Nhạc sỹ An Thuyên-bậc thầy của những sáng tác âm hưởng dân gian

15:23 06/07/2015

Nền Âm nhạc Việt Nam vừa phải đau đớn tiễn biệt những vị nhạc sĩ tài hoa liên tiếp chỉ trong một thời gian ngắn, từ Trần Văn Khê, Phan Huỳnh Điều, Phan Nhân cho tới An Thuyên. Trong số này, nhạc sĩ An Thuyên được coi là gương mặt tiêu biểu của dòng âm nhạc dân gian đương đại.

Nhạc sĩ An Thuyên. (Ảnh gia đình cung cấp)

Nhạc sỹ An Thuyên được biết đến từ tác phẩm đầu tay “Em chọn lối này” cho đến các tác phẩm “Ðêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" rồi “Khi xe tăng qua miền quan họ,” “Huế thương” và cả “Neo đậu bến quê”...

Tất cả những bài hát mang âm hưởng dân ca ngọt ngào, sâu lắng đó đã đi vào lòng đông đảo công chúng yêu âm nhạc, khẳng định tên tuổi của ông trong làng nhạc Việt.

Sinh ra và lớn lên từ vùng quê nghèo của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vùng đất gắn liền với nhiều nét đẹp của văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, ngay từ nhỏ nhạc sỹ đã quen với hình ảnh chiều chiều trên những triền đê, đám trẻ chăn trâu thổi sáo, những tiếng sáo diều vi vu sau rặng tre và cả tiếng cồng chiêng giòn giã của đồng bào dân tộc ít người ...

Môi trường đầy chất âm nhạc dân gian đó như dòng sữa mát trong lành tác động trực tiếp đến thiên hướng sáng tác của ông sau này.

Ai đã từng biết đến nhạc sỹ An Thuyên đều phải thốt lên rằng, âm nhạc của ông đưa người nghe về với dòng sông, bến nước, con đò và những gì gắn bó với những miền quê tươi đẹp. Ông đã tạo ra một con đường riêng trong sáng tác với những ca khúc đẹp, mang âm hưởng dân gian.

Sinh thời, nhạc sỹ đã từng chia sẻ, trong số hàng trăm sáng tác của mình ông yêu nhất là tác phẩm đầu tay “Em chọn lối này” bởi ca từ rất hồn nhiên và bản năng. Bài hát xuất phát từ bài dân ca Thái: “Trên rừng nhiều đường lắm lối, em chọn con đường tình yêu của anh suốt đời.”

Ông viết tác phẩm này trong vòng 30 phút khi mới 21 tuổi và chưa học gì về sáng tác nhưng đến tận hôm nay vẫn không thể chỉnh sửa một từ, một nốt nhạc nào.

Lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian nhưng người nhạc sỹ mặc áo lính ấy luôn nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần tuý thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Điều này giúp ông có được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca.

Trong gia tài của nhạc sỹ An Thuyên có nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó không thể không nhắc đến những tác phẩm mang đậm âm hưởng dân gian của các vùng quê trên cả nước như "Huế thương," "Ca dao em và tôi," "Chín bậc tình yêu," "Neo đậu bến quê," "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác"…

Ông cũng viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công; viết nhạc cho phim và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo... Ngoài ra, ông còn sáng tác cho khí nhạc và dàn nhạc giao hưởng.

Nhạc sỹ An Thuyên về trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội làm quản lý từ năm 1991. Dưới sự dẫn dắt của ông, từ một trường ít tên tuổi, trường được lên cao đẳng vào năm 1995 rồi lên đại học vào năm 2006.

Trường cũng đã khẳng định tên tuổi trong sự nghiệp đào tạo nghệ thuật đầy vinh quang. Suốt gần 20 năm, ông đã nhen nhóm rồi cùng tập thể nhà trường thổi bùng ngọn lửa đam mê âm nhạc cho biết bao thế hệ học trò, tạo ra nhiều tài năng nghệ thuật cho Quân đội và cho đất nước.

Khi về nghỉ hưu, ông đứng ra thành lập và được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp hội là một tổ chức phi Chính phủ về văn hóa đầu tiên ở Việt Nam hoạt động với mục tiêu cùng các doanh nghiệp và xã hội phát triển kinh tế-xã hội trên nền tảng văn hóa dân tộc.

