Nhân tuần văn hóa Huế nói về món ăn cung đình

15:03 16/12/2009
TÔN NỮ NGHI TRINHNói đến lối ăn Huế người ta nghĩ ngay đến cung cách ăn uống trong cung đình, vì Huế đã từng là thủ phủ của Đàng Trong từ thế kỷ XVII rồi trở thành kinh đô của cả nước từ thế kỷ XIX. Ngần nấy thế kỷ cũng đủ cho Huế trở thành một trung tâm chính trị và văn hóa, trong đó văn hóa ẩm thực giữ một vị trí quan trọng, mà những món ăn trong cung đình là sự chọn lựa tối ưu.

Món ăn cung đình Huế - Ảnh: greentravelviet.com

Sách "Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ" do Nội các triều Nguyễn biên soạn viết rằng: "Phàm hàng ngày tiến các thứ ngọc thực, mỹ vị đều chuẩn bị theo đúng cách thức nấu món ăn mà làm (...). Như khi phụng mệnh truyền tiến phẩm vật mỹ vị, thì kính cẩn cung biện. Phàm thứ gạo quí nào giành cho vua dùng, thì chiếu cho Bộ Hộ chuyển tiến, mỗi tháng ba lần, phải kính cẩn kiểm tra cho đủ. Đến như nước lã dùng hàng ngày, cung tiến vào trong cung ngự (...) phải kính cẩn coi xét, lọc gạn trong sạch cho đúng phép. Về phần hộ kiếm cá tươi, hộ kiếm củi, hằng ngày cung củi đóm, đều chiếu số đăng ký cho đủ dâng dùng. Phàm khi nấu món ăn, cốt phải mười phần tinh sạch". Xem vậy đủ biết việc ăn uống trong cung đình xưa rất được coi trọng, nhưng ta vẫn chưa biết vua chúa xưa ăn uống như thế nào.

Sách Đại Nam thực lục cho ta biết Quang Lộc Tư là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức những bữa đại yến của triều đình, có bàn tiếp sứ thần hay bàn yến cho các tân khoa đỗ tiến sĩ. Những bữa ăn đó được chia làm mấy loại như sau:

- Đại yến           161 món                      
- Yến đặc tiệc    50 món                        
- Ngọc yến        30 món.
- Cỗ chay loại I  25 món
- Cỗ chay loại II 20 món

Còn những bữa ăn hàng ngày của vua thì ghi rõ mỗi ngày vua "thời" ba bữa như sau:

- Ăn sáng lúc 6 giờ        12 món
- Ăn trưa lúc 11 giờ       50 món mặn, 16 món ngọt
- Ăn tối lúc 5 giờ chiều  50 món mặn, 16 món ngọt.

Sách trên chỉ ghi số lượng món ăn mà không nói rõ tên món ăn.

Nhưng sách ĐNHĐSL thì ghi rằng vào nửa đầu thế kỷ XIX, khi đãi yến sứ nhà Thanh thì:

- Cỗ hạng nhất 50 bát và 16 đĩa; Cỗ hạng nhì 40 bát và 12 đĩa; Cỗ hạng ba 30 bát.

Các món được liệt kê như sau: 1. Yến sào, 2. Vây cá, 3. Bào ngư, 4.Nhu ngư, 5. Bông bóng cá, 6. Gân hươu, 7. Cá viên, 8. Gà quay nguyên con, 9. Tôm to, 10. Thịt dê, 11. Dạ dày lợn, 12. Cua biển, 13. Gà ninh nguyên cả con, 14 thịt móng ngựa, 15. Gà quay, 16. Cá giấm, 17. Vịt ninh nguyên cả con, 18. Thịt vịt quay, 19. Chim bồ câu trắng ninh, 20. Bồ câu trắng quay. 21.Thịt lợn ninh, 22. Lợn quay, 23. Lợn luộc, 24. Mõm lợn quay, 25. Giò lụa, 26. Giò hoa, 27. Chân lợn ninh, 28. Thịt ngang quay, 29. Ngan ninh, 30. Chả rán, 31. Thịt gà chặt, 32. Thịt ngỗng quay, 33. Thịt tẩm bột nướng, 34. Miến, 35. Chè trứng gà, 36. Chè hạt sen, 37. Bánh lá gai, 38. Bánh tiễn đôi, 39. Bánh uyển cao, 40. Bánh bột vàng, 41. Bánh bột ngũ sắc, 42. Bánh trứng gà, 43. Bánh bao, 44. Bánh sắn trắng, 45. Bánh bột sắn vàng, 46. Bánh bột lục bách, 47. Bánh củ cải, 48. Bánh đa, 49. Bánh hồng, 50. Bánh hình củ gừng, 51. Bánh trứng sẻ, 52. Bánh rán vừng, 53. Bánh thạch hoa, 54. Cơm nếp lam, 55. Xôi đỏ, 56. Mứt bát bảo, 57. Mứt tứ linh, 58. Mứt màu hoa, 59. Mứt màu quả, 60. Mứt bí. 61. Mứt táo, 62. Mứt gừng, 63. Đỗ lạc, 64. Hạt dưa, 65. Táo mật, 66. Đường phèn, 67. Kẹo mạch nha, 68. Kẹo hồng, 69. Kẹo cam, 70. Kẹo củ cải, 71. Kẹo long nhân, 72. Kẹo sơn trà.

