Thông điệp

09:47 08/11/2017

HOÀNG THỦY XUÂN

Đó là một mảnh giấy nhỏ ông nhặt được. Một mảnh giấy cỡ bằng một bàn tay nhỏ, một mảnh giấy trắng nhưng đã bị nước mưa và bụi bẩn biến thành màu vàng nhạt. Một mảnh giấy chỉ bằng một bàn tay nhỏ và hoàn toàn trống trơn, không có bất cứ một chữ viết hay một hình vẽ nào trên đó.

Minh họa: Nhím

Ông nhặt nó bên một rãnh nước dài, ông nhặt nó trước khi nó bị những chiếc xe ôtô nghiền nát. Ông nhặt nó lên rồi ông cẩn thận đặt nó vào lòng bàn tay và nhẹ nhàng vuốt nó. Nó có vẻ như phẳng phiu trở lại, dĩ nhiên những nếp nhăn trên nó sẽ không mất hết được.

“Nó cắn đấy.” Mụ nói. “Nó cắn vào tay đấy.” Mụ nói.

Ông tiếp tục vuốt lên mảnh giấy. Ông không nói lại với mụ. Càng lúc mảnh giấy càng phẳng hơn. Thỉnh thoảng ông lại đưa nó về phía mặt trời và nheo mắt soi vào nó. Kỳ thực thì ánh mặt trời làm cho mắt ông nheo lại chứ ông không muốn mắt mình nheo lại bao giờ.

“Nó cắn đấy. Nó cắn vào ngón tay đấy.” Mụ lại nói với ông. Ông quay sang nhìn mụ. Ông muốn cười vào cái mặt đần của mụ. Nhưng rồi lại thôi. Đã nhiều lần ông dự định sẽ cười như thế nhưng cuối cùng ông lại thôi.

“Thông điệp.” Ông nói. Ông nói trống trơn. Ông nhìn vào mảnh giấy rồi lại nói: “Thông điệp đến rồi.”

Mụ nhón chân lên để nhìn vào mảnh giấy trên tay ông. “Trống trơn. Chẳng thấy chữ nào.” Mụ nói. “Nó cắn thì toi.” Mụ nói.

Ông lại cẩn thận đặt mảnh giấy trên tay, nó nằm gọn trong lòng bàn tay sần sùi và chai sạn của ông. Thỉnh thoảng ông lại đưa nó về phía mặt trời rồi soi vào nó. Khi soi vào nó mắt ông nheo nheo.

Rồi ông ngồi xuống. Ông đưa nó về phía mặt trời rồi soi vào nó và lấy ngón tay mình vẽ lên mặt đất đầy bụi đỏ. Ông vẽ ra những hình thù kỳ quặc, những ký tự quái dị. Những hình dạng như giun như dế. Mụ không hiểu chúng, mụ nhìn vào những hình thù kỳ quái, những mẫu tự quái đản của ông, rồi quay mặt đi. Mụ không nói, mụ thấy buồn cười. Mụ định cười vào cái mặt đần của ông. Nhưng rồi mụ lại thôi. Đã nhiều lần mụ định cười vào cái mặt đần của ông nhưng cuối cùng mụ lại thôi không cười nữa.

“Họ về. Ngày mai họ sẽ về.” Ông nói.

“Ai?” Mụ nói.

Ông không nói.

“Họ sẽ hiện diện ở đây. Thông điệp nói vậy.” Ông nói.

“Ai?” Mụ nói.

Ông không nói.

Ông lại đưa mảnh giấy về phía mặt trời rồi soi vào nó. Mụ sấn lại phía ông. Mụ ngồi xuống bên ông. Mụ cũng soi vào nó. Mặt trời làm cho mắt mụ nheo lại. Mụ chẳng thấy gì ngoài mảnh giấy ố vàng vì bụi bẩn.

“Trống trơn.” Mụ nói.

“Toi đấy. Nó cắn vào tay đấy.” Mụ nói.

Ông không nói. Ông lại lấy ngón tay vẽ xuống đất. Rồi lại đưa mảnh giấy về phía mặt trời và soi. Ông lặp lại những cử chỉ ấy nhiều lần đến nỗi mụ phát chán và quay mặt đi.

Bây giờ dưới chân ông, dưới chân mụ đầy những hình thù kỳ quái. Những hình thù quái dị, những ký tự lạ lẫm do ông vẽ lên bằng ngón tay giữa của bàn tay bên phải.

Một ngón tay đầy những vết thương.
Những chuyến xe phóng qua trước mắt ông.
Những chuyến xe phóng qua trước mắt mụ.
Chẳng một ai nhìn vào hành động của ông.
Chẳng một ai nhìn vào hành động của mụ.
Những chuyến xe phóng qua để bụi đỏ bám đầy trên tóc ông.
Những chuyến xe phóng qua để bụi đỏ bám đầy trên tóc mụ.

