Những nguyên mẫu “bất đắc dĩ” trong “Sóng ở đáy sông”

08:36 25/06/2021

Cùng với Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông là tiểu thuyết làm nên tên tuổi của nhà văn Lê Lựu. Nếu như Thời xa vắng ngay khi mới xuất bản đã gây tiếng vang, thu hút sự chú ý của bạn đọc trong nước, thì Sóng ở đáy sông chỉ được dư luận chú ý đến sau thành công vang dội của phim truyền hình cùng tên.

Với khả năng nhập vai “rất ngọt” của các nghệ sĩ Duy Hậu, Xuân Bắc, Kim Oanh… cùng kịch bản phim chặt chẽ, chân thực, xúc động, giàu tính nhân văn, phim Sóng ở đáy sông nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả, trở thành hiện tượng của truyền hình Việt Nam những năm 2000. Sự thành công của phim truyền hình này khiến bạn đọc tò mò, tìm đọc lại tác phẩm của nhà văn Lê Lựu.

Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông là một câu chuyện dài về cuộc đời của những con người trong một gia đình tiểu tư sản thành thị ở mảnh đất Sáu kho trước năm năm tư thế kỉ hai mươi. Núi - nhân vật chính của tác phẩm - vốn là con của bà vợ lẽ kiêm người ở, từ nhỏ đã phải chịu nhiều cay đắng bởi sự phân biệt hắt hủi của chính cha ruột - ông Đại. Khi Núi bước vào tuổi thiếu niên thì mẹ mất, bị bố bỏ rơi. Ở nơi sơ tán thiếu thốn, Núi phải lăn lộn vào đời để kiếm miếng ăn nuôi các em và bắt đầu trượt dài vào vòng xoáy tội lỗi. Con đường tha hóa của Núi ghi dấu những người đàn bà đi qua đời anh: Hiền, Mây, Hồng. Sau rất nhiều lần vào tù ra tội, nhờ sự cảm hóa của những cán bộ quản giáo và tình yêu chân thật từ Hồng, cuối cùng Núi đã trở thành một công dân có ích cho xã hội.

Câu chuyện về nhân vật Núi, với hành trình hoàn lương đầy gian nan và cảm động, vốn được xây dựng từ “nguyên mẫu” là một tử tù người Hải Phòng tên Sơn mà nhà văn Lê Lựu có dịp tiếp xúc ở trại tù Phi Liệt cuối năm 1992. Trong lần trò chuyện ấy, người tù đã “phác qua” cho nhà văn về gia đình và cuộc đời “vào tù ra tội” như cơm bữa của mình. Dựa trên những lời tâm sự của người tù, bằng trí tưởng tượng và tài năng văn chương, nhà văn Lê Lựu đã xây dựng nên hai nhân vật là ông Đại và Núi trong tiểu thuyết Sóng ở đáy sông.

Ông Đại trong tiểu thuyết có nhiều nét khá tương đồng với bố của người tù tên Sơn ngoài đời thật. Ông cụ vốn là một công chức thời thuộc Pháp. Tiếng Pháp cụ nói thạo hơn tiếng mẹ đẻ. Cụ cũng ba đời vợ, đông con cháu, chỉn chu và khá hóm trong sinh hoạt. Trong cách dạy dỗ con cái, cụ nổi tiếng nghiêm khắc. Con cái cụ, vì thế được ảnh hưởng nhiều tính cách của ông bố: ưa sạch sẽ, ngăn nắp, cẩn thận. Cụ hà khắc nhưng những hàng xóm từ ngõ Mai Viên, phố Trần Bình Trọng gần ga Hải Phòng cho đến khu tập thể Cát Bi những năm trước Đổi mới có thể làm chứng là cụ không lạnh lùng tàn nhẫn một cách phớt tỉnh như “lão Đại”. Cụ công nhận là có ưu ái những đứa con bà cả hơn (điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh thời đại ấy), nhưng chưa bao giờ coi mấy đứa con bà vợ ba là những công dân hạng hai hay những sinh vật hạ đẳng được sinh ra bởi sự dư thừa bản năng giống đực như ông Đại trong tiểu thuyết. Trên thực tế, mẹ của người tù tên Sơn được lấy làm bà ba. Trước khi mất, bà cả đã trăng trối nhờ một người bạn thân (là mẹ Sơn) gá nghĩa với chồng mình. Bà hai về làm vợ một thời gian, chẳng hiểu sao không có con. Rồi bà hai bỏ đi, lúc đó bà ba mới chính thức có danh phận trong gia đình chồng. Cụ ông nhiều vợ nhưng đường hôn thê lận đận vì các bà đều sớm rời cụ để cụ phải sống đời “gà trống nuôi con” khi chưa đến ngũ tuần. Và cũng chính những người hàng xóm nói trên vẫn còn có thể nhớ rất rõ đứa con của người vợ thứ ba đã làm khổ ông cụ đến mức nào vì sự bất kham, biếng học. Khác với những anh con bà cả, anh ta khi bước vào tuổi thiếu niên đã sớm bộc lộ bản chất ma cà bông: học hành lớt phớt dở dang, rồi bị lôi kéo vào chợ đời, chỉ muốn lấy của người làm của mình. Hẳn điều đó đã khiến ông cụ rất phiền lòng. Và đó cũng là đầu mối khiến cho hai cha con ngày càng xa cách. Nhưng cho đến lúc hấp hối, có bao nhiêu con thì cụ vẫn còn nguyên cả, vì cụ chưa từng tuyên bố từ mặt đứa nào. Cũng cho đến cái giây phút ấy, cụ không hề hay biết mình đã được/bị bước vào văn chương, để rồi bị đóng đinh câu rút vào cái vai ác nhân, bị người đời phẫn nộ như thế nào.

