Thông điệp

09:47 08/11/2017

HOÀNG THỦY XUÂN

Đó là một mảnh giấy nhỏ ông nhặt được. Một mảnh giấy cỡ bằng một bàn tay nhỏ, một mảnh giấy trắng nhưng đã bị nước mưa và bụi bẩn biến thành màu vàng nhạt. Một mảnh giấy chỉ bằng một bàn tay nhỏ và hoàn toàn trống trơn, không có bất cứ một chữ viết hay một hình vẽ nào trên đó.

Minh họa: Nhím

Ông nhặt nó bên một rãnh nước dài, ông nhặt nó trước khi nó bị những chiếc xe ôtô nghiền nát. Ông nhặt nó lên rồi ông cẩn thận đặt nó vào lòng bàn tay và nhẹ nhàng vuốt nó. Nó có vẻ như phẳng phiu trở lại, dĩ nhiên những nếp nhăn trên nó sẽ không mất hết được.

“Nó cắn đấy.” Mụ nói. “Nó cắn vào tay đấy.” Mụ nói.

Ông tiếp tục vuốt lên mảnh giấy. Ông không nói lại với mụ. Càng lúc mảnh giấy càng phẳng hơn. Thỉnh thoảng ông lại đưa nó về phía mặt trời và nheo mắt soi vào nó. Kỳ thực thì ánh mặt trời làm cho mắt ông nheo lại chứ ông không muốn mắt mình nheo lại bao giờ.

“Nó cắn đấy. Nó cắn vào ngón tay đấy.” Mụ lại nói với ông. Ông quay sang nhìn mụ. Ông muốn cười vào cái mặt đần của mụ. Nhưng rồi lại thôi. Đã nhiều lần ông dự định sẽ cười như thế nhưng cuối cùng ông lại thôi.

“Thông điệp.” Ông nói. Ông nói trống trơn. Ông nhìn vào mảnh giấy rồi lại nói: “Thông điệp đến rồi.”

Mụ nhón chân lên để nhìn vào mảnh giấy trên tay ông. “Trống trơn. Chẳng thấy chữ nào.” Mụ nói. “Nó cắn thì toi.” Mụ nói.

Ông lại cẩn thận đặt mảnh giấy trên tay, nó nằm gọn trong lòng bàn tay sần sùi và chai sạn của ông. Thỉnh thoảng ông lại đưa nó về phía mặt trời rồi soi vào nó. Khi soi vào nó mắt ông nheo nheo.

Rồi ông ngồi xuống. Ông đưa nó về phía mặt trời rồi soi vào nó và lấy ngón tay mình vẽ lên mặt đất đầy bụi đỏ. Ông vẽ ra những hình thù kỳ quặc, những ký tự quái dị. Những hình dạng như giun như dế. Mụ không hiểu chúng, mụ nhìn vào những hình thù kỳ quái, những mẫu tự quái đản của ông, rồi quay mặt đi. Mụ không nói, mụ thấy buồn cười. Mụ định cười vào cái mặt đần của ông. Nhưng rồi mụ lại thôi. Đã nhiều lần mụ định cười vào cái mặt đần của ông nhưng cuối cùng mụ lại thôi không cười nữa.

“Họ về. Ngày mai họ sẽ về.” Ông nói.

“Ai?” Mụ nói.

Ông không nói.

“Họ sẽ hiện diện ở đây. Thông điệp nói vậy.” Ông nói.

“Ai?” Mụ nói.

Ông không nói.

Ông lại đưa mảnh giấy về phía mặt trời rồi soi vào nó. Mụ sấn lại phía ông. Mụ ngồi xuống bên ông. Mụ cũng soi vào nó. Mặt trời làm cho mắt mụ nheo lại. Mụ chẳng thấy gì ngoài mảnh giấy ố vàng vì bụi bẩn.

“Trống trơn.” Mụ nói.

“Toi đấy. Nó cắn vào tay đấy.” Mụ nói.

