Sự hoài sinh từ những ảnh tượng

08:50 29/08/2012

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

(Đọc tập thơ Mật ngôn của Lê Huỳnh Lâm, Nxb Văn học, 2012)

Thơ, ngay trong bản thể chính nó đã là một thế giới của những cảm thức dung tụ, thoát hiện bằng một hệ tầng hình tượng ngôn ngữ. Người thơ hòa vào biển từ bao la để thiết lập nên thế giới theo quán giải của riêng mình. Điều ảo diệu của thơ lắng mặn trong tàng thức của chúng ta, và khi mạch nguồn được khơi mở, những ám gợi sẽ tung vỡ để tạo nên những hồn thơ hoài hoải kiếp người. Chúng ta đọc được những tâm cảm đó qua ngôn ngữ thơ Lê Huỳnh Lâm, về một “cõi riêng” mà anh đang “phát quang” từ rừng chữ thăm thẳm đang không ngừng nhảy múa.

Từ tập thơ đầu tay Thi ca mùa ngái ngủ với ý hướng “Muốn vượt qua những lối mòn đang đẩy nghệ thuật quẩn quanh trong khu rừng của sự mỹ miều nhưng trống rỗng” (Phạm Tấn Hầu), nay anh tiếp tục “tái xuất” với những dòng chữ ám dụ của Mật ngôn để chứng khảm bao điều biến hiện, đầy vẻ huyễn hoặc của thực tại.

Những bài thơ đa phần được dẫn dụ từ thái độ sống và cách nhìn nhận đến từ những bế tắc, hoài nghi và thắc thỏm. Hàng loạt biểu tượng kiến thiết trên cái nền ấy, trong một dung môi thời gian và không gian chảy xuyết ẩn ức. Thơ Lê Huỳnh Lâm ít nhiều mang dáng dấp tính chất Tiểu tự sự (Petit Narrative) của chủ nghĩa Hậu hiện đại. Những nhận thức về thế giới hiện tồn qua những ảnh tượng hoặc bế thảm hoặc khởi sắc trong bi lụy đang trên tiến trình bất định, gợi mở một khả năng chân lí lẻ loi, nhưng đâu đó vẫn là trạng thái đầy hoài nghi, luôn đứt gãy, dị biệt và lạc lõng của lí trí.

Với dòng chảy đó, đầu tiên, Lê Huỳnh Lâm đã phát hiện ra những bế tắc không hợp lí của con người và của chính cái bản ngã mình vốn đã được “mặc định” theo ý hướng thiêng liêng. Sự bế tắc đến từ những biểu tượng từ con người, con vật, cây cỏ mà rộng lớn nhất là đến từ sự thâm cùng của vũ trụ khắc khoải: Tiếng đêm/ Xé rách màn trinh mặt trời/ Loang lổ màu kinh/ Bừng cháy (Tiếng đêm).

 
Những xung đột của thời khắc và không gian được thấu hiện, là đêm, là mặt trời, là tối, là sáng, luôn giẫm đạp lên nhau. Một vụ big bang được thấu hiện. Ngay cả vũ trụ đã chứa đựng những điều hằng diễn tưởng chừng là yên ổn hóa ra bất ổn. Từ trong bóng tối tiếng đêm kinh hoàng, nơi dung chứa tội lỗi, điều bất thiện luôn sẵn sàng đánh đổ những chân giá trị và dám Xé rách màn trinh mặt trời.

Mặt trời ấy, nếu là chân lí, ắt hẳn là chân lí tuyệt đối được thức nhận vĩnh cửu từ thuở hồng hoang. Và cũng chính chân lí ấy hiện phải đối mặt: Nước vẫn bay trên đôi cánh mặt trời/ Mặt trời nở hoa ngập máu (Trên con đường sẽ không còn dấu chân anh).

 
Không còn là diễm ảnh của thứ ánh sáng kì vĩ, mặt trời dường như đang đi vào quỹ đạo sáng không tự chủ Mặt trời nở hoa ngập máu. Nếu có thể vẽ một bức tranh, đây có thể là một tác phẩm hội họa tuyệt vời. Sự phóng tưởng đã đẩy người thơ lại gần với chân lí - mặt trời để trực nhận khoảnh khắc vi tế ấy.

