Thú lội lụt ở Huế

08:54 16/10/2013

BÙI KIM CHI

“Tháng 7 nước nhảy lên bờ”. Mà lên bờ thiệt. Mưa. Mưa. Mưa… kéo dài lê thê. Lúc đầu nhỏ sau lớn dần. Nặng hạt. Xối xả. Cây cối trong vườn ngả nghiêng theo mưa và gió. Cây Lựu trước sân nhà tôi tơi tả. Trời tối dần. Mưa càng lúc càng to. Ào ào như thác đổ. Mưa suốt đêm. Sấm đất cuốn vào mưa. Ầm ầm. Ào ào. Âm thanh rộn rã…

Nhọc nhằn ngày lũ. Ảnh: Duy Phong

Có lẽ lụt - tôi nhủ thầm. Màn đêm bao trùm vạn vật trong mưa. Sáng mai mà lụt thì được nghỉ học, được lội lụt. Lụt?... Lụt?... Giấc ngủ đến với tôi thật nhanh bởi tiếng sấm đất, tiếng mưa đêm dồn dập to, nhỏ đều đều không dứt - mưa lụt.

Thức giấc thì trời đã sáng. Tiếng sấm đất vẫn ì ầm kéo dài như tiếng súng. Tôi vội vàng mở cửa sổ nhìn ra sân tìm lụt. Lụt thật rồi! Nước lấp xấp trong sân nhà tôi. Khấp khởi mừng thầm trong bụng, tôi khẽ đóng cửa sổ tránh mưa. Trời sáng dần. Trong nhà mọi người xôn xao: “Lụt rồi! Lụt rồi”. “Nhà mình cao mà có nước như ri là mọi nơi đều có nước lụt rồi”. Em tôi vỗ tay la lên. Mạ tôi mắng yêu: “Cha mi”. Tôi cũng mừng lắm nhưng không la lên như em. Buổi sáng. Đội mưa đi học. Mưa vẫn rất lớn. Hai bên đường trong Thành Nội nước ao chảy mạnh… Ngang qua cầu Trường Tiền, gió và mưa chực sẵn đổ nhào vào người tôi. “Thân gái dặm trường”, “Liễu yếu đào tơ”- cải lương dễ sợ. Lạnh, mưa, gió làm cho người tôi và xe chao đảo, nghiêng ngả theo gió. Tôi phải cố sức ghì chặt guidon xe. Nước sông Hương lên. Bình thường trong xanh bây giờ đục lờ. Cuồn cuộn. Hối hả. Đuổi nhau. Đò tấp vào bờ. Cư dân đò xôn xao lên đường…

Ngôi trường màu hồng thấp thoáng trong mưa. Hàng phượng già trong sân đìu hiu, xác xơ. Sân trường nhốn nháo tiếng học trò lẫn vào tiếng mưa ào ạt. Xanh, trắng, vàng, tím di chuyển. “Có học không?”. “Chắc được nghỉ học”. “Lụt sắp tới nơi”… Tiếng chuông điện báo hiện giờ vào lớp. Sân trường vắng tiếng học trò nhường chỗ cho tiếng mưa và gió ào ào xối xả qua máng xối ở một góc tường hồng. Con đường đất trước hành lang lớp học ngập nước - nước ứ. Nhìn vẫn cứ thích mắt. Mọi cặp mắt đều hướng về cửa lớp chờ đợi. Theo lệnh của nhà trường, chúng tôi được nghỉ học vì nước sông Hương tràn bờ ở Đập Đá. Cả lớp ồ lên. Gương mặt rạng rỡ. Sắp được “lội lụt”. Về đường nớ, đi tê mới có nước lụt. Các bạn xôn xao lên kế hoạch. Tháng 7 âm lịch nước sông Hương hay nhảy lên bờ nên các bạn thường đi bộ đến trường để thuận tiện cho việc “đi lội lụt”. Không hiểu sao tôi lại đi xe đạp. Khờ quá. Một mình đạp xe về nhà. Bên lề đường Lê Lợi, các anh Quốc Học đang “chần chờ” dưới mưa để “đợi” các nàng Đồng Khánh. Nước sông Hương chỉ mới tràn lên mé công viên chưa ra đường nên nhóm bạn ở khu vực gần trường phải theo các bạn ở Chợ Cống, Đập Đá để lội lụt. Các bạn vẫy gọi tôi. Nước Đập Đá tràn bờ từ sáng sớm nhưng chưa đến nỗi nào, xe và người có thể qua lại và học trò thì vẫn có thể “lội lụt” thoải mái nhưng phải thăm chừng nước lên “đột ngột” - kinh nghiệm lội lụt của các bạn nhà ở Đập Đá và chợ Cống. Hai nơi có lụt sớm nhất.

