Thông điệp

09:47 08/11/2017

HOÀNG THỦY XUÂN

Đó là một mảnh giấy nhỏ ông nhặt được. Một mảnh giấy cỡ bằng một bàn tay nhỏ, một mảnh giấy trắng nhưng đã bị nước mưa và bụi bẩn biến thành màu vàng nhạt. Một mảnh giấy chỉ bằng một bàn tay nhỏ và hoàn toàn trống trơn, không có bất cứ một chữ viết hay một hình vẽ nào trên đó.

Minh họa: Nhím

Ông nhặt nó bên một rãnh nước dài, ông nhặt nó trước khi nó bị những chiếc xe ôtô nghiền nát. Ông nhặt nó lên rồi ông cẩn thận đặt nó vào lòng bàn tay và nhẹ nhàng vuốt nó. Nó có vẻ như phẳng phiu trở lại, dĩ nhiên những nếp nhăn trên nó sẽ không mất hết được.

“Nó cắn đấy.” Mụ nói. “Nó cắn vào tay đấy.” Mụ nói.

Ông tiếp tục vuốt lên mảnh giấy. Ông không nói lại với mụ. Càng lúc mảnh giấy càng phẳng hơn. Thỉnh thoảng ông lại đưa nó về phía mặt trời và nheo mắt soi vào nó. Kỳ thực thì ánh mặt trời làm cho mắt ông nheo lại chứ ông không muốn mắt mình nheo lại bao giờ.

“Nó cắn đấy. Nó cắn vào ngón tay đấy.” Mụ lại nói với ông. Ông quay sang nhìn mụ. Ông muốn cười vào cái mặt đần của mụ. Nhưng rồi lại thôi. Đã nhiều lần ông dự định sẽ cười như thế nhưng cuối cùng ông lại thôi.

“Thông điệp.” Ông nói. Ông nói trống trơn. Ông nhìn vào mảnh giấy rồi lại nói: “Thông điệp đến rồi.”

Mụ nhón chân lên để nhìn vào mảnh giấy trên tay ông. “Trống trơn. Chẳng thấy chữ nào.” Mụ nói. “Nó cắn thì toi.” Mụ nói.

Ông lại cẩn thận đặt mảnh giấy trên tay, nó nằm gọn trong lòng bàn tay sần sùi và chai sạn của ông. Thỉnh thoảng ông lại đưa nó về phía mặt trời rồi soi vào nó. Khi soi vào nó mắt ông nheo nheo.

Rồi ông ngồi xuống. Ông đưa nó về phía mặt trời rồi soi vào nó và lấy ngón tay mình vẽ lên mặt đất đầy bụi đỏ. Ông vẽ ra những hình thù kỳ quặc, những ký tự quái dị. Những hình dạng như giun như dế. Mụ không hiểu chúng, mụ nhìn vào những hình thù kỳ quái, những mẫu tự quái đản của ông, rồi quay mặt đi. Mụ không nói, mụ thấy buồn cười. Mụ định cười vào cái mặt đần của ông. Nhưng rồi mụ lại thôi. Đã nhiều lần mụ định cười vào cái mặt đần của ông nhưng cuối cùng mụ lại thôi không cười nữa.

“Họ về. Ngày mai họ sẽ về.” Ông nói.

“Ai?” Mụ nói.

Ông không nói.

“Họ sẽ hiện diện ở đây. Thông điệp nói vậy.” Ông nói.

“Ai?” Mụ nói.

Ông không nói.

Ông lại đưa mảnh giấy về phía mặt trời rồi soi vào nó. Mụ sấn lại phía ông. Mụ ngồi xuống bên ông. Mụ cũng soi vào nó. Mặt trời làm cho mắt mụ nheo lại. Mụ chẳng thấy gì ngoài mảnh giấy ố vàng vì bụi bẩn.

“Trống trơn.” Mụ nói.

“Toi đấy. Nó cắn vào tay đấy.” Mụ nói.

