Sự hoài sinh từ những ảnh tượng

08:50 29/08/2012

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

(Đọc tập thơ Mật ngôn của Lê Huỳnh Lâm, Nxb Văn học, 2012)

Thơ, ngay trong bản thể chính nó đã là một thế giới của những cảm thức dung tụ, thoát hiện bằng một hệ tầng hình tượng ngôn ngữ. Người thơ hòa vào biển từ bao la để thiết lập nên thế giới theo quán giải của riêng mình. Điều ảo diệu của thơ lắng mặn trong tàng thức của chúng ta, và khi mạch nguồn được khơi mở, những ám gợi sẽ tung vỡ để tạo nên những hồn thơ hoài hoải kiếp người. Chúng ta đọc được những tâm cảm đó qua ngôn ngữ thơ Lê Huỳnh Lâm, về một “cõi riêng” mà anh đang “phát quang” từ rừng chữ thăm thẳm đang không ngừng nhảy múa.

Từ tập thơ đầu tay Thi ca mùa ngái ngủ với ý hướng “Muốn vượt qua những lối mòn đang đẩy nghệ thuật quẩn quanh trong khu rừng của sự mỹ miều nhưng trống rỗng” (Phạm Tấn Hầu), nay anh tiếp tục “tái xuất” với những dòng chữ ám dụ của Mật ngôn để chứng khảm bao điều biến hiện, đầy vẻ huyễn hoặc của thực tại.

Những bài thơ đa phần được dẫn dụ từ thái độ sống và cách nhìn nhận đến từ những bế tắc, hoài nghi và thắc thỏm. Hàng loạt biểu tượng kiến thiết trên cái nền ấy, trong một dung môi thời gian và không gian chảy xuyết ẩn ức. Thơ Lê Huỳnh Lâm ít nhiều mang dáng dấp tính chất Tiểu tự sự (Petit Narrative) của chủ nghĩa Hậu hiện đại. Những nhận thức về thế giới hiện tồn qua những ảnh tượng hoặc bế thảm hoặc khởi sắc trong bi lụy đang trên tiến trình bất định, gợi mở một khả năng chân lí lẻ loi, nhưng đâu đó vẫn là trạng thái đầy hoài nghi, luôn đứt gãy, dị biệt và lạc lõng của lí trí.

Với dòng chảy đó, đầu tiên, Lê Huỳnh Lâm đã phát hiện ra những bế tắc không hợp lí của con người và của chính cái bản ngã mình vốn đã được “mặc định” theo ý hướng thiêng liêng. Sự bế tắc đến từ những biểu tượng từ con người, con vật, cây cỏ mà rộng lớn nhất là đến từ sự thâm cùng của vũ trụ khắc khoải: Tiếng đêm/ Xé rách màn trinh mặt trời/ Loang lổ màu kinh/ Bừng cháy (Tiếng đêm).

 
Những xung đột của thời khắc và không gian được thấu hiện, là đêm, là mặt trời, là tối, là sáng, luôn giẫm đạp lên nhau. Một vụ big bang được thấu hiện. Ngay cả vũ trụ đã chứa đựng những điều hằng diễn tưởng chừng là yên ổn hóa ra bất ổn. Từ trong bóng tối tiếng đêm kinh hoàng, nơi dung chứa tội lỗi, điều bất thiện luôn sẵn sàng đánh đổ những chân giá trị và dám Xé rách màn trinh mặt trời.

Mặt trời ấy, nếu là chân lí, ắt hẳn là chân lí tuyệt đối được thức nhận vĩnh cửu từ thuở hồng hoang. Và cũng chính chân lí ấy hiện phải đối mặt: Nước vẫn bay trên đôi cánh mặt trời/ Mặt trời nở hoa ngập máu (Trên con đường sẽ không còn dấu chân anh).