Rất nhiều ký tự ông vẽ ra đã bị bánh xe nghiền nát. Chúng biến mất ngay dưới dấu bánh xe, ngay dưới lớp bụi đỏ. Rồi ông vẽ lại chúng. Ông tô đậm chúng lên bằng cách gí ngón tay xuống mạnh hơn trên nền đất. Còn những ký tự biến mất hoàn toàn thì ông lại phải đưa mảnh giấy về phía mặt trời rồi soi vào nó, nhìn kỹ vào nó thì ông mới vẽ lại được những ký tự đã mất.  

Mụ giật mảnh giấy trong bàn tay run run của ông. Mụ đưa nó về phía mặt trời rồi soi vào nó. Mụ chẳng nhìn thấy gì ngoài cái mặt trời như một chảo lửa đang muốn đốt cháy mặt mụ.

“Họ sẽ về từ những cơn sóng ngoài trùng dương.” Ông nói.

“Những con thuyền sẽ mang theo lương thực và nước ngọt. Những khoang thuyền đầy ắp cá và nho tươi.” Ông nói với mụ.

“Ai?” Mụ nói.

“Đúng 12 giờ trưa mai họ sẽ có mặt.” Ông nói.

“Ai?” Mụ nói.

“Những nhà thơ. Những nhà thơ sau lưng có kiếm.” Ông nói. Mắt ông sáng bừng lên.

“Những nhà thơ sau lưng có kiếm.” Ông nói. Mụ nhìn vào mắt ông. Mụ biết ông đang sung sướng.

“Những nhà thơ có kiếm sau lưng.” Ông hét lên.

“Những nhà thơ vĩ đại chứ?” Mụ nói.

“Cỡ bự đấy.” Ông nói.  

Mụ lại sấn vào ông. Mụ chỉ thấy một mảnh giấy trống trơn và ố vàng.

“Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, họ sẽ đón chúng ta về nhà. Ngôi nhà của chúng ta nằm dưới những lùm cây và có những khung cửa sổ đầy hoa bìm bìm. Sẽ có sẵn một lò sưởi và một giá sách đầy những điều huyền bí. Đó là những điều hoang tưởng, nhưng chúng khiến cho ta mơ mộng.” Ông nói. Chân ông như muốn nhảy lên khỏi mặt đất.  

Mụ cúi mặt bỏ đi. Mụ không nói.

Ông lại đưa mảnh giấy về phía mặt trời. Ông lại gí ngón tay đầy vết thương của mình xuống đất.

“Nó cắn đấy.” Mụ nói. Mụ nói trong kẽ răng của mụ.

Những chuyến xe thay nhau nghiền nát những ký tự của ông.

Ông vẽ lại chúng, ông tô đậm chúng lên.

Mụ bỏ đi. Mụ bỏ đi cách xa ông một khoảng. Nhưng không xa lắm. Mụ cúi xuống nhặt một ống lon bên lề đường. Mụ lắc mạnh. Một ống lon trống rỗng. Một ống lon nhẹ tênh. Chẳng có gì cho ông và mụ cả. Mụ vứt ống lon xuống đất. Nó lăn vào miệng cống và bị cuốn đi theo dòng nước đen đặc.

Rồi mụ lại nhặt một ống lon khác. Một ống lon đầy kiến. Mụ thổi kiến và ngửi mùi thơm của sữa trên ống lon. Một ống lon trống trơn và nhẹ tênh. Mụ lại vứt nó xuống dòng nước đục ngầu.

Chẳng có gì cho ông và mụ vào tối nay. Vào tối nay chẳng có một cái gì cho ông và mụ. Chẳng có một cái gì cho hai kẻ già nua đi nhặt rác.  

Mụ quay về chỗ ông đang hí hoáy vẽ.

“Những nhà thơ vĩ đại và giàu có chứ?” Mụ hỏi.

“Vĩ đại. Nhưng không giàu có. Những nhà thơ vĩ đại chẳng bao giờ giàu có cả.” Ông nói.

“Những nhà thơ đi bán thơ. Những nhà thơ đi bán thơ dạo. Họ để thơ vào những mảnh giấy rồi gói chúng lại. Họ sợ thơ sẽ bay đi.” Ông nói.

“Họ đến từ những cơn sóng ngoài trùng dương. Họ đến với thuyền đầy lương thực và quả ngọt. Dĩ nhiên là sau lưng họ có kiếm. Ôi, xin nghênh đón những nhà thơ sau lưng có kiếm.” Ông hát lên. Mụ cũng hát lên.  

Rồi mụ lại ngẩng cổ xoay sang phía ông.

“Trống trơn.” Mụ nói.