Ông không nói. Ông lại lấy ngón tay vẽ xuống đất. Rồi lại đưa mảnh giấy về phía mặt trời và soi. Ông lặp lại những cử chỉ ấy nhiều lần đến nỗi mụ phát chán và quay mặt đi.

Bây giờ dưới chân ông, dưới chân mụ đầy những hình thù kỳ quái. Những hình thù quái dị, những ký tự lạ lẫm do ông vẽ lên bằng ngón tay giữa của bàn tay bên phải.

Một ngón tay đầy những vết thương.
Những chuyến xe phóng qua trước mắt ông.
Những chuyến xe phóng qua trước mắt mụ.
Chẳng một ai nhìn vào hành động của ông.
Chẳng một ai nhìn vào hành động của mụ.
Những chuyến xe phóng qua để bụi đỏ bám đầy trên tóc ông.
Những chuyến xe phóng qua để bụi đỏ bám đầy trên tóc mụ.

Rất nhiều ký tự ông vẽ ra đã bị bánh xe nghiền nát. Chúng biến mất ngay dưới dấu bánh xe, ngay dưới lớp bụi đỏ. Rồi ông vẽ lại chúng. Ông tô đậm chúng lên bằng cách gí ngón tay xuống mạnh hơn trên nền đất. Còn những ký tự biến mất hoàn toàn thì ông lại phải đưa mảnh giấy về phía mặt trời rồi soi vào nó, nhìn kỹ vào nó thì ông mới vẽ lại được những ký tự đã mất.  

Mụ giật mảnh giấy trong bàn tay run run của ông. Mụ đưa nó về phía mặt trời rồi soi vào nó. Mụ chẳng nhìn thấy gì ngoài cái mặt trời như một chảo lửa đang muốn đốt cháy mặt mụ.

“Họ sẽ về từ những cơn sóng ngoài trùng dương.” Ông nói.

“Những con thuyền sẽ mang theo lương thực và nước ngọt. Những khoang thuyền đầy ắp cá và nho tươi.” Ông nói với mụ.

“Ai?” Mụ nói.

“Đúng 12 giờ trưa mai họ sẽ có mặt.” Ông nói.

“Ai?” Mụ nói.

“Những nhà thơ. Những nhà thơ sau lưng có kiếm.” Ông nói. Mắt ông sáng bừng lên.

“Những nhà thơ sau lưng có kiếm.” Ông nói. Mụ nhìn vào mắt ông. Mụ biết ông đang sung sướng.

“Những nhà thơ có kiếm sau lưng.” Ông hét lên.

“Những nhà thơ vĩ đại chứ?” Mụ nói.

“Cỡ bự đấy.” Ông nói.  

Mụ lại sấn vào ông. Mụ chỉ thấy một mảnh giấy trống trơn và ố vàng.

“Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, họ sẽ đón chúng ta về nhà. Ngôi nhà của chúng ta nằm dưới những lùm cây và có những khung cửa sổ đầy hoa bìm bìm. Sẽ có sẵn một lò sưởi và một giá sách đầy những điều huyền bí. Đó là những điều hoang tưởng, nhưng chúng khiến cho ta mơ mộng.” Ông nói. Chân ông như muốn nhảy lên khỏi mặt đất.  

Mụ cúi mặt bỏ đi. Mụ không nói.

Ông lại đưa mảnh giấy về phía mặt trời. Ông lại gí ngón tay đầy vết thương của mình xuống đất.

“Nó cắn đấy.” Mụ nói. Mụ nói trong kẽ răng của mụ.

Những chuyến xe thay nhau nghiền nát những ký tự của ông.

Ông vẽ lại chúng, ông tô đậm chúng lên.

Mụ bỏ đi. Mụ bỏ đi cách xa ông một khoảng. Nhưng không xa lắm. Mụ cúi xuống nhặt một ống lon bên lề đường. Mụ lắc mạnh. Một ống lon trống rỗng. Một ống lon nhẹ tênh. Chẳng có gì cho ông và mụ cả. Mụ vứt ống lon xuống đất. Nó lăn vào miệng cống và bị cuốn đi theo dòng nước đen đặc.

