Thông điệp của Hến

09:06 09/11/2010
LÊ HUỲNH LÂMCó lẽ một trong những loài động vật gần gũi, gắn bó với người dân xứ Huế trong mọi thời cuộc là loài hến. Cho dù trải qua bao thăng trầm, bao biến cố trên mảnh đất nhỏ bé này, mọi thứ có thể thịnh suy nhưng hến vẫn trường tồn. Trường tồn như một nét văn hóa thầm lặng, khiêm tốn, không khua trương, ồn ào,… mà âm thầm tỏa ngát hương.

Minh họa DUY NINH

Một trong những yếu tố để hến tồn tại đến bây giờ chính là triết lý sống thanh cao của nó. Thanh cao đến độ khi há miệng là lúc lìa trần gian, cũng là thời khắc hến hiến dâng thân xác cho con người. Trong dân gian có câu “há miệng mắc quai” hay câu “lời nói đoại máu”, hay ”uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” và trong kinh Phật có câu “Tịnh khẩu chơn ngôn”, trong ba nghiệp đeo đẳng theo con người là: ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp. Tôi tin rằng ai cũng hiểu vì sao lời nói lại quan trọng như thế. Vì điều đó biểu hiện nhân cách con người.

Vậy có thể xem hến như một vị thiền sư, suốt đời thinh lặng cho đến khi lìa trần. Với hạnh “tịnh khẩu” của hến, con người phải xem hến là bậc thầy để noi theo. Và nhà thơ Trần Hạ Tháp đã cảm nhận:

Nước vẫn chảy bao lần qua đó
Hến ngậm bùn sống đáy lòng sông
Loài há miệng chỉ khi còn là vỏ...


Với thực vật thì có hoa Sen sinh trưởng từ bùn, và Sen đã trở thành biểu tượng trong đạo Phật thể hiện sự giác ngộ, vô nhiễm. Với động vật thì ngoài những loài khác còn có hến. Hến ở Huế sống một đời cam chịu dưới tận lớp bùn ở đáy sông và tự thanh lọc mình trên dòng Hương thơ mộng. Để rồi khi được thoát ra lớp vỏ đó là lúc trở về với cái không nghiệt ngả, hay trở về cuộc hóa thân vĩ đại của tạo hóa. Không biết chính xác vào khoảng thời gian nào, những người dân trên vùng đất Thần kinh đã đồng hành cùng hến và biến hến thành một món ẩm thực tuyệt vời có một không hai. Và trong cuộc đồng hành đó, con người xứ Thần kinh đã đặt tên cho một dải đất trên sông là Cồn Hến. Theo các nhà dịch lý thì Cồn Hến là Tả Thanh Long trong hệ thống kinh thành Huế. Trong dịch lý, Thanh Long nằm phía trái, tượng trưng cho văn, nữ tính. Ngoài hình dáng địa lý tự nhiên của Cồn Hến có thể ví như bộ phận kín đáo nhất của người con gái, thì những loài cây trên dải đất thanh tao này cũng mang dáng vẻ của người thiếu phụ, mà đặc biệt vào lúc mùa bắp trổ hoa và những bãi bờ lau sậy trắng cả màu chiều hoang hoải.

Trong cảm nghiệm sâu xa, tôi như cảm nhận được tính âm trong mỗi con hến, về cả hình dạng, màu sắc, vị giác và cả thuộc tính mát lạnh do ở dưới lớp bùn tận đáy sông. Rồi trong vở tuồng “Nghêu Sò Ốc Hến” thì nhân vật Thị Hến là phái nữ, phải chăng điều đó đã được cảm nghiệm trong tâm thức của dân gian người Việt.

Trong các lễ rước, thì đối tượng được rước luôn được quý trọng và tôn vinh. Như lễ rước thánh mẫu, đám rước nàng dâu, rước trạng về làng,… thì hến cũng được người dân xứ Huế làm lễ rước hến rất long trọng vào ngày 24 tháng sáu âm lịch hàng năm. Trên những chiếc thuyền treo cờ xí, kết hoa và đèn lọng rực rỡ cùng với chiêng trống,…rồi những âm thanh bi hùng vang lên giữa một vùng sông nước.


Điều đó chứng tỏ hến đã đi vào đời sống của người dân xứ sở Thần kinh. Không dừng lại trong phạm vi thành phố bé nhỏ này, hến góp phần vào sự sáng tạo của dân gian để tạo ra một đặc sản độc đáo: Cơm Hến. Vì sao Hến lại được đặt song hành cùng cơm, trong khi cơm là lương thực chính của người dân có nền văn hóa định canh, định cư và cơm còn được xem như là hạt châu được tạo ra bởi công sức lao động của người nông dân. Phải chăng có điều gì thật siêu hình đã được gắn kết như một định mệnh? Đúng là trời đất không quên công lao người dân làm nghề hến, để đến bây giờ trong kỷ nguyên văn minh truyền thông của thế kỷ XXI, hến đã lan truyền khắp năm châu cùng với nền văn minh lúa nước qua món: Cơm Hến. Và mỗi vị khách khi đang thưởng thức cái hương vị thanh tao kia, phải toát cả mồ hôi, chảy nước mắt, điếc lỗ tai và hít hà như trẻ nhỏ,… như những người dân làm nghề hến phải thức dậy từ sáng sớm, dầm mình dưới nước và ánh mặt trời, để có được sản phẩm hến phục vụ cho các nhà hàng, các gánh cơm hến,… phải qua biết bao công đoạn như một tổ chức lao động dây chuyền được hình thành trong tự nhiên. Ôi, một triết lý tuyệt vời. Người thưởng thức cũng toát mồ hôi như người lao động, tất cả đều hạnh phúc trong biết bao vị giác cuộc đời. Đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt, béo, nồng, nóng, lạnh,… và cái tâm lành của con người gửi vào món Cơm Hến cùng với mưa nắng ở đất Thần kinh. Đó là sản phẩm của thiên nhiên và con người xứ Huế trao tặng cho tất cả mọi người. Cũng như loài hoa Sen, Hến sinh sống trong lớp bùn sâu và đã cho con người một hạt ngọc non đầy tính nhân văn; đó chính là sự thanh cao. Có khi nào đang thưởng thức tô cơm hến xứ Huế, bất chợt bạn nghe tiếng vọng rì rào của dòng Hương, như lời thì thầm của người con gái đang nói lời yêu thương. Hay bạn đang húp tô nước hến nóng giữa ngày đông, bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp tự đáy dòng sông Hương, một con sông luôn trở mình trước bao dông tố cuộc đời. Đã bao lần tự hỏi vì sao cơm hến lại hấp dẫn như vậy? Một buổi sáng trong lành, khi đang thưởng thức tô nước hến thanh tao tôi chợt phát hiện một mùi hương kỳ lạ lẩn quất trong vô vàn hương vị kỳ diệu, đó chính là hương nồng pha lẩn chút mùi tanh thật nhẹ của thảo mộc của loài Thạch Xương Bồ.

Một ngày mùa thu, lang thang trên hòn đảo xanh trước nhà, tôi đã cảm nhận được đời sống chân chất của người dân Cồn Hến. Các con đường đất nho nhỏ quanh co trên mảnh đất này như các mạch máu trên một cơ thể. Sinh hoạt của người dân ở đây thầm lặng, trong không khí yên tĩnh đến lạ thường. Thỉnh thoảng tiếng chuông nhà thờ Tân Thủy lại rung vang như muốn nhắn nhủ với mọi người về sự tồn tại của thượng đế, rồi vào những thời khắc tranh sáng tranh tối tiếng chuông từ chùa Pháp Hải và Niệm Phật đường Hương Lưu lại ngân vọng như để xua tan sự u tối trong mỗi con người. Có thể tiếng chuông ngân vọng mỗi ngày đã tác động đến loài hến ở xứ Cồn mà tạo nên vóc dáng thanh tao và hương vị ngọt bùi.

Hầu như người dân ở đây sống bằng nghề làm hến, nghề sông nước, nghề may mũ, chằm nón một thời chưa xa,… một số gia đình mở hàng quán bán các đặc sản xứ cồn như: cơm hến, chè bắp, ốc xào,… Để vào được xứ sở thần tiên này, ngoài chiếc cầu sắt nhỏ độc đạo nối Vỹ Dạ với Cồn Hến còn có một bến đò Cồn đã tồn tại từ rất xưa ở ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm và Chi Lăng để đưa khách qua lại từ bờ Bắc sang Cồn Hến. Đã quá lâu rồi, tôi mới được thấy hình ảnh vài ba o trong dáng đi nhịp nhàng trên đôi quang gánh, một đầu là thùng nước hến đặt trên bếp than hồng, đầu kia là các thực phẩm và dụng cụ để bày biện nên lễ hội của rau cỏ cùng bản hòa âm của gia vị cuộc sống: ớt, nước ruốc sống, bánh tráng nướng, muối rang, đậu phụng phi dầu, mè rang, tóp mỡ, vị tinh, dầu phụng phi hành... Mọi thứ được bày biện ngăn nắp như cuộc chơi buôn bán đồ đoàn của tuổi thơ, cùng với cơm nguội, hến luộc và các loại rau sống,… nhưng không thiếu khế chua, rau thơm, môn ngọt, bắp chuối. Ngày này sang ngày nọ các o, các chị lại gánh lửa hồng và dư vị dòng Hương cùng ngọn khói hư ảo đi khắp kinh thành. Và mùi hương thầm lặng đó đã lay động tâm hồn của Hạ Nguyên:

Gánh cơm hến của em đi trong sương
Tôi nhìn thấy lễ hội của rau cỏ
mười ba hay mười bốn
            những đoàn xiếc xanh và đỏ treo ngược
những cay-đắng-ngọt-bùi
trộn lẫn những chiêm nghiệm của dòng Hương
                                    qua nghìn triệu mắt hến


Thời trước, nhìn mặt khách hàng là mấy o bán cơm hến nêm gia vị đúng cho mỗi người, những lúc đông khách thì người thưởng ngoạn cơm hến sẽ tự nêm cho vừa khẩu vị mình. Phải chăng điều này phần nào đã giúp cho người Huế không vụng về trong việc bếp núc. Thật ra, hến ở xứ Huế không phải luôn luôn ngậm ngùi trong thân phận khép mình trong đôi vỏ khiêm nhường kia, mà với dòng Hương giang như chiếc lưỡi nối dài từ tận miệt núi rừng ra đến đại dương, hến đã nếm trải bao hương vị cuộc đời và gửi cho loài người một thông điệp: hãy tự thanh lọc chính mình giữa dòng đời nghiệt ngã.

L.H.L
(SĐB 10-2010)






Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • JEAN CLAUDE VÀ COLETTE BERNAY (Chủ tịch Hiệp Hội "Nghệ thuật mới Việt Nam", thành viên của Nhóm công tác Huế - Unesco, phụ trách dự án Duyệt Thị Đường từ năm 1993)

  • NGUYỄN QUANG HÀ                            Bút kýMột nhà triết học đã nói: "MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐI BẰNG ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH". Lúc ăn chưa no, lo chưa tới, đọc câu này, tôi cười: "Dễ ợt thế, có gì mà nói". Lớn lên mới thấy được câu ấy thật chí lý, thật ghê gớm. Hầu như tất cả những ai mượn đôi chân của người khác đi đều sứt đầu, bươu trán cả. Tuy không nói ra, song những tiền đề, định hướng cho mọi hành động đều có xuất phát điểm từ nội dung câu nói ấy.

  • HOÀNG NGỌC VĨNHTrong hơn 300 năm từ 1636 đến 1945, với tư cách là Trung tâm chính trị và văn hóa của Đàng Trong và là kinh đô của đất nước thống nhất, Huế trải nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được những thuần phong mỹ tục và các thành tựu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, hội tụ được nhiều kỳ tích về nhiều phương diện. Huế bình tĩnh, chắc chắn đi lên và đang hiện đại hóa. Cố đô cổ kính hài hòa trong thành phố mới sôi động, xứng đáng với phần thưởng cao quý mà UNESCO trao tặng trong tháng 8. 1994 "Huế di sản văn hóa của thế giới".

  • XUÂN HUY        "Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại        Cầu Trường Tiền đúc lại xi - moong"

  • TÔN THẤT BÌNHThừa Thiên Huế vốn là vùng đất miền Trung nổi tiếng về hò. Ngày trước, hò khá phổ biến trên mọi miền đất nước, nhưng đặc biệt ở miền Trung, hò là một đóng góp quan trọng về thể loại dân ca Việt Nam.

  • LTS: Nhạc sĩ Trần Hoàn là người từng công tác nhiều năm, và có nhiều gắn bó với TTH. Nhân dịp ông vào Huế công tác, phóng viên Nguyễn Việt có cuộc trò chuyện với ông xung quanh những vấn đề về Huế và âm nhạc. Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện này.

  • HỒ VĨNHTừ đường Qui Đức công chúa tọa lạc bên cạnh đường đi lăng Tự Đức thuộc thôn Thượng 2, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Đây là một ngôi từ đường cổ có tuổi thọ trên 100 năm. Bình đồ từ đường có kiến trúc gần vuông, nội thất có 1 gian 2 mái gồm 20 cột gỗ lim, kiền. Ở gian chính giữa treo bức hoành khắc nổi sáu chữ Hán "Qui Đức công chúa từ đường".

  • NGUYỄN KHẮC PHÊLâu nay, nhắc đến vùng biển gắn liền với Huế, người ta chỉ biết có Thuận An " bãi tắm Thuận An", " Cảng Thuận An", " nhà nghỉ Thuận An"... còn eo Hòa Duân, nghe như là một địa danh mới nổi tiếng sau cơn lũ lịch sử đầu tháng 11 này.

  • THANH TÙNGSáng 4/11/99, khi còn kẹt ở Đà Nẵng, nối được liên lạc với với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Mễ qua Mobi Fone tôi mới biết mức nước ở Huế đã vượt đỉnh lũ lịch sử từ 1 - 1,2 mét.

  • QUÍ HOÀNGLăng tẩm trừ lăng Khải Định, Hổ Quyền, trong Hoàng Thành trừ Thái Bình Lâu, Lẩu Ngọ Môn ở vị thế cao nên thoát khỏi nước. Còn tất cả 14 khu di tích khác với hàng trăm công trình kiến trúc đều bị ngập trong biển nước. Chỗ cao nhất trong nội thành cũng ngập 1 mét 50 nước, chỗ ngập sâu nhất của lăng Minh Mạng là trên 5 mét. Nhà bia ở đây nước ngập dần tới mái.

  • ĐOÀN MINH TUẤNViệt Nam - mảnh đất dài như một chiếc đàn bầu đã là quê hương sản sinh ra chiếc áo dài phụ nữ duyên dáng. Dải đất hình chữ S thắt lưng eo ở Huế, cũng như chiếc áo dài "thắt đáy lưng ong" dịu dàng, e ấp, kín đáo và lộ rõ đường nét:        Rõ ràng trong ngọc trắng ngà        Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên                                                        (Nguyễn Du)

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNTừ sau ngày các chúa Nguyễn thiên di thủ phủ xứ Đảng Trong đến Kim Long (1636) và Phú Xuân (1687), do yêu cầu tiêu dùng của phủ Chúa và quan binh, đã hình thành ở Phố Lữ Bao Vinh một khu phố thị. Đến nửa thế kỷ XIX khu phố thị nầy lan dần lên phía chợ Dinh Gia Hội và tồn tại cho đến ngày nay. Kinh thành Huế được UNESCO công nhận là Thành cổ thì khu Gia Hội Chợ Dinh chính là khu phố cổ của Huế.

  • VÕ HƯƠNG AN (*)Ngày trước tôi chưa thấy nơi nào nhiều am, miếu, điện, đền như ở Huế. Và cũng chưa thấy nơi nào mà việc lên đồng lại phổ biến và quen thuộc như ở Huế. Nội dọc con đường chạy từ xóm Cầu Đất tới cống Vĩnh Lợi đã có khá nhiều điểm lên đồng, nào am ông Cửu Cường, am bà Thầy Bụi, Phước Điền Điện của ông Giám Hưu, am ông Chấn.v.v nói chi đến những nơi khác nữa.

  • NGUYỄN VĂN MẠNHLàng Phước Tích được thành lập vào khoảng thế kỷ XV, gần với quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam của nhà nước phong kiến Đại Việt. Trong gia phả của họ Hoàng - dòng họ khai canh ở Phước Tích có đoạn chép: "Đến đời Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất và hai (1470 - 1471), ngài thủy tổ họ Hoàng lúc bấy giờ là Hoàng Minh Hùng, tục gọi là Nồi, nguyên người làng Cẩm Quyết, tỉnh Nghệ An, đã thân chinh đánh đuổi quân Chiêm Thành, sau chiến thắng trở về ngài đi xem xét đến nguồn Ô Lâu, bao chiến địa phận từ Khe Trăn, Khe Trái đến xứ Cồn Dương, sau khi xem bói, đoán biết được chỗ đất tươi tốt, ngài liền chiêu tập nhân dân thành lập làng" (1).

  • NGUYỄN QUANG SÁNG                                 Ký Mỗi lần ra Huế về tôi cứ áy náy là chưa đến viếng Nhà thờ tổ nghề Kim Hoàn, vì cha tôi và anh em tôi đều là thợ kim hoàn. Nghề kim hoàn của cha tôi đã nuôi các anh chị em tôi. Cũng với nghề kim hoàn gia đình tôi đã trải qua biết bao thăng trầm. Mãi đến ngày 05/8/2004 này nhờ sự giúp đỡ của Tạp chí Sông Hương (Nguyễn Khắc Thạch, Vũ Bích Đào, Diệu Trang) tôi đã đến Nhà thờ thuộc làng Kế Môn, huyện Phong Điền.

  • TRẦN THỊ THANH…Núi Thuý Vân và chùa Thánh Duyên vì trước kia được xem là một trong những thắng cảnh của đất Thần Kinh nên các Chúa và các vua Nguyễn thường về đây thưởng ngoạn và làm thơ phú ca ngợi. Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả vẫn là những bài thơ được khắc trong hai tấm bia - một dựng trong chùa, một dựng dưới chân núi…

  • HỒ VĨNHĐồi Vọng Cảnh nằm cách thành phố Huế 7km về phía tây nam, vùng sơn phận này gồm nhiều núi đồi gối đầu lên nhau trong một khu vực rộng khoảng 2.400 ha diện tích đất tự nhiên. Về mặt địa hình của ngọn đồi, từ vị trí của tấm bia cổ Lý Khiêm Sơn (núi gối hậu của Khiêm Lăng - Tự Đức) kéo dài lên Vọng Cảnh là một dãy liên hoàn.

  • NGUYỄN QUANG HÀChùa Huyền Không Sơn Thượng tan trong non xanh và lá xanh. Dẫu đang còn tranh tre mộc mạc, nhưng thanh thoát, duyên dáng và thảnh thơi như lòng người ở đây. Đúng như nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh tâm sự: “Cảnh là tơ duyên của đời”. Đến Huyền Không Sơn Thượng cảm giác đầu tiên của tất cả du khách là thấy lòng mình ấm lại.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHChùa Linh Mụ đẹp quá, nên thơ quá. Nói vậy cũng chưa đủ. Nó tịnh định, cổ kính, an nhiên, trầm mặc. Nói vậy cũng chưa đủ. Phải nói nó là một bài thơ Thiền lồng lộng giữa không gian mây nước, giữa khói sương, giữa mênh mang dâu bể và lòng người. Nó là bức tranh thủy mặc thuộc họa phái Sumiye, Nhật Bổn, mà, nét chấm phá tuy giản phác nhưng lung linh, ảo diệu; vượt thời gian và đi vào vĩnh cửu. Nó là bài kinh vô ngôn, tuy không nói một chữ, mà đã làm lắng đọng trăm ngàn xôn xao của cuộc thế; và, gợi nhắc vô biên cho con người hướng đến điều chân, lẽ thiện...

  • NGÔ MINHHuế trên 350 năm là thủ phủ Chúa Nguyễn Đằng Trong và Kinh Đô của Đại Việt đã tích tụ nhân tài, vật lực cả quốc gia tạo ra một hệ thống Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc và nổi tiếng như nhã nhạc, lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực... Trong Di sản văn hóa ẩm thực Huế, Văn hóa ẩm thực Cung đình là bộ phận tinh hoa nhất, giá trị nhất!