Ông không nói. Ông lại lấy ngón tay vẽ xuống đất. Rồi lại đưa mảnh giấy về phía mặt trời và soi. Ông lặp lại những cử chỉ ấy nhiều lần đến nỗi mụ phát chán và quay mặt đi.

Bây giờ dưới chân ông, dưới chân mụ đầy những hình thù kỳ quái. Những hình thù quái dị, những ký tự lạ lẫm do ông vẽ lên bằng ngón tay giữa của bàn tay bên phải.

Một ngón tay đầy những vết thương.
Những chuyến xe phóng qua trước mắt ông.
Những chuyến xe phóng qua trước mắt mụ.
Chẳng một ai nhìn vào hành động của ông.
Chẳng một ai nhìn vào hành động của mụ.
Những chuyến xe phóng qua để bụi đỏ bám đầy trên tóc ông.
Những chuyến xe phóng qua để bụi đỏ bám đầy trên tóc mụ.

Rất nhiều ký tự ông vẽ ra đã bị bánh xe nghiền nát. Chúng biến mất ngay dưới dấu bánh xe, ngay dưới lớp bụi đỏ. Rồi ông vẽ lại chúng. Ông tô đậm chúng lên bằng cách gí ngón tay xuống mạnh hơn trên nền đất. Còn những ký tự biến mất hoàn toàn thì ông lại phải đưa mảnh giấy về phía mặt trời rồi soi vào nó, nhìn kỹ vào nó thì ông mới vẽ lại được những ký tự đã mất.  

Mụ giật mảnh giấy trong bàn tay run run của ông. Mụ đưa nó về phía mặt trời rồi soi vào nó. Mụ chẳng nhìn thấy gì ngoài cái mặt trời như một chảo lửa đang muốn đốt cháy mặt mụ.

“Họ sẽ về từ những cơn sóng ngoài trùng dương.” Ông nói.

“Những con thuyền sẽ mang theo lương thực và nước ngọt. Những khoang thuyền đầy ắp cá và nho tươi.” Ông nói với mụ.

“Ai?” Mụ nói.

“Đúng 12 giờ trưa mai họ sẽ có mặt.” Ông nói.

“Ai?” Mụ nói.

“Những nhà thơ. Những nhà thơ sau lưng có kiếm.” Ông nói. Mắt ông sáng bừng lên.

“Những nhà thơ sau lưng có kiếm.” Ông nói. Mụ nhìn vào mắt ông. Mụ biết ông đang sung sướng.

“Những nhà thơ có kiếm sau lưng.” Ông hét lên.

“Những nhà thơ vĩ đại chứ?” Mụ nói.

“Cỡ bự đấy.” Ông nói.  

Mụ lại sấn vào ông. Mụ chỉ thấy một mảnh giấy trống trơn và ố vàng.

“Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, họ sẽ đón chúng ta về nhà. Ngôi nhà của chúng ta nằm dưới những lùm cây và có những khung cửa sổ đầy hoa bìm bìm. Sẽ có sẵn một lò sưởi và một giá sách đầy những điều huyền bí. Đó là những điều hoang tưởng, nhưng chúng khiến cho ta mơ mộng.” Ông nói. Chân ông như muốn nhảy lên khỏi mặt đất.  

Mụ cúi mặt bỏ đi. Mụ không nói.

Ông lại đưa mảnh giấy về phía mặt trời. Ông lại gí ngón tay đầy vết thương của mình xuống đất.

“Nó cắn đấy.” Mụ nói. Mụ nói trong kẽ răng của mụ.

Những chuyến xe thay nhau nghiền nát những ký tự của ông.

Ông vẽ lại chúng, ông tô đậm chúng lên.

Mụ bỏ đi. Mụ bỏ đi cách xa ông một khoảng. Nhưng không xa lắm. Mụ cúi xuống nhặt một ống lon bên lề đường. Mụ lắc mạnh. Một ống lon trống rỗng. Một ống lon nhẹ tênh. Chẳng có gì cho ông và mụ cả. Mụ vứt ống lon xuống đất. Nó lăn vào miệng cống và bị cuốn đi theo dòng nước đen đặc.

