Ô Lâu và Hoàng Hạc

14:54 23/10/2020

HẠO NGUYÊN   

“Đành để hồn theo nước trôi không màu”
                              - Lời nhạc Phạm Duy 

Minh họa: Tô Trần Bích Thúy

1.

Thi thoảng, sau những “cơn địa chấn trong diễn trình đến cái chết” của tôi (trong ngoặc kép là chữ của Y), chúng tôi lại về nhà một người bà con của Y ở làng Phước Tích, Phong Điền.

- Để mày bớt ngu người.

Lần nào Y cũng nói vậy.

Và lần nào tôi cũng câm lặng.

Có những loài thú bị thương không bao giờ kêu than. Chúng lê thân về tổ, tự chữa lành hoặc nằm chờ thối rữa.

Còn tôi?

- Để tiếp tục bị thương, con trai ạ.

Y chế giễu ánh mắt Hamlet của tôi.

2.

Từ thành phố về làng gần bốn chục cây số, hai thằng cà nhong đạp xe mất hơn nửa buổi.

Huế, thời đó, với riêng tôi, là một mê cung sầu bi với những đường, những ngách dẫn vào mộng mị tăm tối. Những lăng tẩm, những đền đài, những nẻo đi về vắng lặng trong khuya, tiếng rao đêm hư vô mời mọc… là những điểm xuyết lấp lánh trên tấm áo huyễn ảo của tuổi làm quen cái chết.

Phước Tích là một cõi khác. Trong trẻo. Giòn tan. Nhưng không hề tỉnh thức như lẽ ra phải thế.

Ở đó, có những câu chuyện suốt đời tôi không thể kể ra bằng lời.

3.

Cũng như bao nhà khác trong làng, nhà bác của Y bao bọc xung quanh bởi hàng chè tàu xanh. Nhà gỗ ba gian lọt thỏm trong khu vườn rộng. Những hàng cau đêm ngày ngân nga giai điệu kì bí.

Bác trai đã mất.

Bác gái ngoài sáu mươi, hằng ngày gánh cơm hến đi bán các làng bên.

Chị Hạc, tên lót là Hoàng, giáo viên một trường tiểu học ở huyện. Chị Hạc, với đôi mắt không có hình dung từ nào khả dĩ để hình dung.

Bé Phượng đang học cấp hai.

Về đó, hai thằng như lạc đà sa mạc về trong ốc đảo.

Im lặng. Thở dài.

4.

Có chiều, tôi theo hai chị em ra bến Lò giặt giũ. Dòng Ô Lâu trôi trong ánh tím, bên tê là làng Hội Kỳ. Một con đò vắng phía kia bờ, gác mái hững hờ dưới rặng tre.

Chị Hạc bảo:

- Z về đây nhiều, ra bến ni nhiều, răng rồi cũng gặp…

Chị Hạc bối rối bỏ lửng câu nói, quay sang bé Phượng:

- Đưa chị lọ xà phòng.

Tôi nhìn hai người, buột miệng:

- Gặp gì?

Chỉ là hỏi vu vơ vậy thôi. Hồn trí tôi còn đang dõi theo con đò gác mái. Thoáng nghe tiếng tiêu vọng ra từ mui thuyền.

- Cái thuyền đó không phải ở làng ni.

Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, bé Phượng lên tiếng:

- Cứ đến gần mùa trăng là lại thấy cái thuyền nớ đến đậu. Lạ cái là không bao giờ thấy chủ đò.

Chị Hạc ngẩng nhìn con đò bên kia, rồi nói một mình:

- Có những cuộc đời chẳng biết đợi chi.

5.

Những đêm ở lại, nếu có trăng, thế nào Y và tôi cũng mang rượu ra cây đa bến Lò để ngồi. Mặc kệ bác gái ngăn cản, hai thằng tôi vẫn cười khì tảng lờ.

- Tụi bây không nghe lời tau, có chuyện chi đừng trách.

Chị Hạc, những lúc như thế, thường ngồi lặng thinh bên trang giáo án, không ủng hộ cũng không phản đối. Chỉ thấy chị dừng bút, nhìn mông lung qua khung cửa sổ. Ngoài kia là đêm. Chị nhìn gì ngoài đêm? Chị thấy gì ngoài đêm?

Y vẫn lôi tôi đi. Không có chi mô bác.

