Sen & Tôi

16:19 18/10/2019

HOÀNG THỊ NHƯ HUY   

Ngày thơ ấu tôi đã bao lần ngủ ngon giấc trong lời ầu ơ của mẹ:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen?
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”


Lớn thêm một chút, cha đưa tôi vào Hồ Tịnh Tâm ngắm sen nở rộ khi mùa hạ về. Lúc cao hứng cha lại thuê chiếc xuồng con, chèo len lỏi giữa ngàn hoa. Tôi ngỡ ngàng giữa non nước mênh mang, ngạt ngào hương sen say đắm. Tôi bắt đầu yêu sen từ dạo ấy.

Giờ này, tóc điểm màu sương, sau bao năm xa cách tôi mới có dịp quay về thăm Tịnh Tâm trong mùa sen nở. Sen vẫn như những năm nào: lá xanh bông trắng và hương thơm đưa đẩy theo ngọn gió mơn man gò má, mái tóc tôi.

Bắt đầu từ đâu nhỉ? Những kỷ niệm tưởng đã quên nay lần lượt hiện về… Năm ấy mùa hè 1965 - năm tôi tròn mười hai tuổi, một sớm tinh mơ, cha đã khẽ gọi tôi thức dậy, để cùng đi ra hồ Tịnh Tâm. Cha mang theo gói trà mua từ Blao Đà Lạt. Hai cha con đi bộ đến mé hồ. Một chiếc xuồng con đang đợi. Cha dắt tôi xuống xuồng rồi bảo người chèo xuồng chèo len lỏi qua những luống sen. Đến từng đóa hoa, xuồng cắm sào dừng lại. Cha chọn những hoa còn nụ, bày tôi cách gỡ nhẹ cánh hoa cho trà vào giữa những đóa hoa rồi khéo léo cột lại. Chèo hết một vòng hồ thì tia nắng đầu tiên bắt đầu vén mây chiếu xuống. Cha cho xuồng quay trở lại, mở từng đóa hoa thu lại những cánh trà. Những cánh trà khô quăn queo ban sáng nay đã ướt đẫm sương mai - những giọt sương đọng trong cánh hoa sen, thấm thêm hương thơm tinh khiết. Hai cha con quay về thư phòng chế ấm trà sen. Cha chế nước trà thơm vào bình độc ẩm, trầm ngâm nhấp môi thưởng thức hương sen. Tôi ngồi bên nhâm nhi miếng kẹo mè xửng hoặc cái bánh sen trong tiếng ve kêu râm ran nơi khu vườn rậm tràn đầy bóng cổ thụ. Đó là thú uống trà sen tao nhã của kẻ phong lưu xứ Huế mà cha tôi đã cho tôi cùng tận hưởng trong tuổi thơ êm đềm.

Năm tôi mười sáu tuổi, cũng vào mùa sen nở, cha lại bảo tôi mặc áo dài lụa nâu, xõa tóc chấm bờ vai, ngồi trên trường kỷ, bên chiếc bình cổ cắm đầy hoa sen, mơ màng tưởng nhớ ngàn sen. Cha đã miệt mài vẽ chân dung Sen và Thiếu nữ. Đó là tác phẩm tôi yêu quí nhất đời, nhưng tiếc thay chiến tranh đã cướp đi của tôi báu vật, nay chỉ còn đọng lại trong tôi bóng hình kỷ niệm.

Cha dạy tôi biết yêu sen - yêu những giá trị vô hình và hữu thể. Mẹ lại truyền cho tôi nghệ thuật chế biến ẩm thực tuyệt vời từ cây sen xứ Huế quê hương.

Bài học đầu tiên mẹ dạy là cách nấu những món từ hạt sen: “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh Thiên lý nấu chè hạt sen”. Mùa hạt sen già cùng thời mùa nhãn lồng xứ Huế chín cây ; mẹ dạy con gái biết nấu chè sen để sau khéo chiều chồng. Đã bao lần tôi kiên nhẫn ngồi lột vỏ, xoi tim, hấp từng hạt chín mềm, nấu từng soong nước đường phèn trong veo nấu món chè hạt sen, chè nhãn lồng bọc hạt sen cho vừa ý mẹ. Mẹ dạy cả cách múc chè vào chén ký kiểu mỏng thanh, ướp lạnh để nước chè mát rượi trước khi ăn. Mỗi chén lượng chè chỉ đủ ăn lấy hương hoa để khách ăn luôn còn mãi cái cảm giác thòm thèm.