Vũ trụ đã kinh qua vụ big bang lớn, trong khi đó con người - tiểu vũ trụ đang đối mặt với vụ big bang bế tắc. Khi bàn đến con người, trung tâm của thế giới thơ, Lê Huỳnh Lâm biên khảo ra hội chứng vô cảm của nhân tâm con người như cái hiện tượng:

Mảng xám trên chiếc băng ca ngả màu
Loang lổ vệt huyết
Và sự điềm nhiên trên những đôi mắt.
                               
(Buổi sáng trên sông Hương)

Một buổi sáng không hề êm đềm trên dòng sông thi ca xứ Huế. Người thơ đã chộp lại hình ảnh quá đỗi bình thường của những con người quá đỗi vô cảm ngay chính nỗi đau đồng loại. Câu hỏi lớn về đạo làm người thất lỡ lương tri, tình thương bị phân giải thành thứ vật chất thô cứng, vô hồn.

Tiếp đó, trong cái thế giới người bế tắc mà Lê Huỳnh Lâm vẽ ra, không ít những hình ảnh huyễn hoặc, bí nhiệm đã hiện lên: “Những viên gạch đậy che bí tích/ Loang lổ bước đèn vàng/ Bóng người đàn ông làm tình chiếc bóng” (Đêm rên siết trong vòng tay mười hai ngón).

 
Lại một vết xước được cậy lên từ đêm. Một đêm tối được đặt kì dị như chính cái tên bài thơ: Đêm rên siết trong vòng tay mười hai ngón. Sự nhầm lẫn của con số hay chính là cái sự thực khó chấp nhận của điều bất bình thường vòng tay mười hai ngón đã cảnh báo về một ảnh tượng còn “khó chấp nhận” hơn: “Bóng người đàn ông làm tình chiếc bóng”. Từ đêm, những đam mê cô độc đã cháy, đã diễn đi những ý niệm phân tâm của cái gọi là hành vi sai lạc (Freud). Không, đó là bế tắc và hẳn là bế tắc của một sinh linh tha hóa đi bản thể của chính mình.

Và cũng chính trong tập Mật ngôn này, Lê Huỳnh Lâm khi bàn đến sự bế tắc, thảm cảnh của cõi người đã phần nào bật mí cái nguyên do sâu kín:

trên những bộ mặt vắng đức tin
triệu con mắt vô tình/ triệu cái miệng câm nín
thèm nghe kinh cầu an
                  
(Bình minh đen)

Chối bỏ đức tin đồng nghĩa với chối bỏ tâm linh, thế giới huyền nhiệm mà nhãn giới con người khó có thể nắm bắt. Một loạt trạng thái vắng đức tin - vô tình - câm nín của con người vốn chỉ thấy mình, thỏa mãn thực tại trống rỗng tình người để rồi ngày mai đón chờ một Bình minh đen khó tránh. Đó hẳn là dụ ngôn bị phủ lấp bởi lớp vỏ vật chất phù hoa làm con người quên đi viên ngọc cần phải rèn giũa để thắp sáng phần tâm nhân bản luôn có sẵn trong mỗi cá thể.

Sự khủng hoảng đã lên đến tột đỉnh của sự bế tắc khốn cùng của kiếp người:

Người thiếu phụ rao bán giấc mơ
Giữa mùa hạ muộn màng
                     (Một ngày và một đêm)

Đến giấc mơ cũng đem đi rao bán, có lẽ chẳng còn gì có giá trị hơn những ảo ảnh chiêm bao nơi còn sót lại những gì loài người khao khát Giữa mùa hạ muộn màng. Thi cảnh mà Lê Huỳnh Lâm vẽ ra trong câu thơ chất ngất hình tượng này, một lần nữa có thể gọi là một tác phẩm hội họa đầy đủ bố cục, màu sắc, hình tượng, ý tưởng tròn trĩnh...

Vũ trụ và con người - tiểu vũ trụ trong thế giới thơ của Lê Huỳnh Lâm đương đối mặt với bế tắc, những mối nguy rình rập. Những đổ vỡ đã được xác nhận, mảng chìm, mảng nổi, trong và ngoài, lớn và bé. Ngay như loài sinh vật tượng trưng cho sự phóng tưởng niềm hân hoan cao vút như giống chim cũng phải đối mặt: “Những con chim trú mình bật khóc/ Phá sản sự thiêng liêng” (Thời khắc Nam Giao).