Rồi mụ lại nhặt một ống lon khác. Một ống lon đầy kiến. Mụ thổi kiến và ngửi mùi thơm của sữa trên ống lon. Một ống lon trống trơn và nhẹ tênh. Mụ lại vứt nó xuống dòng nước đục ngầu.

Chẳng có gì cho ông và mụ vào tối nay. Vào tối nay chẳng có một cái gì cho ông và mụ. Chẳng có một cái gì cho hai kẻ già nua đi nhặt rác.  

Mụ quay về chỗ ông đang hí hoáy vẽ.

“Những nhà thơ vĩ đại và giàu có chứ?” Mụ hỏi.

“Vĩ đại. Nhưng không giàu có. Những nhà thơ vĩ đại chẳng bao giờ giàu có cả.” Ông nói.

“Những nhà thơ đi bán thơ. Những nhà thơ đi bán thơ dạo. Họ để thơ vào những mảnh giấy rồi gói chúng lại. Họ sợ thơ sẽ bay đi.” Ông nói.

“Họ đến từ những cơn sóng ngoài trùng dương. Họ đến với thuyền đầy lương thực và quả ngọt. Dĩ nhiên là sau lưng họ có kiếm. Ôi, xin nghênh đón những nhà thơ sau lưng có kiếm.” Ông hát lên. Mụ cũng hát lên.  

Rồi mụ lại ngẩng cổ xoay sang phía ông.

“Trống trơn.” Mụ nói.

Ông lặng nhìn hàng nghìn ký tự kéo dài cả một quãng đường đầy bụi đỏ.  

Khi mặt trời lặn mụ nhìn vào mắt ông.

Mụ nhìn lên bầu trời. Mụ thấy trên trời có những vì sao. Trên trời có nho tươi, trên trời có những con thuyền, trên trời có những cơn sóng, trên trời có những vần thơ, trên trời có những thanh kiếm.

Rồi mụ nhìn thấy trong mắt ông có những vần thơ. “Nhắm mắt lại đi. Chúng bay hết đấy. Những vần thơ sẽ bay mất đấy.” Mụ nói với ông. Rồi mụ đưa tay lên mắt ông. Mụ muốn ông nhắm mắt lại và cuối cùng thì ông nhắm mắt lại.  

Khi bóng tối bao trùm thì ông và mụ đã mệt nhoài. Cả hai dựa vào nhau và trở về với túp lều bằng giấy các-tông dưới chân cầu.  

Nơi đó cách con đường này khoảng 1,5km.
Nơi đó có tiếng học nói của trẻ con.
Nơi đó có tiếng la hét của người lớn.
Nơi đó có rất nhiều rác thải.  

Nơi đó ông và mụ vẫn luôn thức dậy khi bình minh lên.

H.T.X  
(SHSDB26/09-2017)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • DƯƠNG PHƯỚC THU
                  Truyện ngắn dự thi

    Kìa, lão đang đứng trước mắt chúng tôi đây, tay ngửa ra xin của bố thí, và đợi chờ một chút ân huệ nhỏ nhoi...


  • TRƯƠNG QUỐC TOÀN

    Lạ quá. Mùi hương thoang thoảng từ đâu theo gió đến đây. Một ngôi nhà nhỏ vách và mái đều từ lá tranh có sẵn trên núi.

  • HÀ KHÁNH LINH

    Thuở còn tiệm đế, đức Thái Tổ Cao Hoàng đế đã bôn ba tạo dựng cơ nghiệp - Vào sinh ra tử, nằm gai nếm mật nhiều phen.

  • TRƯƠNG CÔNG DŨNG

    I
    Những ngày đầu ở thôn Phước Quả tôi không "bắt rễ" vào được một gia đình nào cả. Trước khi phân công tôi về đây, Trần Quốc Nghĩa - đội trưởng đội công tác kiêm Chủ tịch Uỷ ban Quân quản xã - cho tôi biết sơ bộ tình hình của thôn.