 
Không còn là diễm ảnh của thứ ánh sáng kì vĩ, mặt trời dường như đang đi vào quỹ đạo sáng không tự chủ Mặt trời nở hoa ngập máu. Nếu có thể vẽ một bức tranh, đây có thể là một tác phẩm hội họa tuyệt vời. Sự phóng tưởng đã đẩy người thơ lại gần với chân lí - mặt trời để trực nhận khoảnh khắc vi tế ấy.

Vũ trụ đã kinh qua vụ big bang lớn, trong khi đó con người - tiểu vũ trụ đang đối mặt với vụ big bang bế tắc. Khi bàn đến con người, trung tâm của thế giới thơ, Lê Huỳnh Lâm biên khảo ra hội chứng vô cảm của nhân tâm con người như cái hiện tượng:

Mảng xám trên chiếc băng ca ngả màu
Loang lổ vệt huyết
Và sự điềm nhiên trên những đôi mắt.
                               
(Buổi sáng trên sông Hương)

Một buổi sáng không hề êm đềm trên dòng sông thi ca xứ Huế. Người thơ đã chộp lại hình ảnh quá đỗi bình thường của những con người quá đỗi vô cảm ngay chính nỗi đau đồng loại. Câu hỏi lớn về đạo làm người thất lỡ lương tri, tình thương bị phân giải thành thứ vật chất thô cứng, vô hồn.

Tiếp đó, trong cái thế giới người bế tắc mà Lê Huỳnh Lâm vẽ ra, không ít những hình ảnh huyễn hoặc, bí nhiệm đã hiện lên: “Những viên gạch đậy che bí tích/ Loang lổ bước đèn vàng/ Bóng người đàn ông làm tình chiếc bóng” (Đêm rên siết trong vòng tay mười hai ngón).

 
Lại một vết xước được cậy lên từ đêm. Một đêm tối được đặt kì dị như chính cái tên bài thơ: Đêm rên siết trong vòng tay mười hai ngón. Sự nhầm lẫn của con số hay chính là cái sự thực khó chấp nhận của điều bất bình thường vòng tay mười hai ngón đã cảnh báo về một ảnh tượng còn “khó chấp nhận” hơn: “Bóng người đàn ông làm tình chiếc bóng”. Từ đêm, những đam mê cô độc đã cháy, đã diễn đi những ý niệm phân tâm của cái gọi là hành vi sai lạc (Freud). Không, đó là bế tắc và hẳn là bế tắc của một sinh linh tha hóa đi bản thể của chính mình.

Và cũng chính trong tập Mật ngôn này, Lê Huỳnh Lâm khi bàn đến sự bế tắc, thảm cảnh của cõi người đã phần nào bật mí cái nguyên do sâu kín:

trên những bộ mặt vắng đức tin
triệu con mắt vô tình/ triệu cái miệng câm nín
thèm nghe kinh cầu an
                  
(Bình minh đen)

Chối bỏ đức tin đồng nghĩa với chối bỏ tâm linh, thế giới huyền nhiệm mà nhãn giới con người khó có thể nắm bắt. Một loạt trạng thái vắng đức tin - vô tình - câm nín của con người vốn chỉ thấy mình, thỏa mãn thực tại trống rỗng tình người để rồi ngày mai đón chờ một Bình minh đen khó tránh. Đó hẳn là dụ ngôn bị phủ lấp bởi lớp vỏ vật chất phù hoa làm con người quên đi viên ngọc cần phải rèn giũa để thắp sáng phần tâm nhân bản luôn có sẵn trong mỗi cá thể.

Sự khủng hoảng đã lên đến tột đỉnh của sự bế tắc khốn cùng của kiếp người:

Người thiếu phụ rao bán giấc mơ
Giữa mùa hạ muộn màng
                     (Một ngày và một đêm)

Đến giấc mơ cũng đem đi rao bán, có lẽ chẳng còn gì có giá trị hơn những ảo ảnh chiêm bao nơi còn sót lại những gì loài người khao khát Giữa mùa hạ muộn màng. Thi cảnh mà Lê Huỳnh Lâm vẽ ra trong câu thơ chất ngất hình tượng này, một lần nữa có thể gọi là một tác phẩm hội họa đầy đủ bố cục, màu sắc, hình tượng, ý tưởng tròn trĩnh...

