HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
(Đọc “Song Tử” của Như Quỳnh de Prelle)
Trong thế giới thi ca, mỗi thi nhân đều chọn cho mình một thế giới riêng, với một cách thức ngõ lời riêng. Những cách thức ngõ lời ấy, có thể như lời của những dòng sông êm đềm, ngọn gió thênh thang, tiếng suối xa rì rào hay cánh đồng cỏ vi vu, cũng có thể là tiếng rên rỉ của côn trùng nhưng cũng có thể là tiếng thác ghềnh ầm vang hay tiếng sét đì đùng một chiều giông gió… Riêng với Như Quỳnh de Prelle, qua tập “Song Tử” - (dành cho những tưởng tượng trong thi ca)”, có cảm giác như nữ thi nhân này đã chọn cho mình cách thức ngõ lời bằng những dòng nham thạch.
Đó là một thứ nham thạch cuồn cuộn trong huyết quản trào ra lúc ngực vỡ. Đọc suốt cả ba phần “Vỡ ngực”, “Thư viết cho người yêu”, “Song Tử và thi ca”, ta đều nhận ra sức nóng như lửa của dòng nham thạch ấy. Những dòng thơ nham thạch cứ chảy tràn trề, cho đến khi dòng thơ cuối đã chấm hết, vẫn chưa thấy tro bụi của nham thạch bay lên, lửa như vẫn còn âm ỉ trong đất đai của dòng thi ca Như Quỳnh de Prelle. Ở đó ta nhận cảm rất rõ nỗi đau vỡ ra cơn đau, từ đó máu chảy khắp không gian và trong những tĩnh mạch trắng của vô thức, những chiêm nghiệm tràn vào, lấp đầy.
*
Có hai nhân vật chính trong câu chuyện “Song Tử”, Song Tử và thi nhân, họ tạo nên bức tranh tình yêu cuồng nhiệt, cuống quýt. Và những nhân vật khác, đã hoàn tất vai trò tương tác của mình trong thế giới thi ca Như Quỳnh.
Trước hết hãy nói về nhân vật Song Tử, nhân vật mà ngay từ “Lời tác giả”, đã tỏ bày: “Song Tử là quà tặng dành cho Song Tử của riêng tôi”; đây chính là một cung đời, cung sao của Người yêu – Chàng thơ của tác giả. Chân dung Song Tử được dựng lên là:“người đàn ông của đời thường bao dung/ người đàn ông của thi ca xa lạ và quyến rũ nàng bằng thứ ngôn ngữ lạ kỳ” (Tuyệt vọng tháng 5)
Tác giả - Nàng, đã gọi tên Chàng:“anh là cánh rừng màu xanh của em/ là ngôi nhà diệp lục tưởng tượng của em/ là Song Tử…” (Thêm một trái tim ở bên)
Vậy mà trong cơn mê yêu, nàng hoang mang hạnh phúc tự hỏi không biết chàng đến từ đâu? Hay chính chàng đã đến trong đời thực, trong cơn mơ và trong cả thi ca của nàng, làm nàng choáng ngợp?:“anh đến từ đâu/ bầu trời hay mặt đất”, “anh đến từ vũ trụ của em/ anh là thời gian không gian của em”, “anh đến từ đâu/từ câu thơ của em/ hay bài thơ của anh/từ giọt nước/ hay từ bông hoa/ từ cõi vĩnh hằng em không nhìn thấy/ hay từ cõi chết trong em anh xuất hiện/ từ ngọn lửa trong mắt em…/ từ ánh trăng trong bản nhạc chiều/ từ mặt trời sau cơn mưa…” Và nàng xác định gốc gác của chàng: “anh đến từ một cánh rừng/mang tên anh/là anh”…(Anh đến từ đâu)
Quả thật ít khi ta gặp chàng thơ như một ảo ảnh như vậy trong thi ca, nhất là một thi ảnh hết sức hậu hiện đại như thế này: “anh là con tinh trùng vô hình/ quẫy đạp em/ sinh sôi”(Anh đến từ đâu).
Trước một Song Tử như vậy, tình yêu của thi nhân dành cho chàng đã cuộn dâng như những dòng nham thạch là phải. Rất nhiều lần nàng tha thiết ngõ lời yêu với tâm tình hiến dâng, mãnh liệt, tận cùng: “em chăm chỉ yêu anh/từng ngày từng ngày một” (Chăm chỉ yêu anh từng ngày một); “em yêu anh yêu anh/cạn kiệt hết đời sống này/ Song Tử của em” (Song Tử của em).