Mượn chim luận người. Thời khắc ấy đã đến, thời khắc thiêng liêng đã bị phá sản qua sự tế cúng hình thức. Bấy nhiêu tín điều thô ráp đã phơi bày, bấy nhiêu hờn khổ kinh trải rất vi tế. Người thơ đã đắm mình, thật sự chìm sâu giữa biển khơi bất ổn. Chúng ta còn bắt gặp cả những thi ảnh sầu rượi được nhận biết từ:

Hàng cây ưu tư nở những trái buồn
Gắn vào nét mặt ruộng đồng
Những dòng xanh hoang lạnh
                     
(Tiếng gọi của đất)

Ngay cả cây cối cũng bị phơi nhiễm những trăn trở toát ra từ nhân thế. Để bói ra những trái buồn như một hệ quả bất ổn triền miền. Mượn cảnh nói người, mô phỏng tâm trạng rối bời hoang lạnh như chính dòng sông cô độc. Toàn cảnh vật phủ lên thứ dung ảnh ảm đạm.

Một ảnh tượng của sự thanh khiết: Hoa - dung nhan cuộc sống đã được người thơ kiếm tìm, thay vì là niềm vui được chiêm ngưỡng cái đẹp lại phủ lên một ám ảnh: Hoa nở tràn nấm mồ/ Phủ kín mặt đất tật nguyền (Hư vô).

Những nỗi buồn vọng lại từ ngay chính phút huy hoàng, thiêng liêng của lịch sử khi tất cả được bạch định bằng sự tri ân, hồi cố. Chúng ta đã làm nên lịch sử và trả giá cho lịch sử là nấm mồ, là nghĩa trang. Để rồi dùng hoa để quên đi tất cả bằng màu sắc êm dịu, lãng quên trong nỗi buồn thiên thu tật nguyền.

Nếu chỉ diễn đạt thế giới chỉ là bế tắc, mãi bế tắc không có lối thoát ắt hẳn không một người thơ nào muốn vậy. Thế giới Lê Huỳnh Lâm vẫn có những ánh đuốc, những bông hoa được hoài sinh từ đổ nát. Đầu tiên, đức tin được chọn lựa để khỏa lấp cái hố hèn mọn đang nới rộng: Chỉ còn tin vào những gốc cây ven đường/ Ai đó đã dựng lên những mái nhà linh hồn (Buổi sáng trên sông Hương).

Khi mọi tín ngưỡng đều di trú hình thức, con người đã tìm lại những chốn  thiêng gần gũi. Những am thờ dưới những tán cây linh thiêng, dễ gặp bất cứ nơi đâu. Đó chính là những mái nhà linh hồn xứng đáng, là nơi trú xứ của bao điều tâm linh.

Con người cũng đang quay trở về, để không đánh rơi mình trên bước đường nhân thế gian truân:

em làm dấu thánh trên cánh đồng
linh tượng buồn trăm năm nở loài hoa dại
(†).

Ngay cả khi thời gian chết đi, sự hoài sinh vẫn là khát khao thơm ngát: Khi tất cả những chiếc đồng hồ ngừng lại/ Anh hái đóa thời gian thả vào mạch máu/ Hai bờ ngực trái nở hoa (Khi tất cả những chiếc đồng hồ ngừng lại).

Đoạn thơ này khiến chúng ta nhớ đến một câu nói bất hủ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Ánh sáng luôn ở cuối còn đường, hãy hi vọng, hãy đặt bông hoa lên mình để Hai bờ ngực trái nở hoa như Lê Huỳnh Lâm mường tượng. Giờ đây, hoa lại nở rộ bằng chính linh hồn nó để thanh lọc:

Những ươn hèn bùng lên thành ngọn sóng/ Cánh đồng tội ác nở bạt ngàn đóa sen (Ký tượng buồn).

Và sen thánh thiện đã nở trên Cánh đồng tội ác để làm lu mờ tất cả, hãm đi cái mùi tanh nhơ của tội lỗi. Chân - thiện - mỹ được xác lập, được ngự trị. Đó là ngọn đuốc dẫn đường, là mái nhà chở che, là âm thanh hiền hậu: Chỉ còn tiếng thét triệu năm vọng lại/ Hóa lời ru trên đôi môi mẹ hiền (Nơi tận cùng).