Về đây không nhạc không tranh không sách vở, hai thằng im lặng nghe sông chảy. Đôi khi tôi cố tìm hình bóng con đò neo bến bên kia, nhưng không thấy.

Ngồi bên dòng Ô Lâu dưới trăng, cứ như vừa làm một cú rơi không tưởng xuyên qua mấy thế giới. Một mớ bản - ngã - lỗi tan rã dần trong tiếng cá đớp nước, tiếng gió rào qua đám cỏ lau, tiếng thở thì thầm của đất.

Và mỗi khi trăng đã chếch bên kia sông, lúc chuẩn bị về, thế nào cũng nghe trong xa xăm những lời tiếc nuối mơ hồ.

Tôi nhìn Y dò hỏi.

Y cũng nghe nhưng chỉ lắc đầu.

6.

- Em có một giấc mơ, lạ lắm.

Có lần đang ngồi bên hiên nhà, nhìn nắng ban mai len qua những tán cau, bé Phượng đến bên tôi, thủ thỉ.

- Mà không phải một lần.

Tôi lạ lẫm nhìn bé Phượng. Ở tuổi mười ba mười bốn, mấy ai mơ đi mơ lại một chiêm bao?

- Em mơ gì?

Phượng nhìn thẳng vào mắt tôi một hồi lâu. Không chịu nổi ánh nhìn đó, tôi giả tảng ngó lên trời.

Ngập ngừng một lát, cô bé cười:

- Em không kể đâu. Bây chừ anh chưa thể hiểu. Khi mô anh hiểu em sẽ kể.

Tôi nhìn cô bé như bị thôi miên. Ở độ tuổi này, tôi đã hiểu được những gì? Cuộc sống bày ra quanh đây quá nhiều hình tướng, chúng ta như cá bị bủa vây. Đến khi nào mới biết ngoài tấm lưới kia là gì?

Sau này rất nhiều năm, Phượng cũng không bao giờ kể với tôi về giấc mơ ấy. Đôi lần gặp lại, chỉ cười buồn:

- Anh vẫn chưa hiểu đâu, Z ạ!

7.

Có một lần về. Chủ nhật. Chị Hạc lên trường họp phụ huynh. Chiếc cub của chị không nổ máy. Tôi lấy xe đạp đèo chị đi. Con đường dọc sông Ô Lâu rợp bóng tre. Những mảnh vườn rì rào hương cau trong gió sớm. Nắng mới lên lấp lánh trên những tán lá còn đẫm sương.

Chị mặc áo dài, ngồi một bên, tay níu yên xe. Đường chông chênh.

- Z có bạn gái chưa?

Tôi cười trong hơi thở.

- Rồi chị. À…

- Sao?

Tôi im lặng. Những người con gái đi qua đời tôi trong quãng đời vừa rồi như những bông tuyết đậu xuống cành thông mùa băng giá. Để tan như chưa từng.

- Khi nào chị mới giới thiệu bạn trai?

Tôi hình dung chị đang nhìn mông lung.

- Chưa. Chưa đâu, Z.

Từ nhà đến trường của chị khoảng dăm cây số. Hai chị em vừa đi vừa trò chuyện nên không thấy xa.

- Khi nào có dịp, chị sẽ cho Z xem cái này.

- Cái gì chị?

- Bí mật. Khi nào có dịp, Z nhé!

8.

Bác gái bảo sở dĩ tau không cho tụi bây ra ngoài bến Lò buổi tối vì răng? Hồi xưa, đoàn thuyền đưa công chúa Huyền Trân vào xứ Chiêm có dừng lại đây mấy ngày để lấy thêm lương thực. Một cung nữ trong đoàn đã phải lòng trai làng xứ ni. Đến khi đoàn tiếp tục vào Chiêm, đi không đặng, ở không xong, người cung nữ đó trầm mình xuống bến. Hôm đó vào mùa trăng. Bởi rứa, cứ tới mùa trăng, ra bến đêm khuya là nghe những thở than.

Bác gái lại bảo: Tau sống gần bảy chục tuổi đầu, thấy tụi nhỏ bây chừ thương quá. Tôi hỏi vì sao. Bác gái bảo mấy đứa chừ sống buồn bã quá. Tôi bảo tụi con vui mà, có internet, có sách, có nhạc, có phim… Bác lắc đầu. Mấy thứ đó làm mụ mị con người chớ được chi mô. Rồi bác bảo hồi xưa vui lắm, lễ hội nhiều lắm.