Về nhân vật Núi, nếu như trong tiểu thuyết (và cả phim truyền hình), anh ta có cái kết khá viên mãn làm hài lòng đa số người đọc (và người xem), thì nguyên mẫu ngoài đời thực sau khi rời khỏi cánh cửa phòng giam để trở về với cuộc đời lại không may mắn như vậy. Anh bị hàng xóm dị nghị, cảnh giác, khiến luôn phải “sống trong sợ hãi”. Khi Sóng ở đáy sông lên sóng truyền hình và nổi tiếng thì người tù năm nào cảm thấy “thiệt thòi” quá nên đã tìm đến địa chỉ số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội gặp nhà văn Lê Lựu để yêu cầu bốn điểm:

Thứ nhất, nhà văn phải trả tiền cho anh vì nhờ có câu chuyện của anh mà nhà văn mới viết nên tiểu thuyết danh giá như thế.

Thứ hai, nhà văn phải tạo công ăn việc làm cho anh vì sau khi bộ phim khởi chiếu, anh không thể hành nghề “5 ngón” như trước.

Thứ ba, nhà văn phải thanh toán mọi phí tổn đi lại giữa Hải Phòng - Hà Nội và chuộc cho anh chiếc xe đạp đã “cắm” để làm lộ phí.

Thứ tư, nhà văn phải chia tiền nhuận bút kịch bản (nghe đâu rất “khủng”) cho anh.

Ngoài bốn “điều khoản” chính, người tù tên Sơn còn yêu cầu nhà văn Lê Lựu phải chịu trách nhiệm trong mối quan hệ căng thẳng giữa “Núi” và bố anh ta, bởi lẽ, khi cả cái đất Hải Phòng ai ai cũng quan tâm Sóng ở đáy sông thì mối quan hệ giữa hai cha con vốn đã tệ nay càng thêm tệ.

Dĩ nhiên những điều kiện không tưởng của người tù tên Sơn ấy đã bị nhà văn Lê Lựu từ chối một cách nhã nhặn và khéo léo, rằng toàn bộ câu chuyện cuộc đời bất hạnh của anh chàng Núi kia đều là sản phẩm trí tưởng tượng của ông; những giờ gặp gỡ ngắn ngủi trong trại tù với anh không thể nào giúp ông dựng một cuốn tiểu thuyết dài mấy trăm trang như thế…

Câu chuyện kiện cáo của người tù tên Sơn với nhà văn Lê Lựu khép lại khá lâu nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi đến hôm nay. Mối quan hệ giữa nhân vật và nguyên mẫu luôn là “tệp đính kèm” nhiều kích thích đối với độc giả trên hành trình họ thám mã “tệp chính” tác phẩm.

Theo Lê Thị Thủy - VNQĐ

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Cùng thời điểm, nhà văn Bích Ngân giới thiệu đến bạn đọc 3 tập sách: Anh nhớ em muốn chết!Tiếng gọi bến bờ và Đường đến cây cô đơn, do NXB Tổng hợp ấn hành. 

  • Nhằm giúp các bạn học sinh có một nền tảng kiến thức văn học phong phú, vững vàng, NXB Kim Đồng tổ chức biên soạn Tủ sách Văn học trong nhà trường, với sự tham gia biên soạn, tuyển chọn, bình giảng của các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực này.

  • Nhằm giúp các bạn học sinh có một nền tảng kiến thức văn học phong phú, vững vàng, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức biên soạn Tủ sách Văn học trong nhà trường, với sự tham gia biên soạn, tuyển chọn, bình giảng của các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực này.

  • Nhìn từ phía viết văn, nghề báo giúp người làm văn chương có cảm quan hiện thực bén nhạy, tinh tế, sự dấn thân mạnh mẽ, vốn liếng ngôn từ sống động, cập nhật. Nhìn từ phía nghề báo, năng lực văn chương giúp người làm báo kỷ luật ngôn ngữ cao độ, khả năng liên tưởng dồi dào, lối viết biến hóa và linh hoạt, và nhất là khát vọng sáng tạo những tác phẩm có sức sống lâu bền.