Vũ trụ và con người - tiểu vũ trụ trong thế giới thơ của Lê Huỳnh Lâm đương đối mặt với bế tắc, những mối nguy rình rập. Những đổ vỡ đã được xác nhận, mảng chìm, mảng nổi, trong và ngoài, lớn và bé. Ngay như loài sinh vật tượng trưng cho sự phóng tưởng niềm hân hoan cao vút như giống chim cũng phải đối mặt: “Những con chim trú mình bật khóc/ Phá sản sự thiêng liêng” (Thời khắc Nam Giao).

Mượn chim luận người. Thời khắc ấy đã đến, thời khắc thiêng liêng đã bị phá sản qua sự tế cúng hình thức. Bấy nhiêu tín điều thô ráp đã phơi bày, bấy nhiêu hờn khổ kinh trải rất vi tế. Người thơ đã đắm mình, thật sự chìm sâu giữa biển khơi bất ổn. Chúng ta còn bắt gặp cả những thi ảnh sầu rượi được nhận biết từ:

Hàng cây ưu tư nở những trái buồn
Gắn vào nét mặt ruộng đồng
Những dòng xanh hoang lạnh
                     
(Tiếng gọi của đất)

Ngay cả cây cối cũng bị phơi nhiễm những trăn trở toát ra từ nhân thế. Để bói ra những trái buồn như một hệ quả bất ổn triền miền. Mượn cảnh nói người, mô phỏng tâm trạng rối bời hoang lạnh như chính dòng sông cô độc. Toàn cảnh vật phủ lên thứ dung ảnh ảm đạm.

Một ảnh tượng của sự thanh khiết: Hoa - dung nhan cuộc sống đã được người thơ kiếm tìm, thay vì là niềm vui được chiêm ngưỡng cái đẹp lại phủ lên một ám ảnh: Hoa nở tràn nấm mồ/ Phủ kín mặt đất tật nguyền (Hư vô).

Những nỗi buồn vọng lại từ ngay chính phút huy hoàng, thiêng liêng của lịch sử khi tất cả được bạch định bằng sự tri ân, hồi cố. Chúng ta đã làm nên lịch sử và trả giá cho lịch sử là nấm mồ, là nghĩa trang. Để rồi dùng hoa để quên đi tất cả bằng màu sắc êm dịu, lãng quên trong nỗi buồn thiên thu tật nguyền.

Nếu chỉ diễn đạt thế giới chỉ là bế tắc, mãi bế tắc không có lối thoát ắt hẳn không một người thơ nào muốn vậy. Thế giới Lê Huỳnh Lâm vẫn có những ánh đuốc, những bông hoa được hoài sinh từ đổ nát. Đầu tiên, đức tin được chọn lựa để khỏa lấp cái hố hèn mọn đang nới rộng: Chỉ còn tin vào những gốc cây ven đường/ Ai đó đã dựng lên những mái nhà linh hồn (Buổi sáng trên sông Hương).

Khi mọi tín ngưỡng đều di trú hình thức, con người đã tìm lại những chốn  thiêng gần gũi. Những am thờ dưới những tán cây linh thiêng, dễ gặp bất cứ nơi đâu. Đó chính là những mái nhà linh hồn xứng đáng, là nơi trú xứ của bao điều tâm linh.

Con người cũng đang quay trở về, để không đánh rơi mình trên bước đường nhân thế gian truân:

em làm dấu thánh trên cánh đồng
linh tượng buồn trăm năm nở loài hoa dại
(†).

Ngay cả khi thời gian chết đi, sự hoài sinh vẫn là khát khao thơm ngát: Khi tất cả những chiếc đồng hồ ngừng lại/ Anh hái đóa thời gian thả vào mạch máu/ Hai bờ ngực trái nở hoa (Khi tất cả những chiếc đồng hồ ngừng lại).