Từ tiếng thét chuyển biến qua lời ru tất yếu là một sự tiến hóa tuyệt vời của con người, sản phẩm từ thời gian. Sự hoài sinh hiện hữu bởi đóa hoa thiện nhẫn, là lời ru hiền dịu, ngọt ngào của mẹ mãi thơm ngát giữa biển đời lao lung. Cuối cùng, Lương tri được đánh thức rất tự nhiên như chính điều “bất khả tư nghị” đồng hành với con người:

Ánh sáng không phát ra từ mặt trời
Ánh sáng không phát ra từ những cái đầu đen tối
Ánh sáng trên những bàn tay/ Biết chìa ra, biết ôm vào
                        
(Trên con đường sẽ không còn dấu chân anh)

Mọi sự bất hợp lí, mọi sự lung lạc phút chốc được sắp xếp theo một trật tự, chỉnh chu. Người thơ đã chọn ra được ánh sáng xuất phát từ chân lí:

 Ánh sáng trên những bàn tay
Biết chìa ra, biết ôm vào.


Đó là thứ ánh sáng bất diệt của lòng nhân ái mà con người được tạo hóa gieo mầm ban sơ: muôn đời gìn giữ, muôn đời tinh tấn, hẳn vậy.

Từ bước chân khẽ khàng của Thi ca mùa ngái ngủ khắc đậm dấu ấn tinh khôi và ẩn giấu lẽ chân nhiên đầy ám mị, Mật ngôn có phần nhích gót ra ngoài biên độ mỹ miều, để tái tập trung “một cuộc đại phẫu” suốt từ vũ trụ cao rộng, đến con người… và cả bông hoa vi mô. Biên độ được nới rộng, thơ trở thành mạch nguồn ăm ắp nước nuôi dưỡng cánh đồng lương tri đang ngày càng khô kiệt. Giá như phù sa được cô đặc, dòng sông sẽ không phải vật mình vì lưu vực rộng mở để ban phát sự phì nhiêu.

Những dòng Mật ngôn của Lê Huỳnh Lâm là tiếng nói nội tâm văng vẳng từ thẳm sâu tiềm thức. Một thế giới vừa rối ren, cùng quẫn lại vừa huyễn hoặc, si mê lạ thường. Mọi vỉa tầng có khi đang suy tàn, tăm tối nhưng lại luôn nung náu một sức sống mãnh liệt sẵn sàng khỏa lấp thứ bóng tối vô minh đáng nguyền rủa. Mặt trời sẽ vẫn nở hoa soi rọi chân lí và hoa sẽ luôn tỏa ánh hương diệu vợi thanh tẩy mọi hoen rỉ của thế giới người tạm bợ. Khi ấy, thơ là dạng linh hồn tinh khiết vỗ cánh bay cao.

Lập hạ - 2012
L.V.T.G
(SH282/08-12)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Những năm đầu sau ngày miền giải phóng, có mấy lần nhà thơ Xuân Diệu vào các tỉnh Nam Trung Bộ và dừng ở Nha Trang ít ngày. Đến đâu Xuân Diệu cũng nói chuyện thơ, được người nghe rất hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ.

  • Có nhiều khi trong đời, “trôi theo cõi lòng cùng lang thang” như Thiền sư Saigyo (Nhật Bản), bất chợt thèm một ánh lửa, một vầng trăng. Soi qua hương đêm, soi qua dòng văn, soi qua từng địa chỉ... những ánh lửa nhỏ nhoi sẽ tổng hợp và trình diện hết thảy những vô biên của thế cuộc, lòng người. “Trong mắt tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã là ánh lửa ấy, địa chỉ ấy.

  • 1. Kawabata Yasunari (1899 -1972) là một trong những nhà văn làm nên diện mạo của văn học hiện đại Nhật Bản. Ông được trao tặng giải Nobel năm 1968 (ba tác phẩm của Kawabata được giới thiệu với Viện Hoàng gia Thụy Điển để xét tặng giải thưởng là Xứ Tuyết, Ngàn cách hạc và Cố đô).

  • (Thơ Đỗ Quý Bông - Nxb Văn học, 2000)Đỗ Quý Bông chinh phục bạn hữu bằng hai câu lục bát này:Đêm ngâu lành lạnh sang canhTrở mình nghe bưởi động cành gạt mưa.

  • Thạch Quỳ là nhà thơ rất nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin và chóng vánh tìm ra ngay bản chất đối tượng. Anh làm thơ hoàn toàn bằng mẫn cảm thiên phú. Thơ Thạch Quỳ là thứ thơ có phần nhỉnh hơn mọi lý thuyết về thơ.

  • Kỷ niệm 50 năm ngày mất nhà văn Nam Cao (30.11.1951-30.11.2001)

  • Có một con người đang ở vào cái tuổi dường như muốn giũ sạch nợ nần vay trả, trả vay, dường như chẳng bận lòng chút nào bởi những lợi danh ồn ào phiền muộn. Đó là nói theo cái nghĩa nhận dạng thông thường, tưởng như thế, nơi một con người đã qua "bát thập". Nhưng với nhà thơ Trinh Đường, nhìn như thế e tiêu cực, e sẽ làm ông giận dỗi: "Ta có sá gì đi với ở".

