TRẦN THỊ KIÊN TRINH
Là em gái của anh nhưng khi tôi được sinh ra anh đã tròn hai mươi tuổi. Những gì nhớ về anh chỉ là ký ức tuổi thơ trong khu vườn tranh thỉnh thoảng anh về.
Nhà thơ, liệt sĩ Trần Quang Long
Trong các anh em trong gia đình, tôi có cái gì đó đặc biệt với anh hơn các anh em khác: Anh đã đặt tên cho tôi khi tôi mới chào đời - Trần Thị Kiên Trinh. Anh đã xây dựng hạnh phúc gia đình cho tôi với người bạn rất thân của anh - anh Nguyễn Hữu Ngô.
Những gì tôi biết về anh những ngày anh còn là sinh viên Đại học Sư phạm Huế, những ngày hoạt động trong lòng địch đều qua lời kể của anh Nguyễn Hữu Ngô và những người bạn của anh. Tôi đặc biệt quý trọng anh, tự hào về anh, thấy thật gần với anh... và tôi muốn viết tiếp điều gì đó về anh. Và cơ duyên “anh đã dẫn dắt tôi” gặp được anh Lê Công Cơ vào một ngày cuối năm 2016, nghe anh kể về anh trai mình những năm hai anh cùng gặp mặt, sống chung với nhau. Anh Lê Công Cơ đã từng là thủ lĩnh phong trào sinh viên học sinh ở miền Trung, hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng. Hai anh đã có những năm tháng hoạt động cùng nhau trong những năm từ 1963 - 1966. Hai anh biết nhau vào khoảng năm 1963 qua lời giới thiệu của anh Lê Hiếu Đằng. Quán cà phê cô Dung (ở trong Thành nội, Huế) là nơi các anh lần đầu biết mặt nhau. Lúc đó, vấn đề các anh quan tâm là tình hình Phật giáo tại Huế đang bị đàn áp. Dù gia đình theo đạo Tin Lành nhưng anh Long hết lòng ủng hộ Phật giáo và muốn làm điều gì đó để hỗ trợ phong trào Phật giáo!
Trong lần gặp thứ hai, anh Trần Quang Long đã đề nghị lập cà phê Quán Bạn. Quán Bạn - tên quán là gợi ý của giáo sư Đỗ Long Vân. Đề xuất của anh được anh Lê Công Cơ đồng ý. Quán Bạn ra đời với sự góp sức của những người anh Long quen biết, hầu hết là các nhà giáo ở Viện Đại học Huế, những người nhiệt tình và có tư tưởng ủng hộ Phật giáo, trong đó phải kể đến các anh Nguyễn Hữu Ngô, anh Hồ Đăng Định, anh Lê Văn Sâm… là những người đã đứng ra thuê địa điểm ở 23 Đào Duy Từ - Huế (thời đó). Mới đầu, quán rất khó khăn, các anh đã đóng góp từng chiếc ghế cái bàn, ly cốc lấy từ nhà mang đến…
Quán Bạn đã thu hút khá đông những gương mặt có uy tín và có ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào đô thị tại Huế. Anh Long đã sáng tác bài thơ như một “tuyên ngôn của nhóm” nhưng rất tiếc anh Cơ không nhớ được. Quán Bạn hoạt động không được bao lâu thì khoảng cuối năm 1964 đã bị chính quyền Thừa Thiên giải tán. Chúng dùng đủ chiêu trò để quậy phá kể cả dùng bọn du đảng. Quán Bạn tan rã, những người cốt cán mỗi người một ngả; anh Trần Quang Long lại tham gia vào nhóm “Tuyệt tình cốc” do hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan sáng lập.
Tết năm 1965, các anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Minh Triết, Lê Tử Thành, Phan Duy Nhân và anh Trần Quang Long được anh Lê Công Cơ đưa về vùng giải phóng Quảng Nam gặp các anh ở Khu ủy khu V tại làng Quang Hiện, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Các anh được ăn tết và bàn việc tại đây. Địch vào càn quét tận Điện Bàn, anh em phải chia nhau rúc hầm bí mật nước. Đây là loại hầm mà hầu hết các anh chưa chui vào lần nào, chưa có chút kinh nghiệm nào để vào được. Hầm bí mật nước là loại hầm đào dọc sông nhỏ ở Quang Hiện, muốn núp phải lội xuống sông men theo bờ và rúc vào miệng hầm nằm dưới mặt nước khoảng một mét. Phải lặn xuống chui vào, và trồi lên bên trong. Hầm nằm trong một bờ tre dày đặc tua tủa gai nhọn. Cũng may anh Long là người bơi giỏi. Hồi còn là sinh viên, anh Long và anh Nguyễn Hữu Ngô vẫn thường thi nhau bơi từ cầu Trường Tiền đến cầu Mới.