Gắn bó và làm Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nhiều năm nhưng nhạc sỹ An Thuyên vẫn không lơ là việc sáng tác. Bên cạnh những tác phẩm đi cùng năm tháng, ông cũng có thêm những ca khúc gắn với thế sự, mang hơi thở thời cuộc.

Trong đó phải kể đến “Tiếng đàn”- ca khúc như tiếng tơ lòng, thể hiện sự kính phục, yêu mến của người nhạc sỹ tài hoa với vị Đại tướng của dân tộc Võ Nguyên Giáp, được sáng tác năm 2013 khi Đại tướng vừa mất.

Tiếp đến là tác phẩm “Hành khúc Biển Đông” ra đời năm 2014 sau những ngày Biển Đông dậy sóng. Bài hát giống như một lời nhắn nhủ người dân Việt Nam hãy đứng lên bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở giữ gìn nên hòa bình chung của thế giới.

Sự thành công trong lĩnh vực âm nhạc của nhạc sỹ An Thuyên đã được ghi nhận. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 với chùm tác phẩm: "Em chọn lối này," "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác," "Hành quân lên Tây Bắc."

Bên cạnh đó, ông còn nhận được tặng nhiều giải thưởng như giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng năm 1984; giải nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985; giải nhất cuộc thi của Bộ Văn hóa-Thông tin và Hội nhạc sỹ Việt Nam năm 1985…

Vị nhạc sỹ đầu tiên được phong hàm Thiếu tướng này cũng vừa vinh dự nhận được giải "Cống hiến cho tuổi trẻ Thủ đô" do Thành Đoàn Hà Nội trao tặng. Chương trình Bài hát Việt trong dịp tổng kết 10 năm cũng trao giải "Cống hiến" cho nhạc sỹ vì những đóng góp cho giải thưởng này ngay từ những ngày đầu.

Bên cạnh những thành công ấy, sinh thời nhạc sỹ An Thuyên luôn tự hào vì mình có gia đình đều làm nghệ thuật và hầu hết đều “ăn lương” Quân đội. Hai người con của ông tham gia hoạt động âm nhạc và đều rất thành công, đó là nhạc sỹ An Hiếu, hiện công tác tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và ca sỹ Bông Mai (trước là thành viên nhóm tam ca Con Gái), hiện công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhạc sỹ An Thuyên vừa bước vào cõi vĩnh hằng song ông đã gửi lại trần thế “Nửa vầng trăng,” những câu dân ca “Đò đưa nhớ Bác” cùng cả một miền “Huế thương” cho những bạn bè, người yêu nhạc, những thế hệ học trò và cộng đồng người yêu nhạc Việt.

Theo Mỹ Bình - TTXVN/Vietnam+

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VĂN CAO

    Sau triển lãm Duy nhất 1944 (Salon Unique), tôi về một căn gác hẹp đầu phố  Nguyễn Thượng Hiền.

  • TRƯƠNG QUANG LỤC  

    Lần đầu tiên tôi quen biết nhạc sĩ Tôn Thất Lập là tại thành phố Hồ Chí Minh sau ngày thống nhất đất nước. 

  • DƯƠNG BÍCH HÀ

    Miền núi phía Tây Bắc huyện Minh Hóa ở Quảng Bình có nhiều nhóm tộc người cùng sinh sống như nhóm người Mày, Rục, Sách, Mã Liềng, A Rem (gọi chung là tộc người Chứt), và tộc người Nguồn (trước kia gọi là người bản địa Kẻ Sạt, Kẻ Xét, Kẻ Trem, Kẻ Pôộc bộ Việt Thường, nước Văn Lang).

  • TRÀ AN    

    Người ta gọi Trịnh Công Sơn là Sứ giả tình yêu, Kẻ du ca về phận người, hay Người tình mọi thế hệ… nhưng có lẽ với tên gọi mà nhạc sĩ Văn Cao đặc biệt yêu mến dành tặng ông: “Con người thi ca” thì chức danh ấy phù hợp hơn cả.