Dẫu biết: “Cái tôi của người đàn bà khi yêu/nhẹ dạ như viết một bài thơ/ như tình yêu vô điều kiện với thi ca sầu muộn”. Ở đây, tình yêu trai gái và tình yêu thi ca đã manh nha là những dung nham trào lên tan vào nhau, hòa vào nhau.
Yêu và chấp nhận: “Một lần nữa yêu/ một lần nữa buồn không ngớt” (Thư tháng 6)
Muốn sẻ chia cùng người yêu: “muốn được ôm anh, hôn gương mặt anh/ cứ buồn bã người đàn ông Song Tử/ cuộc đời này luân chuyển buồn vui/ tỏ bày cùng ai tỏ bày cùng ai/ anh ơi” (Nỗi buồn trên cây 16)…
Nàng giới thiệu với chàng về nàng, với muôn vàn chân dung, vì dù sao nàng vẫn là đàn bà. Nàng muôn vàn tưởng tượng về chân dung người mình yêu: “em tưởng tượng anh là bông hoa và em ngắt nó để ép vào ngực áo”, “em tưởng tượng anh là thời gian thời gian”, “em nhìn thấy anh ở 800 năm trước…em nhìn thấy anh trong bức hình/ người đàn ông đang cầm chiếc kéo…”, “em nhìn thấy dòng chữ của anh trên đám mây của buổi sáng”…
Nhưng chân dung một người đàn bà làm thơ có những đa đoan riêng: “người đàn bà ấy ma lanh/ vươn mình lên nghiến những câu thơ”, “cô ấy giết đi trong tưởng tượng/ cái đẹp ma lanh quỷ quyệt/ đang tràn lấp khắp nơi/ đang lên ngôi”, “cô ấy muốn bẻ đôi tay/ cầm bút” (Chào tháng 3 và những cái chết trong tưởng tượng)…
Nàng không khỏi có những cuộc nổi loạn lạ lùng, chẳng hạn nàng muốn “cạo”, “để cạo hết nỗi buồn trên gương mặt”. Bài thơ “Nàng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng” là một cú thi ca đi xuống giữa đời thường bụi bặm để nhặt chữ, và chữ “cạo” được mang về dùng hết sức ấn tượng.
Nhưng chưa dừng lại, không chỉ là cuộc nổi loạn, nó là một cú trào dâng mãnh liệt của núi lửa, nàng muốn “ăn” hết cả chàng khi nàng yêu: “em muốn được ăn cái lưỡi của anh”, “em ăn cả cơ thể của anh”, “em muốn được ăn anh toàn phần”… (Thư viết cho người yêu). Không chỉ ăn mà nàng còn muống uống: “cho em uống anh trong cơ thể em” (Em và anh)…Thật rất ít gặp sự bạo dạn mà rất ý nhị đắm đuối, thừa cá tính ấy trong thơ nữ Việt Nam hiện nay.
Tình yêu đôi lứa ở đây cũng tự bộc lộ hết mình giữa thế giới. Tình yêu của họ rất đẹp và hòa hợp: “anh là cánh rừng/em là dòng nước/ chúng ta bao quanh nhau”; “chúng ta có nhau trong từng tĩnh mạch/ từng nhịp đập/ từng sẻ chia”…
Có thể hình dung Song Tử của nàng đọc những bài thơ này sẽ mỉm cười hạnh phúc.
Nhưng thế giới trong đó có tình yêu của họ lại đang đầy những nỗi buồn:“buồn trái tim hẹp/ buồn lý trí ác ôn/ buồn cả cuộc đời/ chả vui hết ngày” (Nỗi buồn tháng 4); “không bao giờ ngớt nỗi buồn trên cây” (Thư tháng 6); “nỗi buồn lặn sâu cào xới những rạn nứt” (Một buổi chiều mùa hè)
Thế giới ấy đầy những cơn đau: “cơn đau tình ái/cơn đau bệnh đời/ cơn đau của cái chết” (nàng không thể cạo hết nỗi buôn của nàng”
Thế giới ấy đang trổi dậy bản năng gốc:“Những người đàn ông ngồi nhậu với thịt mèo/ Thịt chuột như là một thứ ăn chơi sành điệu/…họ trở thành những kẻ tội lỗi/Với những con vật vô tội/ Có kẻ thì hả hê ta đã ăn được những con mèo đẹp mình thon, thịt thơm”
Thế giới ấy đầy dối trá: “không phải sự tận hiến nào cũng làm cho tình yêu vĩnh cửu vì sự phản bội đan xen và xâm lấn như sự ngấm ngầm của thói quen đầy dối trá” (Phản bội)
Thế giới ấy cái ác rập rình: “làm gì có tình yêu/ cơ hội và luôn là cơ hội/ của những kẻ săn mồi” (Một buổi chiều mùa hè); “họ im lặng giết nhau bằng thứ bạo lực không âm thanh không giai điệu họ trốn tìm nhau như con thú ác” (Tình yêu thời này).
