Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình

08:58 03/12/2014

LTS: Bạn đọc cả nước biết đến Trần Vàng Sao từ thời chống Mỹ những năm 70 qua tác phẩm khá nổi tiếng: "Bài thơ của người yêu nước mình".

Chân dung tự họa của Trần Vàng Sao

Bẵng đi một thời gian khá lâu, không thấy thơ Trần Vàng Sao xuất hiện. Anh vẫn viết, nhưng vì một lẽ nào đó - có thể là do cái khuynh hướng đơn giản một chiều trong văn nghệ đang thịnh hành, hoặc anh chưa tìm được bạn tri âm… - nên anh không gửi in. Cho đến Sông Hương số 12 - số kỷ niệm 10 năm Huế giải phóng, mạch thơ Trần Vàng Sao cũng được "giải phóng". Anh có bài đăng liền các số 12, 16, 19, 23, 29 và được Sông Hương tặng thưởng về thơ hay năm 1985. 5 năm Sông Hương, 5 lần thơ Trần Vàng Sao xuất hiện, không nhiều, nhưng giọng điệu thơ của anh không lẫn với bất cứ ai. Điều ấy, không phải tác giả nào cũng đạt được. Xin giới thiệu một tác phẩm mới của anh.


TRẦN VÀNG SAO

Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình

1. Tôi tuổi tý
Năm nay bốn mươi ba tuổi
Thường không có một đồng trong túi
Buổi sáng buổi chiều
Thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
Trong nhà ngoài sân với hai đứa con
Cây cà cây ớt
Con chó con mèo
Cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
Cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
Thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn
Hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết
Một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa
Miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ
Cũng không có chi phiền
Vấn một điếu thuốc hút
Hai ba lần tắt đỏ
Rồi nửa chừng rách giấy
Bạn bè gặp nhau
Cho uống một ly cà phê
Một lần
Qua hai lần phải tránh
Không phải ai cũng nghĩ như mình
Nhiều đứa vui gặp nhau cho năm ba đồng một chục
Đưa tay cầm lấy
Miệng nói không được
 
2.
Tôi thấy tôi như người tù được thả rông
Lang thang giữa đường giữa phố
Nhìn hết mọi người
Xem mình lâu ngày mặt mũi có khác người không
Tôi đi lui
Tôi đi tới
Phố phường đông chật
Tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ
Chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng
Tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc
Lấy chân hất một hòn đá
Cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề đường
Rồi đi về
Qua cầu dép sút một quai
Tôi không muốn nhớ gì hết
 
3.
Tôi ngồi trên hòn đá trước nhà
Buổi chiều không có một con chim đậu trên cây
Đám trẻ con chia phe bắn nhau cười la ngoài sân
Đứa sống đứa chết cãi nhau ăn gian chửi thề
Những người đi bán về nói chuyện to
Hai đứa nhỏ nhà bên cạnh cầm đèn che miếng lá chuối
Qua xin lửa hỏi tôi nấu cơm chưa
Tôi cười lắc đầu muốn đi ngủ
Trong gió có mùi rơm cháy
Tôi không biết làm gì hết
Tôi bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát
Đám trẻ con bỏ chơi chạy theo phá đàn trâu bò đi qua
Tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một cây đèn để lên bàn thờ
Hai đứa con ra ngoài đường chờ mẹ chưa về
Trời còn lâu mới tối
Tôi đi gánh một đôi nước uống
 
4.
Tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình
Không định được ngày mai
Có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai cái kẹo gừng
Có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
Mả cha cuộc đời quá vô hậu
Cơm không có mà ăn
Ngó lui ngó tới không biết thù ai
Những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất
 
5.
Lâu ngày tôi thấy quen đi
Như quen thân thể của mình
Tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi
Buổi chiều không có cơm ăn
Những con ruồi ăn nước mũi khô trên má
    những đứa đau quan sát những con chuột
        chết lòi ruột ở bến xe đò
Những tiếng cha mẹ vợ chồng anh em
    con cái chửi bới la hét trong bữa ăn
Người điên ở trần đứng làm thinh
    giữa trời mưa ngoài chợ
Những ngày hết gạo hết tiền hết củi
    muối sống không còn một hột của tôi
Những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
Hai mắt tôi mở to
Đầu tôi cúi thấp
Miệng tôi há ra
Những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
            dồn cứng chật cuống họng
 
Nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
Họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng
 
6.
Nhiều khi tôi quá chán
Chân tay rã rời
Đầu óc đau nhức
Không muốn làm gì hết
Mấy đứa nhỏ chơi buôn bán bỏ đi đâu không biết
            để đất đá lá cây đầy nhà
Tôi dựa cửa ngồi yên một chỗ
Dụi mắt nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác
Nói chi tới những đứa đã chết trên rừng giữa phố
Bạn bè có đứa giàu đứa nghèo
Đứa ngụy đứa cách mạng
Đứa của tiền ăn tiêu mấy không hết
Đứa không có được một cái áo lành
Đứa đi kinh tế mới ba bốn bảy tám năm
             trở về xách một cái bị lát
Mặt cắt không có một hột máu
Đứa đạp xe thồ ngồi vắt chân ăn củ sắn
            chờ khách ở bến xe
Đứa vô tích sự ở nhà không có việc chi làm
Có đứa râu tóc dài che kín mặt
Có đứa tàn không nhớ mình tên chi
Có đứa chịu không nổi dắt vợ con vào nam
            ăn chợ ngủ đường
Mỗi lần gặp nhau mở to mắt cười hút một điếu thuốc
Hết chuyện nói
 
Hai đứa con đi chơi về cười nói
Đứa nhỏ bắt tôi đánh trống
        cho nó làm ông địa múa thiên cẩu
 
7.
Cái trống lon mặt ni lông và hai chiếc đũa tre
Tôi đánh
Múa đi các con
Này đây cái nón gãy vành làm đầu thiên cẩu
Và sợi dây chuối treo ngọn lá làm tiền
Múa đi các con
Cái bụng ông địa to tròn giơ lỗ rún gài nút áo không được
Ông địa chống tay vỗ bụng ngửa mặt lên trời cười ha ha
Tôi vỗ tay hoan hô
Và không biết mình có nhớ ra được
        cái mặt ông địa không

 
Vỹ Giạ tháng 09-1984


(SH32/08-88)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGÔ MINHThơ tặng tuổi 50

  • NHẤT LÂMBên hồ Thanh Thủy

  • NGUYỄN QUANG HÀTổ Quốc

  • NGÔ MINHThơ đề trên phiến mai non

  • ĐỖ VĂN KHOÁILần đầu với Thanh Hóa

  • Võ Quê - Thanh Tú - Nhật Hoài Phương - Liễu Thượng Văn

  • NGUYỄN QUANG HÀ                   Bút ký thơ

  • Minh ơi            Gửi hương hồn em tôi

  • TRẦN HOÀNG PHỐ     ĐÔNG HÀ          NGUYỄN THIỀN NGHI

  • Sinh năm 1973, quê Đại Lộc, Quảng Nam. Hiện là giảng viên Hán Nôm, Khoa văn ĐHSP Huế.Thơ anh giàu cảm xúc, luôn bộc lộ những ưu tư, khao khát. Tất cả những gì anh viết là nỗi niềm chân thực như chính bản thân anh.

  • Quê ở Kim Long - Huế, hiện sinh sống tại thành phố Hồ Chí  Minh.Có nhiều thơ in báo, in tuyển tập, in chung và 2 tập riêng: Lan miền Hương Ngự (năm 2000), Biếc xanh em (năm 2004).Đã là phái đẹp, hơn nữa lại đẹp trên xứ sở “mĩ miều” vốn nổi tiếng đất kinh kì (Kim Luông có gái mĩ miều/Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi) lại còn làm thơ như chính Nàng thơ tuỳ nhiên “hiển thị”.Thơ Võ Ngọc Lan hồn nhiên mà kín đáo, dung dị mà đằm thắm... Sông Hương trân trọng giới thiệu chùm thơ mới của chị.

  • LTS: Trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7. 2009. Trại sáng tác VHNT Quảng Điền 2009 đã được tổ chức bên bờ biển thôn Tân Mỹ ngập tràn nắng gió. Nhiều giai điệu đã được cất lên trong âm vang sóng vỗ. Nhiều dòng thơ đã được khơi nguồn cảm hứng từ trầm tích văn hóa Tam Giang. Sông Hương xin giới thiệu một số tác phẩm đó do các văn nghệ sĩ vừa mới chuyển về.

  • Tên thật là Nguyễn Minh Châu, sinh năm 1947 tại Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An. Hiện sống và viết tại Hà Nội.Là thương binh 2/4, từng đánh giặc và làm thơ ở các mặt trận Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ từ năm 1966 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.Thơ Châu Nho xuất hiện lần đầu trên văn đàn cùng thời với Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật v.v...Sau một thời gian khá dài phải vừa chạy chữa vết thương ở chiến trường tái phát, vừa lo ngăn chặn “vết thương” ở thương trường có thể xảy ra, anh lại tự “cân bằng” mình với thơ.Sông Hương trân trọng giới thiệu chùm thơ của anh viết về Huế và về đời thường người thương binh trong công cuộc đổi mới.

  • Sinh năm: 1949Quê quán: Lệ Thuỷ, Quảng BìnhTốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du (Khoá 1)Hội viên Hội Nhà văn Việt NamUỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam

  • LTS: Xưa nay, trong đời thường, vẫn có những người làm thơ một cách lặng lẽ rồi lại đem cất giấu đi cũng rất lặng lẽ. Về phương diện này, họ sống như những người mai danh ẩn tích. Hẳn bạn đọc còn nhớ, hơn chục năm trước, một cán bộ văn phòng Hội Nhà văn đã gây ngạc nhiên trên văn đàn với hiện tượng thơ Phùng Khắc Bắc từ hiệu ứng lặng lẽ ấy. Đó là khi qua đời, người ta đã phát hiện ra di cảo thơ của ông, rồi đem in, rồi được giải thưởng, rồi nó mang tên tuổi ông vào chễm chệ trong Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XX.Chúng tôi có ý định dành cho bạn đọc một sự ngạc nhiên mới nhưng rất đáng tiếc là người thơ lặng lẽ ở đây vẫn muốn được “bình an” và chỉ đồng ý công bố tác phẩm với bút danh Trà Mi.Cái tên rất mới với Sông Hương và cũng sẽ rất lạ với bạn đọc, nhưng thơ Trà Mi đã có giọng riêng ở đẳng cấp chuyên nghiệp tự bao giờ. Xin mời bạn đọc thử xem có đúng vậy không?

  • VĨNH NGUYÊNTên thật: Nguyễn Quang VinhSinh ngày 3-11-1943Quê quán: Quảng BìnhHội viên Hội Nhà văn Việt Nam

  • BỬU NAMINhiều khi tham thiền ta nhìn bóng ta trên váchChín con mắt linh hồn mở chín cõi xa xămLòng vọng tưởng ta thường mường tượng tới Gió xuân thì thổi rợn những đêm xanh

  • NGÔ MINHGió nồm                Tặng Hoàng Vũ Thuật