  • Nhà thơ Trinh Đường đã từ trần hồi 15g10’ ngày 28.9.2001 tại Hà Nội, thọ 85 tuổi. Lễ an táng nhà thơ đã được tổ chức trọng thể tại quê nhà xã Đại Lộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng , theo nguyện vọng của nhà thơ trước khi nhắm mắt.

  • Phan Ngọc, như tôi biết, là người xuất thân trong gia đình Nho giáo, đã từng làm nghề dạy học, từ năm 1958 chuyển sang dịch sách, là người giỏi nhiều ngoại ngữ. Hiện nay, ông đang là chuyên viên cao cấp của Viện Đông Nam Á (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia).

  • Có những con người mà ta chỉ gặp một đôi lần trong đời để rồi mãi nhớ, mãi ám ảnh về họ. Với tôi, nhà văn Trần Dần là người như vậy.

  • Trước tình hình số tập thơ được xuất bản với tốc độ chóng mặt, người ta bỗng nhiên cảm thấy e ngại mỗi khi cầm một tập thơ trên tay. E ngại, không phải vì người ta sợ nhọc sức; mà e ngại vì người ta nghĩ rằng sẽ phải đọc một tập thơ dở! Cảm giác ấy xem ra thật là bất công, nhưng thật tình nó quả là như vậy.

  • Những năm từ 1950 khi học ở trường trung học Khải Định (Quốc học Huế), tôi đã đọc một số bài thơ của Dao Ca đăng trên một số tờ báo như Đời mới, Nhân loại, Mới, Thẩm mỹ...

  • Tôi đến tìm ông vào một buổi sáng đầu đông, trong căn nhà ngập tràn bóng tre và bóng lá. Nếu không quen ắt hẳn tôi đã khá ngỡ ngàng bởi giữa phồn hoa đô hội lại có một khu vườn xanh tươi đến vậy!.

  • LTS: Rạng sáng ngày 11-7-2001, Toà soạn nhận được tin anh Đoàn Thương Hải - hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, sau một cơn đột quỵ, mặc dù đã được gia đình, bạn bè và các thầy thuốc Bệnh viên Trung ương Huế tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi, đã rời bỏ chúng ta an nhiên về bên kia thế giới!Tạp chí Sông Hương - Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế xin có lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến nhà văn.Sông Hương số này xin giới thiệu hai bài thơ cuối cùng của anh được rút ra từ tập thơ chép tay lưu giữ tại gia đình.TCSH

  • Thơ Đặng Huy Giang xuất hiện trên thi đàn đã nhiều năm nay; song thật sự gây ấn tượng với bạn đọc phải kể đến một vài chùm thơ mà báo Văn nghệ đăng tải trên trang thơ dự thi 1998 - 2000; đặc biệt sau đó anh cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ một lúc: Trên mặt đất và Qua cửa.

  • Có lẽ với phần lớn không gian thơ Phan Trung Thành, làm thơ là trò chuyện ân tình với những bóng dáng cũ, thuộc về quê nhà.

  • Trong bài viết điểm lại văn học năm 2000, sự kiện và bình luận, tôi có nêu hai tác giả trẻ, cùng là nữ, cùng có tác phẩm đáng chú ý trong năm, một người tập truyện, một người tập thơ. Người thơ là Vi Thùy Linh.

  • (Đọc “Gặp lại tuổi hai mươi”(*) của Kiều Anh Hương)Ngay bài thơ in đầu tập “Vùng trời thánh thiện” có hai câu đã làm tôi giật mình, làm tôi choáng ngợp:            “Những lo toan năm tháng đời thường            Như tấm áo chật choàng lên khát vọng”

  • đầu tháng 4 năm ngoái, sau khi tuần báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam đăng truyện ngắn dự thi “Quả đồng chùy tóc bện” của Trần Hạ Tháp - một bút danh “mới toanh” trên văn đàn, tôi ghé tòa soạn “Sông Hương” hỏi nhà văn Hà Khánh Linh:- Chị biết Trần Hạ Tháp là ai không? Tác giả chắc là người Huế...

  • Trương Văn Hiến có sở học phi thường và mang trong người một hoài bão lớn lao: an bang tế thế bình thiên hạ.