Thế giới ấy khiến “nàng biến thành một con sâu rồi sinh ra cả một đàn sâu” và đến lúc “người đàn bà ăn cả đàn sâu/ trong đĩa” (Hoa tử cung), hết sức siêu thực khiến ta giật mình.
Và tất cả làm cho nàng trong cơn chán nản muốn đào hố chôn hết: “tự chôn mình, chôn cả linh thiêng, tận hiến/ chôn cả trái tim và bộ óc đủ đầy lý trí thị phi/ chôn đôi bàn tay viết lách trên những con chữ vô nghĩa và tình yêu trở thành phù phiếm” (Một buổi chiều mùa hè)
Thế giới ấy làm cho nàng tuyệt vọng, mệt nhoài, nàng có những toan tính để thoát khỏi thế giới. Những toan tính của nàng lại khiến chúng ta âu lo: “ta sẽ lấy những bàn chông siết chặt vào cái cổ/ ta sẽ lấy con dao phay khổng lồ chặt những đôi bàn tay, những đôi bàn chân, treo cổ trên cây bằng dây thừng/ ta sẽ kẹp những ngón tay viết lách cầm bút/ ta sẽ đổ thuốc độc qua cái phễu vào mồm và kéo chân của kẻ tử tù bằng ròng rọc/ ta sẽ chém cho đầu rơi vào túi rách nát/ ta sẽ đeo mặt nạ sắt với kẻ thù/ ta sẽ chết” (Lâu đài mùa xuân một buổi chiều)…
Nhưng thế giới ấy lại khiến nàng phải tin vào những điều đáng tin để tồn tại:“tin vào sự an nhiên/ tin vào sự cô độc/ tin vào sự kiếm tìm” (Tuyệt vọng tháng 5)…
Vậy cái gì dành cho tưởng tượng thi ca? Trong rất nhiều thứ tưởng tượng, có cái tưởng chừng như tưởng tượng mà lại rất thực: “Người đàn bà điên như nô lệ của chữ nghĩa, thi ca, trút ra…”(Mặt trời và người đàn bà điên)
Tình yêu thi ca của nàng mãnh liệt đến độ nàng đã tưởng tượng muốn được “ăn” tất cả. Đây là lần thứ hai ta gặp nàng “ăn”. Nhưng cái ăn này khác cái ham muốn “ăn cả cơ thể của anh”, bởi nàng muốn ngấu nghiến tất cả vì thơ, để làm nhựa sống cho nham thạch thơ của Tác giả - Nàng: “nàng muốn ăn được cả vạn vật trên thế giới”, “nàng muốn ăn cả những mái tóc xù”, “nàng muốn ăn cả những lời thối tha”, …; chỉ để “sau khi người ta đọc và ăn những bài thơ bằng mắt, ý nghĩ/ bằng cách nào đó/ nàng tiếp tục viết/ ăn cả loài người/ bằng ngòi bút/ trên bàn phím…” (Nàng thơ).
Bởi thi nhân muốn sẻ chia trong một nhân loại đầy những con người vô danh và cô đơn:
“Một người nằm xuống/ tôi mới biết rằng con người đó tồn tại/tài hoa/ tử tế/ thế giới thật rộng lớn/ khi sự hiểu biết của tôi còn giới hạn/ tôi nghiêng mình trước một người xa lạ/ thành thân quen/ tronng thế giới loài người”…(Cuộc thế).