Cao cấp hơn cả là chè sen yến sào. Mua Yến từ đảo biển Nha Trang, ngâm nước để lượm sạch lông tơ, chưng cách thủy với gừng cho thơm, thả bồng bềnh sợi yến trong chén chè sen ngọt vị đường phèn. Ăn một chén nhỏ thôi cũng đủ tiếp thêm sức khỏe, bởi Yến sào và hạt sen đều là những thực phẩm bổ dưỡng vô cùng.

Ngày kỵ giỗ mẹ dạy tôi làm bánh hạt sen. Tán hạt sen thành bột, dáo cùng đường khô mịn, vo tròn thành viên bi hoặc in khuôn rồi gói giấy kính ngũ sắc. Bánh được trân trọng trước dâng cúng Phật và tổ tiên sau mời khách dùng trà tráng miệng cuối tiệc. Bột sen dậy hương thơm, tạo cảm giác thanh cao mà trên đời này dễ có ai từng được tận hưởng. Tiếc thay! Đặc sản này đang có nguy cơ mai một và biến mất trên bàn tiệc.

Cầu kỳ hơn hết là món hạt sen ngào. Phải khuấy tro bếp với nước lạnh để lắng, lọc lấy phần nước trong để luộc hạt sen. Việc dùng nước tro trong chế biến món ăn đã là kinh nghiệm bao đời của người Việt Nam. Phải chăng nhờ trong tro có chất kali, chất kiềm… tạo nên hương vị riêng cho món nấu? Như cái bánh tro chẳng hạn? Với hạt sen cách luộc này tạo độ chóng mềm mà hạt giữ nguyên dạng, không bị vụn nát. Xả lại nước lạnh một cách nhẹ nhàng nhẹ tránh làm vỡ hạt sen. Một vĩ đan bằng tre được đặt vào lòng thau. Cái thau ngào sen cũng phải kén chọn thau nhôm đáy dày để ngăn nhiệt tránh cháy làm màu thực phẩm giữ tươi sáng. Vĩ có 4 chân tre tạo bề mặt lòng vĩ luôn phải cao hơn mực nước đường. Trải hạt sen lên lòng vĩ. Theo độ cao này hạt sen không trực tiếp tiếp xúc nước đường nóng mà chỉ gián tiếp nhận hơi nóng và vị ngọt từ việc liên tục được rưới nước đường nóng lên bề mặt để thấm dần vào từng hạt. Khi đêm xuống, người chế biến tắt lửa, ngâm hạt sen trong nước đường qua đêm. Rồi sáng mai lại vớt nhẹ đặt trên vĩ tre tiếp tục như hôm trước... cho đến khi từng hạt sen thấm đường, khô ráo.

Nhắc xuống, gắp hạt Sen qua tờ giấy sạch, đem sấy trên than hoa phủ tro hoặc phơi dưới ánh nắng. Khi hạt nguội, khô, cầm lên không dính, cho nhẹ nhàng vào thẩu sạch, đậy kín. Từng hạt sen mềm, nguyên dạng, nhưng ráo. Khi ăn, hạt Sen ngào tự tan trong miệng, để lại cho ta vị ngọt, thanh và một hương thơm dịu dàng. Màu sen vàng ngà, tươi sáng. Chỉ chừng ấy thôi bạn cũng đủ mất mấy ngày lao động miệt mài.

Hạt sen còn được dùng trong nhiều món ăn mặn: Súp yến sào hạt sen, Súp hạt sen vi cá, Súp hạt sen cua gạch, Bồ câu tần hạt sen, Gà nấu hạt sen, Vịt hon, cơm Sen… Hạt sen có trong các món này tạo cho những bát nấu có một vị thơm, bùi đặc biệt mà thiếu nó, hẳn là bát nấu mất hẳn cái hương vị cao quý của nó.

Cơm sen là một đặc sản đáng tự hào mà người dân xứ Huế vẫn dọn mời du khách khi họ đến thưởng ngoạn vùng đất này. Nó được dọn mời trong thực đơn Đêm Hoàng cung Huế Festival 2008. Với cương vị chuyên gia cố vấn, tôi chăm chút hướng dẫn cách gói từng về cơm trong ngọn lá sen, hấp đến độ lá tiết hương thơm, quyện thêm trong từng hạt cơm được nấu chín với nước luộc hạt sen thơm lừng. Mỗi bàn tiệc được dâng mời một đóa hoa sen gói lá sen xanh Hồ Tịnh tạo nên sự duyên dáng đáng yêu trong ánh nến lung linh của Đêm Hoàng cung kỳ ảo.