Đoạn thơ này khiến chúng ta nhớ đến một câu nói bất hủ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Ánh sáng luôn ở cuối còn đường, hãy hi vọng, hãy đặt bông hoa lên mình để Hai bờ ngực trái nở hoa như Lê Huỳnh Lâm mường tượng. Giờ đây, hoa lại nở rộ bằng chính linh hồn nó để thanh lọc:

Những ươn hèn bùng lên thành ngọn sóng/ Cánh đồng tội ác nở bạt ngàn đóa sen (Ký tượng buồn).

Và sen thánh thiện đã nở trên Cánh đồng tội ác để làm lu mờ tất cả, hãm đi cái mùi tanh nhơ của tội lỗi. Chân - thiện - mỹ được xác lập, được ngự trị. Đó là ngọn đuốc dẫn đường, là mái nhà chở che, là âm thanh hiền hậu: Chỉ còn tiếng thét triệu năm vọng lại/ Hóa lời ru trên đôi môi mẹ hiền (Nơi tận cùng).

Từ tiếng thét chuyển biến qua lời ru tất yếu là một sự tiến hóa tuyệt vời của con người, sản phẩm từ thời gian. Sự hoài sinh hiện hữu bởi đóa hoa thiện nhẫn, là lời ru hiền dịu, ngọt ngào của mẹ mãi thơm ngát giữa biển đời lao lung. Cuối cùng, Lương tri được đánh thức rất tự nhiên như chính điều “bất khả tư nghị” đồng hành với con người:

Ánh sáng không phát ra từ mặt trời
Ánh sáng không phát ra từ những cái đầu đen tối
Ánh sáng trên những bàn tay/ Biết chìa ra, biết ôm vào
                        
(Trên con đường sẽ không còn dấu chân anh)

Mọi sự bất hợp lí, mọi sự lung lạc phút chốc được sắp xếp theo một trật tự, chỉnh chu. Người thơ đã chọn ra được ánh sáng xuất phát từ chân lí:

 Ánh sáng trên những bàn tay
Biết chìa ra, biết ôm vào.


Đó là thứ ánh sáng bất diệt của lòng nhân ái mà con người được tạo hóa gieo mầm ban sơ: muôn đời gìn giữ, muôn đời tinh tấn, hẳn vậy.

Từ bước chân khẽ khàng của Thi ca mùa ngái ngủ khắc đậm dấu ấn tinh khôi và ẩn giấu lẽ chân nhiên đầy ám mị, Mật ngôn có phần nhích gót ra ngoài biên độ mỹ miều, để tái tập trung “một cuộc đại phẫu” suốt từ vũ trụ cao rộng, đến con người… và cả bông hoa vi mô. Biên độ được nới rộng, thơ trở thành mạch nguồn ăm ắp nước nuôi dưỡng cánh đồng lương tri đang ngày càng khô kiệt. Giá như phù sa được cô đặc, dòng sông sẽ không phải vật mình vì lưu vực rộng mở để ban phát sự phì nhiêu.

Những dòng Mật ngôn của Lê Huỳnh Lâm là tiếng nói nội tâm văng vẳng từ thẳm sâu tiềm thức. Một thế giới vừa rối ren, cùng quẫn lại vừa huyễn hoặc, si mê lạ thường. Mọi vỉa tầng có khi đang suy tàn, tăm tối nhưng lại luôn nung náu một sức sống mãnh liệt sẵn sàng khỏa lấp thứ bóng tối vô minh đáng nguyền rủa. Mặt trời sẽ vẫn nở hoa soi rọi chân lí và hoa sẽ luôn tỏa ánh hương diệu vợi thanh tẩy mọi hoen rỉ của thế giới người tạm bợ. Khi ấy, thơ là dạng linh hồn tinh khiết vỗ cánh bay cao.

