Nhà văn Trần Thùy Mai

16:42 01/04/2009
Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi chị đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng (1975). Tốt nghiệp vào loại xuất sắc, chị được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở trường đại học Sư phạm Huế. Dạy ở trường đại học Sư phạm Huế được một vài năm, chị chuyển sang làm công tác biên tập ở nhà xuất bản Thuận Hóa. Đây là một quyết định khá táo bạo và sáng suốt. Làm việc ở nhà xuất bản, chị có điều kiện viết lách hơn.

Với Trần Thùy Mai “viết để được tồn tại trong những cảnh đời khác, được sống những gì tôi mơ ước, được nói những điều không nói giữa đời thường, là một cách thoát ra khỏi sự hữu hạn của đời người”. Đã mấy chục năm nay chị viết một cách say sưa, lặng lẽ, chăm chỉ, cần mẫn. Những tập truyện ngắn: Bài thơ biển khơi, Cỏ hát, Thị trấn hoa quỳ vàng, Trò chơi cấm, Mưa đời sau, Mưa ở Strasbourg, Một mình ở Tokyo... lần lượt ra đời, khẳng định chỗ đứng của chị trên văn đàn.

Sở trường của Trần Thùy Mai là truyện ngắn. Chị chỉ viết “những gì mình thích, những gì thực sự gắn bó với mình”. Đề tài quen thuộc trong truyện của chị là đề tài tình yêu - một trong những đề tài vĩnh cửu của văn chương nhân loại. Hầu hết những câu chuyện viết về tình yêu của Trần Thùy Mai đều có vị đắng. Cái đẹp và hạnh phúc trong hàng loạt truyện ngắn của chị như Thương nhớ hoàng lan, Gió thiên đường, Đêm tái sinh, Trăng nơi đáy giếng, Cánh cửa thứ chín, Thập tự hoa... đều rất mong manh. Mỗi câu chuyện là một tình khúc buồn, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Những tình khúc buồn ấy nhắc nhở mọi người phải biết tận hưởng, phải biết bảo vệ, phải biết nâng niu, trân trọng cái đẹp và hạnh phúc trong cuộc sống. Cốt truyện của Trần Thùy Mai thường đơn giản. Chị tập trung khai thác, thể hiện thế giới nội tâm nhân vật.

Mốt số tác phẩm xuất sắc của chị đã được dựng thành phim như Thập tự hoa, Gió thiên đường, Trăng nơi đáy giếng. Chị cũng đã nhận được nhiều giải thưởng xứng đáng. Các tập truyện ngắn Quỷ trong trăng - giải B, Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002, Thập tự hoa - giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2003 của Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Văn học Cố Đô năm 2004, Một mình ở Tokyo - giải thưởng hàng năm của Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế năm 2008. Với một bút lực dồi dào và và một giọng văn trữ tình sâu lắng, tôi tin là Trần Thùy Mai sẽ còn gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

     MAI VĂN HOAN giới thiệu


Quỷ trong trăng
                                            Truyện ngắn


(Minh hoạ: Đặng Mậu Tựu)


Nguyệt không đẹp. Mọi nét trên khuôn mặt đều tầm thường, nhưng cả người cô từ đầu đến chân toát lên một vẻ trắng trẻo, mềm mại. Đang đi ngoài nắng nóng ran, vào đến căn chòi lá này, người tôi như dịu xuống khi thấy cô ngồi trong góc, giữa một đoàn thi nhân cổ quái, mỗi người một vẻ.

"Em nghe người ta nói trong hồ Tịnh Tâm có con quỷ. Đàn bà con gái mà vô đây, dễ bị vương lắm, cúng sạch gia tài không hết. Bữa ni anh Tư nài nỉ quá, em mới dám vô đệm đàn cho các anh ngâm thơ".

Tư chồng Nguyệt, râu tóc bồm xồm như một Fakia Ấn Độ, nghe vợ nhắc đến mình, cười rạng rỡ như đứa trẻ. Xem chừng Nguyệt là Quan Âm bồ tát của hắn.

