Ruđenxơ nhút nhát

15:31 29/08/2008
OTTO STEIGER (THỤY SĨ)Ai cũng biết rằng cái tên Ruđenxơ tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm, vậy mà nhân vật của chúng ta lại là một người nhút nhát. Có thể nói là từ lúc lọt lòng: mặc cho bác sĩ hầm hừ doạ nạt và bà đỡ cố công thúc đẩy, mãi ông chẳng chịu ra cho. Điều này để lại dấu vết trên diện mạo của ông. Khi rốt cuộc ông cũng được sinh ra và nhìn thấy thế gian buồn khổ này, trông ông xấu xí quá lắm, còn cái đầu thì rõ là chiếc bắp cải chứ không ngoa.

Thủa thiếu thời, vì nhút nhát, ông đã phải chịu nhiều đau khổ, ấy vậy nhưng nó cũng đem lại cho ông một vài lợi thế. Chẳng hạn khi ông phạm lỗi, người lớn chẳng bao giờ ngờ vực đến ông. Và ông cũng không hề phản đối việc bạn bè phải chịu phạt thay mình. Không, không phải tại đớn hèn. Có điều ông quá nhút nhát đến nỗi chẳng dám đứng ra thú nhận.
Dù vậy, ông cũng leo lên được chức phó quản đốc phân xưởng của một nhà máy dệt. Cũng nên nói thêm rằng ông như vậy là nhờ ơn người cha ngoan đạo của mình. Cha ông luôn răn dạy con trai rằng lòng tin chân chính có sức mạnh dời núi lấp sông. Điều giáo huấn này của cha Ruđenxơ đã hấp thụ, như người ta nói, từ thủa còn bú mẹ. Dần dần đối với ông nó trở thành một chân lý hiển nhiên chẳng khác gì hết đêm sẽ lại đến ngày vậy. Hồi đầu, khi mới bắt đầu vận dụng lời dạy sáng suốt của người cha, Ruđenxơ chỉ tin vào những việc đơn giản. Những việc này tự nó vẫn trở thành hiện thực, bởi thế chưa lần nào ông nghi ngờ tính đúng đắn tuyệt đối của chân lý cha dạy.
Một tối, đang dạo chơi trong công viên ông trông thấy một cô gái ngồi sụt sùi khóc, cô đơn trên ghế. Khi đó Ruđenxơ 24 tuổi. Do nhút nhát ông chưa hề có kinh nghiệm giao tiếp với đàn bà. ông ngồi xuống cạnh cô gái một cách cả tin và ngờ nghệch. Họ nhanh chóng bắt chuyện với nhau. Cô gái kể rằng cô bị bạn trai ruồng bỏ, giờ đây trơ trọi trên thế gian này và chỉ còn nước trẫm mình nữa mà thôi.
Ruđenxơ thấy mến và thương hại cô gái tội nghiệp. Ông hết lòng khuyên can cô gái chớ dại dột liều mình. Trò chuyện hồi lâu ông đã hướng được sự chú ý của cô vào sức mạnh thần kỳ của niềm tin. Thậm chí ông đã thuyết phục được cô tin rằng mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Họ ngồi bên nhau rất lâu. Trời về khuya trở lạnh, và đôi bạn trẻ sát lại gần nhau. Thoắt cái đã qúa nửa đêm, cô gái đột nhiên nức nở khóc, ôm chầm lấy cổ ông, miệng thì thầm rằng cô đã bị thuyết phục, rằng bây giờ cô tin chắc rằng ông sẽ cưới cô và điều này chẳng còn lâu la gì nữa.
Một tháng sau họ cưới nhau thật. Ngay trong đêm tân hôn cô gái thú nhận với ông rằng cô mong muốn có con tưởng phát điên phát rồ. Ruđenxơ trầm tĩnh, nhưng ông cũng đang chứa chan niềm vui chờ đợi như cô, trả lời rằng nếu họ vững tin và điều đó thì tất cả sẽ trở thành hiện thực.
Vợ ông ôm hôn chồng và reo lên sung sướng:
- Dĩ nhiên, anh yêu quý của em. Chúng mình hãy cùng tin rằng chỉ bốn tháng nữa thôi là chú nhóc của chúng mình sẽ ra đời. Em không chờ lâu hơn được nữa đâu, em đến chết vì chờ đợi mất.
Ruđenxơ thấy điều này hơi quá táo bạo, ông bày tỏ cho vợ sự nghi ngờ của mình. Nhưng cô vợ đang hân hoan với kế hoạch được thảo ra, cô rất tin tưởng và tuyên bố rằng nếu họ đem lòng tin mà khiến được đứa trẻ ra đời chỉ cần bốn tháng thì đó chính là cách tốt nhất làm cho hàng xóm láng giềng tin vào chân lý sống của họ. Luận cứ này đã hoàn toàn thuyết phục được Ruđenxơ. Họ hăng hái bắt tay vào việc, và kết quả chẳng phải chờ lâu - đúng bốn tháng sau cô vợ đã tặng ông một đứa con trai mập mạp.