Lập hạ - 2012
L.V.T.G
(SH282/08-12)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Nhà văn Nguyễn Quang Hà tâm sự với tôi rằng anh có hai món nợ rất lớn mà chắc đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng không thể nào trả xong. Hai món nợ mà anh đang gánh trên đôi vai của mình là món nợ đối với nhân dân và món nợ đối với đồng đội. Gần bốn mươi năm cầm bút, anh đã viết 9 tập tiểu thuyết; 7 tập truyện ngắn, ký, truyện ký; 2 tập thơ cùng với hàng trăm bài báo cũng chỉ mong sao trả được hai món nợ ấy.

  • XUÂN CANGNhờ cuốn hồi ký nhỏ Ngày ấy Trường Sơn (Nxb Hội Nhà văn - Hà Nội - 2000) của Nguyễn Khoa Như Ý- tên khai sinh của Hà Khánh Linh, bạn đọc được biết đây là một nhà văn nữ có khí chất không bình thường. Một người con gái mảnh dẻ, nhưng có chí, mơ mộng, ham hành động, vì nghĩa lớn mà dấn thân vào nơi nguy hiểm.

  • Sau Vị giáo sư và ẩn sĩ đường, Ba lần đến nước Mỹ, trong năm 2002, GS. Hà Minh Đức tiếp tục ra mắt bạn đọc tác phẩm Tản mạn đầu ô. Vậy là trong khoảng 5 năm, bên cạnh một khối lượng lớn những tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình, ông đã sáng tác 3 tập thơ và 3 tập bút ký. Đó là những con số mang nhiều ý nghĩa thể hiện sự "đa năng" của một đời văn tưởng đã yên vị với nhiều danh hiệu cao quý và hơn 30 tập sách nghiên cứu, lý luận, phê bình. Tản mạn đầu ô ra đời được dư luận chú ý, quan tâm. Sau đây là cuộc trao đổi giữa PGS. TS Lý Hoài Thu với GS. Hà Minh Đức xung quanh tập sách này.

  • HUỲNH HẠ NGUYÊN         (Đọc tập thơ "Khúc đêm" của Châu Thu Hà - Nxb Thuận Hoá - 11/2002)...Thơ Châu Thu Hà mang đậm nữ tính. Khi trái tim biết cười, hay khi giàn giụa nước mắt, ta bỗng thấy quý sao những phút sống chân thành với cuộc đời, với mọi người. Châu Thu Hà không để trái tim mình tuột xuống phía bên kia triền dốc, chị cố bước tới và neo lại, để thấy mình được xẻ chia, được yêu chiều, xoa dịu...

  • LÊ MỸ Ý (L.M.Y):  Thưa nhà thơ, là một người có thể tạm gọi là thuộc thế hệ đi trước nhưng lại luôn "gây sốc" bằng những tác phẩm tìm tòi mới, chắc hẳn ông có quan tâm nhiều đến thế hệ thơ trẻ? Có thể có một nhận xét chung về thơ trẻ hiện nay chăng?NHÀ THƠ HOÀNG HƯNG (H.H): Tất nhiên là tôi rất quan tâm. Nhận xét chung của tôi về thơ trẻ bây giờ là đa số vẫn mang tính phong trào. Có thể nói là những người làm thơ trẻ vẫn đi theo một vết mòn của thế hệ trước, chưa thấy rõ những bứt phá, chỉ nổi lên một số tác giả theo cách lẻ tẻ.

  • Tại sao cô chỉ làm thơ tự do?- Trước hết, bởi tôi thích tự do. Tự do ở đây, được hiểu là: nói, làm, dám mơ ước và tham vọng tất cả những gì mình muốn, không bị tác động và chi phối bởi ai, bởi bất cứ điều gì.

