Thơ Sông Hương 04-2004

10:36 30/07/2009
Phạm Xuân Trường - Đức Sơn - Hoàng Quý - Hoàng Niên

Mỵ Châu Trọng Thủy (Ảnh: tuanvietnam.net)

PHẠM XUÂN TRƯỜNG

Truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh

Giá mà chẳng có Mỵ Nương
Thế gian đâu lắm tai ương đến giờ
Giá ngày ấy chẳng có vua
Thảo dân đâu hoá trò đùa nỗi đau!

Thánh thần lừa miếng hại nhau
Trách chi nhân thế khổ đau kiếp người
Bầy tôi đến thế thì thôi
Mồ cha, mộ mẹ hết trôi lại tìm...

Chỉ vì một chút tình riêng
Nuôi thù chuốc hận triền miên bao đời
Cha này con ấy nối ngôi
Máu dân, xương lính trò chơi thánh thần...

Ngước nhìn lớp lớp phù vân
Người còn “bận” với mỹ nhân trên trời
Chỉ là truyền thuyết thế thôi
Câu thơ tôi bỗng nửa trôi... nửa chìm.
                                                        11/2003


Nhớ...

Chạm môi vào kỷ niệm xưa
Trăng tan thành những giọt mưa luân hồi
Ngang trời đọng tiếng vạc rơi
Em vào thơ bỗng thành lời tri âm

Bồi hồi mõ đổ chuông ngân
Dãi dầu đếm được mấy lần nhớ em
Nỗi buồn vô cớ nhặt lên
Vầng trăng sương giá treo trên cánh rừng

Còn duyên: đem bán ngập ngừng
Để anh mua cái dửng dưng cầm về
Trăng vàng chuốc rượu bùa mê
Gió say nghiêng cả con đê cuối làng

Nhớ em nhớ cũng vội vàng...


Truyền kiếp

Hết bà là đến mẹ tôi
Chiếc đòn gánh gánh cuộc đời... bà trao
Mẹ tôi bước thấp, bước cao
Một đời sấp ngửa lao đao thay chồng

Lũ về lấp ló bờ sông
Oằn lưng cõng cả cánh đồng lên đê
Bão giông bom đạn tứ bề
Còng lưng mẹ quẩy lời thề non sông

Chiều mưa đưa mẹ ra đồng
Chiếc đòn gánh lại rộp phồng vai con...
Hoa gạo chín đỏ bờ sông
Bịm bịp kêu suốt mùa đông kêu về...

Măng non rồi lại thành tre
Vít cong con gái nhà quê chúng mình.


ĐỨC SƠN

Lời ru ngọn lửa

Ta nghiêng gió chọn lời ru ngọn lửa
Ru à em... nồng ấm lửa ngày mai
Ta cứ mặc đêm nay về lạnh giá
Lửa đam mê liu riu cháy thật thà

Dẫu khuya khoắt cửa phòng em chưa khép
Giọt sương môi, tàn tro trắng ủ ta
Vầng hắt sáng em mồi thêm lửa
Lửa, lửa về triệu độ mà em

Ta giấu kín râm ran lửa hát
Hành khúc xanh, lửa nhớ chuyện xanh
Ngày chưa tắt ta giành nhen cho kịp
Con cúi chưa tàn thì thầm lửa miên man

Chợ đời dài có lần xa bếp lửa
Ta xa em đóng băng rượu vô hồn
Vì lỡ chuyến à em... lửa nhỡ
Ta lỡ em rơi lửa thật vàng.


Lời thỉnh cầu chiều

Như chiều buông con nước đang lên
Ráng ta lời nhắn gửi
Chiều ơi! chiều rơi rơi chậm lại
Cho ta níu lảnh lót tiếng cười

Chiều sưởi ấm cánh đồng ta mùa đầu gặt hái
Ly ly trắng ngút mắt tìm
Khoảng trời âm âm chưa lọt
xuân chiều

Ta biết chiều gượng nắng vậy thôi
Dẫu óng chiều mật rót
Không che nổi chiều nhịp đập
Có biết chiều chiều dựng xé
cơn dông

Nhớ lay xa chiều phía cháy lòng
Ngơ ngác biết ta khờ dại
Ta ru trong veo mắt chiều ngoái lại
Và ngồi nghịch cát nói một mình
Chiều đừng lấp cát dấu lời ta

Lời thỉnh cầu!
Chiều ngưng ngưng trôi
Chiều hãy nghiêng trao cho ta lời báu vật.
                                Ngày thơ Việt Nam 2004


Không tên số 6

Ta gieo em trót lời đầu năm
Rung khẽ chuông niệm cầu màu hoàng yến
Lởn vởn hoa khôi và tri âm
Như những dãy nến cung điện
Soi vào em chiếc nhẫn khoe ngón tay ngà

Ta tin ta lấp kẽ hở chói loà
Tuổi vút lên không chối từ âm thầm nghiệt ngã
Lời nói thánh đường hoa trái
Trang sức một thời, nhưng thua cỏ vẫn xanh

Em ngân nốt trầm cao thượng
Lời đào thắm cám dỗ mùa xuân
Trải thảm phong trần
Để nhìn tim em phập phồng
                                   vào lễ hội

Em đi đâu vời vợi?