Rồi mụ lại nhặt một ống lon khác. Một ống lon đầy kiến. Mụ thổi kiến và ngửi mùi thơm của sữa trên ống lon. Một ống lon trống trơn và nhẹ tênh. Mụ lại vứt nó xuống dòng nước đục ngầu.

Chẳng có gì cho ông và mụ vào tối nay. Vào tối nay chẳng có một cái gì cho ông và mụ. Chẳng có một cái gì cho hai kẻ già nua đi nhặt rác.  

Mụ quay về chỗ ông đang hí hoáy vẽ.

“Những nhà thơ vĩ đại và giàu có chứ?” Mụ hỏi.

“Vĩ đại. Nhưng không giàu có. Những nhà thơ vĩ đại chẳng bao giờ giàu có cả.” Ông nói.

“Những nhà thơ đi bán thơ. Những nhà thơ đi bán thơ dạo. Họ để thơ vào những mảnh giấy rồi gói chúng lại. Họ sợ thơ sẽ bay đi.” Ông nói.

“Họ đến từ những cơn sóng ngoài trùng dương. Họ đến với thuyền đầy lương thực và quả ngọt. Dĩ nhiên là sau lưng họ có kiếm. Ôi, xin nghênh đón những nhà thơ sau lưng có kiếm.” Ông hát lên. Mụ cũng hát lên.  

Rồi mụ lại ngẩng cổ xoay sang phía ông.

“Trống trơn.” Mụ nói.

Ông lặng nhìn hàng nghìn ký tự kéo dài cả một quãng đường đầy bụi đỏ.  

Khi mặt trời lặn mụ nhìn vào mắt ông.

Mụ nhìn lên bầu trời. Mụ thấy trên trời có những vì sao. Trên trời có nho tươi, trên trời có những con thuyền, trên trời có những cơn sóng, trên trời có những vần thơ, trên trời có những thanh kiếm.

Rồi mụ nhìn thấy trong mắt ông có những vần thơ. “Nhắm mắt lại đi. Chúng bay hết đấy. Những vần thơ sẽ bay mất đấy.” Mụ nói với ông. Rồi mụ đưa tay lên mắt ông. Mụ muốn ông nhắm mắt lại và cuối cùng thì ông nhắm mắt lại.  

Khi bóng tối bao trùm thì ông và mụ đã mệt nhoài. Cả hai dựa vào nhau và trở về với túp lều bằng giấy các-tông dưới chân cầu.  

Nơi đó cách con đường này khoảng 1,5km.
Nơi đó có tiếng học nói của trẻ con.
Nơi đó có tiếng la hét của người lớn.
Nơi đó có rất nhiều rác thải.  

Nơi đó ông và mụ vẫn luôn thức dậy khi bình minh lên.

H.T.X  
(SHSDB26/09-2017)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỨC BAN

    1.
    Năm ấy ông Giám đốc Sở quyết định cử tôi lên rừng Vụ Quang tìm kiếm di vật liên quan đến bản chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.

  • NGUYỄN LỘC THÁI HÒA

    Người thợ sửa xe đạp chậm rãi để tờ báo đang đọc qua một bên, ngước nhìn khi tôi dừng xe bước xuống.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    Hôm ấy là một hôm trời đặc biệt mù sương, khói sương như những tảng bông tan loãng và ẩm ướt, rây rây bụi trong không gian.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH  

    Trời vừa nhập nhoạng tối thì nhiều dãy bóng đèn phía ruộng cúc đã đồng loạt sáng bừng lên. Trông chúng tươi vui như những đốm pháo hoa bung nở trăm ngàn tia lửa màu rực rỡ trong sương chiều.

  • MẪU ĐƠN   

    1.
    Điệp vàng kìa anh. Tôi đã nói điều này mỗi khi đi qua con đường ấy. Đó là điệp sao. Tôi cứ tưởng chỉ với mùa hè thôi.

