cho người phụ nữ miền xuôi đi thăm người nhà trong trại.
LÊ GIA NINHMột danh nhân nào đó đã nói rằng: "Người đàn bà có hai lần dễ thương. Một lần trên giường cưới và một lần trên giường chết". Riêng tôi, tôi thấy mỗi tháng người đàn bà có thêm một lần dễ thương nữa. Đó là kỳ nhận lương của chồng.
QUỐC THÀNH Năm ấy lên cao nguyên thăm anh bạn, biết tôi lần đầu đến anh dẫn ra trung tâm xã coi cho biết, cũng là lúc dân đi rẫy về. Ngược chiều chúng tôi là một ông già, mắt nhìn xuống miệng cứ lẩm bẩm: "Muộn rồi, Muộn rồi". Tôi nghĩ ông vội đi đâu đó, chắc nóng lòng lắm.
ĐÀO DUY HIỆPNgày xưa có một chàng trai rất lịch sự. Anh thường có nhiều khách đến nhà chơi.
TRẦN THỊ TRƯỜNGCái tin đám ma ông S chỉ có chiếc quan tài rỗng dù dấu kín đến mấy cũng cứ lan đi. Mấy "nhà báo trẻ" cứ nhớn nha nhớn nhác muốn gặp thân nhân phỏng vấn, ghi hình nhưng nhìn thấy cái vẻ lãnh đạm của H. bác sĩ quân y, con trai ông, liền co cả lại.
NGUYỄN HỮU THÔNGChao ơi? Xin chào Thầy, lâu ngày ghê.Tôi lúng túng một hồi mới nhận ra cô Sen. Trước mắt tôi bây giờ là một thiếu phụ với nụ cười tươi, rạng rỡ, nhưng vẫn không làm phai đi trên khuôn mặt gầy những vết hằn khốn khó.
ĐOÀN LÊ Tặng anh tôi Anh làm khoa học, tôi là diễn viên nhà hát. Riêng điều đó đã không hợp nhau. Nhưng tuổi trẻ không chịu nghĩ chín chắn, chúng tôi cứ yêu nhau bất chấp mọi giông bão ở cả hai phía gia đình.