NGUYỄN VĂN THIỆN
Ai đi ngoài nội cỏ, bỏ quên mắt nhìn trong hang sâu! Ai ào ào nỗi nhớ, bỏ quên tai buồn trong đêm sâu!
Minh họa: Nhím
Có những lúc bất chợt vô hồn nào đó, tôi bỏ quên mắt mình ở một nơi nào đó. Dù bạn có muốn tin hay không thì cũng mặc, tôi vẫn thầm thì kể lại câu chuyện bất tận của mình, rối rắm tin yêu và bạt ngàn nghi hoặc. Phải, tôi đã từng quên mắt quên môi, quên tai và quên chân, thậm chí quên tim quên óc ở một nơi nào đó...
Vào một ngày mùa thu rất đẹp, đẹp một cách ảm đạm, tôi bỏ quên đôi mắt mình trên cỏ, như một cậu học trò mải chơi bỏ quên cặp kính cận ngay trên ghế đá sân trường. Tôi về nhà mà không có mắt. Không có mắt nhưng tôi vẫn ăn vẫn ngủ bình thường. Ai mà chẳng thế, trong ngôi nhà quen thuộc đến nhàm chán, cần gì phải có mắt, bạn vẫn biết thức ăn để ở đâu và giường đặt ở đâu rồi. Ăn xong thì làm một số việc, làm xong thì ngủ, ngủ dậy đi đâu đó như đi làm hoặc đi chơi, về lại ăn, lại ngủ.
Chỉ có đôi mắt nằm lại trên thảm cỏ. Chúng nhìn chung quanh như lần đầu mở mắt. Thì ra những chiếc lá không chỉ là những phiến mỏng nhiều màu sắc, chúng còn biết đong đưa mời gọi, biết chuyện trò và âu yếm nhau nữa...
Không bị sai khiến bởi bộ não cứng nhắc đầy khiếm khuyết vì nhồi nhét quá nhiều thứ không cần thiết, mắt hình như sáng hơn, và nhìn thấy nhiều thứ đáng nhìn, đáng yêu hơn!
Rồi một ngày nào đó, tôi lơ đãng bỏ quên tai mình ngoài đầu suối Kroa. Tôi về nhà mà không có tai, không có tai mà vẫn sống, và dĩ nhiên vẫn ăn và ngủ bình thường. Những công việc lặp đi lặp lại hàng tháng, hàng năm, những âm thanh lặp đi lặp lại hàng tháng, hàng năm, cần gì phải nghe mới hiểu?
Chỉ có đôi tai nằm lại đầu nguồn con nước, nghe lũ cá lòng tong hát bài gì đó chộn rộn tươi vui, nghe bọn cua thổi kèn đám ma vui vẻ tiễn đưa bạn mình về dưới bùn đen hóa kiếp...
Không bị sai khiến bởi bộ não già nua và lẩm cẩm, tai hình như thính hơn, nghe được nhiều chuyện vui hơn.
Không tin, bạn hãy thử xem?
Quên mắt quên tai, nghe có vẻ hoang đường nhưng cũng chưa thấm vào đâu nếu bạn để quên trái tim mình ở một nơi hoang vắng xa lạ nào đó! Quên tim thì làm sao mà sống? Bạn sẽ hỏi thế, phải không? Thì chung quanh bạn đấy, có lũ lượt người, đường hoàng, chững chạc, lịch lãm, múp míp, vân vân, họ vẫn sống bình thường, mà có tim đâu? Nếu có tim sao họ giết đồng loại, mổ bụng, chặt khúc nhét vào bao tải, vào nhà cầu, hoặc vứt xuống sông, hoặc đốt xác phi tang, mà không day dứt hay ăn năn đau đớn?
Vậy nên, có một bữa vô tình, tôi về nhà với lồng ngực trống không, còn trái tim thì bỏ quên trên đỉnh núi Chư Mang vời vợi.
Không có tim thì có sao không? Không sao hết, vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn đi tới đi lui, như thường ngày vẫn vậy. Chỉ có trái tim, trên núi cao, thổn thức một mình với nhịp đập cô đơn khắc khoải mong chờ...
Không còn bị đóng khung vào một vị trí cố định, tim mình có vẻ đập dịu nhẹ hơn, thầm thì đếm những mùa lá bay, những mùa trứng rụng...
