LTS: Bạn đọc cả nước biết đến Trần Vàng Sao từ thời chống Mỹ những năm 70 qua tác phẩm khá nổi tiếng: "Bài thơ của người yêu nước mình".
Chân dung tự họa của Trần Vàng Sao
Bẵng đi một thời gian khá lâu, không thấy thơ Trần Vàng Sao xuất hiện. Anh vẫn viết, nhưng vì một lẽ nào đó - có thể là do cái khuynh hướng đơn giản một chiều trong văn nghệ đang thịnh hành, hoặc anh chưa tìm được bạn tri âm… - nên anh không gửi in. Cho đến Sông Hương số 12 - số kỷ niệm 10 năm Huế giải phóng, mạch thơ Trần Vàng Sao cũng được "giải phóng". Anh có bài đăng liền các số 12, 16, 19, 23, 29 và được Sông Hương tặng thưởng về thơ hay năm 1985. 5 năm Sông Hương, 5 lần thơ Trần Vàng Sao xuất hiện, không nhiều, nhưng giọng điệu thơ của anh không lẫn với bất cứ ai. Điều ấy, không phải tác giả nào cũng đạt được. Xin giới thiệu một tác phẩm mới của anh.
TRẦN VÀNG SAO
Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình
1. Tôi tuổi tý
Năm nay bốn mươi ba tuổi
Thường không có một đồng trong túi
Buổi sáng buổi chiều
Thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
Trong nhà ngoài sân với hai đứa con
Cây cà cây ớt
Con chó con mèo
Cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
Cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
Thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn
Hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết
Một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa
Miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ
Cũng không có chi phiền
Vấn một điếu thuốc hút
Hai ba lần tắt đỏ
Rồi nửa chừng rách giấy
Bạn bè gặp nhau
Cho uống một ly cà phê
Một lần
Qua hai lần phải tránh
Không phải ai cũng nghĩ như mình
Nhiều đứa vui gặp nhau cho năm ba đồng một chục
Đưa tay cầm lấy
Miệng nói không được
2.
Tôi thấy tôi như người tù được thả rông
Lang thang giữa đường giữa phố
Nhìn hết mọi người
Xem mình lâu ngày mặt mũi có khác người không
Tôi đi lui
Tôi đi tới
Phố phường đông chật
Tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ
Chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng
Tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc
Lấy chân hất một hòn đá
Cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề đường
Rồi đi về
Qua cầu dép sút một quai
Tôi không muốn nhớ gì hết
3.
Tôi ngồi trên hòn đá trước nhà
Buổi chiều không có một con chim đậu trên cây
Đám trẻ con chia phe bắn nhau cười la ngoài sân
Đứa sống đứa chết cãi nhau ăn gian chửi thề
Những người đi bán về nói chuyện to
Hai đứa nhỏ nhà bên cạnh cầm đèn che miếng lá chuối
Qua xin lửa hỏi tôi nấu cơm chưa
Tôi cười lắc đầu muốn đi ngủ
Trong gió có mùi rơm cháy
Tôi không biết làm gì hết
Tôi bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát
Đám trẻ con bỏ chơi chạy theo phá đàn trâu bò đi qua
Tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một cây đèn để lên bàn thờ
Hai đứa con ra ngoài đường chờ mẹ chưa về
Trời còn lâu mới tối
Tôi đi gánh một đôi nước uống
4.
Tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình
Không định được ngày mai
Có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai cái kẹo gừng
Có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
Mả cha cuộc đời quá vô hậu
Cơm không có mà ăn
Ngó lui ngó tới không biết thù ai
Những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất
5.
Lâu ngày tôi thấy quen đi
Như quen thân thể của mình
Tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi
Buổi chiều không có cơm ăn
Những con ruồi ăn nước mũi khô trên má
những đứa đau quan sát những con chuột
chết lòi ruột ở bến xe đò
Những tiếng cha mẹ vợ chồng anh em
con cái chửi bới la hét trong bữa ăn
Người điên ở trần đứng làm thinh
giữa trời mưa ngoài chợ
Những ngày hết gạo hết tiền hết củi
muối sống không còn một hột của tôi
Những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
Hai mắt tôi mở to
Đầu tôi cúi thấp
Miệng tôi há ra
Những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
dồn cứng chật cuống họng
Nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
Họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng
6.
Nhiều khi tôi quá chán
Chân tay rã rời
Đầu óc đau nhức
Không muốn làm gì hết
Mấy đứa nhỏ chơi buôn bán bỏ đi đâu không biết
để đất đá lá cây đầy nhà
Tôi dựa cửa ngồi yên một chỗ
Dụi mắt nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác
Nói chi tới những đứa đã chết trên rừng giữa phố
Bạn bè có đứa giàu đứa nghèo
Đứa ngụy đứa cách mạng
Đứa của tiền ăn tiêu mấy không hết
Đứa không có được một cái áo lành
Đứa đi kinh tế mới ba bốn bảy tám năm
trở về xách một cái bị lát
Mặt cắt không có một hột máu
Đứa đạp xe thồ ngồi vắt chân ăn củ sắn
chờ khách ở bến xe
Đứa vô tích sự ở nhà không có việc chi làm
Có đứa râu tóc dài che kín mặt
Có đứa tàn không nhớ mình tên chi
Có đứa chịu không nổi dắt vợ con vào nam
ăn chợ ngủ đường
Mỗi lần gặp nhau mở to mắt cười hút một điếu thuốc
Hết chuyện nói
Hai đứa con đi chơi về cười nói
Đứa nhỏ bắt tôi đánh trống
cho nó làm ông địa múa thiên cẩu
7.
Cái trống lon mặt ni lông và hai chiếc đũa tre
Tôi đánh
Múa đi các con
Này đây cái nón gãy vành làm đầu thiên cẩu
Và sợi dây chuối treo ngọn lá làm tiền
Múa đi các con
Cái bụng ông địa to tròn giơ lỗ rún gài nút áo không được
Ông địa chống tay vỗ bụng ngửa mặt lên trời cười ha ha
Tôi vỗ tay hoan hô
Và không biết mình có nhớ ra được
cái mặt ông địa không
Vỹ Giạ tháng 09-1984
(SH32/08-88)
LTS: Thái Ngọc San sinh năm 1947 tại An Thủy, Lệ Ninh. Thơ in trên các báo Sài Gòn cũ từ năm 1963. Trưởng thành qua phong trào đô thị, là nhà thơ tranh đấu của thành phố Huế và các đô thị miền Nam, những bài thơ xuống đường của Thái Ngọc San lưu hành trước năm 1975 đã khẳng định phong cách thơ riêng của anh.
HẢI BẰNGChuông Thiên Mụ
PHẠM TẤN HẦUXứ sở dịu dàng
TRẦN HOÀNG PHỐMùa xuân trong mưa
LÊ THỊ MÂY
NGUYỄN KHOA ĐIỀMmẹ và quả
LÊ HUỲNH LÂMNghĩ về những ngày mưa gió
(Hưởng ứng cuộc thi thơ lục bát)
LTS: Sinh năm 1972, hội viên Hội Nhà văn TT.Huế. Thơ Tường có ấn tượng từ khi còn sinh viên và đã được nhiều giải thưởng như Tác phẩm tuổi xanh, giải VHNT Cố đô Huế, thơ hay Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Cửa Việt…Sau 2 tập thơ Hoa cúc mùa thu và Lá tháng chạp, Tường “nín” một thời gian khá dài rồi lại “Quang gánh” với trường ca. Đã vậy, Sông Hương cũng “Quang gánh” lại trường ca này với đề tựa của nhà thơ trẻ Lương Ngọc An.
NGÔ MINHViếng anh Thanh Hải
ĐỖ VĂN KHOÁIMưa trên sông tôi về
NGUYÊN QUÂNĐêm trên Bạch Mã
HẢI TRUNGBờ kè hạnh phúc
THANH TÚĐồng điệu xanh
Ngày 1 - 4 - 2010, Đại tá, nhà thơ Nguyễn Trọng Bính vĩnh viễn không còn làm thơ nữa! Quê gốc Hà Tĩnh, Nguyễn Trọng Bính nguyên là Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, một con người nặng tình với Huế và Tổ quốc ông từng cầm súng bảo vệ này. Viết bài thơ dưới đây, ông như đã đoán định được ngã rẽ phía trước dẫu còn nhiều trăn trở đúng với nỗi lòng của một nhà thơ mang theo mình 40 năm tuổi Đảng.
LÊ VIẾT XUÂNĐi tìm
NGÔ MINHCơm niêu
HẢI BẰNG Rút từ trong di cảo Ký ức thơ
NGUYỄN LÃM THẮNGNgợp tình
NGUYỄN KHOA NHƯ ÝĐắm đuối