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG  

    I. Vài nét về dân ca Tà Ôi
    Trong hệ thống phân loại, dân ca Tà Ôi có đến 9 làn điệu gồm: Cà lơi, Ba bói, Cha chấp, Xiềng, Ân tói, Babởq, Ra rọi, Roin, Ru akay. Mỗi làn điệu đều có những quy định, cách thức thể hiện khác nhau.

  • Hoàng Nguyễn hiện là giảng viên thanh nhạc Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Anh bước vào nghề hát từ năm 1968. Từ 1973 đến 1978 học thanh nhạc Nhạc Viện Hà Nội, sau đó chuyển về giảng dạy ở trường âm nhạc Huế. Năm 1981 đến 1985 học thanh nhạc tại Bungari. Với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, Hoàng Nguyễn đã góp phần quan trọng vào thành công buổi trình diễn thanh nhạc Thính phòng đầu tiên tại Hội văn nghệ Thừa Thiên - Huế.

  • NGUYÊN CÔNG HẢO  

    Sau Đại hội tháng 01 năm 2013, vừa ổn định xong công việc tôi được nhạc sĩ Nguyễn Trung, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc của tỉnh Bắc Ninh mời đi dự chương trình Liên hoan âm nhạc các tỉnh, thành phố kết nghĩa tại thành phố Huế vào tháng 4 năm 2013.

  • NGUYỄN XUÂN HOA

    Tại Diễn đàn Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương (Forum of Asian and Pacific Performing Art) năm 1996 ở Hyogo, Nhật Bản, những nhạc công Nhã nhạc Huế đã có các buổi giao lưu, cùng biểu diễn với Nhã nhạc Nhật Bản; đồng thời một số nhà nghiên cứu Nhã nhạc của hai nước cũng đã có dịp trao đổi về mối quan hệ giữa Nhã nhạc Á Đông (Gagakư Nhật Bản, Ahak Hàn Quốc, Yayue Trung Hoa và Nhã nhạc Việt Nam).

  • Thất lạc suốt 150 năm - và bị hiểu lầm là tác phẩm của em trai bà – một bản nhạc táo bạo và phức tạp của Fanny Mendelssohn mới đây đã nhận được sự chú ý xứng đáng dù muộn màng. Hậu duệ cách bà sáu thế hệ kể lại câu chuyện.

  • Theo thông tin mới nhận được từ phía Cục NTBD, ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chính thức được cấp phép lưu hành và phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.

  • Gần 1 tháng, sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có công văn yêu cầu tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, công chúng yêu nhạc vẫn chưa hết băn khoăn. Mới đây, việc tìm thấy bản gốc ca khúc “Con đường xưa em đi” lại càng khiến dư luận băn khoăn hơn: Mất bao lâu để nhà quản lý hoàn tất việc đối chiếu giữa bản gốc và dị bản của ca khúc? Sau sự việc này, việc xác minh dị bản ca khúc nói chung sẽ được thực hiện ra sao?

  • Bà Kha Thị Đàng - vợ cố nhạc sỹ Châu Kỳ đã bật mí về con đường mòn xuyên qua một cánh đồng lúa mà bà cho rằng chính con đường này đã tạo cảm hứng cho chồng bà và nhà thơ Hồ Đình Phương viết lên ca khúc “Con đường xưa em đi”.

  • Nói đến văn hóa Quảng Bình, không thể không nhắc đến hò khoan Lệ Thủy. Với lối hát dung dị, mộc mạc và gần gũi, làn điệu dân ca này là món ăn tinh thần bao đời nay của người dân nơi đây. Những ngày qua, hò khoan Lệ Thủy đã vang lên giữa Thủ đô, tạo điểm nhấn trong chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”.

  • Vừa qua UNESCO đã chính thức ghi danh công nhận di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

  • Từng đứng trước nguy cơ mai một, nhưng giờ đây, những làn điệu Then không chỉ đã dần tìm lại được chỗ đứng của mình mà còn đang trên hành trình trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Đó chính là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của các cấp, chính quyền và các nghệ nhân, những người tâm huyết với Then.

     

  • Erik Satie (1866-1925) được các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc ngợi ca vì đã có công mở đường tới chủ nghĩa tối giản trong âm nhạc cổ điển từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

  • Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn giải thích việc gửi văn bản gửi Sở VH-TT TP HCM yêu cầu tạm dừng lưu hành 5 bài hát đã cấp phép phổ biến để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan.