Nguyễn Nguyên Phượng - Nguyễn Văn Song - Đinh Tiến Hải - Đinh Ngọc Diệp - Vũ Dy - Nguyễn Chí Ngoan - Nguyễn Ngọc Hưng
Tác phẩm "Chớm đông" (Sơn dầu, 80cm x 100cm, 2022) của họa sỹ Văn Quân
NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG
Ly hồng sỏi trắng
Lay phay gió lả ngọn tình
Góc vườn cành giấy lung linh bầu trời
Ly hồng sỏi trắng nhỏ nhoi
Vẫn dâng đại mộng cho đời ngát xanh.
NGUYỄN VĂN SONG
Sương
Sương buông mờ phía cánh đồng
Ngùi ngùi dáng mẹ mênh mông trắng chiều
Dòng sông sương thả hoang liêu
Con đò oằn nặng bao nhiêu khói buồn
Tóc xanh buốt sợi sương tuôn
Bấm tay đếm những mất còn phôi pha
Sương giăng lưới chút tình xa
Đắm say mùa cũ giờ là chiêm bao
Mộ cha vỡ giọt sương trào
Nghe như mặn xót thấm vào cỏ may
Đêm qua trời phủ sương dày
Bỗng nghe vọng tiếng chim ngày ấu thơ.
ĐINH TIẾN HẢI
Mùa đi qua những dấu giày
Lặng im
đi
những cơn mê
chẳng còn đâu nữa
lối về cùng nhau
Lặng im
nén tiếng thở sâu
nhốt vào đắng ngọt trên màu mắt xưa
Lặng im nghe những dạ, thưa
vọng chiều phố cổ
một trưa nắng mòn
Chớm tình
vương nét môi son
vết thương tấy nhức
da non
ngực gầy
Tôi nằm
góc khuất đâu đây
niệm lời thú tội dâng đầy mắt đêm
Ngủ đi trăng
gió động thềm
tôi về năm ngón ru mềm cơn say
Mùa đi qua những dấu giày
một cơn gió bấc thổi cay mắt người
Em xa - một cánh hoa rơi
mùa ôm chiều vỡ
tôi ngồi uống đêm.
ĐINH NGỌC DIỆP
Chẳng nhận mình
lồng lộng giữa thiên nhiên
(Với bức tượng “Cô gái thiếu vải” ở một công viên châu Âu)
Em ngược đầu
Hóa tượng.
Sợi tóc giãy lên trong gió đầu ngày
Thân ngửa uốn cong
Đợi gắn một làn môi
Nơi vốn là công viên thành không gian riêng tuyệt đối
Từ chối niêm phong chính mình
Em bật phóng giữa thanh thiên!
Kẻ lẩm nhẩm bạc tiền tự tránh sang bên
Có những cái nhìn tự sỉ
Mọi thấp hèn giải thể trước em!
Đêm. Em trở về căn phòng cũ
Sáng dậy đi làm qua bức tượng kia
Em chẳng nhận ra em
Trót đánh mất mình trong thân phận
Làm vợ, làm mẹ
Cô gái tượng kia thay em nhận ngưỡng mộ của người đời
Em - mỹ nhân đích thực
Ngày làm lụng, lau nhà, giặt gĩu, chăm con...
(Đôi khi nhận những mắng nhiếc tục tằn, vết thâm trên mặt)
Trót đánh mất mình
Thờ ơ trong bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc
Để tượng nằm kia nhận hết phần trác tuyệt
Em - những vụn đá dư thừa, người tạc tượng đẽo văng ra!
VŨ DY
Cánh đồng
giấu vào xanh
người về nấp trong hoang vu đất thơm
rúc theo hơi chim mưa
ngậm tiếng kêu tha mùa nặng trĩu
giấu sau tóc
mắt người quầng tím giêng hai
màu môi ấy không li khai trí nhớ
đỏ đường chiều hoang dại
người về cố quận buồn theo
nấp trong mưa
chảy tràn vai mẹ
chấp chới áo vàng lụa cũ
gánh tháng năm luân lạc người
nấp dưới đêm
réo rắc rình nghe ấu thơ
lũ chuột hành khúc rúc rích
những giọt sao buồn hấp hối...
nghe từng tiếng rơi trên căn phần
giấu trong nỗi cô đơn rơm rạ
NGUYỄN CHÍ NGOAN
Đoản khúc quê nhà
Nắng đã về chiều chao chát buổi ngày xưa
Cánh diều quê mặc cạn trên ngọn đồi heo hút gió
Con trâu già nằm dưới bóng râm tiếc ngẩn ngơ buổi đồng
chiều đi mất
Hoàng hôn nào lấp lửng phía chân trời.
Đường quê xưa hoa cải lỡ thì
Cánh chuồn nâu quanh bờ tre dành cả đời gai góc
Tiếng cười trong, ấm những gian nhà cũ mục
Ơi tuổi thơ đi qua? Chưa ghé lại một lần.