  • NGUYỄN THỤY KHA Đã là lạ tên một tác phẩm khí nhạc mang tực đề "Eo lưng" của nữ nhạc sĩ Kim Ngọc. Lại thu thú khi đọc tập thơ "Nằm nghiêng" của nữ thi sĩ Phan Huyền Thư. Một thế kỷ giải phóng của Việt Nam thật đáng kính ngạc.Cái cách giải phóng mình, phái yếu trong đó có mình của Phan Huyền Thư là sự độ lượng với cũ kỹ, là mỉa mai sự nửa vời, là quyết liệt lặng lẽ vươn tới cách tân theo một thế của “Nằm nghiêng”.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠOCòn nhớ mùa Huế mưa 1992, Nguyễn Khắc Thạch và Ngô Minh đến nhà tôi chơi, mang theo bản thảo đánh máy tập thơ đầu tay của một tác giả mới 20 tuổi có tên là Văn Cầm Hải. Một cái tên lạ mà tôi chưa nghe bao giờ. Những bài thơ của anh cũng chưa hề xuất hiện trên mặt báo. Nguyễn Khắc Thạch và Ngô Minh đều nói rằng; "Thơ tay này lạ lắm. Ông xem thử".

  • NGUYỄN QUANG HÀNgồi đọc NGÀN NĂM SAU mà như đang ngồi nói chuyện tay đôi với Nguyễn Trọng Bính. Giọng thơ anh cũng cứ chân chất, yêu quê hương và say đời như chính con người anh. Từ thời chiến tranh, chúng tôi đã ở trong rừng với nhau. Cứ ngồi với nhau là bộc bạch hết. Một lá thư riêng, một rung động mới, chúng tôi cũng chia sẻ với nhau.

  • PHAN THÀNH MINHĐó cũng là tựa đề tập thơ rất dễ thương của Trần Tịnh Yên - nhà thơ của đất kinh kỳ thơ mộng thuở nào - thú thật  là tôi đã vô cùng hạnh phúc khi nhận được tập thơ này do chính  tác giả gởi tặng, dễ thương ở chỗ khổ giấy nhỏ nhắn, trình bày đẹp trang nhã, sách 80 trang với 46 bài thơ cũng mỏng mảnh như thế nhưng nhìn rất thơ, càng thơ hơn nữa khi chính tác giả tự viết lời phi lộ cho mình, tôi rất hợp với anh ở điểm này bởi lẽ chẳng ai có thể thay thế cho mình bằng mình để nói hộ những gì mình muốn nói...:...năm xưa qua ngõ sân đìnhcó người nhặt được mối tình ai rơi

  • NAM NGỌC            (Về tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Võ Thị Xuân Hà do Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết NXB Phụ nữ xuất bản và phát hành quý I năm 2009)Tập truyện gồm 14 truyện  ngắn, với những mô típ khác nhau nhưng cùng chung gam màu thấm đẫm chất liệu hiện thực. Tất cả đã tạo nên một chỉnh thể thống nhất mà ở đó các nhân vật dù xấu dù tốt cũng đều hướng tới cái đẹp, cái nhân bản của con người. Cách viết truyện lạ cùng với những chi tiết, tình tiết được lắp ghép một cách khéo léo, Võ Thị Xuân Hà đã một lần nữa gây ngạc nhiên cho người đọc bằng bút pháp ẩn không gian đa chiều của mình.

  • BÍCH THUHơn một thập niên trước đây, với hai truyện ngắn Hồi ức của một binh nhì và Vết thương lòng, Nguyễn Thế Tường đã đoạt giải cao trong cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức năm 1992 - 1994. Tôi còn nhớ một trong số các nhà phê bình đã thành danh của nhà số 4 Lý Nam Đế không kìm được cảm xúc của mình với chùm truyện dự thi của Nguyễn Thế Tường lúc ấy đã thốt lên: “Tôi thích truyện ngắn Nguyễn Thế Tường”. Từ đó đến nay, Nguyễn Thế Tường vẫn miệt mài viết và lặng lẽ ra sách. Người đàn bà không hoá đá là lần ra mắt thứ năm của anh.