  • Nói thế vì còn có Dương Tường của báo, của thơ, của văn. Nhưng Dương Tường dịch là được biết đến nhiều nhất. Nhắc tên Dương Tường, bạn đọc cả nước đều biết đó là một dịch giả. Và đều tỏ lòng khâm phục tài dịch của ông.

  • Sáng 6-9, tại Nhà sách Cá Chép (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt bản dịch đầy đủ “Hán Sở diễn nghĩa” và giới thiệu bộ sách “Hán Sở diễn nghĩa liên hoàn họa”, với sự tham gia của dịch giả Châu Hải Đường, nhà báo Yên Ba và nhà sưu tập Từ Xuân Minh.

  • Có một “Tây Tiến” trong thơ và cũng có một “Tây Tiến” bằng văn xuôi. Đó chính là những gì chứa đựng trong tập hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng vừa được nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bạn đọc. Tập hồi ký thuật lại sinh động và chi tiết quãng thời gian Quang Dũng tham gia đoàn quân Tây Tiến.

  • Có người trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường, có người bước chân vào quân ngũ khi đất nước đã hòa bình. Dù ở thời bình hay thời chiến, bằng tài năng và trải nghiệm của mình, họ đã và đang được xem là những nhà văn của lính, khi mang đến những tác phẩm gợi nhớ về quá khứ hào hùng.

  • Hội thảo "Thơ và văn xuôi ĐBSCL 45 năm" (1975 - 2020) vừa được tổ chức tại Bến Tre ngày 26-8. 

  • Chỉ tính riêng năm 2019, ngoài các bài viết, thơ đăng rải rác trên các báo, Nguyễn Hồng Vinh đã xuất bản hai tập sách: Xanh mãi (quý 2) và Giữ lửa tập 3 (quý 3).

  • Nhà văn chiến trường là những người gánh trên vai 2 sứ mệnh: chiến đấu và viết. Việc viết có thể diễn ra giữa những ngày bom rơi đạn nổ, cũng có thể sau khi đã lặng im tiếng súng. Họ viết như là một sứ mệnh không chỉ cho riêng mình. Nhà văn Đoàn Tuấn là một trong những người như vậy.

  • Chưa khi nào chúng ta được chứng kiến một nền văn học trẻ sôi động và không ngừng cập nhật như lúc này, cho dù đang ở tình trạng được đón chào khá nồng nhiệt nhưng lại dễ dàng bị lãng quên nhanh chóng. Có người tạo được dấu ấn nhất định, có người vẫn chưa định hướng cho bản thân và sáng tác thiếu nhiều yếu tố...

  • Sáng ngày 8/8, NXB Trẻ tổ chức buổi ra mắt sách của 3 nữ nhà văn – nhà báo: Võ Thị Xuân Hà với tập truyện ngắn “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời”, Thùy Dương với tiểu thuyết “Lạc lối” và Y Ban với tập truyện ngắn “Có thể có có thể không”.

  • Những tác phẩm được tặng thưởng và hỗ trợ hàng năm là các công trình, bài viết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt được các nhà xuất bản, các báo, đài, tạp chí công bố hàng năm.

  • Năm nay, tổng số có 86 tác phẩm, trong đó có 37 sách, 49 bài viết và chương trình phát thanh được các cơ quan, đơn vị đề nghị xét tặng thưởng.

  • Phan Nhân 1972 với 400 trang sách có thể xem là cuốn hồi ký của một thế hệ học sinh trường chuyên Phan Bội Châu (thành phố Vinh, Nghệ An), còn gọi là trường Phan, được xem là trường chuyên THPT đầu tiên được thành lập tại miền Bắc Việt Nam, từ năm 1974.

  • Khi các trường ca: Đổ bóng xuống mặt trờiTrên đường và Ngày đang mở sáng của nhà thơ Trần Anh Thái lần lượt xuất hiện vào các năm 1999, 2004, 2007 trên thi đàn, nó ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, phê bình hàng đầu cùng nhiều độc giả yêu thơ.

  • Cả cuộc đời nhọc nhằn với những con chữ, nhà văn - nhà báo Trần Bạch Đằng đã sống trọn vẹn với cách mạng, nghề viết và đồng đội.

  • Ở giai đoạn nào Hoài Thanh cũng có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp văn học của đất nước. Mỗi bài viết của ông đều ghi nhận tài năng phê bình kiệt xuất, tấm gương sống trung thực và lao động bền bỉ.

  • 1. Đời người trăm năm như nhau, nhà văn Tây hay ta gì gì ông Trời cũng chẳng ưu ái thêm ngày nào, vậy mà bên trời ấy thế hệ này đến thế hệ khác nảy nòi bao nhiêu tiểu thuyết gia lớn. Còn ta thì không. Tại sao?