Ông lặng nhìn hàng nghìn ký tự kéo dài cả một quãng đường đầy bụi đỏ.  

Khi mặt trời lặn mụ nhìn vào mắt ông.

Mụ nhìn lên bầu trời. Mụ thấy trên trời có những vì sao. Trên trời có nho tươi, trên trời có những con thuyền, trên trời có những cơn sóng, trên trời có những vần thơ, trên trời có những thanh kiếm.

Rồi mụ nhìn thấy trong mắt ông có những vần thơ. “Nhắm mắt lại đi. Chúng bay hết đấy. Những vần thơ sẽ bay mất đấy.” Mụ nói với ông. Rồi mụ đưa tay lên mắt ông. Mụ muốn ông nhắm mắt lại và cuối cùng thì ông nhắm mắt lại.  

Khi bóng tối bao trùm thì ông và mụ đã mệt nhoài. Cả hai dựa vào nhau và trở về với túp lều bằng giấy các-tông dưới chân cầu.  

Nơi đó cách con đường này khoảng 1,5km.
Nơi đó có tiếng học nói của trẻ con.
Nơi đó có tiếng la hét của người lớn.
Nơi đó có rất nhiều rác thải.  

Nơi đó ông và mụ vẫn luôn thức dậy khi bình minh lên.

H.T.X  
(SHSDB26/09-2017)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • 1. Con đường nhầy nhụa dẫn xuống chân dốc đã được ai đó rắc lên ít cát khô. Trời nắng hay mưa thì con đường vẫn thế. Để đi được vào cái xóm tự lập này không còn con đường nào khác.

  • Vào cái giây phút định mệnh ấy, tiếng hát nức nở của Khánh Ly vọng tới: Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui, Mẹ hãy ra đây nhìn phố ngập người. Đêm nay hòa bình, không nụ cười trên môi. Nhìn quanh đây không ai còn lại…vỗ về cơn say dịu dàng của tôi.

  • Anh chị dọn về đây từ hồi mới cưới nhau. Căn phòng xinh xinh, quét vôi xanh nhạt, trang nhã và sạch sẽ.

  • PHẠM XUÂN PHỤNGNgười thợ học việc rán một hơi cuối cùng. Đó là hơi quyết định sự thành bại của sản phẩm. Đốm thủy tinh lỏng đỏ rực đầu ống xuy phồng to lên, đẹp như một quả cầu lửa sáng chói. Đoạn, anh đưa quả cầu lửa vào lỗ khuôn rồi vừa thổi vừa xoay vừa nhấc dần đầu ống xuy đồng lên cao. Cuối cùng, bằng một động tác dứt khoát, anh xoáy mạnh, cắt lìa đầu ống khỏi phần còn lại của quả cầu lửa hơi nhô ra trên lỗ khuôn.

  • NGUYỄN BẢNTôi nhổ vào hai lọ crem Tokalon trắng và hồng, loại crem Pháp đắt tiền đang dùng dở của bà, rồi vảy nước bọt đi cho mất dấu.

  • NGUYỄN ANH ĐÀONàng vào Phú Xuân đã gần hai tháng. Giữa cảnh ngựa xe tấp nập, khăn áo lượt là, muôn hồng nghìn tía của chôn kinh thành, không làm cho lòng nàng nguôi ngoai nỗi nhớ cố hương. Ở cái làng nằm khuất dưới những rặng liễu bên Hồ Tây, vào mùa này rực lên màu vàng của những cuộn tơ óng ả vắt trên bờ giậu. Gió thu lồng lộng mơn man như những ngón tay thiếu nữ nhẹ bứt những chiếc lá đào úa vàng rắc xuống hồ làm thành những chiếc chong chóng quay tít trên mặt nước. Nàng đắm chìm trong nỗi nhớ nhà, nhớ kinh thành cũ với những đền đài, chùa miếu, tuy không thật uy nghi tráng lệ nhưng in đậm dấu vết của thời gian mà mỗi triều đại như khắc hằn trên đó những nét tinh hoa của một nền văn vật nghìn năm.

  • BÙI MINH QUỐCHoạ sĩ Từ Thành bạn tôi, vào thời khốn đốn nhất phải xoay sang làm mặt nạ để sống qua ngày. Ông thường làm các mặt nạ hề đủ loại, mặt ông địa, mặt chó, mặt khỉ, mặt gấu... và cả các thứ mặt tướng cướp. Khách hàng của ông toàn trẻ con. Vào mùa nắng ráo- mùa vui chơi của lũ trẻ, ông bán khá chạy. Biết tụi nhỏ chẳng có mấy tiền, ông bán rẻ, lấy công làm lãi, nên cũng chỉ tạm đủ sống. Nhưng vào mùa mưa gió bão bùng, hàng ế, thì ông đói.