Căn cứ vào thực đơn ta cũng có thể rút ra một nhận xét rằng vua chúa Việt Nam xưa không đòi hỏi các thứ "kỳ trân dị thảo" trên rừng dưới biển. Thực phẩm chủ yếu dùng trong các bữa ăn hàng ngày cũng như trong các bữa đại yến cũng chỉ là những vật nuôi và cây trồng thông thường, như bò lợn gà vịt... và rau củ thường ngày. Hãy xem trong 72 món dùng để tiếp sứ Tàu, chỉ có 4 thứ đặc sản biển là vây cá, bào ngư, nhu ngư và bong bóng cá, một thứ quí hiếm là yến sào (thời đó cũng chưa phải là hiếm), ngoài ra không có một thứ thịt thú rừng nào (trừ món gân hươu, nhưng hươu cũng có thể nuôi trong nhà). Chỉ trừ những bữa cỗ cúng thần hay cúng các vị tiên đế và sinh nhật vua thì bắt buộc phải có thịt thú rừng. Mỗi lần như vậy phải bắt cho được 10 loại thú rừng, nhưng không nói rõ là những loại thú nào. Tuy nhiên trong các món đồ cúng, ta thấy có nói đến thịt hươu và lợn rừng, đôi khi có thịt trút (xuyên sơn giáp) và công, cùng với đuôi cá sấu.

Thi tập "Thực phổ bách thiên" - Ảnh: mienthuy.com

Tập sách mong được phát hành lại gần đây ở Huế tên gọi Thực phổ bách thiên, tương truyền là do bà Trương Đăng Thị Bích (cháu nội của phụ chính đại thần thời Tự Đức là Trương Đăng Quế, quê ở Quảng Ngãi), vợ của Hiệp tá đại học sĩ Hồng Khẳng (con của Tùng Thiện Vương Miên Thám) sáng tác vào cuối thế kỷ XIX, gồm 102 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, hướng dẫn cách làm 100 món ăn. Đây là tài liệu cho ta biết được một phần cách nấu nướng của người xưa, ít nhất là cuối thế kỷ trước. Cần xác định rằng đây là những món ăn dùng trong một gia đình quyền quí, nếu không nói là trong cung đình, vì người viết là một phu nhân trong gia đình hoàng tộc. Ta có thể từ đấy mà suy ra cách nấu nướng của cung đình xưa.

Điều thú vị là một trăm món ăn được giới thiệu ở đây không khác gì những món ăn dân dã mà ta thường thấy. Tạm làm một thống kê nhỏ thì thấy thú rừng chỉ chiếm 4% (tức 4 món), trong khi đó thịt gia súc là 17%, gia cầm chiếm 9%, tôm cá 28% là tỉ lệ cao nhất. Nếu tìm những món ăn lạ và đắt tiền như vi cá, hải sâm, yến sào... thì chỉ có 5%. Ngược lại những món ăn bình thường như rau dưa lại chiếm tỷ lệ cao là 28% và các thứ mắm 14%.

Qua lời kể của các bà mệnh phụ đã từng phục vụ trong Đại nội gần gũi với Đoan Huy hoàng thái hậu (mẹ vua Bảo Đại) thì những bữa ăn trong cung không khác bữa ăn của người dân thường là bao nhiêu. Những món được ưa thích nhất vẫn là cá bống thệ kho khô, canh cá óc mó, canh rau mồng tơi, thậm chí cả canh rau tập tàng gồm nhiều thứ rau dại. Còn cơm thì dùng gạo De An Cựu, thứ gạo ngon trồng ngay cạnh kinh thành chứ không phải đưa từ đâu xa. Mặc dù hàng ngày phu nhân các quan trong triều thường cung tiến những món ăn đặc biệt do tự mình nấu vào cung, nhưng đấy cũng chỉ là nghi thức, chứ người trong cung không chuộng những thức ăn đó lắm.