Ngày ấy hồ Tịnh Tâm chưa hoang phế như bây giờ. Vẫn còn một ngôi đền lục giác tuy cũ kỹ nhưng vẫn nguyên lành, trên mặt nước đầy hoa sen. Chếch một bên là túp lều nhỏ của Thìn. Thìn ba mươi hai tuổi, nửa tục nửa tu, được thuê để bảo vệ hồ vì Thìn có võ thiếu lâm. Thìn đa tài, chữ đẹp, biết làm thơ, thích đọc sách thiền. Từ lúc hắn về đây, căn chòi thành tụ điểm để các nghệ sĩ lang thang như chúng tôi nhóm họp. Các nhà thơ dân dã nghèo rớt mồng tơi, chỉ sống nhờ mưa nắng, khí trời và thơ. Một cút rượu đế mệ Năng, mấy dĩa đậu phụng và vài chục con ốc luộc là đủ khơi nguồn thi hứng rồi. Có khi lai láng mãi đến khuya, lại cuốc bộ lên ga, uống với nhau một chén trà đặc, trở về nhìn sương trắng giăng mù trên cây muối rồi quay lại căn lều bên hồ, nằm co quắp bên nhau mà ngủ, sáng dậy thằng này kể cho thằng kia nghe những giấc mơ về sáng.

Từ khi có Nguyệt thỉnh thoảng đến đệm đàn, tôi thường không kể những giấc mơ ra được. Nguyệt xem chừng không có vóc dáng mảnh mai của người đàn tranh, cô có thân hình hơi mập, dáng tròn trĩnh, ức nở. Mỗi khi nhìn Nguyệt tôi thường nghĩ đến những bức tranh thời Phục hưng. Những người đàn bà trong tranh đều có tí khuyết điểm trên thân thể, không hoàn toàn chuẩn về ni tấc, chính vì vậy mà rất gần gũi với cuộc đời. Nguyệt cũng thế, cô có vòng mông hơi lớn, trông nặng nề. Chân cô lại có tật hơi cà nhắc, bước đi khập khiễng lại làm tăng thêm nhược điểm. Vậy mà không hiểu sao, trong mơ tôi thường thấy cô hiện ra từ cái phía khiếm khuyết đáng yêu ấy.

Tư thường nói với tôi, "Tao thích cái chân cà nhắc của Nguyệt, không có nó chắc gì nàng chịu lấy tao". Hắn vừa nói vừa cười hồn nhiên: suốt ngày chạy xe ôm và mơ làm thiên tài. Trong đầu hắn luôn ám ảnh một Bùi Giáng, một Hàn Mặc Tử. Chạy xe ôm mỗi ngày được chục ngàn giao cho vợ mua gạo là đủ, hắn miệt mài la cà với thơ rượu. Cả bọn chúng tôi ai cũng thế, làm cầm chừng đủ sống, không phải vì lười nhưng vì ai cũng thấy cái quan trọng nhất trên đời, đối với chúng tôi, rất khác đối với mọi người. Cả Ngàn Khơi chàng trai thường kiếm sống bằng nghề thổi kèn đám tang. Cả Hoạch với chiếc xích lô cà tàng chỉ chạy mỗi ngày vài chuyến. Cả Thiệp chân cò - chàng sinh viên ra trường không có nhiệm sở, đang còn ăn cơm với cha mẹ và ấp ủ một mối tình vô vọng. Cả Tuấn, anh giáo viên cấp ba giỏi chữ Hán, mê thơ Đường luôn nhận mình là người "hữu tài, vô mệnh". Cả tôi, chàng họa sĩ lận đận bao nhiêu năm chuyên vẽ những bức tranh đồng loạt trên khung để bán cho người phương xa. Không có thơ, đời chúng tôi mất cứu cánh.