Ngụp lặn chiêm bao thấy em về
                                   vào tranh
Em vương miện ta mai sau không đổi khác


HOÀNG QUÝ

Và...
         Những khoảnh khắc


Mẹ sinh tôi
Tháng 3 rét nàng Bân tái tàu lá cọ
Chim chiềng chiềng tha trái gắm xanh
Quả sim dại chưa tới mùa ngậm mật
Và hoa lau bạc trắng con đường...

Tôi khôn lớn bởi xanh xao của mẹ
Túm măng bòn, lọn sắn, mớ rau môn
Câu mẹ hát xót cả miền che chở
Cái cò...
Là...
Cái cò con!

Em có biết tôi tuổi vừa lẫm chẫm
Mới thạo gọi cha ơi, cha đã đi rồi
Anh tôi mất ở Điện Biên tháng năm mùng bảy
Cha theo anh, bỏ tôi lại trên đời

Rồi năm tháng với rất nhiều dữ dội
Tôi lớn vội vàng như không thể thiếu niên
Tổ quốc lại một phen binh lửa
Tôi ba lô con cóc lên đường

Tôi đã đến nhiều nẻo đường xa lắm
Đã đợi thư nhà bên những hút bom
Đã đào huyệt chôn nhiều đồng đội
Đã sốt rét rừng, đã đói muốn điên lên
Những khi ấy gương mặt người rất thật
Gương mặt người như lửa thắp từng đêm
Bao trai gái muôn miền tụ lại
Anh trai Tày hát với chị Kiên Giang
Vài viên ký ninh xẻ làm mấy nửa
Mong nhau lui cơn sốt trong rừng
Bi đông nước chia từng ngụm nhỏ
Lá trung quân biếc ở trong hồn...

Trở lại quê trong một ngày rất nắng
Chả có mấy nhà vắng chiếc khăn tang
Bè bạn cũ chỉ còn lác đác
Không may mắn như tôi, họ nằm lại chiến trường!

Những đám trẻ rủ nhau ra thành phố
Mắt tròn to ít nhớ, nhiều quên
Có lớp người sáng trưng như vàng khối
Và lớp người như chẳng hề quen

Em có biết bây giờ tôi rất lạ
Tôi hay buồn, hay cáu rất vu vơ
Cơn sốt rét từ lâu không sốt lại
Sao đêm đêm cái lạnh cứ theo về
Em có biết giờ thì tôi đã khác
Chán mặt mình tôi giấu mặt vào đêm
Tôi nhang nhác con thò lò hai mặt
Mặt ngửa vung vinh
Mặt sấp ăn tiền

Những khoảnh khắc đời người, khoảnh khắc
Ác - Thiện, vinh hư, giả ảo, bon chen
Tháng tôi sinh
Rét nàng Bân tái tàu lá cọ!
Và lau kia... bạc trắng con đương
                                                2003


HOÀNG NIÊN

Nước mắt

Nước mắt chảy ra
Nước mắt chảy vào
Chảy ra chát mặn
Chảy vào đắng thay!
Chảy ra mưa gội gió bay
Chảy vào nuốt hết những ngày bão giông
                                                              1/2002


Bóng

Phía trước sáng ngọn đèn
Phía sau lẻ loi bóng
Mấy ai để ý bao giờ?
Mải đọc báo làm thơ
Rượu nhấp tan vào máu
Quờ cổ chai lạnh khô
Phía trước đèn thêm sáng
Còn chữ chảy qua hàng
Khuya khoắt không ai thấy
Bóng biết gửi hồn sang.
                                                9/2003

(182/04-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ...Trầm trầm giọng kể từ hồn người xưa, làm Người khó lắm                                                                         phải đâu chuyện vừa...Làm Người khó lắm, sống kiếp trần gian. Hãy ôm dấu hỏi                                                                         mà nhìn bàn chân!...

  • Võ Quê - Tôn Phong - Phạm Thị Quỳnh Phương - Hồ Huy Sơn - Nguyễn Quang Việt - Nguyễn Thị Hợi.      

  • Nguyễn Xuân Hoa - Mai Văn Hoan - Phạm Tấn Hầu - Bùi Đức Vinh -  Nguyễn Thị Hồng Hà - Lãng Hiển Xuân - Đinh Hạ - Nguyễn Hưng Hải - Châu Thu Hà - Nhất Lâm - Lê Hưng Tiến - Nguyễn Trần Thái - Trần Tịnh Yên - Nguyễn Thị Yến

  • ...Mặc cho đất bận nâu,                       trời mải bận xanhNgười đi, mòn cả bóngThắp tận cùng thẳm sâu                một khát vọng yên bình...

