NGUYỄN VĂN THIỆN
Ai đi ngoài nội cỏ, bỏ quên mắt nhìn trong hang sâu! Ai ào ào nỗi nhớ, bỏ quên tai buồn trong đêm sâu!
Minh họa: Nhím
Có những lúc bất chợt vô hồn nào đó, tôi bỏ quên mắt mình ở một nơi nào đó. Dù bạn có muốn tin hay không thì cũng mặc, tôi vẫn thầm thì kể lại câu chuyện bất tận của mình, rối rắm tin yêu và bạt ngàn nghi hoặc. Phải, tôi đã từng quên mắt quên môi, quên tai và quên chân, thậm chí quên tim quên óc ở một nơi nào đó...
Vào một ngày mùa thu rất đẹp, đẹp một cách ảm đạm, tôi bỏ quên đôi mắt mình trên cỏ, như một cậu học trò mải chơi bỏ quên cặp kính cận ngay trên ghế đá sân trường. Tôi về nhà mà không có mắt. Không có mắt nhưng tôi vẫn ăn vẫn ngủ bình thường. Ai mà chẳng thế, trong ngôi nhà quen thuộc đến nhàm chán, cần gì phải có mắt, bạn vẫn biết thức ăn để ở đâu và giường đặt ở đâu rồi. Ăn xong thì làm một số việc, làm xong thì ngủ, ngủ dậy đi đâu đó như đi làm hoặc đi chơi, về lại ăn, lại ngủ.
Chỉ có đôi mắt nằm lại trên thảm cỏ. Chúng nhìn chung quanh như lần đầu mở mắt. Thì ra những chiếc lá không chỉ là những phiến mỏng nhiều màu sắc, chúng còn biết đong đưa mời gọi, biết chuyện trò và âu yếm nhau nữa...
Không bị sai khiến bởi bộ não cứng nhắc đầy khiếm khuyết vì nhồi nhét quá nhiều thứ không cần thiết, mắt hình như sáng hơn, và nhìn thấy nhiều thứ đáng nhìn, đáng yêu hơn!
Rồi một ngày nào đó, tôi lơ đãng bỏ quên tai mình ngoài đầu suối Kroa. Tôi về nhà mà không có tai, không có tai mà vẫn sống, và dĩ nhiên vẫn ăn và ngủ bình thường. Những công việc lặp đi lặp lại hàng tháng, hàng năm, những âm thanh lặp đi lặp lại hàng tháng, hàng năm, cần gì phải nghe mới hiểu?
Chỉ có đôi tai nằm lại đầu nguồn con nước, nghe lũ cá lòng tong hát bài gì đó chộn rộn tươi vui, nghe bọn cua thổi kèn đám ma vui vẻ tiễn đưa bạn mình về dưới bùn đen hóa kiếp...
Không bị sai khiến bởi bộ não già nua và lẩm cẩm, tai hình như thính hơn, nghe được nhiều chuyện vui hơn.
Không tin, bạn hãy thử xem?
Quên mắt quên tai, nghe có vẻ hoang đường nhưng cũng chưa thấm vào đâu nếu bạn để quên trái tim mình ở một nơi hoang vắng xa lạ nào đó! Quên tim thì làm sao mà sống? Bạn sẽ hỏi thế, phải không? Thì chung quanh bạn đấy, có lũ lượt người, đường hoàng, chững chạc, lịch lãm, múp míp, vân vân, họ vẫn sống bình thường, mà có tim đâu? Nếu có tim sao họ giết đồng loại, mổ bụng, chặt khúc nhét vào bao tải, vào nhà cầu, hoặc vứt xuống sông, hoặc đốt xác phi tang, mà không day dứt hay ăn năn đau đớn?
Vậy nên, có một bữa vô tình, tôi về nhà với lồng ngực trống không, còn trái tim thì bỏ quên trên đỉnh núi Chư Mang vời vợi.
Không có tim thì có sao không? Không sao hết, vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn đi tới đi lui, như thường ngày vẫn vậy. Chỉ có trái tim, trên núi cao, thổn thức một mình với nhịp đập cô đơn khắc khoải mong chờ...
