PHẠM THANH HÀ
Mùa hè ập đến đột ngột và tỏ ra khắc nghiệt ngay từ những ngày đầu tiên. Mặt đường nhựa như bị đun cho đến nóng chảy dưới chân, nóng đến nỗi sự xuất hiện của những nụ hoa loa kèn trắng xanh và e ấp cũng chẳng đem lại được một ấn tượng gì đáng kể.
Minh họa: Bửu Chỉ
Thế nhưng, như một kẻ đùa dai và không biết phép tắc, bất kỳ là đã tháng năm, gió mùa đông bắc thỉnh thoảng vẫn cứ chen vào giữa những ngày nắng nóng để bất ngờ tạo nên những buổi chiều ẩm ướt và dịu mát, với một chút mưa bụi thoảng qua và những cơn xao xác nhẹ của lá vàng. Người ta quên mất mình đang ở mùa nào, năm nào, thậm chí tuổi nào, vào những buổi chiều như vậy. Và ở một cái thành phố có đến 3/4 số dân mà sự biến đổi tâm tính phụ thuộc hoàn toàn vào biến đổi thời tiết, niềm quên lãng đó thường làm các quán rượu đầy lên so với mọi ngày.
Vừa nhấp môi vào chén rượu có vị nhân nhẩn đắng của một thứ rễ cây rất khó xác định nào đó, vỉa hè trước một quán rượu ở góc phố Nguyễn Du, Đỗ vừa lặng lẽ nhìn ra phía hồ. Quán rượu không còn chỗ để ngồi. Bên cạnh anh, vẫn là mấy gương mặt cũ của những bạn rượu chiều nào cũng gặp. Vẻ hững hờ xa vắng của một nhà thơ già, và đối lập với nó là sự bắng nhắng bất tận của một anh bạn họa sĩ cũng không còn trẻ... tất cả những cái trò đều cũ kỹ và quen thuộc. Thực ra lúc này anh cần ngồi một mình, một mình, với cơn mưa bụi và những chiếc lá thong thả xoay chầm chậm, chầm chậm trước khi rơi xuống mặt đường...
- Thời tiết gì mà kỳ lạ.
Nhà thơ già lẩm bẩm, mắt vẫn xa vắng, không ai trả lời ông.
Đỗ im lặng. Chén rượu trước mặt anh đã vơi quá nửa. Anh thích ngồi trên vỉa hè thế này, để nhìn ra ngã tư trước mặt. Chiều đã xuống, đám mưa bụi mơ hồ đã ngưng lại ở trên không và một cô gái thong thả đi ngang qua trước mặt anh với chiếc ô màu xanh lá mạ vừa cụp lại.
- Thời tiết kỳ lạ thật.
Lần này người thốt lên câu ấy là bà chủ quán một người đàn bà gầy gò, có tia mắt lạnh lẽo và giọng nói the thé. Giữa hàng tràng những lời than vãn về giá cả mà bà ta vừa tuôn ra, câu nói đó bỗng nhiên mang một vẻ gì rất lãng mạn và làm Đỗ bất giác mỉm cười. Buổi chiều yên tĩnh hơn anh tưởng. Anh đã ngỡ là với thời tiết này, rất có thể anh sẽ làm một việc gì đó không bình thường - đập vỡ một cái chén, khi nó đã không còn rượu, hoặc đi lang thang cho tới tận khuya để rồi về nhà cau có với vợ... hóa ra trong anh, mọi cái vẫn yên bình... và mỉm cười, anh nhấp thêm một ngụm rượu nữa.
*
Đầu tiên, không ai để ý tới người điên. Chỉ tới lúc tiếng ồn ào mà đám trẻ con gây ra đã tới rất gần, những người trong quán rượu mới ngẩng đầu lên. Và cùng lúc, tất cả đều giật mình, trước mắt họ xuất hiện một người đàn bà, một người điên, một người đàn bà điên trần truồng, tay vung vẫy một cành lá xanh.
Người đàn bà điên đang hát, không để ý tới mấy đứa trẻ lêu lổng chạy theo và ném đá vào mình, không để ý đến tiếng cười của người qua lại, không để ý đến những người đàn ông trong quán rượu, không để ý đến bất kể một cái gì. Mái tóc cô ta ngắn ngủn, lởm chởm bao quanh một khuôn mặt lọ lem, không thể đoán được là xấu hay đẹp. Nhưng thân hình cô ta, từ chiếc cổ thon và xuôi xuống bờ vai hẹp, bộ ngực mới nhú đến đường hông tròn và cặp đùi thẳng... có một cái gì đó để đám đàn ông quán rượu phải nhỏm dậy.
- Đẹp thật, không kìm nổi, một người thốt lên.
- Nhưng mà điên... một giọng thấp hơn trả lời.