  • NGUYÊN NGUYÊN

    Chúng tôi vẫn tiếp tục rảo bước, dọc đại lộ hoang vắng, vẻ như nàng vẫn chưa có dấu hiệu muốn dừng lại. Bởi trước đó nàng nói, khi nào tới gần quảng trường thì dừng lại, nhưng chúng tôi đã đi qua quảng trường cách đây năm phút rồi.

  • PHÁT DƯƠNG

    Giờ ai còn rảnh rỗi ngắm mặt trăng nữa? Người ta bị giá đồ ăn và những thứ lặt vặt bủa vây.


  • NGUYỄN TOÀN THẮNG

    Đinh Tú nhiều năm đèn sách siêng năng, nhưng không hiểu sao thi lần nào trượt lần ấy.

  • DƯƠNG GIAO LINH

    Con dâu nhanh nhảu ra đỡ chiếc làn trên tay bà:
    - Nay mẹ có mua như con bảo không ạ?

  • CÁT LÂM

    1.
    Cảm giác thức giấc phải đối mặt với lo sợ hoặc buồn phiền thật là khó chịu. Giấc mơ đêm qua không nhớ nổi mình mơ gì.

  • BẠCH LÊ QUANG

    1.
    Mấy năm về hưu, cõi người chộn rộn, xa xôi, giáo Nghĩa dặn lòng, thôi thì, thân thoái, về với chim chóc, cỏ cây. Tự tâm, ông nghĩ, có khi, muông thú, tiếng chim, hoa và lá lại có chỗ hơn người.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

    Mưa quất ràn rạt trên đầu. Mưa như xói cát vào mắt cay xè. Thanh nhoài mình ra cố nắm lấy hai bàn tay bé nhỏ mềm mại đang chới với đưa lên từ mặt nước. Con đò nhỏ mỏng manh chao đảo chực lật úp. Và mảng chớp lòa trước mắt kèm theo tiếng nổ khô khốc chụp xuống hất anh ngã nhào...


  • Hòa Vang - Luân Lâm - Dương Thành Vũ

  • PHẠM GIAI QUỲNH

    1.
    Đây là một nơi như thế, Viễn buông một câu không đầu không cuối khi xách hành lý của Khanh lên và dẫn cô vào trong nhà nghỉ tạm.

  • TÔN NỮ DẠ LY

    Ly cảm giác mình như bị xé toang da thịt. Bầu trời đêm như mọi khi, vẫn không vỗ về cô, nó để cô lạc lõng, cô đơn như những hạt mưa, như những cơn gió đông vẫn đang mải mê với điệu vũ của chúng ngoài kia.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Ngày cha mất, mắt mẹ buồn như cơn đông miền núi Khước. Tôi vân vê những trái sầu bám riết bên ngực, bất lực nhìn đó đeo bám suốt quãng đời từ khi mở mắt.

  • TRẦN QUỲNH NGA

    Tôi mở cửa, vứt cái ba lô to kềnh xuống sàn nhà rồi nằm vật ra giường. Tưởng sẽ ngủ được một giấc nhưng rồi không thể chợp mắt được.


  • MINH ĐỨC

    (Tặng Tác giả và dịch giả Thiền Luận)

  • HÀ KHÁNH LINH

    Giây phút của sự bí ẩn có khi lại bắt đầu bằng cả một cuộc đời được phơi bày trần trụi.

  • NGUYỄN THU PHƯƠNG  

    Vào lúc Tình sầu dứt, tiếng vỗ tay đây đó lác đác. Người đàn ông râu tua tủa ngồi ở cái bàn kê dưới gốc cây si rễ lòng thòng cách bàn chúng tôi chừng dăm mét vội vàng đứng dậy, đi nhanh tới khoảng sân nho nhỏ có mái che được quán thiết kế thành sân khấu, nghiêng người trao tặng hoa cho cô ca sĩ với vẻ trân trọng như một fans hâm mộ đích thực.