  • ...Đang mùa xuân ha y đã sang hèmà hoa tím rụng đầy mặt nướcchảy về đâu, sông ơi...

  • ...Tôi vừa được sống lạiVì trong suốt cuộc đờiTôi đã sống dùkhông biết mình sống...

  • ...Ta nhờ cỏ hít khí trời kết mậtDâng lên em cùng những hạt sương đêm...

  • LÊ HOÀNG ANH...Mẹ ơi mẹ qua đau khổ đã nhiều sao luôn có những chùm hoa ổi trắng, lúc nào cũng nhìn con đăm đắm – vẫn tìm con trong lắng đọng tâm hồn...

  • LTS: Với một tờ báo, chắc hẳn niềm vui mừng trước hết là nhận được những bản thảo chất lượng. Nhưng cũng không vì vậy mà chúng tôi không trân trọng những bài viết chưa đạt tới “tiêu chí” Sông Hương. Giới hạn trong lĩnh vực thơ: Có không ít tác giả hầu như tuần nào, tháng nào cũng gửi từ ba bốn bài trở lên. Đều đặn bao nhiêu năm trời như thế, tính ra số thơ mà chúng tôi nhận được của họ đã có thể đóng thành một “tổng tập”. Những trang chữ viết tay, những trang vi tính quen thuộc đến mòn mắt ấy mỗi lần nhận được là chúng tôi lại hồi hộp đọc, để rồi… áy náy!Dưới đây là những bài gần như khá nhất trong số thơ lai cảo của Sông Hương.

  • Thạch Quỳ - Nguyên Quân - Đông Hà - Kiều Trung Phương - Nguyên Hào - Lê Quốc Hán - Đinh Thu - Hoàng Thị Thiều Anh - Nguyễn Phước Loan

  • ...nghe thanh âm mà không có tiếng ngườisao khép mắt mà không thể chết được...

  • Từ Nguyên Tĩnh - Lê Huỳnh Lâm - Nguyễn Thiền Nghi - Trần Hữu Lục - Mai Thìn - Cao Hạnh - Văn Công Hùng - Trần Tuấn  - Nguyễn Ngọc Phú - Đức Sơn - Trần Vạn Giã - Trần Cao Sơn - Lê Hữu Khoá - Trần Hoàng Phố - Phạm Thị Anh Nga

  • Đất nước đã vẹn toàn một mối hơn ba mươi năm, song còn đó những nỗi đau âm ỉ, thấm vào cốt xương của thân nhân các thương binh - liệt sĩ, thấm vào máu thịt của những ai từng kinh qua hoặc không kinh qua chiến tranh mà nay đều được hưởng cuộc sống yên bình. Kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ(27/7/1947 – 27/7/2007), Sông Hương xin nghiêng mình trước nỗi đau không hề ngẫu nhiên đã thấm vào thơ ấy…               *Nguyễn Gia Nùng - Triệu Nguyên Phong - Trần Đức Đủ - Huỳnh Tuấn Vinh

  • Vân Long là tạng người thơ không chịu cũ. Nhà thơ luôn ý thức được việc làm mới mình để có thể đồng hành với nền thơ đương đại và nhịp thở nóng hổi của cuộc sống thường nhật.Dù là trữ tình tự sự hay nội cảm ngoại quan, thơ Vân Long luôn để lại những dấu ấn sáng tạo - dấu ấn lao động thơ. Vân Long đã từng có duyên với xứ Huế qua “Đêm sông Hương”, “Vườn Huế”... được tuyển chọn trong Tuyển thơ Sông Hương 20 năm...

  • khi em là vực sâu im lặng tôi pho tượng đá lắng nghe...

  • ...chim chích bay về đăm đắm mắtnghe phế hưng bông lơn ký ức thành xanhrêu...

  • Nguyễn Văn Quang - Trần Thu Hà - Nhất Lâm - Lê Ngã Lễ - Mai Văn Hoan - Ngàn Thương - Ngô Thị Hạnh - Nguyễn Thánh Ngã - Xuân Thanh - Phan Văn Chương - Thạch Thảo - Trần Đôn - Nguyễn Nhã Tiên - Đoàn Lam - Tiến Thảo - Đoàn Giao Hưởng

  • ...Cả thành phố lúc nào cũng rậm lờiAnh không thấy tấc vỉa hè nào dành cho mình cả...

  • ...họ mơ thấy Hồ Gươmlà một vò rượu lớnbị bỏ quênbên sông Hồng đến cả ngàn năm...

  • Mai Văn Phấn - Hoàng Chinh Nhân - Lê Huỳnh Lâm - Ngô Thiên Thu - Bùi Đức Vinh - Nguyễn Hoa - Hoàng Nguyệt Xứ - Lê Hưng Tiến - Phạm Xuân Trường - Ngô Công Tấn - Từ Hoài Tấn - Văn Lợi - Quang Tuyến - Nguyễn Loan - Lê Vĩnh Thái - Vĩnh Nguyên - Hoàng Ngọc Quý