Đứa bé lớn nhanh như thổi, trong tình thương yêu và sự chiều chuộng của bố mẹ. Nó cao ngồng lên, thậm chí hơi lòng khòng nữa, còn ăn thì khoẻ bằng ba đứa khác. Khách đến nhà chơi không ngớt lời khen ngợi chú bé có thân hình rắn chắc và đôi khi nói thêm:
- Mà sao nó chẳng giống bố chút nào?.
- Lẽ tự nhiên, - mỗi bận như thế Ruđenxơ lại liếc trộm vợ và trả lời, - một khi thời hạn quá cấp tốc như thế thì chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên.
Dĩ nhiên Ruđenxơ cố giáo dục con theo cách của mình. Khi thằng bé đã lớn ông bắt đầu kể cho con nghe về sức mạnh diệu kỳ của nó. Thằng con không chịu tin. Điều này làm cho Ruđenxơ khổ tâm, khổ tâm hơn nhiều so với những lần ông phải đấu tranh với tính nhút nhát để thú nhận lỗi lầm. Khi ông trở thành phó quản đốc phân xưởng đứa con tròn 15 tuổi. Nhân dịp ấy ông lại nói với thằng con một lần nữa. Ông kể cho nó nghe rằng ngay từ đầu ông đã tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ được nhận chức này... và, thấy chưa, niềm tin của ông đã biến thành hiện thực.
- Bố có thể kể cho con nghe nhiều ví dụ kỳ diệu khác từ cuộc đời mình - ông thêm – nhưng bây giờ chỉ ví dụ ấy thôi cũng đã đủ rồi.
Toàn những chuyện nhảm nhí - thằng con đáp lại và nhổ kẹo cao su xuống thảm. Ruđenxơ buồn lắm nhưng vẫn tin là sẽ có dịp chứng tỏ cho con trai thấy sức mạnh thần kỳ của niềm tin.
Một thời gian dài bố mẹ mong cho con học hành đến nơi đến chốn nhưng té ra nó chẳng có chút năng khiếu nào về việc đèn sách. Ông bố xoay sang cho nó học nghề thợ nguội, song cả việc đó cũng không thành. Rốt cuộc ông cho nó đến làm việc tại nhà máy của mình. Chỗ này thì chàng trai ưa thích và những cô thợ dệt trẻ trung có vai trò không nhỏ trong chuyện ấy. Thằng con đã trưởng thành. Mới 20 tuổi nhưng nó đã râu ria xồm xoàm, mặc áo đỏ và có thói quen gác chân lên sau mỗi bữa ăn. Nhưng ngay cả lúc này Ru-den vẫn không bỏ lỡ cơ hội để đem niềm tin của mình truyền lại cho con. Thường thì ông bố rụt rè đưa ra một ví dụ mới, thằng con vẫn lặng thinh xem vô tuyến truyền hình, miệng không ngừng nhai kẹo cao su. Nhưng rồi, sốt ruột vì sự nhẫn nại của bố, nó nhấc một chân khỏi mặt bằng, đạp cho Ruđenxơ một cái và mắt vẫn không rời màn ảnh, quát:
- Câm!
Một buổi tối, khi Ruđenxơ lại bắt đầu bài thuyết giáo của mình (ông ngồi tận mép ghế để tránh cú đạp của thằng con), nó đột ngột quay lại, bộ dạng nom thật gớm ghiếc hỏi:
- Này, cái gì ông tin cũng trở thành hiện thực chứ?
Tuyệt đối đúng như vậy! - Ruđenxơ hân hoan trả lời.
- Thế thì hãy tin rằng ông là một chiếc xe máy đi xem chỗ nào, tôi đang cần đấy.
Thoạt tiên Ruđenxơ cảm thấy bị sỉ nhục, thậm chí bàng hoàng, khi nghe những lời nói của con trai. Nhưng rồi một ý nghĩa loé lên trong óc ông. Vậy là thời điểm ông dày công chờ đợi đã đến. Bây giờ là lúc để ông chứng minh bằng thực tế cho thằng con thấy lòng tin có thể dem lại cho con người những gì. Ông lặng lẽ đứng dậy đi về. phòng mình. Đến ngưỡng cửa ông quay lại hỏi:
- Xe đạp máy à?
- Không, một chiếc xe máy thực thụ - thằng con đáp.
Ruđenxơ ngồi xuống giường, nhắm mắt lại. Sau đó ông vận hết lòng tin của mình vào cuộc. Ông hiểu rằng kết quả cuộc thí nghiệm này sẽ quyết định tất cả, bởi thế ông đã gắng tin với nỗ lực chưa từng có trong đời. Vậy mà không có kết quả. Hồi lâu sau vẫn không có kết quả. Thế rồi đột nhiên ông cảm thấy chân mình biến thành một bánh xe, còn tay thì biến thành tay lái. Khi mở mắt ra ông thấy mình thực sự đã biến thành một chiếc xe máy, một chiếc xe máy có chiếc yên dành cho người lái màu xanh sáng và cả ghế dành cho bạn gái phía sau.