  • HOÀNG VŨ THUẬT                (Đọc “Trăng đợi trước thềm”, thơ Hải Bằng, NXB Thuận Hoá - 1987)Đổi mới là trách nhiệm vừa là bổn phận đang diễn ra sôi động trong đời sống văn học hôm nay. Nhưng ranh giới giữa cũ và mới không dễ dàng phân định khi đánh giá một tác phẩm văn chương nghệ thuật.

  • ĐINH NAM KHƯƠNG               (Nhân đọc “ru em ru tôi” Thơ Trương Vĩnh Tuấn NXB: Hội nhà văn - 2003)Có một nhà thơ nổi danh thi sĩ, làm “quan” khá to ở báo văn nghệ. Nhưng chẳng bao giờ thấy ông vỗ ngực, ngạo mạn nói lời: “ta là quan đây” mà ông luôn dân giã tự gọi mình là hắn, xưng hô với bạn bè là mày tao:                          “...Hình như hắn là nhà quê                          Hình như hắn từ quê ra...”                                                                (Gốc)

  • NGÔ MINHKhông thể đếm là tập thơ đầu tay của cây bút nữ Nguyễn Thị Thái người Huế, sống ở thành phố Buôn Ma Thuột vừa được NXB Thuận Hóa ấn hành. Tôi đã đọc một mạch hết tập thơ với tâm trạng phấn khích. Tập thơ có nhiều bài thơ hay, có nhiều câu thơ và thi ảnh lạ làm phấn chấn người đọc.

  • MINH KHÔICuối tháng bảy vừa qua, giáo sư ngôn ngữ và văn chương Wayne S.Karlin và nữ phóng viên Valerie, công tác ở một Đài phát thanh thuộc bang Maryland, Mỹ đã đến Huế tìm thăm nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, để chuyển cho chị bản hợp đồng in ấn và phát hành tập thơ Green Rice (Cốm Non) do cơ quan xuất bản gửi từ Mỹ sang.

  • FRED MARCHANTCó những vết thương chẳng thể nào lành lặn và có những nỗi đau chẳng bao giờ mất đi. Kinh nghiệm nhân loại khuyên ta không nên “chấp nhận” hay “bỏ đi” hay “vượt lên” chúng. Với một con người mà tâm hồn thương tổn vì đã làm cho người khác khổ đau hay chứng kiến nhiều nỗi đau khổ thì những câu nói như thế hoàn toàn vô nghĩa.

  • BÍCH THU          (Đọc thơ Dòng sông mùa hạ của Hoàng Kim Dung. NXB Hội Nhà văn, 2004)Nhìn vào tác phẩm đã xuất bản của Hoàng Kim Dung, tôi nhận thấy ở người phụ nữ này có sự đan xen giữa công việc nghiên cứu khoa học với sáng tạo thi ca. Ngoài bốn tập thơ và bốn cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật đã in, với tập thơ thứ năm có tựa đề Dòng sông mùa hạ mới ra mắt bạn đọc, đã làm cán cân nghiêng về phía thơ ca.

  • ĐÔNG HÀVăn hoá và văn học bao giờ cũng có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể thấy rằng văn học là một bộ phận của văn hoá, nó chịu sự ảnh hưởng của văn hoá. Khi soi vào một thời kì văn học, người đọc có thể thấy được những khía cạnh về phương diện đời sống văn hoá tinh thần của một thời đại, một giai đoạn của xã hội loài người.

  • HÀ KHÁNH LINHViết được một câu thơ hay có khi phải chiêm nghiệm cả một đời người, hoàn thành một tập truyện, một tập thơ là sự chắt chiu miệt mài suốt cả quá trình, sau Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII Lê Khánh Mai liên tiếp trình làng tập thơ "Đẹp buồn và trong suốt như gương" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) và "Nết" tập truyện ngắn (Nhà xuất bản Đà Nẵng).