Cả làng chỉ có một vài nóc nhà ngói của mấy gia đình có người đỗ đại quan, còn lại là những túp nhà tranh vách đất xiêu vẹo. Chẳng mấy gia đình được ăn cơm đều đặn. Bữa ăn của hầu hết mọi nhà là khoai lát khô cõng vài hạt gạo. Nhà nào nghèo thì phải cách mấy ngày mới có một bữa ăn như vậy. Nhà tôi lúc đó chắc chắn không phải nghèo nhất làng, vậy mà vẫn thường đứt bữa. Những hôm như thế, hai anh em tôi lại đi kiếm rau sam, rau mực luộc ăn trừ bữa. Cha đi kháng chiến. Mẹ tôi tần tảo nuôi hai anh em chúng tôi bằng đôi quang gánh, một đầu là mấy lít dầu, đầu kia là một thùng nước mắm. Dân làng nghèo nên mỗi lần chỉ dám mua một "cút" (0,25 lít), lại thường mua chịu. Bởi vậy, kiếm được đồng tiền để sống qua ngày là khó khăn lắm. Nghèo vậy nhưng dân làng tôi rất hiếu học. No cũng học, đói cũng học. Năm ấy, hai anh em sinh đôi chúng tôi lên sáu tuổi, mẹ cho đến trường. Chắc mẹ phải dành dụm lâu lắm mới đủ tiền mua cho mỗi đứa một quyển vở, cái bút, lọ mực. Và thứ có giá nhất là một mảnh vải nâu. Mẹ tính toán rất cẩn thận để cắt được hai cái quần đùi. Cái cho anh tôi, Cu Lớn thì to, còn tôi, Cu Nhỏ thì cái nhỏ hơn. Sáng sáng, hai anh em tôi "diện" cái quần đùi, tung tăng dắt nhau đến trường làng, chiều về, lại cởi quần ra vắt lên dây để sáng hôm sau mặc đi học. Chỉ độc một cái quần, lại phải để dành mặc đi học, nên khi ở nhà, chúng tôi chẳng mặc gì, cứ nhông nhông thế đi chơi. Hầu hết bọn con trai vỡ lòng ở làng tôi đều thế. Chúng tôi chưa biết ngượng với bọn con gái, nhưng gặp thầy giáo thì xấu hổ lắm. Chẳng có gì ăn, lại bắt đầu tuổi lớn nên lúc nào tôi cũng thèm một cái gì đó. Trưa hôm ấy, tôi đang chơi thì có một bà cụ gánh một gánh toòng teng mỗi đầu quang mấy mớ dưa đi vào ngõ. Cụ vừa đi vừa rao: "Ai mua đưa khơ... ông". Thấy mẹ ra hỏi mua, tôi mừng lắm, chạy lại xem mẹ mặc cả với bà cụ. Cho đến khi mấy người khác ra mua thì mẹ không nói gì nữa. Tôi lo lắng giật áo mẹ:"Mẹ mua đi mẹ! Em thèm lắm!". Mẹ bảo: "Đắt lắm, nhà mình không mua được đâu!". Tôi cứ nhìn dán mắt vào mấy mớ dưa trong rổ. Đó chỉ là những cây cải già, chỉ dài hơn gang tay, nhưng với tôi, nó hấp dẫn lạ kì. Tôi nhớ lại mấy hôm trước, khi sang nhà hàng xóm chơi, thấy trên mâm cơm có đĩa dưa với mùi chua chua hấp dẫn đến nỗi tôi phải chạy ngay về nhà để tránh cái cảm giác thèm muốn. Đến bây giờ tôi vẫn không sao hiểu nổi làm cách nào mà tôi đã "cuỗm" được hai mớ dưa trước mặt mọi người. Tôi cầm hai mớ dưa lẩn vào cổng. Thấy tôi chạy về, mự tôi hỏi: "Mẹ mi mua dưa đó à?". Tôi lý nhí: "Dạ", rồi chạy xuống bếp, vùi hai mớ dưa vào bồ chè khô. Mẹ tôi từ ngoài cổng về, than phiền với mự: - Nỏ biết ai mua không chịu trả tiền để bà hàng dưa chửi quá! Tội nghiệp, chắc bà nớ nghèo lắm nên mất hai mớ dưa mà cứ vừa chửi vừa khóc. Mự tôi hỏi: - Rứa chị có mua không? - Không! - Khi nãy tui thấy thằng Cu Nhỏ cầm về hai mớ. Mẹ tôi tái mặt: - Thật rứa không Nhỏ? Tôi lý nhí: - Dạ... có. - Cha ơi! răng lại ra ri - Mẹ nói như nghẹn giọng - Mi vô lấy ra đây tau coi! Tôi vào bếp xách hai mớ dưa ra, lấm lét đưa cho mẹ. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên được ánh mắt mẹ lúc ấy. Nó thảng thốt, đau khổ như vừa bị mất một vật gì vô cùng quí giá. Lúc ấy tôi không hiểu hết ý nghĩa của ánh mắt ấy, nhưng tôi hiểu ngay là mình đã làm một điều dại dột để mẹ rất buồn phiền. Mẹ ra lệnh: - Mi ra đồng, quăng hai mớ dưa xuống ruộng, rồi về tau nhủ! Lúc này tôi đâu thiết gì hai mớ dưa nữa, mà tôi chỉ lo sợ bị đòn. Mỗi khi mắc lỗi nặng, tôi thường bị mẹ bắt nằm úp mặt xuống giường, quất mấy roi vào mông rồi quát: "Nhỏ! Từ rày mi đã chừa chưa?". Những lúc ấy, tôi vừa khóc vừa van xin: "Em chừa! Em chừa!". Nghĩ đến ánh mắt của mẹ, tôi hiểu trận đòn hôm nay chắc nặng lắm. Từ ngoài đồng về, tôi đã thấy mẹ cầm một cái roi rất dài. Anh tôi đứng cạnh, trông mặt cũng sợ sệt chẳng kém gì tôi. Mẹ đập mạnh cây roi xuống mặt đất, nhìn tôi rất nghiêm khắc: - Mi đứng đây! Thằng Lớn, mi nhắc lại cho em biết hắn có tội chi, khi nãy mẹ dặn ra răng! Anh tôi khoanh tay nói: - Dạ, Cu Nhỏ có tội đã ăn trộm dưa. Mẹ dặn thà chết đói chứ nhất quyết không được ăn trộm. - Mi nghe rõ chưa Nhỏ? - mẹ nghiêm giọng - Chừ tau đạp cho mi nhớ! Câu nói chưa dứt thì ngọn roi đã quất lên người tôi. Lần này mẹ không nói tôi úp mặt xuống giường, cũng không phải chỉ đánh vào mông. Ngay cái quất đầu tiên, tôi đã cảm nhận được lằn roi từ vai xuống lưng, vắt qua mông. Tôi đau quá nhảy dựng lên, một tay xoa vào vết đau ở mông, tay kia theo phản xạ, giữ lấy tay cầm roi của mẹ. Tôi hét lên: "Mẹ ơi, em xin chừa!". Nhưng mẹ như không để ý đến nỗi khiếp hãi của tôi. Roi vẫn tới tấp quất lên người tôi. Vừa đánh, mẹ tôi vừa nói: “Ăn trộm này, tau mần chi mà đẻ con hư đốn ra ri!". Tội nghiệp thằng bé, chẳng có manh vải nào trên người nên ngọn roi như cắn vào da thịt. Tôi cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa, liền vùng khỏi tay mẹ, lao ra cổng. Mẹ thét: "Cu Lớn, mi ra lôi hắn vô đây!". Anh tôi tuy sinh đôi, nhưng khỏe hơn tôi nhiều, tôi chỉ đứng đến tai anh. Bởi thế chỉ vài bước nhảy tắt qua luống rau là anh tóm ngay được tôi, lôi vào nhà. Tôi sợ hãi khoanh tay trước mặt mẹ: "Mẹ ơi, em biết tội rồi mà. Mẹ tha em, dừng đập em nữa, em đau lắm!". Tôi bỗng thấy hai chân mẹ quỵ xuống, mẹ ôm lấy tôi nức nở: "Con ơi! mẹ có muốn đập con mô. Mẹ thương con lắm. Con nỏ có chi ăn mẹ cũng đứt từng khúc ruột, nhưng mẹ phải dậy cho con để con nhớ". Mẹ tôi vừa xoa vào những lằn roi trên người tôi vừa khóc. Trời ơi! Dòng nước mắt của mẹ rơi lên vai, chảy xuống tấm lưng trần bé nhỏ của tôi, thấm vào những vết lằn roi, làm cho tôi cảm thấy vô cùng xót xa ân hận. Đó là lần đầu đứa bé trẻ thơ như tôi hiểu thế nào là ân hận. Cái cảm giác ấy cứ theo tôi đến tận bây giờ. Tháng 7 năm 2000 H.S.H (140/10-00) |
Đừng thở dài nhé emĐêm lạnh lắmCô đơn tìm về lối vắngSao rụng buốt lòng tay
HOÀNG HÙNG HÀCỏ rực nỗi gì dưới chân ta ngày thángPhố xá ngao du lộng lẫy hoa đènQuên mất một người đang còn nhớSớm mai này có kịp nhận ra nhau
DƯƠNG HIỀNChuyến xe tốc hành đưa tôi và Huy đi, chẳng biết nơi đến như thế nào nhưng vì chưa biết nên tôi háo hức với những tưởng tượng kỳ diệu.Những hàng cây và những ngôi nhà lướt qua bên ô kính như những thước phim chiếu về cảnh vật. Có lẽ ít ai khám phá ra kiểu thưởng thức ngắm cảnh qua ô kính xe hấp dẫn và đẹp đẽ như thế…
LINH CHIQuá ngọ. Trời đang xanh ngun ngút, nắng sầm sập, oi nồng ngột ngạt bỗng chốc tối sầm. Mây. Gió. Mưa. Mây vần vũ, gió ầm ào, mưa quăng quít.
LƯU LY...Suy nghĩ làm gì những kẻ rỗi hơiMoi móc đời tư bới lông tìm vếtPhù phiếm đủ điều đặt đơm thêu dệtVới kẻ hơn thua đó là lẽ thường tình??!...
TRẦN KHẮC LOANEm gửi vào thăm anhNiềm tin yêu đồng vọngNgày đêm em lóng ngóngTrong căn nhà neo đơn
PHAN TUẤN ANH (Tặng Phương)Truyện ngắn ...Biển rì rào. Con sóng vỗ miên man vô định, để rồi sau đó chỉ còn là những bong bóng nhỏ, vỡ tan ngay dưới chân Phương. Một bên là hàng dương chĩa tua tủa lên nền trời đêm, như một đạo quân ma quái với vũ khí chết chóc của mình kéo dài đến vô tận. Một bên là biển nhỏ nhắn như một vòng cung. Biển đêm, cái vô hạn của nó bị giới hạn bởi những ngọn đèn sáng chói xa xa của những con tàu đánh cá ngoài đại dương và của những ngọn hải đăng ấm áp mà huyền ảo.
TRẦN THỊ HOÀI HƯƠNGTôi về quê nghỉ hè được hai tuần thì cơn bão bất ngờ ập đến. Hồi sáng, thấy trời đất âm u, biết trời có mưa tôi đã xếp đống củi khô lên giàn, lùa bầy vịt vào chuồng heo và dọn lại chăn chiếu phòng nhà dột.
... Con muốn gửi về cho mẹ một mùa thu Không có heo may hanh khô đôi máKhông có ngõ buồn ngập tràn xác láÔ cửa một mình đếm hạt mưa rơi ...
...Đêm đông - Cả thế giới ngủ yênChỉ dòng sông vẫn chảy...
HƯƠNG LAN"Sao đôi này yêu nhau mãi mà không chịu cưới nhau..." Câu nói đùa của người anh họ vào chủ nhật năm ấy là minh chứng cho hạnh phúc họ có được 5 năm về trước.
LÊ PHƯƠNG Khi bé mười sáu tuổi Lòng gió thổi xôn xao Thoáng buồn vui bất chợt Bóng trăng tròn nao nao
Ý THẢO Rồi bọt biển vỡ tan Nàng tiên cá vỡ cùng theo con sóng Giọng hát trong veo suốt một năm câm nín Bây giờ tràn về từ hư vô...
LTS: Trang viết "đau tay" lần này, Sông Hương xin dành "trọn gói" cho các bạn sinh viên Đại học Sư phạm Huế. Tất nhiên, ở đây sẽ không "tái bản" những cây bút đã vượt qua "mối tình đầu" này như Lê Thị Mỹ Ý, Đông Hà...