Không còn bị đóng khung vào một vị trí cố định, tim mình có vẻ đập dịu nhẹ hơn, thầm thì đếm những mùa lá bay, những mùa trứng rụng...
Rồi một ngày mây trời lãng đãng thiên di, tôi bỏ quên nốt óc mình trên tán cây bằng lăng cổ thụ ngoài bãi vắng...
Bây giờ thì sự việc đã vượt ra khỏi giới hạn chật chội của trí tưởng tượng phải không? Không có óc, làm sao mà sống? Thế mà tôi vẫn sống, nhờ vào sự mặc định của số phận và sự định hướng tài tình của thiết chế xã hội! Hoàn toàn không cần phải tư duy, bạn vẫn biết xã hội đang vận hành theo một quy luật biện chứng khách quan, từ bóng tối ra ánh sáng, từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui, đúng không?
Vì vậy, đừng nghĩ là đó hoang tưởng. Không có óc, bạn vẫn sống, vẫn đi tới, vẫn sánh vai với mọi người mà không hề có cảm giác thua kém, xấu hổ...
Rồi trong một lần say, tôi trở về nhà, bỏ quên đôi chân ở đâu đó trên đường. Buồn cười, không có chân vẫn về đến nhà, bằng cách nào đó chỉ người say, thật say mới hiểu! Mà không có chân thì vẫn thế, nào có hề gì. Chúng ta đang sống, nghĩa là đang tiến dần đến cái chết. Bạn hãy hình dung những con sóng ngoài biển khơi, sóng sau đẩy sóng trước, muốn đứng im cũng không được đâu. Không cần phải có đôi chân, hãy cứ ngồi im một chỗ đi, làn sóng người sẽ đẩy tôi đi, đẩy bạn đi, để còn lấy chỗ cho người kế tiếp.
Chỉ thương đôi chân, không còn được định hướng bởi những những suy nghĩ mang tính áp đặt, bây giờ thập thững, lang thang như bước cô hồn tháng Bảy, gặp ai cũng ngơ ngác trông theo…
Giờ thì, như một thói quen khó bỏ của người nghiện, tôi thường bỏ quên tôi ở một nơi hoang vắng nào đó mà không còn bận tâm hay sợ hãi. Có ai phát hiện ra sự khiếm khuyết chết người ở tôi không? Không ai cả! Tất cả mọi người đều đã nằm trọn trong một guồng máy cố định cực kỳ tinh xảo, không ai còn thời gian để ngắm nhìn người bên cạnh. Chỉ có những hình ảnh, âm thanh, con đường, nếp nghĩ và nếp sống là vẫn quen thuộc như xưa. Người ta định nghĩa đó là cuộc sống. Còn tôi, tôi nghĩ ngược lại, đó là cái chết! Vậy nên, để chết một cách đường hoàng, để khi nằm vào quan tài được nguyên vẹn đầy đủ tay chân mắt tai và tim óc của mình, tôi phải đi tìm những thứ từ lâu mình đã bỏ quên đâu đó.
Ngày mai tôi đi thật đấy, ai đi cùng tôi không?
N.V.T
(SDB19/12-15)
ĐỨC BAN
1.
Năm ấy ông Giám đốc Sở quyết định cử tôi lên rừng Vụ Quang tìm kiếm di vật liên quan đến bản chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.
NGUYỄN LỘC THÁI HÒA
Người thợ sửa xe đạp chậm rãi để tờ báo đang đọc qua một bên, ngước nhìn khi tôi dừng xe bước xuống.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Hôm ấy là một hôm trời đặc biệt mù sương, khói sương như những tảng bông tan loãng và ẩm ướt, rây rây bụi trong không gian.
NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
Trời vừa nhập nhoạng tối thì nhiều dãy bóng đèn phía ruộng cúc đã đồng loạt sáng bừng lên. Trông chúng tươi vui như những đốm pháo hoa bung nở trăm ngàn tia lửa màu rực rỡ trong sương chiều.
MẪU ĐƠN
1.