*
Những dòng nham thạch ấy đã chảy thành những nhịp điệu riêng của Như Quỳnh de Prelle, những nhịp điệu mãnh liệt nhất, tha thiết nhất, day dứt nhất khi nó được thể hiện bởi dụng ý lặp chữ: “có lúc nàng tuyệt vọng như một đám tang suốt mùa/ có lúc nàng nhẹ dạ ngô nghê trao gửi không hề hấn chi/ có lúc nàng tin tin vào ngọn cỏ”, “những ngày mưa tháng 6 triền miên như khóc như khóc”, “những đàn kiến lầm lũi lầm lũi cặm cụi cặm cụi”,”anh nằm trên ngón tay em lặng im lặng im”, “em chỉ yêu thôi/ chỉ yêu thôi/ vô sở cầu vô sở cầu”…
Chữ thật sự quan trọng đối với thi nhân, vừa giúp trãi lòng trong kiếp người cô độc, vừa đọa đày trong cơn hoan lạc sáng tạo: “Chữ làm tình làm tội”, “chữ như thân phận”, “mỗi ngày chữ sinh ra/ bao nhiêu luyến ái”, “chữ rửa tội/ cho những tội đồ”, “chữ xưng tội/ với người”… (Chữ). Với những khả năng câm nín, truyền tải đồng vọng và bao dung ấy, khiến cho thi nhân: “tin chữ/ hơn tin người”…(Chữ). Nhưng chữ đối với Như Quỳnh de Prelle, như đã nói, không hề là những bí từ đánh đố, không hề mang tính ẩn mật cao, bởi người thơ đã muốn nói thẳng tất cả những gì mình cảm nhận bằng một thứ ngôn ngữ hết sức rõ ràng, dễ hiểu, dẫu có khi là một cú nói thẳng “tôi ước gì tôi là một con bò” (Hiện sinh), hay dẫu đôi khi là một ẩn dụ hiển nhiên: “mùa đông còn lại trên chiếc khăn choàng của em” (Mùa đông còn lại)…
Nhưng không vì vậy mà có thể nói “Song Tử” là tập thơ dễ đọc. Khi đọc tập thơ này, tôi đã nhiều lần đứng dậy mở cửa sổ để thở, để thoát khỏi thế giới thơ đang bị đốt cháy bởi nham thạch, xem thế giới ngoài kia mình đang nhìn lại có tồn tại thực hay không? Bởi thế giới của thơ Như Quỳnh quá rộng với những tâm tưởng lạ, ngập những bức bối day dứt ám ảnh về cõi nhân gian, tràn sức nóng; nó cuồn cuộn dung nham tự sự lịch đại, đồng đại giữa tình yêu và loài người, tình yêu và thi ca, chữ và thi nhân… Để làm gì? Là chỉ để như Tác giả - Nàng nói: “Thi ca của nàng tìm kiếm sự kết nối trong mọi trạng thái tương tác của con người, mọi trạng huống, ngẫu nhiên mà trùng lặp như một sự phân tâm của mối quan hệ tương hợp” (Thi ca hiện sinh). Dẫu nhiều khi nàng thảng thốt: “Thơ ca trong em bất lực/ không đủ đầy sẻ chia/ để cất lời/ để nói bằng tiếng yêu như nó vốn có”…(Và anh tồn tại).
Ôi thi sỹ giữa thế giới, thơ chỉ là một giải bày, một khát khao nhỏ nhoi về một thế giới tốt đẹp hơn, và chính vì thế nó bất lực và nó cô đơn hơn bao giờ hết, giữa muôn trùng vô cảm hôm nay.
H.Đ.T.N.
DƯƠNG PHƯỚC THU
Kể từ lúc thị xã Huế được nâng lên cấp thành phố, cho đến khi người Nhật làm cuộc đảo chính hất chân người Pháp khỏi đông Dương vào ngày 9/3/1945 thì Huế vẫn là thành phố cấp 3, nhưng là thành phố của trung tâm chính trị, văn hóa, nơi đóng kinh đô cuối cùng của nhà nước quân chủ Việt Nam.
HỒ VĨNH
Thi hữu Quốc Hoa Nguyễn Cửu Phương là một thành viên trong hội thơ Hương Bình thi xã do Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm hội chủ. Năm 1933 thi đàn đặt tên là Vỹ Hương thi xã, qua năm 1950 các thi hữu bắt đầu đổi tên Vỹ Hương thi xã thành Hương Bình thi xã.
Mùa xuân chiếm một ví trí quan trọng trong thơ Nguyễn Trãi. Xuân hiện lên bằng nhiều vẻ dáng khác nhau, được khắc họa bằng nhiều cung bậc khác nhau. Mỗi một bài thơ xuân như là một trang nhật kí và cảm xúc của cuộc đời thi nhân.
Đọc sách Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý (ảnh, NXB Khoa học xã hội, Sách Khai tâm, quý 1/2015) của Hoàng Xuân Hãn là cách để “gặp lại” danh tướng Lý Thường Kiệt.