Nghệ sĩ Đức Khuê và diễn viên Trung Hiếu, trên kênh THVN, đã cùng tôi tạo nên những đóa hoa sen nho nhỏ, chứa những hạt cơm thơm dậy hương sen xứ Huế, gửi đến khán giả khắp mọi miền, giúp nhiều bạn gái biết thêm những kỹ xảo tinh tế và niềm hạnh phúc khi chế biến hương vị quê nhà.

Ngày sang Pháp tham dự hội thi Nghệ thuật Ẩm thực châu Âu, từ điều mẹ dạy, tôi đã khéo điểm thêm những hạt sen bở thơm của hồ Tịnh Tâm, hấp cùng con cá Daurade (cá Hanh) vùng biển Địa Trung Hải, tạo nên hương vị thơm ngon kì lạ, khiến ban giám khảo không khỏi ngỡ ngàng thích thú khi thưởng thức món ăn có chút giao hòa giữa hương vị Đông và Tây. Món ăn Âu do người Việt nấu ấy đã dành được Huy chương ẩm thực của Viện Hàn lâm Ẩm thực Paris.

Ngó sen là những mầm sen nõn, màu trắng, dòn xốp, được dùng làm món nộm. Khéo trộn ngó sen với giấm đường vừa vị ngọt chua, thêm tôm thịt và các thứ rau gia vị… khi ăn độ dòn, vị ngọt, hương thơm đã làm nó trở thành món đầu bữa độc đáo, đầy thi vị.

Khi sen tàn, người trồng sen lại thu hoạch củ sen. Loại củ này thường bở và rất thơm. Nó được cắt lát, ngào với đường thành lát mứt củ sen dùng trong ngày tết, tiệc trà hoặc cắt lát kho nấu với tôm thịt hay hầm xương. Củ sen có khi được nhồi đỗ xanh và gạo nếp trong lòng, rồi hấp chín. Khi ăn chấm đường cát trắng. Không biết bạn đã có lần nào được thưởng thức món ăn độc đáo này chưa?

Củ sen là lọai thời trân sản lượng không nhiều. Chúng chỉ có trong một thời gian rất ngắn.Vì thế ta phải tranh thủ thưởng thức khi mùa thu đến, trước thời điểm lũ về trên đất Huế.

Tim sen là cái mầm nhỏ nằm giữa hạt sen già được người ta phơi khô dùng làm thức uống như một loại trà an thần. Người đàn bà Huế khéo chiều chồng, biết chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho đấng lang quân, nên những đức ông chồng bị mất ngủ, luôn được vợ cho thưởng thức chén trà tim sen, tuy đắng nhưng ngọt vị tình yêu.

Đi qua nhiều vùng miền trong và ngoài đất nước, tôi cũng đã từng nhìn thấy những hồ sen, cánh đồng sen… như Đồng Tháp Mười, Hà Nội, Nghệ An, Quế Lâm (Trung Quốc), Ubon (Thái Lan)… Hoa, hạt, củ, ngó sen... đều có đôi chút khác nhau về màu sắc, kích cở, tính chất. Cách chế biến sen cũng khác nhau. Điều này đã tạo nên bản sắc riêng trong ẩm thực mỗi vùng miền.

Hạt sen là món ăn của tình yêu.

Hãy tặng người bạn yêu thương món quà sen độc đáo!

Tôi đã yêu sen say đắm bởi sen đáng yêu biết nhường nào!

H.T.N.H  
(SHSDB34/09-2019)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN PHƯƠNG TRÀ

    Cuối năm 1961, tôi rời Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao về làm biên tập viên chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình này nằm trong Phòng Văn học do nhà văn Trọng Hứa làm Trưởng phòng.

  • KIMO

    Mười Cents, một đồng xu nhỏ nhất, mỏng nhất được gọi là “dime” và đồng xu nầy được đúc với chất liệu 90 phần trăm bạc và 10 phần trăm đồng như đồng xu năm cents và 25 cents nhưng lại khác với đồng xu một cent.

  • HƯỚNG TỚI 70 NĂM THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ

    TÔ NHUẬN VỸ

  • HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ

    NGUYỄN KHẮC PHÊ

  • KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ

    NGÔ KHA

    LTS: Dưới đây là một ghi chép của cố nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha về những ngày đầu đoàn quân giải phóng về thành Huế dịp 26/3/1975. Rất ngắn gọn, song đoạn ghi chép đã gợi lại cho chúng ta không khí sôi nổi, nô nức những ngày đầu.

