NGUYỄN VĂN NHẬT THÀNH
Đồng hành cùng cuộc chuyển mình lớn lao của đất nước, văn học Việt Nam sau 1975 chứng kiến cuộc vật lộn âm thầm nhưng quyết liệt của bao văn nghệ sĩ trên hành trình tìm kiếm “sinh lộ” mới cho văn chương Việt.
Có người cho đây là cuộc nhận đường - “một cuộc nhận đường có lẽ còn phức tạp hơn cuộc nhận đường lần thứ nhất và lần thứ hai đã diễn ra trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những năm sau hòa bình ở Miền Bắc”[1]. Bởi ở đó, người cầm bút không chỉ đối mặt với “ngồn ngộn” những chất liệu nghệ thuật mới đang ùa vào trang văn, phá vỡ hệ hình thi pháp cũ mà còn vượt thoát khỏi chính mình để tìm kiếm những nẻo đường mới cho văn chương. Vì vậy, mỗi nhà văn không ngừng tìm kiếm, khai phá và sáng tạo. Họ không chỉ nhạy cảm với cái mới mà đôi khi phải chấp nhận cả sự cô đơn trên hành trình nghệ thuật của chính mình mà Nguyễn Khắc Phê có thể xem là một trong những trường hợp tiêu biểu.
Tuy không phải là người “mở đường tinh anh” như Nguyễn Minh Châu cũng không phải là tài năng được nhìn nhận một cách đồng thuận trong các đánh giá phê bình, nhưng “luồng gió mới” mà Nguyễn Khắc Phê mang đến cho dòng chảy văn học là đáng trân trọng, làm nên một “văn hiệu” cho Huế nói riêng và văn học cả nước nói chung.
Với quan niệm “tiểu thuyết còn phải dựng nên một thế giới nghệ thuật, thế giới hiện thực, thế giới tâm hồn và cả hồn cốt một vùng quê…”[5], Nguyễn Khắc Phê đã không ngừng tìm kiếm, khám phá con đường sáng tạo văn chương cho riêng mình.
1. Quan niệm về vai trò của nhà văn
Văn học nghệ thuật là một hình thái hoạt động tư tưởng. “Bao giờ và ở chỗ nào cũng thế, nhà văn cần phải có tự do mới có thể sáng tạo được những công trình bất hủ. Gạch ra một con đường buộc họ phải theo là một sự điên rồ” [10]. Thật đáng tiếc là cả một giai đoạn mấy thập kỷ trước thời kỳ đổi mới, có thể vì điều kiện lịch sử và hạn chế này nọ, chúng ta đã buộc phải theo (hoặc tự giác đi theo) “một con đường” mà người ta đã vạch sẵn! Vì vậy, cái gọi là đổi mới trong 20 năm qua, thực chất là để văn nghệ sĩ - những chủ thể sáng tạo - được thực thi chức năng (nhiều khi như là “thiên chức”) đúng với đặc thù của nghề nghiệp. (Trước đây có người nói: “Đổi mới thực chất là quay về cái cũ”; thiết nghĩ, nói vậy không chính xác). Vì quan niệm trong văn chương, chủ yếu là hay và dở chứ không phải là mới và cũ. Truyện Kiều, Chí Phèo, Số Đỏ… đều là “cũ” mà hay.
Theo Nguyễn Khắc Phê: “Trước khi cầm bút phải học làm người”. Bây giờ hình như có không ít người, nhất là bạn trẻ, không muốn khoác cho nghề văn những “sứ mệnh” này nọ, thậm chí có người cho nghề văn như là một trò chơi. Khi mới cầm bút, ít người nghĩ nghề văn đem lại điều gì mà chỉ muốn được bày tỏ ý kiến, giãi bày tâm sự trước những cảnh đời xung quanh. Sau nửa thế kỷ cầm bút, kể từ bài ký đầu tiên đăng trên báo Văn học năm 1959, với Nguyễn Khắc Phê, suy cho cùng thì điều thích thú nhất đối với người viết văn vẫn là: “Được tự do miêu tả, bộc lộ, chia sẻ những suy nghĩ của mình trước cuộc đời với bạn đọc bằng những trang viết không bao giờ giống nhau, được quyền “bày vẽ” ra mọi thứ, từ gió bão đến hạn hán, từ vĩ nhân đến quái vật, đến cả sự sống chết… với mong muốn cuộc sống của mọi người ngày một tốt đẹp hơn, nhân ái hơn” [11].