Ruđenxơ sững sờ. Sự biến hoá kỳ diệu đã làm cho giây phút đó trở nên hạnh phúc nhất đời ông. Ông muốn kêu lên "xong rồi! " nhưng lẽ dĩ nhiên, lúc này ông không còn nói được nữa mà chỉ húc bánh xe vào cánh cửa.
Tiếng động làm vợ ông hoảng hốt chạy tới. Khi trông thấy ông dưới lớp sơn và ánh kim loại sáng loáng bà ta vung tay kêu lên:
- Ôi Ruđenxơ, thật là đẹp mặt!
Riêng thằng con trai khi trông thấy bố trong vai trò mới chỉ nói:
- Khổ lắm! - Nó sờ nắn động cơ, yên, tay lái rồi thêm: - Nào, ta làm vài vòng chơi chứ bố!
Nó dắt xe ra đường và dựng trước nhà. Bà mẹ theo sau. Thằng con đạp cần khởi động. Lúc này ai cũng thấy có sự cố gắng hết sức của Ruđenxơ: cả thùng nhiên liệu cũng đã đầy xăng. Thằng con nhảy lên yên đi thử một vòng, khi trở lại nó đặt xe cạnh nhà rồi lại gần mẹ, nói:
- Một ông bố thế này thì con thích nhất trên đời.
Đứng trước cửa Ruđenxơ vẫn lâng lâng, vui sướng. Nhưng dần dần ông bình tĩnh lại. Gần sáng trời đổ mưa. Ông thoáng lo ngại cho những bộ phận bằng kim loại của mình. Nhưng thằng con đã cẩn thận trùm kín ông bằng vải bạt.
Mới đầu Ruđenxơ dự định cứ là xe máy cho đến khi thằng con trai cầu xin ông trở lại làm người. Nhưng khi hôm sau thằng con cưỡi ông đến cửa hàng, khi ông nghe thấy ngài quản đốc phân xưởng hỏi han về ông và thằng con đẻ của ông chỉ lơ đãng nhún vai để đáp lại thì ông bỗng thấy khát khao được mang lại lốt làm người. Ông quyết định ngay lập tức tin rằng mình sẽ lại là người.
Một lần nữa ông vận hết niềm tin của mình vào việc. Ông đứng dưới mái lán kim loại cùng đám xe đạp, và đau khổ tập trung niềm tin xưa cũ của mình. Nhưng chẳng có gì thay đổi - đôi chân vẫn là bánh xe, đôi tay vẫn là tay lái. Ông sợ hãi điên cuồng. Đến lúc này ông cố gắng tin tưởng bằng tất cả niềm khát khao cháy bỏng rằng ông là người, tin tưởng không ngừng không nghỉ. Ban ngày thằng con dẫn bạn bè đến giảng giải cho chúng nghe những ưu điểm của chiếc xe máy mới. Sau đó nó cưỡi lên bố và chồm đi. Dọc đường về, ngay cả lúc len lỏi giữa dòng xe cộ. Ruđenxơ vẫn không nguôi hy vọng sẽ tìm lại được sức mạnh của niềm tin ngày trước.
Nhưng vô ích. Quá rõ là lòng tin của ông vẫn chưa đủ mạnh. Không thể có cách giải thích nào khác.
Như vậy ông vẫn phải là chiếc xe máy. Thoạt tiên những người thân thích thảy đều mừng rỡ và cứ ngày nghỉ là cả gia đình kéo ra ngoại ô. Nhưng đến cuối tháng, gia đình trở nên túng bấn do thiếu khoản tiền lương của ông. Bà vợ bắt đầu nổi giận. Buổi tối, bà lại gần ông, lúc đó đang dựng bên chiếc máy giặt dưới mái lều và sa sả nhiếc móc ông. Bà yêu cầu ông phải thôi ngay cái trò ngu ngốc ấy. Bà nói rằng bà thừa biết ông làm vậy để làm gì, rằng ngần ấy tuổi đầu đáng lẽ ông phải biết xấu hổ khi xử sự như thế.
Đêm đó lại một lần nữa Ruđenxơ cố trở về với lốt cũ. Nhưng lại một lần nữa uổng công. Rồi bà vợ dĩ nhiên cũng phải hiểu rằng việc làm của ông không phải cố tình. Ít nhất thì bà cũng thôi nhiếc móc ông. Trái lại, đêm đêm, khi con trai trở về sau những cuộc phi điên dại trên lưng bố, bà thường ra ngoài lều, đứng bên chiếc máy giặt và trò chuyện đôi ba giờ với Ruđenxơ như trước vẫn làm.
Tuy nhiên tình trạng túng thiếu vẫn ngày càng trầm trọng. Cuối cùng hai mẹ con đành phải nghiến răng bán đứng Ruđenxơ. Họ làm một tờ thông báo. Đã tìm được kẻ muốn mua. Bà vợ cố lo cho ông được rơi vào một tay người phúc hậu. Có một ngài gầy gò mua chiếc xe, trả bằng tiền mặt và hứa sẽ giữ gìn cẩn thận.
NGÔ TỰ LẬP dịch từ tiếng Nga

(nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Nhự Chí Quyên là nhà văn ngoại sáu mươi, từng có tác phẩm những năm 1950. Truyện ngắn Thỏa nguyện (Như nguyện) của ông ca ngợi tấm lòng thương con của một bà mẹ công nhân, được coi là đặc sắc thời ấy.

  • Stephen King (1947, Maine, Mỹ), nhà văn được xem là có công phục hồi thể loại truyện kinh dị trong thế kỷ 20.

  • Đônchô Sônchép - nhà văn Bungari (sinh năm 1933). Tốt nghiệp khoa địa chất trường ĐHTH Xôphia. Làm nghề địa chất hơn 10 năm.

  • A. J. MCKENNA (Anh)

    Đó là sinh nhật của Jim Brennan. Ông thức giấc vào buổi sáng tháng Tám ẩm ướt này, giật mình bởi tiếng chim hót vang khắp khu vườn. Đầu óc rối bời, ông cứ nằm mãi, gắn ánh mắt vô hồn vào mảng giấy hoa dán tường đã bạc phếch, đối diện chiếc giường bừa bộn của ông, nơi mặt trời sưng sỉa hắt ánh hồng lên.

  • LGT: Tiểu thuyết Đừng khóc (Sans pleurer) của nữ văn sĩ Pháp Lydie Salvayre vừa vinh dự được nhận giải thưởng Goncourt năm 2014, giải thưởng văn chương cao quí nhất nước Pháp nói về cuộc nội chiến đẫm máu Tây Ban Nha (1936 - 1939) thế kỷ trước với những hệ lụy nặng nề của nó.

  • LTS: Ivan Ptôrôvich Samiakin, tác giả những tiểu thuyết nổi tiếng "Giây phút tốt lành", "Dòng chảy xiết", "Những trái tim trên lòng bàn tay", "Mùa đông đầy tuyết", "Tôi mang theo nỗi đau của em", "Pêtirôgôrút - Bêrextơ" cùng nhiều truyện ngắn, kịch, kịch bản phim.

  • Edwidge Danticat ra đời tại thành phố Port-au-Prince, Haiti năm 1969. Đậu Cử nhân Văn Học Pháp tại Barnard College, và Thạc sĩ Nghệ Thuật tại Brown University, cô hiện đang giảng dạy tại New York University (NYU).