Cuối năm con mèo, một nhà thơ lớn từ Bắc vào, chọn mái lều của Thìn làm nơi trú chân. Chúng tôi gọi ông là "Trung niên thi sĩ". Là một người đã nổi tiếng cả nước về thơ ca lẫn cuộc đời bầm dập của mình, ông nhanh chóng được chúng tôi suy tôn làm Tao Đàn Đại Nguyên Súy. Trung niên thi sĩ đóng đô ở xứ Huế thơ mộng dài dài vì mối tình si với một nữ thi sĩ. Nhà thơ đã ngồi lì ở nhà nữ thi sĩ không biết bao nhiêu chiều mưa. Vào chơi những ngôi vườn Huế xanh tươi, ông hái quả ổi, quả khế, quả nào đối với ông cũng là ngọc. Ông lấy bút sắt khắc lên đó những câu thơ tỏ tình, rồi nhờ Tư râu đem đến cho người đẹp. Lúc ấy, nữ sĩ đã xoay xở xin được một lô đất và đang xây nhà, cần gạch ngói, xi măng và sự bảo trợ của các vị chức sắc chứ không cần ổi, khế. Những món quà thơ ngây của trung niên thi sĩ được lãng quên và lăn lóc đâu đó trong căn bếp của nàng. Và cái ông gặt được bao giờ cũng chỉ là những trường ca đầy tuyệt vọng. Dù sao đi nữa, ông là người duy nhất trong chúng tôi có được một điều gì đó để nói và viết về tình yêu. Cả bọn tôi trừ Tư, chưa hề được người đàn bà nào để yên bàn tay trong tay mình. Như tôi... thỉnh thoảng, tôi có biết đàn bà. Những người đàn bà đáng giá ba nghìn một chuyến ở Bến Me hay cửa Ngăn, trong bóng đêm chập choạng. Những cuộc âm dương vội vã ấy chỉ để lại một nỗi mệt mỏi ê chề, một nỗi cảm thương ảo não. Thìn bảo tôi: Thà chết khát, không uống nước bẩn đâu. Hắn lấp kín nỗi thiếu vắng tình yêu bằng cách tập công phu Tây Tạng, một thứ công phu triệt tiêu tình dục. Tôi bảo: "Trái tự nhiên". Thìn cười: "Ông nên đọc thêm về Mật Tông Tây Tạng. Vũ trụ này đầy bí ẩn. Mình tự cho là học nhiều, biết rộng, nhưng cái biết của khoa học chỉ là một tấc so với ngàn thước tâm linh".

Tôi không biết gì về tâm linh. Tôi chỉ là tôi, một xác thân bất toại, không uyên bác và thanh khiết như Thìn, cũng không có được cái giản đơn toại nguyện như Tư râu. Cảnh nhà Tư nghèo, nhưng đầm ấm. Anh chồng vừa làm vừa chơi không bị vợ rầy bao giờ. Nguyệt đi làm ở xí nghiệp thuốc lá. Việc làm có ít, một tuần đi làm, hai tuần phải nghỉ. Thời giờ rảnh, cô thêu áo bỏ chợ. Những ngày hè mát, Tư lấy xe ôm chở vợ và hai đứa con gái sinh đôi đi biển. Nhìn hạnh phúc của họ tôi thèm. Tư cũng râu ria, nhếch nhác, luộm thuộm chẳng kém gì tôi. Hắn chỉ sang trọng nhất đám ở chỗ có vợ.

Bây giờ, Nguyệt đi rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn quay lại trên mặt hồ yên ắng này. Ngày hôm ấy, khi ngồi câu bên hồ, ngực tôi tràn ngập một cảm giác khó tả, một điều gì đấy không sao chịu nổi. Hôm nay nhóm thơ không gặp mặt. Trung niên thi sĩ cùng với Thìn đi chơi thôn Vĩ Dạ. Sao Nguyệt lại đến? Nàng lững thững từ ngoài vào, chân tập tễnh, cả thân mình rung rung. Và rồi nàng ngồi xuống, nhặt lấy miếng mồi móc vào lưỡi câu giúp tôi.