Điệp vàng kìa anh. Tôi đã nói điều này mỗi khi đi qua con đường ấy. Đó là điệp sao. Tôi cứ tưởng chỉ với mùa hè thôi.
ĐỖ TIẾN THỤY
Nàng là Y Than, mang cái đẹp ban sơ của bông hoa hoang dại. Bông hoa ấy đến hồi hé cánh tỏa hương thì bướm rừng dập dìu vây bủa.
NGUYỄN LUÂN
Trời mưa như thác đổ, từng dòng nước đỏ ngầu tràn từ trên vàn núi dội ào ào xuống đường lớn. Thén xắn quần lên quá gối, cứ nhằm lối cũ trong trí nhớ mà sục chân bước đi.
NHỤY NGUYÊN
Giá anh bay qua được bên đó…”. Miên đọc dòng tin của anh rồi tắt máy. Miên cứ ngồi như vậy nhìn mặt trời xuống dần và quầng mây rực lên ở nóc ngôi chùa.
CÁT LÂM
Tôi mười ba năm 196X. Tôi sinh ra đã không gần thành phố rất may có chuyến tàu muộn vắt ngang. Chuyến tàu muộn không bao giờ đỗ lại. Xe máy về làng phải vượt dốc khó khăn.
TRƯƠNG QUỐC TOÀN
Nhiều khi Hoàng Trang ghét giọng hát của chính mình. Không phải vì quá tệ, giọng ca trong trẻo của cô cất lên luôn chạm vào trái tim khán giả, chuẩn xác nhịp phách.
TRẦN QUANG KHANH
Bóng núi đổ dài xuống bãi cát cũng là lúc mấy ngư phủ trong làng chài kéo nhau ra thuyền, chuẩn bị cho cuộc hành trình của một đêm sâu mưu sinh trên biển. Bóng nắng hẫng dần lên các chỏm cao của ghềnh đá. Hắn uể oải bước ra sát mép sóng, tìm sự khuây khỏa với đám bụi nước, dư phần của những con sóng vồ vập vỗ vào ghềnh.
BẢO THƯƠNG
Mày ra giữ cho bố một đầu. Lão Thất đang cúi xuống ghìm sợi dây thừng qua gạc xe, ngó lên bảo Kiền. Kiền vùng vằng ậm ờ rồi cũng đứng dậy.
VŨ THANH LỊCH
Trời nhá nhem, cô Trinh ngồi nhập tịnh, thấy ngực nhói như gai châm, ngoái nhìn qua khe cửa, nhận ra chị Cần.
HOÀNG THÁI SƠN
Một buổi trưa hè oi ả, tôi đi đến đầu làng Cao Bình, nhác thấy bóng một cây đa tán lá sum suê, mát rượi, bèn chạy quàng vào để tránh nắng.
NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
1.
Khu vườn rộng bốn mùa rợp bóng lá khiến ngôi nhà cổ như lọt thỏm sâu hơn vào giữa. Những ngày mưa càng âm u và buồn bã hơn.
PHẠM GIAI QUỲNH
Nhân viên soát vé mời mi lên tàu với nụ cười đông cứng, một nụ cười được lập trình qua công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, tuồng như bất động và đanh rắn.
NGÔ ĐÌNH HẢI
Hắn làm bảo vệ đêm. Sáu giờ chiều tới bệnh viện nhận ca trực. Bệnh viện thuộc hạng sang nhất thành phố. Bệnh nhân ở đây toàn là những kẻ có tiền.
PHẠM THỊ ANH NGA
Sao em vẫn chưa tin là chúng mình đã thực sự yêu nhau?
ĐÀO QUỐC MINH
Gốc mai trắng đã hơn trăm tuổi. Đó là nhất chi mai, còn gọi bạch mai, hàn mai, nhị độ mai.
NGUYỄN ĐẠI DUẪN
Đã cuối tháng Chạp mà nắng còn như đổ lửa. Nắng mùa khô ở Lào thật khó chịu, lúc thì nóng nực, lúc thì lất phất mấy ngọn gió khô khốc.