Qua mương nước bầu trời leo lẻo xanh
Nỗi nhớ vắt bên rào tươi nguyên dòng mực mới
Bài thơ xưa gục khóc
Ướt cơn mưa chiều trên suối tóc bâng khuâng.
Cây cầu mục nối bờ quê say điệu ví dầu
Gian nhà nhỏ suốt mùa ám khói
Tiếng cười quê những chiều thắp nắng
Như trăm năm chưa qua hết dại khờ...
NGUYỄN NGỌC HƯNG
Cuối năm
Vắt qua mảnh sân rêu là vệt nắng
Vàng hắt vàng hiu
Giọng con dế lửa gọi mùa.
Mải mê thêu thùa
Hoa bướm chập chờn bay đậu
Mấy bông cỏ nheo nheo làm mặt xấu.
Phập phồng gió nâng bờ giậu
Áo nâu sồng khăn điều đỏ
Bà phơi.
Quên tuổi đời mỗi buổi một vơi
Mẹ ngồi đếm ngô đếm thóc
Niềm vui lặng lẽ mọc.
Hương trầm trắng len kẽ tóc
Di ảnh ông nhìn di ảnh cha
Nháy mắt cười
Ngồn ngộn phiên chợ cuối năm đông người
Bộn bề toan lo trĩu gánh
Ấy ơi còn bán héo mua tươi…
(TCSH406/12-2022)
Nguyễn Văn Hùng - Nguyễn Tấn On - Thiệp Đáng - Nguyễn Bình An - Ngô Cang
HOÀNG VŨ THUẬT Sinh năm Giáp ThânLàng Thạch Xá Ha, Hồng Thuỷ - Lệ Thuỷ - Quảng Bình.Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã từng qua 15 năm trong nghề dạy học. Biên tập Nhà xuất bản Thuận Hoá. Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình.
TRƯƠNG ĐĂNG DUNGSinh ngày 8-5-1955 tại Diễn Trường, Diễn Thành, Nghệ An.Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Budapest , Hunggari.Hiện là PGS.TS. Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt .Hội viên Hội Nhà văn Việt .Tham gia giảng dạy nghiên cứu sinh và cao học ở các trường đại học.
Hoàng Phủ Ngọc Tường - Phạm Xuân Trường - Văn Hữu Tứ
Phạm Khang - Lê Ngã Lễ - Phan Đình Tiến
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO* Sinh ngày 19-5-1979 tại thị trấn Kỳ Anh - Hà Tĩnh* Cử nhân Ngữ văn - Báo chí trường Đại học Khoa học Huế.* Từng là phóng viên, biên tập viên Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Huế.
VĂN LỢILTS: Trong số này, Sông Hương định dành trọn trang thơ cho "phái đẹp". Song có một "đấng mày râu" gửi tới một chùm thơ viết về MẸ khá cảm động nên Toà soạn không nỡ bỏ qua…
Phạm Dạ Thuỷ - Thanh Vân - Lê Mai - Tô Hằng Thanh - Vân Hạ
Thuý Nga - Tôn Nữ Ngọc Hoa - Vi Thuỳ Linh - Lưu Ly - Trần Thị Huê - Ninh Giang Thu Cúc - Kim cúc - Hoàng Thị Bích Thuần - Cao Thị Hiền - Phạm Kim Anh
Ngô Minh - Trần Dzạ Lữ
Lê Tấn Quỳnh - Lê Viết Xuân - Nguyễn Sĩ Cứ - Nguyễn Thị Phước
Nguyễn Hữu Hồng Minh - Nguyễn Thánh Ngã - Trần Thị Thu Huề - Nhất Lâm - Trần Tiễn Cao Đăng - Ngô Thiên Thu
Phan Huyền Thư - Hoàng Hưng - Trịnh Lữ - Inrasara - Trần Tuấn - Nguyễn Thanh Mừng
Phan Trung Thành - Mai Bá Ấn - Nguyễn Thị Phước - Hồng Thị Vinh
Sinh năm 1948 tại Bắc Ninh. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.Nhiều năm sống và gắn bó với vùng Kinh Bắc. Tốt nghiệp khoá 2 Trường Viết văn Nguyễn Du (1983 - 1985). Hiện công tác tại báo Sức khoẻ và Đời sống (Bộ Y tế).
Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lê Hoàng Anh - Trần Hữu Lục - Lê Văn Ngăn - Vũ Thị Khương - Trần Phá Nhạc - Lê Anh Dũng
Lê Mỹ Ý - Nguyễn Lãm Thắng - Thuý Nga - Nguyễn Vĩnh Nguyên - Võ Tấn Cường - Đại Giang
Quê Thanh Hoá.* Thơ đã xuất bản:- Hồi ức chuồn chuồn (NXB Thanh niên 1995)- Thơ ký gửi (NXB Văn học 1998)* Sắp xuất bản: - Cho; - Thu về
Tôn Nữ Ngọc Hoa - Nguyễn Đức Đát - Võ Khánh Cừ - Ngân Vịnh
Vĩnh Nguyên - Trần Hoàng Phố - Nguyễn Trần Thái - Võ Phước - Đào Trung Việt - Nguyễn Chí Hoan