CAO HUY THUẦN
Từ trong mênh mông, một sợi mưa rơi vào lá sen. Nước vốn không có hình. Nằm trong lá, nước tròn như một viên ngọc, tròn như một hạt lệ, tròn như một thủy chung. Gió thoảng qua, lá sen lay động, nước rơi không để lại một dấu vết, rơi như chưa bao giờ có, rơi như một hững hờ.
NGUYÊN QUÂN
Những lúc bứt thoát được những hệ lụy cuộc sống, tôi chỉ thích được lang thang lên mạng, mong bắt gặp một câu thơ, một dòng văn nào đó gần gũi với tâm trạng để ru dỗ mình bằng những phút giây đồng điệu.
Trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam, Tế Hanh có dáng vẻ của một thi sĩ hơn cả, không phải chỉ bởi “đôi mắt nồng nàn lạ” (Hoài Thanh-Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam) mà còn là, hay chính là, bởi vẻ buồn ngơ ngác của ông, không phải chỉ trên vẻ mặt mà cả trong cách hành xử, ứng đối của ông với mọi người, mọi sự.
DA VÀNG
(Đọc tập thơ Tùng Gai của Bạch Diệp, Nhà xuất bản Văn Học, 8/2014)
NGUYỄN VĂN NHẬT THÀNH
Đồng hành cùng cuộc chuyển mình lớn lao của đất nước, văn học Việt Nam sau 1975 chứng kiến cuộc vật lộn âm thầm nhưng quyết liệt của bao văn nghệ sĩ trên hành trình tìm kiếm “sinh lộ” mới cho văn chương Việt.
Kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 -2014), NXB Quân đội Nhân dân vừa ấn hành cuốn sách Về cội nguồn Quân đội Nhân dân Việt Nam.
YẾN THANH
“Nếu nói một cách đơn giản rằng Đông phương luận hiện đại là một khía cạnh của cả chủ nghĩa đế quốc lẫn chủ nghĩa thực dân thì sẽ ít ai có thể tranh cãi được. Tuy nhiên, nói như thế chưa đủ. Cần phải trình bày nó một cách có phân tích, có tính lịch sử”. [Edward Wadie Said, Đông phương luận, Nxb. Tri thức, 2014, tr.200]
NGUYỄN KHẮC VIỆN
Với một Gavroche, Victor Hugo đã viết nên những trang bất hủ. Trẻ em của chúng ta đã anh dũng, hồn nhiên tham gia cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ của cha anh, dẫu chỉ một vài cá nhân; thế mà sách vở về mặt này còn quá ít. Nhà văn Việt Nam còn mắc nợ các em rất nhiều.
"Hạnh phúc tại tâm" là cuốn sách mới nhất của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa được dịch ra tiếng Việt. Sách chỉ ra hạnh phúc nằm trong bản thân mỗi con người, ở từng thời điểm chúng ta sống.
LÊ MINH PHONG
Chúng ta không rũ bỏ được Thượng Đế
Vì chúng ta vẫn tin vào ngữ pháp
(Nietzsche)
DƯƠNG PHƯỚC THU
Chiều ngày 12/5/2014, tôi nhận được món quà vô cùng quý giá, đó là cuốn sách Hải Triều Toàn Tập do chính gia đình của Nhà văn hóa, Nhà báo Hải Triều gửi tặng.
Nhà văn Trang Thế Hy đã bước vào tuổi 90. Một đời viết kéo dài suốt 70 năm, ông không viết nhiều nhưng hễ công bố tác phẩm là làng văn phải “giật mình”
Xin nói ngay rằng, đọc tập truyện Giọt nước mắt màu đất của Đức Ban (NXB Hội Nhà văn 2014), với tôi Chốn xưa là một truyện ngắn hay.
PHẠM XUÂN DŨNG
Trong số các nhà thơ, nhà văn quê hương Quảng Trị, Vĩnh Mai không phải là một tên tuổi lớn như Chế Lan Viên hoặc Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng ông vẫn là một tác giả đáng ghi nhận, một nhân cách đáng kính, một người trí thức đầy lòng tự trọng, một người yêu nước chân chính.
THẢO LINH
Đà Lạt thành phố của ngàn hoa với những con đường trập trùng quanh phố núi với ảo diệu sương mù. Đà Lạt với cảnh sắc hữu tình và thơ mộng đã đi vào thi ca, nhạc họa từ bao đời nay và còn tiếp tục làm say lòng bao người đến kẻ đi.