  • Lời nói đầu: Mỗi khi về nhà ở Quỳnh Mai, tôi luôn hình dung thấy Cha tôi đang ngồi đâu đó quanh bàn làm việc của mình. Trong một lần về nhà gần đây, sau khi thắp hương cho Cha, chờ hương tàn bèn mang máy đánh chữ, là vật hết sức gần gũi đã gắn bó với Cha tôi cho tới khi mất, để lau chùi, làm vệ sinh.

  • Những năm 1973-1976, đến Paris  tôi bắt đầu công việc sinh viên, vừa làm vừa học là ký tên và đánh số giùm tranh litho cho  Họa sĩ Lê Bá Đảng.

  • SƠN TÙNG  

    Một ngày giáp Tết Canh Dần - tháng 2/1950, gặp dịp đi qua làng Sen, tôi ghé vào thăm nơi đã lưu lại những kỷ niệm tuổi thơ của Người.

  • L.T.S: Vương Đình Quang nguyên là thư ký tòa soạn báo "Tiếng Dân" do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ biên, vừa là thư ký riêng của nhà yêu nước Phan Bội Châu, chuyên giúp Phan Bội Châu hoàn chỉnh những văn bản tiếng Việt trong mười lăm năm cuối đời sống và sáng tác tại Huế. Bài này trích từ "Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh" do chính tác giả viết tại quê hương Nam Đàn Nghệ Tĩnh khi tác giả vừa tròn 80 tuổi (1987).

  • NGUYỄN NGUYÊN

    Tháng 6-1966, ở Sài Gòn, giữa cái rừng báo chí mấy chục tờ báo hằng ngày, báo tháng, báo tuần, bỗng mọc thêm một từ bán nguyệt san: Tin Văn.

  • Cứ vào những ngày cuối năm, khi làm báo tết, trong câu chuyện cà phê sáng, làng báo Sài Gòn hay nhắc đến họa sĩ Choé, tác giả những bức tranh biếm - hí họa từng không thể thiếu trên khắp các mặt báo. Có thể nói, cùng với nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Bùi Giáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Ớt - Huỳnh Bá Thành, danh ca Út Trà Ôn, danh hài Văn Hường,… họa sĩ tuổi Mùi - Choé là một trong những “quái kiệt” của Sài Gòn.


  • (Lược thuật những hoạt động nhân kỷ niệm 5 năm Sông Hương)

  • (Bài phát biểu của nhà văn Tô Nhuận Vỹ - Nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương trong lễ kỷ niệm 5 năm)

  •  (SHO). Huế đầu đông. Mưa lâm thâm,dai dẳng. Mưa kéo theo các cơn lạnh se lòng. Cái lạnh không đậm đà như miền Bắc không đột ngột như miền Nam, nó âm thầm âm thầm đủ để làm xao xuyến  nổi lòng người xa quê... Ngồi một mình trong phòng trọ, con chợt nhớ, một mùa mưa, xa rồi...

  • (SHO). Mùa mưa cứ thế đến, những nỗi nhớ trong tôi lại từng cái từng cái ùa về, thổi qua và tôi chợt nhận ra trong lúc ngây ngốc tôi đã bỏ quên nhiều thứ như vây; bỏ quên những người thân yêu trong nỗi nhớ của tôi, ở trong kỉ niệm đã qua và giờ tôi nhớ ra cảm giác hạnh phúc, vui vẻ khi ở bên họ, để từ đó tôi quý trọng hơn nữa những giây phút bên cạnh những người mà tôi yêu thương.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    Sau một thời gian bị bệnh hiểm nghèo, ca sĩ Hà Thanh đã qua đời vào lúc 19 giờ 30 ngày 1 tháng 1 năm 2014 (giờ Boston) tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

  • ĐẶNG VĂN NGỮ
                    Hồi ký

    Cha tôi lúc còn nhỏ tự học chữ nho có tiếng là giỏi, nhưng đến tuổi đi thi thì thực dân Pháp đã bãi bỏ các kỳ thi chữ nho.

  • TÔ NHUẬN VỸ

    Lớp sinh viên chúng tôi tốt nghiệp Khoa Văn - Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, đúng vào thời điểm Mỹ đánh phá miền Bắc và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kêu gọi con em miền Nam đang ở miền Bắc hãy trở về chiến đấu cho quê hương.

  • Giải phóng quân Huế với phong trào Nam tiến 

    PHẠM HỮU THU

  • Sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc. Nguyễn Du trở về, ở tại Thăng Long từ cuối năm 1790 cho đến năm 1794. Đó là ba năm «Chữ tình chốc đã ba năm vẹn», lưu lại trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương.