Xuân Hoàng - Lâm Thị Mỹ Dạ - Nguyễn Trọng Tạo - Hồng Nhu
Nhà thơ Xuân Hoàng - Ảnh: internet
XUÂN HOÀNG
Thơ và bóng đá
Đời, đôi lúc, giống chuyện từ sân cỏ,
Còn nhà thơ, như cầu thủ trên sân:
Mặc đồng phục, đứng ra chào khán giả,
Tiếng vỗ tay vang dội khắp tầng tầng.
Có cầu thủ, tưởng khi mình khoác số,
Là giàu sang, vô tận sức làm bàn:
Cứ nhanh nhẹn, nhịp nhàng, di chuyển chỗ
Cứ tha hồ phung phí lượng thanh xuân.
Đến một lúc dần thấy mình cạn sức
Mà than ôi sân cỏ rộng vô cùng!
Và cả cái khung thành vuông vắn góc
Vẫn chỉ là con số trắng trên khung!
Trong khi chuyện làm bàn cần có thật
Thì vi vu... quả bóng cứ đi vòng!
Thơ cũng vậy: đôi khi thành bất lực
Trước cuộc đời, qua những khúc bông lông!
11-87
LÂM THỊ MỸ DẠ
Viết tặng nỗi buồn riêng
Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương
Rơi không thành tiếng
Trái tim em còn trẻ dại
Trắng trong
ai cất giùm em
Cái nhìn già nua
Bàn tay cằn cỗi
Trong xứ sở anh
em bị lạc
Xứ sở hiếm hoi niềm vui
Khô khắt đến nao lòng
Ai cất giùm em
nước mắt
Biết giấu nụ cười đi đâu
Khi phải cười
Em không còn là em
Ai đánh mất em?
Hay chính em đánh mất?
Nào phải chi mình xấu xa
Trái tim em trong trắng
Ai nhận ra?
Đến như anh – người bạn cùng đường
Vẫn bước ngoài đời em
Em lạc cả trong anh
Lạc không tìm ra lối
Nhiều khi muốn mình như chiếc bóng
Tan trong màu đêm
Để không ai nhận ra
Mình có mặt trong đời
Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương
Em chết trong nỗi buồn
Chết lặng thầm âm ỉ đớn đau
Trời cho em nụ cười thật tươi
Ai biết sau nụ cười
Giọt nước mắt về đâu?
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Gửi con người
và Tr. Aitmatop
có thể cãi vã nhau nhưng xin đừng ác ý
con người ơi cây lá vẫn mùa xuân
ở đâu đó Người vẫn yêu Người lắm
nước đục ư? Qua bể lọc trong ngần
có thể chán chề nhau nhưng xin đừng cố chấp
những cuộc vui kết thúc dễ đau buồn
nếu Người ví thông minh như dao sắc
nghĩa là Người có thể đã quá khôn
bao nhiêu sách bao nhiêu Kinh đã viết
mà Con Người lắm lúc dại khờ sao
tôi yêu sự dại khờ phải chăng tôi khờ dại
con chó đi tự nó sẽ quay về
tôi vốn tin Con Người hơn tin chó
cái niềm tin như đá tảng trong mình
nhưng đọc ĐOẠN ĐẦU ĐÀI niềm tin tôi tan vỡ
người ác hơn chó sói chốn rừng xanh!…
thôi đã vậy, bình tâm Con Người ạ
thêm cám ơn Aimatop một lần
ở đâu đó Người vẫn yêu Người lắm
dẫu tình yêu có lúc chỉ âm thầm…
1987
HỒNG NHU
Cây sét đánh
Tôi không có gì để mà buồn
Khi chẳng biết niềm vui ra sao nữa
Đã từ lâu bị làm lạnh chiếc hôn
Tôi còn giữ chút khả năng đau khổ
Tôi chẳng có gì để mà vui
Khi vây quanh là những nỗi buồn dằng dặc
Đã từ lâu bị mất cắp nụ cười
Tôi còn giữ chút tình yêu giăng mắc
Tôi chúi mũi từ sáng đến đêm khuya
Mồ hôi nào giọt to như hạt đậu
Trong đớn đau xây xẩm đầm đìa
Tôi hạnh phúc như một người hiến máu
Có mỗi quả tim nhỏ bé yêu đời
Tôi dâng trọn chẳng ngại ngần mặc cả
Đắm đuối thế nhiều khi tôi được trả
Bằng lạnh tanh hoang mạc của lòng người
Người ta làm tội ác rất thản nhiên
Và lương thiện như uống bia ăn chả
Như trẻ con chơi trò trận giả
Chẳng đứa nào tự giác nhận quân xanh.