Nhà ở Thành Nội nên tôi đi lội lụt cùng nhóm bạn ở trong thành. Mưa vẫn nặng hạt nhưng gió thì có nhẹ hơn, đang cùng mưa lượn khắp nơi nhìn người lội lụt. Chúng tôi, năm đứa hẹn nhau ở trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Trường ngập nước. Không còn học trò. Mưa bỗng ào ào rất to. Ngang qua Tam Tòa, một chiếc xe hơi ào tới làm nước vỡ òa trước mặt chúng tôi. Nước trên đường nhấp nhô. Nghiêng qua. Đảo lại. Nước tung đầy mặt. Cả bầy con gái tắm trong nước. May mà có áo mưa che. Năm đứa quây tròn ôm nhau, Tương Ngẫu, Ngọc Khánh, Bích Hà, Ngọc Thạch và tôi. “Bất lịch sự” - Bích Hà nhìn xe phàn nàn. Tôi vuốt vội nước trên mặt rồi hồn nhiên: “Lội lụt mà lịch sự gì. Mặc ai nấy đi. Xe đi. Người lội. Nước vung vẩy. Ấy đừng nhiều chuyện”. Bích Hà nguýt yêu tôi: “Cái con ni”. Thạch, Ngẫu, Khánh nhìn tôi và Bích Hà, cười. Đoạn đường này tương đối cao nên khoảng ở giữa đường nước chỉ qua mắt cá chân một chút. Mặt đường trải nhựa nên nước tương đối trong, thấy rõ đôi chân thon nhỏ, xinh xinh của năm đứa con gái lấp lánh trong nước. Guốc mộc, quai guốc trong hất nước tung tóe. Chúng tôi lội dần đến đường Âm Hồn gần trường Trung học Bồ Đề. Đoạn đường này nước sâu đến đầu gối do thấp vả lại nước ở các hồ tràn lên đường chảy khắp nơi. Trên đường, con trai, con gái nhởn nhơ lội lụt. Xôn xao. Rộn ràng. Ơi ới gọi nhau. Mưa hát. Mưa reo. Nhạc nước rì rào lẫn vào âm thanh bì bõm đều đều của những bước chân học trò trong nước đưa lên bỏ xuống, đẩy tới hất lui. Chuyên nghiệp “lội lụt”. Con đường này gần trường Trung học Bồ Đề, Hàm Nghi, Nữ Thành Nội nên học trò lội lụt đông vui. Lội lụt để tìm nhau, để nhìn nhau. Đứa đẹp. Đứa dễ thương. Cứ lội qua, lội lại, lội tới, lội lui… nhìn nhau. Con trai “ngắm” con gái. Con gái “nhìn” con trai. Khen đẹp, chê xấu, được được, dễ thương đủ hết. Lội trước mặt để nhìn, lội sau lưng để hóng chuyện của con gái. Con trai đi lội lụt chỉ có thế. Con gái lội lụt nửa ham vui, nửa ưng làm điệu lội lụt tà tà với gương mặt “tỉnh tỉnh” nhạt nhòa trong mưa cho các anh say sưa ngắm. Thấy các anh mà “tội”. Thấy các em mà “thương”. Nước trên đường vẫn tuôn. Nhấp nhô thành từng làn sóng nhỏ qua bước chân của người lội lụt. Mưa tạnh. Mọi người trên đường thấy rõ mặt nhau hơn. Chân lội. Mắt nhìn. Con trai rạng rỡ. Con gái làm duyên. Tất cả đều hiền lành, dễ thương. Làm nền cho con đường Âm Hồn lúc này là cảnh “Học trò lội lụt”. Vui ơi là vui!

Trời sáng dần rồi bỗng thay chiếc áo màu lam. Cả một màu lam huyền bao trùm không gian. Mưa lắc rắc, gió lành lạnh. Nước vẫn giữ nguyên không rút cũng không dâng lên tiếp. Trời đẹp chi lạ…

Buổi chiều. Trời vẫn mưa nhưng không buồn. Tôi mặc chiếc áo mưa tím, che dù tím - rất điệu. Tôi hẹn các bạn lội lụt cuối đường Tôn Nhơn qua Ngô Đức Kế. Chung quanh tôi mọi người đều “điệu”. Lội lụt chỉ có con gái, con trai, còn người lớn tham gia trên đường chỉ do công việc cần đi. Đường Ngô Đức Kế là con đường thường xuyên đón lụt hàng năm. Nước các hồ trong Thành Nội tràn, nước sông Hương tràn bờ vào cửa Đông Ba nên đường Ngô Đức Kế có nước để thiên hạ lội lụt.