Tóm lại, có lẽ cái khác nhau giữa món ăn cung đình cũng như của các nhà quyền qúi ở Huế, với món ăn dân dã, là cách nấu nướng tinh tế cầu kỳ, và đặc biệt là cách trình bày nghệ thuật, tạo nên sự hấp dẫn về hình dáng và màu sắc.

Tôi được nghe kể về một số món ăn được chuẩn bị tương đối cầu kỳ, tiêu biểu là món "sâu mây". Đây là một loại ấu trùng sống trong thân cây mây, chẻ dây mây ra sẽ tìm thấy. Không hiểu nó có mùi vị thế nào mà các vua chúa xưa lại thích ăn. Người ta phải nhặt những con sâu trên rừng về, đem thả vào ngọn cây mía trong vườn. Con nhộng đục vào thân mía để ăn. Chờ đúng ngày nhộng vừa lớn, người ta chẻ cây mía ra lấy con nhộng đó làm thức ăn. Một món lạ của vua chúa chẳng qua cũng chỉ là một món ăn thường thấy, không tốn công tìm kiếm, nếu so với việc đi săn gấu để kiếm "hùng chưởng" (tay gấu) của vua chúa Trung Hoa thì quả thật là đơn giản.

Có những món ăn nghe tên thì cầu kỳ nhưng vật liệu dùng để chế biến thì thật là đơn giản. Ví như món cháo ngũ sắc. Muốn nấu một tô cháo này thì phải dùng nước luộc mười lăm con gà (theo lời người kể, không hiểu tại sao lại có con số 15 này), nấu các thứ gạo và đậu riêng biệt, mỗi thứ có một màu khác nhau, như đậu đen, đậu đỏ, hạt kê vàng, hạt gạo trắng... Khi đổ vào bát, dùng lá chuối ngăn các thứ cháo màu sắc khác nhau, không để lẫn lộn, nhấc lá chuối ra sẽ có một bát cháo năm màu trông thật là đẹp mắt.

Câu chuyện món ăn cung đình Huế thì còn dài, trong Tuần văn hóa Huế các bạn sẽ có dịp thưởng thức. Vì gần đây một số món ăn đã được các nghệ nhân ẩm thực của Huế phục hồi và giới thiệu ở một số khách sạn lớn. Có lẽ các bạn sẽ không tìm thấy một thứ mùi vị gì mới lạ ở những món ăn cung đình này, nhưng điều chắc chắn là trong cách trình bày, nó sẽ đem lại cho bạn một cảm giác ngon lành để gợi lên những ý tưởng mới lạ.Đó chính là cái biệt tài của người Huế, biến những thức ăn bình dị thành những món ăn cầu kỳ vừa hấp dẫn về mùi vị, vừa thu hút về màu sắc.

T.N.N.T
(123/05-99)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LTS: Đêm 30/8 vừa qua, tại Huế, Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam tổ chức giới thiệu cuốn sách “Phạm Quỳnh - Một góc nhìn”, tập 2 do nhà sử học Nguyễn Văn Khoan biên soạn. Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của Huế đã đến dự và phát biểu ý kiến.

  • BÙI KIM CHI

    “Giữ chút gì rất Huế đi em
    Nét duyên là trời đất giao hòa
    Dẫu xa một thời anh gặp lại
    Vẫn được nhìn em say lá hoa.

    (...)

  • CHU SƠN

    1.
    Này, xa là những cảm nhận chủ quan hàm chứa một góc nhìn giới hạn, tương đối và hoàn toàn xa lạ với những khẩu hiệu thời thượng là vĩnh cửu, muôn năm.

  • TRẦN VĂN DŨNG

    Cùng với rất nhiều nghề thủ công truyền thống trên đất nước Việt Nam, nghề Kim hoàn được biết đến với sự sáng lập của hai vị tổ sư Cao Đình Độ và Cao Đình Hương ngay trên vùng đất Cố đô. Tài năng của các ông đã biến nghề kim hoàn trở thành một nghề thủ công độc đáo, mang đậm sắc thái Việt và được truyền bá khắp ba miền đất nước trong hơn hai thế kỉ qua.

  • LÊ VĂN LÂN

    Hằng năm cứ vào dịp 9/1 (ngày sinh viên học sinh), ngày 26/3 (ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và giải phóng Huế), những người hoạt động trong phong trào (người ta thường gọi là “dân phong trào”) lại họp mặt tưởng nhớ những người hi sinh, ôn lại truyền thống, chia sẻ những trăn trở trước thời cuộc và tự dặn mình phải sống xứng đáng với những người đã khuất, những đùm bọc thương yêu mà nhân dân đã dành cho mình.