So với những người, do sự phân công của xã hội, phải làm những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, thậm chí là hàng phút, thì được làm nghề văn quả là diễm phúc. Còn danh tiếng và tiền bạc - là con người, mấy ai không màng đến, nhưng văn chương xưa nay vẫn “rẻ như bèo”.
Nguyễn Khắc Phê như một gã lực điền vất vả, hì hụi trên cánh đồng văn chương của mình. Ông là gã lực điền biết quý giọt mồ hôi. Trong chuyện văn chương, thiên tài là của hiếm, là thứ trời cho, nên muốn được công chúng đón nhận thì trước hết hãy ngồi vào bàn viết và đổ mồ hôi sôi nước mắt. Trong chiến tranh chống Mỹ, ông đã nhiều lần suýt chết trên những trọng điểm đánh phá ở Trường Sơn và vùng đất lửa Quảng Bình để có được những tác phẩm. Ông quan niệm rằng: “Những tác phẩm văn xuôi gần đây miêu tả con người phong phú, đa dạng, phức tạp và đôi lúc như là khó hiểu nữa, cũng là lẽ tự nhiên. Những tác phẩm ấy được chú ý - ngoài giá trị tự thân của chúng - còn vì bạn đọc đã ngán loại sách miêu tả con người đơn giản, một chiều như là theo khuôn mẫu có sẵn”[7].
Suốt 15 năm sống trong ngành giao thông vận tải, Nguyễn Khắc Phê luôn được ở những nơi có thể gọi là tiền tiến, là mũi nhọn của cuộc sống: những công trường áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới đầu tiên ở miền Bắc, rồi một tuyến đường chiến lược nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới. Cuộc sống ấy chẳng những đã rèn cách sống cần phải có của một người cầm bút chân chính mà còn cho ông một cái vốn quý vô giá đối với người sáng tác. Một vài trang viết của ông phần nào có được sức hấp dẫn bạn đọc chủ yếu nhờ ở cái vốn ấy, nhờ được là người trong cuộc, chứ ông tự thấy mình không có mấy khả năng sáng tạo. Ông cũng không quan niệm: “Muốn tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm thì phải cố tìm cho được hình thức tân kỳ, độc đáo, cố tạo cho được một câu chuyện ly kỳ hay một chuyện tình nhiều bi lụy, éo le và rắc rối” [6, tr. 58-61].
Trong văn chương, sức hấp dẫn chân chính và lâu bền của tác phẩm phải được tạo ra bằng nhiều yếu tố, bằng một sự cố gắng đồng bộ; trong đó có thể kể đến: tính khái quát, tính thời sự của vấn đề đặt ra trong tác phẩm và phải có những nhân vật, những chi tiết sinh động thể hiện được vấn đề ấy; tất nhiên cũng cần phải biết xây dựng một cốt chuyện có sức lôi cuốn người đọc. Nguyễn Khắc Phê là người trong cuộc, lại được ở mũi nhọn - nơi hội tụ của cuộc sống ấy, ta dễ bắt mạch trúng dòng chính của cuộc đời, dễ tìm thấy những vấn đề có sức khái quát, được nhiều người quan tâm. Cũng chính ở những “điểm hội tụ” ấy, ta dễ tìm thấy những con người, những chi tiết sinh động tạo nên máu thịt cho tác phẩm. Có được những chi tiết ấy thì ta có thể tạo nên sức hấp dẫn, gợi những cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp cho bạn đọc ngay cả trong những trang viết miêu tả lao động sản xuất - những trang viết mà hình như không ít người đọc có ấn tượng là khô khan và không ít người viết né tránh; nhưng theo tôi đó lại là những trang viết rất quan trọng, vì chính trong sản xuất, trong lao động sáng tạo, con người thể hiện rõ nhất những tính cách, những phẩm chất chủ yếu.
Nhưng một nhà văn được bạn đọc nhớ đến trước hết “nhờ có cách thể hiện cuộc sống với bút pháp riêng, xây dựng được một thế giới nghệ thuật độc đáo giàu sức truyền cảm và gợi nghĩ đến những vấn đề sâu xa về lẽ sống ở đời, chứ không phải là viết về đề tài “nóng” hay “lạnh”, “lớn” hay “nhỏ” [8, tr. 22-24]. Hay “Người viết cần có sự hiểu biết thật sâu sắc hiện thực mình miêu tả để lựa chọn những gì có ý nghĩa, có tính điển hình, gắn với vấn đề mình đặt ra trong tác phẩm và đạt được mục đích giúp cho cái mới luôn nảy nở và con người mới phát triển không ngừng… Người cầm bút có trách nhiệm, hiểu biết nghề nghiệp và chức năng của văn nghệ không thể tùy tiện tung mọi thứ tiêu cực vào tác phẩm chỉ để hả cơn bực giận của mình” [9].
Khi xã hội đang khẩn trương đi vào quá trình chuyên môn hóa, và mặt khác, sự hợp tác hóa cũng càng mở rộng; khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang tác động sâu sắc đến nhiều phạm vi sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội, thì đòi hỏi hiểu biết, thâm nhập vào nhiều môi trường, nhiều ngành nghề, nhiều lớp người khác nhau càng đặt ra gay gắt đối với nhà văn. Mỗi người viết cần có ý thức và biết cách mở rộng, và nhân gấp lên các khả năng vốn có giới hạn ở mình, bằng chính kinh nghiệm và sự tích lũy của nhiều người. Muốn vậy, cùng với cái vốn thu được tự nhiên trong các quá trình tiếp xúc, trong môi trường công tác và sinh hoạt, trong các hoạt động xã hội, hẳn người viết không thể một lúc nào ngừng học, đọc, suy nghĩ, để nâng lên tầm của một nhà văn hóa, nhà tư tưởng, vốn đang là một yêu cầu đặt ra và ngày càng khẩn thiết, trước công chúng hôm nay. Và sẽ không còn nỗi vất vả của những chuyện “hóa thân”, hoặc “lột xác” khi việc diễn đạt đời sống chiến đấu, lao động trên các vị trí nghề nghiệp - vốn là chất liệu chính của nền văn học mới chúng ta - ở mỗi người viết như là sự soi gương chính khuôn mặt mình.
2. Quan niệm về công việc sáng tạo và chức năng của tiểu thuyết
Có thể nói, tiên đoán của M.Bakhtin về sức sống mãnh liệt của tiểu thuyết đã được chứng thực bằng sự phát triển mạnh mẽ của tiểu thuyết Việt Nam trong hai mươi năm qua (1986 - 2006). Sự lo ngại về “số phận của tiểu thuyết” đã không còn. Thay vào đó, tiểu thuyết thực sự đã trở thành nhân vật chính trên sân khấu văn học hiện đại. “Với ưu thế của mình, một mặt, tiểu thuyết thâm nhập mạnh mẽ vào các thể loại, mặt khác, du nhập vào nó các thể loại khác để tạo nên cấu trúc nghệ thuật đa tầng. Một trong những thay đổi đáng kể nhất trong nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới là sự đa dạng và linh hoạt về bút pháp nghệ thuật”[4].
Gần đây, trong văn học nghệ thuật, chúng ta nói nhiều đến những giá trị được thẩm định lại và những tìm tòi, đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật. Thực chất của vấn đề là ở chỗ nào? Phải chăng là lâu nay chúng ta đã lầm đường, đã nhận lầm những giá trị giả? Ở Việt Nam, cảm hứng nhận thức lại quá khứ cũng phần nào thể hiện tinh thần nhận chân lại các giá trị đời sống bằng cái nhìn mới mẻ, thể hiện những suy tư của nhà văn về số phận con người trong sự va đập của các biến cố đời sống và các sự kiện lịch sử.
Trong Hội thảo “Văn xuôi trong những năm gần đây - những vấn đề xã hội và sự tìm tòi sáng tạo” tổ chức tại Matxơcơva tháng 4/1987 giữa hai đoàn nhà văn Việt Nam và Liên Xô, Nguyễn Khắc Phê đã phát biểu: “Tôi thiết nghĩ, những ai hoạt động nghệ thuật đều hiểu sự tìm tòi đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật là lẽ sống còn của mình[7]. Vậy mà lại có người, đáng tiếc là có khi họ là người có thế lực, họ e ngại sự tìm tòi đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, vì họ sợ như thế sẽ chệch đường, chệch hướng. Nhưng thử hỏi trong sáng tạo nghệ thuật, ai là người chỉ rõ được con đường duy nhất dẫn đến thành tựu, như con đường tàu hỏa dẫn đến ga? Con đường sáng tạo nghệ thuật mà đơn giản thẳng tắp như đường tàu thì không cần nghệ sĩ, nhà văn nữa.
Mặc dù vậy, về nghệ thuật tiểu thuyết, Nguyễn Khắc Phê không có may mắn được các nhà phê bình xếp vào loại “đổi mới”. Những tác phẩm của Nguyễn Khắc Phê vẫn theo kiểu “truyền thống”, vẫn trung thành với “chủ nghĩa hiện thực”. Có thể là lớp tuổi của ông khó đi tới sự “đổi mới” triệt để, nhưng thực ra tôi quan niệm trong văn chương chủ yếu là “hay” và “dở” chứ không phải “mới” và “cũ”; có nhiều cách để đạt tới cái “hay” - theo dòng “hiện thực” hay dòng “ý thức”, huyền ảo đều có tác phẩm hay, cái này không phủ định cái kia. Áp dụng “cách” nào là tùy “tạng” của mỗi nhà văn, tùy nội dung tác phẩm đòi một cách thể hiện, một hình thức thích hợp với nó. Do đó, nếu chỉ một mặt đề cao những cuốn sách tân kỳ, mới lạ về hình thức, thậm chí viết như đánh đố người đọc thì cho là phiến diện, có hại cho nền văn học. Cũng chính vì thế, trong văn chương, cách gọi “chủ nghĩa” này hay “chủ nghĩa” khác đều không ổn, thậm chí có hại vì vô hình trung như thế là cách buộc nhà văn theo “một con đường” vạch sẵn mà từ hơn nửa thế kỷ trước, Hải Triều đã lên án. Bản thân Nguyễn Khắc Phê nếu phải “kiểm điểm” lại những tác phẩm đã công bố thì điều đáng nói trước hết là đã quá tự ràng buộc vào “chủ nghĩa hiện thực” này nọ, do ít có điều kiện tiếp xúc, học hỏi những thành tựu văn nghệ thế giới; từ đó, nhược điểm dễ thấy là trên trang sách nặng về tái hiện cuộc sống thực tế mà thiếu chất bay bổng của tưởng tượng và sáng tạo.
Mặt khác, cần phải thấy thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Văn học không hoàn toàn phải “chạy theo” nhịp độ đó, nhưng nói gì thì nói, tác phẩm viết ra là nhằm tới người đọc, thử hỏi hôm nay mấy ai còn đủ kiên nhẫn đọc những bộ tiểu thuyết dày cộp như Chiến tranh hoà bình hay Sông Đông êm đềm? Do đó, độ cô đọng, tinh lọc và chiều sâu tư tưởng hẳn cũng là “tiêu chí” của những ai muốn đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết.
Nguyễn Khắc Phê đề cập đến một vấn đề khá thời sự. Trước xu thế hội nhập với thế giới không thể đảo ngược, vấn đề đặt ra hẳn không chỉ là “độ dày” của các bộ tiểu thuyết. Hội nhập với thế giới, chúng ta “ngộ” ra mình đã chậm bước quá nhiều nhưng đồng thời nhiều mặt của cuộc sống, nhiều chuẩn mực giá trị bị đảo lộn. Trong văn học, các tiểu thuyết của Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện (Trung Quốc), Mật mã Da Vinci… được dịch kịp thời, gợi cho giới sáng tác nhiều điều bổ ích. Trong bài “Thế giới nghệ thuật của Mạc Ngôn qua hai tiểu thuyết Báu vật của đời và Đàn hương hình” Nguyễn Khắc Phê đã viết: “…Có lẽ “phép lạ” chủ yếu của Mạc Ngôn chính là biết “bày đặt” ra những chuyện kỳ lạ ít người biết trên một cái khung, cái nền không xa lạ. Theo cách “nói chữ” thì đó là phép “lạ hóa”, “huyền thoại hóa” hiện thực. Nó là “nội dung” mà cũng là “hình thức” tác phẩm; nói cách khác, đó là “thế giới nghệ thuật” của tác giả[3].
Nguyễn Khắc Phê bắt đầu chủ yếu với tiểu thuyết cũng vì được sống “giữa một hiện thực lớn lao”. Trong tiểu thuyết, ông quan niệm tình huống được xem là vấn đề xương sống tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm nó bao gồm: sự việc, không gian, thời gian và thái độ của con người,… từng ấy yếu tố đúng là tạo nên “xương sống” của tiểu thuyết nhưng “sức hấp dẫn” là kết quả của rất nhiều yếu tố, trong đó có trình độ, tâm thế và “tạng” của người đọc. Với cùng một thể loại, người này thấy hấp dẫn, nhưng với người khác, có thể ngược lại. Loại tình huống như thế “tìm” ở đâu? Nói cho cùng thì mọi thứ hiện ra trên trang viết đều từ bộ óc, trái tim nhà văn mà ra. Có điều, phải từng trải, trong đầu phải có một “kho” tư liệu, cảnh huống của đời sống thì mới có thể “hư cấu” nên “tình huống” của tiểu thuyết đặc sắc. Nguyễn Khắc Phê thuộc loại tác giả chú trọng đến “tình huống” của tiểu thuyết và nó thường khởi phát từ một tình tiết đặc sắc có thật trong cuộc sống. Tất nhiên, nếu thích hợp với kiểu viết tiểu thuyết không có cốt truyện (nhiều trường hợp gần như là tùy bút) thì “tình huống” không còn là “xương sống” của tiểu thuyết; hoặc nói cách khác, khi đó “tình huống” của tiểu thuyết chính là “không khí” của tiểu thuyết. Loại tiểu thuyết này, tác giả phải thực sự có tài, ngôn ngữ điêu luyện, mới có thể tạo nên được “trường hấp dẫn” có sức khiến người đọc xúc cảm.
Trong bài viết “Lý luận về tiểu thuyết đi quá chậm so với sáng tác trên trang Văn chương Việt và Thử bàn về lý luận tiểu thuyết hiện nay”, Nguyễn Hiếu đã có nhận định nổi bật về phương diện xây dựng lý luận thể loại tiểu thuyết: “Giá trị về lý luận thể loại tiểu thuyết đã được tóm tắt trong những luận điểm cơ bản về đặc trưng thể loại, về nhân vật, về cốt truyện, về kết cấu, về ngôn ngữ tiểu thuyết” [2, tr. 43-44]. Ở Nguyễn Khắc Phê lại cho rằng: “Tiểu thuyết được hiểu là thể loại tự sự dài hơi, có khả năng phản ánh - tái hiện những bức tranh hiện thực lớn, xây dựng được những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, thể hiện được đời sống xã hội trong chiều hướng phát triển... Con người trong tiểu thuyết thường được thể hiện như là những siêu nhân. Và ngôn ngữ tiểu thuyết cũng không thể hàm chứa nhiều giọng điệu mang tính đối thoại”[7].
Bao giờ cũng vậy, những quan niệm về thể loại không chỉ có ý nghĩa đối với nhà văn mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với nhà nghiên cứu phê bình và cả bạn đọc khi tiếp cận thể loại. Những quan niệm về tiểu thuyết hiện nay sẽ định hướng cho nhà văn trong sáng tác và góp phần vào quá trình phát triển, đổi mới thể loại tiểu thuyết. Tuy nhiên, thực tế sáng tác cho thấy có sự nhất quán và không nhất quán (từ quan niệm đến sáng tác) ở một số nhà văn. Có những nhà văn rất “trung thành” với quan niệm của mình và đã có đóng góp tích cực vào con đường đổi mới tiểu thuyết (Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Chu Lai, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh…). Có những nhà văn rất quan tâm đến tiểu thuyết, có nhiều ý kiến sắc sảo thể hiện quan niệm mới mẻ về tiểu thuyết nhưng thực tế, lại không sáng tác tiểu thuyết hoặc chưa có sáng tác đánh dấu sự đổi mới đó (Nguyên Ngọc, Bùi Hiển, Nguyễn Kiên, Xuân Thiều…). Có trường hợp nhà văn có quan niệm rất mới về tiểu thuyết nhưng lại chọn truyện ngắn làm “đất dụng võ” nên không có đóng góp cho thể loại này: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu (giai đoạn đổi mới, ông chỉ viết một tiểu thuyết: Mảnh đất tình yêu (1988). Như vậy, từ quan niệm đến thực tiễn sáng tác vẫn còn một khoảng cách khá xa. Và việc không nhất quán giữa quan niệm và sáng tác cũng là điều bình thường. Ngay Stendhal - một tiểu thuyết gia nổi tiếng thế giới, một trong những bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực - cũng có những sáng tác không “tuân thủ” quan niệm văn học phản ánh hiện thực đời sống của chủ nghĩa hiện thực (tiểu thuyết Đỏ và Đen là một trường hợp tiêu biểu).