  • ĐỖ TIẾN THỤY    

    Nàng là Y Than, mang cái đẹp ban sơ của bông hoa hoang dại. Bông hoa ấy đến hồi hé cánh tỏa hương thì bướm rừng dập dìu vây bủa.

  • NGUYỄN LUÂN    

    Trời mưa như thác đổ, từng dòng nước đỏ ngầu tràn từ trên vàn núi dội ào ào xuống đường lớn. Thén xắn quần lên quá gối, cứ nhằm lối cũ trong trí nhớ mà sục chân bước đi.

  • NHỤY NGUYÊN       

    Giá anh bay qua được bên đó…”. Miên đọc dòng tin của anh rồi tắt máy. Miên cứ ngồi như vậy nhìn mặt trời xuống dần và quầng mây rực lên ở nóc ngôi chùa.

  • CÁT LÂM      

    Tôi mười ba năm 196X. Tôi sinh ra đã không gần thành phố rất may có chuyến tàu muộn vắt ngang. Chuyến tàu muộn không bao giờ đỗ lại. Xe máy về làng phải vượt dốc khó khăn. 

  • TRƯƠNG QUỐC TOÀN  

    Nhiều khi Hoàng Trang ghét giọng hát của chính mình. Không phải vì quá tệ, giọng ca trong trẻo của cô cất lên luôn chạm vào trái tim khán giả, chuẩn xác nhịp phách.

  • TRẦN QUANG KHANH  

    Bóng núi đổ dài xuống bãi cát cũng là lúc mấy ngư phủ trong làng chài kéo nhau ra thuyền, chuẩn bị cho cuộc hành trình của một đêm sâu mưu sinh trên biển. Bóng nắng hẫng dần lên các chỏm cao của ghềnh đá. Hắn uể oải bước ra sát mép sóng, tìm sự khuây khỏa với đám bụi nước, dư phần của những con sóng vồ vập vỗ vào ghềnh.

  • BẢO THƯƠNG

    Mày ra giữ cho bố một đầu. Lão Thất đang cúi xuống ghìm sợi dây thừng qua gạc xe, ngó lên bảo Kiền. Kiền vùng vằng ậm ờ rồi cũng đứng dậy.

  • VŨ THANH LỊCH    

    Trời nhá nhem, cô Trinh ngồi nhập tịnh, thấy ngực nhói như gai châm, ngoái nhìn qua khe cửa, nhận ra chị Cần.

  • HOÀNG THÁI SƠN

    Một buổi trưa hè oi ả, tôi đi đến đầu làng Cao Bình, nhác thấy bóng một cây đa tán lá sum suê, mát rượi, bèn chạy quàng vào để tránh nắng.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH   

    1.
    Khu vườn rộng bốn mùa rợp bóng lá khiến ngôi nhà cổ như lọt thỏm sâu hơn vào giữa. Những ngày mưa càng âm u và buồn bã hơn.

  • PHẠM GIAI QUỲNH  

    Nhân viên soát vé mời mi lên tàu với nụ cười đông cứng, một nụ cười được lập trình qua công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, tuồng như bất động và đanh rắn.

  • NGÔ ĐÌNH HẢI   

    Hắn làm bảo vệ đêm. Sáu giờ chiều tới bệnh viện nhận ca trực. Bệnh viện thuộc hạng sang nhất thành phố. Bệnh nhân ở đây toàn là những kẻ có tiền.

  • PHẠM THỊ ANH NGA  

    Sao em vẫn chưa tin là chúng mình đã thực sự yêu nhau?

  • ĐÀO QUỐC MINH    

    Gốc mai trắng đã hơn trăm tuổi. Đó là nhất chi mai, còn gọi bạch mai, hàn mai, nhị độ mai.

  • NGUYỄN ĐẠI DUẪN   

    Đã cuối tháng Chạp mà nắng còn như đổ lửa. Nắng mùa khô ở Lào thật khó chịu, lúc thì nóng nực, lúc thì lất phất mấy ngọn gió khô khốc.