Chuyến đi đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng mỗi người.
Tập san (có thể xem là tờ báo) được các anh Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan phụ trách đã gây được tiếng vang tại Huế và Đà Nẵng, với nội dung đậm lòng yêu nước, chống đàn áp Phật giáo, chống độc tài tay sai ngoại bang.
Sau đó anh Long và anh Lê Phước Thúy bị điều động vào dạy học tại trường Cường Để, Quy Nhơn.
Tháng 3 năm 1966, phong trào chống Thiệu Kỳ diễn ra ở khắp các thành thị miền Nam, anh Long, anh Thúy ở Quy Nhơn, và lực lượng cơ sở cách mạng cốt cán tại Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn phối hợp nhau đấu tranh dưới sự chỉ đạo của Khu ủy khu V và Trị Thiên - Huế.
Phong trào ở Quy Nhơn bị đàn áp, anh Long bị đánh gãy chân và sau đó vào điều trị tại Sài Gòn. Phong trào chống Mỹ - Thiệu tạm lắng.
Tháng 6 năm 1966, anh Long lại có dịp gặp lại anh Lê Công Cơ ở Sài Gòn. Anh Cơ lánh vào Sài Gòn vì chính quyền Thừa Thiên bố ráp quá gắt gao!
Hai anh, người dưỡng thương người lánh nạn gặp nhau như cá gặp nước, như nắng hạn gặp mưa. Không phút ngơi nghỉ, các anh đã bàn nhau về Cần Thơ. Anh Long tiếp tục sáng tác, tiếp tục hoạt động bằng những vần thơ hừng hực lửa đấu tranh. Khách sạn Vân kiều - Cần Thơ là nơi ra đời tập thơ “Tiếng hát những người đi tới” chỉ trong một tháng. Những ngày sống bên nhau ở Cần Thơ, hai anh càng hiểu nhau hơn càng mến tài nhau hơn. Anh Long có biệt tài làm thơ rất nhanh, chỉ cần nêu chủ đề là anh có ngay bài thơ đúng đề tài đó.
Trong một lần nói chuyện, anh Lê Công Cơ có nhận định về phong trào đô thị miền Nam đã lớn lên không ngừng và đó là gợi ý cho bài thơ “Lớn lên không ngừng” ra đời. Thỉnh thoảng để tránh sự chú ý của địch, hai anh thường thay đổi chỗ ở, lúc Sài Gòn, lúc Cần Thơ. Ở sài Gòn, nơi tá túc an toàn là nhà anh rể của anh Long ở cư xá Bắc Hải, nơi dành cho sĩ quan của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.
Sau một thời gian ngắn bên nhau, tình hình tạm ổn, hai anh chia tay nhau vào khoảng tháng 8 năm 1968. Anh Lê Công Cơ trở về Huế, anh Trần Quang Long tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn - Cần Thơ. Và đó là lần cuối cùng hai anh gặp nhau, rồi vĩnh viễn anh Cơ không còn thấy anh Trần Quang Long lần nào nữa.
Ngày 11 tháng 10 năm 1968, anh Trần Quang Long mãi mãi ra đi ở tuổi 27, tại biên giới Tây Ninh - Campuchia.
Khép lại một đời người nhưng vẫn còn đó những bài thơ rực lửa đấu tranh, những tập thơ còn thấm máu lúc hy sinh. Vẫn còn đó những kỷ niệm đẹp thời trai trẻ trong lòng bạn bè.
![]() |
Giải cống hiến của Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng anh (lần thứ nhất, ký ngày 27 tháng 3 năm 2017) là một sự ghi nhận dành cho anh - một người tài hoa của đất nước, tôn vinh những tác phẩm văn học làm nên tên tuổi anh.
Bạn bè luôn nhớ về anh. Em vẫn thường tâm sự với anh, vẫn luôn gọi tên anh: Anh Trần Quang Long - người anh yêu kính!
Huế, ngày 30 tháng 8 năm 2017
T.T.K.T
(SHSDB27/12-2017)
Sau khi hoàn tất bản thảo tập thơ Độc Hành thì nhà thơ Hải Bằng cũng “độc hành” về chốn vĩnh hằng vào ngày 7 tháng 7 năm 1998.