Bà chủ quán quay ngoắt ra phía sau bằng một cử chỉ gần như vô tình của bàn tay che đi bộ ngực lép xẹp của mình:
- Khốn nạn, trông kìa, mắt với mũi gì mà hau háu - giọng the thé của bà ta cất lên, không biết mắng ai, hay mắng ông chồng vừa chạy ra. Đỗ giật mình, quả thật từ nãy, mắt anh không rời cô gái điên.
Cô gái điên tiếp tục đi về phía hồ, đúng hướng nhìn ban nãy của anh. Rất thong thả, từng bước một, cô gái điên tới bên cây cột điện, dừng lại, nhìn lên bầu trời xám và trong. Rồi đột ngột, cô ta quay ngoắt lại vẫy vẫy cành lá xanh. Tỏ ra vẫy ai. Đỗ chợt thấy lòng mình nhói lên. Cô gái điên ngồi xuống bên chân cột điện, trời còn sáng rõ để anh nhìn thấy vẻ trắng trong trên thân hình cô - và anh nghĩ tới một chiếc nụ hoa loa kèn.
- Công an đâu mà cứ để con điên chẳng quần chẳng áo gì hết lang thang ngoài phố - bà chủ quán rít lên, vẻ đanh ác.
- Mất mỹ quan... một ai đó nói.
- Thôi đi ông, vừa khen đẹp xong.
- Đẹp nữa mà điên thì cũng chịu...
Đỗ không quay đầu lại. Anh không muốn phải nghe những lời nói, những tiếng cười trong quán, không muốn phải nhìn những con mắt đùng đục hơi men chứa đựng ham muốn thú vật của đám khách hôm nay. Và anh ao ước được đổi tất cả những gì mình có trong tay lúc này để có cái cảm giác yên tĩnh nhìn những chiếc lá xoay chầm chậm... cái cảm giác trước khi cô gái điên xuất hiện anh đã có.
Gỡ nốt một mảnh vải còn sót lại ở cổ chân và vứt nó ra xa, cô gái điên ngả mình xuống cỏ, gối đầu lên cột điện, cành lá xanh buông thõng một bên. Với một nụ cười rất dịu dàng, cô ta ngắm tất cả những người qua lại. Không ý thức gì về sự khỏa thân của mình, cô ta ngồi bình thản, trong sáng - sự bình thản, trong sáng cô vừa lấy mất của anh - và anh thấy tim mình thắt lại vì nhận ra vẻ bình thản, trong sáng toát ra một sự khao khát mà anh thấy ở trong cô.
- "Cô ta điên, cô ta điên, cô ta điên...", anh thầm nhắc đi nhắc lại để trấn an mình và quay đầu vào phía trong.
- Mình rất thích cái minh họa gần đây của cậu - ông họa sĩ bắng nhắng bắt chuyện với anh.
Anh toan trả lời, bất chấp tiếng lẩm bẩm "Vénus ngủ" của nhà thơ già ở ngay bên tai. Nhưng anh chưa kịp nói gì, bà chủ quán đã kêu lên thảng thốt:
- Kìa!
Tất cả mọi người đều quay lại, tất nhiên, về cái hướng mà họ đã quay đi.
Một người đàn ông đang đi đến gần cô gái. Một người điên khác hay một gã ăn mày? Hắn ta mặc một bộ quần áo rách, đội nón rách... trên cái hình thù xộc xệch của hắn, chỉ đôi mắt là đáng để ý.
Đỗ không thể không nhìn vào đôi mắt ấy. Hắn đứng cách anh không xa, và anh nhìn thấy trong đôi mắt ấy không có sự thèm khát muông thú như anh nghĩ là phải có. Đôi mắt ấy chứa đựng chính nỗi đau đớn mà anh mang trong mắt mình. Nhưng kẻ điên, hay gã ăn mày kia, lại không ngồi nhìn, hắn ngồi xuống bên cô gái điên, vuốt nhẹ bàn tay lên mặt cô, lên thân hình cô. Và rồi tự tin, chậm rãi, hắn cởi dần những chiếc nút của cái mớ rách mướt trên người.
Sự việc đó làm mọi người lặng đi giây lát. Bà chủ quán ngoảnh hẳn mặt vào trong và có lẽ cho rằng cái phần đàn bà trong bà ta đang bị xúc phạm quá nặng nề, bà ta nhăn mặt kinh tởm, không thèm nói lên một tiếng nào.
Đỗ nhìn thấy hai cánh tay trần của cô gái điên quàng chặt lên cổ gã ăn mày và khuôn mặt lọ lem của cô ta rạng rỡ lên đến mức không ngờ tới. Và anh chỉ nhìn thấy có thế. Từ một quán nước bên cạnh, một bà cụ cầm manh chiếu rách chạy tới, vội vàng, đậy lên hai tấm thân trần.
- Nhìn gì, lũ điên! Bà cụ mắng mấy người đang xúm lại gần đấy.
Mấy phút trôi qua khi manh chiếu rách được gã ăn mày lật ra, cô gái điên đã ngủ - ngủ với một nụ cười dịu dàng. Tên ăn mày, một lần nữa, dùng bàn tay vuốt nhẹ lên mặt cô ta. Và hắn lục lọi rất lâu trong cái bị rách hắn mang theo lấy ra một trái hồng xiêm.
Đỗ nín thở nhìn hắn. Trái hồng xiêm tròn trịa, xanh mượt với một chiếc lá tươi. Tên ăn mày vuốt ve trái hồng xiêm như vuốt ve một vật gì quý báu, rồi nâng niu, với tất cả hai bàn tay, hắn đặt trái hồng xiêm bên cạnh mái tóc lởm chởm của cô gái điên. Rồi hắn đứng dậy chậm chạp đi về cuối con đường ven hồ.
Đỗ không thể ngồi chiều đã hết, những chiếc lá vàng đã thôi xoay chầm chậm... chỉ còn lại sau lưng anh cơn mưa bụi lại đổ xuống và bóng đêm mới bắt đầu.
Hà Nội 4-5-1987
P.T.H.
(TCSH43/06-1990)
NGUYỄN NGỌC LỢITối đó bản Phiệt có buổi liên hoan văn nghệ. Cơm chiều xong Tản đưa tôi vào đó chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị đi thì một cô đang dẹp đám cuốc xẻng trong góc lán nói vọng ra. Anh Tản mà đưa anh ấy đi thì có mà... Anh ấy đẹp trai, gái bản theo hết, mất phần đấy... Tản cười, cho theo bớt chứ một mình tôi... mệt lắm.
LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.
NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.
ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.
HỒNG NHU Xóm phố nằm trên một khu đất trước đây là một dẫy đồi nghe nói vốn là nơi mồ mả dày đặc, phần lớn là mồ vô chủ không biết từ bao đời nay; và cũng chẳng biết nơi nào có nơi nào không, bởi vì gần như tất cả mồ mả ở đó đều đã bị thời gian mưa gió bào mòn, chẳng còn nấm ngôi gì cả.
TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.
THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn” Trịnh Công Sơn
THÁI KIM LAN(tiếp theo)
NGUYỄN ĐẶNG MỪNGLGT: Cuộc sống cứ lao về phía trước, song những tâm hồn đa cảm thì lại hay ngoảnh nhìn về phía sau. Nước nhảy lên bờ là ánh nhìn về những ngày đã qua giữa một vùng quê bình yên của “đêm trước đổi mới”. Một bức tranh quê sống động, dung dị song ngổn ngang những cảnh đời, những cảnh tình mà chúng ta không được phép quên, bởi tư duy đổi mới của đất nước hãy còn tiếp diễn...
VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.
I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.
Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...
Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.
Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.
Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.
Chúng tôi tìm được địa điểm chốt quân khá lý tưởng. Đấy là chiếc hang đá ở lưng triền núi; hang cao rộng vừa lõm sâu vào vách núi. Cửa hang được chắn bởi tảng đá khổng lồ, rất kiên cố; dù máy bay Mỹ có phát hiện thấy cửa hang mà phóng rốc két, đánh bom tấn thì người ở trong hang vẫn chẳng hề gì! B52 có rải thảm bom thì lại càng không ăn thua.
Sau khi dọn bàn ghế xong, bà Lan chọn chiếc bàn kê sát ngoài cửa ngồi trang điểm. Từ ngày mở quán, bà đâm ra có thói quen ngồi trang điểm như thế, vừa tiện việc mời chào khách, vừa có đủ ánh sáng đầu ngày.
Chiếc váy của Tuyl Cleng va quệt không ngớt vào mấy vạt cỏ hai bên vệ đường. Những chỉ hoa văn ở riềm váy trông như hai cánh tay chạy như bay xuống đồi. Cuốn vở học trên tay cô nhịp nhàng lên xuống như chiếc quạt diễn viên múa. Mùa xuân sắp đến, trời đất như rộng rinh thêm. Những con chim trao trảo, chèo bẻo, ta li eo... cũng hót vang bên rặng rừng, vui lây theo nỗi vui của Tuyl Cleng.
Ven Hồ Gươm ở phía lề đường bên phải, cách chân tượng vua Lê Thái Tổ ước ngoài trăm mét, luôn có một bồ đoàn. Bồ đoàn là chừng dăm tấm thảm Tầu rải sàn nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc được các gia đình Hà Nội trung lưu ưa dùng.
1Sau lần đi gặt thuê cho đồng bào dân tộc ở Vĩnh Thạnh về, tôi bị trận sốt rét nặng. Dai dẳng trở đi trở lại gần ba tháng mới khỏi. Những ngày sau đó, trong người thấy cứ nôn nao, bứt rứt.