- Tư đâu?

- Dẫn hai đứa nhỏ về quê.

- Nguyệt không thêu?

- Không, chợ ế lắm, người ta chưa đặt. Vả lại-Nguyệt cười mơ hồ, nhìn mông lung ra những lá sen ngoài xa-Có nhiều lúc không cầm kim lên nổi.

Tôi làm ra vẻ hiểu biết:

- Nguyệt làm nhiều nên mệt đó, cần nghỉ ngơi.

Nguyệt lắc đầu:

- Không phải mệt. Mà...em chẳng biết nói thế nào. Mà này, anh Tư em cũng có lúc tỏ ra thông minh, anh ấy bảo: Sao lúc nào em cũng như đang đợi. Thế nhưng em, em cũng không biết mình đợi điều gì.

"Giá như có điều gì để chờ..." Nguyệt vừa lẩm bẩm vừa thở dài. Tôi từng đọc đâu đó trong những cuốn truyện tình nhảm nhí rằng: đàn bà con gái ngồi cạnh đàn ông mà thở dài, kêu buồn, kêu lạnh...là muốn khêu gợi tà ý. Tự nhiên tai tôi đỏ lên, tôi liếc nhanh sang Nguyệt. Hình như tôi đã lầm: nàng chẳng mảy may để ý đến tôi sau tiếng thở dài như tiếng gió heo may lướt qua hồ. Tôi nhớ ra mình cũng đã nhiều lần thở dài như thế khi đối diện với càn khôn tĩnh mịch.

"Anh có thấy tức ngực không? Có cái gì đó nặng kinh khủng, nhiều khi muốn vùng lên rứt ra mà không được". Nguyệt hỏi tôi. Tôi ngẩn người, không hiểu nàng muốn nói gì.

Trăng đã lên cao, dội bóng xuống hồ rực rỡ. Tôi lúng túng nói với Nguyệt: "Nguyệt thấy trăng đẹp không, hèn chi thuở trước Lý Bạch ôm trăng mà chết. Hay bây giờ anh nhào xuống hồ, vớt trăng lên cho Nguyệt chơi nghe?" Nguyệt bĩu môi: "Ôm một vầng trăng ảo thì được gì?" Tôi nóng bừng. Câu nói của nàng làm trí tôi giải mã ra muôn nghìn lời giải lung tung. Trong nỗi hoang mang, tôi bất giác xích lại gần Nguyệt. Bộ ngực phập phồng của nàng mẩy tròn chật chội dưới lớp áo. Nhưng nàng chẳng chú ý gì đến tôi. Đôi mắt nàng cứ dạo quanh hụt hẫng như tìm kiếm trên những con đường vắng vẻ trong hồ. Tôi nhìn theo ánh mắt ấy: chỉ thấy lặng lẽ. Khi tôi quay lại thì Nguyệt đã bước đi, trong mắt tôi là cái hình ảnh khiếm khuyết đáng yêu của người đàn bà ân sủng đã đến với hội thơ chân đất điêu linh. Còn lại một mình, tôi nhìn ra hồ và chợt nhận ra cái cảm giác khó tả mà Nguyệt từng cảm thấy: tôi tức ngực, choáng ngợp như có một hòn đá nặng đè lên thân thể.

Bẵng một dạo Nguyệt không đến đàn nữa. Cả bọn đều thấy thiêu thiếu, nhơ nhớ tiếng đàn nhưng không dám nói ra vì thấy vẻ ủ rũ khác thường của Tư. Thơ ca bỗng dưng nhạt phèo. Tôi hỏi trung niên thi sĩ: "Sao, tuần này bác có chấm được câu nào không?" Ông cười cười, lắc chòm râu ngược ngạo: "Thơ tụi bây tuần này giống như hến luộc". Thìn cầm bút lông trầm ngâm trên trang giấy lụa, bỗng chốc như xuất thần, viết thật nhanh hai dòng chữ như bướm bay:

Sớm mai chợt nhớ xuân hồng
Tôi qua ngọn cỏ nghe nồng giọt sương

Tôi ngạc nhiên vì câu thơ không giống giọng thơ của Thìn. "Thơ này lẳng lơ lắm, không phải thơ thiền". Trung niên thi sĩ gạt đi: "Cậu chẳng biết gì. Chính là thiền đấy!"