CÁT LÂM
Bình đẳng giới, nữ quyền, những vấn đề tưởng như mới mẻ ở nước ta nhưng thực chất vấn đề này đã được luận bàn từ những năm đầu của thế kỷ XX.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ghi chép
Trước, và ngay cả khi vừa giải phóng, vào lúc gần tối, nếu có một người khách nào đón đường gọi xe thồ, xe xích lô xin về làng Thế Lại, thì sẽ bị chủ xe lắc đầu ngay. Bởi chủ xe sợ một điều này: có đi mà không có về. Hoặc ít nhất là cũng về hai tay trắng.
NGUYỄN QUANG HÀ
Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Quảng Điền ở mãi dưới sâu, phải mượn địa bàn của xã Phong Sơn huyện Phong Điền làm chiến khu.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ngoảnh đi ngoảnh lại, vừa mới đó, vậy mà đã 100 số Sông Hương trình làng.
PHẠM HỮU THU
Ghi chép
Ngót nửa thế kỷ trôi qua, từ những chàng trai, cô gái giờ họ đã là những ông, những bà.
NGUYỄN QUANG HÀ
Hồi ký
NGUYỄN QUANG HÀ
Năm 1947 có hai chiến sĩ được cử về công tác tại chiến khu Ba Lòng. Đó là Trần Quốc Tiến, quê Quảng Trị và Hải Bằng, quê Thừa Thiên.
BẠCH DIỆP
Bút ký
Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ hàng. Khi bọn trẻ cùng lứa đánh khăng tập trận, chạy băng vườn cải mụ Tép, vượt rào bứt dưa hấu nhà ông Phường, phá nát ụ rơm cậu Dưỡng, thì tôi vẫn ngồi yên nghe ngoại kể chuyện. Chỉ có trò họp chợ, chơi mua bán với các dì mới rứt tôi ra khỏi ngoại.
NGUYỄN QUANG HÀ
Hồi ký
Mùa mưa 1968 là mùa mưa nghiệt ngã nhất. Sau trận càn lớn chưa từng có lên miền tây Thừa Thiên, địch tiếp tục phong tỏa miền núi bằng biệt kích.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Ghi chép
Từ mùa xuân năm ấy đến nay vừa tròn 30 năm, chẳng phải vì con số tròn ba thập kỷ mà tôi nhắc lại chuyện cũ. Chỉ vì từ mùa xuân năm ấy, cuộc đời tôi có một bước ngoặt mới và nhờ có mùa xuân năm ấy, cuốn sách đầu tay của tôi đã ra đời.
HỒ THANH THOAN
Đã gần 34 năm nay chúng ta không còn nghe đến tên Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên nữa, chuyện đã trở về dĩ vãng của một thời vàng son.
CHÂU PHÙ
Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968) sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Huế, tinh thông Nho học và chữ Pháp. Cụ cùng Ưng Bình Thúc Giạ Thị thành lập Hương Bình thi xã và giữ vai trò phó soái của thi xã này.
LỆ HẰNG
Bút ký dự thi
"Bánh lọc em ơi! Bánh mới hấp xong, nóng hổi luôn nì, lấy giùm chị ít chục hí?”
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Mấy năm trước, trong dịp cùng lên thăm vườn An Hiên của bà Nguyễn Đình Chi, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã giới thiệu cho tôi biết cụ Sa Giang Đào Thái Hanh (thân phụ của bà Nguyễn Đình Chi, tức bà Đào Thị Xuân Yến) có tập thơ "Ái Châu danh thắng" (trong "Mộng Châu thi tập") được các danh nho đương thời đánh giá rất cao.
NGUYỄN QUANG HÀ
Bút ký
BẠCH DIỆP
Bút ký dự thi
Tôi uống chậm, từng ngụm nhỏ.
VIỆT HÙNG
Ký
Tuổi hai mươi tràn trề hoài bão lớn và tuổi hai mươi... Ở thời đại nào cũng được coi là lứa tuổi hồn nhiên trong sáng, ấp ủ bầu nhiệt huyết, khát khao làm được cái gì có ích cho đời.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Ghi chép
Trời bỗng nhiên mưa, những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa rét đậm. Với tôi, hình như mưa bao giờ cũng là cánh cửa mở cho những vũ khúc hoài niệm ùa về.
LỆ HẰNG
Bút ký dự thi
“Thấu Huế rồi.”