Bác thở dài: Con Hạc sau ni là khổ lắm. Tôi im lặng. Đời ai mà không khổ hở trời? Bác nói: Không phải rứa, sinh ra làm người là khổ, cái đó Phật nói rồi, không tránh được, nhưng con Hạc thì khác, hắn ưng khổ, hắn tự tìm tới cái khổ. Tôi trầm ngâm, đã khổ thì tìm đến cái khổ hay chờ cái khổ đến có khác chi nhau. Bác gái cắt dòng suy nghĩ của tôi: Hắn không yêu ai mô. Bác lại thở dài. Tau biết hằng đêm hắn làm cái chi trong chiêm bao của hắn nớ, mà tau không can được. Tôi nhìn bác trân trối. Hắn có một cái hộp, giữ kỹ lắm. Tau biết mà không coi. Hắn cũng không cho tau coi mô. Nhưng tau biết, sẽ tới hồi hắn đưa cho bây coi.

Bác lấy que cời than. Những tia lửa bắn lên. Bác đăm chiêu một hồi, rồi tiếp: Mà tau dòm bây thấy cũng lận đận lắm đó Z nạ. Tôi cười. Bác lại thở dài.

Tôi đi ra vườn. Bóng chiều nhập nhoạng. Khói lam từ các mái nhà vương vất trên những hàng cau.

Một mình trong chiều tối, bỗng dưng lòng đau thắt. Cứ như ai đó vừa tọng vào ruột gan tôi một mớ bùi nhùi, không thể tiêu hóa được.

9.

- Tau chẳng để tâm.

Có lần tôi kể với Y về câu chuyện của chị Hạc, bé Phượng và những lời của bác gái cho hắn nghe.

- Ai cũng có một bóng tối của mình. Mi để tâm làm chi thêm khó sống. Nhưng cái chuyện nường cung nữ tự trầm đó thì tau biết lâu rồi.

Mắt Y bỗng sáng lên:

- Z ạ, tự tìm tới cái chết là một trong những phẩm giá phi thường của con người. Đương nhiên, tau không bàn đến các loại tự tử tào lao vì vỡ nợ, vì bị phụ tình, vì trầm cảm… Loại trừ những thứ đó, khi mi tự quyết thời điểm ngừng sống là mi đã đạt đến một tri kiến về diễn trình của chính mình.

Tôi nhìn Y ngao ngán. Chẳng hiểu sao cuộc đời gán thêm cho tôi một thằng bạn như thế này. Không có hắn tôi đã chẳng đủ bóng đêm sao?

10.

Một bữa bác gái đi bán, bé Phượng đi học. Thằng Y theo thuyền đi chơi sông. Chỉ có chị và tôi ở nhà, hôm đó chị không có tiết dạy. Tôi đang thẩn thơ trước sân thì chị gọi:

- Z, vào đây.

Giọng chị vừa hớn hở, vừa dè dặt.

Tôi vào. Chị đang ngồi bên giường, trên tay là chiếc hộp bằng đá màu trắng. Tôi sởn gai ốc.

- Chuyện gì vậy chị?

- Ngồi xuống đây.

Mắt chị long lanh. Tôi thấy đôi tay chị hơi run.

- Chị cho Z xem cái ni.

Chị nhìn xuống chiếc hộp, tôi nhìn theo. Những ngón tay chị âu yếm miết theo từng đường viền của nắp hộp. Rồi chị nhìn vào mắt tôi:

- Không hiểu răng chị làm việc ni. Nhưng chị biết chị phải nói bí mật của chị cho một ai đó. Nếu không thì chị không thể sống được.

Giọng chị gần như muốn khóc. Nhưng đôi mắt thì sáng lên những tia kỳ lạ. Chị làm tôi hình dung một người con gái trinh trắng quyết định hiến dâng đời mình, không vì lẽ gì cả, chỉ vì một thôi thúc duy nhất là được hiến dâng để thấy tính nữ của mình trong sự hiến dâng ấy.

- Không biết vì sao chị chọn em. Và tại sao là lúc ni. Nhưng chị có linh cảm nếu không phải là em, không phải trong sáng ni, thì không bao giờ có ai cả.

Suốt cả quãng đời sau này, những lời ấy cứa nát tâm can tôi. Nhiều đêm đang thiêm thiếp bỗng giật mình tỉnh dậy, mồ hôi túa ra lạnh tóc.

Nhớ nghe Z, nếu không phải là mi, không phải buổi sáng hôm ấy, thì bí mật của chị mãi mãi là bí mật. Và mi sẽ là tội đồ nếu mi không được chọn.

11.

Có những khuya ở đó, nửa đêm tôi quờ tay sang thì không thấy Y nằm cạnh. Cũng không lạ gì hắn nên tôi lại thiếp đi.

Để rồi trong giấc ngủ chập chờn gần sáng, chạm sang người Y thấy lạnh toát.

12.

Nhiều năm sau này trở về Phước Tích, bác gái đã già, nhớ nhớ quên quên.

Bé Phượng ngày xưa đã thành cô giáo, như chị Hạc ngày trước. Nhưng ánh mắt không còn như xưa. Cứ như luôn chực sẵn một cơn giông đêm trong đôi mắt ấy.

Tôi không bao giờ gặp lại chị Hạc. Dường như sau khi tiết lộ bí mật với tôi, chị không còn gì để giữ cho riêng mình.

Cứ thế mà trôi đi.

13.

Một lần, về lại phòng trọ trên Huế, khi đang uống rượu, thằng Y nhìn tôi bí ẩn:

- Mày biết những khuya ở làng tau đi đâu không?

Tôi lắc đầu. Mi như con ma xó, ai biết đi đường nào.

- Tau ra cây đa bến Lò.

- Làm gì?

- Gặp nường.

Tôi tròn mắt nhìn Y. Ai?

- Nường cung nữ tự trầm đó.

Trước khuôn mặt hác hốc của tôi, Y kể. Cứ gần khuya đêm rằm là nường về. Tau thường ngồi chờ dưới gốc đa. Nường đi quanh quẩn bãi ngô, rồi xuống gần bìa sông, ngồi khóc thầm. Xong thì hát. Tau đoán là mấy bài ca của cung tần hồi xưa…

Y cứ kể, tôi cứ nghe. Không biết nên tin hay không. Có thể hắn đã phóng tưởng những thiếu nữ trong tranh của hắn thành hình ảnh người cung nữ đã tự vẫn mấy trăm năm trước.

Cùng bạc mệnh như nhau.

14.

Chị Hạc nói:

- Chị không biết bắt đầu từ đâu. Thực ra, Z ạ, đây không phải là lần sống duy nhất của chị. Đừng hỏi, để chị kể. Từ nhỏ đến giờ, chị đã chết rất nhiều lần. Chết trong đêm và sống lại buổi sáng. Có lẽ gần trăm lần như rứa. Em không hình dung được chịu đựng việc đó như thế nào đâu.

Chị nhìn ra ngoài sân:

- Lần đầu tiên là hồi chị học lớp 5. Ba chị còn sống. Đêm đó đi ngủ. Nửa đêm thì chị thấy khó thở. Không phải sốt. Người chị lạnh dần. Nằm bên cạnh mẹ mà chị không thể gọi được. Không còn cảm giác chi ở tay chân nữa. Chị nằm đó, bên cạnh mẹ mình nhưng cách xa hai cõi. Nước mắt cứ trào ra. Sợ hãi và cô độc kinh khủng. Lúc đó chưa biết chi về cái chết. Rồi chị cảm nhận đến. Không phải xâm chiếm dần dần. ập đến. Nhưng không giống như cơn lũ ào ạt. Một khoảnh khắc vô tận. Rồi chị thấy mình lơ lửng giữa nhà, nhìn chính mình đang nằm trên giường, xanh mét. Lúc đó chị mới biết mình đã chết. Nằm trên giường chỉ còn là cái xác không hồn. Chị sà xuống lay mẹ dậy, nhưng không thể. Chị qua giường của ba, tìm cách lay dậy, nhưng cũng không được. Cứ rứa, chị lơ lửng. Và khóc.

Rồi chị la đà bay đi. Chị cũng không biết bay đến đâu. Xung quanh toàn khói. Không một tiếng động. Không một ai. Chỉ một mình chị bay đi. Z ạ, sau ni chị mới biết, cô độc là thể tính của chúng ta, sống cũng vậy mà chết cũng vậy. Luôn chỉ có một mình.

- Thế rồi…?

- Rồi chị tan đi trong khói.

- Nhưng…?

- Ừ, đến chừ chị vẫn không hiểu. Sáng đó ba mẹ lay dữ lắm chị mới tỉnh lại. Cảm thấy cơ thể mình lạ lẫm, cứ như trong một thân xác khác, phải mất mấy ngày mới làm quen. Lúc mới dậy vẫn còn lạnh toát. Mẹ phải lấy dầu nóng xoa khắp người.

- Bác gái bảo bác biết chị làm gì trong chiêm bao.

- Không biết đâu. Chị lắc đầu cả quyết. Và mỗi một lần sống lại như rứa, trong tay chị là một viên giống như đá, màu đen. Sau này nhiều quá, chị phải sắm cái hộp ni để giữ.

Tôi im lặng. Câu chuyện này vượt quá sức chịu đựng của tôi.

- Z có hình dung được không? Chết đi sống lại gần trăm lần như rứa, chị không còn gì để sống nữa. vắt kiệt chị. Chị sợ lên giường mỗi đêm. Chị sợ thức dậy mỗi sớm. Chị sợ những chiêm bao. Sợ cả khi lên giường mãi mà vẫn còn tỉnh thức. Chị sợ ngủ vì đến, nhưng cũng sợ thức vì sẽ biết đến.

Chị không khóc, nhưng tôi khóc. Tôi nắm bàn tay chị, chị dịu dàng xiết tay tôi. Rồi chị cười:

- Chị biết sẽ không thể một mình chịu đựng câu chuyện ni. Chị phải kể cho ai đó nghe, nhưng chờ miết gần hai mươi năm mà không gặp. May mà có Z.

Tôi nghiến chặt răng để nước mắt không trào ra nữa. Tôi có thể giúp gì cho chị? Tôi phải làm gì?

- Không cần phải làm chi hết. Chỉ cần Z giữ giùm chị chuyện ni. Rứa là đủ rồi. Rứa là chị có thể sống thêm chút ít nữa.

Buổi sáng đang nắng bỗng kéo âm u. Gió giông ùa về mù mịt. Một ánh chớp nháng chói lòa giữa bầu không.

Tôi rùng mình. Chị lại siết chặt tay tôi, ra dấu vỗ về.

- Rồi sẽ qua thôi em. Tất cả chuyện ni. Cả chị. Và em. Cũng sẽ qua thôi.

15.

Y sốt triền miên mấy ngày sau một lần về Phước Tích. Tôi phải gọi mấy đứa bạn bên Đại học Y qua chăm. Cuối cùng hắn cũng tỉnh lại, người xanh rớt.

Mở đôi mắt sưng húp vì những cơn mê triền miên, Y nhìn tôi, ánh nhìn vô hồn, giọng khô khốc:

- Nường đi rồi, Z ạ.

Tôi không nói gì, đưa cho Y cốc nước. Hắn gạt ra, thều thào:

- Nường nói là nường không bao giờ quay lại nữa.

Hắn gượng ngồi dậy nhưng lại nằm vật xuống, nói như mê sảng:

Rồi ngày cũng hết. Ngựa cũ không về Đồi Hồng. Thuyền xưa chẳng quay lại Bến Khuyết. Chỉ còn mi với bài kinh tụng dở. Chỉ còn mi với những cái bóng chết, những dấu chân chết, những ánh mắt chết…

Giọng Y nhỏ dần, nhỏ dần rồi im bặt.

16.

Hai thằng mượn một chiếc xe máy chạy về Phước Tích sau khi nghe cuộc điện thoại của bé Phượng:

- Chị Hạc đi rồi.

Hôm đó nắng nhạt. Xế chiều. Những ngọn gió uể oải lùa qua mấy khóm lau ven bờ Ô Lâu.

Dựng xe trước sân, hai thằng ào vào nhà. Bác gái ngồi thẫn thờ, tay còn cầm cái chày giã tiêu, ánh mắt như hóa đá.