  • LTS: John Steinbeck ra đời vào ngày 27 tháng 2 năm 1902 tại Salinas thuộc tiểu bang California. Các tác phẩm của văn hào John Steinbeck miêu tả cuộc sống của tầng lớp dân nghèo, phản ánh bất công trong xã hội, với nhiều dấu hỏi trước cảnh sống, với lối viết hấp dẫn.

  • VLADIMIR NABOKOV

    Vài năm trước, bác sĩ Fricke có đưa Lloyd và tôi một câu hỏi mà giờ đây tôi sẽ thử trả lời.

  • ANAR (Azerbaijan)

    Hôm qua số điện thoại của em đã chết. Không phải chỉ con người mới chết. Những con số điện thoại cũng có chết đấy.

  • KENELKES (Anh)

    Khi David bước ra cửa, cậu hơi bị hoa mắt bởi ánh sáng mặt trời trắng lóa, và theo bản năng cậu chới với chụp lấy tay cha.

  • L.T.S. Sylvain Bemba sinh năm 1936 tại Congo, ông từng giữ chức Tổng biên tập của Thông tấn xã Congo Brazaville trong nhiều năm.
    Truyện ngắn Phòng tối dưới đây được chiếm giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn Châu Phi năm 1964, do tạp chí Preuves tổ chức và được in lại trong tuyển tập Văn học châu Phi, ấn hành 1968 tại Bỉ.

  • LTS: Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa, sinh năm 1953, tác gia tiêu biểu của phái tiên phong, là một hiện tượng độc đáo trên văn đàn Trung Quốc đương đại. Được phương Tây đánh giá là nhà văn Trung Quốc cách tân nhất hiện nay, tác phẩm được đưa vào giáo trình của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như đại học Harvard, đại học Tokyo… nhưng bản thân Tàn Tuyết chưa từng học lên trung học.

  • LTS: Yasunari Kawabata (1899-1972), là nhà văn Nhật lỗi lạc nhất của thế kỷ XX, giải Nobel năm 1968. Tác giả của nhiều thiên kiệt tác đậm đà chất phương Đông mà cả thế giới đều ngưỡng mộ: Ngàn cánh hạc, Vũ nữ Izu, Xứ tuyết, Tiếng núi rền, Cố đô

  • Dino Buzzati sinh năm 1906 tại Belluno, mất năm 1972 ở Milano (Italia). Trước khi viết văn, ông là họa sĩ, nhạc sĩ và nhà báo, từng là phóng viên chiến trường và phụ trách mục phê bình nghệ thuật cho Corriere della Sera, một nhật báo quan trọng nhất nước Ý.

  • TÔN THẮNG LỢI (Trung Hoa)

    Nền xi măng phòng làm việc đang còn những vệt ẩm của chiếc giẻ cọ sàn. Như thường lệ mọi buổi sáng, tôi tự dọn dẹp lấy phòng làm việc. Một lối sống giản dị, có phần khắc khổ. Mà không cần phải phô trương, cuộc cách mạng văn hóa đã kết thúc.

  • RAPHAEN XÔLE (Cu Ba)

    Khi con người mở mắt ra (nỗi sợ hãi đã buộc chúng khép lại), thì việc đầu tiên mà anh ta trông thấy là cái hố có đường kính hai mét và một vòng tròn nhỏ màu xanh nằm cao chừng mười mét ở phía trên.

  • ALICE MUNRO

    LGT: Alice Munro sinh ngày 10 tháng bảy năm 1931 ở Wingham, Ontario, Canada, với tên khai sinh là Alice Ann Laidlaw. Cha của bà là chủ nông trại, mẹ là cô giáo.

  • LGT: Romain Gary tên thật là Romain Kacew, sinh năm 1914 tại Moskva và được nuôi dưỡng bởi một người mẹ đã đặt rất nhiều kỳ vọng nơi con trai mình. Năm 14 tuổi, ông theo mẹ đến Pháp và định cư tại Nice.

  • IURI BONDAREP

    Lần đầu tiên, chúng tôi nhìn thấy cô ta ở cạnh bàn bóng bàn ở sân hành lang nhà an dưỡng. Cô mặc chiếc áo len dài tay màu xanh, chiếc váy thật thẳng nếp, mái tóc màu sáng được cắt ngắn, và cứ mỗi lần vụt rơkét cô lại hất mạnh những sợi tóc vương khỏi trán. Những lúc như vậy, đôi mắt nâu đen của cô lại mỉm cười.