Tôi làm gì để mà... để mà tôi?
Khéo cây vươn cao chỉ để cho sét đánh
Nếu như thế, tôi nguyện làm cây sét đánh
Chết trong tươi xanh và ương ngạnh tiếp
đâm chồi
1985 - 1987
(SH29/02-88)
TRẦN HOÀNG PHỐ
HẢI BẰNG
PHẠM TẤN HẦUKhúc hát nhỏ gởi thành phố của tôi
Võ Quê sinh năm 1948 tại An Truyền, Hương Phú, Bình Trị Thiên. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Võ Quê làm thơ từ năm 16 tuổi và có thơ in trên các sách báo văn nghệ tiến bộ ở miền Nam từ năm 1968. Nguyên là trưởng ban báo chí Tổng hội sinh viên Huế, anh đã bị ngụy quyền bắt giam ở Côn Đảo năm 72 và năm 73 được thả, thoát ly lên chiến khu. Anh là một nhà thơ được quần chúng yêu mến trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh miền Nam.
TRẦN HOÀNG PHỐ Để tưởng nhớ nhà thơ Ngô Kha và Trần Quang Long đã hy sinh
TRẦN VÀNG SAO
LÊ VĂN NGĂN
VĨNH NGUYÊNDòng sông cảm nhận
PHẠM NGUYÊN TƯỜNGCà phê với bạn thơ ở Sài gòn
FAN TUẤN ANHĐoản khúc số 56
LÂM THỊ MỸ DẠThiên thạch
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG Kính tặng Hà Nội - Trái tim
THÁI NGỌC SANHà Nội của tôi
HỒNG NHUNhặt được ở sổ tay 1
PHẠM TẤN HẦU Để nhớ TNS“tiếng thét trong bóng đêm mới mẻ, chỉ cần hát và chỉ cần khóc” J.BRODSKY
NGUYỄN KHẮC THẠCHNgón trăng1
LTS: Tại nhà thờ họ Lê của làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, vào tháng 10 năm 1950 đã diễn ra Hội nghị Họp ban thành lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên, đánh dấu sự ra đời sớm nhất của một hội văn nghệ địa phương trong cả nước. Kỷ niệm 60 năm sự kiện đầy thiêng liêng và ý nghĩa ấy, những ngày tháng Tám, Trại sáng tác Về Nguồn đã được Hội LH VHNT tổ chức ngay tại mảnh đất Mỹ Lợi.
LTS: Đào Tấn (1845-1907) nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc. Ông đã ở Huế nhiều năm, viết nhiều vở tuồng có giá trị trong văn học sử Việt Nam. Cảnh sắc thiên nhiên và con người Huế cũng là nguồn cảm hứng của thơ, từ của ông. Chúng tôi xin giới thiệu một số thơ, từ của Đào Tấn viết về miền đất sông Hương qua bản dịch của nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn.
LÊ VĨNH THÁIKhi chúng ta không là của nhau
LTS: Ngô Minh sinh ngày 10-9-1949 tại An Thủy, Quảng Bình. Bắt đầu in thơ từ năm 1975. Được giải thưởng thơ hay báo Nhân dân 1978…Ngô Minh đã từng là bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam nhiều năm, vì thế thơ anh viết về nhiều đề tài cuộc sống, nhưng vẫn mang đầy hơi thở của một người lính: sâu đằm, bỏng cháy…