Đổi mới tư duy nghệ thuật và quan niệm thể loại là một trong những điều kiện quan trọng để đổi mới văn học. Tuy nhiên, để được xem là nhà văn của đổi mới, có những đóng góp cho lịch sử văn học nước nhà, các tác giả cần hội đủ nhiều yếu tố: trình độ nhận thức - lý luận, tài năng thiên bẩm, “nhiệt hứng”, độ nhạy cảm cao trước cái mới, điều kiện sống và sáng tác... Thực ra, với một thể loại “xương sống” như tiểu thuyết, nhất là lại đang tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh đời sống phức tạp và có những đổi thay đáng kinh ngạc như hiện nay, chúng ta không thể chỉ gói gọn trong một số ít ỏi những quan niệm về chức năng và sự sáng tạo trong tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phê nói riêng và của các tác giả khác nói chung mà lại xem là phù hợp với quy luật của cuộc sống. Vì bản thân xã hội bây giờ tự nó đã “đa âm”, bản thân con người thời đại này đã “đa diện” và cả “đa năng”, làm sao tiểu thuyết có thể đơn âm, có thể chịu khép mình vào một khuôn hình cũ kĩ?
N.V.N.T
(SH310/12-14)
...............................................
[1] Nguyễn Thị Bình (2007), Văn xuôi Việt Nam 1975 - 1995 những đổi mới cơ bản, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[2] Nguyễn Hiếu (2010), “Lý luận về tiểu thuyết đi quá chậm so với sáng tác trên trang văn chương Việt và thử bàn về lý luận tiểu thuyết hiện nay”, báo Quân đội Nhân dân cuối tuần, số 7, tr.43-44.
[3] Đỗ Hoàng (2006), “Trò chuyện với nhà văn “con quan” tại Cố đô Huế, Tạp chí Nhà văn, số 8, tr.19-20.
[4] Mai Hải Oanh (2007), “Sự đa dạng về bút pháp nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới”, http://phongdiep.net.
[5] Nguyễn Khắc Phê (2010), “Từ tiểu thuyết bộ ba đến tính chất tự truyện của Biết đâu địa ngục thiên đường”, http://tapchisonghuong.com.vn, ngày 28/01/2011.
[6] Nguyễn Khắc Phê (1981), “Trích bài phát biểu trong buổi lễ trao giải thưởng Sáng tác văn học đề tài công nhân” do Tổng công đoàn và Hội Nhà văn tổ chức, báo Văn nghệ, số 38, tr.58-61.
[7] Nguyễn Khắc Phê (1987), “Hội thảo Văn xuôi trong những năm gần đây - Những vấn đề xã hội và sự tìm tòi sáng tạo”, Tổ chức tại Matxơcơva giữa hai đoàn Việt Nam và Liên Xô.
[8] Nguyễn Khắc Phê (2005), “Đã đến lúc cần một cách nhìn toàn diện, tôn trọng sự thật”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 5, tr.22-24.
[9] Nguyễn Khắc Phê (2010), “Tác dụng tích cực của cái tiêu cực trong tác phẩm văn nghệ”, http:// tapchisonghuong.com.vn, ngày 06/08/2010.
[10] Nguyễn Khắc Phê (2006), Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
[11] PY (2009), “Nhà văn Nguyễn Khắc Phê - đã mang lấy nghiệp vào thân…”, http://cinet.gov.vn, ngày 12/06/2009.
[12] Nguyễn Văn Nhật Thành (2011), Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Khắc Phê, Luận văn Thạc sĩ KHXH-NV, Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.
Ký ức về những tháng ngày mải miết hành quân trên đất Campuchia, những phút giây nén lòng nhớ về quê hương, gia đình… vẫn chưa bao giờ nhạt phai trong tâm thức những người cựu chiến binh Đoàn 367 đặc công-biệt động trong kháng chiến chống Mỹ năm xưa.