Tuần sau nữa, không thấy Tư râu. Thiệp chân cò bảo tôi: "Thằng Tư bị vợ hành". Nghe nói tối nào vợ hắn cũng giăng một mớ xô chậu lỉnh kỉnh dưới chân giường rồi đóng chặt cửa buồng, bắt anh chồng ngủ ngoài. Nửa đêm, tưởng vợ ngủ say, Tư thò tay thớn cửa định rút then, không dè Nguyệt phát hiện, lấy dao rẹt ngang một đường, mười ngón tay Tư chảy máu.

Tôi khiếp. Cái cô nàng miệng cười núng nính hóa ra khi đã nổi cơn lại dữ như vậy. Có thể cái buổi ngồi gần tôi hôm nào là nguyên nhân đưa gia đình Nguyệt đến chỗ ấy? Tôi buột miệng nói lên nỗi lo âu của mình. Trung niên thi sĩ phì cười: "Ông lúc nào cũng mơ hồ. Hôm nay ai luộc ốc? Thiệp chân cò nhé? Thìn này, cậu lấy giấy bút ra đi. Câu này của mình, cậu không thể không ghi lại được. Và ông đọc thong thả, mắt nhìn chăm chăm vào người đang viết:

Đêm qua thằng cuội khoèo rơi cái rằm

Một màu đỏ ửng từ mang tai Thìn hiện ra rồi lan xuống cằm, xuống cổ. Hắn chững lại bảo: "Ông giỏi lắm. Nhưng cho tôi chữa lại một chữ. "Đêm nao, thằng cuội khoèo rơi cái rằm". Đêm qua, vẫn còn xác định, mà đây là chuyện tình cờ, vô định, nảy sinh từ nhân duyên". "Giỏi! vậy viết nữa đi!". Trung niên thi sĩ bảo. Tôi cáu: "Các ông coi thường bọn này vừa vừa chứ. Nói chi mà y như hũ nút".

Tối đó, tan cuộc, tôi ghé qua nhà Tư râu, thấy Nguyệt đang xếp dọn áo quần trong tủ. Mặt cô bị ai đánh không rõ, sưng lên từng mảng tím tái.

Ba hôm sau, tôi nghe tin Nguyệt đã trốn đi, cả Thìn cũng biến mất. Đúng là tôi lúc nào cũng mơ hồ. Cả đời, tôi chưa từng chạm tới một điều gì có thật. Tôi ra về trong tiếng ễnh ương ran lên trên hồ. Hồ Tịnh Tâm, mà sao tâm tôi không tịnh?

Ít lâu sau Tư râu phát điên, khoác bao tải đi trên đường, miệng vẫn luôn lẩm nhẩm đọc thơ. Kỳ lạ thay, những vần thơ hắn đọc bây giờ lại sắc sảo hơn. Có lần gặp hắn, tôi chặn lại chìa cho điếu thuốc. "Đi đâu, Tư?". Hắn cười, vẫn cái cười thơ ngây trên khuôn mặt đẹp trai lem luốc. "Ta đi tìm Phật trong ma, tìm thánh trong quỷ, tìm ta trong mình". Tôi muốn khóc. "Tư ơi, thơ tỉnh thế, sao mày lại điên?" Tư gật đầu "Em bỏ ta, ta bỗng hóa thiên tài. Ông không biết à? Những thiên tài đều điên loạn". Tôi trở về, kể lại với trung niên thi sĩ. Ông nhét thuốc lào vào điếu, ủ rũ: "Không phải bây giờ thằng Tư mới điên. Nó đã điên từ cái lúc đưa vợ đến chòi thơ này. Một cái ao tù chỉ chờ dịp để nổi sóng".

Một ngày cuối năm, trung niên thi sĩ rời chúng tôi quay về đất Bắc. Cô nàng nữ sĩ chân giày đã bảo "Một nhà thơ danh tiếng như anh mà lại để chòm râu trước ngực, tóc phủ quá tai, với bộ bà ba vải thô và cái bị lát, trông chán lắm". Thế là nàng chỉ chấp nhận ông vào thế giới của nàng nếu ông chịu cạo râu, hớt tóc, mặc âu phục và thắt cravate cho xứng với tài năng của mình và vị trí của nàng trong xã hội. Điều này quá dễ, nhưng xúc phạm đến lòng tự trọng của trung niên thi sĩ. "Màu cờ sắc áo của mình, không thể bỏ đi dù là trước tình yêu hay cái chết." Sau khi hoàn tất một trường ca ràn rụa máu tươi, ông ra đi, và hội thơ cũng tan. Mùa thu năm ấy một cơn bão đã giật đổ mái đình lục giác và cuốn bay luôn cả căn chòi. "Đêm nao thằng cuội khoèo rơi cái rằm", câu thơ của trung niên thi sĩ vẫn còn trên vách cho đến khi căn chòi thơ tiêu tan trong gió.

Tháng sáu năm nay, đêm rằm, tôi và mấy người bạn thơ còn sót lại bỗng nảy ra ý quay lại hồ xưa. Chẳng còn gì, ngoài hoa sen tàn sắp hết. Trăng chiếu trên những mô đất cũ, và cây lá xì xào, gợi nhớ tới những bóng người thuở trước.

Giờ đây quanh cút rượu chỉ còn tôi, Hoạch xích lô và Ngàn Khơi. Tuấn, chàng giáo viên giỏi chữ Hán lâu nay không làm câu đối nữa. Các trường bán công mở ra nhiều cho nên quanh năm chàng bận rộn dạy giờ và phải đi nhậu với đồng nghiệp. Thi thoảng gặp tụi tôi hắn ngồi nhâm nhi không quá một ly, dúi cho một ít tiền rồi vội vã đi. Thiệp đã vào Nam tìm kế sinh nhai. Hoạch xích lô băn khoăn: "Chân cò tay nhện như hắn, vô Sài Gòn làm chi để sống?" Tôi lặng yên, nhớ lại khuôn mặt thư sinh xanh rớt. Ngày ấy cũng như tôi hắn có nghĩ gì đến cơm cháo đời thường, chỉ mong cuối tuần có thơ được lọt mắt xanh của Tao Đàn Đại Nguyên Súy.

Trung niên thi sĩ đã chết. Ông bị xơ gan cổ trướng. Lúc sắp mất, ông viết thư cho tôi: "Anh khuyên em nên bớt rượu chè". Lời khuyên đã muộn, từ lâu tôi chỉ còn lạc thú là rượu. Rượu thấm đẫm linh hồn và thể xác tôi đến nỗi không còn gì dẫn dụ tôi được nữa, kể cả những người đàn bà giá ba nghìn ở Bến Me nay cũng chỉ còn là những hạt bụi hổ nhục xa mờ trong ký ức.

"Còn Thìn với con Nguyệt, có tin tức chi không?" Tôi thu hết can đảm để nhắc tới hai cái tên lâu nay không ai còn đá động đến nữa. Hoạch xích lô cười như thở hắt ra.

- Nghe đâu đang cuốc rẫy ở một nơi nào đó xa tít mù thuộc Bà Rịa.

Tôi nghĩ đến một miền đất xa xôi nắng như thiêu, nhớ cái vẻ cười núng nính của Nguyệt, cái dáng người khiếm khuyết đáng yêu của cô, bây giờ có lẽ đã héo tàn dưới những cơn hạn lửa của năm này. "Chẳng biết chúng nó có hạnh phúc không?".

"Hạnh phúc cái con khỉ!" Ngàn Khơi đáp, hậm hực. "Sao trời lại cho nó đi mãi, không quay về để nhìn thấy thằng Tư, rách rưới lang thang như một linh hồn vất vưởng. Hai đứa con thì cạo đầu làm tiểu nơi một ngôi chùa xa tít. Mà đổi lại gì? Bỏ một anh thi sĩ chân đất, lại theo một anh chân đất thi sĩ. Bỏ một xứ hiu hắt, lại đến một nơi hắt hiu. Thật không thể nào hiểu nổi!"

Tôi cúi đầu, thinh lặng. Hoạch xích lô ngáp dài, phán một câu triết lý:

- Người ta bảo trên đời có hai bi kịch. Một là không đạt được ước mơ, hai là đạt được nó.

Tôi không nói gì. Ừ, Thìn ơi, cái vầng trăng mà đêm nao mày khoèo rơi xuống nay hẳn có lúc mày phải tiếc nuối sao không để mãi trên cõi trời thăng hoa. Nhưng những ý nghĩ ấy có đúng không, khi tôi cũng như Hoạch và Ngàn Khơi không phải là Thìn, không phải là Nguyệt. Và lẽ nào ba chúng tôi, những người đang ngồi ngáp ở một góc hồ này, lại là những người hạnh phúc?

Rượu hết, Hoạch và Ngàn Khơi nằm phơi bụng, ngủ quên dưới trăng. Tôi một mình trở về. Uống rượu bây giờ không khí thế như năm xưa nữa rồi. Trước mặt tôi, con đường xuyên qua hồ sáng loáng, tiếng dế ran lên, dội âm âm trên mặt nước. Trăng mũm mĩm làm tôi khát sống vô bờ bến. Nhưng đã muộn. Cả vầng trăng và chú Cuội đang tận cùng trong hành trình vô vọng, Tư râu đang tận cùng trong cõi điên rồ, còn tôi, tôi không có gì đến cùng cả, tôi lửng lơ giữa hai đầu sinh diệt. Thơ ơi, thơ có cứu rỗi đời tôi không?

Không phải là lần đầu, nhưng đây là lúc tôi thấy rõ nhất cái nặng khủng khiếp của trống rỗng và hiu quạnh. Tôi tức ngực, choáng ngợp như có cái gì đè nặng lên thân thể. Tôi biết, Nguyệt đã đi vì không chịu nổi cảm giác ấy: sức nặng của một vùng đời hoang vắng luôn chờ bão tới.

Tiếng chân tôi gõ trên đường trăng, và những tiếng vang nghe rờn rợn như có bàn chân ai đó bước sau lưng. Tôi rùng mình, chợt hiểu vì sao người ta bảo rằng những nơi hoang vu thường có quỷ.
1999

T.T.M
(241/03-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 839 ra ngày 01-12-2013 có đăng  bài Kỷ niệm về một bài thơ & một câu hỏi chưa lời giải đáp của Nguyễn Cẩm Xuyên. Vấn đề nêu lên rất thú vị: đó là cách hiểu chữ giá trong bài thơ Cảnh nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ này trong nguyên văn chữ Nôm không có tên gọi. Những người soạn giáo khoa đã căn cứ vào nội dung đặt tên cho bài thơ là Cảnh nhàn và đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường trước đây.

  • Ký ức về những tháng ngày mải miết hành quân trên đất Campuchia, những phút giây nén lòng nhớ về quê hương, gia đình… vẫn chưa bao giờ nhạt phai trong tâm thức những người cựu chiến binh Đoàn 367 đặc công-biệt động trong kháng chiến chống Mỹ năm xưa.

  • LÊ VIỄN PHƯƠNG

    (Nhân đọc Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng của Nguyễn Đăng Điệp, Nxb. Văn học, 2014)

  • Cuốn Minh triết Việt trong văn minh Đông phương của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhằm mục đích góp phần làm sáng tỏ cội nguồn văn hiến của dân tộc Việt qua sự phân tích những di sản văn hóa truyền thống bằng các phương pháp mang tính khoa học.

  • 17 chân dung các nhà học thuật Việt Nam thế kỷ 19 và 20 qua các tiểu luận nghiên cứu ẩn dưới dạng thức tùy bút của  Đỗ Lai Thúy đủ sức vẫy vào nhận thức người đọc hôm nay những vỡ lẽ mới.

  • Giáo sư hy vọng độc giả cũng cảm thấy như mình khi đọc "Lòng người mênh mang" bởi các trang viết chứa đựng những sự thật không thể chối cãi.

  • Tác giả Phạm Xuân Hiếu sử dụng vốn sống, kiến thức về văn hóa, cổ vật khi viết những truyện ngắn trong sách "Cây đèn gia bảo".

  • LÊ HUỲNH LÂM  

    Có một bạn trẻ hỏi rằng: làm thế nào để viết thật hay? Tôi nói như phản xạ, trước hết tác giả phải có đời sống văn chương.

  • NGỌC THANH 

    Có một nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng đầy nhân cách đi ra từ Huế song rất ít người ở Huế biết tới, đó là Trần Hoài Quang - nguyên Trung đoàn phó và chính trị viên Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật (E95), nguyên Phó ban Tuyên huấn Thừa Thiên, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên… Ông hiện có một người con trai đang ở Huế.

  • “Như vậy đó, hiện đại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở, giàu có và khó nghèo chen lẫn, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện lên trước mắt ta, ngồn ngộn sức sống”. Nhà báo, nhà văn Phan Quang đã thốt lên như vậy cách đây gần 40 năm, khi ông lần đầu đặt chân đến vùng đồng bằng châu thổ. Những điều ông viết về ĐBSCL ngày ấy - bây giờ còn tươi mới tính thời sự, lan tỏa và trường tồn với thời gian.

  • ĐẶNG HUY GIANG

    Thói quen, nói cho cùng, là sản phẩm của quá khứ, là những gì lặp đi lặp lại, không dễ từ bỏ.

  • Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi...

  • BÍCH THU
    (Đọc Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức, Nxb Văn học, 2007)

    Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức là cuốn sách tập hợp những ghi chép và nghiên cứu về nhà văn Tô Hoài, một tác gia lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Đây là cuốn sách đầu tiên kết hợp hai phương diện ghi chép và nghiên cứu, góp một cách tiếp cận đa chiều và cập nhật về con người và sự nghiệp của nhà văn.

  • Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.

  • Phát hành tập thơ "Khi chúng ta già" sau scandal với Phạm Hồng Phước, tác giả Nguyễn Thị Việt Hà khẳng định thơ mình không cần ăn theo sự kiện gì.

  • Tác giả Tử Đinh Hương thực hiện bộ sách "Biểu tượng" với mong muốn khám phá, lưu giữ và khuyến khích trẻ nhỏ quan tâm hơn đến thế giới xung quanh.

  • Sách được các sư cô Thiền viện Viên Chiếu lược dịch, biên soạn từ nhiều nguồn tư liệu, chủ yếu là tư liệu chữ Hán, tiếng Anh, giúp người đọc hiểu thêm con đường tu tập của pháp sư Huyền Trang.

  • Soạn tâm thế an nhiên khi bước vào tuổi già, nhẹ nhàng đón đợi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống... là điều mà trang viết của vị bác sĩ mê văn thơ đem đến cho độc giả.

  • Phó giáo sư Đỗ Lai Thúy thông qua cuốn sách "Vẫy vào vô tận" đã giới thiệu 17 chân dung các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu có đóng góp cho con đường học thuật và tư tưởng của đất nước.

  • BỬU NAM

    Nguyễn Quang Lập - Trần Thùy Mai - Ngô Minh - Phạm Tấn Hầu - Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thị Duyên(*)