  • ĐÀO HÙNG
    (Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam)

    Hồi còn bé, đôi lần tôi được cha tôi là ông Đào Duy Anh, đưa đi chơi và có ghé thăm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Rồi cũng có lần tôi thấy cụ Huỳnh đến gặp cha tôi ở ngôi nhà trên đường Hương Mỹ (nay là Chu Văn An), thành phố Huế.

  • LÊ MẬU PHÚ 
               Tùy bút 

    Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dài hơn 60 cây số, qua nhiều rừng núi với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng và nhận nhiều nguồn nước từ những con thác, rồi sau đó hợp lưu tại ngã ba Bằng Lãng thành một dòng sông, gọi là sông Hương. Từ đó, sông xuôi về biển thêm 30 cây số nữa.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    “Ơi khách đường xa, khách đường xa
    Dừng chân ghé lại Đông Ba chợ mình”

  • TRẦN NGUYÊN SỸ
                      Ghi chép

    Chúng ta thử hình dung Huế như một ngôi nhà cổ, mà con ngõ đón thập khách phía Nam là đoạn quốc lộ từ Thủy Dương xuống Phú Bài thì khỏi cần trả lời câu hỏi: Với Huế, Hương Thủy có quan trọng không?

  • HỮU THU - BẢO HÂN

    Không ít người ở Huế thế hệ sinh năm 1950 đã từng được ngắm cái điệu đà của rong rêu, sự bỡn đùa của từng đàn cá tung tăng theo chiều con nước sông Hương.

  • PHAN THUẬN AN

    Thái giám hay hoạn quan là những người đàn ông không có sinh thực khí, chuyên ở hầu hạ trong hậu cung của vua.
     

  • HỮU THU & BẢO HÂN

    Đường 12 được giới hạn từ ngã ba Tuần lên Bốt Đỏ. Chỉ kéo dài hơn 50 cây số nhưng đây là quãng đường không dễ vượt qua, bởi trước năm 1990, muốn lên A Lưới, từ Huế xe phải chuyển hướng ra Đông Hà, ngược đường 9, đến cầu Đakrong rẽ trái rồi men theo đường Hồ Chí Minh để vào. Thuở đó, đường xa, xe xấu nên cán bộ được phân công lên huyện vùng cao này ai cũng ái ngại và bỏ cuộc.

  • BÙI KIM CHI Tiên tổ phương danh lưu quốc sử Tử tôn tích đức kế gia phong

  • PHAN HƯƠNG THỦY Hệ thống lăng tẩm và Cung điện ở Huế luôn luôn là một đối tượng chính của các nhà nghiên cứu Mỹ thuật, và các nhà nghiên cứu lịch sử Huế đã để lại cho chúng ta những cái mà thời trước không còn.

  • Một số anh chị em ở Huế biết tôi có ghi chép được ít nhiều về Nguyễn Tuân, bảo tôi viết lại và gửi cho Tạp chí Sông Hương. Riêng tôi, muốn tạo một dịp để anh Nguyễn nói trực tiếp với bạn đọc Sông Hương, nên xin được hỏi anh Nguyễn chung quanh chuyện Huế, được anh Nguyễn nhận lời, tôi xin trung thành ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện đó.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANGHiếm nơi nào trên đất Huế có phong thủy hữu tình, trời, đất, nước, người cùng quyện hòa thanh thái trong một không gian xanh ngát xanh như đất thôn Vỹ. Đất này được dòng Hương Giang và phụ lưu Như Ý ôm trọn vào lòng như hai cánh tay của một người mẹ vỗ về.

  • TRẦN THÙY MAI Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế. Với tất cả mọi người, ai cũng thế, sau quê hương lớn là Tổ quốc Việt Nam, đều yêu và đều thích nói về quê hương nho nhỏ của mình, nơi đón tiếp mình từ lòng mẹ và cho mình những ấn tượng đầu tiên về thế giới. Hơn nữa, đó lại là một vùng đất hay được nhắc nhở và ngợi khen.

  • ĐỖ NAM Hàng trăm năm nay ai cũng biết đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có 02 cửa thông ra biển: Thuận An và Tư Hiền.

  • BÙI MINH ĐỨC (Tiếp theo Sông Hương số 267, tháng 5 - 2011)

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC(Kỷ niệm 95 năm ngày mất Thái Phiên - Trần Cao Vân: 17.5.1916 - 17.5.2011)                Bút ký