Bé Phượng kể:

- Ăn cơm trưa xong chị thay bộ áo dài trắng, cầm cái hộp trắng. Mẹ đang mệt nằm trên giường, hỏi đi mô vì hôm ni chị không có tiết trên lớp. Chị nói ra ngoài có chút chuyện. Chị nói em chăm mẹ nghe Phượng. Rồi chị đi. Em thấy chị không dắt xe ra nên ngạc nhiên, cứ nghĩ ai đến đón chị. Vừa quay vô định nói mẹ, khi nhìn ra thì không thấy chị nữa. Em ào ra ngõ, kịp thấy bóng áo dài thoáng cuối đường rẽ xuống sông. Em chạy theo, nhưng đến bến Lò thì không thấy chi hết. Em dòm miết mới thấy mờ mờ bóng áo dài trắng giữa dòng…

Kể đến đó thì Phượng òa khóc.

Tôi khuỵu xuống. Hôn mê.

Mãi mấy ngày sau cũng không tìm thấy chị. Chính quyền xã tuyên bố mất tích vì không có chứng cứ để nói chị tự vẫn.

Hàng xóm qua lại hỏi thăm rồi cũng thưa dần. Ai cũng nghĩ chị đi đâu đó rồi quay về. Chỉ bốn người chúng tôi biết là chị đã bỏ chúng tôi đi, đi mãi.

17.

Trước lúc lên lại Huế, Y và tôi ra bờ sông, nhìn về cuối dòng Ô Lâu.

Trời chiều, khói sóng lên chờn chợn.

Cuối tầm nhìn, chỉ thấy lau lách và mơ hồ một hình bóng bay đi.

H.N  
(TCSH379/09-2020)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THÁI BÁ TÂNTháng trước, ở phường B. thị trấn Đức Giang, huyện Gia Lâm, nơi tôi về nghỉ hưu mấy năm nay, đã xẩy ra một vụ trọng án có nhiều tình tiết rất kỳ lạ, có thể nói bí ẩn không sao giải thích nổi, đến mức cuối cùng người ta quay sang cho rằng nhất định phải có yếu tố thần linh ma quỷ trong vụ này.

  • PHẠM THỊ ANH NGA                  Truyện ngắn...trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể nào biết được...

  • PHAN VĂN LỢIBuổi giao lưu và trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi viết truyện ngắn do Hội Nhà văn tổ chức đã tiến hành được gần nửa giờ. Gã nhấp nhỏm trên chiếc ghế kê phía sau cánh gà sân khấu, bồn chồn không yên. Chừng thông cảm với tâm trạng của gã, cô gái phục vụ mặc áo dài đỏ bưng tới cho gã ly nước, nhẹ nhàng nói: "Chú cứ yên tâm ngồi nghỉ cho khoẻ. Giải A bao giờ cũng trao cuối cùng, chú ạ!"

  • KHẢI NGUYÊN Pa-ri, mùa hạ năm 198...Vườn Bách thảo giữa thành phố kề sông Xen phía tả ngạn. Ông đến đây như một kẻ lánh đời, sợ nơi đông người. Thật ra, phần lớn đường phố Pa-ri trong giờ làm việc không ồn, không thừa thãi người đi nhong như ở Việt Nam. Em ông ở quê ra Hà Nội chơi đứng ngắm dòng người và xe nườm nượp qua lại cứ tự hỏi: những con người này đi đâu, về đâu mà tuôn mãi như là chẳng ai về nhà cả, như là cái "nghiệp" trời đày phải đi.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNhiều năm trôi qua tôi đã trở thành người đàn ông đứng tuổi. Có một mái ấm gia đình, vợ con hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghĩ về nàng, một người đàn bà chỉ kịp quen trên chuyến đò từ Huế ra Phong Điền, chia tay nàng để nhiều năm sau, tôi mới được gặp lại nàng trong một hoàn cảnh khác, tôi vẫn giữ nguyên một cảm giác hết sức lạ lùng. Một ý nghĩa luôn ám ảnh tôi khá kỳ quặc rằng: Tôi đã bị nàng hiểu lầm, là một chàng lính giải phóng “hám gái, dại khờ”... Bởi vì sau vụ việc ấy, chính tôi cũng rủa thầm mình là ngu ngốc.

  • NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.

  • HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...

  • HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.

  • PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.

  • THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

  • PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.

  • PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.

  • HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

  • BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.

  • DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết    (René Char)

  • ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.

  • NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.

  • NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.

  • NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.

  • NHẤT LÂM          Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.