LÊ VIỄN PHƯƠNG
(Nhân đọc Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng của Nguyễn Đăng Điệp, Nxb. Văn học, 2014)
Cuốn Minh triết Việt trong văn minh Đông phương của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhằm mục đích góp phần làm sáng tỏ cội nguồn văn hiến của dân tộc Việt qua sự phân tích những di sản văn hóa truyền thống bằng các phương pháp mang tính khoa học.
17 chân dung các nhà học thuật Việt Nam thế kỷ 19 và 20 qua các tiểu luận nghiên cứu ẩn dưới dạng thức tùy bút của Đỗ Lai Thúy đủ sức vẫy vào nhận thức người đọc hôm nay những vỡ lẽ mới.
Giáo sư hy vọng độc giả cũng cảm thấy như mình khi đọc "Lòng người mênh mang" bởi các trang viết chứa đựng những sự thật không thể chối cãi.
Tác giả Phạm Xuân Hiếu sử dụng vốn sống, kiến thức về văn hóa, cổ vật khi viết những truyện ngắn trong sách "Cây đèn gia bảo".
LÊ HUỲNH LÂM
Có một bạn trẻ hỏi rằng: làm thế nào để viết thật hay? Tôi nói như phản xạ, trước hết tác giả phải có đời sống văn chương.
NGỌC THANH
Có một nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng đầy nhân cách đi ra từ Huế song rất ít người ở Huế biết tới, đó là Trần Hoài Quang - nguyên Trung đoàn phó và chính trị viên Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật (E95), nguyên Phó ban Tuyên huấn Thừa Thiên, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên… Ông hiện có một người con trai đang ở Huế.
“Như vậy đó, hiện đại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở, giàu có và khó nghèo chen lẫn, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện lên trước mắt ta, ngồn ngộn sức sống”. Nhà báo, nhà văn Phan Quang đã thốt lên như vậy cách đây gần 40 năm, khi ông lần đầu đặt chân đến vùng đồng bằng châu thổ. Những điều ông viết về ĐBSCL ngày ấy - bây giờ còn tươi mới tính thời sự, lan tỏa và trường tồn với thời gian.
ĐẶNG HUY GIANG
Thói quen, nói cho cùng, là sản phẩm của quá khứ, là những gì lặp đi lặp lại, không dễ từ bỏ.
Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi...
BÍCH THU
(Đọc Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức, Nxb Văn học, 2007)
Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức là cuốn sách tập hợp những ghi chép và nghiên cứu về nhà văn Tô Hoài, một tác gia lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Đây là cuốn sách đầu tiên kết hợp hai phương diện ghi chép và nghiên cứu, góp một cách tiếp cận đa chiều và cập nhật về con người và sự nghiệp của nhà văn.
Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.
Phát hành tập thơ "Khi chúng ta già" sau scandal với Phạm Hồng Phước, tác giả Nguyễn Thị Việt Hà khẳng định thơ mình không cần ăn theo sự kiện gì.
Tác giả Tử Đinh Hương thực hiện bộ sách "Biểu tượng" với mong muốn khám phá, lưu giữ và khuyến khích trẻ nhỏ quan tâm hơn đến thế giới xung quanh.
Sách được các sư cô Thiền viện Viên Chiếu lược dịch, biên soạn từ nhiều nguồn tư liệu, chủ yếu là tư liệu chữ Hán, tiếng Anh, giúp người đọc hiểu thêm con đường tu tập của pháp sư Huyền Trang.
Soạn tâm thế an nhiên khi bước vào tuổi già, nhẹ nhàng đón đợi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống... là điều mà trang viết của vị bác sĩ mê văn thơ đem đến cho độc giả.
Phó giáo sư Đỗ Lai Thúy thông qua cuốn sách "Vẫy vào vô tận" đã giới thiệu 17 chân dung các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu có đóng góp cho con đường học thuật và tư tưởng của đất nước.
BỬU NAM
Nguyễn Quang Lập - Trần Thùy Mai - Ngô Minh - Phạm Tấn Hầu - Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thị Duyên(*)
NGUYỄN DUY TỪ
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh (1894), 60 năm ngày mất (1954) của nhà văn Ngô Tất Tố