Rồi một ngày mây trời lãng đãng thiên di, tôi bỏ quên nốt óc mình trên tán cây bằng lăng cổ thụ ngoài bãi vắng...
Bây giờ thì sự việc đã vượt ra khỏi giới hạn chật chội của trí tưởng tượng phải không? Không có óc, làm sao mà sống? Thế mà tôi vẫn sống, nhờ vào sự mặc định của số phận và sự định hướng tài tình của thiết chế xã hội! Hoàn toàn không cần phải tư duy, bạn vẫn biết xã hội đang vận hành theo một quy luật biện chứng khách quan, từ bóng tối ra ánh sáng, từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui, đúng không?
Vì vậy, đừng nghĩ là đó hoang tưởng. Không có óc, bạn vẫn sống, vẫn đi tới, vẫn sánh vai với mọi người mà không hề có cảm giác thua kém, xấu hổ...
Rồi trong một lần say, tôi trở về nhà, bỏ quên đôi chân ở đâu đó trên đường. Buồn cười, không có chân vẫn về đến nhà, bằng cách nào đó chỉ người say, thật say mới hiểu! Mà không có chân thì vẫn thế, nào có hề gì. Chúng ta đang sống, nghĩa là đang tiến dần đến cái chết. Bạn hãy hình dung những con sóng ngoài biển khơi, sóng sau đẩy sóng trước, muốn đứng im cũng không được đâu. Không cần phải có đôi chân, hãy cứ ngồi im một chỗ đi, làn sóng người sẽ đẩy tôi đi, đẩy bạn đi, để còn lấy chỗ cho người kế tiếp.
Chỉ thương đôi chân, không còn được định hướng bởi những những suy nghĩ mang tính áp đặt, bây giờ thập thững, lang thang như bước cô hồn tháng Bảy, gặp ai cũng ngơ ngác trông theo…
Giờ thì, như một thói quen khó bỏ của người nghiện, tôi thường bỏ quên tôi ở một nơi hoang vắng nào đó mà không còn bận tâm hay sợ hãi. Có ai phát hiện ra sự khiếm khuyết chết người ở tôi không? Không ai cả! Tất cả mọi người đều đã nằm trọn trong một guồng máy cố định cực kỳ tinh xảo, không ai còn thời gian để ngắm nhìn người bên cạnh. Chỉ có những hình ảnh, âm thanh, con đường, nếp nghĩ và nếp sống là vẫn quen thuộc như xưa. Người ta định nghĩa đó là cuộc sống. Còn tôi, tôi nghĩ ngược lại, đó là cái chết! Vậy nên, để chết một cách đường hoàng, để khi nằm vào quan tài được nguyên vẹn đầy đủ tay chân mắt tai và tim óc của mình, tôi phải đi tìm những thứ từ lâu mình đã bỏ quên đâu đó.
Ngày mai tôi đi thật đấy, ai đi cùng tôi không?
N.V.T
(SDB19/12-15)
LÊ THỊ KIM SƠN
Dịu là kẻ không sinh ra trong hòa bình, cái tiếng hòa bình mà Dịu vẫn chưa hiểu hết nghĩa, vẫn luôn được Dịu líu lo tập hát theo chúng bạn khi đi mẫu giáo.
HOÀNG THU PHỐ
- Em còn gì để cười nói với anh?
Mê nghe giọng mình vang trên điện thoại, trời đổ mưa, mưa giao mùa, hạt lăn tròn nứt nẻ mùa thu.
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Từ trên võng, tôi chồm dậy nhảy xuống sạp ngay sau những tiếng nổ đầu của loạt bom B52. Tiếng nổ khá gần làm rung chuyển cả những khúc gỗ lát căn hầm chữ A.
NGUYỄN HOÀNG
Trăng sáng huyền diệu, những ngôi sao lấp lánh hòa điệu cùng tiếng sóng thì thầm.
HÀ KHÁNH LINH
Truyện
Tôi kịp đến Campuchia lần đầu khi bộ đội Việt Nam vừa đánh trả bọn Khmer đỏ Polpot tràn qua xâm lược các tỉnh biên giới Tây Nam nước Việt Nam ta giết hại nhiều đồng bào ta, nhất là tại Ba Chúc - An Giang có hơn 3000 người dân bị giết hại!
LÊ HOÀNG NGÂN
Đoàn người lại đứng trên đèo gọi anh, một đoàn người áo tơi lam lũ đang đứng trên đèo gọi anh.
NGÔ HỮU KHOA
Hải quay về. Xe khách có chút ọc ạch nhưng đường rộng, nền bê tông phẳng lỳ lại thẳng tắp nên tốc độ gần như không thay đổi, đều đều gần trăm km/h.
LÊ HOÀNH PHÒ
Tiếng máy điều hòa chạy đều đều. Nơi góc phòng, có một người chăm chú coi lại đề cương thực tập.
DUY NHIÊN
Như vừa lội qua một giấc mơ, giấc mơ chắp nối bao thân phận bên đời. Giấc mơ chập chờn nhớ quên lẫn lộn, Như muốn xóa đi gam màu xám và tô lên niềm hy vọng.
PHẠM XUÂN PHỤNG
Tôi đang dính vào thành xe. Dính, chứ không phải đứng, không phải nằm, không phải ngồi. Phần thắt lưng dính vào mép trên thành xe.
DƯƠNG GIAO LINH
Đêm nay trời có mưa?
Giao ngước mắt nhìn những ngôi sao đang thi nhau lấp lánh trên khoảng trời đen sẫm. Chỉ có góc này Giao mới nhìn được những ngôi sao đêm. Tiếng ai huýt gió vọng vào tai nghe u lạnh. Lại một đêm nữa Giao không ngủ…
VŨ THANH LỊCH
Dim chạy hùng hục để vắt kiệt năng lượng. Không nhìn đường, không đếm xỉa các vật cản. Đến gốc cây thị trước Đền Đá chân vẫn không dừng.
ĐINH PHƯƠNG
1.
Bác tôi về thị trấn sống vào một ngày cuối tháng tư nóng đến sớm, nóng nung người, những con chó ghẻ thè lè lưỡi uể oải nhìn nhau lúc bác đi qua chẳng buồn sủa. Bác đi tự tin, bác biết nơi mình đang đến - như cuộc đời bác vẫn vậy - luôn luôn biết điều mình cần.
NGUYỄN THỊ ẤM
Người ta vẫn tưởng sắc đẹp của đàn bà là vô tội. Đúng là vô tội. Nhưng đẹp quá thì phải xét lại.
BẢO THƯƠNG
Kelvin, con đã về rồi à?
NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
1.
Lên mười tuổi, tôi mới biết bà ngoại không phải là họ hàng. Điều này khiến tôi buồn bã tủi thân đến bỏ cả ăn uống học hành dù đang chuẩn bị thi hết cấp tiểu học.
HOÀNG CÔNG DANH
Ta sẽ không nhìn thấy gì cho đến khi chui ra khỏi nhà ga. Chúng tôi thường nói với nhau như vậy mỗi khi đi tàu điện ngầm. Đấy là chuyện hơn mười năm trước, khi tôi và anh cùng học chung ở thủ đô Minsk của Belarus.
TRIỀU NGUYÊN
Dãy phố cổ nằm hai bên đường Thuận Hòa, nơi bày bán từ cái đinh ốc xe đạp đến những sợi dây chuyền vàng đính ngọc thạch trổ tượng Quan Âm và cả Đức mẹ Maria, treo trên các giá lót nỉ màu hổ phách lóe sáng trong tủ kính, bỗng nhộn lên bởi cái tin từ cửa hiệu cầm đồ Hòa Lợi truyền ra: Mẹ của ông chủ hiệu này đang hấp hối.
NGUYÊN NGUYÊN
Tôi nghe thấy tiếng bước chân của bóng tối, bên thềm cửa. Chút ánh sáng của ngày tàn bị hút tuột xuống cuối đường hầm tăm tối, âm thanh vọng lại nghe khô khốc và buồn bã vô cùng.
TRẦN HUIỀN ÂN
Năm tôi mười tuổi, buổi tối ngày giỗ Dì Sơ, mẹ tôi với nét mặt trang nghiêm mà xúc động nói cho tôi biết Dì Sơ chính là người sinh ra tôi.