Ngoài đường, trong nhà rộn ràng, tấp nập. Gương mặt mọi người bình thản, không lo lắng. Chỉ hơi băn khoăn một chút vì ngày mai nước rút phải làm vệ sinh nhà cửa vất vả - nhưng không sao. Mưa nhỏ hạt nhưng cũng đủ sức cuốn vào nhau thành những cánh hoa nước nhảy múa trên đường. Nước nhấp nhô, rẽ thành đường dài chao đảo khi có xe đạp lướt qua. Nhìn cũng hay hay. Trước mặt, sau lưng chúng tôi, xanh, đỏ, tím, vàng đủ màu sắc lấp lánh dưới mưa. Chúng tôi tranh nhau đi sát vào nhau để tránh mưa dưới những chiếc dù con gái xinh xinh. Cả bầy đều đẹp. Thu hút mọi người trên đường lội lụt. Chúng tôi bì bõm lội lụt dưới mưa. Lội dần đến đường Mai Thúc Loan ra cửa Đông Ba đến đường Huỳnh Thúc Kháng (Hàng Bè). Đò lên bờ nằm trên đường. Người đi đường và đò san sát nhau. Cư dân đò nhốn nháo. Đò ni, đò nớ gọi nhau. Người lội lụt thản nhiên nghịch nước, trêu mưa bởi những chiếc dù màu đưa lên, đưa xuống, lượn qua, lượn lại trên đường như bươm bướm. Gương mặt mọi người sáng lên vì trời bắt đầu tạnh mưa. Nước sông không lên không xuống. Chỉ dừng ở mức ngang đầu gối chân của người lội lụt. Bên đường, nhà nào cũng mở cửa đứng nhìn thiên hạ lội lụt đồng thời thăm dò con nước. Chúng tôi gặp các chị, các bạn cùng trường, cùng lớp trên đường lội lụt. Con đường Hàng Bè bỗng xôn xao bước chân con gái lội lụt. Đều đặn. Nhịp nhàng. Lội lụt cũng điệu. Chỉ có đi lội lụt, con trai Huế mới có dịp ngắm con gái cận mặt. Ngày bình thường đi học có bao giờ con trai, con gái được nhìn nhau như ri. Vì thế mà lội lụt ở Huế là một “cái thú” rất riêng, rất vui và rất dễ thương của người Huế thuở mới lớn.

Ngày ấy, cách đây nửa thế kỷ lụt Huế chỉ là cơ hội một năm có một, hai lần nước sông Hương tràn bờ nhè nhẹ để có một ít nước cho trẻ thơ nghịch nước, cho tuổi trẻ mượn nước trên đường để tìm nhau, âm thầm trao đổi những niềm vui “không tên” thoảng qua. Người lớn thì được lao động nhẹ, vệ sinh nhà cửa sau một, hai ngày (thường là một ngày) Bà Lụt viếng nhà. Còn người già nhìn con trẻ lội lụt mà vui khi nhớ về tuổi trẻ tung tăng lội nước trên đường làng. Thuở ấy, lụt Huế bao giờ cũng là những “cái lụt” thoáng qua. Thoắt đến. Thoắt đi để cho con nít, con gái, con trai phải tiếc “ngẩn ngơ” mỗi lần nước rút. Bây giờ lụt Huế không phải là những “cái lụt” nhẹ nhàng, dễ thương, thu hút mọi người ra đường lội lụt nữa mà là những “trận lụt”. Những “trận lụt” màn trời, chiếu đất. Mọi người sống trong lo toan, sợ hãi, sợ đói, sợ chết. Trẻ thơ mắt ngơ ngác. Mắt con trai, con gái buồn bã, hoài nghi. Người già mắt buồn lo sợ. Mưa khóc. Tất cả mọi người chuẩn bị và vội vàng “Chống lụt”.

Huế ơi! Thật buồn khi Huế mất đi những cảnh lội lụt lao xao, rộn rã trên các ngả đường của Huế. “Lội lụt để tìm nhau, để nhìn nhau, để cho mắt long lanh, cho tâm hồn bay bổng”. Đó là niềm vui của con trai, con gái của Huế một thời.

B.K.C
(SDB10/09-13)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)

  • Sau khi hoàn tất bản thảo tập thơ Độc Hành thì nhà thơ Hải Bằng cũng “độc hành” về chốn vĩnh hằng vào ngày 7 tháng 7 năm 1998.

  • CÁT LÂM

    Bình đẳng giới, nữ quyền, những vấn đề tưởng như mới mẻ ở nước ta nhưng thực chất vấn đề này đã được luận bàn từ những năm đầu của thế kỷ XX.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                   Ghi chép

    Trước, và ngay cả khi vừa giải phóng, vào lúc gần tối, nếu có một người khách nào đón đường gọi xe thồ, xe xích lô xin về làng Thế Lại, thì sẽ bị chủ xe lắc đầu ngay. Bởi chủ xe sợ một điều này: có đi mà không có về. Hoặc ít nhất là cũng về hai tay trắng.

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Quảng Điền ở mãi dưới sâu, phải mượn địa bàn của xã Phong Sơn huyện Phong Điền làm chiến khu.

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Ngoảnh đi ngoảnh lại, vừa mới đó, vậy mà đã 100 số Sông Hương trình làng.

  • PHẠM HỮU THU
                Ghi chép

    Ngót nửa thế kỷ trôi qua, từ những chàng trai, cô gái giờ họ đã là những ông, những bà.

  • NGUYỄN QUANG HÀ

                            Hồi ký

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Năm 1947 có hai chiến sĩ được cử về công tác tại chiến khu Ba Lòng. Đó là Trần Quốc Tiến, quê Quảng Trị và Hải Bằng, quê Thừa Thiên.

  • BẠCH DIỆP
             Bút ký

    Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ hàng. Khi bọn trẻ cùng lứa đánh khăng tập trận, chạy băng vườn cải mụ Tép, vượt rào bứt dưa hấu nhà ông Phường, phá nát ụ rơm cậu Dưỡng, thì tôi vẫn ngồi yên nghe ngoại kể chuyện. Chỉ có trò họp chợ, chơi mua bán với các dì mới rứt tôi ra khỏi ngoại.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                        Hồi ký

    Mùa mưa 1968 là mùa mưa nghiệt ngã nhất. Sau trận càn lớn chưa từng có lên miền tây Thừa Thiên, địch tiếp tục phong tỏa miền núi bằng biệt kích.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
                  Ghi chép

    Từ mùa xuân năm ấy đến nay vừa tròn 30 năm, chẳng phải vì con số tròn ba thập kỷ mà tôi nhắc lại chuyện cũ. Chỉ vì từ mùa xuân năm ấy, cuộc đời tôi có một bước ngoặt mới và nhờ có mùa xuân năm ấy, cuốn sách đầu tay của tôi đã ra đời.

  • HỒ THANH THOAN

    Đã gần 34 năm nay chúng ta không còn nghe đến tên Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên nữa, chuyện đã trở về dĩ vãng của một thời vàng son. 

  • CHÂU PHÙ

    Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968) sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Huế, tinh thông Nho học và chữ Pháp. Cụ cùng Ưng Bình Thúc Giạ Thị thành lập Hương Bình thi xã và giữ vai trò phó soái của thi xã này.

  • LỆ HẰNG
          Bút ký dự thi

    "Bánh lọc em ơi! Bánh mới hấp xong, nóng hổi luôn nì, lấy giùm chị ít chục hí?”

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Mấy năm trước, trong dịp cùng lên thăm vườn An Hiên của bà Nguyễn Đình Chi, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã giới thiệu cho tôi biết cụ Sa Giang Đào Thái Hanh (thân phụ của bà Nguyễn Đình Chi, tức bà Đào Thị Xuân Yến) có tập thơ "Ái Châu danh thắng" (trong "Mộng Châu thi tập") được các danh nho đương thời đánh giá rất cao.


  • NGUYỄN QUANG HÀ
                        Bút ký

  • BẠCH DIỆP
            Bút ký dự thi

    Tôi uống chậm, từng ngụm nhỏ.

  • VIỆT HÙNG
                 

    Tuổi hai mươi tràn trề hoài bão lớn và tuổi hai mươi... Ở thời đại nào cũng được coi là lứa tuổi hồn nhiên trong sáng, ấp ủ bầu nhiệt huyết, khát khao làm được cái gì có ích cho đời.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
                       Ghi chép

    Trời bỗng nhiên mưa, những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa rét đậm. Với tôi, hình như mưa bao giờ cũng là cánh cửa mở cho những vũ khúc hoài niệm ùa về.

  • LỆ HẰNG
             Bút ký dự thi

    “Thấu Huế rồi.”